ĐỌC TUYỂN TẬP
“NHỮNG CÁNH HOA DẠI MẦU VÀNG”
của HỒNG THỦY
_____________________________________
Tuyển tập “NHỮNG CÁNH HOA DẠI MẦU VÀNG” của Hồng Thủy do nguyệt san Kỷ Nguyên Mới xuất bản năm 2010. Sách dày hơn 400 trang, gồm có các phần sau:
Phần 1: ĐÔI DÒNG TÂM SỰ.
Hồng Thủy nói về cái tuổi 17 của mình và ý thích tập tành viết lách “từ những ngày còn là cô nữ sinh của trường Trưng Vương” với đề tài là những chuyện tình dang dở. Lên xe hoa năm 19 tuổi và ngưng viết. Cho tới năm 1986 mới viết lại tại Hoa Kỳ. Hồng Thủy tâm sự: “Nếu không có người bạn thân, nhà văn Lê Thị Nhị, người đã bỏ công tìm kiếm gom góp những tờ báo có bài viết của tôi, thì tập truyện này không bao giờ được thành hình.”
Phần 2: TRUYỆN NGẮN.
Gồm 15 truyện ngắn xoay quanh các đề tài: Tình yêu bị dang dở, gặp lại nhau trong những tình huống trắc trở hoặc ngỡ ngàng. Hoặc là cuộc sống vợ chồng trong gia đình tại nước ngoài thiếu hạnh phúc vì xung đột, nhân đó gặp được tình yêu mới nhưng không thể tiến tới thêm nữa. Rồi đến các thảm cảnh vượt biên. Cuộc sống nghèo khổ của con người. Bệnh hoạn và ý nghĩ về chuyện sinh tử. Các truyện ngắn chiếm gần hết nửa tuyển tập.
Phần 3: PHIẾM.
Phiếm luận về đàn ông và đàn bà (“Đàn ông là gì nhỉ”, “Đàn bà là gì nhỉ”), về chuyện đời sống vợ chồng (“Hơi chồng”, “Kiếp làm vợ”), về chuyện sống và chết. (“Chết hả có gì đâu mà sợ?”).
Phần 4: HÔI KÝ.
Nhớ lại cuộc sống trước kia tại nước nhà trước 1975 (“Ý thầm”), nhớ đến các sinh hoạt văn nghệ với bạn học cùng trường Trưng Vương thuở trước (“Màu áo lam xưa”), nhớ đến vụ nổ ở phòng trà Tự Do năm 1971 (“Một kỷ niệm kinh hoàng với Mai Hương”), tình cảm dành cho hiền mẫu của mình (“Mùa xuân không trở lại”), dành cho anh ruột (“Ngày Tết nhớ anh”), dành cho bà, cho cô (“Hương ngọc lan”), dành cho ông nội và Hà Nội (“Ngày xưa Hà Nội”). Hồi ký cuối cùng kể lại chuyến về thăm lại Việt Nam sau 30 năm xa cách (“Người tình Việt Nam”).
Phần 5: TÙY BÚT.
Tác giả nói tới những kỷ niệm của mình với một số những văn thi sĩ và nhạc sĩ như Du Tử Lê (“Bông hoa tím của chàng thi sĩ họ Lê”), Ngô Thụy Miên (“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân”), Lam Phương (“Lam Phương với những giọt lệ tình”), Nhật Bằng (“Nhớ anh Nhật Bằng”), Từ Công Phụng (“Mãi mãi bên em”), Nguyễn Ánh 9 (“Lặng lẽ tiếng dương cầm”), Hoàng Dược Thảo (“Ngày cưới của Thụy Du”), và kỷ niệm của chính mình (“Sài Gòn trăm nhớ nghìn thương”, “Tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn đời, tạ ơn người”, “Tết quê hương.”).
Phần 6: THƠ.
Gồm tất cả 10 bài thơ sáng tác cho trường xưa, cho bạn, cho tình yêu của các thành viên trong gia đình và cho đất nước Việt nam.
Phần 7: NHẠC.
Gồm 6 bài thơ của Hồng Thủy được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Nhật Bằng (“Tình tuyệt vọng”), Văn Sơn Trường (“Tiếc cho một cuộc tình”, “Suốt đời còn yêu”), Nguyễn Ánh 9 (“Em và nỗi nhớ khôn nguôi”, “Cảm ơn anh!”) và Phạm Anh Dũng (“Mộng Trưng Vương”).
Phần 8: “BẠT” gồm 2 bài.
