Tùy Bút SÂN GA VÀ NHỮNG CON TÀU – Đăng Nguyên

Tùy Bút

 SÂN GA VÀ NHỮNG CON TÀU

Tiếng còi tàu làm tôi thức giấc lúc nửa đêm.Ở cái xứ Mỹ lạnh lùng này nhiều đêm thật  khó ngủ. Căn nhà mới ở Round Rock City TX gần con đường xe lửa. Đêm đêm có tiếng còi tàu, có nhịp đều tiếng xe qua đường rầy ,gợi nhớ những chuyến tàu đêm Việt Nam.Gợi nhớ một Nam Giao thời còn đi học.Tiếng còi của chuyến xe lửa gần sáng là đồng hồ báo thức dậy học bài thi.Chiều chiều đi ngang qua ga Huế, dừng lại bên cánh cổng sắt chắn ngang đường Nam Giao, đám đông vẩy vẩy tay chào những người khách trên tàu vào nam hay ra bắc. Như  thơ Tế Hanh:

          “ Những chiều nghỉ học tôi hay tới

          Đón chuyến tàu đi đến những ga…”

Con đường xe lửa Bắc – Nam dài trên ngàn dặm, như xương sống Mẹ Việt Nam.Có những sân ga đưa đón khách lữ hành, từng chứng kiến bao cuộc chia ly tan hợp.Có khi rất não lòng.Ga Huế là một trong những nhà ga đẹp, kiến trúc thời Pháp thuộc.Bên ngoài sân ga là những hàng quán bán thức ăn, đặc biệt là chè. Chè ga Huế nổi tiếng ngon một thời. Nhắc đến món ăn Huế không thể thiếu chè ga Huế.Hồi đó, bọn tôi, một nhóm yêu văn nghệ gồm có Lam Kiều, Hoàng Hoa Ngự ( chết trận Quảng Trị), Xuân Thy ( chết trận Tết Mậu Thân), Nguyễn Phúc Sông Hương, Hồng Vỹ, Phi Khánh…thường tụ tập ở quán chè ga Huế của mẹ em Quýt, để họp bàn chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Huế. Cứ hai tuần một lần, chia nhau chương trình với nhóm Bông Trang của chị Hoàng Hương Trang, nhờ có thầy Ngô Ganh hướng dẫn. Tiền kiếm được chỉ đủ cả nhóm ăn chè ga Huế hoặc kem Anh Đào ở đường Phan Bội Châu.

Tôi lên đường vào nam nhập ngũ cũng trên một chuyến tàu suốt Huế – Sài Gòn. Mà ga Huế đã chứng kiến cảnh chia ly của người thân và bằng hữu.Tiếng còi tàu qua những sân ga, tiếng bánh xe rên xiết trên đường sắt như tiếng nức nghẹn ngào của kẻ ở, người đi. Buồn vô tận.Mỗi lần nghe cái giọng buồn liêu trai, ma túy của Thanh Thúy, réo rắc trong đêm, nơi quân trường hay ngoài chiến trận:“ Trời đêm dần tàn. Tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn….Tàu cũ năm xưa đưa người tình biên khu về chưa…..Trắng đêm tôi chợt nghe …gió lạnh đâu tìm về….”, thì hồn tôi như ở đâu đó… sân ga Huế hay sân ga Sài Gòn, sân ga Truồi, hay sân ga Đà Nẳng…Người tôi yêu ở đâu đó…sân ga Huế hay sân ga Sài Gòn..Mịt mù mây khói. Mịt mù sương đêm đọng trên những đôi mắt sầu.

