Cảm Nghĩ của Lãm Thuý về tập thơ Dòng Mực Tha Hương của Đăng Nguyên

Đọc Tập Thơ

DÒNG MỰC THA HƯƠNG

của Đăng Nguyên

 

Trong kinh Pháp cú có mấy câu ca ngợi người đạo đức mà Lãm Thúy rất thích:

“ Không có hương hoa nào

Bay ngược chiều gió thổi

Chỉ hương người đức hạnh

Bay ngược gió bốn phương”

Đối với cái nhìn của Lãm Thúy, Đăng Nguyên là một người đức hạnh.

May mắn được quen biết rồi dần đi đến thân tình và làm việc chung với anh trong nhiều năm, Lãm Thúy học được rất nhiều điều tốt đẹp ở Đăng Nguyên: Sự khiêm cung, lòng tận tụy, đức tính chan hoà, hiền lành; sống có tình có nghĩa, có trước, có sau.

Nhớ có lần anh mời vài người bạn cùng sinh hoạt trong Văn Bút Miền Đông đến nhà anh ăn giỗ. Hỏi ra mới biết giỗ nhạc mẫu của anh, trong khi người vợ đầu ấp tay gối đã chia tay với anh  khi anh còn đang bị giam cầm trong “ Trại cải tạo”.

Gần gũi với Anh mới thấy được tấm lòng yêu thương tha thiết của anh với con, với cháu khi anh không nề khó nhọc, bôn ba từ Maryland sang Virginia, quanh đi quẩn lại bao nhiêu bận để săn sóc cho các cháu nội ngoại sống xa cách nhau. Đối với Văn Thi hữu anh cũng sẵn lòng đưa đón dù xa xôi, dù ngược đường; cũng hết lòng giúp đỡ khi bạn cần bằng một thái độ bao dung, hoà nhã.

Nhưng trên hết những thứ đó là một trái tim tha thiết với quê hương dân tộc, một nỗi hoài mong canh cánh bên lòng suốt những năm tháng lưu vong.

“DÒNG MỰC THA HƯƠNG” phải chăng là dòng máu thắm chảy ra từ trái tim tha thiết ấy ?

Ngay trong những câu thư đầu “ Thay lời tựa” Đăng Nguyên đã cho ta thấy “ DÒNG MỰC THAHƯƠNG” chính là dòng lệ nhớ nước thương đời:

“ Ra đi chưa trọn tình sông núi

Nhớ nước thương đời lệ lệ rơi”

Tấm lòng tác giả là một tấm lòng chân thực đầy sự biết ơn với người đời :

“ Tạ ơn người đến với thơ tôi

Xin  trao hoa thắm để người vui”

Với bạn bè :

“Tạ ơn bằng hữu chẳng quên tôi

Giữa cuộc phong ba rối rối bời

Vẫn có tình người an ủi bạn

Một vòng hoa thắm xin trao người”

Với thơ :

“ Tạ ơn thơ đã cho tôi mộng

Nếu chẳng còn thơ mộng cũng tàn”.

Với tự do :

“ Tạ ơn Tự Do cho tôi sống

Tôi viết tình tôi chẳng dở dang”

Thơ Đăng Nguyên tràn ngập những yêu thương: Yêu thân nhân, bè bạn, chiến hữu, đồng đội, nhưng có lẽ sâu sắc nhất vẫn là nỗi nhớ quê hương thấm đượm trong lòng.

Anh nhớ Miền Đông, nhớ nắng, nhớ chiều Xuân Lộc, nhớ con đường đất đỏ, bờ suối xanh và vạt áo người thương.

Nỗi nhớ ấy còn  trải rộng những vườn cây ăn trái màu đất đỏ pha thêm máu chiến binh.

Xuân Lộc vùng đất vang danh mà tác giả đã hết lòng chiến đấu để bảo vệ.

“ Tôi nhớ miền Đông, nhớ nắng hiền

Những chiều Xuân Lộc thật bình yên”

( Chiều nhớ Xuân Lộc)

Những địa danh lịch sử còn hiển hiện trong thơ anh như một chứng tích hào hùng: Chứa Chan, Suối Cát, Dầu Giây, Gia Ray, Long Khánh.

