Giới Thiệu Tuyển Tập Hoa Tương Tư của văn thi sĩ Hồng Thuỷ- Ngô Tằng Giao

Giới thiệu

tuyển tập HOA TƯƠNG TƯ

 

     Kính thưa toàn thể quý vị,

     Ngày hôm nay tôi được cái hân hạnh đóng vai người giới thiệu một tác phẩm mới của nhà văn Hồng Thủy, đó là 1 tuyển tập có tiêu đề là “Hoa Tương Tư”. Tuyển tập gồm có 59 Đoản văn 14 bài thơ.

     Trong tuyển tập có 1 truyện ngắn kể lại mối tình thầm kín giữa 1 cô học trò và thầy giáo, nhưng trắc trở và phải chia ly vào 1 mùa Hè với hoa phượng vĩ nở thắm sân trường. 40 năm sau cô học trò đi thăm thầy bị bệnh ung thư và thầy nói lời trăng trối: “Dù chúng ta sắp vĩnh biệt, nhiều năm qua, trong hồn tôi, hoa phượng vĩ của mùa Hè năm đó vẫn là “hoa tương tư”, em có biết không? / “Em nhớ nhé đừng bao giờ đổi tên “hoa tương tư”. Đó là truyện “HOA TƯƠNG TƯ”. Và có lẽ tuyển tập này mang tên đó.

   Nhưng thưa quý vị, ý nghĩa của chữ “tương tư” trong tuyển tập này thời tác giả đã dùng rộng rãi hơn nhiều, không phải chỉ là mối tình cảm tuy khá đặc biệt nhưng tầm thường như câu truyện trên, mà là một niềm thương, nỗi nhớ bao la và cao cả đáng để người đọc cảm thông và trân qúy. Hồng Thủy đã bộc lộ tình cảm kính yêu và thương nhớ đến quê hương đất nước, đến gia đình, đến các thân hữu và xã hội.  

     Thật vậy, ngay trong truyện “NHỮNG NIỀM HẠNH PHÚC ”. Tác giả nói: “tình yêu tôi quan niệm cũng không chỉ đơn thuần là tình yêu trai gái. Tình yêu của tôi bao gồm cả tình yêu trong gia đình giữa bố mẹ với con cái. Tình yêu ở học đường với thầy với bạn. Tình yêu ngoài xã hội với người đồng lọai. Tình yêu thiên nhiên với cây cỏ hoa lá. Với súc vật…

     Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem hương thơm trong “bó hoa tương tư” của Hồng Thủy đã tỏa ngát và thấm đượm vào lòng độc giả như thế nào.

 

     1) Trước hết là lòng thương tưởng về QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC.

     -Trong 3 bài “NƯỚC MẮT THÁNG TƯ” / “CHIỀU MƯA LY BIỆT” / “CON SỐ 475”   ghi: “Cứ đến tháng 4, tôi lại nhớ đến những ngày cuối cùng buồn thảm ở quê hương tôi, quê hương Việt Nam yêu dấu. Những ngày thật hoảng loạn, đau thương. / nhớ đến chiều mưa của ngày 28-4-1975, phải bỏ quê hương ra đi, cắt đứt một đoạn đời, một phần của số kiếp..”.

     -Trong bài “NGƯỜI CON GÁI KHÔNG CÓ TUỔI XUÂN” thương cảm cho con bé người làm xưa / nay ở trong nước, nghèo / phải lấy chồng già Đài Loan / rồi trốn nhưng lại bị rơi vào ổ điếm… / “Tội con bé, cuộc đời đã đánh cắp mất tuổi xuân của nó.”

     -Trong bài “BIỂN VÀ QUÊ HƯƠNG TÔI ƠI” ghi sự xúc động và lo lắng cho số phận   những người sống bằng nghề chài lưới ở ven biển VN với xác cá chết.

     -Và sau đó tuy ăn Tết tại Mỹ lại nhớ Tết VN xưa với bao kỷ niệm cũ / đồng thời vẫn xót xa nghĩ thầm thiên đàng Mỹ “cũng đầy rẫy những khổ đau”, vì phong tục tập quán đáng qúy của VN hầu như bị lãng quên khiến có người than thở “Kính con đắc thọ”.

        

      2) Sau quê hương là lòng thương tưởng luôn dành cho GIA ĐÌNH.

     Nhớ đến MẸ & ANH:
    
– Luôn tôn kính thương yêu Mẹ vì: “Tôi mất bố năm tôi mới có 18 tháng! Mẹ lên xe hoa năm 22 tuổi, 26 tuổi đã bước theo xe tang tiễn biệt người chồng. Bà ở vậy nuôi hai anh em tôi khôn lớn, không hề nghĩ đến chuyện tái giá dù chung quanh bà không biết bao người xứng đáng muốn chắp nối cùng bà.” / Tác giả thổ lộ là Mẹ nuôi nấng 2 anh em “như một người chị lớn, một người bạn đối với chúng tôi”.