Thế rồi trong những ngày gian nan khổ ải của đời tù cải tạo, có những chuyến tàu, có những sân ga mà tôi không thể nào quên.Sau một năm đấu tố, tảy nảo ở trại tù Long Giao.Tình hình thay đổi.Bọn cai tù từ Phú Quốc về thay thế bọn quản giáo cũ.Rất ác.Một cuộc thanh lọc diễn ra.Một số anh em  được chuyển trại. Số chúng tôi còn lại bị qui tội” ác ôn đầu sỏ”, bị đối xử rất tàn nhẫn.Một đêm tăm tối tháng bảy mưa buồn.Bọn chúng lùa chúng tôi lên xe bít bùng. Mỗi xe có hai tên cầm súng AK lên đạn sẳn, chực chờ nhả đạn.Đoàn xe chạy trong đêm tối mịt mùng.Đến khi dừng lại, cho xuống xe. Nhìn thấy cảnh trước mặt là Tân Cảng trên sông Đồng Nai.Chiếc tàu mang tên Sông Hương đã chờ ở đó,(Tôi người Huế, lại bị đi đầy biệt xứ trên  tàu Sông Hương, thật đắng cay).Tàu rời bến trước khi trời sáng.Tất cả đều bị nhốt dưới hầm tàu. Cảnh tượng khủng khiếp không thể tả xiết ( sợ quá dài dòng ở đây).Đi mấy ngày đêm, tàu vào vịnh Hạ Long và cập bến Cảng Chùa Vẽ.Đã thấy được miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.Đón chào chúng tôi là một bầy Bò Vàng ( Công An), đi kèm là bầy chó dữ, sẵn sàng xơi tái “ Bọn ác ôn đầu sỏ” của chế độ Miền Nam.

Lại một sân ga xe lửa.Đón đưa là bọn hung thần quỷ dữ. Mặt hằm hằm. Súng lăm le nhả đạn.Ga Chùa Vẽ thời đó rất xơ xác điêu tàn, sau các trận oanh tạc của Mỹ. Đoàn tàu là những toa chở than đá, đầy bụi bặm, toa xe đen đủi, nghẹt thở.Cửa được đóng chặt.Chỉ nhìn được ra ngoài bằng những khe hở hay những lỗ thủng trên toa tàu.Tàu chạy nhanh vì không phải dừng lại các ga. Đường sắt không êm đềm nhịp nhàng như trong Nam mà nó dằn vặt thê thảm, nhất là khi đi qua các vùng núi non hiểm trở.Thật là một cuộc đi đầy vất vả ghê hồn,khiến phải nhớ đời không quên được. Đa số các ga đi qua đều rất xơ xác điêu tàn vì bom Mỹ oanh tạc chưa kịp dựng lại. Cuối cùng đến ga Yên Báy là ga lớn mà cũng chỉ có mấy mái tranh.Xuống ga Yên Báy, phải đi bộ đến bến phà sông Hồng. Họ dàn cảnh dân đứng hai bên đường ném đá, nhổ nước bọt và mắng chưởi .Không có nhục nào bằng.Từ đây, bắt đầu những năm tù đày khổ sai trên vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn.Chim kêu vượn hú.” Chém tre đẳng gổ trên ngàn, hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai.” Tưởng là không bao giờ được thấy lại khung trời Miền Nam thân yêu.

Không ngờ bọn Tầu Cộng lại đánh bọn Việt Cộng.Tưởng rằng đem nhốt chúng tôi vào vùng rừng núi thâm u hiểm trở Hoàng Liên Sơn sát biên giới Trung Quốc là an toàn.Chẳng may tình thế bị đảo ngược, sợ  lính Trung Quốc qua giải thoát tù cải tạo. Bọn chúng khẩn cấp đưa tù về các trại nổi tiếng hung ác ở vùng đồng bằng như Nam Hà ( Đầm Đùn cũ) hay Nghệ Tĩnh ( Lý Bá Sơ cũ).Trên đường về vùng xuôi, được qua bến đò sông Hồng.Gặp lại ông lái đò già, cụ tâm sự :”mấy chục năm đưa đò, chưa bao giờ cụ đưa tù cải tạo đi mà có chuyến đưa về…”.Dừng lại chờ tàu tại ga Yên Báy,lần đầu tiên được quản giáo cho ăn một cây cà rem, ngon lạ lùng.Chuyến tàu về xuôi tương đối tốt hơn lần trước, được chở trên toa xe khách, tay không bị còng, được nhìn ngắm cảnh Miền Bắc .Lần đầu tiên trong đời được nhìn qua Hà Nội, được nhìn thấy những chiếc xe xích lô đạp cũ kỷ mà chổ ngồi được lót ván gổ…Tàu dừng lại ở ga Bình Lục ( Hà Nam Ninh), nhớ Tú Xương và Nguyễn Bính…Xe chở vào Ba Sao, Vịnh Hạ Long trên cạn, cảnh đẹp núi non y như cảnh Vịnh Hạ Long.Thiên nhiên thật kỳ diệu. Điểm đến là trại Nam Hà. Đời tù cải tạo chuyển sang một giai đoạn mới. Từ Bộ Đội quản lý sang Công An quản lý.Thời gian là thăm thẳm đường dài.

