Đăng Nguyên

 

Tiểu sử:

Tên thật : Nguyễn Đáng

Bút hiệu : Lam Kiều, Đăng Nguyên

Sinh năm 1944 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.Cấp bậc cuối cùng : Đại Úy. Phục vụ tại Sư Đoàn 18 và Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH.Cựu Tù Cải Tạo qua các Trại Long Giao, Trại 12, Trại 9, Trại 7 (Hoàng Liên Sơn), Trại Nam Hà, Trại Z30A Xuân Lộc.

Qua Mỹ diện HO 8. Định cư tại các Tiểu Bang North Carolina, Maryland và Texas.

Gia nhập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Trung Tâm Văn Bút Miền Đông nay là Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, đã  được bầu vào các chức vụ Tổng Thư Ký( hai nhiệm kỳ) Phó Chủ Tịch ( hai nhiệm kỳ) Chủ Tịch ( hai nhiệm kỳ) . Hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Định Chế trực thuộc Ban Chấp Hành Văn Bút VNHN.

Tác Phẩm đã xuất bản:

Dòng Sông Đen ( Bút hiệu Lam Kiều) giải thưởng thơ  Trường Quốc Học Huế ( 1962).

  • Đã Khô Dòng Lệ, thơ , Cỏ Thơm Xuất Bản ( 2004).
  • Dòng Mực Tha Hương, thơ (2015)

 

Thi sĩ

Đăng Nguyên

Chủ tịch Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ 

nhiệm kỳ

2013  đến 2016

Tham dự Đại Hội Văn Bút Toronto

Họp Mặt Văn Hữu

Nam California

Sinh hoạt cùng hội Văn Bút Hải Ngoại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ

Tham gia quảng bá sách cho hội viên trong những  ngày Hội Xuân  và Ra Mắt Sách tại vùng Hoa Thịnh Đốn


Cùng các Văn Thi Hữu

Tình nghĩa với người quá cố

Kính mời quý vị nhấn vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức những bài thơ

của thi sĩ Đăng Nguyên

Trang Thơ Của Thi Sĩ Đăng Nguyên 

THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM

Hôm nay không có gió

Không em đứng đợi đầu cầu

Đường về Nam Giao – Bến Ngự

Sông buồn soi bóng trăng thâu.

 

Còn nhớ nhau chăng nữa !

Đường về đâu có mắt xanh

Lưng trời mây bay lờ lững

Trang thơ dấu kín tâm tình.

 

Hôm nay không có gió

Không ai đứng đợi đầu cầu

Đèn khuya chong năm bảy ngọn

Nhịp buồn mấy khúc thương đau.

 

Ai còn nhắc tên nhau nữa

Ngày xưa kỷ niệm phai rồi

Còn đâu con đường trăng cũ

Bóng cây và bóng mây trôi.

 

Hôm nay không có gió

Em không đứng đợi đầu cầu

Đường về Nam Giao – Bến Ngự

Không biết tìm em đâu ?

                               Đăng Nguyên

                              ( Đã Khô Dòng Lệ )

GỬI ÁNG MÂY TRÔI

Nói với người những lời chưa kịp nói

Chiều ba mươi nơi góc phố mưa buồn

Hai ngả đường chia hai ngả cô đơn

Người quay về còn ta vào sương gió.

 

Cõi người về u hoài đôi mắt đỏ

Cõi ta đi gian khổ mấy phương trời

Tưởng lìa nhau qua mấy độ Thu rơi

Đâu ngờ xa là lìa xa nhau mãi.

 

Ta mất người vì mất rồi sông núi

Một nửa đời không giữ nổi quê hương

Còn lại nửa đời lận đận mười phương

Ôm khối tình chung không nhà không nước.

 

Có kỷ niệm nào mà không quên đươc

Có ước mơ nào chung cuộc chẳng vui

Sông núi riêng ta đau xót ngậm ngùi

Chừ cách ngăn nơi phương trời vô định.

 

Nói với người những lời xưa câm nín

Góc phố buồn hiu hai đứa hai đường

Lời tạ từ một nửa kiếp yêu thương

Nửa kiếp sầu vương mây trời phiêu lãng.

                                   Đăng Nguyên

                                ( Đã Khô Dòng Lệ )

LẠC NẺO THU

 

Ai biết lòng ta những héo khô

Nỗi buồn diệu vợi nỗi âm u

Vang vang từ cõi đời hư thực

Ru mãi trong tim điệu ngục tù.

 

Ta với tay lên cành lá úa

Nhớ màu xanh thẳm đã hoang vu

Trăm năm rồi cũng sầu ly biệt

Thương quá giòng đời dạ ngẩn ngơ.

 

Tạm biệt xứ vàng hoa lá thắm

Đi xa để lại những mong chờ

Bàn tay ấm áp vô biên đợi

Dòng mực tha hương mãi lững lờ.

