
- Viết văn từ 1958, Bút hiệu Mộng Huyền
- Ngừng viết khi lập gia đình Viết lại tại Hoa Kỳ 1986
- Đã xuất bản: Những cánh hoa dại mầu vàng, 2010; Hoa Tương Tư, 2017
- Góp mặt trong: Truyện ngắn Phụ nữ Việt, 1994
- Tuyển tập Phụ nữ Việt, 2006, 2008
- Hương đời kỳ diệu, 2007
- Du Tử Lê Tác giả và Tác phẩm
- Tuyển tập Thơ Cỏ Thơm
- Tuyển tập Văn chương Phụ nữ, 2013
- Hồi tưởng dấu yêu, 2015
- Tuyển tập Cô gái Việt, 2016
- Nguyễn Ngọc Bích, Tấm lòng cho quê hương, 2016
- Chủ bút Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới
- Trong Ban biên tập Cỏ Thơm
- Thành Viên Câu lạc bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng HTĐ
- Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại Vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ (2018-2021)






YÊU MÃI NGÀN NĂM
Từ em cất bước ra đi
Là thôi là hết còn gì nữa đâu
Mà sao anh cứ u sầu
Anh tương tư mãi những mầu áo em
Mùa Thu đổ lá bên thềm
Em ơi lá đó nhắc em những gì?
Nhớ không em, lúc chia ly
Em nhìn lá úa nói gì với anh ?
Đôi ta mộng dẫu không thành
Tim em riêng chỉ một mình anh thôi
Dù cho vật đổi sao dời
Lòng anh vẫn nhớ mãi lời thề xưa
Yêu nhau nói mấy cũng thừa
Vui đi em nhé cho vừa lòng ai
Tình nào rồi cũng nhạt phai
Riêng tình ta sẽ thắm hoài ngàn năm.
Hồng Thuỷ
Kính mời quý vị bấm những tựa đề dưới đây để đọc những bài viết của các tác giả dành cho các tác phẩm của Hồng Thuỷ
BIỆT CHÂU PHONG. CAO MỴ NHÂN
Tặng Hồng Thuỷ, bạn ” Trưng Vương “
Theo anh về bái biệt Châu Phong
Đất Tổ lênh đênh giữa sóng Hồng
Nước lớn bâng khuâng sương với khói
Đò đầy ngần ngại gió và sông
Hai ngàn năm trước mơ hồ nhớ
Mười mấy ngày nay thấp thoáng mong
Cánh hạc vàng xưa trên Lãng Bạc
Còn nghe dòng Hát chảy phiêu bồng …
CAO MỴ NHÂN
EM VÀ NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI
Mỗi buổi chiều, em thường đi qua đó
Nơi mình vẫn hẹn hò mà chả thấy anh đâu
Em nhớ ngày xưa anh cứ mãi lo âu
Sơ tình mình chẳng bền lâu mãi mãi
Em khờ dại chẳng băn khuăn nghĩ ngợi
Cứ lững lờ như gió thoảng mây bay
Để tình anh vuột ra khỏi tầm tay
Rồi từ đó đời cách chia đôi ngả
Chiều hôm nay trời trong xanh xanh quá
Nắng Cali vẫn làm má em hồng
Trời mùa Xuân mà em ngỡ mùa Đông
Sao em thấy lòng tràn đầy băng giá
Gió vờn tóc em bay, mà sao nghe rất lạ
Tưởng môi anh đang ghé xuống thật gần
Đôi mắt nhìn em vẫn say đắm âm thầm
Của một thuở xa xưa tình đắm đuối
Em đã lỡ để anh đi quá vội
Nay đành thôi vì quá đỗi muộn màng
Còn lại bên em chỉ những giọt nắng vàng
Đang rơi nhẹ trên hàng cây im vắng
Chung quanh em chiều nay sao quá lặng
Chỉ mình em và nỗi nhớ khôn nguôi…
Hồng Thuỷ
ĐÀN BÀ LÀ GÌ NHỈ?
Phiếm Hồng Thuỷ
Đàn bà là món quà quí giá đặc biệt Thượng Đế tặng cho trái đất. Từ ngày có đàn bà, trái đất sống động vui vẻ hẳn lên. Ngày xưa lúc chưa có đàn bà, đàn ông cảm thấy tâm hồn cằn cỗi chả có đối tượng nào để mà mơ, mà mộng. Cuộc đời chán nản, khô khan. Ăn rồi chỉ muốn nằm chèo queo ở nhà.
Có bóng hồng xuất hiện, mắt các chàng bỗng sáng lên, tâm hồn bỗng phơi phới, yêu đời, đầu óc đâm ra mơ mộng, nghĩ toàn những danh từ thật bóng bẩy ướt át đế tán tỉnh các nàng. Bề ngoài các chàng cũng đẹp trai sáng sủa hẳn ra, vì tối ngày được trau chuốt.
Không đi tán đào, ăn diện làm gì cho mất công, phải không quí vị liền ông? Quên nữa, điều này mới là quan trọng. Có đàn bà các ông sạch sẽ hẳn ra. Ông nào lười biếng không chịu tắm gội, sửa soạn đi gặp đào cũng phải tắm rửa sạch sẽ, đánh răng đánh lợi kỹ càng. Để chắc ăn có ông còn súc miệng thêm bằng Listerine nữa chứ. Tóm lại là nhờ có đàn bà, đàn ông lúc nào cũng phải cố gắng ăn ở hợp vệ sinh thơm tho sạch sẽ. Tưởng tượng ghé vào tai nàng thì thầm mà hơi thở không thơm tho thì các nàng chạy de hết.
Các ông hà tiện không chịu chi tiêu cũng trở nên rộng rãi hào hoa hơn. Đi tán đào thì phải bao các nàng ăn uống. Lâu lâu cũng phải quà cáp đế lấy lòng người đẹp. Thành ra, dù kẹo cách mấy, các ông cũng phải mở bóp chi tiêu. Chi mãi thành quen, tính kẹo đỡ đi được một chút.
Trên đây chỉ là ba cái “công dụng” lẻ tẻ. Cái công dụng có chưởng lực mạnh nhất là đàn bà đã mang lại sự trường tồn cho nhân loại. Không có đàn bà trái đất sẽ vắng hoe. Làm sao loài người có thể sinh sôi, nẩy nở nếu đàn bà không mang nặng đẻ đau? Không có đàn bà chắc chắn loài người sẽ tuyệt chủng.
Như vậy đàn bà xứng đáng được vinh danh là người quan trọng nhất trên trái đất (VIP đấy).
Dù là VIP đàn bà vẫn bị xếp đặt ở một vị trí rất khiêm tốn. Xã hội Việt Nam đặt ra những phong tục tập quán thật bất công với đàn bà. Chắng hạn như “Tại gia tòng phụ.Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử.”
