Tùy Bút Xứ Truồi
Quê Hương Tôi
Từ thuỡ ấu thơ, ngày ngày tắm mát, bơi lội trên dòng sông nước trong xanh, tên gọi là sông Truồi.Trong tâm hồn non trẻ của tôi, dòng sông thật hiền hòa, thơ mộng.Dòng nước êm xuôi dịu dàng chảy dài theo đôi bờ tre xanh, chạy dài tận cuối chân trời.Tôi đã yêu dòng nước đó.Tôi đã yêu dòng sông đó. Tôi đã yêu cái bến có cô gái giặc áo bên sông. Nhiều khi từ bên này bờ bơi qua bên kia bờ chỉ để nhìn mặt cô gái ngồi giặc áo trên phiến đá xanh, dưới bóng cây vông đồng râm mát, nhìn xong lại bơi trở về. Bơi hoài không biết mệt.Cái bến sao mà đáng yêu, cái bờ sông sao mà đáng yêu đến thế.Quê hương đó, dòng sông đó, vào trong máu, trong xương, trong hồn từ thuỡ nào.Có những buổi chiều đứng nhìn lên ngọn núi cao xanh, mây phủ. Ngọn núi như một cái ấn trời ban cho quê hương. Ngọn núi âm u ,huyền bí,trên đó đầy thú dữ, cọp beo mà tâm hồn non dại trẻ thơ tưởng chừng như không bao giờ dám đến đó.Cho đến tận bây giờ, khi đã xa quê hương ngàn vạn dặm, cách nửa vòng trái đất, hình ảnh sông núi đó không bao giờ phai nhạt.
Xứ Truồi với sông Truồi, núi Truồi, quê hương tôi đó. Từ nhỏ đã thuộc lòng câu ca dao:
Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu.
Núi cao thì do trời đắp rồi. Còn sông sâu thì cái nghĩa sâu này là chỉ sự phân ly, chia cắt đất nước thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Người dân xứ Truồi thuỡ đó đã đau cái đau của chia cắt phân ly dân tộc mà hát lên câu này.Không ngờ ngày sau lịch sử lại tái diễn một lần nữa vào sông Bến Hải, tuy ngày nay không còn, nhưng vết thương chia cắt trong lòng người vẫn chưa lành, dân tộc phân ly khắp bốn phương trời, chưa hết.
Sông Truồi và xa xa là núi Truồi
Truồi không phải tên làng, tên xã, tên huyện, mà là một địa danh khá nỗi tiếng phía nam Huế.Tính từ Cầu Truồi trên quốc lộ 1 đến Huế là 27 cây số.Bao gồm hai xã Lộc An và Lộc Điền chạy dọc theo hai bên bờ sông Truồi (sông Hưng Bình).Xã Lộc An ở bờ bắc gồm các làng Nam Phổ Hạ, Nam Phổ Cần, Phước Mỹ, Lại Thế Hạ, Xuân Lai, Bàn Môn, Phú Môn.Xã Lộc Điền ở bờ nam với các làng Lương ĐiềnThượng, Lương Điền Hạ, Tế Xuân, Đồng Di, Sư Lỗ Đông…và một xã Tân Lập trên thượng nguồn sông Truồi.Chính phù sa của sông Truồi đã bồi đắp tạo dựng nên vùng đất phì nhiêu, ruộng vườn xanh tốt, cây lành trái ngọt và phong thủy hữu tình với những câu ca dao :
Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về.
Hay :
Xứ Truồi ruộng cả đồng sâu
Muốn ăn cơm trắng làm dâu xứ Truồi.
Ngày xưa, nhu cầu giải khát của dân gian chỉ đơn giản là bát nước chè xanh. Ngay cã thời tôi còn nhỏ, đi khắp kinh thành Huế, đường nào cũng có quán nước chè( khác với nước trà, nước trà dùng búp nụ non, còn nước chè dùng lá già, nấu lúc còn tươi).Với cái ấm nước nấu sôi, khách qua đường uống bằng một cái bát lớn ( như tô canh). Uống vào là toát mồ hôi hột, rất đã khát.Do đó mà chè Truồi rất nỗi tiếng. Ngày nay do tiến bộ kỷ thuật, bát nước chè xanh đậm tình dân tộc đã nhường bước cho nước ngọt coca…
Ngoài chè Truồi, dâu Truồi cũng nổi tiếng không kém. Trái dâu Truồi được gọi là dâu tiên, vỏ mỏng, mùi thơm thanh tao, nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ ( mồng 5 tháng 5 âm lịch) dâu Truồi vừa điểm son ( một lớp nhựa đỏ tươm ra ngoài vỏ trái dâu như môi son con gái), dó là lúc trái dâu chín ngon nhất.Một thứ đặc sản không thể quên được của xứ Truồi là bánh bột lọc, làm từ tinh bột củ sắn ( khoai mì ).Đi xe đò đến Cầu Truồi hoặc đi xe lửa đến ga Truồi hành khách sẽ nghe tiếng rao vang bánh bột lọc, khách sẽ không nhịn được thèm mà phải mua.Người Huế nào xa quê hương mà không thèm bánh bọt lọc. Ăn để nhớ mà thôi.Ngày nay làng Xuân Lai ở cạnh sát cầu Truồi là nơi sản xuất bột lọc nổi tiếng, cung cấp hàng cho Huế và cả các nơi khác.
