Trịnh Bình An

Sinh năm 1962 tại Sài Gòn
Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990
Hành nghề kỹ sư công chánh
Bắt đầu viết từ năm 2008 trên trang báo điện tử DCVOnline.net
Hiện cộng tác với Tủ Sách Tiếng Quê Hương thực hiện đặc san Tin Sách
và Vietnam Film Club thực hiện các phim tài liệu.

Kính mời quý vị bấm vào những tựa đề sau để đọc các tác phẩm

của tác giả Trịnh Bình An

Loạn Thế Độc Thư

Trịnh Bình An

Hồi nhỏ, tôi nghe được câu “Loạn Thế Độc Thư“. Lúc ấy, chỉ biết lõm bõm nghĩa câu này là: “Thời loạn tốt nhất nên đọc sách“.

Với những ai thích đọc sách, có lẽ sẽ đồng cảm với tôi; “đọc sách” tức là “được trò chuyện với người mình thích.

Theo suy diễn riêng, thời loạn lạc nhiễu nhương, lòng người tráo trở khó lường, tin được ai đây? Riêng chỉ có người trong sách là không thay đổi, được “nói chuyện” với người ấy an tâm lắm chứ.

Thế nhưng, tới khi sống lâu ở Mỹ, tôi chợt nhận ra một điều não lòng: Chẳng có lúc nào là không “Loạn Thế“!

Khoan nói tới những cuộc chiến không ngừng diễn ra trên khắp trái đất này, chỉ riêng Hoa Kỳ cũng đầy tai ương.  Tính riêng kinh tế, cứ 10 năm một lần lại có một cuộc khủng hoảng.

Năm 2008, bong bóng nhà đất bị “nổ” đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Là một kỹ sư công trình, tôi cũng bị ảnh hưởng theo, việc làm không còn nhiều như trước, tuy nhiên, cũng nhờ đó mới có thì giờ bắt đầu viết.

Sau đó, nền kinh tế cũng dần dần hồi phục. Tới 2019 được coi là vạm vỡ lắm rồi. Riêng tôi, do kinh nghiệm hai cuộc khủng hoảng 1998 và 2008 lại thấy hồi hộp, tự hỏi “” sẽ lại tới lúc nào và như thế nào?

Thật không ngờ, “” lại tới qua một “con” virus nhỏ bé!

Thời loạn 2020 này nên được diễn tả ra sao?

Loạn đến mức người ta nháo nhào đi kiếm giấy vệ sinh!

Cái thứ được coi là “bèo” nhất xứ Huê Kỳ nay bỗng dưng trở thành nỗi ám ảnh của mọi nhà. Điều ấy chợt làm tôi thật buồn. Nhiều đề tài muốn viết lướt qua trong óc, nhưng chỉ vài dòng rồi thôi.

Thời này, ai nấy đều chăm chăm vào người chết, người thoát chết, người lao đao công việc,… chẳng ai cần đọc những suy nghĩ cá nhân vụn vặt. Ngay chính tôi, nếu nhận được lời khen cho bài viết chắc không mừng rỡ bằng nhận được một cuộn giấy… vệ sinh.

J’ai vu des enfants mourir de faim. En face d’un enfant qui meurt, La Nausée ne fait pas le poids.” (” Tôi đã thấy những đứa bé chết đói. Trước một đứa trẻ sắp chết, cuốn “Buồn Nôn” thì có đáng gì .)

Cảm thán của Jean-Paul Sartre sao mà đúng với tôi lúc này, khi chẳng ai còn tâm trí cho những thứ bay bổng, cao xa. Cái người ta nghĩ đến lúc này hết sức tầm thường. Nhưng, đó là những thứ tầm thường xứng đáng.

Một lần tôi có dịp trò chuyện với thi sĩ Cung Trầm Tưởng.

Do nghĩ nhà thơ vốn là một kỹ sư nên tôi đưa ra so sánh về thơ và… bãi đậu xe. Theo tôi, được thoải mái de xe vào một chỗ đậu rộng rãi cũng tạo ra cảm giác khoan khoái không kém như khi đọc một câu thơ hay.

Nhà thơ phản đối ngay: Thơ dĩ nhiên phải cao hơn nhiều, cái thứ cảm giác “biểu bì” làm sao sánh bằng.

Có lẽ vì tôi không biết làm thơ, chỉ biết thiết kế bãi đậu xe, nên đành xin lỗi các nhà thơ về so sánh có phần “hạ giá” ấy.

Nhưng đưa ra câu chuyện chỉ để làm sáng tỏ một điều: Con người ngày nay được ban cho quá nhiều “món ăn tinh thần“, bạn có thể thích thú với nhiều thứ hấp dẫn hơn trên YouTube chứ không chỉ qua những cuốn sách. Đọc sách không còn giữ vị trí quan trọng như tổ tiên ta lúc trước nữa.

Thế nhưng, nếu tôi đã chẳng đọc sách, thì làm sao biết tới câu nói của Sartre? Lời triết gia khiến tôi ngậm ngùi chua xót, nhưng cùng lúc, cảm thấy an ủi vô cùng vì biết có người chia sớt nỗi cay đắng với mình.

Cuối cùng, tôi rút ra kết luận: Lúc nào đọc sách được thì ráng đọc. Lúc yên ổn, đọc nhiều một chút. Lúc loạn lạc, rút cái mình đọc ra làm “gậy chống“, nếu không giúp đi được quãng đường xa thì bước chân gần ít nhiều cũng bớt lênh đênh.

Vào thời đại dịch Corona Virus, “đóng cửa đọc sách” là điều thích hợp nhất. Những ai tập được thói quen đọc sách, viết lách là những người cảm thấy thoải mái nhất với sự “tự cách ly” – self quarantine.

Bây giờ đèn sách sớm khuya thế nào?

Chữ rằng “loạn độc thư cao”

Khi nên cũng thế, khác nào người xưa. (*)

 

Con người thế kỷ 21 được nhiều cái “nên” hơn thời Ức Trai tiên sinh. Chúng ta “nên nhà, nên cửa“, nhất là “nên computer“. Nhờ computer, chúng ta được “nghe, nhìn, đọc” hào hứng hơn nhiều so với đọc sách, để rồi mất dần thói quen một-mình-tĩnh-lặngmột-mình-suy-tưmột- mình-chiêm-nghiệm.

