Vương Vũ

                      

Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm

 Tình Anh Trong Mùa Hạ

Thơ Vũ Dương( Vương Vũ)

Nhạc Nguyễn Thông

 
 

Trang Thơ của thi sĩ Vương Vũ (Vũ Dương)

HỌC LÀM THI SĨ

 

Ta quyết học người làm thi sĩ

Gọi gió mang về hơi thở em

Kêu mây tạo dáng em nũng nịu

Ta ở bên em vẫn nhớ em

 

Ta quyết học người làm thi sĩ

Nhìn mây mà thấy tóc em bay

Nhìn trăng thấy mặt người năm cũ

Chỉ nhớ không thôi đã thấy say

 

Ta quyết học người làm thi sĩ

Tất cả vì em … kẻ khó thương

Mắt như dao sắc dù ngấn lệ

Môi mỏng tiếng chua nói, “hổng thương!”

 

Ta quyết học người làm thi sĩ

Học rung cảm thấy tình em nhọc

Học nghe biết tiếng thở em buồn

Học nhìn chân bước hơi run rẩy

Học đọc ước mơ trong mắt em

Học những tiếng tim như trật nhịp

Nhói lên lúc nghĩ tới tay buông

Vương Vũ

VƯƠNG khua chữ tỏa văn kỳ bí

VŨ trải thơ rung ý ngọt ngào

Phương Hoa

TÌNH CŨ

Chiều nay bỗng nhớ em – tình cũ
Ta tự dưng thèm một cơn say
Để nghe nhung nhớ tràn máu đỏ
Ta muốn ôm em trong ngất ngây
Quán vắng ngày xưa nhạc vẫn hay?
Tình ta ngày ấy chắc chưa đầy?
Chỉ có cơn say bung cảm xúc
Tìm em trong ảo ảnh của ngày

Chiều nay bỗng nhớ em – ngày cũ
Ta ước ngoài kia nhẹ mưa bay
Để ta bước chậm trên hè phố
Nhớ lại ngày xưa em trong tay
Con đường giờ chắc nhiều thay đổi?
Em giờ chắc ở trong tay ai?
Gió nhẹ mưa phùn ai hờ hững?
Tình sầu ta đếm rất nhiều ngày

Chiều nay bỗng nhớ em – ta nhủ
Một chiều hôm nọ giống chiều này
Bên hiên lớp học lần đầu gặp
Chỉ một tia nhìn đã đắm say
Em ơi có nhớ ngày xưa cũ?
Hôm nay em ở trong tay ai?
Ai đã quên đi lời hứa hẹn?
“Thôi!” ta ngừng nhớ mắt hơi cay
Vương Vũ

Giới Thiệu Ma

Ở một thành phố nhỏ
Tới thăm anh bạn vàng
Trong bệnh viện gần hoang
Chúng tôi dăm bảy đứa
Ăn uống nói vang vang
Nhưng chuyện gì cũng tàn
Gió đêm thổi nhẹ nhàng
Trong phút giây yên lặng
Nghe tiếng cú vọng sang
Tôi nghe hơi lành lạnh
Khẽ hỏi chuyện mùng màn
Thằng bạn thân cười lớn
Muốn phá cảm xúc lan
Giọng nửa đùa nửa thật
“Không những giường chiếu màn
Hôm nay tao chơi sang
Tặng mày luôn người đẹp
Nhưng nhớ đừng chạy làng”
Cả bọn cười ngặt nghẽo
Thằng bạn ráng đàng hoàng
Bảo rằng không nói dóc
“Chỗ ngủ cửa sổ gẫy
Ở bên cạnh nghĩa trang
Gần gần ngôi mộ mới
Của một em lỡ làng
Bị thằng sở khanh dụ
Duyên kiếp đầy bẽ bàng
Cô bị đời chèn ép
Treo cổ vào dây oan
Hồn tràn đầy ai oán
Đêm tìm người khóc than
Mày đừng cười nửa miệng
Tao nghe người truyền tiếng
Em thích thằng ngang ngang”

Dương Vũ

MA ĐÈ

Em tiến lại bên giường
Người run tôi dấu mặt
Thầm, “Van em bỏ qua
Những phút giây thăng hoa
Những lời hơi hơi quá
Và chắc chắn anh là
Người em không muốn kiếm
Đàn ông muôn ngàn triệu
Anh là kẻ chung tình
Nếu mình có duyên phận
Anh muôn kiếp trung trinh”

Chắc em đang nghi ngờ
Tôi thấy mặt lành lạnh
Như hơi thở người nào
Phà lên môi lên mắt
Mùi người và mùi đất
Mùi chết chóc ngậm ngùi

Tôi vùng người ngồi dậy
Miệng la hét vang trời
Cầu xin bạn cứu tội
Nhưng đó là ý muốn
Còn tôi vẫn vậy thôi
Nằm trên giường co quắp
Cả người như đông lại
Tiếng la ngừng trên môi

Tôi biết mình tỉnh thức
Tôi biết mình sợ run
Tôi biết mình bất lực
Tôi biết em trong tôi
Hơn là mình bị trói
Miệng bị bịt chặt rồi

Vẫy vùng trong vô vọng
Những tiếng la không lời
Giống như bị dìm sâu
Trong đất khi còn sống
Giống như treo lơ lửng
Trong phút cuối cuộc đời
Tôi hiểu em sợ hãi
Tôi hiểu em nỗi đau

Và em rồi tan biến
Mồ hôi vã cùng mình
Tôi khó nhọc cử động
Duỗi nhẹ khắp tay chân
Vài giọt nước mắt chảy
Hết sợ chỉ thấy đau.
Dương Vũ

Thằng bạn quả là vàng
Mùng mền chăn gối sẵn
Tôi nằm chờ ma sang
Những chiếc giường sát nhau
Tường vách vôi loang lổ
Trên tường cánh cửa sổ
Long chốt mở toang hoang
Ngoài kia là nghĩa trang
Ánh trăng sáng mơ màng
Gió thổi hiu hiu mát
Lay màn ngủ nhẹ nhàng
Mắt tôi lim dim khép
Liêu Trai tôi đợi nàng
Rồi bỗng như linh cảm
Gai nổi trên thịt da
Lạnh từ trong lạnh ra
Rùng mình trong nỗi sợ
Tôi ước em đi xa
Quên người hùng sợ ma
Thấy quan tài đổ lệ
Nhưng tất cả đã trễ
Qua chiếc màn lay động
Em trắng sáng lụa là
Tóc ngang lưng gió thổi
Tôi không rõ mặt nàng
Nó như không như có
Nó như có như không
Giống như một lỗ hổng
Dường như mắt không còn
Dường như em đã đẹp
Dường như lưỡi đỏ son
Dường như tôi mê man


Thân mến,
Dương Vũ

 
 
 
 

 

CÁM ƠN ĐỜI VÔ TẬN

Từng cơn bão
Từng cơn bão
Theo mùa đông đi tới
Từng giọt mưa
Từng giọt mưa
Theo gió lạnh trở về
Ngồi bên em
Ngắm mưa gió não nề
Nghe hơi lạnh thấm vào da vào thịt

Thở ra khói….
Nhưng lòng anh vẫn ấm
Ngồi bên em với mưa lạnh vây quanh

Những hạt mưa rơi tí tách rơi nhanh
Làm nhạc đệm cho lá xanh gió hát

Anh mơ viết
Bài thơ tình cảm động
Cám ơn người đã không bỏ rơi anh
Người con gái nắm tay anh rất chặt
Qua bao lần mưa bão quất vào đời

Trời mùa đông
mây đen xám…đầy trời
Nhưng ánh sáng
vẫn gợi ngày… còn đây
Những tia chớp
ngoằn ngoèo… soi cây cối
Kéo theo sau
những tiếng sấm… đì đùng
Em rung nhẹ
trong vòng tay… hạnh phúc
Và anh thấy
cám ơn đời…vô tận

Người con gái
Người con gái
Cầm tay anh rất chặt
Kệ gió mưa vùi dập thân em
Người con gái
người con gái
Luôn tin anh vững mạnh
Sẽ dìu em qua bão tố cuộc đời
Người con gái
người con gái
Biết rằng anh rất sợ
Rất cần em… anh luôn rất cần em
Và anh thấy
Cám ơn người vô tận
Trong cơn mưa anh dựa sát vào em