“ Sầu riêng hương vị pha màu nhớ

Suối Cát, Dầu Giây với Bảo Bình”

Yêu quê hương, Đăng Nguyên cũng không nguôi lòng thương nhớ cố hương, nơi mang nhiều kỷ niệm thơ ấu ngọt ngào. Đó là xứ Huế yêu thương:

“ Mùa mưa này sao nhớ khôn nguôi

Từng hạt rơi, từng giọt khóc đời

Xứ Huế dầm mưa, mưa chẳng dứt

Sông Hương buồn chảy xiết về xuôi”

( Mùa mưa nhớ Huế )

“ Quê tôi chơn chất trong lành

Nương chè, rẫy sắn quanh quanh núi đồi”

( Vương vấn tình quê )

Quả đúng với câu:

“ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

( Nguyễn Du )

Niềm tiếc nhớ bao la về những dòng đời chia biệt khiến tác giả chỉ thấy ngậm ngùi thương về quê mẹ chứ hoa xuân, lời chúc tụng, gió lây lây cũng không làm lòng ấm những tình xuân:

“ Cành mai dậu trúc buồn không nói

Hương khói bay qua những nỗi niềm”

( Chiều Xuân )

Xuân đã không vui mà hạ cũng buồn:

“ Chờ mong mấy thuở tương phùng nhỉ ?

Gặp gỡ, chia ly thoáng chạnh lòng”

( Hạ buồn )

Rồi mùa thu với lá vàng tan tác, sương lam bàng bạc, giẫm lên xác lá đi trong trời buồn, tâm trạng tác giả còn thê thảm hơn:

“Ở đây như thể phương trời khác

Nên nhớ quê hương đến não lòng”

Và Đăng Nguyên đếm thời gian, ngậm ngùi thốt lên:

“ Thêm một mùa đời xa cách nữa

Thu ngoài trời hay thu trong lòng!”

(Đi giữa rừng Thu )

Xuân không vui, Hạ buồn, Thu nhớ. Vậy còn mùa Đông thì sao ?

Hãy nghe Đăng Nguyên bày tỏ:

“ Lạc loài đêm xứ lạnh

Cô quạnh tuổi già nua

Mang hồn buồn viễn xứ

Thu rơi lá cuối mùa”

Trong nỗi buồn ấy, thân phận con người được bộc lộ một cách chua chát vô cùng:

“ Bàng hoàng thân tỵ nạn

Mòn mỏi gót giày khua”

(Đêm Đông )

Đăng Nguyên là một người lính, là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Người lính ấy bỏ quê hương ra đi mà trong trái tim còn đau niềm uất hận, nỗi đau chiến bại vẫn gậm nhấm âm thầm. Chiến bại không vì bất tài mà vì một số phận nghiệt ngã chìm trong vận nước điêu linh. Cứ mỗi tháng tư thì nỗi buồn ấy lại bừng lên trong tâm khảm:

“ Vang vọng hồn quê bát ngát sầu

Sông thương núi nhớ mãi tìm nhau

Lính già thân gửi phương trời lạnh

Cố quốc xa mờ nát ruột đau”

( Buồn tháng tư )

Nỗi đau ấy còn ray rứt mãi trong hồn người thơ:

“ Tiếng súng Lai Khê… người tuẫn tiết

Cờ tang rũ xuống, tiễn người đi”

“ Người đi để lại buồn man mác

Chiến hữu sa cơ, lao lý đầy

Hận uất nghìn thu chưa rửa sạch

Chiều chiều nghe gió gọi, cờ bay…”

( Buồn tháng tư )

Câu thơ đầy ắp hình ảnh và âm thanh bi tráng làm khơi động lòng người một thuở tang thương. DÒNG MỰC  THA HƯƠNG cũng chính là dòng lệ tủi hờn của người chiến sĩ sa cơ, dù phải bỏ quê hương sống cuộc đời lưu vong nhưng vẫn nặng lòng yêu quê, nhớ nước.

“ Huế còn thương cùng sông Hương núi Ngự

Ai chờ ai trên bến đợi chiều xưa

Mùa Thu về rào rạt những cơn mưa

Đêm lặng thầm, không tiếng chuông Thiên Mụ”

( Chung điệu nhớ )

DÒNG MỰC THA HƯƠNG cũng còn là dòng lệ tiếc thương những chiến hữu anh hùng đã bỏ mình nơi chiến địa:

“ Nước mất nhà tan, chôn dũng tướng

Đường Mười Ba trận cuối in sâu”

Và thương cả những tháng năm tù ngục cùng kiếp sống lưu vong của những chiến sĩ sa cơ:

“ Ngục tù Cộng sản, thương thân phận

Hải ngoại lưu vong bạc mái đầu”

( Khóc chiến hữu)

Như đã nói, trái tim tác giả bao giờ cũng dào dạt những yêu thương, nhung nhớ:

“ Cách biệt người em từ dạo đó

Chứa Chan còn mãi chứa chan tình

Sầu riêng hương vị pha mùi nhớ…”

( Chiều nhớ Xuân lộc )