Về phương diện mê tín dị đoan cũng trọng nam khinh nữ. Hễ ra ngõ gặp trai là hên, gặp gái là xui. Sau khi lập gia đình, người đàn bà phải mang tên của chồng. Tên của mình bị chìm vào quên lãng.
Lớn lên con gái bị lép vế đủ thứ. Trong gia đình, bao giờ người con gái cũng phải làm việc nhiều hơn con trai và không được cưng chiều bằng con trai. Trong việc “bồ bịch” con gái chỉ là người bị động, nghĩa là bị dụ dỗ tán tỉnh. Con trai mới là chủ động, tự mình đi bắt bồ tán gái.
Vậy mà nếu con gái có nhiều bồ vẫn bị coi là đồ gái hư, lăng loàn, trắc nết. Con trai có nhiều bồ lại được khen là “anh chàng “đắt mèo” nhiều gái mê, hào hoa phong nhã.Khi lập gia đình, ông nào cũng muốn cô dâu phải còn mới toanh trong trắng nguyên vẹn, trong khi các ông đã cũ xì, cũ xịt, xài tới xài lui không biết bao nhiêu lần. Lấy nhau rồi, đàn ông vẫn có quyền “trai năm thê bảy thiếp”, nhưng đàn bà ngược lại “gái chính chuyên chỉ có một chồng.”Đến lúc có con, đàn bà là người mang nặng, đẻ đau. Thức khuya, dậy sớm, lo cho con cho đến ngày chúng khôn lớn. Người mẹ bao giờ cũng vất vả với con nhiều hơn là bố. Vậy mà hễ cái gì dính dáng đến mẹ thì bị gọi là họ ngoại. Có nghĩa là vòng ngoài, ngoại tộc. Cái gì dính dáng đến bố được gọi là họ nội. Nội là bên trong, gần gũi thân thiết. Bị đối xử bất công như vậy mà đàn bà vẫn chấp nhận vui vẻ, coi đó là cái truyền thống của dân tộc, thử hỏi có tội nghiệp không?Dù có bất công và theo lối cổ lỗ sĩ, quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” coi thường đàn bà tới đâu đi nữa, cũng không ai có thế chối cãi đàn bà đáng yêu vô cùng. Đọc đến đây, nhiều đấng mày râu bị vợ đì hay bị đào hành hạ sẽ mắng mỏ tôi tới tấp “nhờ chị tí nhé! mấy điều chị nói về đàn bà ớ trên chúng tôi nghe đã ngứa tai lắm rồi, nhưng không cãi được vì chị nói có lý quá. Nhưng còn cái câu chị khen đàn bà đáng yêu vô cùng thì phải xét lại. Chả hiểu mấy mụ bà chằng đang hành hạ chúng tôi, nó đáng yêu cái cái chỗ nào.Bình tĩnh suy nghĩ lại đi các ông ơi! Khởi thủy đàn bà bao giờ cũng đáng yêu. Không đáng yêu các ông dại gì mà theo đuổi, o bế, tán tỉnh. Hứa nhăng hứa cuội đủ điều, rồi mang xe bông rước về làm vợ. Có ai đi tán một con mẹ đáng ghét để mong được làm người yêu hay làm vợ đâu. Bằng chứng cụ thể là thư tình gửi cho đàn bà bao giờ các ông cũng viết “Em yêu”, “Em yêu quí”, “Em yêu dấu”. Cuối thư bao giờ cũng không quên “yêu em nhiều lắm” v.v.. và v.v…Vậy nếu em không đáng yêu, các ông điên gì mà yêu em lắm thế? Vậy thì đàn bà đáng yêu là cái chắc chứ còn phải xét đi xét lại gì nữa. Lấy các ông rồi những người đàn bà đáng yêu nếu có thể trở thành bà chằng đáng ghét cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Đàn bà vốn thông minh “nhập gia” phải “tùy tục” chứ làm sao hơn được. Ông chồng “quá trời”, cực chắng đã, bà vợ mới phải ra tay. Lý do thật đơn giản, đàn bà vốn mềm dẻo “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Ông chồng “quá xá quà xa” mà vợ hiền khô thì coi “hổng hợp”. Đàn bà phải tập thay đổi cho nó “xứng đôi vừa lứa” với chồng.
Như vậy các ông phải khen đàn bà mới phải. Nỡ lòng nào các ông lại gọi đàn bà bằng những cái tên chẳng êm ái tí nào “cọp cái”, “bà chằng”, “sư tử Hà Đông” v.v… Ăn ở kiểu đó là hổng có “phe” đâu à nghe. Trời phạt chết đó. Muốn lên thiên đàng với niết bàn, các ông nên ăn ở có trước có sau. Nghĩ đến đàn bà, các ông nên nghĩ đến những hình ảnh đẹp đầy mộng mị mà các ông mê mẩn ở những giây phút của thưở ban đầu. Hãy nhớ đến căn nhà các ông sống hồi độc thân nó lạnh lẽo, im vắng, chán nản như thế nào. Đến khi có nàng xuất hiện, tất cả đều biến đổi một cách nhiệm mầu. Trong nhà đầy tiếng cười nói ríu rít của trẻ thơ. Căn bếp lúc nào cũng ấm cúng với cơm dẻo canh ngọt, chiếc giường xưa kia lạnh lẽo vì chăn đơn gối chiếc, nay đã được sưởi ấm bằng ái ân nồng thắm của tình nghĩa vợ chồng.