 

Trớ trêu thay, trong thời đại dịch này, con người mới thấm thía với những cái chết rất đỗi… một-mình-trơ-trọi.

 

Hy vọng, nếu chẳng may cái “lúc đó” xảy ra cho bạn hay tôi, chúng ta còn đủ khả năng nhớ tới một vài câu nói của “người bạn sách” nào đó để trái tim mình bớt nỗi cô đơn.

 

  • Trịnh Bình An

Mùa Đại Dịch

Tháng Năm, 2020

 

(*) Trích: “Dạy Học Trò – Gia Huấn Ca”, Nguyễn Trãi.

Đoàn Kết trong truyện Tam Quốc

Trịnh Bình An

Lời ngỏ: Khi được hỏi “Đoàn Kết là gì?” thì hầu như ai cũng biết Đoàn Kết 團結 là sự hợp lại với nhau của một nhóm người nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Do vậy một nhóm bạn họp nhau để cùng đi chơi thì không được gọi là đoàn kết, chỉ khi nào họ hợp với nhau để cùng làm một việc khá khó khăn thì mới là đoàn kết.

Trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa“, so với hai nước Ngụy và Ngô, Thục là nước nhỏ nhất và yếu nhất. Tới khi Tào Tháo và Tôn Quyền vững vàng với đất rộng sông dài thì Lưu Bị cùng nhóm người của ông vẫn còn lang thang không chốn dung thân. Thế nhưng cuối cùng, nhóm người nhỏ bé ấy vẫn hùng cứ một phương, cũng làm nên kỳ tích. Nhờ đâu họ được như thế? Tiểu luận này xét đến khía cạnh đoàn kết của nhóm Lưu Bị, ở đó có những cá nhân chấp nhận dẹp bỏ “cái tôi” để thực hiện mục đích chung. (TBA)

***

Lưu Bị cảm thấy đầu nhức như búa bổ…

Dạo này ông thấy tinh thần sa sút. Kể từ ngày khởi quân, chưa lúc nào ông thấy bất an đến thế. Tình hình thật nguy nan, Tân Dã chỉ là một vùng hẻo lánh nghèo nàn, không thể là nơi trú ẩn lâu dài. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm Lưu Bị lo lắng. Cái làm ông lo nhất là tình hình quân cơ, tình hình nhân sự trong nhóm người của ông.

Kể từ khi Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào, lúc này là lúc có nguy cơ rạn vỡ nhất. Dĩ nhiên trong bọn họ vẫn thường xảy ra những lúc không đồng ý với nhau, thậm chí cãi vã to tiếng. Trương Phi tánh nóng như lửa, đụng chút là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lại là cái hũ rượu, rượu vào thành ẩu xị. Còn Quan Vũ tuy nghĩa khí hơn người, nhưng quá cứng nhắc, cái chiếu trải không ngay không ngồi, chuyện gì không đồng ý thì phải thuyết phục mướt mồ hôi mới nghe thủng.

May còn có Triệu Vân!

Nghĩ tới Triệu Vân, Lưu Bị bỗng dưng cảm thấy khoan khoái! Quả là một trang hảo hán trí dũng song toàn. Lưu Bị không bao giờ hết kinh ngạc ông may mắn có được một chiến hữu tài giỏi như Triệu Tử Long.

Nhớ lúc đi phó hội bị Thái Mạo tìm cách ám toán. May nhờ Y Tịch vốn ái mộ nên ngầm báo cho biết, Lưu Bị mượn cớ đi thay áo rồi ra ngoài cỡi ngựa bỏ chạy. Đến bờ sông Đàn Khê không có cầu, cũng không có thuyền, tưởng đã bỏ mạng, ngờ đâu con Đích Lô nghe ông than bỗng soải vó phóng một cái qua bờ sông bên kia. Thật hú vía!

Triệu Vân cùng đi với Lưu Bị nhưng bị mời qua tiệc khác. Khi quay trở lại không thấy chủ tướng, lo lắng, hỏi thăm. Thấy người ta trả lời loanh quanh, Triệu Vân không nói gì, lẳng lặng đi vòng quanh dò xét. Đến bờ sông, Triệu Vân thấy nhiều dấu chân ngựa. Có dấu chân còn in lõm sâu vào bờ đất ẩm, sâu đến mức làm đất chung quanh lở cả ra. Triệu Vân ngẫm nghĩ một hồi rồi ra về. Quả thật, Lưu Bị đã về trước.

Nếu như hôm đó không phải Triệu Vân mà là Trương hay Quan thì thôi rồi! Chỉ mới nghe qua loa vài câu hai người thế nào cũng vác thanh long đao, xà mâu kích ra phang loạn xạ. Triệu Vân thì khác hẳn, kiên nhẫn. biết quan sát, chịu khó suy nghĩ, không làm ẩu.

Cái tình huynh đệ kết nghĩa thật sâu đậm, Lưu Bị nghĩ lại không khỏi cảm thám. Quan Trương hai người đã hy sinh biết bao nhiêu cho ông và cho lý tưởng của ông. Thế nhưng chính cái tình anh em lại làm ông khó xử. Có những lúc cứ anh anh em em bá vai bá cổ rồi chẳng ra gì! Không lẽ những lúc đó Lưu Bị lại thành người mặt sắt đen sì quân pháp bất vị thân với hai nghĩa đệ của ông sao? Thật nan giải!

Và nếu không thay đổi thì đám quân của ông rồi ra cũng chỉ là một đám người ô hợp. Không kỷ luật thì làm sao đối đầu với Tào Tháo, quân lệnh như núi, nghiêm minh đến điều.

Nghĩ đến Tào Tháo, Lưu Bị không khỏi thở dài. Quả là một người tài ba thao lược lại dũng khí hơn người. Cứ nhớ vụ Tào Tháo dám lận dao, một mình đi hành thích lão bụng phệ Đổng Trác mới biết Tháo có gan lớn. Tháo lại còn trí tuệ và thao lược. Giá như Tháo cùng với ông thành một phe thì hay biết bao.