Bài “Hai cô ca sĩ yêu nhau quá chừng!” do Hồng Thủy viết, nhắc lại sự hình thành tuyển tập này là do nhà văn Lê Thị Nhị khuyến khích và đốc thúc. Hồng Thủy phải thốt lên: “Nếu không có Nhị, quyển sách này không bao giờ có mặt trên văn đàn hải ngoại. Xin cảm ơn người bạn quí của tôi.”
Bài “Hồng Thủy” do nhà văn Bích Huyền viết, nhắc lại những kỷ niệm với Hồng Thủy từ thời cả hai còn học tại trường Trưng Vương và “chỉ là những cô bé đến trường với bước chân sáo tung tăng trong chiếc áo dài rộng thùng thình.” Hãy còn ở tuổi hái hoa bắt bướm và còn “chạy đuổi nhau, nhảy lò cò. Hai vạt áo dài buộc túm với nhau, mồ hôi nhễ nhại và tỉnh bơ dùng vạt áo làm khăn lau mặt…” Tình bạn kéo dài cho tới ngày nay mà Bích Huyền phải thổ lộ: “Cảm ơn đời đã cho chúng ta một tình bạn bất diệt!”
Với tuyển tập “NHỮNG CÁNH HOA DẠI MẦU VÀNG” Hồng Thủy đã khiêm tốn tâm sự ngay từ những trang đầu của tuyển tập rằng: “tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ khác là những bông hoa quí muôn màu muôn sắc”, còn riêng tác phẩm của mình thì “chỉ muốn ví nó như những bông hoa dại mầu vàng mọc ở đám cỏ bên đường. Hoài bão của nó là tô điểm một chút sắc mầu cho bức tranh đời đỡ khô khan.”
Người đọc thử điểm qua xem những “cánh hoa dại” này của tác giả đã tô điểm cho “bức tranh đời” của chúng ta như thế nào và Hồng Thủy đã thực sự muốn ngầm gửi đến cho chúng ta những tư tưởng gì về cuộc sống con người:
1) Tại Việt Nam, Thành định hỏi cưới cô em là Phượng nhưng rồi lại xin cưới cô chị là Trinh, tuy chị không đẹp bằng em. Đề cao cái đẹp về tinh thần Thành lên tiếng:
“Trinh đừng nói vậy, cái đẹp bề ngoài không quan trọng, sau một cơn bạo bệnh hoặc một tai nạn, cái đẹp đó có thể biến mất đi. Chỉ có cái đẹp của tâm hồn mới bền vững với thời gian và tôi nghĩ đó mới là nét đẹp chính của người con gái.” (“Đẹp”, tr.24).
2) Tại Hoa Kỳ, Trinh gặp lại người yêu cũ là Nguyễn, tình yêu lại bừng nở. Trước kia ở Việt Nam Trinh cắt đứt liên lạc với Nguyễn vì Nguyễn hứa hôn với Trâm và sau đó chiều ý mẹ và lấy người này làm vợ. Cuộc sống vợ chồng không hợp nhau. Nay Nguyễn sửa soạn bảo lãnh vợ và con từ Việt Nam qua Hoa Kỳ. Nguyễn tính chuyện sẽ ly dị với vợ để xây dựng cuộc tình với Trinh. Thoạt tiên Trinh có ý ngập ngừng:
“Như vậy có tội cho Trâm không anh? Em không muốn là người đi cướp hạnh phúc của người khác.” (“Những cánh hoa dại màu vàng”, tr.39).
Sau đó Trinh khám phá ra sự tàn tật của người vợ và Trinh với tấm lòng nhân từ và cao thượng tỏ thái độ dứt khoát:
“Xin anh đừng nghĩ đến chuyện ly dị Trâm vì em sẽ không baogiờ trở lại với anh đâu. Nếu Trâm là một người đàn bà mạnh khoẻ, xinh đẹp thì em sẽ cố gắng tới cùng, dù phải van xin Trâm để được có anh. Nhưng Trâm chỉ là người đàn bà ngồi trên xe lăn thì em đành thua cuộc” (“Những cánh hoa dại màu vàng”, tr 42).