Nghĩ như vậy các ông sẽ thấy đàn bà không chỉ đơn thuần là những người vợ. Đàn bà là những chiếc đũa thần, đã mang sự sống, niềm vui, hạnh phúc đến cho nhân loại. Tưởng tượng thế giới toàn đàn ông sẽ buồn nản đến thế nào. Tim các ông sẽ không có đối tượng để mà rung động. Hồn các ông sẽ không bao giờ có cơ hội để mà nhung nhớ mộng mơ. Các ông sẽ chẳng bao giờ được hưởng niềm vui nhìn đàn trẻ thơ tung tăng đùa giỡn. Và cuối cùng các ông sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của tình yêu.Tôi nhớ mỗi năm khi ngày “Mother’s Day” đến, các ông thường kiếm cớ “em là vợ anh chứ có phải là má anh đâu mà anh phải mua quà.” (Câu này tôi nghe quen quen quí vị ạ) Dù những người vợ không phải là má cúa các ông, nhưng các nàng đã cho các ông những đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn. Những người vợ xứng đáng được tặng một món quà trong ngày Mother’s Day, dù nhỏ bé cũng được, nhưng thể hiện cái tình nồng thắm của nghĩa vợ chồng.Đàn bà dù là chiếc đũa thần nhưng vẫn thèm được chồng yêu, chồng chiều và nhất là “chồng cho quà.” Các ông đừng bao giờ quên điều đó nhé!Hồng Thuỷ
CẦN THIẾT
Rừng chẳng còn cây đâu phải rừng
Cây không hoa trái lá không xuân
Không em anh không còn anh nữa
Không cửa không nhà đón người dưng
Không mắt không môi không nói cười
Không tai không mũi không chút người
Không tim không óc không mơ mộng
Không tiếng thở dài không hên xui
Còn lại chút gì trong gió mưa
Trong màu áo mới chờ đón đưa
Trong môi mê gọi lời trăng gió
Trong tóc thơm đầy chuyện đời xưa
Trời đất phân chia mấy cõi buồn
Mấy bờ nước mắt mấy đau thương
Mấy sông mấy biển xanh rừng núi
Để gió thu nào nhặt chút hương
Không anh em biết như thế nào
Hai cánh tay trần trắng chiêm bao
Bờ vai còn dấu hôn thổn thức
Môi ướp đường phèn hay mía lau
Hay chỉ còn trơ xác rong buồn
Như lời rêu úa gọi mù sương
Như cây không lá hoa không sắc
Như trái mãn cầu rơi xuống mương
Em sẽ đi trên dãi ngân hà
Nhặt bao sao đẹp kết đèn hoa
Soi đường cổ tích tìm chăn gối
Hay gọi trăng non thăm rừng già
Tay nhớ tay thương tay dỗ dành
Tay nào nhóm lửa suốt năm canh
Tay nào quá điệu ghen hờn bướm
Hay chỉ đi về áo rêu xanh
Hai số không sao không giống nhau
Hoài công kiệt sức đợi chiêm bao
Hai đầu trái đất người đâu mất
Môi đá thèm hôn bóng nắng nào
Lênh đênh mây trắng kiếm mây vàng
Cánh cò hiền dịu cũng nhòa tan
Em còn phân nửa anh phân nửa
Nghìn kiếp cô đơn khóc lỡ làng
Làm sao ghép lại được như xưa
Chung bóng chung đôi yêu bốn mùa
Mặc kệ đói no quên cay đắng
Ngày say nắng ấm đêm giỡn mưa
Tách ra một nửa còn như không
Thiếu cái xương sường điệu cong cong
Như đu đủ đực mơ ôm trái
Hoa lá xanh tươi chỉ đau lòng (1)
Lận đận long đong sóng bạc đầu
Nửa vòng trái đất cháo xa rau
Thương vùng núi lửa không còn lửa
Thương bóng trăng già thèm mưa ngâu…
MD 11/24/05
LuânTâm
(1) Cây đu đủ đực chỉ có lá hoa mà không có trái được ! Hình như hoa đu đủ đực cũng là một vị thuốc Nam chăng ?
(Trích trong Thi Tập “Hương Áo”, MinhThư Xb,USA.2007, tr.52-54)
Xuân Viễn Xứ
Bây giờ là Tết Nguyên Đán. Tết của quê hương Việt Nam thân yêu. Đối với tôi, ngày đó mới thật sự được gọi là ngày tết. Tôi quả là bạc bẽo với nước Mỹ, một quốc gia đã mở rộng vòng tay đón tiếp gia đình tôi trong lúc bơ vơ, không cửa, không nhà. Nước Mỹ đã giúp chúng tôi làm lại cuộc đời mới, đầy đủ, vững vàng, thoải mái. Vậy mà tôi chưa bao giờ có cảm tưởng đây là quê hương của tôi, chưa bao giờ tôi coi Tết của họ là tết của mình . Với tôi, đó chỉ là ngày đầu năm dương lịch.
Lẽ ra tôi phải nhận nước Mỹ là quê hương thứ 2 của tôi mới phải, vì thời gian tôi sống ở Mỹ còn dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam. Bốn mươi năm dài đằng đẵng với bao nhiêu vật đổi, sao rời mà vẫn không làm tôi quên được những kỷ niệm ở Việt Nam, nhất là mỗi lần Tết đến . Cái không khí rộn ràng đón tết từ ngoài chợ, ngoài đường phố như lan vào mỗi gia đình. Già trẻ, lớn bé ai cũng náo nức sửa soạn đón tết. Bà ngoại tôi bắt chị người làm lau chùi tranh ảnh, vật dụng trang trí trong nhà cho sạch bóng. Bộ đồ trà cổ xưa quí giá bầy trong tủ kính cũng được mang ra rửa thật sạch để sẵn cho ông bà pha trà, đối ẩm đêm giao thừa.
Mỗi năm bộ đồ trà chỉ được dùng một lần vào dịp tết. Bà ngoại tôi nói bộ đồ trà này là đồ cổ vô cùng hiếm quí, bà không dám dùng thường ngày nhỡ lỡ tay làm vỡ phí đi.
Tết đến nhà tôi lúc nào cũng có một chậu mai tứ quí, hoa nở đầy từ gốc đến ngọn. Bởi vậy mỗi lần đón xuân ở đây, dù hoa đào có đẹp rực rỡ tới đâu, mẹ tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tới những bông mai vàng của những ngày tết ở quê nhà.
Chưa kể bà ngoại tôi còn cầu kỳ gọt những củ thủy tiên thật công phu. Bà tính toán làm sao mà hoa của bà bao giờ cũng nở đúng giao thừa . Trước tết mấy tuần, bà ngoại tôi đã ngồi cặm cụi cắt củ cải, xu hào, cà rốt, tỉa thành hình hoa rất đẹp để làm dưa món . Bánh chưng mà ăn kèm với dưa món kiểu Huế của bà là tuyệt cú mèo.
Cơm tết của bà không bao giờ thiếu món thịt đông, dưa hành, cá thu kho. Bà còn nấu bóng nữa .Bóng của bà là bóng cá thứ thiệt chứ không phải “bóng bì dởm” họ giả làm bóng cá như bây giờ.
Súp vây cá của bà cũng vậy, phải là thứ vây cá hảo hạng. Tôi mê nhất là món mực khô xào với xu hào, cà rốt, món này bà làm rất công phu. Bà chọn những con khô mực thật ngon, rửa thật kỹ với nước gừng, ngâm cho mực mềm, lấy dao thật sắc thái chỉ những con mực khô cùng với xu hào, cà rốt, sau đó xào lên, rắc chút ngò vào, thơm phức. Món măng khô hầm giò heo của bà cũng rất đặc biệt. Măng khô bà luộc tới 3 lần nước. Măng của bà ăn ngon như miếng thịt gà, giò heo bà luộc sơ lên với nước muối trước, sau đó bà mới nấu, thành miếng giò heo của bà ăn rất thơm ngon. Tất cả thức ăn ngày tết tự tay bà nấu nướng, bà không sai người làm. Mỗi lần bà nấu, tôi với chị người làm phải đứng bên cạnh. Chị người làm để bà sai vặt , còn tôi bà nói “muốn học nấu ăn phải đứng nhìn tận mắt mới nấu đúng cách được.”
