Bến Tình Thương -Đăng Nguyên

BẾN TÌNH THƯƠNG

 

Năm đó, tôi được tha về từ trại cải tạo Z30A Xuân Lộc.Cầm tờ giấy Ra Trại trên tay,lòng tôi thật bâng khuâng.Tương lai đi về đâu ?Không thể về nơi quê hương chôn nhau cắt  rốn,vì tủi nhục.Không thể về thành phố nơi đơn vị mình đóng quân, vì sợ CS trả thù.Tôi về Bến Gỗ, Biên Hòa, nơi quê hương của Hải Bằng. Nơi có các con tôi. Cuộc sống ở đây hiền hòa  chất phác thân tình, bên cạnh bờ sông Đồng Nai, con sông gắn bó nhiều với đơn vị tôi qua nhiều cuộc hành quân của Sư Đoàn 18.

Tôi yêu Biên Hòa từ thuỡ mới ra trường Thủ Đức, vác ba lô về Khu 33 Chiến Thuật.Những ngày nghỉ phép về căn nhà nhỏ của bà ngoại các con tôi, bên cạnh cầu Gành, chiều chiều nhìn ra bờ sông gió lộng, nghe bà ngoại các cháu hát ru em:

        

          Ơ hờ…Sông Biên Hòa chảy ra bãi cát

          Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh

          Mười lăm  năm khói lửa chiến tranh

          Cô em bán bưởi bỏ mình vì ai ?…

Không biết cô em bán bưởi bỏ mình vì ai, tôi la cà đến các sạp bưởi đầu cầu Gành để hỏi thăm sự tích của câu ca dao này, mà chẳng ai biết.

Sau năm 1975, bà ngoại  không còn ở cầu Gành nữa mà về Bến Gỗ.Đem theo các con tôi về đây nương nấu cho qua thời gian vật đổi sao dời.Đất lành chim đậu.Các con tôi cũng từ đây mà trưởng thành.

          Bến Gỗ thuộc xã An Hòa,  huyện Long Thành, nay trực thuộc thành phố Biên Hòa, nằm cạnh ngả ba Vũng Tàu, sát Quốc lộ 15, là một trung tâm thương mại chung cho các xã An Hòa, Long Hưng và Long Bình Tân

Đường vào Bến Gỗ

.

Theo  Bách Khoa Toàn Thư, Bến Gỗ được hình thành từ thời chúa Nguyễn.Di dân từ miền Trung vào, hợp cùng với người Hoa thời Trần Thương Xuyên, biến nơi đây thành môt trung tâm phồn thịnh .Là một địa bàn thuận tiện cho cả đường bộ và đường thủy trên dòng sông Đồng Nai:

          Nhà Bè nước chảy chia hai

          Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Sau đó, người Hoa chuyển trung tâm thương mại sang Cù Lao Phố, nhường Bến Gỗ cho thương buôn lâm sản kéo cây từ thượng nguồn Đồng Nai và Đông Nam Bộ về đây rồi dùng đường thủy chuyển đi khắp nơi.Thời chúa Nguyễn Ánh chống nhau với quân Tây Sơn, có lúc đã dùng nơi đây làm căn cứ địa, còn để lại di tích tại Chồi Gia Long.Bến Gỗ cũng là vùng địa linh nhân kiệt, thời nào cũng có danh nhân,đặc biệt dòng họ Đổ Cao với tướng Đổ Cao Trí, anh hùng của ViệtNam Cọng Hòa một thời oanh liệt.