 

Ta đau như thể hồn du mục

Cảm nhận tình thương khó tạ từ

Em ơi sâu thẳm trong hồn nứơc

Lơ lng mây chiều mới lướt qua.

 

Vẫy tay từ giã người như ngọc

Ta thấy lòng ta đau kiếp xưa

Tóc rủ bờ vai ai réo gọi

Mà cả tình ta gió lạnh mùa.

                             Đăng Nguyên

HỒN THU

Bởi có Mùa Thu lá mới vàng

Heo may về gọi nhớ miên man

Vòng tay em nối vòng tay mẹ

Ôm cả quê hương tiếng dịu dàng.

 

Nên Thu vẫn thắm tình nguyên vẹn

Sông núi dù xa mấy dặm ngàn

Anh vẫn còn em bên cánh cửa

Dù đời chia biệt chẳng ly tan.

 

Đất Mỹ xa xôi lòng chẳng Mỹ

Mang mang hồn lạc cõi trời Nam

Bốn mùa nhưng chẳng mùa riêng biệt

Màu nhớ y nguyên chẳng lụn tàn.

 

Gửi em chiếc lá vàng Thu cũ

Ép mãi trong tim thu bẽ bàng

Duyên kiếp còn không thì cứ đợi

Thiên thu còn mãi mộng thênh thang.

                                    Đăng Nguyên

Họa:

Nhặt mảnh Thu

Thương cành trụi lá điểm màu khô
Sắc xám bao tràn khoả tối u
Lấp lửng trần gian trời xuống thấp
Sầu thăm thẳm đoạn buốt giam tù

Dang tay lượm xác hoa tàn rũ
Cúi xuống bâng khuâng dạ thẩn thờ
Cõi thế luân lưu sầu vạn cổ
Thương vời giấc mộng lặng thầm ngơ

Xa rồi cuộn mảnh đời hoang phế
Nhặt bóng thời gian cố đợi chờ
Khắc khoải bồi hồi đêm tựa nguyệt
Ưu phiền dỗ giấc muốn say lơ

Tứ khổ ly sầu nuôi vọng tưởng
Men say vẫy bút nối ngôn từ
Mềm môi uất nghẹn hồn non nước
Tổ quốc đan mờ ký ức qua

Hạ ghé, thu về, đông ảo não
Bên bờ kỷ niệm nhớ nguồn xưa
Trăng thề lạc bước đời phiêu lãng
Giấu mảnh gầy hao đắp những mùa


Minh Thuý Thành Nội
Tháng 10/9/2020

Họa:

Màu Thu nỗi Nhớ

 

Vì Thu mắt nhuộm lá khô vàng
Gọi gió ru hồn cảnh dại man
Dịu vợi làn mây thêm quyến luyến
Trời sương khói trắng dậy mơ màng

Bởi nhớ mùa thu nào lỗi hẹn
Quê hương cách trở nước non ngàn
Từng đêm gối nguyệt em thầm khóc
Ủ cuộc tình này chẳng vỡ tan

Trời Âu đất Á sầu tê tái
Vẫn chập chờn sâu bóng Việt Nam
Thuở biết yêu thương hình dáng ấy
Đau cuồng cuộn mãi khó phai tàn

Ký ức thu buồn trăng giã biệt
Cầm tay nhỏ lệ gốc cây Bàng
Cung buồn phận số đành thêu mộng
Chẳng nhạt bên đời áo tím thang

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 10/9/2020

QUÊ HƯƠNG NÀO THƯƠNG NHẤT
Em sinh ra ở Mỹ
Không biết buồn Việt Nam
Ngày ngày nghe mẹ kể
Đêm đêm nghe cha than.
 
Nước Việt Nam nhỏ bé
Nhưng tình yêu chứa chan
Bốn nghìn năm dựng nước
Bao trang sử huy hoàng.
 
Trên đồng lúa chin vàng
Líu lo đàn chim hót
Vườn cây xanh trái ngọt
Bao quanh lũy tre làng.
 
Quê hương bao huyền thoại
Chiến tranh gieo điêu tàn
Đời cha đi chinh chiến
Ngậm ngùi thân nát tan.
 
Hồn thơ ngây trẻ dại
Em thích chuyện hoang đường
Mẹ dào dạt tình thương
Cha vấn vương hồn nước
 
Lớn khôn em hiểu được
Tình máu đỏ da vàng
Thì cha không còn nữa
Hồn phiêu du Thiên Đàng.
 
Em sinh ra ở Mỹ
Không biết buồn Việt Nam
Em có hai quê hương
Quê hương nào thương nhất !
                    Texas, Đêm buồn Tháng Tư 2020
                                    Đăng Nguyên

VIỆT NAM ƠI !

 

Tôi sinh ra ở Huế

Mang buồn nước sông Hương

Tuổi thơ ngây nhỏ dại

Rong chơi khắp phố phường.