Bà ngoại tôi quê ở Bắc Giang. Bà rất thông minh, đảm đang, làm ăn giầu có. Bà là người quyền lực nhất của đại gia đình.
Mẹ tôi thì ngược lại, bà là con cưng, ngay từ bé mẹ tôi đã hay đau ốm, cứ xuống bếp là mẹ tôi ho nên bà ngoại hết sức cưng chiều, không cho mẹ tôi làm gì hết. Do đó mẹ tôi không biết nấu nướng, cỗ bàn gì cả. Tất cả bí quyết nấu ăn bà ngoại truyền hết cho tôi, nhưng tôi lại hơi lười “hồi ở Việt Nam thôi , chứ từ ngày sang Mỹ , tôi làm việc như trâu mà không biết mệt” nên “ học” thì nhiều , mà “hành” thì ít. Bởi vậy nghệ thuật nấu nướng những món ăn cổ truyền ngày tết của người Bắc tôi cũng chả nhớ được bao nhiêu. Bà còn dậy tôi têm trầu cánh phượng và gọt thủy tiên, cách hãm thủy tiên sao cho hoa đừng nở sớm quá. Cái mục này đối với tôi công phu và cầu kỳ quá, tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm, nên tôi chỉ giả vờ chăm chú nghe cho khỏi bị la. Tội nghiệp bà ngoại, hết hơi dặn dò dậy bảo, trong khi “con cháu lười” của bà tuy vâng vâng, dạ dạ, làm bộ hiểu, nhưng thực ra đầu óc nó đang để tận đâu đâu.
Sau khi lập gia đình, bao nhiêu lần Tết đến ở Việt Nam, tôi đều cố gắng giữ truyền thống làm cơm ngày Tết kiểu của bà ngoại. Nhưng dĩ nhiên không được đặc biệt và đầy đủ lệ bộ như của bà. Nhưng cái không khí Tết thì gia đình nhỏ bé của tôi cũng rộn ràng, tưng bừng lắm. Những ngày gần Tết tôi lo đi mua cây mai trước tiên. Tôi không khó tính phải là mai tứ quí, miễn là hoa và nụ thật nhiều là tôi rinh về.
Thay vì cầu kỳ đi chọn mua những củ Thủy tiên rồi về nhà ngồi kiên nhẫn gọt tỉa như bà ngoại. Tôi chọn mua mấy chậu hoa thược dược đủ màu và mấy chậu cúc đại đóa xếp thành hàng dài ở hành lang trước nhà. Dĩ nhiên không thể thiếu hai chậu quất trĩu quả vàng au. Tôi hài lòng khi thấy ngôi nhà rực rỡ hẳn lên. Mua hoa xong là đến mục đi mua quần áo mới cho các con. Dĩ nhiên tôi cũng mua ké cho mình một bộ. Mùng 1 Tết trẻ con phải mặc quần áo mới đi chúc tuổi ông bà Cố và bà ngoại để được tiền lì xì. Các món ăn ngày Tết bà ngoại dậy, tôi quên trước quên sau nên trước khi nấu thế nào tôi cũng phải hỏi lại bà cho chắc ăn, riêng cái khoản kiêng cữ ngày Tết tôi nhớ không sót một chi tiết nào.
Bà dặn cả nhà ,ngày mùng 1 Tết ai cũng phải vui cười, dù có điều gì phật ý cũng phải bỏ qua, nếu buồn bực là suốt năm sẽ phải buồn bực. Không ai được quét nhà hay đổ rác vì như vậy là quét và đổ hết tiền bạc đi.
Những năm đầu đón Tết trên đất Mỹ tôi đã không còn kiêng cữ được như lời bà ngoại dặn. Ngày mùng 1 Tết tôi cũng vẫn đi làm, vào giờ nghỉ ăn Lunch tôi vừa ăn vừa nhớ những ngày Tết ở quê nhà, nhớ ông bà ngoại tôi đã qua đời, nhớ mẹ tôi lúc đó còn kẹt lại Việt Nam và nước mắt cứ mặc sức tuôn ra không sao ngăn lại được. Không biết có phải vì tôi cứ khóc vào ngày mùng 1 Tết hoài mà những năm đầu sống trên đất Mỹ chả có lúc nào tôi không thấy buồn, thấy tủi đến rơi nước mắt và thấy nhớ quê hương.
Ngày Tết vui nhất của tôi là đúng 10 năm sau ngày rời bỏ Việt Nam thân yêu, năm đó mẹ tôi mới qua được Mỹ xum họp với gia đình. Tết đầu tiên căn nhà tôi ở có được cái không khí vui vẻ của ngày Tết và từ tết đó tôi lại bắt đầu “nói theo giọng chế riễu của ông chồng tôi” dở cái trò kiêng cữ ngày mùng 1 Tết Thấm thoát 40 lần đón Tết trên đất Mỹ rồi. Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi , mẹ đã hơi lẫn nên chẳng còn tỉnh táo để hỏi tôi như mẹ vẫn thường hỏi mỗi lần Tết đến “Bao giờ mẹ con mình mới được trở về sống ở Việt Nam ?” Tôi vẫn trả lời cho mẹ vui và hy vọng “có thể vài năm nữa thôi mẹ”.
Trả lời mẹ xong tôi quay vội đi để tránh ánh mắt thật buồn của mẹ và câu nói nghe thật nát lòng “biết mẹ còn sống được tới ngày đó không?”
Mẹ ơi con thật có lỗi, con đã nói dối mẹ. Tối hôm đó tôi đã xúc động làm bài thơ “Mỗi độ Xuân về”, có những câu thơ như sau:
…Tối ngày mẹ cứ thở ngắn , thở dài
Hỏi mãi hỏi hoài
Bao giờ mình mới được về sống ở Việt Nam?
Biết trả lời sao mẹ yêu dấu của con
Khi con biết ngày về còn xa lắc
Có một điều con biết là chắc chắn
Mẹ sẽ phải gửi nắm xương tàn trên đất của người ta.
Nhìn mắt mẹ buồn con cảm thấy xót xa
Con biết mẹ đang nhớ quê nhà nhiều lắm
Mẹ vẫn nói mẹ nhớ nhất cây hoa mai vàng thắm
Trước ngõ nhà ta mỗi độ xuân về …
Hồng Thủy
VĨNH BIỆT ANH HOÀNG HẢI THỦY
** Hồng Thủy **
Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị.
Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94. Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm.
Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54
Mùa thu mây trắng xây thành
Tình em mầu ấy có xanh da trời
Hoa lòng em có về tươi
Môi em có thắm nửa đời vì anh?
Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu
Yêu Hoài Ngàn Năm
Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình Ta nước biển một mầu như xưa
Yêu bao giờ, đến bao giờ
Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
Lòng em hoa vẫn tươi hoa
Môi em thắm đến em già chưa phai
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em
Mặt trời có lặn về đêm
Sáng mai em dậy bên thềm lại soi
Cuộc đời có khóc, có cười
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay
Thu về trời lại xanh mây
Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu
Càng yêu, yêu lại càng nhiều
Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.
Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào.
Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng
Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương em nhạt phấn, phai đào
Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình
Ngủ đi em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu
*
Nằm trong khám tối nghe mưa
Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
Thương nhau nên ngủ không đành
Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi
Anh nghe từng tiếng lệ rơi
Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…
Mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó. Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu. Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần. Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$.
Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như: Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.
Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.
Người bạn tù hỏi qua song cửa
Phải anh là Hoàng Hải Thủy
Anh viết truyện Kiều Giang?
Kiều Giang …!
Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng
Làm bố vỡ tim và hồn nức nở
Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở
Nghe tên con giữa chốn lao tù
Những đêm dài ngục tối âm u
Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ
Bố yêu con trong từng hơi thở
Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ
Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ
Con có run da thịt đêm nay?
Bố cho con trọn máu xương này.
Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia is for lovers”.
Thêm nữa, anh chị chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn. Thời gian đầu anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “ Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.”
Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm
Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.
Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.
Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi.
Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau.
Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước.Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.”
Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng… ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc,bỗng đứt đoạn chia lìa… Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi.Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018.
Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng.
Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị , không biết anh sẽ ra sao.
Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết. Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây?
Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.”
Từ ngày chị ra đi,anh sống âm thầm như một cái bóng.Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết’.Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy, hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị hoặc chọc phá chị để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái.
Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói ‘lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa.Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé “ Tôi đang định trả lời:Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn .Rồi chị quay sang tôi: “ lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là ‘phát ngôn viên ‘của anh.Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thuỷ thì khác, “ Vợ muốn là Trời muốn”.Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả dò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách.
Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp… như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau?
Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch cô vít.
Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài .Con cái ở xa hết.Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai thăm viếng ? anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều.
Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh.
Hồng Thuỷ
BÀI TẶNG HỒNG THUỶ
CHỦ TỊCH TRUNG TÂM VĂN BÚT
VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ & QUÝ HỘI VIÊN .
VUI TÌNH CHỮ NGHĨA .
Xưa, nay, hai chữ : cuối, đầu
Trước, sau, Hồng Thuỷ sắc mầu văn chương
Đã đi tưởng thấu tận tường
Lâu đài ngọc vãi, châu vương kiếp này
Mai đời lại nối thơ say
Thiên thu văn lại suốt ngày, thâu đêm
Tinh hoa trao tặng cho em
Tinh vân mây nổi cuồng điên điệu vần
Rồi thì ngôn ngữ trăm năm
Nhưng muôn chữ nghĩa vẫn nằm trong hoa
Lòng vui ở chỗ hài hoà
Tình mừng nơi chốn kiêu sa sắc tài
Gấm thêu rực rỡ văn hài
Hàng hàng Văn Bút trang đài bước lên
Cuộc chơi trong sáng, hồn nhiên
Tâm tư, tình cảm uyên nguyên Việt hồn .
Hawthorne 18 – 11 – 2020
CAO MỴ NHÂN
ĐÁP LỄ CHỊ HỒNG THỦY
(Kính họa bài Hồi Âm Thư…của chị Cao Mỵ Nhân)
BÙI HỒNG THỦY, ánh sao sa
Rớt nhằm VĂN BÚT đúng là hoàn nguyên
Chắc từ kiếp trước hữu duyên
Văn hay chữ tốt bác uyên đẫm tình
Tây Đông múa gậy vườn mình
Gom về dị thảo đem trình kỳ viên
Thủ Đô lân cận quanh miền
Cám ơn hiền tỷ kết liền muôn phương
Phương Hoa – Thanksgiving 2020
KỲ HOA DỊ THẢO
BÙI HỒNG THUỶ , viên ngọc sa
CHỦ TỊCH VĂN BÚT khéo là đẹp nguyên
Xã giao tràn nghĩa lắm duyên
Ngôn từ châu nhã bát uyên nặng tình
Hy sinh công sức hết mình
Xoay thu trở hạ thảo trình hội viên
HOA KỲ ĐÔNG BẮC ấm miền
Văn nhân thi sĩ kết liền mọi phương
Minh Thuý Thành Nội
Tháng 11/26/2020
HỒI ÂM THƯ TẠ ƠN CỦA CHỦ TỊCH VB/ VĐBHK
Thân gởi HỒNG THUỶ và quý ACE VB/ VĐBHK.
HỒNG THUỶ là nước Phù Sa
Sông nên nguồn cội, đồng là bình nguyên
Hồng Thuỷ ưa đẹp, thích duyên
Xuân tươi, thu mát, thâm uyên ý tình
Hồng Thuỷ VĂN BÚT chúng mình
Giỏi tài kết hợp, lập trình đoàn viên
Cám ơn Đông Bắc riêng miền
Tây Nam thẳng tiến nối liền viễn phương …
Hawthorne 26 – 11 – 2020
CAO MỴ NHÂN
Cảm Ơn Hồng Thủy
Chị Hồng Thủy bút văn sa
Đồng khô có bạn, tới là trung nguyên
HT vẫn tạo cơ duyên
Cho văn hữu nở thiên duyên hữu tình
Trong tâm ý của chúng mình
HT gom hết một tình đoàn viên
Nơi đâu có khác xa miền
Có chi đâu chỉ nối liền tha phương.