3) Lệ cùng chồng là Toàn đi du lịch tới vùng Grand Canyon phong cảnh rất đẹp. Hai người tính tình không hợp nhau mà Lệ phải sống chung đến cả 23 năm. Toàn không chiều theo ý vợ. Lệ lang thang ra ngoài ngắm cảnh một mình. Lệ bất ngờ gặp lại Dũng, một người quen mà xưa kia ở Việt Nam đã từng yêu mình. Khi đi hiking, Lệ đi một mình, chồng không chịu đi. Dũng cũng đi hiking. Hai người có dịp kề cận và tâm sự cùng nhau. Khi nghe lời tỏ tình của Dũng muốn Lệ lập lại cuộc đời, Lệ với lòng hy sinh đáng quý lên tiếng đáp:
“Ở đời ai chẳng muốn có được điều mình mơ ước. Nhưng để đạt được điều mơ ước đó, phải làm nhiều người xung quanh mình buồn khổ, như vậy Lệ không có đủ can đảm để làm, thà là một mình chịu khổ” (“Hoàng hôn trên Grand Canyon” tr.66).
“Xin anh hứa với em là không bao giờ tìm gặp em nữa, để em yên phận đi nốt con đường em đã lỡ đi, và làm nốt bổn phận mà em phải làm.” (“Hoàng hôn trên Grand Canyon”, tr.67).
4) Chàng Hữu lấy Linh, thoạt đầu thời tình yêu thắm thiết. Ít lâu sau mới thấy không hợp nhau, có nhiều sự khác biệt. “Linh đối với chàng như một người bạn, ít có khi nào như một người tình”.
Chàng Hữu có ý nghĩ về người vợ mình:
“Em cứ tưởng em có nhiều điều kiện lắm. Sắc đẹp, tiền bạc, bằng cấp, thằng nào lấy được em là phúc tổ. Em có biết đâu, những điều đó đối với anh thật vô nghĩa. Những điều kiện anh cần ở người vợ là sự tế nhị, thông cảm và yêu thương. Cái khổ là tâm hồn chúng mình lại quá khác biệt.” (“Đêm trăng ở San Francisco”, tr.123).
Rồi Hữu gặp Quyên. Hai bên yêu nhau thắm thiết. Nhưng ba năm sau đó Hữu tâm sự với một người bạn, đề cập đến lòng cao thượng và nhân hậu của Quyên:
“Hết rồi, Quyên muốn như vậy. Quyên yêu mình lắm, hai đứa rất hợp nhau. Nhưng Quyên không muốn làm gia đình mình tan vỡ. Quyên gửi cho mình một bài thơ coi như là lá thư vĩnh biệt.” (“Đêm trăng ở San Francisco”, tr.126).
Còn tác giả Hồng Thủy thời minh thị phát biểu ý của mình khi viết đoạn kết của cuộc tình Hữu và Quyên:
“Thôi đành cho họ yêu nhau vậy, nhưng yêu rồi phải chia tay, chứ không thể gắn bó với nhau lâu dài được, vì sẽ làm khổ người khác.” (“Đêm trăng ở San Francisco”, tr.126).
5) Thành quen Quyên trong một buổi đại hội văn nghệ học sinh thời xa xưa. Hai người yêu nhau. Sau đó trong biến cố 1975 Thành ra thoát được nước ngoài. Quyên kẹt ở lại. Sau đó Quyên tìm đường vượt biên, mấy lần không thoát nhưng đều có nhắn tin. Lần chót không thấy tin tức gì cả. Thành vùi đầu trong việc học để tìm quên. Tốt nghiệp bác sĩ. Qua Thái Lan khám bệnh giúp đồng bào tị nạn. Bất ngờ gặp lại Quyên mới biết Quyên cố tình tìm cách trốn tránh mình vì mang mặc cảm bị hải tặc Thái Lan làm nhục khi vượt biên. Đề cao một tình yêu cao thượng và lý tưởng Thành nói:
“Em thật là dại dột vô cùng, chuyện đó đâu phải là lỗi của em, nó là cái họa chung của đất nước. Lẽ ra em phải viết thơ cho anh ngay để anh khỏi lo lắng khổ sở và để anh chia xẻ những đau đớn với em. Tội nghiệp em, tội nghiệp bé Quyên của anh.” (“Xuân Lan”, tr.76).
6) Hoài không thấy hạnh phúc trong cuộc sống với vợ vì vợ quá bận công việc “phụ tá giám đốc của một công ty lớn”. Đôi khi chàng có cảm tưởng vợ chỉ là người “share phòng”, cũng không được cả như một người bạn thân để có thể chia xẻ vui buồn.