 

Lớn khôn thời chinh chiến

Bước chân vào quân trường

Thủ Đức mồ hôi đổ

Dào dạt đời súng gươm.

 

Đơn vị đầu binh nghiệp

Sừng sững núi Chứa Chan

Thần tiễn cứu giang sơn

Vang danh hồn Xuân Lộc.

 

Ai ngờ rồi nước mất

Lưu lạc ở quê người

Mỗi lần Tháng Tư đến

Đăm đăm mắt nhìn trời.

 

Tôi sinh ra ở Huế

Hồn chiến địa khắp nơi

Tuổi già nơi đất khách

Việt Nam Việt Nam ơi !

                 Texas, tháng Tư  2020

                            Đăng Nguyên

HUẾ VẪN DỄ tHƯƠNG

Có một nơi đời rất dễ thương

Dù cho trời đất lắm tai ương

Điệu hò câu hát đầy thân thuộc

Màu áo em tôi đẹp lạ thường.

 

Ở đó tình yêu như thắm lại

Con đường Lê Lợi lạnh hơi sương

Theo em tôi mãi theo từng bước

Lặng lẽ tôi đi tới cổng trường.

 

Thì ra thầm lặng yêu mầu nhiệm

Dào dạt tình tôi sóng đại dương

Có lẽ qua rồi bao trắc trở

Mà em gái Huế vẫn hiền lương.

 

Nơi bến Tòa Khâm  chiều lặng lẽ

Tôi ngồi ngắm cảnh chiều sông Hương

Ly cà phê đắng hồn xưa cũ

Huế vẫn còn em đẹp phố phường.

                        Texas – 2018

                        Đăng Nguyên

MỘT THOÁNG QUA MAU
 
Thiên thu bùng vở giữa đêm thâu
Gối mộng trần ai bạc bạc đầu
Lặng ngắm trăng khuya hồn lữ khách
Con thuyền định mệnh sẽ về đâu.
 
Lang thang hồn lạc về quê mẹ
Sông núi còn nguyên thẫm thẫm màu
Trận địa ngày xưa giờ đã khác
Nghe tình cay cỏ ứa niềm đau
 
Vô tư trẻ nhỏ đùa trong xóm
Xóm cũ người xưa vẫn nhớ nhau
Phố chợ đèn khuya thêm quạnh vắng
Tĩnh ra mới biết mộng tàn mau.
 
Thế giới thăng trầm theo quỹ đạo
Mất còn thua được nửa vàng thau
Tha nhân như thể đời xa lạ
Một thoáng qua mau một thoáng sầu.
                                 Texas 2019
                                      Đăng Nguyên

MẤY CÁI XUÂN TRÒN

Cái Xuân nó thật rộn ràng
Bao nhiêu ong bướm chập chờn đợi hoa
Nỗi buồn gặm nhấm hồn ta
Những mùa Xuân thắm đã qua mất rồi
Lên bảy lên tám tuyệt vời
Đồng tiền mừng tuổi gọi mời tuổi thơ
Tưởng rằng đời thật như mơ
Lớn lên mới hiểu đời ngơ ngẩn tình
Hai mươi tuổi vào chiến chinh
Giao Thừa ôm súng nằm nghênh quân thù
Đạn bom thay pháo mịt mù
Ba lô áo trận hoang vu núi rừng
Ngờ đâu gảy súng nửa chừng
Gông cùm cải tạo đâu Xuân mà chờ
Phương Bắc đày ải ngục tù
Hoa bang hoa dại ngẩn ngơ đứng nhìn
May nhờ Thượng Đế minh minh
Tám mươi tuổi thọ Xuân xanh vẫn tròn
Quê người nhớ nước nhớ non
Mong mùa Xuân mới chẳng còn tha hương.
                                    Texas Tết Kỷ Hợi 2019

                            Đăng Nguyên

BÀI THƠ XUÂN MỚI

 

Bài thơ Xuân Mới viết cho em

Nghe tận hư vô nỗi khát thèm

Cuội đá còn nguyên đời kết tũa

Mà em duyên dáng đứng bên thềm

 

Bỗng nhiên thức giấc hồn lau sậy

Xanh biếc đời xuân tựa cánh chim

Đậu nhánh mai vàng hương sắc cũ

Lâng lâng giao cảm giữa triền miên.

 

Cho ta dào dạt tim gan mới

Xao xuyến từng giờ mạch đất lên

Gấm lụa xa hoa vô nghĩa cả

Vì em ngà ngọc mộng hư huyền.

 

Trong ta bội phản chưa từng có

Dừng lại bên bờ vực tử sinh

Xuân đến, lòng ta Xuân mới đến

Ru em tình tự mãi say mềm.