Lê Mỹ Hoàn
Thanksgiving 2020
Trưng Vương Hồng Thủy
(Đọc dọc theo chữ đầu của mỗi câu)
Trưng Vương dáng dấp mỹ miều
Rạng ngời vai khoát chiến bào xuất binh
Ươm mầm từ đất Mê Linh
Nữ Vương thề dựng họ Hùng nghiệp xưa (*)
Gương cho con cháu hai bà
Vì dân vì nước vì nhà hy sinh
Ước nguyền đuổi giặc ngoại xâm
Ơn trời đã thấu được lòng người xin
Nữ Vương khởi nghĩa đầu tiên
Giặc phương Bắc chạy lưu truyền về sau
Hồn thiêng sông núi nguyện cầu
Ôn dòng lịch sử về sau nhớ hoài
Nước non bờ cõi ngàn đời
Giang sơn gấm vóc của người Việt Nam
Từ Cà Mau đến Nam Quan
Hình cong chữ S công ơn bao người
Uống nước nhớ nguồn ai ơi (**)
Yêu quê giữ nước là người Việt Nam
Dương Việt-Chỉnh
(*) Lời thề thứ hai của bà Trưng Trắc: Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
(**) Tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn
Phương Hoa và Hồng Thuỷ
NGẮM ANH ĐÀO DC
Anh đào nở rộ đón bình minh
Phong cảnh vườn Xuân thật hữu tình
Bát ngát vòm hoa mây bảng lảng
Ngời ngời vạt cỏ nắng lung linh
Khăn san một mảnh trông tha thướt
Áo thắm* đôi tà ngắm đẹp xinh
Dạo cảnh DC vui rộn rã
Ra về lòng bỗng nghẹn buồn kinh…
*Áo thắm: Chị Hồng Thủy (PH áo vàng)
Phương Hoa – July 3rd 2020
ƯỚC MƠ
(Họa bài Thước Tha Thơ Mộng của anh Luân Tâm)
Mây trốn đầu non gió chẳng tha
Đùa Xuân lay lắt nhánh sa la
Chị em song bước hồn đau đáu
Mong ước khi nao trở lại nhà…
NGƯỜI ĐẸP BÊN HOA ĐÀO
Đôi vầng Nhật Nguyệt lóa quang minh
Dáng liễu bên hoa nét diễm tình
Lãng đãng mây trời như cánh bướm
Dập dềnh sóng nước giống minh linh
Nụ cười tươi tắn nồng xuân thắm
Tà áo lụa là lướt thướt xinh
Washington DC ước viếng
Mơ màng cảnh tựa đất Thần Kinh
Thanh Song Kim Phú
July 04th 2020
THƯỚT THA THƠ MỘNG
Mây thắm mây hồng bay thướt tha
Xuân xanh mắt biếc tiếc bao la
Đồng thanh tương ứng hồn thơ mộng
Quốc ngữ thiên hương áo quê nhà …
MD.07/04/20
Luân Tâm
Thân mến cảm tặng tác phẩm tuyệt đẹp “Ngắm Anh Đào DC”
& Phương Hoa & chị Hồng Thủy
NHỚ MẸ
Soi gương mẹ bảo mẹ già
Con thưa chín bẩy vẫn là trẻ thôi
Trẻ hơn cả cụ chín mươi*
Muốn già mẹ phải chẵn chòi một trăm
Thời gian thấm thoát ba năm
Mẹ yêu đã đủ một trăm tuổi rồi
Ai ngờ mẹ bỏ con côi
Mẹ con mình đã chia đôi hai đường
Con còn ở lại dương gian
Mẹ đi về nước Thiên đàng với cha
Mẹ đang hạnh phúc chan hoà
Riêng mình con nhớ xót xa những ngày
Sớm, chiều ôm mẹ trong tay
Mẹ con mình vẫn xum vầy bên nhau
Bây giờ con quá đớn đau
Mẹ ơi!mình đã mất nhau thật rồi.
(*Mẹ có người bạn 90 tuổi mà trông già hơn mẹ nhiều )
Ngày vĩnh biệt Mẹ 8 tháng 1 năm 2018
Hồng Thuỷ
THIỆN TÂM THIÊN THẦN
Nghĩa nhân không nhìn bề ngoài đâu
Mưa dầu nắng lửa mặc bể dâu
Thiện tâm vô giá thiên thần thật
Hạnh ngộ Giáng Sinh hoa nhiệm mầu…
MD.12/25/20
Luân Tâm
Thân cảm tặng “NGƯỜI KHÁCH CHIỀU GIÁNG SINH ” & TG.VTS. Hồng Thủy
Ngày cho Mẹ
Hồng Thủy
Tháng năm là tháng khí hậu đẹp và dễ chịu nhất của mùa Xuân. Cây hoa Dogwood trước nhà tôi nở đầy hoa mầu hồng tươi thắm. Thời tiết đẹp, phong cảnh đẹp mà sao lòng tôi lại buồn tê tái. Bởi vì ngày LỄ CHO MẸ gần kề, mà tôi lại không còn mẹ nữa.
Mẹ tôi bỏ tôi đi đúng 4 tháng rồi. Tôi vẫn biết có ngày tôi phải xa lìa mẹ vì mẹ tôi đã quá thọ, mẹ đã một trăm tuổi, lúc sau này mẹ rất yếu và không còn nhớ gì nhiều nữa.Tuy nhiên mỗi ngày tôi vào thăm mẹ, mẹ vẫn tỏ ra vui mừng và vẫn ôm hôn tôi. Tôi vẫn biết mất mẹ tôi sẽ buồn lắm, nhưng tôi không ngờ nỗi buồn lại quá lớn và đau đớn đến như thế này. Tinh thần tôi suy sụp hẳn đi, trong vòng 1 tháng tôi xuống 7 pounds, tôi như người không còn sức sống. Có lẽ tại tôi quá gần gũi với mẹ, săn sóc mẹ mỗi ngày. Hai mẹ con tôi quấn quýt nhau. Mẹ tôi thật tội nghiệp, cả một đời đơn độc. Bố tôi chết năm mẹ có 26 tuổi, mẹ hy sinh cả tuổi xuân, quên hạnh phúc của cá nhân mình, ở vậy nuôi 2 đứa con. Anh tôi chả may chết sớm, mẹ chỉ còn tôi. Mỗi lần đi qua con đường Montrose, nơi có Nursing Home mẹ ở, tôi lại ngậm ngùi ứa nước mắt.
Tôi thấy cuộc đời vô lý quá, có gì tha thiết hơn tình mẫu tử. Mẹ mang mình trong bụng 9 tháng 10 ngày, mẹ nuôi mình bằng máu thịt của mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi cho mình khôn lớn, dậy dỗ săn sóc từng ly từng tí. Dựng vợ gả chồng cho con rồi, mẹ vẫn chưa yên tâm. Mẹ theo dõi cuộc sống của các con. Vui khi thấy con mình hạnh phúc, buồn khổ khi thấy con mình không may mắn trên đường đời. Nỗi lo của mẹ cứ trải dài theo từng diễn tiến trong cuộc sống của các con. Chắc chắn trong cuộc đời không ai thương chúng ta bằng mẹ. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, tệ hại tới đâu, mẹ cũng không bao giờ bỏ chúng ta. Tình mẫu tử gắn bó như vậy, bỗng dưng một ngày mẹ biến mất trên cõi đời, không bao giờ mình còn được nhìn thấy mẹ nữa .Tình mẹ con chấm dứt, là thôi, là hết. Sự chia lìa đó quá đau đớn. Viết đến đây nước mắt tôi lại chảy. MẸ ơi, con nhớ mẹ vô cùng. Ngày LỄ CHO MẸ năm ngoái, tôi còn mua áo mới cho mẹ, mẹ mặc hoài không chịu thay. Ai nói “già bát cơm bát canh, trẻ manh áo mới” là sai. Gìa cũng vẫn thích áo mới. Mẹ ơi, ngày LỄ CHO MẸ sắp tới, năm nay mẹ bỏ con đi rồi, con biết mua áo mới cho ai?