Vương Vũ

LIÊU TRAI TÌNH MA

 

Liêu trai mê quá thật tình ma
Hoa tiên gần mộng bướm xót xa
“Cùng một lứa bên trời uất hận”(1)
Thơ ngây nốt nhạc sóng mắt hoà…

MD.10/24/20
LuânTâm
Thân cảm tặng”GIỚI THIỆU MA”
& TG.VTS.Dương Vũ
(1) Xin mượn ý câu thơ :” Cùng một lứa bên trời lận đận”
trong TP.Tỳ Bà Hành ( TG. Bạch Cư Dị) trích theo Bản Dịch của Phan Huy Vịnh

Nhớ

Chiều xuống ngoài khung cửa
Mây xám đứng lưng trời
Gíó yên lòng bình lặng
Nhớ giây phút xa xôi

Trong con hẻm tuổi thơ
Thầng bé con chạy nhảy
Tưởng đời chì thế thôi
Gói trong đôi chân đất

Bầu trời dần rộng mở
Không gian in dấu giầy
Từng bước xa kỷ niệm
Tham vọng mắt môi đầy

Ngày qua rồi ngày qua
Tối tăm mặt mũi bận
Trăm mối chỉ một thân
Quên mất trời trong xanh

Cảm xúc xây từng ngày
Qua từng lần thành bại
Lúc say sưa ngây ngất
Lúc chất ngất đau thương

Dù mất còn thành bại
Tâm vẫn như ngựa chạy
Đua với thời gian bay
Lòng bất an…bất an

Có lúc ngồi nhớ lại
Thằng bé con năm xưa
Lòng bỗng nghe dìu dịu
Theo bước chân nghịch mưa
Dương Vũ

 

(TRỜI !) EM SẮP VỀ

 

Em gọi anh nhắc nhở
Dăm bữa sẽ trở về
Đêm nằm anh trăn trở
Tiếp đón em thế nào/ra sao
Chủ nhà hay chủ nợ?

Anh chán đời ở đợ
Trả nợ cho cuộc tình
Anh chán đời ở trọ
Trong chính nhà của anh

Đã bao lần anh tranh
Đấu với Cối Xay Gió
Đã bao lần thất bại
Chỉ vì trái tim ngu

Trái tim nó bảo rằng
Không gì hơn em được
Nó bảo anh có phước
Không biết hưởng còn than
Bà chủ nhà dịu dàng
Nâng nui anh khi ốm
Bà chủ nợ dễ thương
“***Khẩu xà mà tâm phật”
Vương Vũ
***Câu “Khẩu xà mà tâm phật” tôi nghe nói nên nhập tâm viết vào đây, chứ không biết nó có đúng không***

TÌNH ANH TRONG MÙA HẠ

Thu chưa tới nhưng anh mong thu tới
Nắng hạ làm héo úa mắt môi em

 

0000

Em có thấy mùa thu đang trở lại
Trên cây phong lá đã ngã sắc vàng
Từng ngọn gió dịu dàng xua mùa hạ
Và trên không mây từng cụm lang thang

Em có nghe giữa giao mùa thu hạ
Tiếng thì thầm tha thiết của tim anh
Nhờ chiếc lá nhẹ rơi trên cánh áo/áo cánh
Nhờ gió thu nhè nhẹ đến tai em
Nhờ mây cao xếp ảnh những trái tim
Tất cả để em quên đi mùa hạ

Em có cảm thấy lòng hơi rung động
Với tình yêu anh trộn lẫn vào thu
Với lá vàng bay chở mộng chu du
Với gió đến đùa tóc em rối cả
Với mây trắng đang ngắm nhìn thiên hạ
Em có thấy tình anh…trong mùa hạ?

Vương Vũ

EM ĐI VẮNG

Khách từ phương xa tới
Muốn cùng em rong chơi
…..
Đưa em ra bến xe
Anh trở về một mình
Con đường quen bỗng lạ
Chiếc ghế bên lạnh lùng

Hôm nay em đi vắng
Anh về nhà một mình
Trời không mưa không nắng
Chỉ trống trải lặng thinh

Tính gọi cho bớt nhớ
Lại sợ em lo âu
Ngón tay ngập ngừng nhấn
Chẳng biết đâu vào đâu

Cơm canh em nấu sẵn
Toàn những món anh khen
Vừa ăn vừa lơ đãng
“….không biết em có quen….”

Tối nay đêm đầu tiên
Hai đứa mình ngủ riêng
Em giữ gìn sức khỏe
Đừng lo anh…sẽ…queeen

Anh sẽ mơ về em
Trong giấc ngủ chông chênh
Chúc em nhiều mộng đẹp
Về kể lại cho anh
Cũng chẳng cần nhớ hết
Chỉ cần nói huyên thuyên
Trong khi anh ngắm nhìn
Cô nàng đẹp như tiên
….
Cho thật…thật đã ghiền!

Vương Vũ

VỢ ĐI VẮNG

Hôm nay em đi vắng
Thức giấc nhà yên lặng
Không gian thật êm đềm
Anh không thể ngủ thêm

Chăn gối anh để đó
Chiếc drap giường nhăn nheo
Sẽ chẳng có ai nói
Chẳng có ai kỳ kèo

Ngoài kia chổng chén điã
Còn ngâm trong nước ao
Con kiến bò thong thả
Chẳng có gì xôn xao

Anh đi ra đi vào
Tự do và tự tại
Thời gian như chậm lại
Trong căn nhà của anh

Anh giờ là chính anh
Mọi thứ đều tươi tốt
Trừ trái tim ngu dốt
Nó bỏ hết theo em

Vương Vũ

NHÀ VĂN!

VÀO ĐỀ

Ông Thủ Đề đọc cuốn sách lần cuối, vẫn chưa quyết định sẽ thêm một câu trước khi mang cất nó đi, tất cả những chi tiết trong sách đều theo một quy tắc nhất định.  Đọc nửa chừng thấy hết cà phê, ông đứng dậy bước vào bếp pha một ly mới.  Đang lúi húi, có cảm giác lạ, ông liếc theo khóe mắt thì thấy dường như có một người trong phòng bước ra cửa.  Ông vẫn tiếp tục công việc của mình và chờ đợi.  Có hai lần tiếng cửa kêu và tiếp theo là tiếng gõ cửa.  Ông từ từ bước ra miệng lẩm bẩm, “lịch sự dữ”.

Chưa tới cửa thì ông đã thấy nó hé mở và một cái đầu đàn ông, bạc nhiều hơn đen thò vào, thấy ông đang bước tới, hắn mở rộng cánh cửa, bước vào rồi đóng nó lại, như sợ ông sẽ từ chối không tiếp.  Ông Thủ Đề đứng lại chờ đợi.  Người đàn ông trạc hơn sáu mươi, với đôi kính mắt và mái đầu nhiều tóc bạc nhìn ông với vẻ mặt phức tạp, sợ hãi, kính trọng, và cầu cạnh; anh ta hấp tấp nói,

“Thưa Ông…thưa Ngài…, thưa Ngài, chắc Ngài không biết tôi đâu…tôi xin lỗi… tôi xin lỗi đã đường đột tới…mà không xin phép…”

Anh ta thưa gởi lộn xộn có lẽ vì nhìn thấy tướng ông còn trẻ và mái tóc còn đen nhánh.  Rõ ràng anh ta muốn nhờ ông một chuyện gì rất quan trọng mà anh nghĩ ông sẽ không muốn giúp.  Ý nghĩ đó làm anh ta sợ hãi, nên dường như câu nói đã được chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn bị ngắt quãng.  Ông vẫn không nói gì, chỉ quan sát, “anh chàng này thấy rõ quen mà không biết đã gặp ở đâu.”  Anh ta ngưng một chút đè nén sự xúc động rồi nói tiếp, thuộc bài và mạch lạc hơn, 

“Thưa ngài chắc ngài chưa gặp mặt tôi, nhưng chắc chắn là ngài đã biết rõ tôi còn hơn tôi nữa.  Xin ngài cho tôi một cơ hội nói chuyện cùng ngài trong vài phút.”