 

                        Virginia, Xuân 2014

                                Đăng Nguyên

ĐI GIỮA RỪNG THU
 
Nhè nhẹ hơi Thu lạnh lạnh buồn
Sương lam bàng bạc những hoàng hôn
Nhà ai cửa đóng then cài chặt
Mờ nhạt hương đời chậm chậm buông
 
Ở đây như thể trời đất khác
Nên nhớ quê hương đến não lòng
Dầu dãi nắng mưa mờ nẻo cũ
Vàng phai năm tháng những chờ mong
 
Nghe như sương gió vào trong mộng
Em ở bên kia có nhớ không ?
Thêm một mùa đời xa cách nữa
Thu ngoài trời hay Thu trong lòng !
 
Đi giũa rừng Thu buồn man mác
Giẫm lên những xác lá không hồn
Xứ người lành lạnh như Đông xám
Xa vắng quê xưa vắng ruộng đồng.
                            
                   Maryland, Thu 2013
                             Đăng Nguyên

NỬA KHỐI TÌNH

 
Đời lỡ vương mang nửa khối tình
Trải dài sông núi thuỡ đao binh
Bao nhiêu ngày tháng thời trai trẻ
Trao trọn quê nghèo đủ nhục vinh.
 
Đau thay! Vận nước khôn lường được
Bỏ súng buông gươm chịu nhục hình
Đất Bắc lưu đầy cùng chiến hữu
Đòn thù thân xác nghĩ mà kinh.
 
Gia đình tan nát người đôi ngả
Quốc phá gia vong, tủi phận mình
Bỏ nước ra đi, đời dựng lại
Thân già còn nặng gánh mưu sinh.
 
Đất khách quê người đâu dễ sống
Đường về quê mẹ vẫn chông chênh
Tuổi đời cánh hạc chờ theo gió
Còn mãi vương mang nửa khối tình.
 
                                    Texas – 2018
                                    Đăng Nguyên
XIÊU XIÊU BÓNG TÀ
 
Cái buồn nó thật xanh xao
Chạy đi chạy lại lọt vào trong tim
Mùa Đông mùa Hạ nằm im
Mùa Xuân bò dậy để lim dim hồn
Tình yêu ngõ cụt hoàng hôn
Đem đi bán dạo người khôn kẻ khờ
Nên em cứ mãi đứng chờ
Thương nhau mà cứ giả vờ không yêu
Mai kia mốt nọ xế chiều
Cõi đời hoang vắng xiêu xiêu bóng tà.
                                    Texas – 2018
                                    Đăng Nguyên

 

TẠ ƠN

Tạ ơn người đã đọc thơ tôi
Chữ nghĩa đôi khi chẳng cạn lời
Một tấm lòng vàng bao cảm mến
Trao vòng hoa thắm để người vui.
 
Tạ ơn bằng hữu chẳng quên tôi
Giữa cuộc phong ba rối rối bời
Vẫn có tình người an ủi bạn
Một vòng hoa thắm xin trao người.
 
Tạ ơn Thơ đã cho tôi mộng
Nếu chẳng còn Thơ mộng cũng tàn
Giấy bút ai còn chăm chút nữa
Tình đời chắc hắn cũng ly tan.
 
Tạ ơn Tự Do cho tôi sống
Tôi viết Thơ Đời chẳng dở dang
Tôi khóc tôi cười không cấm cản
Tự Do tôi đổi máu lệ hàng hàng.
                     Thanksgiving 2019

                        Đăng Nguyên

HUẾ CỦA RIÊNG TÔI

 

Huế của riêng tôi một góc trời

Trầm tư lặng lẽ êm đềm trôi

Sông Hương e ấp đôi bờ mộng

Núi Ngự mơ màng gió thổi xuôi.

 

Thương quá em tôi lỡ một thời

Duyên xưa chưa thắm đã chia phôi

Tôi đi về phía phương trời khác

Để lại tình em những khúc nôi.

 

Huế của riêng tôi mãi đậm đà

Dù bao năm tháng đã chia xa

Tim tôi vẫn mãi là tim Huế

Yêu Huế nồng nàn, Huế thiết tha.

 

Hồn Huế buồn buồn, bướm hóa mây

Mây bay khắp nẻo trời đông tây

Mậu Thân năm ấy đau tình nước

Cầu sập, thành tan, Huế đọa đầy.

 

 

 

 

Nay đã xa rồi Huế biết không ?

Sông Hương còn lại những chờ mong

Mang mang mấy điệu Nam Bình cũ

Huê của riêng tôi, một tấm lòng.

                              Đăng Nguyên

                       ( Dòng Mực Tha Hương)

 

HIU HIU CỒN CÁT

Người vỡ đất hoang tận cuối trời

Tôi xây hồn mộng giữa chơi vơi

Chuyến tàu xuyên suốt qua sa mạc

Nhạc tấu khúc đời chậm chậm rơi.