Cuối cùng , chuyến tàu đáng ghi nhớ nhất đã đến.Chuyến tàu về Nam.Chuyện không thể nào tin, nhưng lại đến.Xe chở ra ga Bình Lục. Cứ hai người một cặp, tay bị còng lại với nhau. Tội nghiệp cho anh bạn bị còng chung mỗi lần phải đi vệ sinh.Nghe hai tiếng về Nam là coi như chết đi  sống lại, dù tay còn bị còng.Tình cảm Miền Nam sao mà sâu đậm.Chuyến tàu rất bí mật.Toa tàu bít bùng. Công an vỏ trang tháp tùng cẩn thận.Tàu đi qua các ga, dù không dừng lại, công an cầm súng vẫn đứng đầy trên các sân ga.Khi biết tàu chạy qua cầu sông Bến Hải, tất cả anh em đều chảy nước mắt. Mừng quá mà khóc.Trên chuyến tàu bí mật Bắc- Nam, chỉ được nhìn quê hương qua những khe hở của toa tàu.Nhưng khi đã vào Nam, dù có nhắm mắt lại, chỉ cần nghe tiếng rao hàng cũng biết là đang ở ga nào.Suốt chuyến hành trình, chuyện xảy ra ở ga Huế là cảm động không cầm được nước mắt.Tàu vào ga Huế khoảng mười giờ trưa.Công an đứng đầy hai bên đường từ cầu Bạch Hổ đến sân ga.Tàu dừng lại khá lâu. Tiếng rao hàng nhộn nhịp.Anh em  cố tình đưa hai tay bị còng qua các cửa sổ của toa tàu.Tự nhiên nhiều bánh kẹo, nước uống, nem chả, đậu phụng… được ném vào.Công An bắt đầu la hét, đánh đuổi.Mặc kệ, các mẹ, các chị, các em gái vẫn cố xông vào để ném hàng lên toa tàu vì họ biết tàu đang chở tù cải tạo.Đây là một hành động tự phát mà Công An không thể ngờ.Các mẹ, các chị, các em ấy đều là dân nghèo. Số hàng họ ném lên đó là cả miếng cơm hàng ngày nuôi sống gia đình họ. Mà sao tình thương và sự hy sinh của họ cao cả thế! Kể cả họ bị Công An đánh đập. Hình ảnh ấn tượng nhất là có một em gái tuổi khoảng mười lăm,  mặc chiếc áo màu hồng,liên tục lượm đá ném vào Công An, vừa chạy vừa ném…Tàu rời khỏi ga Huế. Chúng tôi chỉ biết khóc.Trong lòng tôi tự nhiên thấy Huế đẹp lên. Đẹp lạ lùng.Không phải tháp bảy tầng chùa Thiên Mụ, không phải cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp mà là ga Huế. Không phải em gái Huế tóc thề, nón lá che nghiêng.Mà là em gái áo hồng, tóc đong đưa,tay lượm đá ném vào công an, vừa chạy vừa la hét. Đó là hình ảnh không bao giờ quên trong lòng những người tù cải tạo cùng chuyến tàu về Nam hôm ấy.Cám ơn Huế.Cám ơn mẹ. Cám ơn chị. Cám ơn em.

Chuyện sân ga và những con tàu thì còn nhiều, nhớ thương và buồn man mác.Bao nhiêu kỷ niệm trên con đường xương sống mẹ Việt Nam, thoáng ẩn, thoáng hiện trong tim.Như một thi sĩ tiền chiến đã viết

:               “ Một chuyến tàu đi qua

                Hai chuyến tàu đi qua

                Có một người đứng đợi

                Dù sương pha vời vợi

                Dù đêm tối không nhà

                Dù đèn khuya lệ nhòa

                Ba chuyến tàu đi qua….”

Và những chuyến tàu đêm xứ Mỹ lạnh lùng làm thức giấc vào nửa đêm…..

                                                Texas, tháng 3 năm 2015

                                                          Đăng Nguyên

April 27, 2020