“Chàng đưa mắt nhìn khung cảnh sang trọng của căn phòng. Bộ salon đắt tiền, bình hoa giả bằng lụa làm thật khéo léo tinh vi, đẹp không khác gì hoa thật. Tự nhiên chàng thấy hạnh phúc của mình cũng như bình hoa kia, trông thật lộng lẫy thắm tươi nhưng chỉ là những cành hoa giả, thiếu linh động, thiếu hương thơm” (“Một chút nắng hồng” tr.86 và 87).
Hoài nghĩ tới Uyên, cô gái mà mình đang dạy Anh văn. Uyên phải làm việc lao động là quét dọn các văn phòng, trong đó có cái bàn giấy của Hoài. Có dịp đưa Uyên về nhà và thấy cuộc sống của Uyên, Hoài thấy cái vật chất không quan trọng bằng tinh thần, tự nhiên trái tim mình rung động và tình yêu nảy nở.
“Bỗng dưng Hoài mong cho chóng đến ngày mai để được đi dạy học. Hình ảnh căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng với bình hoa cúc dại màu vàng, và khuôn mặt dịu dàng đằm thắm với những giọt nước mắt thật tội nghiệp của Uyên như ánh nắng Xuân rực rỡ sưởi ấm tâm hồn băng giá của Hoài.” (“Một chút nắng hồng” tr.90).
7) Vũ và Trâm yêu nhau. Nhưng ông bố Trâm phản đối và xua đuổi Vũ. Vũ gia nhập binh chủng nhảy dù và sau đó cưới Loan. Tình yêu và hôn nhân bồng bột nên cuôc sống xung khắc. Về sau này tại Mỹ Vũ gặp lại Trâm. Vũ rất vui mừng. Nhưng Trâm nay đã sửa sang lại cái bề ngoài nhan sắc của mình trông lộng lẫy diêm dúa, với nét đẹp tây phương, sắc sảo “mất đi cái vẻ Á đông thật dịu dàng trên khuôn mặt Trâm ngày xưa mà chàng vẫn say mê ngắm trộm, những khi nàng cúi xuống làm bài tập.” (“Tan mơ”, tr.103).
Vũ đứng chết lặng với cảm nghĩ giận hờn: “Sao em nỡ lấy đi mất của anh tất cả những hình ảnh thân yêu mà anh hằng ấp ủ từ bấy lâu nay.” (“Tan mơ”, tr.103)
8) Thoáng hiện cái quan niêm “luân hồi” trong bài thơ “Trách thầm”:
“Em chết đuối trong biển tình say đắm
Hồn ngất ngây trong nhịp tim thao thức
Của chúng mình những lúc ở bên nhau
Dù biết rằng phải đợi đến kiếp sau
Mình mới được là của nhau mãi mãi.”
(“Đêm trăng ở San Francisco”, tr.127)
9) Lộc nói với vợ là Diễm Thu, khi vợ báo tin là vợ bị ung thư. Lộc cho rằng có thể có sự lầm lẫn. Diễm Thu bình thản nói:
“Dù có sự nhầm lẫn, em cũng không oán ông bác sĩ này đâu. Ngược lại, mình phải cám ơn ông ta. Vì nhờ có sự lầm lẫn, em mới biết được giá trị của đời sống hiện tại, của sức khoẻ, của hạnh phúc gia đình. Bấy lâu nay mình lãng phí quá. Thay vì cố tạo hạnh phúc cho nhau, thì mình lại cứ giết dần hạnh phúc của nhau. Thật ra, tạo hạnh phúc quá dễ, mà từ trước tới nay em không biết. Đời đáng sống nếu mình biết cách sống. Đời sẽ đẹp nếu mình biết làm cho nó đẹp.” (“Giá hạnh phúc”, tr.152-153).
10) Con người có lòng nhân từ, với tình thương người, mang gói quà cho ông già tóc bạc nghèo khổ ngồi bán những cây thông ở đầu đường để ông làm quà cho thằng cháu ngoại vì ông không đủ tiền mua:
“Lái xe đi làm với gói quà trên cái ghế bên cạnh, tôi cảm thấy vui như Tết. Nghĩ đến nét mặt ngac nhiên lẫn mừng rỡ của ông già, và nghĩ đến đêm Giáng Sinh, chú bé sẽ sung sướng mở gói quà có cái “game” mà chú hằng mơ ước. Lòng tôi cảm thấy rộn rã vô cùng” (“Giọt lệ cuối năm”, tr.177).