Quá ngạc nhiên vì cách xưng hô cổ điển và tâng bốc quá mức của anh ta, ông hơi ngớ người ra một chút chưa biết trả lời ra sao thì anh ta tiếp,

“Vâng, tôi chỉ xin ngài vài phút thôi, sẽ không dám làm mất nhiều thì giờ của ngài vì tôi biết ngài còn có nhiều chuyện quan trọng phải làm.”

Căn nhà vẫn còn hơi bề bộn một chút dù nhờ có vợ ông thu dọn hàng ngày, nhưng anh ta dường như không để ý tới bất cứ một cái gì ngoài cái mục đích trong đầu; tuy nhiên phản ứng thiên nhiên trong người của anh ta không biến mất,

“Thưa ngài, bà nhà đâu ạ.”

Ông Thủ Đề biết chắc câu hỏi cho có, nó là câu nói đầu môi và sự cách biệt khi anh ta dùng từ nói về vợ ông chứng tỏ anh ta là một người khá thô lỗ…. chắc chắn có một cái gì đó rất quan trọng mà anh ta đang tìm kiếm nơi ông.  Quan sát cách anh ta vụng về tìm cách lấy lòng, ông  chỉ tay vào chiếc ghế sofa duy nhất, nhạt nhẽo lên tiếng hỏi,

“Anh cứ ngồi xuống đây, anh uống gì không, tôi đi lấy?”

Anh ta khép nép ngồi nửa người trên chiếc ghế, hai chân khép lại và lúng túng mở lời cảm ơn nhiều lần.  Thái độ của anh ta khi đẩy cánh cửa quyết định vào cho bằng được, và bây giờ khác nhau một trời một vực.  Ông nghĩ, có một vấn đề nếu không giải quyết được thì anh ta thà chết còn hơn, và ông có thể là người có thể giải quyết nó cho anh tạ.  Đó là lý do tại sao mà khi bước vào được căn phòng này anh ta trở nên khúm núm đến tội nghiệp.  Nhưng tại sao lại là ông?  Nhìn anh ta rất quen như tôi có thấy hay có nghĩ tới….có nghĩ tới….???  Ông nhớ rồi…anh ta giống như một hình ảnh chính ông đã tạo ra!

“Thưa ngài, tôi tên là Vương….”, trước khi anh ta tiếp, ông xua tay bảo ngưng.

Ông chợt nhớ ra một vấn đề, trước khi quên như mọi lần, “Tôi cần anh ta phải nín lặng cho tôi suy nghĩ.  Tại sao? Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy?  Tên anh ta giống như tên một nhân vật tôi tạo ra trong cuốn truyện”………  Ông Thủ Đề không tưởng tượng ra ngay được vì đó chỉ là một nhân vật phụ trong nhiều nhân vật phụ tạo ra để làm nền cho cuốn truyện.  Ông chỉ thuận tay, thuận ý tạo ra một hình ảnh cho phù hợp với khung cảnh, và tính tình cùng hoàn cảnh của anh điền vào chỗ trống cho hợp lý.  Càng nghĩ ông càng nhớ thêm chi tiết về cuốn truyện và về anh ta…

Cuốn truyện đã được hoàn tất, cách đây vài ngày ông Thủ Đề viết hoa chữ ‘HẾT’ ………vào cuốn sách, và nhét nó vào tủ, kế bên vài cuốn sách đã hoàn tất.  Nhưng chợt nhớ ra còn một chi tiết nhỏ có thể làm sáng tỏ câu chuyện, ông lại lấy nó ra, tẩy chữ ‘HẾT’, và dự định sẽ viết thêm vài câu chốt vào ngày mai. 

Ông lờ mờ đoán ra nhưng vẫn không tin cho lắm…không lẽ nào…ông đưa mắt nhìn Vương dò hỏi.  Như đoán được sự suy nghĩ của ông, Vương phá vỡ sự im lặng, hai bàn tay xoa chặt vào nhau, với giọng nhỏ nhẹ nhưng không dấu được sự kích động,

“Thưa ngài vâng, tôi là Vương, nhân vật phụ ngài tạo ra trong cuốn sách vừa rồi, tôi…..”

Ông Thủ Đề lại xua tay ngăn anh ta nói tiếp,

“Khoan đã, hãy nói cho tôi biết tại sao anh tới đây được?”

Vương có vẻ sợ hãi trước câu hỏi đó, có thể anh nghĩ việc anh ta tới gặp không xin phép là một việc làm ông rất khó chịu, và anh ta có thể bị đuổi ra khỏi đây ngay lập tức; giọng run lên và hai bàn tay càng vô thức xoay xoay chặt vào nhau,

“Dạ..dạ…vâng…vâng thưa ngài…thưa ngài…tôi…tôi cũng đâu dám… tìm tới…làm phiền ngài….nhưng…”

Anh ta ngập ngừng cẩn thận kiếm từng chữ thích hợp chỉ sợ làm ông phiền lòng.  Sốt ruột hơn, ông Thủ Đề ngắt lời, nhắc lại,

“Tại sao anh tới đây được?”

Ông Thủ Đề thực tình hơi mất kiên nhẫn, mới khởi đầu thì có đôi chút tò mò và thích thú, nhưng bản tính thích yên lặng và không muốn dây dưa vào những chuyện không đáng, nên ông muốn anh ta đi thẳng vào vấn đề, chứ lúc đó ông cũng rất rảnh.  Cảm thấy được sự bực bội đó, Vương hít một hơi dài rồi bắt đầu nói, khởi đầu giọng nói còn hơi run, nhưng từ từ đỡ hơn,

“Dạ…thưa ngài, tôi tới để xin ngài đổi vài chi tiết trong cuốn truyện ngài đương viết trước khi viết chữ ‘HẾT’…tôi cầu xin ngài chỉ đổi một chút thôi, nó sẽ không có ảnh hưởng tới câu chuyện ngài muốn kể, mà tôi cũng được hưởng chút ít sự ân huệ, ơn mưa móc, chỉ….”

Ông Thủ Đề xua tay.  “Chà, bây giờ vào điểm chính đây, để xem anh ta đưa ra lý do nào cho tôi thay đổi ý kiến.  Tôi cũng muốn biết tôi đã có sơ hở gì không khi xếp đặt những tình tiết dính líu đến anh ta.  Thêm nữa—tại sao anh chàng này tới đây được!”,

“Làm sao anh biết mà tới đây tìm tôi.”

Vương có vẻ như không muốn nói những chuyện ngoài đề, ngoài mục đích của anh ta, nhưng thấy ông nhấn giọng và mặt mày nghiêm trang, anh ta nói nhanh luôn một hơi cho xong,

“Thưa ngài, thật ra ngài đã ngầm cho chúng tôi biết tin tức để tìm ra mình, nếu không chẳng bao giờ ai có thể tìm tới được.  Tôi nghĩ tất cả những người tài giỏi và có….lòng tự trọng cao đều hành xử như vậy.”

“À có chuyện như thế sao? Tận thâm sâu chúng tôi muốn có người biết đến sao?  Mình sẽ xem lại sau.”  Ông Thủ Đề không bận tâm tới nó nữa, ông hỏi Vương,

“Anh tới gặp tôi vì muốn tôi giúp thay đổi số phận mình?”

Vương gật đầu lia lịa, há miệng định lên tiếng, nhưng ông Thủ Đề khoát tay,

“Anh nghĩ tôi có thể thay đổi nó?”

Vương ngạc nhiên trả lời,

“Thưa vâng, ngài là tác giả viết ra cuốn truyện đó thì tôi nghĩ ngài có quyền thay đổi chi tiết theo ý của mình.  Ngài chỉ cần viết thêm vài chữ như, “Anh chàng Vương cũng có của ăn của để, số sung sướng, hạnh phúc.” là được rồi.  Tôi biết thân phận mình không đáng để ngài quan tâm, nên sau đó ngài cũng không cần nhắc tới tôi nữa cũng được.”

Ông Thủ Đề hỏi,

“Tôi nhớ anh là một nhà văn nghèo trong truyện của tôi?”

Vương lại gật đầu lia lịa, hắn lại xoắn tay, rồi lắp bắp trở lại,

“Thưa ngài vâng…vâng…chính là tôi…chính…”

Ông Thủ Đề khoát tay,

“Truyện không đi vào chi tiết, nhưng anh là nhà văn thì hẳn anh có viết truyện?”