 

Tôi đến miền xa nghe gió lạ

Hiu hiu cồn cát nhớ thương người

Nửa vòng trái đất xa tầm với

Một thoáng mơ qua, chợt tĩnh rồi.

 

Người có còn nguyên tình thuở trước ?

Phế hưng dời đổi thế thường thôi

Vườn quê còn đậm mùa cây trái

Nhớ hài giùm tôi quả chin muồi.

 

Quanh đây chẳng có gì thân thuộc

Chỉ có thông reo mấy ngọn đồi

Đêm xuống ngày lên mây trắng xóa

Đâu còn hoa bướm của đời tươi.

                                         Đăng Nguyên

Đọc Tập Thơ

DÒNG MỰC THA HƯƠNG

của Đăng Nguyên

 

Trong kinh Pháp cú có mấy câu ca ngợi người đạo đức mà Lãm Thúy rất thích:

“ Không có hương hoa nào

Bay ngược chiều gió thổi

Chỉ hương người đức hạnh

Bay ngược gió bốn phương”

Đối với cái nhìn của Lãm Thúy, Đăng Nguyên là một người đức hạnh.

May mắn được quen biết rồi dần đi đến thân tình và làm việc chung với anh trong nhiều năm, Lãm Thúy học được rất nhiều điều tốt đẹp ở Đăng Nguyên: Sự khiêm cung, lòng tận tụy, đức tính chan hoà, hiền lành; sống có tình có nghĩa, có trước, có sau.

Nhớ có lần anh mời vài người bạn cùng sinh hoạt trong Văn Bút Miền Đông đến nhà anh ăn giỗ. Hỏi ra mới biết giỗ nhạc mẫu của anh, trong khi người vợ đầu ấp tay gối đã chia tay với anh  khi anh còn đang bị giam cầm trong “ Trại cải tạo”.

Gần gũi với Anh mới thấy được tấm lòng yêu thương tha thiết của anh với con, với cháu khi anh không nề khó nhọc, bôn ba từ Maryland sang Virginia, quanh đi quẩn lại bao nhiêu bận để săn sóc cho các cháu nội ngoại sống xa cách nhau. Đối với Văn Thi hữu anh cũng sẵn lòng đưa đón dù xa xôi, dù ngược đường; cũng hết lòng giúp đỡ khi bạn cần bằng một thái độ bao dung, hoà nhã.

Nhưng trên hết những thứ đó là một trái tim tha thiết với quê hương dân tộc, một nỗi hoài mong canh cánh bên lòng suốt những năm tháng lưu vong.

“DÒNG MỰC THA HƯƠNG” phải chăng là dòng máu thắm chảy ra từ trái tim tha thiết ấy ?

Ngay trong những câu thư đầu “ Thay lời tựa” Đăng Nguyên đã cho ta thấy “ DÒNG MỰC THAHƯƠNG” chính là dòng lệ nhớ nước thương đời:

“ Ra đi chưa trọn tình sông núi

Nhớ nước thương đời lệ lệ rơi”

Tấm lòng tác giả là một tấm lòng chân thực đầy sự biết ơn với người đời :

“ Tạ ơn người đến với thơ tôi

Xin  trao hoa thắm để người vui”

Với bạn bè :

“Tạ ơn bằng hữu chẳng quên tôi

Giữa cuộc phong ba rối rối bời

Vẫn có tình người an ủi bạn

Một vòng hoa thắm xin trao người”

Với thơ :

“ Tạ ơn thơ đã cho tôi mộng

Nếu chẳng còn thơ mộng cũng tàn”.

Với tự do :

“ Tạ ơn Tự Do cho tôi sống

Tôi viết tình tôi chẳng dở dang”

Thơ Đăng Nguyên tràn ngập những yêu thương: Yêu thân nhân, bè bạn, chiến hữu, đồng đội, nhưng có lẽ sâu sắc nhất vẫn là nỗi nhớ quê hương thấm đượm trong lòng.

Anh nhớ Miền Đông, nhớ nắng, nhớ chiều Xuân Lộc, nhớ con đường đất đỏ, bờ suối xanh và vạt áo người thương.

Nỗi nhớ ấy còn  trải rộng những vườn cây ăn trái màu đất đỏ pha thêm máu chiến binh.

Xuân Lộc vùng đất vang danh mà tác giả đã hết lòng chiến đấu để bảo vệ.

“ Tôi nhớ miền Đông, nhớ nắng hiền

Những chiều Xuân Lộc thật bình yên”

( Chiều nhớ Xuân Lộc)

Những địa danh lịch sử còn hiển hiện trong thơ anh như một chứng tích hào hùng: Chứa Chan, Suối Cát, Dầu Giây, Gia Ray, Long Khánh.

