1969-Lính Không Quân Du Học Hoa Kỳ – Đào Hiếu Thảo

1969 – Lính Không Quân du học Hoa Kỳ

                                                Đào Hiếu Thảo

Căn cứ Không Quân Lackland, San Antonio, Texas, 1969

Vào lính tháng 9 năm Mậu Thân 1968, sau 8 tuần thụ huấn căn bản quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Tân Binh ở Quang Trung, 6 tháng Trường Bộ Binh Thủ Đức và 3 tháng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất làm trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, một công việc thật đúng với sở thích và rất gần gũi với các môn học ở đại học Văn Khoa Saigon ngành khoa học nhân văn như: văn minh, văn chương, triết, nhân chủng, chính trị học.  Ba năm làm đài phát thanh, truyền hình cũng có phần nào ảnh hưởng trực tiếp, giúp tăng thêm sự mải mê với công việc hiện tại.
Làm quân nhân là phải chấp hành nghiêm chỉnh bất cứ việc gì được giao phó, tuy nhiên du học ngành chuyên môn trong tôi luôn là niềm mong ước, vả lại cũng rất cần thiết cho tương lai trong binh nghiệp. 
Để được tuyển chọn du học Hoa Kỳ, có nhiều chặng đường phải qua, trong trường hợp riêng tôi, trước hết phải hội đủ điều kiện nhập ngành Chiến Tranh Chính Trị trong kỳ thi trắc nghiệm tâm lý và sở thích với 1500 câu hỏi.  Thứ hai phải đạt điểm thấp nhất là 85 trên 100, trong những kỳ khảo sát trình độ Anh Ngữ. Sau hết là phải dự thí với các quân nhân khác cho một trong hai vị trí mà Không Lực Hoa Kỳ dành cho sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị Không Quân du học Mỹ.
Hai người được chọn là Chuẩn uý Chu Văn Hải và tôi. Sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà du học Hoa Kỳ được chánh phủ lo lắng mọi phương tiện, Cục Quân Nhu chu cấp đủ loại quân phục cho:  đại lễ mùa hè, mùa đông, chemise dài tay, ngắn tay cũng như quân phục kaki vàng đi phép.  Tiếp Liệu Không Quân bổ sung thêm quần áo trận, áo ấm, các loại giày vớ, các loại nón… Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam  phát hành Travelers’ check và đổi mỹ kim cho chúng tôi làm lộ phí. Hàng tháng lãnh lương tại quân trường ở Mỹ.
Trước ngày lên đường, chúng tôi đến trình diện Phòng Du Học, Phòng Huấn Luyện Bộ Tư Lệnh Không Quân để nghe thuyết trình về chương trình học, sinh hoạt và đời sống tại Mỹ.  Bổn phận, trách nhiệm, quân phong, quân kỷ của người sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nơi xứ người cũng được nhấn mạnh rõ ràng. Mỗi sĩ quan du học đều phải ký giao ước phục vụ Không Quân thêm tám năm, ngoài 15 năm mình đã đồng ý dành cho Không Quân Việt Nam khi mới nhập ngũ, tổng cộng là 23 năm.  
Ai có biết, ngày 30 tháng 4, 1975  với cuộc “đổi đời” nghiệt ngã! 23 năm binh nghiệp của tôi đã rút lại, vỏn vẹn còn 6 năm 7 tháng.
Vào một ngày đầu thu năm 1969, phi trường Tân Sơn Nhất hôm ấy, đông nghẹt người , máy bay lên xuống rợp trời, nhìn quanh quẩn chỉ thấy toàn quân nhân Mỹ, họ chờ lên phi cơ về nước, số khác mới đặt chân đến Saigon, đợi phân phối ra chiến trận, hoặc vừa xong ngày phép, sửa soạn trở lại đơn vị.
Phi cơ DC 10 của hãng hàng không Flying Tiger cất cánh từ phi cảng Tân Sơn Nhất chở theo trên 220 quân nhân, hầu hết là người Mỹ, không có hành khách dân sự, rất ít sĩ quan Việt Nam thuộc Hải, Lục, Không Quân. Riêng Không Quân chỉ có ba tân Chuẩn uý: Chương Bá Tráng, Chu Văn Hải và Đào Hiếu Thảo, nghiêm chỉnh trong bộ quân phục xuất ngoại màu xanh dương đậm (Air Force Blue), trên vai áo bên trái có tên nước Việt Nam màu trắng, thêu trên nền đỏ.