Lần đầu tiên Vương có vẻ hãnh diện, anh ta hơi lên giọng,

“Thưa ngài vâng, tôi có viết vài cuốn truyện và nhiều bài thơ….dạ cũng có được vài người khen…dạ…dạ…”

Ông Thủ Đề khoát tay,

“Anh có bao giờ viết một cuốn truyện cần tới lý luận, suy nghĩ không?”

Vương hăng hái,

“Thưa có chứ, tôi nghĩ ngay cả một truyện giải trí cũng phải hợp lý.  “Chúng ta, những nhà văn”, phải tôn trọng sự thông minh của độc giả.  Ngay cả một chi tiết hư cấu, thì nó cũng phải hợp lý, phải có chi tiết hỗ trợ.  Nếu không từ từ độc giả sẽ thấy những điều phi lý và cuốn truyện sẽ trở thành trò cười, và tác giả sẽ bị họ chê cười.  “Chúng ta, những nhà văn”, không muốn vậy!…”

Vương nhấn mạnh vào câu, “chúng ta, những nhà văn”.  Có cơ hội để tạo sự cân bằng giữa hai người, anh ta nắm chặt lấy nó và ngầm muốn cho ông Thủ Đề biết không có sự khác biệt giữa hai người trên khía cạnh nghề nghiệp.

Ông Thủ Đề khoát tay,

“Ý anh nói là tất cả mọi chi tiết trong truyện phải phù hợp, hỗ trợ lẫn nhau.  Những nhân vật chính và phụ phải kết hợp để tạo thành một câu chuyện có giá trị?  Còn không độc giả sẽ thấy và sẽ không còn tôn trọng tác giả nữa?”

Vương hấp tấp công nhận,

“Vâng thưa ngài….chính vậy…đún…g….”

Nói nửa chừng Vương ngưng lại, anh có cảm giác mình vừa bị lừa.  Anh ta hoảng hốt nhìn ông Thủ Đề đang thong thả cầm cuốn truyện lên và mở ra trang có chữ Vương.  Anh ta la lớn, hoảng loạn, van lơn,

“Thưa ngài….thưa ngài…ngài cho….”

Nhưng tất cả đã trễ, đây là cơ hội và lầm lỗi cuối cùng Vương làm.  Anh ta nghe tiếng mình càng lúc càng bé, ông Thủ Đề càng lúc càng to lớn vĩ đại, và tiếng ông nói như sấm động,

“Tôi cũng vậy, tôi không muốn viết một truyện phi lý, mọi chi tiết phải phù hợp.  Xin lỗi, tôi không thể thay đổi một điều gì.”

Ông nhìn Vương thu nhỏ thành hạt gạo tan biến vào trong chữ Vương trong truyện.  “Quái, không biết anh ta làm sao tìm ra mình?”, nhưng rồi rất mau chóng, ông Thủ Đề không bận tâm nữa, cầm bút lên, viết chữ HẾT vào cuốn truyện, ông không thấy hứng thú sửa một chi tiết nhỏ nào nữa.

                                                HẾT

                               NHÀ VĂN (2)

 

       Nhà văn nghèo, Vương, đang ngồi uống cà phê sáng và đang ráng rặn ra một truyện. Nhưng đầu óc đặc sệt chỉ có thể tưởng tượng ra mình sẽ nổi tiếng thế nào, sẽ trở nên giàu có thế nào, chứ không có thể nghĩ ra một câu ra hồn.  Đang tự sướng như vậy thì đột nhiên thấy người vã mồ hôi, đầu óc nhẹ tênh như muốn xỉu; rồi cả người không tự chủ được lắc lư như lên đồng.  Vương có cảm giác một chuyện quan trọng sắp xảy ra cho mình; tim đập bình bịch, anh ta hồi hộp, sợ hãi cũng như tràn đầy hy vọng….Vương nhắm mắt lại.

Đúng như giác quan thứ sáu báo cho biết, khi Vương mở mắt ra thấy mình đang đứng trước mặt ông Thủ Đề.  Ông ngồi trên chiếc ghế thường lệ, trên tay cầm cuốn sách mở ra trang có chữ Vương.  Với vẻ mặt đăm chiêu, ông giơ tay chỉ vào cái sofa duy nhất trong phòng đối diện cái tv, bảo,

“Anh ngồi xuống đi rồi chúng ta nói chuyện.”

Thay vì ngồi như được mời, Vương quỳ xuống, bò lại hôn chân ông Thủ Đề, nhưng ông rút chân lại, nghiêm giọng hơi mỉa mai….,

“Anh đứng lên đi, đừng làm trò khỉ nữa, không nhớ anh đã từng nói “chúng ta, những nhà văn” sao?”

Nghe thế Vương lồm cồm đứng ngay lên, ngực hơi ưỡn, chữa thẹn,

“Thưa ngài vâng, tuy nhiên có nhiều loại nhà văn, tôi, một nhà văn bé, chỉ muốn tỏ lòng ngưỡng mộ với một nhà văn vĩ đại thôi.”

Chẳng hiểu ông Thủ Đề đã nghe quá quen, hay việc ông muốn thì ông cứ làm chẳng màng lời khen chê hay sao mà ông không tỏ vẻ gì cả, chỉ nhắc lại,

“Anh ngồi xuống đi.”

Vương đang nhọc óc suy nghĩ xem có cách gì thuyết phục ông Thủ Đề viết thêm một câu, “Vương dù sao cũng có của ăn của đê” vào cuốn sách của ông; những vấn đề đó hiện trên mặt anh ta.  Ông Thủ Đề nhìn khuôn mặt nhăn nhó, khó khăn của anh ta mà phát chán, “tại sao bao tâm huyết để tạo ra một tuyệt phẩm như thế này mà Vương, hay những người giống anh ta lại coi không bằng một miếng ăn…”  Ông Thủ Đề trong lúc thất vọng quên rằng Vương và những người giống anh ta đã do ông tạo ra!

Vương tuân lời ngồi theo kiểu cũ, khép nép ngồi nửa ghế, chân khép lại và hai tay để trên đùi chờ đợi.  Khi thấy Vương đã khép nép ngồi nửa mông trên ghế rồi, ông Thủ Đề mới lên tiếng,

“Lý do tôi mời anh lên đây vì ngoài việc có một số ít người đồng cảm với anh, tôi còn muốn nói với anh, không phải từ chối là từ bỏ.  Anh đã có công tìm đường kiếm tôi kỳ vừa rồi, đó không phải là việc dễ dàng.  Tôi mời anh lên đây cũng để thưởng công cho sự cố gắng đó.  Dù tôi hãy còn thắc mắc tại sao anh…nhưng thôi…chẳng có gì quan trọng, chúng ta hãy vào vấn đề chính.”

Vương đang muốn kể lể dài dòng, khoe trương về việc mình đã tìm được cách lên gặp ông lần trước, nhưng thấy ông đoán ra và xua tay thì ngậm miệng lại.  Rồi khi nghe ông nói câu cuối thì tim lại đập thình thịch, lòng tràn đầy hy vọng.  Ông Thủ Đề không để ý tới khuôn mặt căng thẳng của Vương, tiếp tục,

“Chúng tôi dù không muốn áp đặt ý mình lên các nhân vật sau khi tạo ra họ, nhưng thật ra chúng tôi luôn tìm cách hỗ trợ bất cứ ai có nhiệt huyết, đam mê, và kiên nhẫn theo đuổi ước mơ của mình…”

Vương hiểu lờ mờ ý của ông Thủ Đề anh ta hấp tấp chen vào,

“Vâng…vâng, thưa ngài quả là thế, tôi đã từng có ước mơ và kiên nhẫn theo đuổi nó trong nhiều năm.  Tôi….”

Thực ra anh ta cố tình lấp liếm, Vương có ước mơ, đam mê thật, nhưng anh ta không có tính kiên nhẫn và nhiệt huyết, hay chỉ có trong một giới hạn ngắn ngủi.  Tuy nhiên ông Thủ Đề không định mời anh ta lên đây để nói, mà để nghe ông nói, nên ông xua tay lia lịa,

“Tôi biết hết, tôi biết những gì tôi muốn biết anh không cần phải nói.  Chúng tôi giúp đỡ họ bằng cách tạo cho họ những cơ hội để theo đuổi ước mơ của mình.  Chúng tôi xếp đặt những cơ hội thuận theo tình huống.  Như vậy để người nhận tin là những tình huống đặc biệt bất ngờ xảy ra làm thay đổi cuộc đời của họ đã xảy ra một cách tình cờ .  Và tôi đã theo phương pháp đó để giúp anh.  Thành thử nếu nói tôi đã quá khắt khe không thay đổi hay cho anh một cơ hội thì không đúng….”