     -Bài “ĐƯA MẸ VÀO NURSING HOME” tác giả cho biết giờ đây Mẹ cũng đã yếu nhiều / thỉnh thoảng cũng hay lẫn / cứ ngã hoài. / “Chỉ có xứ Mỹ mới có đủ điều kiện và lòng nhân đạo để lo cho các cụ già không có tiền mà có được cuộc sống quá sung sướng đầy đủ”.

     -Trong bài “VUI BUỒN NURSING HOME” ghi là “Bà cụ nhõng nhẽo, phải con gái đút mới chịu ăn” nên một ngày tác giả phải vào với mẹ hai lần. Tác giả còn nói thêm:       “Con tôi đã đặt cho mẹ tôi cái ‘nickname’ thật dễ thương là ‘BÉ NGOẠI’. Có lẽ chúng thấy bà ngoại giống như một baby.

     -Trong bài “NIỀM ĐAU KHÔNG NGUÔI” tưởng nhớ đến người Anh ruột độc nhất đã qua đời cả chục năm trời. “Tôi nhớ đến cái ngày chính bàn tay tôi phải làm việc chấm dứt đời sống người anh thân yêu độc nhất của tôi”.

     – Trong bài “ĐOẢN KHÚC MÙA HÈ” tưởng nhớ quay quắt Mùa Hè cuối cùng ba mẹ con đi chơi Vũng Tàu đầy ắp kỷ niệm êm đềm.

    Nhớ đến CHỒNG & CON

     -Trong bài “GIÒNG SUỐI TRÊN SA MẠC” Hồng Thủy nhung nhớ hình ảnh cũ: gặp một chàng Sĩ Quan Hải Quân. / rồi lên xe bông về nhà chồng.  Đúng như lời thầy bói tiên đoán. Cuộc sống của tôi khá an nhàn. Có nhà, có xế, có sến, lại có thêm một bà mẹ chồng nữa.

     -Tác giả viết bài “NHỚ ĐÀ LẠT” nhớ hồi 15 tuổi / đi nghỉ mát Đà Lạt cùng với phái đoàn nhà thờ  / Lần thứ ba viếng thăm miền cao nguyên thơ mộng này, sau khi đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng /  vẫn còn lãng mạn nên gọi là đi “trăng mật muộn”.

     -Bài “ÔNG GIÀ NOEL CỦA TÔI” ghi kỷ niệm đến tuổi biết yêu thì ông già Noel trẻ trung xuất hiện với những món quà thật dễ thương. Khi lấy nhau rồi, ông già Noel trẻ trung biến mất. Chàng đã biến thành ông chồng bình thường như trăm ngàn ông chồng Việt Nam khác. Quên béng luôn cái tục lệ đáng yêu là cho quà vợ vào dịp Noel.

     -Sau này viết bài nhớ lại cuộc sống trên đất Mỹ: Bài “THUỞ HÀN VI” nhớ khi mới qua Mỹ, ban ngày 2 vợ chồng lo đi lao động / về đến nhà là mệt nhoài / lo cho 4 đứa con. Và cuối cùng tác giả khắc ghi lời tâm sự là cảm thấy hài lòng là 2 vợ chồng đã “làm thật tròn bổn phận và trách nhiệm với 4 đứa con thân yêu của mình bằng tất cả cố gắng và tình thương vô bờ bến”.  Cố bỏ tiền mua đàn piano cho con dù tài chính bước đầu qúa eo hẹp!

 

     3) Trong bó hoa tương tư của mình Hồng Thủy cũng tỏ lòng nhớ thương, ghi lại những kỷ niệm đầy tính chất văn nghệ với một số THÂN HỮU, kẻ mất người còn như:

     -Các nhà văn nhà thơ Hà Bỉnh Trung  / Vương Đức Lệ / Lê Thiệp  / Bùi Bảo Trúc  / và Hoàng Hải Thủy cùng GS Nguyễn Ngọc Bích.

     -Các nhạc sĩ Lam Phương  /  Nguyễn Ánh 9 / cùng ca sĩ Quỳnh Giao.

     -Các bạn cùng trường TV như Ca sĩ Hồng Hảo và họa sĩ Hương Alaska cùng môt số bạn học cũ, mà đến nay gặp lại vẫn có cái cảm giác thân yêu, gần gũi của thuở nào tại trường TV..