          Tôi về ở đó, sau nhiều năm trong trại cải tạo.Từ nhà tù nhỏ, ra nhà tù lớn, với cái án quản chế nhiều năm, như con chim gảy cánh, ngơ ngát giữa đời.Ngoài gia đình Bác Hai, thân phụ của Hải Bằng coi tôi như người thân , tôi chưa quen biết ai.Cuộc sống vô cùng khó khăn. Vợ chồng Dì Tư, Hải Bằng nhường cho tôi căn nhà nhỏ, cạnh nhà anh chị Hùng, gần ngay trước chợ Bến Gỗ. Nhờ đó, Bà ngoại và các cháu buôn bán kiếm sống qua ngày.Công việc của tôi là làm phụ thợ hàn cho tiệm hàn anh Hai Tiến, bên cạnh bến sông, đầu cầu Bến Gỗ.Ngày ngày với cái búa tạ trên tay, đập sắt ấp chiến lược, đập cho bằng những cây sắt   để hàn thành những bánh xe máy cầy mà nông dân khắp nơi mang về, từ Xóm Vườn, Long Hưng, Lò Phấn, Xóm Chài, Tân Vạn, Long Bình Tân..Tiếng đập sắt chát chúa, ngày qua ngày, hàng tấn sắt ấp chiến lược bị tôi đập bằng phẳng, láng cóng.Lúc mệt, ngừng búa, nhìn xuống bến sông.Nước sông lúc lớn lúc ròng.Chợ Bến Gỗ lúc đông, lúc vắng. Cây cầu người qua, người lại…Ngẫm nghĩ chuyện đời như ác mộng, như chiêm bao.Mới ngày nào trên sân trường Sĩ Quan Thủ Đức, lễ mãn khóa với tiếng hô vang:

          “Quỳ xuống các ngươi…

          Đứng dậy các Tân Sĩ Quan..”

Rồi ba lô lên đường,về Sư Đoàn 18, miền Đông đất đỏ, nắng bụi mưa sình. Qua những chiến trường khét tiếng Mây Tào, Hắt Dịch, Chiến Khu D…Những địa danh thân quen Xuân Lộc, Định Quán, La Ngà,Sông Bé,Lai Khê, An Lộc , Bình Long…Rồi 30 Tháng Tư Đen.Rồi những trại tù cải tạo Long Giao, Yên Bái,Trại 12, Trại 9, Trại 7,Đoàn 776, rồi Nam Hà, Z30A Xuân Lộc…Qua đi, qua đi…Trở về với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, cầm cây búa tạ đập sắt bên cạnh cầu cây, nhìn người qua kẻ lại trên cầu, chợt nhớ câu thơ trong công áng thiền nỗi tiếng:

          “Người đi bộ qua cầu

          Cầu trôi, nước chẳng trôi”

Cây cầu vẫn còn đó, ngày ngày người qua kẻ lại, đủ sắc, đủ màu, dòng nước trôi xuôi, lúc ròng lúc lớn.Tiếng búa đập sắt vẫn chát chúa ngày ngày. Biết lúc nào mới thấy được cầu trôi mà nước chẳng trôi?.Bến sông lúc nước lớn, ghe thuyền từ các nơi đổ về đậu chen chúc rất vui vẽ.Cặp theo bờ sông phía sau tiệm hàn là nhà cô giáo Liên, thầy dạy học của con tôi.Gia đình cô giáo có lò rượu khá nổi tiếng ở Bến Gỗ.Trước sân nhà, dưới gốc cây mãng cầu xiêm và hàng dừa râm mát, thường có một bàn nhậu mà khách nhậu là những anh em trong gia đình và bằng hữu thân quen, trong đó tôi luôn là khách mời ưu tiên, lâu dần trở thành  như người  trong gia đình.Anh Hai Trắng và các chú Ba Tâm, Tư Lý, Năm Chung coi tôi như anh em.Rượu Bến Gỗ ai đổ nấy uống, đó là luật nhậu của dân Bến Gỗ.Tôi tuy tữu lượng không bằng ai nhưng nhiều khi cũng phải cố sức theo cho đến lúc say mèm.Nhờ đó mà những tháng ngày vất vã, đập sắt bằng búa tạ ở tiệm hàn cũng qua đi, không đến nỗi buồn chán.Chiều chiều nước lớn, gió mát thổi lồng lộng, hơi men rượu Bến Gỗ thơm ngát cũng làm quên đi được những ngày tháng truân chuyên.Dù bây giờ cách xa nửa vòng trái đất, nhiều đêm trong giấc chiêm bao, như mơ hồ thấy mình cùng với anh em bên bàn tâm sự, cạnh bờ sông sóng vỗ lao xao.