Cầu Truồi
Lần theo sử sách thì không hiểu địa danh Truồi từ đâu ra.Đại Nam Nhất Thống Chí Triều Nguyễn có ghi tên núi Truồi là núi Ấn, là ngọn núi cao nhất kinh kỳ, sông Truồi là sông Sư Lỗ, nhưng các cụ xưa thường gọi là sông Hưng Bình, và vùng Truồi được gọi là vùng núi Ấn sông Hưng.
Về dân cư thì gốc tích người Việt đến đây là theo bước chân lịch sử của Huyền Trân Công Chúa.Đất Thừa Thiên thuộc Châu Ô.Theo gia phả giòng họ Nguyễn ( Nam Phỗ Cần), tổ tiên xuất phát từ Thanh Hóa, làm quan tri phủ đời hậu Lê, đã theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, sau đó từ quan để đi khai hoang lập ấp.Như vậy vùng đất này đã được khai khẩn trên bảy trăm năm.Lại có sự liên hệ tên của các làng vùng cận Huế với Truồi.Như gần Huế thì có làng Nam Phổ Thượng, còn Truồi thì có làng Nam Phỗ Hạ rồi Nam Phỗ Cần (Nam Phỗ Cần còn được gọi là làng Truồi).Hay Lại Thế Thượng- Lại Thế Hạ; Sư lỗ- Sư Lỗ Đông…
Dù địa danh Truồi không biết xuất phát từ đâu, nhưng nó đã đi vào lịch sử.Người Pháp khi làm cầu cũng đặt tên cầu Truồi, rồi ga Truồi, chợ Truồi…và ngày nay có thêm Đập Truồi, Hồ Truồi.
Dãy Trường Sơn chạy dài bắc- nam đến núi Truồi thì cao dần lên và một nhánh rẽ ra biển làm thành rặng núi Bạch Mã.Như một trường thành che chở cho xứ Truồi.Tương truyền con ngựa bạch của chúa Nguyễn Ánh khi đến đây thì kiệt sức mà chết,nên khi lên ngôi, vua Gia Long đặt tên núi là Bạch Mã.Núi cao 1444m, trên đỉnh bốn mùa cây cỏ xanh tươi, có hồ nước trong xanh,từ hồ này , nước chảy xuống thành thác Đỗ Quyên rất được du khách yêu thích.Theo lịch sử thì núi Bạch Mã đã được một kỷ sư người Pháp tên Girard khám phá từ năm 1916, biến đỉng núi thành khu nghỉ mát sang trọng, gồm nhiều lâu đài biệt thự, có cã dinh của vua Bảo Đại.Tôi đã có dịp lên đây một lần nhờ tham gia trại hè của Khu Công Chánh Trung Nguyên Trung Phần thời chính phủ Ngô Đình Diệm.Sau này bị chiến tranh tàn phá chưa được phục hồi nguyên vẹn.
Thác Đỗ Quyên trên núi Bạch Mã
Hồi nhỏ, cứ buổi sang nhìn lên núi Bạch Mã, nếu thấy một vệt trắng dài như giải lụa vắt giữa mái rừng xanh( do thác Đỗ Quyên) thì biết hôm đó thời tiết tốt, hôm nào nhìn không thấy vệt trắng là thời tiết xấu, sắp mưa bảo.
Xứ Truồi nếu đứng nhìn về phương nam thì trước mặt là Bạch Mã, phía tây là núi Truồi cùng dãy Trương Sơn như một trường thành che chắn, sau lưng là kinh thành Huế, bên phải là phá Tam Giang- Cầu Hai với đầm Thủy Tú là nơi phong thủy hữu tình,nhiều long mạch rồng chầu hỗ phục.Chính sự hấp dẫn của xứ Truồi mà nhiều vị danh gia vọng tộc đã từ đất thần kinh về đây lập nghiệp như cụ Ngô Đình Khôi, cụ Ưng Dự, cụ Tham Đồng, cụ Quản Huyền v,v…nhưng tiếc thay vì thời thế chiến tranh tàn phá hết, ngày nay đã không còn.