Xin các bạn, những ai còn mẹ, nên dành nhiều thì giờ gần gũi, săn sóc mẹ, bởi vì một ngày nào đó, mẹ sẽ phải bỏ chúng ta ra đi, lúc đó bạn ơi, đau đớn và tiếc nuối vô cùng…
Hồng Thủy
Mùa Thu Paris
Tình cờ bốn anh chị em chúng tôi cùng đi du lịch Âu Châu với nhau lại đều là người trong nhóm Kỷ Nguyên Mới. Chúng tôi đặt chân đến Paris vào một buổi sáng sương mù dầy đặc. Ra đón nhà văn Uyên Thao, nhà thơ Quỳnh Anh và nhà văn Lê thị Nhị là chị Thụy Khuê , một cây bút nổi tiếng chuyên viết phê bình văn học của đài phát thanh ở Paris.
Vợ chồng tôi và Thanh Bình( nguyên chủ bút Nguyệt San Phụ Nữ Việt ở Cali, hiền thê của cố nhà báo Long Ân) được giáo sư Võ thế Hào và con trai ra đón. Anh chị Võ thế Hào là bạn rất thân của chúng tôi. Từ xưa đến nay tôi vẫn nghĩ đời sống của người dân Âu Châu lúc nào cũng thong thả nhàn nhã. Nào ngờ , buổi sáng giờ đi làm, nạn kẹt xe ở Paris thật là khủng khiếp. Xe cộ ứ đọng khắp các ngả đường, nhúc nhích từng tí một cứ như rùa bò. Kết quả, hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới về tới nhà anh chị Hào. Nếu không kẹt xe, anh Hào nói chỉ mất chừng 45 phút.Tuy nhiên , nhờ vậy mà chúng tôi có dịp ngắm thật kỹ phố xá Paris. Có một chút gì đó, gợi nhớ những nét quen thuộc, thân mật của thành phố Saigon.
Sương mù tan dần theo giòng xe cộ nhộn nhịp ồn ào buổi sáng, nhường chỗ cho gió heo may và nắng hanh vàng của mùa thu đuổi bắt nhau trên những lá phong còn ướt đẫm sương đêm.
Trước cửa nhà anh chị Hào, hoa hồng đủ mầu vẫn còn đang nở rộ, như muốn níu kéo mùa xuân để cho chúng tôi cùng một lúc được hưởng cả hai mùa đẹp nhất trong năm của kinh thành ánh sáng .
Ngày đầu tiên đặt chân đến Paris, chúng tôi đã được thưởng thức món chạo tôm và bò nướng vỉ thật ngon ở nhà Giáo Sư Phạm kế Viêm( thầy dạy Toán nổi tiếng của tôi năm luyện thi Tú Tài) do chính hiền thê của thầy, nhà văn Trần thị Diệu Tâm làm đầu bếp.
Phòng khách của nhà thầy cô có cửa sổ nhìn ra gìong sông Seine thơ mộng của Paris. Có lẽ nhờ vậy mà nhà văn Diệu Tâm có dồi dào cảm hứng để sáng tác. Ngày hôm sau, chúng tôi đáp xe lửa viếng đền Lộ Đức, nơi mà khi còn ở Việt Nam , tôi không bao giờ dám nghĩ có một ngày tôi lại được đứng dưới chân hang đá, nơi Đức Mẹ hiện ra đúng 100 năm về trước. Thành phố Lộ Đức đẹp và thơ mộng giống như Đà Lạt. Nhưng rộng lớn, nhộn nhịp và đông đúc hơn nhiều. Chúng tôi ở lại Lộ Đức một đêm để được tham dự Lễ Rước Kiệu Đức Mẹ thật vĩ đại Để được nhìn thấy hàng hàng lớp lớp những người ngồi xe lăn hay nằm trên xe đẩy , đến để cầu xin. Chỉ mới nhìn thấy tượng Đức Mẹ, bao nhiêu muộn phiền trong lòng tôi tan biết hết. Trời u ám như muốn mưa, vậy mà lạ thay , gần tới giờ hành lễ, trời bỗng quang đãng , để mấy ngàn người đứng ở hội trường lộ thiên trước nhà thờ được an tâm cầu nguyện. Tôi cứ lo lắng tự hỏi , nếu trời mưa, mấy ngàn người này sẽ trú vào đâu ?
Cả khu đền thờ Lộ Đức là một kiến trúc vĩ đại tuyệt tác. Mỗi bước đi như dẫn tôi vào cõi thiên đàng Tâm hồn tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát. Buổi tối , chúng tôi dạo phố, mua quà kỷ niệm và rủ nhau đi uống cà phê. Trời hơi lạnh, ngồi sidewalk café bên bờ sông, ngắm bầu trời đầy sao lấp lánh, nhâm nhi ly cappuccino thật nóng, thật ngon, lại có bạn hiền ngồi bên cạnh mới thú vị làm sao!
Trên xe hỏa trở về Paris, tôi hoàn toàn là một người mới. Tâm hồn nhẹ nhàng thoải mái. Những điệu nhạc của bài thánh ca trong buổi lễ, cứ vang vọng mãi trong tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy yêu đời, yêu tất cả mọi người. Cám ơn Đức Mẹ Lộ Đức đã cho tôi niềm tin và sự bình an trong tâm hồn. Cám ơn anh chị Võ thế Hào đã cho chúng tôi một chuyến đi thật hoàn hảo.
Ngày hôm sau chúng tôi được Từ Dung, một người bạn TV và là hiền thê của nhà văn Từ Nguyên, Chủ Tịch Văn Bút Âu Châu mời một bữa cơm thịnh soạn tại tiệm ăn nổi tiếng của anh chị trên đường Princess Paris. Cô bạn Tuyết Hồ, hiền thê của anh Võ thế Hào, người đẹp một thời của TV đã nói với tôi “ đến Paris mà không ghé tiệm ăn Palanquin của Từ Dung là một điều thiếu sót lớn. Bởi vì tiệm ăn có không khí thật ấm cúng, chủ nhân tiếp đãi nồng hậu và có nhiều món ăn đặc biệt rất ngon”.
Đến rồi tôi mới thấy , quả là danh bất hư truyền . Ông bà chủ thật niềm nở hiếu khách. Nhờ dịp này tôi mới gặp lại được cô bạn Bích Thủy và phu quân là BS Phạm tu Chính. Tới tuổi này mà còn gặp lại bạn học cùng lớp ngày xưa, với tôi quả là một điều may mắn và hạnh phúc.. Xin cám ơn Từ Dung và anh Từ Nguyên thật nhiều.
Một tiệm ăn Việt Nam nổi tiếng nữa ở Paris là An Hiên quán của Thầy cô Phạm Kế Viêm nhưng rất tiếc đã đóng cửa nên tôi không có dịp được thăm viếng.
Từ trước tới nay, tôi chỉ được biết mùa thu Paris qua thơ Cung Trầm Tưởng. Lần này tôi mới được nhìn thấy mùa thu Paris với những chiếc lá vàng nhẹ rơi trên những pho tượng trắng trong vườn Lục xâm Bảo. Những giọt mưa thu khiến cho đôi tình nhân đi sát vào nhau , dưới một chiếc dù trên đường phố ở khu Champ Elysée. Những chàng lãng tử chơi đàn bên bờ sông Seine, để những cơn gió thu vờn quanh làm bay tung mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ.