Bỗng một suy nghĩ chợt loé lên như tia chớp. Đúng rồi, Lưu Bị cần tìm được một người giống như Tào Tháo, một người cũng trí tuệ, cũng mưu lược và cứng rắn. Một người có thể làm “bàn tay sắt” để cho Lưu Bị là “bàn tay nhung.” Chỉ có như thế mới chấn chỉnh được đám quân lè nhè thày ba chú bảy của ông.

Thế nhưng, làm sao tìm cho ra? Kiếm được người đó khó như hái sao trên trời. Làm sao có người vừa như Tào Tháo về tài mà lại giống Lưu Bị về tính: vừa nhân nghĩa vừa uyên bác thao lược. Khó lắm thay!

Và như thế Lưu Huyền Đức vẫn tiếp tục nhức đầu. Chỉ cho đến khi….

****

Khổng Minh nôn nóng thúc dục tả hữu đi nhanh. Trên đường về kinh ông được tin Bàng Thống đã đến Kinh Châu, ra mắt Lưu Bị, rồi chỉ được giao cho một chức huyện quan. Kỳ lạ thật!

Thống với ông vốn là bạn thân. So về tài, Thống không thua kém ông. Mà chẳng lẽ Lưu Bị không nghe tiếng đồn trong dân gian hay sao? “Ngọa Long – Phụng Sồ” – Gia Cát Lượng là rồng thì Bàng Thống là phụng, có kém chi? Vậy sao Lưu Bị lại làm chuyện như thế? Lại còn nghe Lưu Bị nói với tả hữu rằng Thống trông xấu xí quá, không có vẻ gì là “hiền nhân”.

Khổng Minh tự nghĩ mình đã rất cẩn thận. Dù biết Lưu Bị vốn nổi tiếng cầu hiền đãi sĩ nhưng Khổng Minh vẫn đưa cho bạn một lá thơ giới thiệu, lại dặn dò khi cần nhớ đưa ra. Thế mà mọi sự vẫn hỏng bét!

Bàng Thống ở Lôi Dương chẳng thèm làm việc, tối ngày say sưa. Lưu Bị nghe vậy liền phái ngay Trương Phi tới “hỏi thăm sức khỏe”. Trương Phi đến nơi lập tức nổi trận lôi đình. Ngờ đâu sau đó Bàng Thống trổ tài, trong một ngày giải quyết hết mọi việc tồn đọng. Trương Phi hoảng hồn, lập tức báo tin về. Lưu Bị vội vã mời Bàng Thống trở lại tư dinh. Không biết Lưu Bị rồi sẽ tính sao với Thống? Nếu giao cho Thống chức vị không xứng nữa e Thống bực tức, bỏ đi. Thế là lại càng hỏng bét!

Càng nghĩ Gia Cát càng nôn nóng, càng thúc hối mọi người đi mau mau…

***

Gia Cát Lượng về tới. Vừa xuống xe ông đến ngay dinh Lưu Bị.

Thấy Gia Cát, Lưu Bị vui mừng:

– Lượng đó à?

– Thưa vâng!

Sau khi vẫy tay cho tả hữu ra ngoài, Lưu Bị đưa tay đỡ Gia Cát đứng lên.

–  Ngươi vừa về tới đã vội vào đây, chắc vì chuyện Bàng Thống?

–  Thưa phải.

–  Cũng đã nghe chuyện Thống và Trương đầu đà?

(Lưu Bị vẫn gọi Trương Phi như thế với những người thân cận).

– Thưa vâng.

–  Người nghĩ sao về chuyện đó?

–  Lượng nghĩ chủ công tất có ý.

Lưu Bị liếc nhìn Gia Cát và mỉm cười:

– Hắn ta thật xấu trai so với ngươi…

Gia Cát cũng mỉm cười:

– Thần không dám nghĩ mình đẹp trai.

Lưu Bị nói nhanh:

– Xấu trai không thành vấn đề. Vấn đề là người trẻ mà “máu” quá. Không tốt!

– Chủ công thấy Bàng Thống có tính nóng nảy?

Lưu Bị lắc đầu:

– Nóng nảy thì nói làm gì, đây là tính tự phụ háo thắng. Nắm trong tay sinh mạng ngàn người đâu thể vì cái muốn của riêng mình để định việc.

Sau một thoáng im lặng Gia Cát nói:

– Tôi trước đây cũng háo thắng, tự ví mình là con rồng nằm ẩn, lại chẳng muốn giao du với loại người tầm thường, chỉ bầu bạn với đám Từ Nguyên Trực, Bàng Sĩ Nguyên… (1)

Lưu Bị nhìn người đàn ông trẻ:

– Cái lúc đó ta cần sự ngạo mạn của ngươi để dằn mặt đám người của ta. Họ ở lâu thành lão làng, ngông ngông nghênh nghênh, chính ta cũng không cách gì cải sửa được họ. Nên khi có được ngươi, vừa trẻ, vừa tự tin, khiến cho trên dưới xanh mặt. Cũng may ngươi có tài thật nên được mọi người kính nể.

Gia Cát thở nhẹ ra:

– Lượng này may mắn được chủ công dạy bảo mới được như ngày nay.

Khổng Minh nói thật với lòng. Nhớ những ngày đầu binh tướng của Lưu Bị khi thấy Gia Cát được đặc biệt ưu đãi đã không ngớt xầm xì. Quả thực Gia Cát chỉ là một gã thư sinh cày ruộng, suốt ngày chỉ biết đọc sách, lại chưa từng xông pha trận mạc. Một người như thế lại được đưa ngay lên làm quân sư, bảo sao thiên hạ không phục. Thế nhưng, sau những thành công liên tiếp của Tây Thục, nhất là sau khi cùng Ngô Quyền đại thắng Tào Tháo ở Xích Bích và chiếm được Kinh Châu thì ai ai cũng ca ngợi Ngọa Long tài trí hơn người.