Máy bay của hàng không quốc tế sao tối tân, lịch lãm, tiện nghi thật, nhớ những lần đi Air Việt Nam, bằng vận tải cơ DC 3, DC 6 sao ồn ào quá, khi chui vào mây thì nhồi phát buồn nôn, ẩm thực rất sơ sài, tiếp khách qua loa. Còn máy bay quân sự Việt Nam C 47, C 119, C 123 thì có khi phải ngồi trên sàn, lắm lúc chở theo thương bệnh binh,  hoặc các hòm đựng xác tử sĩ – buồn – chẳng ai có thể mở miệng nói nên lời. Trên nhiều loại máy bay vận tải quân sự Việt Nam còn không có cả chỗ đi vệ sinh, rất  bất tiện cho hành khách không phải là lính.
Lần đầu tiên ngồi phi cơ Mỹ rộng rãi, thoải mái, tiện nghi, thức ăn, nước giải khát được các tiếp viên mời dọn đều đặn, ngoài ra còn có chiếu phim, nghe nhạc, đọc báo và tặng bộ bài để giải trí nữa.
Phi cơ đáp chặng đầu trên đảo Okinawa của Nhật Bản để lấy nhiên liệu và thực phẩm, hành khách ra khỏi máy bay hai giờ đồng hồ, rồi lên lại, bay tiếp đến vùng Wake Islands ngoài khơi Thái Bình Dương lấy nhiên liệu một lần nữa trước khi đáp Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii. Xuống máy bay, mỗi hành khách đều được các cô gái trong trang phục địa phương, tặng vòng hoa , thưởng thức hoa quả và nước dứa tươi, một loại đặc sản của vùng này.
Rời Honolulu, phi cơ hướng đến đảo Guam và  chặng đường cuối là đáp tại căn cứ Không Quân Travis ở San Francisco, CA.  Kỷ niệm đầu tiên khó quên khi đặt chân đến Hoa Kỳ là lúc đang tiến gần sát cửa kiếng để ra khỏi phi trường, bỗng dưng cửa mở toang, làm giựt mình, suýt ngã toàn thân về phía trước… Ở nước mình lúc đó cửa đâu có tự động mở, phải bấm nút hay đẩy cửa bằng tay. Cảm tưởng thứ hai là sao bất cứ nơi nào ở Mỹ đèn cũng thắp sáng rực suốt đêm ngày, còn xứ mình luôn tiết kiệm năng lượng, hà tiện điện, tắt đèn, cúp điện liên miên, thường sống trong  tranh tối, tranh sáng, tại sở làm cũng như ở nhà.
Nghỉ đêm trong phòng vãng lai tại căn cứ không quân Travis, ngày hôm sau anh Chương Bá Tráng bay đi căn cứ Không Quân Keesler, Mississippi, với tôn chỉ “ Fly, Fight and Win” in Air and Space, anh học ngành bảo toàn phi cơ.
Anh Chu Văn Hải và tôi bay đi căn cứ Không Quân Lackland, San Antonio, Texas học tại Defense Language Institute, English Language School. Đến Lackland vào giữa đêm khuya, chúng tôi được đón về barack dành cho các sĩ quan độc thân, mỗi phòng chứa từ hai đến bốn người, nằm giường đôi.
Sáng hôm sau, đến trình diện Bộ Chỉ Huy, làm thủ tục hành chánh, sửa soạn nhập khoá học Anh Ngữ. Vào thời điểm của tháng 10, năm 1969, căn cứ Không Quân Lackland ở Texas tiếp nhận trên 100 ngàn khoá sinh đến từ khoảng 50 quốc gia trong thế giới tự do nhận viện trợ của Hoa Kỳ. Ngoài ra, căn cứ còn phụ trách huấn luyện căn bản quân sự và chuyên môn cho nam nữ hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Không Lực Hoa Kỳ.
Căn cứ Không Quân Lackland là một thành phố lớn nằm cách thị trấn San Antonio chừng 45 phút đi xe bus, nơi ấy có di tích lịch sử thành Alamo với anh hùng Davy Crockett cùng 100 chiến hữu chống trả và đẩy lui cuộc xâm chiếm của quân Mễ Tây Cơ mà quân số lên tới 1500 lính, trong trận chiến năm 1836, kéo dài gần hai tuần. “The Battle of Alamo” được diễn tả lại trong phim ảnh và tivi của hãng Disney, do John Wayne đóng vai chính vào thập niên 1950. Series phim ảnh dã sử đó đã được khán giả Mỹ nhiệt liệt tán thưởng và chiến sử hào hùng của thành trì Alamo biến nơi đây làm một địa diểm hàng đầu, quanh năm thu hút du khách thập phương khi đến thăm San Antonio, Texas.
Trong chương trình trao dồi Anh Ngữ, mỗi người đều phải thi trắc nghiệm khả năng tiếp thu, để căn cứ vào kết quả bài thi mà xếp lớp cao thấp. 70 điểm trên 100 là trung bình, nếu đạt điểm cao hơn thì sớm được gởi đi học chuyên môn, điểm thi quá thấp sẽ phải dời đến một khu khác tập trung tất cả những khoá sinh điểm kém để học thêm ngoài giờ với các tân binh Mỹ.  Nhiều lần không đạt điểm trung bình quy định sẽ bị loại và trả về nước, thuyên chuyển qua các đơn vị tác chiến.