Thời cựu trào hán học cũng có nhiều bậc danh nho, cho đến trước 1945 vẫn còn lưu lại nhiều cụ nghè ( bậc tiến sĩ nho học)danh tiếng như các cụ Nghè Hai, Nghè Hiệu, Nghè Phùng,Nghè Biên, Nghè Huấn, Nghè Hướng, Nghè Phan…
Thời chiến tranh cận đại cũng có nhiều nhân vật nỗi tiếng kể cả hai phía Quốc Gia và Cọng Sản.
Nếu xem sông Hương như một người chị thì sông Truồi như một cô em gái, nên xứ Truồi cung cấp cho Huế nhiều thứ.Núi Truồi có nhiều gỗ quý như gõ, kiền kiền, lim, trầm hương…Núi Truồi có nhiều thú quý như cọp, voi, tê giác, gấu, nai…Sông Truồi có nhiều tôm cá quý, như cá hanh:
Ngồi buồn xe chỉ mong manh
Đối câu được con cá hanh nguồn Truồi.
Càng đi xa càng nhớ quê nhà, vùng đất nhiều tình cảm thiết tha với những câu hò, điệu hát:
Ngó lên Độn Vàng dạ chàng bát ngát
Ngó về Bàu Bạc ruột nát gan khô
Trăm năm chàng không bỏ nghĩa thiếp mô
Thiếp chớ ưu sầu vào dạ mà héo khô gan vàng.
Núi thì được gọi là Độn (Động) như Độn Truồi, Độn Bông, Độn Tranh, Độn Trọc, Độn Lăng. Nực cười nhất là câu hát :
Tổ cha hòn Độn Cây Giang
Không cho tau chộ( thấy) cái làng Cầu Hai.
Bởi vì dãy núi Bạch Mã chạy sát ra tới biển mà hòn núi cuối cùng sát Quốc Lộ 1 tên là Độn Cây Giang ngăn cách Truồi với Cầu Hai ngày nay là huyện lỵ Phú Lộc.
Ngày nay sông Truồi không còn được như trước nữa.Do đập Truồi ngăn nước trên thượng nguồn ảnh hưởng nhiều đến hạ lưu.Tôm cá không còn nhiều.Nhiều chất thải làm cho nước sông không còn được tinh khiết như xưa.Điều thu hút nhiều du khách đến Truồi là do Hồ Truồi và Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã.Đập Truồi cao 50m ngăn thượng nguồn sông Truồi từ thác Khe Dài cũ, tạo nên một lòng hồ chứa tới trên 60 triêu mét khối nước. Nước được dẫn qua một kênh đào dài hàng chục cây số để cung cấp nước cho các đồng ruộng phía nam Huế.Công trình này tạo dáng dấp cho một phong cảnh tuyệt đẹp, bỡi nước dâng lên biến các ngọn núi thành đảo, nước bao quanh mênh mông.Cảnh đẹp phối hợp giữa trời, mây, sông, núi, hồ, thác, khe, suối…tạo cảm hứng cho một vị thiền sư đến đây xây dựng nên một công trình Phật Giáo đồ sộ hiếm có : Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã
Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ xa
Hồ Truồi
Thiền Viện được xây trên đỉnh núi Linh Sơn, chung quanh bao bọc bỡi Hồ Truồi. Đi lên Thiền Viện phải qua đò máy. Từ bến lên đến Chánh Điện phải bước lên 172 bậc cấp.Từ sân chính nhìn bao quát một tổng diện tích trên 2 hecta gồm các đền đài chính như : Chánh Điện, Tổ Đường, Phương Trượng,Tăng Đường, Thiền Đường,Trà Đường, Lầu Chuông, Tháp Xá Lợi, Ni Viện…Xa xa bên hòn đảo đối diện là một tượng Phật cao.Vào những ngày nắng ráo, nhất là mùa hè, khách thập phương đến viếng tấp nập.Là một địa điểm du lịch cho khách từ Huế về hoặc Đà Nẳng ra.
Những người con xa xứ mong một ngày về thăm lại quê hương.
Austin, TX Hè 2011
Đăng Nguyên
Hình ảnh và tài liệu tham khảo từ Net Cố Đô.