11) Hiền và 2 con ra phi trường đón chồng là Nam bị kẹt lại tại Việt Nam và bị ở tù rất lâu sau 1975 nay mới đước ra đi đoàn tụ với gia đình. Thấy chồng thay đổi tính tình, rất khó chịu. Không muốn có sự bất hoà trong gia đình Hiền thầm nghĩ:
“Không thể nào, Hiền tự nhủ lòng mình, mình sẽ phải cố gắng giúp chồng thích ứng vời đời sống bên Mỹ. Nam đã chịu cực khổ quá nhiều, bao nhiêu năm tù tội đã làm tâm tính chàng thay đổi. Nam đã mất tất cả, tuổi trẻ, sức khoẻ, danh vọng, tiền bạc và cả quê hương nữa. Bây giờ chàng chỉ còn lại Hiền và hai đứa con. Nàng không thể nào để cho gia đình đổ vỡ để Nam cô đơn buồn tủi. Hiền quay lại nhẹ nhàng kéo tay chồng xuống, gối đầu lên cánh tay chàng.” (“Ngày hội ngộ”, tr. 195).
12) Nhân quan niệm về cái chết, đề cao cuộc sống theo đạo lý:
“Người ta gọi đời này là cõi tạm, đời sau mới là miền vĩnh cửu. Vậy nếu chết đi để được lên Thiên Đàng hay Niết Bàn thì sướng lắm chứ, có gì mà phải lo sợ? Cái việc cần phải lo hiện tại bây giờ là làm sao để sau khi chết được lên Thiên Đàng hay Niết Bàn. Chuyện này cũng không phải là khó. Đạo nào cũng khuyên chúng ta nên ăn ngay, ở lành. Thương yêu giúp đỡ mọi người. Đừng làm hại ai, đừng nghĩ xấu cho ai, đừng vu oan giáng họa cho ai, đừng làm những điều bất công cho người khác.” (“Chết hả có gì đâu mà sợ?” tr.244).
“Sau vụ nổ ở phòng trà Tự Do, tôi đã tự nhủ lòng: Ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng trong cuộc đời, bởi vậy hãy sửa soạn sẵn sàng. Cố gắng làm những điều lành, điều tốt, để bất cứ lúc nào Thượng Đế gọi là thơ thới ra đi. Không có gì phải ân hận hay lo sợ” (“Một kỷ niệm kinh hoàng với Mai Hương”, tr.271).
Cảm nghĩ nhân ngày Lễ Tạ Ơn ở nước Hoa Kỳ:
“Năm nay, tôi hơi lẩm cẩm khi nghĩ mình không chỉ mang ơn những người đã tốt với mình, mà còn mang ơn những người đã xấu với mình nữa. Vì nếu họ không xấu với mình, làm sao mình biết được giá trị của những người đã tốt với mình” … “ Phải có những ngày mưa dầm, mới biết quý những ngày đẹp trời., nắng ráo.” (“Tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn đời, tạ ơn người”, tr366).
13) Nhớ lại những cảm xúc khi rời con tàu đưa mình vượt thoát ra nước ngoài:
“Mọi người làm lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa một lần chót, sau đó nhìn lá cờ vàng 3 sọc đỏ bay phất phới trên đài chỉ huy của tầu bị từ từ hạ xuống, tất cả các sĩ quan, binh sĩ Hải Quân và các binh chủng bạn và đồng bào di tản đi quá giang trên tầu đã không cầm được nước mắt, ai cũng ngậm ngùi nhìn nhau nghẹn ngào: Vĩnh biệt Việt Nam! Vĩnh biệt quê hương yêu dấu!” (“Ý thầm”, tr.254).
Ngày New Year của Hoa Kỳ vẫn tình nguyện đi làm, lòng bình thản lạ lùng:
“Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn không thể gọi nước Mỹ là quê hương được. Dù nước Mỹ đã bao bọc gia đình tôi, cho tôi một cuộc sống vật chất đầy đủ thoải mái. Hai chữ quê hương mà tôi vẫn yêu quí, vẫn trân trọng, tôi chỉ có thể dùng khi nói về Việt Nam thân yêu của tôi. Dù Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi…” (“Tết quê hương”, tr.370).
Nhớ hoài hai câu thơ của thi sĩ Nguyễn Đức Vinh:
“Người yêu tôi tên là Việt nam
Tên quá quen nghe vẫn bàng hoàng.”
Vì vậy tôi vẫn chỉ yêu cái Tết của quê hương, cái Tết có tên thật đơn giản “Tết ta”. Nhưng nghe dễ thương lạ lùng.” (“Tết quê hương”, tr.372).