“ Sầu riêng hương vị pha màu nhớ

Suối Cát, Dầu Giây với Bảo Bình”

Yêu quê hương, Đăng Nguyên cũng không nguôi lòng thương nhớ cố hương, nơi mang nhiều kỷ niệm thơ ấu ngọt ngào. Đó là xứ Huế yêu thương:

“ Mùa mưa này sao nhớ khôn nguôi

Từng hạt rơi, từng giọt khóc đời

Xứ Huế dầm mưa, mưa chẳng dứt

Sông Hương buồn chảy xiết về xuôi”

( Mùa mưa nhớ Huế )

“ Quê tôi chơn chất trong lành

Nương chè, rẫy sắn quanh quanh núi đồi”

( Vương vấn tình quê )

Quả đúng với câu:

“ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

( Nguyễn Du )

Niềm tiếc nhớ bao la về những dòng đời chia biệt khiến tác giả chỉ thấy ngậm ngùi thương về quê mẹ chứ hoa xuân, lời chúc tụng, gió lây lây cũng không làm lòng ấm những tình xuân:

“ Cành mai dậu trúc buồn không nói

Hương khói bay qua những nỗi niềm”

( Chiều Xuân )

Xuân đã không vui mà hạ cũng buồn:

“ Chờ mong mấy thuở tương phùng nhỉ ?

Gặp gỡ, chia ly thoáng chạnh lòng”

( Hạ buồn )

Rồi mùa thu với lá vàng tan tác, sương lam bàng bạc, giẫm lên xác lá đi trong trời buồn, tâm trạng tác giả còn thê thảm hơn:

“Ở đây như thể phương trời khác

Nên nhớ quê hương đến não lòng”

Và Đăng Nguyên đếm thời gian, ngậm ngùi thốt lên:

“ Thêm một mùa đời xa cách nữa

Thu ngoài trời hay thu trong lòng!”

(Đi giữa rừng Thu )

Xuân không vui, Hạ buồn, Thu nhớ. Vậy còn mùa Đông thì sao ?

Hãy nghe Đăng Nguyên bày tỏ:

“ Lạc loài đêm xứ lạnh

Cô quạnh tuổi già nua

Mang hồn buồn viễn xứ

Thu rơi lá cuối mùa”

Trong nỗi buồn ấy, thân phận con người được bộc lộ một cách chua chát vô cùng:

“ Bàng hoàng thân tỵ nạn

Mòn mỏi gót giày khua”

(Đêm Đông )

Đăng Nguyên là một người lính, là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Người lính ấy bỏ quê hương ra đi mà trong trái tim còn đau niềm uất hận, nỗi đau chiến bại vẫn gậm nhấm âm thầm. Chiến bại không vì bất tài mà vì một số phận nghiệt ngã chìm trong vận nước điêu linh. Cứ mỗi tháng tư thì nỗi buồn ấy lại bừng lên trong tâm khảm:

“ Vang vọng hồn quê bát ngát sầu

Sông thương núi nhớ mãi tìm nhau

Lính già thân gửi phương trời lạnh

Cố quốc xa mờ nát ruột đau”

( Buồn tháng tư )

 Nỗi đau ấy còn ray rứt mãi trong hồn người thơ:

“ Tiếng súng Lai Khê… người tuẫn tiết

Cờ tang rũ xuống, tiễn người đi”

“ Người đi để lại buồn man mác

Chiến hữu sa cơ, lao lý đầy

Hận uất nghìn thu chưa rửa sạch

Chiều chiều nghe gió gọi, cờ bay…”

( Buồn tháng tư )

Câu thơ đầy ắp hình ảnh và âm thanh bi tráng làm khơi động lòng người một thuở tang thương. DÒNG MỰC  THA HƯƠNG cũng chính là dòng lệ tủi hờn của người chiến sĩ sa cơ, dù phải bỏ quê hương sống cuộc đời lưu vong nhưng vẫn nặng lòng yêu quê, nhớ nước.

“ Huế còn thương cùng sông Hương núi Ngự

Ai chờ ai trên bến đợi chiều xưa

Mùa Thu về rào rạt những cơn mưa

Đêm lặng thầm, không tiếng chuông Thiên Mụ”

( Chung điệu nhớ )

DÒNG MỰC THA HƯƠNG cũng còn là dòng lệ tiếc thương những chiến hữu anh hùng đã bỏ mình nơi chiến địa:

“ Nước mất nhà tan, chôn dũng tướng

Đường Mười Ba trận cuối in sâu”

Và thương cả những tháng năm tù ngục cùng kiếp sống lưu vong của những chiến sĩ sa cơ:

“ Ngục tù Cộng sản, thương thân phận

Hải ngoại lưu vong bạc mái đầu”

( Khóc chiến hữu)

Như đã nói, trái tim tác giả bao giờ cũng dào dạt những yêu thương, nhung nhớ:

“ Cách biệt người em từ dạo đó

Chứa Chan còn mãi chứa chan tình

Sầu riêng hương vị pha mùi nhớ…”