Vương thất vọng quá mức, “thế là tiêu, cứ tưởng bở, mình đã có nhiều kinh nghiệm đau khổ với nhà văn vĩ đại này rồi sao còn vẫn bám víu hão huyền làm gì cho thêm ê chề…”, rồi duyệt nhanh qua những biến cố trong đời Vương lại càng bất mãn, “….thế lại còn bảo vẫn cho cơ hội, ối Giời ơi! chắc ngài muốn nói tới cơ hội cho mình được tự sát chắc.”  Vương nghĩ thế nhưng anh ta không nói ra.  Ông Thủ Đề nhìn ánh mắt xoay chuyển đoán ra phần lớn, nhưng vì không muốn xâm phạm quyền riêng tư, ông không đi quá xa; bỏ mặc Vương với những suy nghĩ hắc ám, ông nói tiếp,

“…tôi biết anh muốn trở thành văn sĩ khi còn bé, và theo đuổi nó trong một thời gian dài.  Dù tôi biết anh không gắng sức quá, nhưng giữ được ước mơ trong một thời gian cũng đáng được khuyến khích cho nên tôi đã kết nối anh với hội văn bút…”

Tới đây Vương không nhịn được nữa anh cắt ngang ông Thủ Đề,

“Thưa ngài, ý ngài muốn nói là tôi được chấp nhận vào hội văn bút là do ngài tạo cơ hội?”

Cái gật đầu của ông càng làm Vương thêm bất mãn, nhưng anh ta vẫn ráng giữ giọng nói của kẻ dưới,

“Thưa ngài, tôi cứ tưởng tôi được nhận vì anh của người bạn ở Sacto đã giúp đỡ…”

Ông Thủ Đề xua tay,

“Tôi biết cả, anh tình cờ được giới thiệu với anh bạn ở Sacto, rồi tình cờ trao đổi thơ từ, rồi tình cờ anh của anh ta để ý và giới thiệu anh với bà hội trưởng, và tình cờ đúng lúc bà hội trưởng muốn kết nạp hội viên mới….”

Ông hài lòng thấy sự thán phục trong cặp mắt của Vương rồi nói tiếp,

“…như tôi đã nói, với tất cả những nhân vật được tạo ra, những gì quan trọng xảy đến với họ, làm xoay chuyển đời sống của họ đều là do tình cờ…nhưng họ không biết là tất cả những tình cờ đó đều được xếp đặt một cách hợp lý từ trước.”

Nhìn thấy tia nhìn nghi ngờ lời nói của mình trong mắt Vương, ông Thủ Đề ngừng lại cho anh ta nói một ít,

“Thưa ngài nếu tôi muốn chống lại sự tình cờ có xếp đặt đó?”

Ông Thủ Đề mỉm cười thích thú khi thấy mình đoán đúng câu Vương muốn nói, ông giải thích,

“Ồ chắc anh thích một tình cờ khác?  Tôi có thể cho anh gặp và giúp đỡ hai chị nhà văn ở nam Cali, rồi họ sẽ giới thiệu anh với hội văn bút.  Thí dụ như họ lên Sacto chơi vào mùa hè, xe bị hư trước cửa nhà anh và anh ra giúp họ như đã giúp vài người trước đó.  Sau đó thư từ cám ơn qua lại rồi họ giới thiệu anh vào hội văn bút đúng lúc bà hội trưởng muốn có thêm hội viên mới???”

Vương nở nụ cười nhẹ,

“Thưa ngài, Sacto mùa hè nóng như chảy mỡ mà không có chỗ đi chơi, dưới miền nam Cali mát hơn nhiều và có nhiều hàng quán.  Hai chị ấy lên Sacto vào ngày nóng nực làm gì?”

“Ý anh nói chuyện đó không hợp lý?  Tôi đồng ý với câu anh nói, “Chúng ta những nhà văn viết truyện phải hợp lý mới được sự kính trọng của độc giả.” cho nên việc hai chị ấy lên Sacto vào mùa nóng cũng phải hợp lý.  Tôi không rành tâm lý phụ nữ…”

Ông Thủ Đề ráng xua đuổi những ý nghĩ tiêu cực về vợ trước khi nói tiếp,

“…nhưng tôi biết một khi anh có thể làm họ tin một điều gì thì họ sẽ đi tới tận cùng tìm kiếm nó.  Thí dụ như một ngày nào đó hai chị ấy đọc một tờ báo có quảng cáo rằng nắng Sacto rất khó chịu nhưng có thể làm máu trong người lưu thông mạnh hơn, cho nhiều vitamin D3, và làm cho làn da căng ra mịn màng hơn chẳng hạn.  Tôi tin họ rất thích có làm da căng ra mịn màng.  Sau đó họ tiếp tục đọc được những lời khen của người quen có uy tín.  Rồi họ nhận được lời mời từ một người bạn chung rất thân làm tiệc cưới chẳng hạn.  Một công hai ba chuyện, tôi bảo đảm họ sẽ đi, nếu không tôi sẽ tạo thêm vài cơ hội nữa.  Khi tới nơi người bạn cho họ mượn xe và chiếc xe bị xẹp bánh trước cửa nhà anh; chuyện đó quá dễ phải không?  Rồi sau đó…vẫn như tôi nói ở trên.”

Ông Thủ Đề nhìn khuôn mặt bị ép phải tin của Vương vì không tìm được kẽ hở trong lý luận của ông.  Muốn cho anh ta khỏi thắc mắc ông đưa một thí dụ khác,

“Hay anh muốn vào hội văn bút thông qua một trận thua tennis với một văn hữu rất lớn tuổi của hội?”

Dường như thí dụ này chạm mạnh vào tự ái Vương, anh ta cố dịu giọng giải thích,

“Thưa ngài, chắc ngài ít chơi thể thao.  Tennis là một môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo lẫn sức lực.  Dù có mạnh đến đâu mà không khéo vẫn thua người yếu hơn mình.  Nhưng giữa hai người giỏi gần như nhau, thì một người yếu không thể thắng người mạnh.  Thưa ngài, dù tôi không phải là một văn sĩ giỏi, nhưng tôi là một tay tennis khá trong lứa tuổi của mình; tôi nghĩ dù có bị bịnh tôi vẫn thắng được vị văn hữu ngài nhắc tới.”

Vì muốn Vương khẩu phục tâm phục, ông Thủ Đề không xua tay ngăn anh ta dài dòng.  Khi Vương ngưng, ông thong thả nói,

“À anh nghĩ dù bị bịnh anh cũng có thể thắng ông ta.  Hay….đó là một ý kiến rất hay.”

Nhìn thẳng vào Vương ông tiếp,

“Anh nghĩ thế nào về một trường hợp như thế này.  Vào một ngày mùa đông, anh được mời tham dự một giải giao hữu tennis trong đó có vị văn hữu nói trên.  Vì mê tennis anh nhận lời dù thấy đang bị cảm nhẹ?”

Vương nhẹ gật đầu đồng ý, ông Thủ Đề hỏi tiếp,

“Sau trận chung kết, ban tổ chức muốn cổ vũ phong trào sức khỏe nên mời anh chơi giao hữu với người lớn tuổi nhất.  Dù không muốn nhưng được chỉ đích danh anh nhận lời?”

Vương lại gật đầu tiếp.

“Dù chỉ là chơi cho vui, nhưng sự kích động của bạn bè hai bên thúc đẩy nó thành một màn ganh đua.  Anh muốn thắng, nhưng đối thủ của anh cũng không muốn thua, ít nhất là thua đậm.  Thay vì đánh 6 trận theo luật tennis, ban tổ chức chỉ định đánh một mà thôi, và đánh không add-in.  Khi bằng nhau, trái banh cuối cùng sẽ ấn định hơn thua.  Dưới sự đùa giỡn vui vẻ của mọi người, anh dự định sẽ thả đối thủ cho trận đấu có kịch tính và sẽ thắng vào trái banh cuối cùng?”