Chỉ riêng Gia Cát hiểu được nhờ đâu ông có được những thành công ấy. Lưu Bị tuy là chủ tướng, lại lớn tuổi hơn Gia Cát nhưng không bao giờ tỏ vẻ ta đây, vẫn luôn lắng nghe và bàn bạc tỉ mỉ chuyện quân cơ với ông. Tuy nhiên, Lưu Bị thẳng thắn chỉnh sửa Gia Cát những điều ông còn non kém, như những thực tế của chiến trường, của đời sống. Không những thế, Lưu Bị còn bỏ thì giờ ra nói chuyện  về những chiến hữu của mình, từng người một, nhờ thế Gia Cát hiểu được tính tình, khả năng, sở đoản, sở trường của họ, từ đó có thể tùy người tùy việc mà hành xử một cách hợp tình, hợp lý. Mọi người cứ nghĩ Khổng Minh cái gì cũng giỏi, họ đâu biết rằng nếu không có Lưu Bị chỉ vẽ cho thì ông chỉ là một gã hủ nho mọt sách mà thôi.

Gia Cát học được một điều quan trọng: Phải thực sự quan tâm tới những người đang làm việc chung với mình và phải biết học hỏi những người ấy. Ông đã thực hiện được đúng như thế. Khi mọi người thấy Gia Cát tuy có tài nhưng không phách lối, nên từ xa cách đố kị, họ dần cảm mến người quân sư trẻ tuổi.

–  Vậy ra Bàng Thống đã bị “huấn nhục”?

Gia Cát hỏi.

–  Hắn ta cứ huyên huyên hoang hoang thì mau chết. Đưa hắn vào chức quan hèn ít lâu cho hắn bớt kiêu ngạo đi.

Gia Cát mỉm cười:

– Từ nay thiên hạ sẽ bảo chủ công không có “con mắt xanh.” (2)

Lưu Bị lắc đầu:

– Thiên hạ thường vẫn như thế. Ai có tâm thì thức, ai có trí thì tuệ. Hơi đâu lo!

Ngưng một lúc khá lâu, Lưu Bị bỗng cất tiếng:

– Ta sẽ phong cho Bàng Thống làm Tả Quân Sư, còn ngươi là Hữu Quân Sư.

Gia Cát không trả lời.

Lưu Bị nhìn xoáy vào mắt Khổng Minh:

– Ngươi không bực chứ?

– Thần nghĩ chủ công đã có ý.

Lưu Bị trầm ngâm:

– So về “tầm” hắn ngang ngươi, so về “tâm” hắn thua ngươi. Thế nhưng thiên hạ vẫn có câu ca ngợi “Ngọa Long Khổng Minh – Phụng Sồ Bàng Thống”, nếu bây giờ ta để cho hắn dưới ngươi thì đúng là làm hắn mất mặt, thế thì hắn còn làm tướng chỉ huy được với ai.

– Thần chưa bao giờ nghĩ Bàng Thống không đáng mặt quân sư.

Lưu Bị than:

– Gia Cát Lượng ơi Gia Cát Lượng, ngày trước ngươi vin vào câu thơ của Tào Thực vịnh Đồng Tước Đài nên mới khích tướng được vua quan Đông Ngô, thành ra ngươi được nổi danh. Nay cũng vì lời đồng dao mà ngươi đành chịu thiệt thòi. (3)

Gia Cát lặng thinh một hồi. Rồi đáp:

– Chủ công đừng quá bận tâm. Lượng tôi tuy vẫn chưa học được sự an trầm của chủ công nhưng cũng cố gắng ráng giữ bình tĩnh trong mọi sự.

Lưu Bị không dấu được vẻ vui mừng, ông đưa tay khẽ vỗ vai người bạn trẻ:

– Tốt lắm. Thật ta chẳng nhìn lầm người!

Rồi Lưu Bị nói tiếp:

– Có người vừa đem tới một con ba ba rất lớn, trên lưng nó có nhiều đường vân kỳ lạ. Nghe nói ngươi giỏi về bói Dịch, ra xem thử coi.

Hai người cùng bước ra sân, bỏ lại phía sau ngổn ngang thế sự…

***

Chú thích:

  • Từ Nguyên Trực tức Từ Thứ , Bàng Sĩ Nguyên tức Bàng Thống, các bạn của Khổng Minh trước khi ông ra phò tá Lưu Bị.

  • Điển tích “mắt xanh”: Tương truyền Nguyễn Tịch, đời nhà Tấn, khi tiếp khách hễ là hạng quân tử thì ông nhìn bằng tròng mắt xanh; trái lại nếu khách là kẻ tầm thường thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Từ Hải đối đáp với Kiều, đã nói với nàng: “Bấy lâu nghe tiếng má đào – Mắt xanh chẳng để ai vào có không? – Một đời được mấy anh hùng – Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi! “, ý nói chưa người đàn ông nào xứng đáng với nàng, chỉ toàn là loại tầm thường (như cá trong chậu, chim trong lồng).

  • Tào Tháo có xây một cái đài tráng lệ, đặt tên Đồng Tước, rồi tuyển gái đẹp khắp nơi vào đó. Con là Tào Thực làm bài phú “Đồng Tước Đài“, trong có hai câu: “Liên nhị kiều vu đông tây hề – Nhược trường không chi đế đống“, nghĩa là “Bắc hai cầu tây đông nối lại – Như cầu vồng sáng chói không gian“. Nhưng tại Đông Ngô, lại có hai cô gái tuyệt đẹp tên Đại Kiều và Tiểu Kiều là vợ của Tôn Sách và Chu Du. Đến khi Khổng Minh qua Ngô bàn việc hợp tác đánh Ngụy, ông sửa hai câu thơ này thành: “Lãm nhị Kiều ư đông nam hề – Lạc triêu tịch chi dữ cộng“, nghĩa là “Tìm hai Kiều nam phương về sống – Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân“. Đổi chữ “kiều” thành “Kiều”, Khổng Minh chủ ý chọc tức Chu Du (Nhưng Chu Du có thực sự bị mắc lừa? Hoặc có thể, Chu Du cũng vin vào cớ ấy vì biết như thế mới thuyết phục phe “chủ hòa” của Đông Ngô lâm chiến, và như thế mới có dịp thi thố tài năng?)