( Chiều nhớ Xuân lộc )

“ Em có còn nguyên tình thuở trước

Phế hưng dời đổi thế thường thôi

Vườn quê còn đậm mùa sum trái

Nhớ hái giùm tôi quả chín muồi”

( Hiu hiu cồn cát )

Nhớ người em Xuân Lộc, Đăng Nguyên cũng không quên người em xứ Huế, nhớ những ngày mưa dầm, mưa chẳng dứt với hình ảnh người xưa áo ướt trong mưa, dìu nhau chiều Vỹ Dạ

“ Mùa mưa nào ướt áo em tôi

Thấm cả bờ vai tóc rối bời

Dìu bước nhau đi chiều Vỹ Dạ

Anh làm thơ, mưa Huế rơi rơi…”

( Mùa mưa nhớ Huế )

Với một bề ngoài hiền lành, ít nói, có khi tưởng như “ lù khù” mà ông bà mình nói chẳng sai “ lù khù vác lu mà chạy”.

Không đọc thơ Đăng Nguyên, khó thể nào biết anh là một người đa tình, đa sầu, đa cảm. Nỗi nhớ nhung tràn ngập trong thơ Anh. Nhớ nhung quê cũ, nhớ cả dáng xưa, nhớ giọng nói ngọt ngào của cô gái Huế thân yêu hay của người Huế nào?

“ Dường như Huế mình không quên được

Nghe nói, nghe cười lòng xuyến xao

Đi Bắc, đi Nam đâu chẳng nhớ

Nhưng nghe Huế nói… nhớ làm sao !”

Thật là một bày tỏ thiết tha mà đơn sơ vô cùng, chân tình hết biết.

Anh nhớ cảnh, lại nhớ người:

“ Ai về đến Dốc Mơ

Hỏi thăm em Gia Kiệm”

( Bao giờ trở lại )

Tuy nặng lòng yêu thương tưởng nhớ những bóng hồng trong cuộc đời, nhưng có lẽ nỗi nhớ sâu đậm nhất trong hồn Đăng Nguyên vẫn là những đồng đội xưa có thời đã cùng nhau vào sinh ra tử, cùng nhau bảo vệ quê hương_ như rừng nhớ biển:

“ Rừng âm u nhớ biển

Biển sóng vỗ xôn xao

Nước mất lòng quặn đau

Nhớ sư đoàn 18”

( Bao giờ trở lại )

Đăng Nguyên sống nặng tình, anh hết lòng yêu thương bạn bè, thân nhân ruột thịt.

Khóc Hoàng Trùng Dương anh viết :

“Đẫm lệ mùa Xuân khóc bạn hiền

Thơ tình còn nặng nợ tình riêng”

(Đẫm lệ mùa Xuân )

Khi đứa cháu nội bé bỏng qua đời, nỗi đau thương tuôn theo giòng mực:

“ Cháu về bên cõi Thanh Vân

Nội còn ở lại dương trần khóc măng

Tâm tư chín khúc ruột bầm

Như mây chuyển thế bỏ vầng trăng côi”

( Khóc cháu nội Tâm Như )

Gánh nỗi đau riêng trong lòng mình chưa đủ, Đăng Nguyên còn thương xót cho nỗi đau của con trai và dâu, cùng chịu cảnh tóc tang:

“ Thương yêu để lại bao nhiêu lệ

Cha mẹ mất con luống thẫn thờ”

Và dù “ Vẫn biết vô thường xoay chuyển mãi” mà :

“ Gan ruột làm sao cứ xót đau”

Khi một chiến hữu qua đời, lòng thương tiếc của anh thể hiện một cách sâu xa:

“ Lẳng lặng hồn đau, xác cũng đau

Thu vàng lá rụng anh về đâu?”

“ Tiễn anh giọt lệ mưa tầm tã

Đốt nén tâm hương tôi nguyện cầu

Sống gửi thác về nương cõi Phật

Tây phương tịnh cảnh, phước dài lâu”

( Khóc chiến hữu )

Thơ anh hầu hết là buồn. Buồn nhưng không hận oán, không trách hờn dù người bội bạc, dù tình đổi thay. Trái lại, ta tìm thấy những nỗi tình bao dung chung thủy của một trái tim đa cảm nồng nàn:

“ Em ở bên kia tóc nhuốm màu

Anh ở bên này sầu rả rích”

“ Thơ chẳng bao giờ em được đọc

Mà sao vẫn nhớ mùa mưa đầu”

Trong bài “ Vô ngôn” ta cũng tìm thấy nỗi lòng thiết  tha ấy nhưng tình yêu ở đây nhuốm mùi cay đắng xót xa:

“ Bờ đêm chạm  trán tỉnh say

Để buồn réo rắt ru ngày tháng qua

Chạm em, ngờ vực yêu ma

Ngõ hồn lay động vực sa thác ghềnh”

Nỗi nhớ thương còn thể hiện rõ ràng hơn, nồng nàn hơn trong bài “ Dòng sông biệt tăm”

“ Dòng sông trôi lặng lẽ

Thương nhớ chất chất chồng

Người đi biệt biệt tăm

Bỏ vầng trăng tà xế”

Thương nhớ thì bao la, đầy ắp : “ chất chất chồng” Mà người đi thì : “ biệt biệt tăm”, mịt mù xa khuất. Cách diễn đạt thật xuất sắc, thật độc đáo làm nổi bật tính cách đối lập một cách tài  tình.