Tôi thường đạt số điểm trên 85, nên được xếp theo học lớp đặc biệt (specialized), mỗi lớp tối đa là 10 khoá sinh chuyên về đàm thoại, nặng về ngữ vựng, làm quen với những chữ chuyên môn trong quân đội, chuẩn bị cho bước kế tiếp theo học Trường Thông Tin Báo Chí (Defense Information School).
Mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu đều có lớp học hai buổi sáng chiều, hàng tuần có giờ thi trắc nghiệm đo lường kết quả học hỏi, nghe nhận xét, góp ý của các giảng viên.
Giờ học buổi chiều thường chấm dứt lúc 4 giờ, sau đó khoá sinh được tự do sinh hoạt.  Mọi người có thể ra phố, đi mua sắm, du ngoạn, xem ci nê, tập thể thao, tụ họp nấu thức ăn Việt Nam. Cuối tuần có buổi sinh hoạt chung, tất cả khoá sinh Việt Nam phải tập họp đông đủ để nghe thông báo, trao đổi tin tức trong việc học tập.
Ai đã từng thụ huấn tại căn cứ Không Quân Lackland ở Texas, “The Gateway to the Air Force”, đều cho rằng thời gian học Anh Ngữ nơi đây là “huy hoàng nhất”, chỉ dốc tâm chuyện học hỏi, cuộc sống hàng ngày đã có quân trường lo ngày ba bữa ăn giá rẻ, điểm tâm 35 cents, ăn trưa 55 cents, buổi chiều 70 cents. Giá thông thường bên ngoài  gấp 4 hay 5 lần mà thức ăn không dồi dào như trong căn cứ Không Quân.
Tiền trợ cấp hàng tháng dư dùng nếu biết gói ghém cẩn thận, nhiều người thường xuyên gởi quà cho thân nhân ở Việt Nam, một số bạn khác đi du lịch sang Mexico vào những ngày nghỉ lễ.
Vào cuối khoá, khi đã đạt trên 90 điểm, chúng tôi tốt nghiệp khoá Anh Ngữ cao cấp và được thưởng mấy ngày phép trước khi bay đến tiểu bang Indiana vào đầu năm 1970 để theo học khóa Thông Tin, Báo Chí tại Defense Information School (DINFOS), Fort Benjamin Harrison, Indianapolis.
Rời căn cứ Không Quân Lackland ở Texas, trở lại với thực tế, chấm dứt 2 tháng mà mọi người cho là “vàng son, nhàn hạ” vì đoạn đường trước mặt rất gay go, đối với các khoá sinh đi học bay hoặc theo các khoá chuyên môn, nhất định sẽ có người đậu, kẻ rớt, cuộc đời với những dốc đèo, đá ghềnh, hầm bẫy, chứ không yên xuôi, êm thắm mãi. 
Năm 1969, chiến trường đang bùng phát mạnh trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà.  Cộng sản Bắc Việt sử dụng ngã đường băng qua Campuchia, vượt Trường Sơn, mở rộng Đường Mòn Hồ Chí Minh đưa hàng loạt “Công Trường” tức các sư đoàn chính quy của họ xâm nhập Miền Nam. Quân số Miền Bắc luôn áp đảo trong chiến thuật “Biển Người” họ huy động quân số gấp nhiều lần để tấn công, sẵn sàng “nướng quân”, tiến chiếm các mục tiêu họ chọn trong chủ trương thôn tính trọn Miền Nam dù có đánh đổi bằng sinh mạng của hàng trăm, hàng ngàn cán binh dưới những trận mưa bom từ các pháo đài bay B 52 của Không Lực Hoa Kỳ.
Sau khi mãn khóa học chuyên môn thông tin, báo chí, mình sẽ về chung vai sát cánh với hàng trăm ngàn chiến hữu QLVNCH đang cầm súng chiến đấu ngoài trận địa để góp phần vào việc giữ vững Miền Nam tự do, cho dù  ở đơn vị tác chiến hay phần hành tham mưu, yểm trợ.
                                                         
                                                Đào Hiếu Thảo
 
Anh Chu Văn Hải và tôi có duyên đồng hành qua năm quân trường trong nước và hải ngoại, cả hai chúng tôi đều là phóng viên chiến trường phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH và khi đến Hoa Kỳ định cư, rất may mắn còn làm trong nghề truyền thông, báo  chí tại Washington DC. Anh Hải đầu quân bên VOA, từ năm 1992,  tôi làm cho RFA, từ năm 1997 cho đến tuổi về hưu.  
July 10, 2020