Eden thời Covid-19

Trịnh Bình An

Trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, nhưng từng đợt gió lâu lâu lại thổi qua nên tháng Năm rồi mà cứ như đầu Xuân. Và ở Eden, giữa trưa rồi mà cứ như đang giấc sáng sớm bởi vì dãy dãy hàng quán im lìm và bãi đậu xe thưa thớt.

Mọi người đâu rồi?

Mọi người ở nhà trốn “dịch“?

Chúa Nhật, tôi lái xe ghé tới trung tâm Eden lúc 12 giờ trưa. Cũng là hơn nửa năm rồi không tới đây. Khung cảnh nói chung không có gì thay đổi. Hai cột cờ Mỹ – Việt vẫn lồng lộng trước gió, chỉ có màu lá cây xanh non ngọc thạch cho biết mùa Xuân vừa ghé ngang qua.

Virginia sẽ chính thức “mở cửa” tuần tới vào ngày 15 tháng Năm (*). Thế nào bà con cũng sẽ rủ nhau kéo tới Eden đông vui hơn. Nói gì nói, Eden vẫn là trung tâm thương mại Việt Nam duy nhất của vùng “tam biên” Virginia, Maryland, Washington DC.

Thường khi, tôi thích đến Eden giờ sáng sớm, cỡ 8,9 giờ. Giấc đó chỉ có vài quán mở cửa như tiệm Ngọc Anh, tiệm Hải Dương,.. Tôi thích ngồi ở Ngọc Anh. Gọi một phần cơm, hai món mặn, một món canh.

Ăn sáng kiểu này gọi là “ăn cơm ra đồng“. Măng kho thịt, cá kho sốt cà, hay tép rang, thêm một chén canh chua ăn với cơm trắng. Nếu ở nơi nào khác hẳn tôi sẽ không dám ăn sáng “to” như vầy, nhưng ở quán Ngọc Anh thì khác.

Chiếc bàn nhỏ ngó ra ngoài đường, khăn bàn kẻ ca-rô trắng đỏ, trên là những dĩa nhỏ vui mắt, còn trước mặt là dãy thức ăn đỏ au, vàng rộm hấp dẫn. Tất cả làm cho tôi có cảm giác mình đang ngồi trong một quán ăn bình dân tại… bến xe đò, và tôi như một người khách đợi, ghé ăn vài ba hột cơm dằn bụng trước khi lên xe cho một chuyến đi dài.

Ăn ở Eden, đối với tôi, không để tìm món ngon mà để tìm hương vị của một miền đất đã xa…

Ở miền đất ấy, vào ba ngày Tết, hàng quán cũng đóng cửa như hôm nay và tiết trời cũng se se lạnh như hôm nay.

Dù mọi người ai nấy đều mang khẩu trang che mặt và vội vội ghé tiệm mua vài món rồi đi, nhưng nếu ở xa xa ngó tới, dáng vẻ thong thả, êm ả của một buổi trưa Chúa Nhật trong ngày nắng vàng của Eden, không khỏi gợi nhớ những dãy phố lười biếng trong ba ngày Tết của Sài Gòn.

Trung tâm thương mại Eden có lối kiến trúc rất thích hợp cho người Á Đông, đó là nhờ hàng hiên rộng rãi trước mặt tiền. Hàng hiên có mái che nên bà con đi lại thoải mái như đang dạo phố, lại đủ rộng nên nhiều “hàng rong” cũng được bày bán, tạo nên không khí náo nhiệt như một con phố Việt thu nhỏ.

Tôi ghé “chợ lớn” (tên này tôi tự đặt, vì hiện có hai chợ thực phẩm, một lớn, một nhỏ). Tìm mua mấy con dao nhưng không có, nhưng lại thấy bày mấy cái thùng xốp giữ lạnh. Mua bốn cái về trồng cây. Thời “Tiệm tiệm đóng cửa – Người người ở nhà” không đi đâu lăng xăng được, thôi thì “vui thú điền viên“, dù đa số cây tôi trồng đều ít sống nổi do làm biếng chăm bón.

Ghé “chợ nhỏ” thử coi. May, ở đây bán rất nhiều dao. Tôi lựa 4 con dao, một dao phay, ba dao gọt. Người bán hàng dáng gầy gầy, cao cao. Anh kiếm một cái hộp nhỏ, bỏ mớ  dao vào. Anh còn cẩn thận lấy băng keo dán lại cho không đứa nào nhúc nhích. Vưa quấn vừa nói “Tui sợ nhất là dao!

 

Người bán hàng chu đáo quá, tôi thấy vui vui. Cám ơn anh, anh cẩn thận quá, thật hiếm gặp người như vậy.

Cao Cao đáp, Chị mà đứt tay thì đâu có đi chợ nữa.

Tôi cười, Cao Cao cũng cười. Nhưng mặt hai người đều “băng” kín, không ai nhìn được miệng ai cười.

Đi dọc từ “chợ nhỏ” qua phía tiệm Ngọc Anh, thấy Hương Bình và một vài tiệm nữa có mở cửa. Một vài nhóm bạn trẻ mua bánh trái, nước sinh tố rồi ra các bàn ngoài trời, vừa ăn vừa phơi… nắng.

 

Tôi đi qua Ngọc Anh, kiếm mua bánh củ cải nhưng không có. Còn “cơm chỉ” thì ở nhà ăn cơm hoài, ngán rồi, không mua nữa.

Trong hành lang rộng có kê vài cái bàn, vài cái ghế. Một hai người ngồi ăn bún bò. Trời ở ngoài gió, ngồi trong này ấm áp hơn.

Một tiệm có bày cái bàn nhỏ. Trên bàn là mấy cái bánh ít dừa, bánh ít đậu, bánh ú nhưn thịt, vài dây bánh tro, mấy miếng mít, mấy nải chuối sứ… A, bánh tro, “Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm“.