Nhớ thương thì nhiều nhưng tình yêu trong thơ Đăng Nguyên hầu hết là tình sầu, là sinh ly tử biệt.

“ Thương một mùa hoa” là một điển hình của sự đau thương, chia cắt vì đất nước loạn ly làm uyên ương gãy cánh:

“Đâu ngờ chinh chiến làm phiêu bạt

Kẻ ở người đi, bỏ bến không”

Để rồi:

“ Em tôi khô héo theo giòng lệ

Chết giữa mùa đời mới trổ bông”

Và khi trở lại quê xưa, tác giả chỉ còn:

“ Buồn bã tôi ôm hoa phượng héo

Phủ lên bia mộ, khóc trong hồn”

Suốt một chặng đường dài, chúng ta đã trải hồn theo dấu Thơ Đăng Nguyên, cùng chia sớt những nhớ thương, những đau xót, những ngậm ngùi của DÒNG MỰC THA HƯƠNG, có một điều Lãm Thúy muốn khắc hoạ lên trong tính cách của nhà thơ này: Điều đáng quý, đáng ngưỡng mộ ở Đăng Nguyên, ngoài đời cũng như trong thi phẩm. Đó là tâm hồn lạc quan, đầy tin yêu dù cuộc đời vùi dập đắng cay tới đâu.

Bài  thơ “ Xuân Mới”  là một bằng chứng:

“ Bỗng nhiên thức giấc hồn lau sậy

Xanh biếc đời Xuân tựa cánh chim

Đậu nhánh mai vàng hương sắc cũ

Lâng lâng giao cảm giữa triền miên”

Rồi mùa xuân mới dường như cũng thổi vào tâm hồn tác giả những tin yêu mới, làm thay đổi cả nội tạng:

“Cho ta dào dạt tim gan mới

Xao xuyến từng giờ mạch đất lên

Gấm lụa xa hoa vô nghĩa cả

Vì em ngà ngọc mộng hư huyền”

Và mùa xuân chuyển hoá tâm hồn tác giả, mang đến những đắm say huyền diệu:

“ Xuân đến lòng ta Xuân mới đến

Ru em tình tự mãi say mềm”

Tính cách lạc quan ấy cũng dễ dàng tìm thấy trong một số bài thơ khác của Đăng Nguyên:

“ Vào Xuân bỏ lại chiều đông giá

Bỏ lại đằng sau những úa tàn

Như thể tình người tươi thắm lại

Nỗi buồn xưa cũ chẳng vương mang”

( Vào Xuân )

Chúng ta đã đi qua suốt chiều dài của DÒNG MỰC THA HƯƠNG, đã dừng lại những nơi chốn ngậm ngùi thương nhớ, đã bồi hồi cùng nỗi nhớ tiếc khôn nguôi một quê hương xa vời; hẵn quý đọc giả sẽ không phản đối khi Lãm Thúy kết luận rằng DÒNG MỰC THA HƯƠNG là một tập thơ tình_ Bao gồm nghĩa rộng rãi của tình yêu: yêu người, yêu nước, yêu quê hương ; và là một tập thơ hay.

Cái hay của thơ Đăng Nguyên là tình ý chân thành sâu đậm ; ngôn ngữ đơn sơ, không kiểu cách, không màu mè mà vẫn đầy tính nghệ thuật, nhiều hình ảnh, âm thanh, màu sắc gợi cảm, nhiều điệp ngữ cùng những mỹ từ pháp làm đẹp thêm câu thơ, dễ đi vào lòng người đọc.

Có thể nói DÒNG MỰC THA HƯƠNG là một tập thơ hay, có giá trị cả nội dung và nghệ thuật đáng đọc và đáng giữ gìn trong tủ sách của người Việt lưu vong, những ai còn hướng về quê nhà xa xôi bằng cả trái tim thiết tha hoài vọng.

                                          Lãm Thuý   7/2005                                                                          

ViệtTV phỏng vấn

cựu chủ tịch Đăng Nguyên 

trong Họp Mặt Xuân Tha Hương

 ngày 06 tháng 4 năm 2019

của

Văn Bút Hải Ngoại Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 

Cung thị Lan uploaded April 27,2020 and updated  November 12,2020 and March 13,2021
April 26, 2020