Vương, ngạc nhiên về sự hiểu biết về luật tennis của ông Thủ Đề, gật đầu đồng ý.

“Mọi chuyện xảy ra đúng như thế, nhưng khi đang đánh trái cuối cùng thì bỗng nhiên bịnh cảm bộc phát nặng do đang bị cảm mà vui chơi dưới trời lạnh quá lâu, anh đánh trái cuối vào lưới và thua.”

Thấy Vương còn đang do dự, ông Thủ Đề nhắc,

“Đời sống có rất nhiều điều bất ngờ như anh thường nói phải không?  Và tôi nghĩ trái banh cuối đó chỉ là một bất ngờ nhỏ trong nhiều bất ngờ lớn hơn đã từng xảy ra trong đời của anh, thế thì tại sao anh có vẻ khó khăn chấp nhận nó?  Ở tuổi anh chắc anh đã bị cảm cúm nhiều lần rồi?  Có vài lần khi bịnh cúm lên cơn, lạnh buốt từ trong ra, anh run cầm cập, không thể cầm nổi dù là ly nước nhỏ?”

Vương thấm ý, gật đầu lia lịa, miệng lắp bắp,

“Thưa ngài vâng…thưa ngài vâng…”

Ông Thủ Đề hài lòng kết luận,

“Trong trường hợp này cũng vậy, chỉ là bịnh cúm lên cơn đúng ngay lúc anh đánh trái bạnh quyết định.  Nhưng vị văn hữu nói trên rất vui vì thắng trận giao hữu, ông ta làm quen và sau này biết anh cũng có làm thơ viết văn nên giới thiệu anh vào hội văn bút, đúng lúc bà hội trưởng muốn kết nạp hội viên mới.  Thế là cuối cùng anh cũng được nhận vào hội theo một cách khác.  Thế anh còn muốn vào hội qua một cách khác nữa không?”

Vương lắc đầu chán nản nghĩ, “chơi kiểu nào ông ta cũng thắng thì chơi thêm nữa làm gì.  Hơn nữa một khi ông ta tin rằng mình cần được giúp đỡ thì ông ta nhất định sẽ giúp tới cùng…thật ra nó cũng chẳng khác gì câu ông ta nói về những người đàn bà.  Mà mỗi cơ hội mới mà ông ta tạo ra lại còn tệ hơn cái cơ hội đầu tiên.  Đằng nào cũng phải nhận thì nhận ngay lần đầu tiên cho xong.”, nghĩ thế Vương hạ giọng nói,

“Thưa ngài không cần ạ.”

Ông Thủ Đề hài lòng vì cuối cùng Vương cũng hiểu được vấn đề, ông kết luận,

“Cũng giống như vậy, tất cả những tình cờ mà anh gặp trong đời đều là những tình cờ có xếp đặt vì một lý do nào đó.  Và tất cả những xếp đặt đó phải hợp lý dù các nhân vật trong truyện của tôi nghĩ nó rất phi lý trước khi biến cố xảy ra.  Nhưng chúng tôi luôn luôn muốn giúp đỡ những ai có mơ ước và có kiên nhẫn theo đuổi nó bằng cách tạo ra nhiều cơ hội theo một cách tình cờ mà họ có thể hiểu được.”

Nói xong ông đứng dậy ra mở cửa bảo Vương,

“Bây giờ anh có thể về rồi.  Ra khỏi cửa, quẹo phải đi một đỗi sẽ về tới nhà.”

Vương thất thểu bước theo lời chỉ dẫn.  Dù biết trước cơ hội ông Thủ Đề thêm một câu, “Vương có của ăn của để.” là rất ít, nhưng khi biết chắc chắn như vậy anh ta vẫn thấy hụt hẫng.  Những lời khuyến khích của ông về những việc quan trọng hơn không làm Vương lên tinh thần.  Anh ta đi thất thểu không để ý cảnh vật xung quanh đẹp như trên thiên đường.  Đi như vậy chừng vài phút thì thình lình con đường bị sương mù che phủ.  Quá bất ngờ, Vương đi chậm lại dò đường, nhưng mới bước được thêm một bước anh ta rơi vào khoảng không vô tận.

Vương la một tiếng lớn, chân tay vùng vẫy thì mới biết mình vừa tỉnh cơn mơ.  Trên bàn ly cà phê bị tay đụng đổ lan ướt cuốn sổ mới mua, anh ta chua chát, “chắc đây cũng là một tình cờ được sắp xếp để giúp mình đây.”

Tối hôm đó Vương ngủ một giấc chập chờn cố quên đi tất cả.  Cũng may sáng hôm sau khi xem kết quả xổ số, anh ta trúng $11, có còn hơn không; đã lâu Vương không trúng một đồng nào.  Với tinh thần thoải mái, sau khi uống cà phê, Vương đi bộ ra tiệm 99 Cents gần nhà mua cuốn sổ khác để viết truyện; anh ta thích viết lên sách hơn là dùng máy tính.

Đứng chờ trước quầy trả tiền, Vương lượm một tờ báo lá cải ai đó bỏ trên quầy cất vào cái giá treo trên vách, và bật cười với những chữ in lớn để câu khách trên tờ báo, “AI CŨNG LÀM LỖI LẦM, NHƯNG CHỈ CÓ THƯỢNG ĐẾ MỚI ĐỀN BÙ GẤP CHỤC LẦN SỰ MẤT MÁT.”  Tất cả những tờ báo lá cải đều như vậy, in những tựa đề hấp dẫn, hoặc ngu ngơ bằng những chữ lớn để câu khách.

Vương đưa $2 để trả $1.08 cho cuốn sổ mới.  Anh ta bỏ túi một đống bạc cắt thối lại trong túi.  Trên đường đi bộ về những đồng cắt đụng vào nhau va vào đùi làm anh ta có cảm giác lạ, đã rất lâu rồi, Vương mới chạm tay vào những đồng xu.  Anh ta đưa tay vào túi sờ chúng và chợt nhớ tới cái tựa đề trên tờ báo lá cải và tờ vé số $11.  Thình lình Vương chợt hiểu ra; anh ta không biết nên cười hay mếu.

 

                                                HẾT

QUÊN ĐI

Truyện này dựa trên một chuyện có thật đăng trên báo xảy ra hơn 30 năm trước, tôi không nhớ tên thật của nhân vật chính.  Ông John một ngày bước ra khỏi cửa và không bao giờ trở lại.  Cảnh sát thấy ông ở cách đó cả ngàn dậm, mặc đồ ngủ, trên người không có giấy tờ và ông không nhớ được bất cứ điều gì. Mười mấy năm sau bà vợ xem tv và tình cờ thấy ông đi trong dòng người ở NY, bà nhờ cảnh sát giúp liên hệ lại với ông.

VÀO TRUYỆN

Người cảnh sát nói,

“Thưa ông John, nếu ông có thể nhớ được một điều gì thì làm ơn cho chúng tôi biết ngay.  Những tin tức bà Kay kể và hình ảnh bà ta đưa chúng tôi xem rất đáng tin cậy.”

John nói câu vâng ngắn gọn rồi cúp điện thoại, đầu óc nặng trĩu ưu tư, ông không để ý đến thái độ bất lịch sự của mình với viên cảnh sát đã tỏ lòng cảm thông với hoàn cảnh khó xử của mình. 

Dù có cố gắng đến đâu John cũng biết sẽ không thể nhớ lại điều gì, ông đã cố gắng mười mấy năm rồi, mọi thứ dường như phát sinh ở thời điểm đó…đời sống của ông phát sinh ở thời điểm đó, dù ông biết không ai có thể khởi đầu sự hiện hữu của mình vào năm hơn bốn mươi tuổi.

John nhớ rất rõ, trong cái sở cảnh sát nhỏ tất bật người qua lại và đầy tiếng người.  Ông ngồi trên cái ghế dựa gần cửa kiếng, xoay lưng vào trong.  Viên cảnh sát dường như quá quen thuộc với những trường hợp mất tích, không có một biểu cảm khác lạ trên khuôn mặt, anh ta hỏi John cả chục lần,

“Có phải ông không nhớ gì hết?”