          Tôi không ghiền rượu, nhưng cà phê thì thuộc loại dân ghiền có hạng.Làm quen với mùi vị cà phê từ thuỡ mới học lớp nhì, tiểu học.Một hôm, nhân ngày nghỉ lễ, tôi theo bà bác đi thăm ông anh  đang đóng quân trong một căn cứ trên dốc Nam Giao, Huế. Ông anh đi hành quân vắng,một bà đầm người Phap rất trẻ đẹp tiếp tôi, dắt tôi vào Câu Lạc Bộ, pha cho tôi một cốc cà phê đen và một miếng bánh mì kẹp thịt. Tôi chẳng ngần ngại uống hết cốc cà phê ấy và sau đó thì thức suốt đêm. Từ đó tôi biết được thế nào là hương vị cà phê. Huế không phải là nơi sản xuất cà phê, nhưng dân Huế ghiền cà phê không kém gì dân Sài Gòn. Tôi cũng trở thành khách quen của nhiều quán Cà Phê nỗi tiếng như  Cà Phê Phấn ở Huế,Sáu Lé, Ngọc Hương ở Xuân Lộc, Thằng Cuội ở Tây Ninh, Cà Phê Cô Năm Tử Thủ ở An Lộc…Mang một lịch sử cà phê dài như vậy, dĩ nhiên khi về Bến Gỗ, tôi cũng sớm trở thành khách quen của quán cà phê anh Hai S. và Cà Phê Hồng.Cà phê Hai S. tọa lạc trên một địa thế thuận lợi, nằm trên phố chính của chợ Bến Gỗ, lúc nào cũng đông khách, nhất là buổi sáng.Nhà tôi ở cách quán cà phê chỉ mấy căn, đêm thao thức ngủ không được, chỉ chờ sáng, khi nghe tiếng cửa sắt kéo kèn kẹt là biết anh Hai đã mở cửa, vội vã lên ngồi ở hàng ghế sô pha, mới có lai rai mấy người khách quý. Những ly cà phê đầu tiên anh Hai pha thật đặc biệt, uống ngậm mà nghe, mùi vị thơm ngon thấm vào trong huyết quản.Cà phê thì phải có bạn , vừa uống vừa chuyện trò, ly cà phê mới ngon.Ở đây tôi đã gặp được anh Mười,anh Sáu Quý, Ba Điền, Tư Đổng, Sáu Đẹt…trở thành những người bạn thân vì cùng cảnh ngộ.Sau này Sáu Quý trở thành bạn tâm giao và anh Mười trở thành thông gia như duyên trời sắp đặt, đệnh mệnh an bài.Dù bây giờ quán cà phê anh Hai S. thành cửa hàng thương mãi,anh Hai cũng ra người thiên cỗ, nhưng những hình ảnh kỷ niệm ở đó mãi mãi còn nguyên.Cũng tại đây tôi đã gặp lại Trung úy Tuyên,một chiến hữu đồng hương Huế.Anh Tuyên làm nhiệm vụ liên lạc cho một tổ chức khởi nghĩa do một Niên Trưởng có khá nhiều uy tín lảnh đạo.Sau nhiều lần gặp nhau, anh Tuyên thuyết phục tôi tham gia.Hẹn tối Thứ Sáu sẽ găp Niên Trưởng ở quán cà phê anh Hai.Tối đó tôi ngồi chờ tới khuya, không thấy Tuyên về, suốt đêm đó không ngủ được. Sáng hôm sau dậy thật sớm lên xe về Sài Gòn.Vào Chung Cư Mênh Mạng , chỗ nhà Tuyên, ghé ngồi nơi xe nước mía, chờ một lúc,chị Mùi vợ Tuyên cầm cái ly làm bộ mua nước mía, nháy mắt nói nhỏ với tôi.Tối qua anh Tuyên bị bắt rồi.Anh đi lẹ đi! Tụi nó đang theo dõi.Tôi vội vàng lên xe ôm chạy về Bến Gỗ.Sau đó được biết Tuyên bị tuyên án hai mươi năm, cùng với đứa em ở Huế bị bắt trong nhà có súng.Chị Mùi bị đuổi ra khỏi nhà cùng với bốn đứa con dại, phải sống nương nhờ dưới gầm cầu thang trong chung cư Mênh Mạng.Thì ra vị Niên Trưởng đó là cò mồi.Kể từ đó tôi không còn tin ai nữa.