Cái kiểu bán chút chút vậy làm nhớ mấy mẹt bánh trong ngõ. Con nít chạy ra chạy vô đói bụng, xin má mấy đồng mua trái chuối, mua cái bánh, ăn rồi chạy chơi tiếp.

Tôi mua mấy cái bánh ít dừa, bánh ít đậu và hai dây bánh tro. Cô bán bánh bỏ bánh tro vào một cái bao, rồi lấy cái bao khác cho mớ bánh ít. Tôi tiếc, nói, bỏ chung một bịch cũng được mà? Cô khẽ lắc đầu, không chịu, vẫn chia làm hai bịch. Tôi hơi thắc mắc nhưng không hỏi thêm.

Đi khỏi rồi, mãi hồi sau mới nghĩ ra. Có lẽ bánh ít gói là chuối còn ướt nên Cô không muốn để chung với bánh tro gói lá tre đã khô mặt, e làm hư mớ bánh tro?

Trong cùng một ngày, gặp được tới hai người tử tế. Hôm nay mình hên lắm đó!

Hồi còn trong nước tôi rất sợ đi chợ, tôi sợ trả giá lắm, có khi còn bị người bán mắng mỏ. Còn ở Mỹ, có khi người bán trong chợ thiếu để ý, đặt mớ chuối cái phịch vào giỏ cũng làm tôi buồn, nên tôi vẫn thích tự mình sắp đồ vào giỏ, vừa giúp cho nhanh, vừa đỡ… thót tim.

Những cái tử tế, chu đáo nho nhỏ của Cao Cao, của Cô Bánh Ít như lá non mùa Xuân, có đó mà ít được để ý tới nhưng vẫn là màu xanh biếc khiến lòng người tươi mát.

Ghé Eden mà không ăn cái gì thì uổng. Tôi tới Bánh Mì Số 1 mua bánh bao nướng, bánh bao trứng muối và một ổ bánh mì pate thịt nguội.

Dãy bàn trước tiệm không người ngồi. Khoảng cách quá an toàn rồi còn gì!

Lần đầu tiên tôi ăn bánh mì ở tiệm BMS1. Công nhận bánh mì dòn xốp thiệt. Hơi hối hận đã không mua thịt đỏ thay vì thịt nguội, cái tật mê thịt mỡ từ nhỏ tới giờ không bỏ được.

Ăn được nửa ổ bánh mì lại mở một cái bánh ít dừa, cũng cái tật kỳ cục, ăn mặn rồi ăn ngọt, rồi ăn mặn. Miếng bánh nếp mũm mĩm, mềm mụp. Nhân dừa trắng, thơm. Vị nếp dẻo, thanh thanh làm nổi bật vị dừa ngọt béo.  Ăn trời Tây mà sao nhớ trời Đông!

Đang ăn thì có chiếc xe trắng đầu vào. Người đàn bà bước ra, đi vào tiệm. Hai người đàn ông ngồi lại trên xe.

Người đàn ông lái xe, đặt cánh tay trên cửa, lộ hình xâm đầy ở trển. Giọng oang oang muốn thủng lỗ nhĩ. “ĐM nó làm cái gì mà gọi cho dzợ tui woài dzậy? ĐM một ngày 17 lần. ĐM gọi cái đ.* gì mà gọi tới 17 lần một ngày? Tui hỏi anh, dzậy là nó muốn gì hả?

Tôi phì cười. Thêm mấy cái “Đê Mê” này thì y chang mình đang ở “xứ Mít” rồi, cần gì về Việt Nam nữa chi?

Việt Nam có nghệ sĩ đường phố. Eden cũng có vậy. Tiếng nhạc vang vang. Đó là anh Hùng DJ mở dàn nhạc, hát giúp vui. Không khí êm ắng nhờ đó thêm phần sinh khí

.

 

Có mấy người bạn than vùng này “mở cửa” chậm quá, thua mấy tiểu bang khác. Biết làm sao, đây là vùng thủ đô, trái tim Hoa Kỳ, cũng nên cẩn thận chút chứ?

Người đàn ông kia thắc mắc tại sao có người đàn ông mặt dày, dám gọi phone liên tục cho một người đàn bà đang có chồng. Anh tức giận, anh chửi thề, “đê mê” chất đầy cần xé. Còn chúng ta thắc mắc tại sao một “con vật” nhỏ xíu xiu lại có thể quất xụm một nền kinh tế đang vươn sức lớn mạnh.

Thế nhưng, nếu người vợ trong nhà vẫn luôn dịu dàng, tròn vẹn thì chẳng có “thằng đàn ông” nào léng phéng được. Cũng vậy, nếu miếng bánh mì vẫn dòn xốp, miếng bánh ít vẫn dẻo thơm, nếu những con người vẫn tử tế, chu đáo, chân thật, thì sức sống luôn còn có đó, chỉ chờ sau cơn bão, tất cả lại hồi sinh.

Có điều, không cần thêm “đê mê” thì cũng vẫn là xứ Việt của tôi.

***

(*) Thống Đốc Ralph Northam hôm 12/5 ký sắc lệnh hoãn “mở cửa” tại 4 quận hạt (Fairfax, Arlington, Loudoun, Prince William) và các thành phố thuộc vùng Bắc Virginia (Fairfax, Falls Church, Alexandria, Manassas, Manassas Park, Dumfries, Herndon, Vienna, Leesburg) cho đến hết ngày 28 tháng 5.

Sách Việt Hải Ngoại – Hiện Tại và Tương Lai  

Sách Việt Nam tại hải ngoại, trong hiện tại thế nào, về tương lai ra sao?

Xin đọc ba chuyện dưới đây.

Chuyện thứ nhất: Tâm sự của một tác giả đã có trên ba tác phẩm biên khảo: Có hai người từ tiểu bang khác đặt mua sách, tôi gửi sách đi theo priority mail, nhưng họ nhận sách rồi…”quên” luôn, không trả tiền, dù cho tôi đã gửi thư nhắc nhở.

Chuyện thứ hai: Hai tiểu bang Maryland, Virginia, cộng thêm Thủ Đô Washington-DC – nơi có cộng đồng người Việt đông thứ năm tại Hoa Kỳ, vậy mà không có lấy một tiệm sách. Đúng ra, chỉ có một tiệm bán băng nhạc, ké thêm vài kệ sách. Vậy cũng là đáng mừng lắm rồi.