Mùa thu Paris không đẹp lộng lẫy rực rỡ như mùa thu Hoa Thịnh Đốn, nhưng đằm thắm lãng mạn hơn nhiều. Bạn phải ngồi trên chiếc bateau mouche , lênh đênh giữa gìong sông Seine thơ mộng trong một buổi chiều thu, bạn mới cảm nhận được tận cùng tất cả vẻ đẹp tinh hoa của Paris và của mùa thu Paris , qua ánh nắng hanh vàng trải nhẹ trên những hàng phong vàng rực lá. Thấp thoáng xa xa là nhà thờ Notre Dame, là tour Eiffel ,là một số đền đài kỷ niệm nổi tiếng của Paris, là những cây cầu hò hẹn của các cặp tình nhân , công khai chìm đắm trong những nụ hôn yêu đương , tưởng như không bao giờ dứt.
Sau những ngày vui ở Paris, ngoại trừ anh Uyên Thao ở lại . Tất cả chúng tôi phải giã từ Paris, đáp chuyến xe lửa tốc hành sang Luân Đôn để đến Southampton, lên cruise ship đi Spain và Portugal.
Điều ngạc nhiên là Luân Đôn không đón chúng tôi với sương mù. Chỉ có những cơn gió heo may lành lạnh, làm lao xao cả rừng lá vàng dưới ánh nắng thật trong.
Con tầu lớn nhất và mới nhất của hãng Royal Caribbean đưa chúng tôi đi thăm những thành phố và hải đảo nổi tiếng của miền nam Spain và Portugal.
Mỗi nơi đều có những vẻ đẹp riêng, nhưng với tôi, Paris có lẽ vẫn là nơi tôi thích nhất. Không biết có phải tại mùa thu Paris quá đẹp , hay vì ngôi nhà của anh chị Võ thế Hào quá ấm cúng ? Những món ăn cô bạn Tuyết Hồ nấu quá ngon, những mẩu chuyện của chúng tôi, những người bạn chí thiết , thương quí nhau với tất cả chân tình , quá đậm đà, vui nhộn, khiến lòng tôi cứ mãi mãi vương vấn Paris….
Hồng Thủy
Kính mời quý vị xem một số hình ảnh của hai buổi Ra Mắt sách
Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng và Hoa Tương Tư
của Văn Thi sĩ Hồng Thuỷ
Bùi Dương Liêm Phỏng Vấn nhà văn Hồng Thuỷ về
Tuyển Tập Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng
Phần I
Bùi Dương Liêm Phỏng Vấn nhà văn Hồng Thuỷ về
Tuyển Tập Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng
Phần II
Hình ảnh
Ra Mắt sách
Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng
ngày 17 Tháng 10 năm 2010
của
Hồng Thuỷ

Ra Mắt sách
Tuyển Tập Hoa Tương Tư
của Hồng thuỷ
ngày 26 Tháng 3, 2017
tại Jewish Community Center Fairfax, VA

Hình ảnh Ra Mắt sách
Hoa Tương Tư ngày 26 Tháng 3 năm 2017
của
Hồng thuỷ
Kính mời quý vị Bấm vào tựa đề sau để đọc bài viết của nhà văn Ngô Tằng Giao về
Tuyển tập HOA TƯƠNG TƯ của văn thi sĩ HỒNG THUỶ
Vài hình ảnh của chủ tịch Hồng Thuỷ trong Họp Mặt Xuân Tha Hương
Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ
Ngày 6 tháng 4 năm 2019
Phóng sự cộng đồng.
Tường trình của Bích Phượng – Phóng viên SBTN về
Buổi Ra Mắt Tập Truyện: “Hoa Tương Tư ” của Nhà Văn Hồng Thủy
Video Ra Mắt Sách Hoa Tương Tư của nhà văn Hồng Thuỷ
Thanh Trúc phỏng vấn nhà văn Hồng Thuỷ về
Tuyển Tập Hoa Tương Tư
Phần I
Thanh Trúc phỏng vấn nhà văn Hồng Thuỷ về
Tuyển Tập Hoa Tương Tư
Phần II
Hoa Vàng Năm Ấy
Thơ Hồng Thuỷ
Nhạc Từ Công Phụng
Tiếng hát của ca sĩ Đèo Văn Sách
Về Lại Chốn Xưa
Thơ Hồng Thuỷ
Nhạc Vĩnh Điện
Tiếng hát của ca sĩ Như Hương
Ngắm Thu DC Nhớ Thu Hà Nội
Thơ Hồng Thuỷ
Nhạc Vĩnh Điện
Tiếng hát của ca sĩ Như Hương
Kính mời quý anh chị thưởng thức nhạc phẩm
TÌNH TUYỆT VỌNG
Thơ Hồng Thủy
Nhạc Nhật Bằng
Ca sĩ Hoàg Cung Fa
Slide Show: Duy Quang
Kính mời quý anh chị thưởng thức nhạc phẩm
TÌNH TUYỆT VỌNG
Thơ Hồng Thủy
Nhạc Nhật Bằng
Ca sĩ Đông Nguyễn
TÌNH TUYỆT VỌNG
Năm tháng nào vơi nỗi nhớ nhung
Còn yêu em mãi, nhớ khôn cùng
Tim anh rướm máu, rơi thành lệ
ƯỚP lạnh đời anh, em biết không?
Dù chẳng bao giờ được em yêu
Mà sao anh vẫn nhớ nhung nhiều
Tiếc hoài một mối tình vô vọng
Lặng lẽ âm thầm đợi với mong
Bao năm rồi mới gặp lại nhau
Cả hai tóc đã bạc mái đầu
Chỉ biết nhìn em mà ứa lệ
Tình này xin hẹn đến kiếp sau
Hồng Thuỷ
Tiếc Cho Một Cuộc Tình
Thơ Hồng Thủy
Nhạc Văn Sơn Trường
Tiếng hát Phương Anh
PPS Phạm Huy Chương
Yêu Mãi Ngàn Năm
Thơ Hồng Thủy
Nhạc : Vĩnh Điện
Tiếng hát của ca sĩ Đông Nguyễn
Kính mời quý vị nghe Tác phẩm : Hoa Tương Tư – Vấn Vương Tác giả : Hồng Thuỷ
Người đọc : Kiều Loan và Chân Như
Kính mời quý vị nghe nhạc phẩm : Mộng Trưng Vương
Thơ của thi sĩ Hồng Thuỷ
Nhạc Phạm Anh Dũng
Với tiếng hát của ca sĩ Diệu Hiền
Để mừng ngày vui trọng đại của anh chị Bùi Cửu Viên &Hồng Thủy. 60 năm Hạnh Phúc!
Em có món quà nhỏ gửi anh chị với tất cả lòng quý mến của em.
Lê Thị Kim Oanh
‘