 

     4) Cuối cùng là các bài tỏ lộ lòng cảm thông đầy tính chất nhân bản đến XÃ HỘI:

     – Nào là ông là lính cứu hỏa vì cố gắng cứu người nên bị phỏng nặng.

     – Nào là bà cụ già người Mỹ luôn thân thiện, mới chết vì bệnh tim.    

   

     5) THƠ: 14 bài thơ / thể loại tự do / tình yêu & quê hương. Một số bài đã gợi nguồn cảm hứng nên được phổ nhạc bởi Nguyễn Ánh 9, Từ Công Phụng, Nguyễn Tuấn và Vĩnh Điện.

 

NHẬN XÉT

 

      1) Thi sĩ Du Tử Lê đã viết cho Hồng Thủy những lời thật ưu ái. Còn Hà Nhân Văn (Tiến sĩ Cao Thế Dung) nhận xét: Tùy bút ngắn Hồng Thủy như gương mặt một giai nhân sáng láng, không điểm trang, long lanh như hạt sương tụ trên cành lá xanh.” / “Đặc biệt đoản văn ngắn và tùy bút của Hồng Thủy, không làm dáng, rất tự nhiên như người đẹp không cần son phấn.”

 

     2) Thật đúng vậy! Hôm nay khi giới thiệu cuốn sách mới này diễn giả chỉ xin nói thêm là “văn” của Hồng Thủy rất bình dị và dí dỏm:

     -Con bé lỏi tì của mẹ / có giọng hát ống bơ rỉ,./  – lũ bạn có mắt “cập bà là tóe” / độc giả sẽ cười tôi “già háp” tới nơi rồi mà còn nói chuyện tình yêu./ -Bỗng dưng họ gặp nhau, hai trái tim đập “loạn xà bèng”, / chùi nhà kiểu đó không sạch bằng “kiểu chổng mông” của tôi./
     -Chàng trông cũng đặng, lái xe hơi vi vút rất ư chi là hào hoa phong nhã. (Bây giờ thì chàng thành “hào hoa phong…thấp” vì vào tuổi xế chiều, trái gió giở trời chàng cứ kêu nhức mỏi chân tay hoài) / Chàng ta tán tỉnh quá “siêu” và dai như…“nylông”.
     – Tối đến vợ chồng con cái 6 mạng chui vào phòng ngủ chung “làm ăn” gì nổi cơ chứ, và “làm ăn” cách nào, khi 4 đứa con với “8 con mắt tinh như ma” ở xung quanh trong 1 cái phòng chả rộng rãi gì cho lắm. Lúc đó còn trẻ, vợ 34 tuổi, chồng mới có 43.

     – Nàng tâm sự với chồng: sợ sẽ mắc bệnh Alzheimer./ sợ một ngày nào sẽ nhìn chồng hỏi: “Ông là ai mà lại chui vào nhà tôi ở vậy?” Ông chồng nàng cười hì hì nói sẽ trả lời: – Đâu có sao, “tui là cái người làm cho bà bị bụng bự tới bốn lần đó.”
     – Hỏi ông chồng Bắc Kỳ: “Quần có cửa hậu là quần gì?” Quần có cửa hậu người Bắc gọi bằng cái tên hơi kỳ là quần thủng đít đó. Anh nhớ hồi đó anh đã thấy cái mông tròn tròn nhỏ xíu của bé rồi. (Xin nói riêng chắc là Hồng Thủy kể chuyện người khác).

      – Cái dí dỏm cũng đi cả vào trong THƠ:
                Em xinh quá làm tim anh chết đứng /
                Chờ anh với, em Trưng Vương áo trắng /
               Cho anh theo làm hộ vệ được không?” /
               Em chanh chua “ai quen biết gì ông /
               Mà vớ vẩn đòi đi theo hộ vệ”

(Xin nói riêng; Mừng cho cái ông hải quân này kiếm được JOB rất thơm, làm hộ vệ cho nàng tới tận ngày nay.)

  

     Kính thưa toàn thể quý vị,
    Thời gian có hạn. Tôi xin mở rộng cửa và thỉnh mời quý vị vào nhàn lãm trong vườn hoa văn học nghệ thuật của vùng Thủ đô HTĐ. Trong đó một bó hoa vừa chớm nở, đầy hương sắc. Đó là TUYỂN TẬP HOA TƯƠNG TƯ của nữ văn sĩ Hồng Thủy.!
     Xin kính chúc quý vị thân tâm luôn an lạc! Xin kính chào quý vị!

(Tóm lược bài nói chuyện của diễn giả NGÔ TẰNG GIAO
trong buổi ra mắt tuyển tập “Hoa Tương Tư” tháng 3-2017)

                                  



August 18, 2020