Chuyện thứ ba: Kinh nghiệm bản thân người viết. Có lần gởi sách cho một anh – một nhà báo từ trong nước ra tới hải ngoại. Anh viết thư cám ơn nhưng kèm thêm dòng chữ: “Nói thật, An đừng mất công nữa nhé”.

Ba câu chuyện trên – có thể nói là điển hình trong thế giới sách Việt tại hải ngoại, cho thấy càng ngày càng ít người đọc sách. Nói đúng hơn, ít người mua sách. Hoặc cả hai.

Tôi có cảm tưởng đó là một cuộc chiến.

Cuộc chiến có ba phe.

Phe người đọc, phát ngán lên được với những buổi giới thiệu sách không-đi-không-được của bạn bè. Thấy bạn hào hứng kể lể về đứa con tinh thần, hớn hở ký tặng sách, còn mình thì rầu thúi vì phải bỏ tiền ra mua và biết chắc sách lại chiếm thêm một chỗ trong nhà vốn đã đầy ắp đồ đạc. Tâm trạng héo hon ấy chẳng khác gì tâm trạng nàng Kiều, mặc người mưa Sở mây Tần, riêng mình nào biết có Xuân là gì!

Phe người viết, hì hục, vò võ, tốn cả ngàn tiếng đồng hồ ra viết, viết miệt mài, viết lầm lũi; rồi thì tốn cả ngàn đồng để in thành sách, lại tốn thì giờ, tốn tiền bạc tổ chức ra mắt sách, gởi chỗ này chỗ kia bán. Cuối cùng tâm trạng cũng in hệt Kiều nương, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình, mình lại thương mình xót xa!

Và phe… những cuốn sách. Khi in ra – được nâng niu vô cùng từ bìa đến ruột. Đến lúc bán đi (nhiều khi là “cho đi”) – bị xếp ngay vào một góc, đóng bụi. Nếu sách có nói được hẳn sẽ than, như Kiều nhi từng than, khi sao phong gấm rũ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường!

Trong cuộc chiến, phe đọc sách và phe làm sách dường như nằm trong chiến hào của mỗi bên. Rình rình nhau, xem bên nào đổ trước. Đọc-Sách lâu lâu hỏi vói qua: Chết chưa? Làm-Sách đáp: Chưa chết! Đọc-Sách càng không thèm mua, rồi lại hỏi vói qua: Chết chưa? Vẫn đáp: Chưa chết! Và cuộc chiến cứ thế tiếp diễn, dai nhách.

Một số Đọc-Sách, cuối cùng “xông lên”, nhất định không thèm đọc nữa, dù có cho free cũng không thèm. Uyên Thao có lần chỉ vào gói sách bị trả về, nói với tôi: “Không sai địa chỉ, nhưng sách gửi đi thì bị trả về, chắc người ta không muốn nhận”. Sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương được gởi đi trước, bạn đọc ai muốn trả tiền thì trả, không thì thôi. Nhưng nhiều người đọc dứt khoát không “thỏa hiệp”. Họ thét to: “Các ông ơi, bọn tôi không đọc nữa đâu, xin làm ơn làm phước đừng viết nữa, đừng in nữa, đừng gởi nữa” – “Không, không, không. Tôi không còn, tôi không còn đọc sách (của các ông) nữa…” v.v. và v.v.

Vậy người viết có chùn bước không, có bỏ cuộc không?

Câu trả lời là KHÔNG!

Vào những số đầu tiên của bản Tin Sách, Trần Phong Vũ nhắc tôi: “Giới thiệu 10 cuốn sách trong một kỳ Tin Sách thì tốt đấy, nhưng lỡ đến lúc không còn sách hay thì chả nhẽ đi giới thiệu sách coi bói à?”

Tôi cười, thầm nghĩ, ông anh mình cũng thuộc loại không (thèm) đọc sách rồi. Vì nếu có theo dõi thị trường sách Việt hải ngoại mới thấy số lượng sách được xuất bản không hề giảm mà chỉ có tăng. Tin Sách chạy hụt hơi cũng không giới thiệu hết sách của các văn hữu của gia-đình-chúng-ta đâu.

Trong cái-gọi-là “cuộc chiến sách Việt hải ngoại”, phe làm sách quả rất ngoan cường. Chê gì chê, cười gì cười, họ vẫn lầm lũi tiến lên, như thể muốn nói: “Các ông không mua thì thôi. Chúng tôi cứ viết đấy, cứ in đấy. Đã sao nào”.

Cứ như nếu gặp câu hỏi: Why do you have to make books?
Thì câu trả lời sẽ là: Why not?

Những người viết không phải không có lý, nhất là khi sách thuộc thể loại hồi ký. Khi những người ông, bà, cha, mẹ, viết ra với mục đích để lại ký ức của mình. Nhờ đó, một ngày kia, con cháu sẽ biết được tại sao chúng có mặt trên xứ người chứ không là Việt Nam. Sách dành riêng cho người trong nhà đọc, người ngoài có đọc thì chỉ là đọc ké mà thôi.

Có điều cần viết, có người muốn viết, và có đối tượng để viết cho. Vậy là đã đạt yếu tố con người, tức Nhân Hòa. Thế thì phe làm sách đã chiếm lĩnh được một ưu thế rồi đó.

Về yếu tố Địa Lợi? Nếu nói theo kiểu chơi chữ, “địa” là “tiền”, thì không có gì khó khăn với phe “mần” sách cả. Nhiều vị có sẵn tiền… hưu, để dành một năm, vài năm, cộng thêm con cái giúp cho một ít là đủ “đắc địa” rồi.

Tôi biết một người dành dụm tiền hưu in hồi ký. Ông tự soạn sách, tự dàn trang, tự xuất bản. Sách ông trình bày chẳng theo bất cứ quy tắc nào hết. Hễ thấy cần nhấn mạnh, ông cho chữ đậm hay chữ hoa to tướng, trông rất tức cười. Nhưng ông viết thẳng, viết thật, viết tếu lâm, nên đọc thấy rất gần gũi, dễ thương. Sách bán được hơn 200 cuốn. Tác giả hỏi Uyên Thao nghĩ sao. Uyên Thao cười, vậy thì quá giỏi rồi còn gì.

