CÁI CHẾT MUỘN MÀNG-Đăng Nguyên

CÁI CHẾT MUỘN MÀNG

 
Trên bàn thờ đơn sơ. Có một khung ảnh nhỏ, bao bọc một tấm hình đen trắng.Người trong hình  là một sĩ quan.Gương mặt khôi ngô. Đeo kính cận thị .Đầu đội nón sắt, bọc lưới.Áo trận với ba bông mai màu tác chiến.Đôi mắt nhìn thẳng cương nghị.Bên cạnh lư hương là một chiếc nón sắt hai lớp bọc lưới. Đó là tất cả những gì anh để lại cho gia đình anh, gồm cha mẹ già nua , người vợ hiền và đứa con gái nhỏ dại.Căn nhà nhỏ , mái tranh, vách ván, nằm sâu trong một ngỏ hẻm, thuộc vùng quê của tỉnh Biên Hòa.Ngoài vườn có sầu riêng, măng cụt, vú sữa ,ổi xá lị và mít tố nử.Tương đối có thể nuôi sống ông bà cụ già và đứa cháu nội gái. Giọt máu duy nhất còn lại của anh.Sau 30 Tháng Tư. Vùng quê này buồn lắm. Đa số gia đình đều có liên hệ chế độ cũ, nên rất khó sống. Nhất là ông bà cụ, có con là sĩ quan tử trận .
Tôi với anh là bạn đồng khóa nhưng không cùng đơn vị.Tốt nghiệp trường Sĩ Quan Thủ Đức. Tôi về Sư Đòan 18 Bộ Binh còn anh về Tiểu Khu Long An.Lâu lắm anh em không gặp lại nhau.Thời gian lặng lẽ trôi.Cuộc chiến tàn khốc, để lại bao nhiêu vết thương buồn.Tôi từ trại cải tạo về, sống ở gần quê anh.Một hôm tình cờ tôi gặp lại mẹ anh.Ràng rụa trong nước mắt. Mẹ anh kể :
-Cháu ơi ! Con bác, thằng Cát, nó bị giết ngay chiều 30 Tháng Tư rồi.Đơn vị nó đóng đồn gần mật khu Lý Văn Mạnh, Long an. Nó không chịu đầu hàng. Tử thủ tới cùng.Khi đồn bị tràn ngập, lính và hạ sĩ quan được tha. Còn sĩ quan chỉ huy bị hạ sát hết, ngay tại chỗ.Bác chỉ nhận được cái nón sắt và cái bóp giấy tờ do một người lính thân tín chịu khó mang về.Bác đã lặn lội đi tìm xác con, nhưng tụi nó không chịu cho biết chỗ chôn. Bác chỉ ôm cái nón sắt để khóc thương con. Cháu ơi ! Người sống thì đi bao lâu cũng còn có ngày về. Còn con bác, nó không bao giờ về nữa ! Hàng đêm bác khóc hoài không bao giờ cạn nước mắt.
Tôi thật bàng hoàng, thương bạn,phục bạn, không cầm được nước mắt. Tôi gào trong cổ họng:
– Anh Cát ơi ! Sao anh không chết trước ngày 30 Tháng Tư, ít nhất một tháng, để gia đình còn lảnh được chút tiền tử tuất .Anh chết chiều 30 Tháng Tư. Xác anh không ai kịp phủ cờ.Anh làm anh hùng vô danh. Tôi chào thua anh…! Tôi chào thua anh…!
Lòng tôi vô cùng ngậm ngùi.
          “Hỡi người chiến sĩ
          Đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này
          Anh là ai ? Anh là ai….??? “
Tôi nghĩ đến các chiến hữu gục ngả ngày cuối cùng, 30 Tháng Tư Đen.Các vị Tướng, Tá còn được nhắc tên, truy điệu.Còn bao nhiêu chiến sĩ nữa. Họ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.Chết. Không ai biết.Gia đình trông, không thấy trở về, chỉ ghi nhận là mất tích. Không biết xác ở đâu mà tìm…
          “ Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
          Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
          Chinh phu tử sĩ mấy người
          Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.”(1)
Thời gian trôi đi thật buồn. Thật chậm.Tôi thường vào vườn thăm hai bác.Tóc hai bác càng ngày càng bạc thêm.Cháu Diệu,  con gái anh, càng ngày càng khôn lớn.Con gái nhà vườn, trắng trong, dịu hiền, đẹp nết.Vợ anh.Thiếu phụ nửa chừng xuân. Nhan sắc mặn mà. Trong thời buổi khó khăn, phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình nuôi con và cha mẹ chồng.Chẳng bao lâu thì vướng phải một tên cán bộ gốc Bắc .Hai bác đã buồn còn đắng cay thêm.
Tôi qua Mỹ được một thời gian thì được tin cháu Diệu đã gặp được một thanh niên Mỹ gốc Việt tên là Thanh, kết làm bạn và được bảo lãnh theo diện hôn thê. Chờ đợi khá lâu.Tôi rất nôn nóng muốn được gặp lại cháu Diệu, như gặp lại người bạn thân thương năm nào.Rồi chuyện cũng đến.Một sáng mùa Xuân đẹp trời,tôi nhận được tin cháu Diệu đã  qua đến  San Rose, Cali. Tôi rất mừng .Biết tôi là người thân duy nhất của cháu ở bên này.Gia đình  đàn trai mời tôi qua đại diện gia đình bên gái trong hôn lễ cuả hai cháu Diệu và Thanh.Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chắc là hồn thiên anh Cát ở bên kia thế giới cũng mỉm cười khi biết đứa con gái duy nhất của mình đã được hạnh phúc bình an bên trời Tự Do.
Lúc ra phi trường San Rose tiển tôi về lại vùng Hoa Thịnh Đốn. Tình cảm của  cháu Diệu đối với tôi rất quyến luyến .Cháu đã xem tôi thân thiết như một người cha.Tôi ân cần dặn  cháu:
  • Đừng bao giờ quên ông bà nội và mẹ cháu bên Việt Nam. Đừng quên cái chết hào hùng và oanh liệt của ba cháu.
Diệu nhìn tôi với ánh mắt thân thương và hứa:
  • Dạ bác! Cháu không bao giờ quên người thân và quê hương .Nơi ba cháu đã hy sinh vào giờ phút cuối cùng.Cháu hảnh diện vì được làm con của một vị anh hùng.
Cứ mỗi độ tháng Tư về, tôi lại nhớ trận chiến cuối cùng  trưa 30 tháng Tư trên Quốc Lộ 13 ở Phú Văn, nơi tôi đã thoát chết trong gang tấc,nơi các đồng đội của tôi đã chết và bị thương nằm la liệt trước mặt Trung Tâm Huấn Luyện Phú Văn. Những anh hùng vô danh vào giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Tôi lại nhớ cái bàn thờ cuả anh Cát, có tấm hình sĩ quan cấp úy và chiếc nón sắt phủ bụi mờ theo năm tháng. Nhớ cái chết oai hùng cuả anh Cát.Nhớ ông bà cụ già neo đơn nơi ngôi vườn cũ ở một làng quê Biên Hòa.  Năm nay sầu riêng, măng cụt và mít tố nử có đơm hoa kết trái đủ để nuôi sống gia đình hai cụ không ?
                                      Texas, tháng Tư 2015
                                                Đăng Nguyên
Ghi chú : (1) Chinh Phụ Ngâm
 

 

April 27, 2020