John nhớ sự mệt mỏi, xấu hổ, cơn đau đầu và nỗi sợ hãi về tương lai, về quá khứ, và về chính mình.  Hôm đó ông ôm đầu nhìn vào khoảng tối đen trong óc ráng tìm ra bất cứ một hình ảnh nào gợi cho ông biết mình đã là ai…tất cả chỉ là sự thất vọng cho mãi tới bây giờ.

Họ cho ông vào ở tạm trong ngôi nhà dành cho những kẻ vô gia cư, và đưa ông đi khám bệnh tâm thần.  Mọi thứ qua đi rất mau, không ai biết thêm một tin tức gì.  Sở cảnh sát cho ông chọn tên mới, số an sinh mới và giới thiệu ông qua sở xã hội để tìm việc làm sinh sống.  Hơn nửa năm, ông mướn được một phòng riêng gần chỗ làm.  Vài năm sau nữa ông lập gia đình với bà Sue.

Cách đây vài ngày, sở cảnh sát liên lạc nói có bà thấy ông trên tv, quả quyết ông là chồng cũ của bà và nhờ cảnh sát cho liên hệ.  John nghe xong thấy bần thần, không như ông nghĩ cách đây nhiều năm là sẽ rất tuyệt vời nếu ông có thể biết mình là ai.  Bây giờ ông thấy lo sợ nhiều hơn vui mừng…ông sẽ phải giải quyết chuyện này ra sao.

Được vài năm đời sống đã vào nề nếp, dù bà Sue và ông không yêu nhau nồng nhiệt, đậm đà nhưng gia đình vẫn êm ấm, so với sự cô đơn và thất thường làm ông sợ hãi nhiều năm trước thì tốt hơn nhiều.  Bây giờ nhận lời gặp mặt bà Kay thì sẽ được gì ngoài việc thỏa mãn hiếu kỳ.  Ngày xưa, với ông sự hiểu biết đó có thể còn mang lại no ấm và bình an, nhưng bây giờ thì chưa chắc.  Biết đâu ngày xưa ông đã có một đời sóng gió đến mức tổn hại trí óc đến nỗi mất trí đi hoang.  Nhưng cũng biết đâu, đó là đời sống rất tốt đẹp, với người vợ chung thủy, bằng chứng là bà Kay sau mười mấy năm vẫn còn nhận ra ông dù chỉ xuất hiện có vài giây giữa đám đông.  Nghĩ tới đó ông cảm động không cầm được nước mắt.  Nhưng nếu người yêu thương ông như vậy bây giờ có gia đình êm ấm thì sao?  Sự xuất hiện của ông sẽ phá vỡ sự bình yên của họ cũng như sự bình yên của gia đình mình.  Càng nghĩ John càng chìm sâu vào trầm cảm, ông dấu không cho bà Sue biết, và cũng chưa trả lời cho sở cảnh sát biết khi nào sẽ liên lạc với bà Kay.

Để khuây khỏa, John đi tìm những chỗ vắng vẻ thư giãn vào cuối tuần.  Ông lơ đãng để chiếc xe đưa mình ra ngoại ô tới một ngọn đồi cao, đưa ông lên gần với trời xanh mây trắng và trải rộng không gian tới vô tận.  Nghỉ chân gần đỉnh đồi nhìn xuống thấy những ngôi nhà nhỏ bé, chiếc xe tí hon và ông liên tưởng tới những người ở trong đó.  Họ sống ra sao?  Họ có những đau khổ như ông không?  Ông không có những câu hỏi đó khi ông gần gũi họ trong đời sống hàng ngày.  Mỗi người đều quá bận rộn với đời sống riêng tư của mình; không ai dư hơi đi sâu vào chuyện người khác.  Ngay cả lúc rảnh rỗi, người ta cũng dùng nó cho riêng mình.  Hôm nay là lần đầu tiên ông thắc mắc về đời sống của họ, và rồi ông tự hỏi không biết có ai đã từng tò mò về đời sống của ông chưa.  Từ trên cao nhìn xuống, trời đất rộng bao la, những thứ ông thấy to lớn như con người, cái xe, cái nhà, bây giờ nhỏ bé như miếng đậu hũ, cái hộp.  Chúng nhỏ bé, dễ thương hơn cả những đồ chơi bày bán ngoài chợ.  Và ông biết những thứ đồ chơi đó chứa đựng những mảnh đời phức tạp.  Tất cả tạo nên sự liên tưởng tới sự liên hệ của ông và tất cả mọi thứ xung quanh, và cuối cùng nó dẫn ông trở lại nỗi buồn của mình.  Bực bội ông không nhìn nữa, để chiếc xe ở đó, ông đi bộ theo con đường nhỏ dắt lên đỉnh đồi.

Con đường nhỏ quanh co, nhiều cỏ dại đủ loại cao thấp mọc đầy hai bên chen lẫn vài cây to đây đó.  Ngọn đồi vắng lặng, ít chim muông hay người đi lại, ngay cả những bông hoa cũng không có nhiều bướm ong đến viếng.  Cảnh vật tĩnh mịch hoang vắng tới mức John có ý nghĩ kỳ lạ về sự hiện diện của chính mình; ông không biết ông thực sự là gì, có chắc chắn hay chỉ là một hư ảo nào đó.  Qua một khúc quanh cảnh vật tự nhiên thay đổi, thay vì những đám cỏ cây thì dọc hai bên đường có trồng nhiều trúc nhỏ, thân đen bóng.  Những chiếc lá xào xạc rung theo gió trộn lẫn vào đó vài tiếng khánh nhẹ ngân dài làm ông tò mò, bước lẹ thêm.  Qua khúc quanh của bụi trúc khác, ông thấy trước mặt là một ngôi chùa nhỏ có sân khá rộng bao quanh, cái cổng rộng bằng chắn song sắt đang mở.  Đang tần ngần không biết có nên vào hay không thì John chú ý tới một đoàn người đang đi tới bên hông chùa.

Họ xếp hàng cao thấp không theo thứ tự, cách nhau chừng một thước, đi trong im lặng, nhẹ nhàng và chậm rãi.  Mắt họ nhìn thẳng vào người đi phía trước.  Dù hơi ngờ ngợ nhưng khi thấy rõ những người da trắng cao lớn trong hàng, ông vẫn không tránh được bật lên tiếng ồ nhẹ.  Một vài người đưa mắt liếc nhìn, và người da trắng hơi mỉm cười với ông rồi họ trở lại bước thiền hành. 

John thấy hơi ngại định bỏ đi, nhưng những gì chưa từng thấy níu chân ông lại.  Sau thêm hai vòng tuần hành giống nhau mà chẳng ai chú ý đến mình, John đã định bỏ đi thì tiếng khánh liên tục nổi lên và đoàn người tan hàng bước vào chánh điện.  Vị sư đi đầu mặc áo vàng ngồi trước bức tượng phật bỏ chiếc khánh xuống kế bên, và mọi người hình như quen với việc có du khách tới quan sát nên chẳng ai tỏ vẻ ngạc nhiên.  Vài người quay đầu nhìn John rồi theo đám đông vào chỗ ngồi đối diện với vị sư.  John chưa quyết định làm gì thì thấy một người da trắng bước ra chỗ ông đứng.  Ông ta trẻ hơn John, xưng tên Steve, Steve nói ngắn gọn là vị sư sắp giảng bài kinh về luân hồi bằng tiếng Việt và Anh.  Vị sư nhờ Steve gởi lời mời John vào nghe bài giảng  John gật đầu trước sự thân thiện của Steve và vì đề tài hấp dẫn.  John theo vào ngồi kế bên Steve ở gần cửa ra vào; vị sự hơi cúi đầu, mỉm cười với ông.

Một người đưa nước và người khác đưa ông cái micro; vị sư bắt đầu với lời chào John, giọng ông ta nói tiếng Anh rõ ràng với ít accent, John cảm thấy thoải mái hơn và quyết định ở lại nghe tới lúc cuối.

 

Bài giảng nói về luân hồi về sự tái sinh và những điều John chỉ nghe sơ qua lúc trước mà chẳng bao giờ để ý tới.  Vị sư cũng đề cập tới những nguyên nhân gây ra sự đau khổ và phương pháp dập tắt sự đau khổ.  John nghĩ về những dằn vặt mình cả tuần nay và tự hỏi không biết vị sư có câu trả lời hay không.