“ Em có còn nguyên tình thuở trước

Phế hưng dời đổi thế thường thôi

Vườn quê còn đậm mùa sum trái

Nhớ hái giùm tôi quả chín muồi”

( Hiu hiu cồn cát )

Nhớ người em Xuân Lộc, Đăng Nguyên cũng không quên người em xứ Huế, nhớ những ngày mưa dầm, mưa chẳng dứt với hình ảnh người xưa áo ướt trong mưa, dìu nhau chiều Vỹ Dạ

“ Mùa mưa nào ướt áo em tôi

Thấm cả bờ vai tóc rối bời

Dìu bước nhau đi chiều Vỹ Dạ

Anh làm thơ, mưa Huế rơi rơi…”

( Mùa mưa nhớ Huế )

Với một bề ngoài hiền lành, ít nói, có khi tưởng như “ lù khù” mà ông bà mình nói chẳng sai “ lù khù vác lu mà chạy”.

Không đọc thơ Đăng Nguyên, khó thể nào biết anh là một người đa tình, đa sầu, đa cảm. Nỗi nhớ nhung tràn ngập trong thơ Anh. Nhớ nhung quê cũ, nhớ cả dáng xưa, nhớ giọng nói ngọt ngào của cô gái Huế thân yêu hay của người Huế nào?

“ Dường như Huế mình không quên được

Nghe nói, nghe cười lòng xuyến xao

Đi Bắc, đi Nam đâu chẳng nhớ

Nhưng nghe Huế nói… nhớ làm sao !”

Thật là một bày tỏ thiết tha mà đơn sơ vô cùng, chân tình hết biết.

Anh nhớ cảnh, lại nhớ người:

“ Ai về đến Dốc Mơ

Hỏi thăm em Gia Kiệm”

( Bao giờ trở lại )

Tuy nặng lòng yêu thương tưởng nhớ những bóng hồng trong cuộc đời, nhưng có lẽ nỗi nhớ sâu đậm nhất trong hồn Đăng Nguyên vẫn là những đồng đội xưa có thời đã cùng nhau vào sinh ra tử, cùng nhau bảo vệ quê hương_ như rừng nhớ biển:

“ Rừng âm u nhớ biển

Biển sóng vỗ xôn xao

Nước mất lòng quặn đau

Nhớ sư đoàn 18”

( Bao giờ trở lại )

Đăng Nguyên sống nặng tình, anh hết lòng yêu thương bạn bè, thân nhân ruột thịt.

Khóc Hoàng Trùng Dương anh viết :

“Đẫm lệ mùa Xuân khóc bạn hiền

Thơ tình còn nặng nợ tình riêng”

(Đẫm lệ mùa Xuân )

Khi đứa cháu nội bé bỏng qua đời, nỗi đau thương tuôn theo giòng mực:

“ Cháu về bên cõi Thanh Vân

Nội còn ở lại dương trần khóc măng

Tâm tư chín khúc ruột bầm

Như mây chuyển thế bỏ vầng trăng côi”

( Khóc cháu nội Tâm Như )

Gánh nỗi đau riêng trong lòng mình chưa đủ, Đăng Nguyên còn thương xót cho nỗi đau của con trai và dâu, cùng chịu cảnh tóc tang:

“ Thương yêu để lại bao nhiêu lệ

Cha mẹ mất con luống thẫn thờ”

Và dù “ Vẫn biết vô thường xoay chuyển mãi” mà :

“ Gan ruột làm sao cứ xót đau”

Khi một chiến hữu qua đời, lòng thương tiếc của anh thể hiện một cách sâu xa:

“ Lẳng lặng hồn đau, xác cũng đau

Thu vàng lá rụng anh về đâu?”

“ Tiễn anh giọt lệ mưa tầm tã

Đốt nén tâm hương tôi nguyện cầu

Sống gửi thác về nương cõi Phật

Tây phương tịnh cảnh, phước dài lâu”

( Khóc chiến hữu )

Thơ anh hầu hết là buồn. Buồn nhưng không hận oán, không trách hờn dù người bội bạc, dù tình đổi thay. Trái lại, ta tìm thấy những nỗi tình bao dung chung thủy của một trái tim đa cảm nồng nàn:

“ Em ở bên kia tóc nhuốm màu

Anh ở bên này sầu rả rích”

“ Thơ chẳng bao giờ em được đọc

Mà sao vẫn nhớ mùa mưa đầu”

Trong bài “ Vô ngôn” ta cũng tìm thấy nỗi lòng thiết  tha ấy nhưng tình yêu ở đây nhuốm mùi cay đắng xót xa:

“ Bờ đêm chạm  trán tỉnh say

Để buồn réo rắt ru ngày tháng qua

Chạm em, ngờ vực yêu ma

Ngõ hồn lay động vực sa thác ghềnh”

Nỗi nhớ thương còn thể hiện rõ ràng hơn, nồng nàn hơn trong bài “ Dòng sông biệt tăm”

“ Dòng sông trôi lặng lẽ

Thương nhớ chất chất chồng

Người đi biệt biệt tăm

Bỏ vầng trăng tà xế”

Thương nhớ thì bao la, đầy ắp : “ chất chất chồng” Mà người đi thì : “ biệt biệt tăm”, mịt mù xa khuất. Cách diễn đạt thật xuất sắc, thật độc đáo làm nổi bật tính cách đối lập một cách tài  tình.

Nhớ thương thì nhiều nhưng tình yêu trong thơ Đăng Nguyên hầu hết là tình sầu, là sinh ly tử biệt.

“ Thương một mùa hoa” là một điển hình của sự đau thương, chia cắt vì đất nước loạn ly làm uyên ương gãy cánh:

“Đâu ngờ chinh chiến làm phiêu bạt

Kẻ ở người đi, bỏ bến không”

Để rồi:

“ Em tôi khô héo theo giòng lệ

Chết giữa mùa đời mới trổ bông”

Và khi trở lại quê xưa, tác giả chỉ còn:

“ Buồn bã tôi ôm hoa phượng héo

Phủ lên bia mộ, khóc trong hồn”

Suốt một chặng đường dài, chúng ta đã trải hồn theo dấu Thơ Đăng Nguyên, cùng chia sớt những nhớ thương, những đau xót, những ngậm ngùi của DÒNG MỰC THA HƯƠNG, có một điều Lãm Thúy muốn khắc hoạ lên trong tính cách của nhà thơ này: Điều đáng quý, đáng ngưỡng mộ ở Đăng Nguyên, ngoài đời cũng như trong thi phẩm. Đó là tâm hồn lạc quan, đầy tin yêu dù cuộc đời vùi dập đắng cay tới đâu.

Bài  thơ “ Xuân Mới”  là một bằng chứng:

“ Bỗng nhiên thức giấc hồn lau sậy

Xanh biếc đời Xuân tựa cánh chim

Đậu nhánh mai vàng hương sắc cũ

Lâng lâng giao cảm giữa triền miên”

Rồi mùa xuân mới dường như cũng thổi vào tâm hồn tác giả những tin yêu mới, làm thay đổi cả nội tạng:

“Cho ta dào dạt tim gan mới

Xao xuyến từng giờ mạch đất lên

Gấm lụa xa hoa vô nghĩa cả

Vì em ngà ngọc mộng hư huyền”

Và mùa xuân chuyển hoá tâm hồn tác giả, mang đến những đắm say huyền diệu:

“ Xuân đến lòng ta Xuân mới đến

Ru em tình tự mãi say mềm”

Tính cách lạc quan ấy cũng dễ dàng tìm thấy trong một số bài thơ khác của Đăng Nguyên:

“ Vào Xuân bỏ lại chiều đông giá

Bỏ lại đằng sau những úa tàn

Như thể tình người tươi thắm lại

Nỗi buồn xưa cũ chẳng vương mang”

( Vào Xuân )

Chúng ta đã đi qua suốt chiều dài của DÒNG MỰC THA HƯƠNG, đã dừng lại những nơi chốn ngậm ngùi thương nhớ, đã bồi hồi cùng nỗi nhớ tiếc khôn nguôi một quê hương xa vời; hẵn quý đọc giả sẽ không phản đối khi Lãm Thúy kết luận rằng DÒNG MỰC THA HƯƠNG là một tập thơ tình_ Bao gồm nghĩa rộng rãi của tình yêu: yêu người, yêu nước, yêu quê hương ; và là một tập thơ hay.

Cái hay của thơ Đăng Nguyên là tình ý chân thành sâu đậm ; ngôn ngữ đơn sơ, không kiểu cách, không màu mè mà vẫn đầy tính nghệ thuật, nhiều hình ảnh, âm thanh, màu sắc gợi cảm, nhiều điệp ngữ cùng những mỹ từ pháp làm đẹp thêm câu thơ, dễ đi vào lòng người đọc.

Có thể nói DÒNG MỰC THA HƯƠNG là một tập thơ hay, có giá trị cả nội dung và nghệ thuật đáng đọc và đáng giữ gìn trong tủ sách của người Việt lưu vong, những ai còn hướng về quê nhà xa xôi bằng cả trái tim thiết tha hoài vọng.

                                                                                       7/2015

                                                                                        Lãm Thuý

April 17, 2020