          Làm thợ hàn được một thời gian, rồi em gái tôi giúp vốn cho đi buôn thuốc Tây từ Sài Gòn xuống Giồng Riềng, Rạch Giá. Đời sống tình thần và vật chất đỡ hơn trước, cho tới ngày được ra đi.Nhưng tôi vẫn gắn bó nhiều với Bến Gỗ.

          Hai chữ Bến Gỗ cũng đã giúp tôi ra đi sớm hơn.Ai cũng biết , ở Biên Hòa,muốn hồ sơ chuyển đi trước, sớm hơn, phải qua cửa của anh Sáu.Nhưng tiếp xúc được với anh Sáu thì không phải dễ.Phải có bùa.Thời may, có người mách nước cho tôi.Phải đi thật sớm, ngồi ở quán cà phê bên đường đối diện nhà anh Sáu, canh chừng, thường lúc bảy giờ sáng là anh Sáu mở hé cửa cho con gái đi học, thật nhanh, lẽn vào chào anh Sáu. Đưa bì thư nói :”Cô Ba Bến Gỗ nhờ”. Anh Sáu sẽ tiếp.Nhờ lá bùa đó,anh Sáu đã nhận lời giúp hồ sơ chuyển đi trước Tết năm đó.Tôi được đi HO8. Sớm hơn nhiều bạn khác. Cũng nhờ Cô Ba Bến Gỗ.

          Thời gian trôi mau quá.Ngày nay Bến Gỗ đã đổi thay nhiều.Chợ Bến gỗ hoàn toàn đổi mới. Cảnh vật khác xưa .Ông Bà Bác đã trở về cõi thiên thu.Quán cà phê anh Hai S., Cà Phê Hồng không còn nữa. Nơi bến sông xưa, tiệm hàn , nơi tôi ngồi đập sắt hàng ngày, nay cũng không còn. Gia đình anh Năm Thuốc Tây cũng đã qua Mỹ. Còn lại bến sông nơi nhà cô giáo Liên, cũng nhiều thay đổi, cuộc sống khá lên.Tôi với anh chị Mười trở thành thông gia. Tôi có được con dâu hiền Quỳnh Hoa,con gái anh chị Mười, một đóa hoa xinh của Bến Gỗ, đã sinh cho tôi bốn đứa cháu nội. Ở nơi xa xuôi này, chiều chiều nhớ Bến Gỗ..Thoảng nghe như tiếng ru của Bà Ngoại ngày nào bên bờ sông vắng :

           Ơ Hờ ..Sông Biên Hòa chảy ra bãi cát

          Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh….

Và cái công áng  thiền đã làm tôi mãi chiêm nghiệm:

          Người đi bộ qua cầu

          Cầu tôi nước chẳng trôi…

Trong lòng tôi, Bến Gỗ thành Bến Tình Thương.

 

                                                                   Virginia, Mùa Phục Sinh 2012

                                                                             Đăng Nguyên

April 27, 2020