14) Ngỏ lời khuyên con:
“Bây giờ mẹ chỉ có một điều mơ ước, mong cho các con nuôi nấng dậy bảo con của các con sau này, như bố mẹ đã nuôi nấng dậy dỗ các con theo truyền thống đạo lý của dân tộc mình “Tiên học lễ hậu học văn” … “các con đừng bao giờ quên nguồn gốc của các con, nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên của mẹ Việt nam yêu quý.” (“Ý thầm”, tr.257).
Dặn dò khi con đi lấy chồng:
“Con là người vợ trong nhà
Phải luôn vui vẻ, nết na dịu dàng.
Hồi môn mẹ muốn con mang
Quý hơn châu báu, bạc, vàng, kim cương
Đó là hai chữ yêu thương
Trọn đời trọn kiếp luôn luôn cho chồng!”
(“Dặn dò”, tr.378)
15) Mẹ lấy chồng năm 22 tuổi. Bốn năm sau bố qua đời. Mẹ nuôi 2 con.
“Riêng mẹ tôi với số tuổi 26, số tuổi mà phần lớn chúng tôi mới bắt đầu bước vào đời thì mẹ tôi đã phải giã từ tình yêu, giã từ mơ mộng, giã từ những ước muốn bình thường của một người đàn bà, để khép kín cuộc đời trong một cánh cửa nặng nề của lễ giáo.
Ước gì cho tôi sống lại thời thơ ấu, cho mẹ tôi trẻ lại như xưa, tôi sẽ năn nỉ mẹ nên đi lấy chồng để có người lo lắng săn sóc an ủi mẹ, để mẹ khỏi phải suốt cả một đời, một mình một bóng, đơn lẻ quạnh hiu.” (“Mùa Xuân không trở lại”, tr.277).
Nhớ đến người anh vừa qua đời:
“Anh tôi đã bỏ tôi đi 21 ngày rồi mà tôi vẫn tưởng như chuyện đó chưa hề xảy ra. Mỗi ngày tôi cứ nhìn cái ghế ở cuối bàn ăn trong bếp, nơi anh tôi đã ngồi mỗi khi về thăm mẹ tôi. Tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được là tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy anh ngồi ở cái ghế đó nữa. Hình ảnh anh tràn ngập trong nhà.” (“Ngày Tết nhớ anh”, tr.278).
Nhớ đến người cô với đầy kỷ niệm:
“Đi thăm mộ cô về, tôi ngồi lặng người bên cây ngọc lan. Nhìn những bông hoa trắng muốt, tôi nhớ cô tôi vô cùng. Nước mắt tôi cứ thi nhau chảy.” (“Hương ngọc lan”, tr.292).
Với tuyển tập “NHỮNG CÁNH HOA DẠI MẦU VÀNG” tác giả Hồng Thủy đã gửi gấm đến cho người đọc một số “thông điệp” thật đáng quý. Khi thì đề cao cái đẹp của tâm hồn hơn vẻ bề ngoài. Đề cao cái lòng cao thượng, hy sinh, nhân hậu và đầy đạo lý của người Việt Nam, nhất là của người phụ nữ trong môi trường tình ái và của người vợ với người chồng trong cuộc sống lứa đôi. Khi thì ca tụng lòng nhân ái, từ thiện với việc giúp đỡ đồng loại. Chủ trương giữ lại những dáng vẻ Á đông cổ truyền, tránh lai căng. Đề cao tình yêu quê hương, yêu đất nước Việt Nam trong lòng người xa xứ. Ca ngợi tình thương yêu trong gia đình với bố mẹ, anh chị em và con cái. Đề cao việc duy trì đạo lý cổ truyền. Đồng thời đưa ra những quan niệm về luân hồi, về chuyện sống chết, về sự an nhiên với cuộc sống hiện tại v.v… cho hướng đi của con người trong cõi nhân gian.
Những “thông điệp” đáng trân quý nói trên được gửi gắm qua lối viết rất nhẹ nhàng cùng các cốt truyện, các lời văn, các câu thơ, các dòng hồi ký và tùy bút quả thực đã làm cho tuyển tập không thể là những “cánh hoa dại” được nữa mà phải được coi là “những luống hoa tươi sáng rực rỡ, đầy hương sắc” đóng góp thêm vào vườn hoa văn học nghệ thuật tại hải ngoại.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Mùa Thu Virginia, tháng 10 năm 2010)
___________________________________________________