Và yếu tố cuối cùng – Thiên Thời, thì sao?

Chưa bao giờ thời cơ lại thuận lợi với người viết hơn lúc này. Phương pháp Print-On-Demand (in sách theo yêu cầu) – với Amazon là trung tâm tiên phong – đang là một cơ hội Trời ban cho những ai muốn xuất bản sách mà không rủng rỉnh tiền vốn hay rộng rãi kho chứa.

Điển hình là cuốn Cưỡi Ngọn Sấm mà tôi được dịp phụ với các anh Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền trong việc dịch thuật. Anh Quý lo phần xuất bản sách. Anh tạo trương mục (account) với Amazon, làm layout trên khuôn có sẵn của Amazon. Khi nào có người muốn mua sách, anh báo tin cho Amazon biết, thế là Amazon gởi thẳng về địa chỉ của người mua. Tiền thu được từ bán sách, sau khi trừ hoa hồng (không nhiều lắm) sẽ được Amazon gởi về cho tác giả. Thật gọn gàng, nhẹ nhàng. Người làm sách không phải ôm cả trăm cuốn sách, cũng không phải hì hục gói sách, gởi sách, rồi còn nơm nớp lo bị quỵt tiền hay bị thất lạc.

Và như thế, với cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa, thị trường sách Việt hải ngoại hiện tại vốn đang dồi dào, thì trong tương lai gần, sẽ còn dồi dào hơn.

Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: Sách in ra nhiều thật, nhưng ai đọc cho đây?

Thưa đúng, sách in để đọc chứ chẳng để ngắm, và người đọc hải ngoại thì cứ như sao buổi sớm, như lá mùa thu…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, mà có lẽ trong kho Nhà Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ vẫn còn một đống sách tồn đọng, trong một buổi họp mặt văn nghệ đã rất lạc quan tiên đoán rằng: “Chúng ta chả có gì phải lo ngại. Một ngày không xa, sách hải ngoại sẽ “vượt biển” xâm nhập Việt Nam. Tới lúc đó, chỉ e chúng ta không có đủ sách để bán nữa chứ”.

Nhà văn quân đội Trần Hoài Thư, ròng rã hàng chục năm với việc sưu tầm, tự in ấn và phát hành những tác phẩm của Miền Nam–Việt Nam Cộng Hòa qua Nhà Xuất Bản Thư Ấn Quán, vẫn đều đặn cho ra đời những tập sách nho nhỏ, xinh xắn. Loạt sách này dần được sự hưởng ứng của người trong nước, nhất là giới trẻ Việt Nam, khi họ ngày càng ý thức rằng trên đất nước ngột ngạt đang sống đã từng có một nền văn học tự do.

Còn Uyên Thao, người sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, thì từng nói ông đang “làm ăn mày để in sách”. Với Uyên Thao, người tự cho mình “chưa bao giờ làm văn học” mà “chỉ chọn cây viết thay cây súng”. Với ông, mỗi cuốn sách là một “người cán bộ” . Người cán bộ nếu không giữ tư cách thì không thuyết phục được dân, cũng thế, nếu cuốn sách không chỉnh tề, từ nội dung đến hình thức, thì sẽ không được bạn đọc đón nhận. Và thế là “gã hành khất” Uyên Thao cứ lầm lũi ăn mày để đào tạo cán bộ. Cho tới nay, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã cho ra đời trên 70 tác phẩm.

Còn riêng tôi, trong việc làm Tin Sách, tôi không ngừng xúc động mỗi khi đọc được những cuốn sách thật hay nhưng ít người nhắc đến. Sách như trẻ nhỏ. Em nào may mắn vào gia đình khá giả, khi sinh ra được mọi người đón mừng, chúc tụng. Còn những em kém may mắn hơn lỡ sinh trong gia đình nghèo khó thì sự ra đời của các em sẽ thật lặng lẽ, âm thầm. Tôi chỉ hy vọng Tin Sách sẽ giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách kém may mắn ấy dù chỉ qua vài hàng giới thiệu ngắn ngủi.

Xin có vài lời cuối…

Với người đọc: Xin đọc ít nhất một vài trang cho một cuốn sách. Có thể bạn sẽ bắt gặp một câu – và chỉ cần một câu thôi, sẽ giúp bạn rất nhiều. Và sau đó, nếu bạn muốn giục sách vào thùng rác thì cứ tự nhiên vì bạn đã được nhiều hơn là bỏ ra rồi đấy. Ngay cả khi không thu lượm được gì, bạn cũng sẽ học được cách đừng viết như thế, đừng nói như thế. Không phải khoa học gia lừng danh Thomas Edison đã bảo rằng: “Tôi biết tới một ngàn cách để không thành công”.

Với người viết: Xin cứ tiếp tục viết, dù khó khăn, dù nản lòng, dù biết mình viết dở ẹc. Nếu sách viết ra không bán được thì càng mừng nữa chứ, vì bạn đã hoàn toàn được tự do – tự do khỏi cái ràng buộc vật chất đời thường. Bạn tốn tiền, bạn nhọc công vì một cuộc chơi. Mà nghĩ thử coi, cuộc chơi nào mà chẳng tốn tiền, tốn công. Nghề chơi cũng lắm công phu huống hồ là… chơi chữ.

Tôi vẫn phục Nguyễn Liệu. Ông thực hiện một cuốn sách dày cui, đặt tên hết sức chảnh: “Đời Tôi”. Sách in ra, bán được bao nhiêu thì bán, còn lại đem cho hết. Bây giờ, sách thành tuyệt bản, không phải thích thú sao?

Tôi hên, mua được một “Đời Tôi”. Quý lắm. Mỗi lần cầm sách lên, tâm trạng không khác tâm trạng nàng Thúy Kiều thuở nao:

Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

 

Trịnh Bình An

July 10, 2020