Qua một đêm trằn trọc hôm sau John quyết định quay trở lại.  Ông lái xe tới tận chùa thay vì đậu chỗ du khách ở lưng chừng đồi.  Tim đập hồi hộp, ông cương quyết bước qua cổng chùa

và lại ngập ngừng khi thấy vị sư đang quét lá trước sân.  Vị sư không tỏ vẻ ngạc nhiên, ông ta lên tiếng,

“Chào ông John, chúng ta lại gặp nhau nữa rồi.  Ông vẫn mạnh?”

John cố dấu sự ngạc nhiên, đáp lời ông ta, và xin lỗi không biết có làm phiền ông không.  Vị sự mỉm cười,

“Không đâu.  Đây là công việc lúc nào làm cũng được.  Thực ra nó là phương pháp để tôi thực hành thiền.  Mời ông vào chơi.”

John bước theo ông vào gian nhà nhỏ kế bên chính điện.  Vị sư pha một bình trà nhỏ, họ ngồi đối diện nhau.  Giọng vị sư bình thản như họ đã quen nhau từ lâu,

“Hôm qua Steve có nói cho tôi tên ông nên tôi biết,,,,,,,.  Steve đã học tập chung với chúng tôi được hơn 2 năm rồi, ông ta ở cách đây hơn một giờ xe.”

John cảm thấy thoải mái với thái độ của vị sư, ông vào đề luôn,

“Cám ơn ông về bài giảng ngày hôm qua.  Có vài điều tôi chưa từng được nghe, và hồi tối tôi trằn trọc suy nghĩ về chúng.”

Vị sư gật đầu tỏ vẻ hiểu biết,

“Tôi cũng phải mất nhiều năm để tìm hiểu và vẫn còn nhiều điều chưa hoàn toàn thấu đáo.  Tuy nhiên cái khó hơn rất nhiều là việc thực hành những điều mình học hỏi.”

 

Ông ta ngưng lại, dường cảm thấy John đang ngập ngừng muốn nói điều gì.  Cuối cùng John mở miệng hỏi,

“Tôi nghĩ có thể hơi bất nhã khi hỏi ông câu này trong lần đầu nói chuyện, nhưng….”

 

Nhà sư khuyến khích,

“Không sao ông cứ hỏi, tôi đã quen với những câu hỏi khó, nếu tôi không biết thì đó cũng là cơ hội cho tôi học hỏi.”

 

John nhìn ông ta với vẻ cám ơn, rồi tiếp,

“…hôm qua ông có nói về luân hồi về sự tái sinh của con người.  Tôi thật sự muốn biết ông có tin vào nó hay không?”

Nhà sự mỉm cười gật đầu chờ John nói tiếp,

“Điều gì làm ông tin rằng có sự tái sinh?  Làm sao ông biết được một người hiện nay tới từ kiếp trước?  Có gì chứng minh được điều đó?”

 

Nhà sư lại cười, lần này nụ cười ông có vẻ tán thưởng những câu hỏi của ông John,

“Câu hỏi rất hay, chưa ai từng hỏi tôi những câu như thế, và tôi cũng chưa từng hỏi chính mình những câu như vậy.”

Ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ, trầm ngâm trong giây lát, rồi chậm rãi trả lời,

“Tôi được sinh ra ở đây và vào chùa tu từ năm lên 28 tuổi.  Từ đó đến nay, tôi học hành, nghiên cứu và khảo nghiệm về nhiều vấn đề nhưng chưa từng tự hỏi có gì chứng minh rằng tái sinh có thật.  Tôi được đọc và nghe rất nhiều lần về chuyện kiếp trước, kiếp sau.  Có chuyện tôi tin, có chuyện tôi nghi ngờ đặt câu hỏi, nhưng về thuyết luân hồi, tái sinh chưa bao giờ thắc mắc.  Từ trước tới giờ tôi nghĩ nó chắc chắn là như vậy.  Tôi nghĩ có thể vì đạo phật xem đó là điều hiển nhiên, giản dị không cần phải chứng minh.”

 

Nhà sư nhìn vào đôi mắt nghi ngờ của John rồi tiếp,

“Tôi không nhớ đọc trong bất cứ kinh sách nào chứng minh một cách có khoa học rằng con người chết đi sẽ đầu thai cho tới khi họ giác ngộ.  Và hầu hết những chuyện tôi nghe đều không có bằng chứng cụ thể.  Có vài bằng chứng đưa ra, nhưng tôi nghĩ khó đứng vững với lý luận và khảo nghiệm của khoa học.  Người kể chuyện dựa trên kinh nghiệm, cảm xúc và trí nhớ của mình; hầu hết họ không nói dối, nhưng chuyện của họ dựa vào cảm xúc nhiều hơn vào lý luận nên rất khó mà nói rằng những chuyện đó minh chứng cho thuyết luân hồi và tái sinh là có thật.”

Ông ta ngưng lại nhấp ngụm trà và chờ.  John cảm thấy vừa hài lòng vừa thất vọng, ông chưa biết nói gì nên dục nhà sư nói tiếp.  Nhà sư gật đầu tiếp tục,

“Tuy nhiên chúng tôi tin vào đó để học những vấn đề mà con người quan tâm nhất, về cái khổ và phương pháp cắt đứt nguồn gốc của sự khổ đau để rồi thoát luân hồi…”

John ngắt lời ông ta,

“Xin lỗi cho tôi hỏi, nếu ông không thực nghiệm được những điều đó…, nếu ông không tìm được trong kinh sách hay bất cứ ở đâu những bằng chứng đáng tin cậy về tái sinh thì tại sao ông lại dùng nó làm căn bản để học tiếp lên trên, để cắt đứt khổ đau? ……. Rồi còn nữa “Như vậy ông có biết tại sao khi người ta tái sinh họ lại không nhớ gì về kiếp trước không?  Nếu một người không nhớ gì về kiếp trước thì tại sao họ lại biết mình ”………

 

Nhà sư không có vẻ phật lòng về câu hỏi thẳng thắn đó, ông ta giải thích,

“Tôi xin lấy thí dụ, như khi chúng ta còn bé mới học toán cộng và áp dụng nó vào việc đếm những vật dụng chung quanh và thấy nó luôn luôn đúng; từ đó ta thấy kính phục và tin tưởng vào người thầy dậy mình.  Khi thầy bảo khi chúng ta lớn lên, chúng ta sẽ học được  phép tính nhân, chia, toán số,…, chúng sẽ hữu dụng gấp nhiều lần bài toán cộng này; thì dù chưa thấy, chưa được biết về toán nhân, chia,…, chúng ta vẫn tin như thường.  Bởi vì người thầy dậy chúng ta về toán cộng đã hoàn toàn đúng và nó rất hữu dụng.  Trong trường hợp của tôi, tôi còn biết được vị thầy đó rất đáng kính bởi vì những người đệ tử tin và thực hành pháp của ông cũng rất đáng kính.  Từ đó tôi thấy an tâm và quyết định từ bỏ đời sống thường trực bất an.

Vì vậy dù không biết và chưa từng được chứng kiến, tôi vẫn tin vào luân hồi bởi vì đức Phật đã dậy như vậy.”

 

Ông John tần ngần một lát rổi lên tiếng,

“Như vậy ông có nghĩ mình nên tìm hiểu kiếp trước mình là ai, từ đâu đến,,,,,?”

Nhà sư nhìn vào mắt ông John trong một lát rồi từ từ lắc đầu,

“Tôi không biết, nhưng theo thuyết nhân quả của đạo phật, tất cả đều có lý do.  Nếu khi tái sinh mình được xếp đặt làm mới mọi chuyện từ đầu, quên hết mọi thứ trong quá khứ, tôi đồng ý với nó.  Tôi tin tưởng đó là sự xếp đặt tốt đẹp.”

 

                                    HẾT

 

Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm

 Em Đi Vắng

Thơ Vũ Dương( Vương Vũ)

Nhạc Nguyễn Thông

 

 
 

 

– Cung Thị Lan created on June 30,2020/updated July 22,2020

– Last updated by Em Bien Hoa BL – May 26, 2021

June 29, 2020