Thuở ấy có vài chàng ngẩn ngơ vì “em” thì “em” có biết, vì có nhiều ông khùng lắm, theo “em” về đến tận nhà trong Thành Nội làm “em” sợ. Nhưng quả có trời cao chứng giám, thuở ấy “em” không hề có ý nghĩ là “em xinh em đẹp”!
Hồi mới lớn, suốt ngày đọc tiểu thuyết, người phụ nữ đẹp hay thiếu nữ đẹp đối với tôi phải là một cô gái trên 18 tuổi, bới tóc cài trâm, son phấn lộng lẫy, áo quần lượt là, đi giày cao gót giống như thím Nghi (người Saigon, vợ của chú họ tôi), hay cô Tường Vi, em ba tôi, đẹp như người trong tranh (bây giờ cô đã 88 tuổi nhưng cũng còn đẹp lão lắm), hay giống như những nhân vật của Tự Lực Văn Đoàn, như người đẹp trong truyện Ngựa Đã Thuần Rồi Mời Ngài Lên của Lê Văn Trương v.v… Không bao giờ tôi nghĩ tôi hội đủ những tiêu chuẩn ấy.
Tôi thường lấy làm lạ tại sao lại có người vô công rồi nghề, chiều chiều theo mình về đến tận nhà, hay sáng sáng đi thật sớm ngồi thù lù một góc ở préau để nhìn khi chúng tôi đi qua (ba đứa chúng tôi là Võ Thị Nguyệt – cũng là cô bà con – tôi và Ngô Thị Vân đi xe hơi chở học trò của thầy Hương nên đến trường rất sớm). Một ông thì ở tận Tây Thượng mà gia nhập gia đình phật tử Hướng Thiện có đoàn quán ở gần cửa Thượng Tứ để mỗi chủ nhật được sinh hoạt chung với đoàn Hướng Thiện của chúng tôi. Một hôm tôi nói chuyện với một đoàn sinh khác:
– Anh này dại quá, không gia nhập đoàn Chơn Tri (gia đình Phật tử ở Vỹ Dạ gần Tây Thượng) cho gần nhà!
Cô bạn này cười:
– Chị này thật là ngây thơ! Anh chàng đạp xe đạp lên tận Hướng Thiện mỗi chủ nhật là để mong gặp chị thôi. Bộ chị không biết sao?
Từ đó tôi tìm cách lánh mặt anh chàng vì “dị” quá. Tôi mới học đệ thất hay đệ lục gì đó, chưa biết gì nên không những không thích mà còn ghét anh chàng nữa vì bị chúng bạn trêu. Mỗi khi anh lại nhà là tôi trốn biệt. Chị tôi thường nói,: “Hắn thương mi thật tình mà mi trốn tránh hắn chi tội nghiệp rứa.” Tôi nói: “Con nít biết chi mà thương yêu. Hắn làm em phiền quá.” Anh chàng này thật trì chí. Tuy chỉ là tình yêu một chiều mà anh vẫn theo đuổi cho đến khi tôi lên đại học. Khi em gái tôi mới bắt đầu biết mơ mộng, hắn thường nói: “Chị ác quá! Anh thương chị như vậy mà chị đành hất hủi. Ai mà đeo Út (nick name của em) như rứa là Út chịu liền.” Tôi giỡn: “Thì Út thương anh đi!” Cô tôi kể trước khi đi Mỹ du học – hồi ấy tôi đã vào Saigon – anh đến nhà thăm cô (cô Cúc là chị cả của gia đình Phật tử) và nói: “Em tưởng chờ QH lớn lên sẽ hiểu tình thương của em, té ra QH không hề có cảm tình chi với em hết nên em đi.”
Có một thiếu niên Phật tử khác ở gần nhà cũng mết tôi lắm nhưng ít ra anh chàng này không làm tôi mắc cở vì tôi đã lớn rồi, đã lên đệ tam rồi. Cái dại của anh chàng này là khi mới quen, “hắn” gọi tôi bằng chị vì tôi lớn hơn một tuổi. Mỗi khi Hướng Thiện đi cắm trại là hắn dành mang lều cọc giùm, mang cơm cho tôi, săn sóc bà chị chu đáo lắm. Tình đồng bạn gia đình Phật tử giữa chúng tôi thật dễ thương cho đến khi anh chàng ra trường trước tôi một năm và đi Sàigòn học đại học. Mỗi lần về thăm nhà, anh vẫn đến thăm và vẫn gọi bằng chị. Anh ép hoa pensé gởi theo thơ mà tôi chả hiểu tình ý gì. Tôi cũng viết thư thăm đáp lễ và lòng vẫn quí cậu em đồng bạn gia đình Phật tử ở xa mà không quên bà chị. Về sau vào Sàigòn, tôi lại có dịp sinh hoạt chung với “cậu em” này khi tôi gia nhập nhóm Sinh Viên Thiện Chí (International Voluntary Youth Association). Anh vẫn gọi tôi bằng chị và tìm hết mọi dịp đưa tôi về nhà sau mỗi lần sinh hoạt chung. Về sau khi thấy tôi hay đi chơi với nhóm JVA (Je Vous Aime) thì anh lảng ra vì nhóm này có xe hơi và lúc nào cũng đi chơi chung một bầy con trai con gái sáu bảy người. Năm 1965, tôi ở Mỹ về đúng vào lúc dự đám cưới anh với một người bạn Thanh Niên Thiện Chí trẻ mà tôi chưa gặp. Anh nắm chặt tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi trước khi gọi cô dâu đến giới thiệu. Lúc ấy thì tôi hiểu nỗi lòng của anh và thấy lòng mình cảm động hiểu được anh muốn nói là “Tôi vẫn nhớ chị” vì trước khi đi Mỹ năm 1963, một anh bạn trong nhóm JVA kể cho tôi nghe rằng anh chàng ấy thương tôi lắm, thương tôi từ hồi còn ở Huế. Tôi bâng khuâng:
– Thật hả? Sao toa biết được? Hắn có nói gì với moa đâu.
– Hồi toa mới vào hội, hắn nhắn nhe tụi moa rằng: “Ê tụi bây, “elle” là của moa, tụi bây đừng có tơ lơ mơ nghe không.” Nhưng sau đó tụi moa thấy toa tỉnh bơ nên giác ngộ rằng anh chàng này chỉ thương trộm nhớ thầm toa thôi.
Ở đời cũng thật lắm chuyện ngẫu nhiên lạ lùng. Khi vào Saigon thi dược năm 1957, tôi ở trọ nhà hai vợ chồng người bạn thân của anh tôi. Trên lầu ba chỉ có hai gian, sát vách gian nhà của anh chị là nhà anh sinh viên kiến trúc ở với một thằng tiểu đồng. Chị cả của người bạn anh tôi là vợ của một người bạn thân của ba tôi. Chị hai của ảnh là chị dâu của anh chàng sinh viên kiến trúc láng giềng, người chị thứ ba thì lại lấy chồng là con người cậu, anh mẹ tôi. Còn nữa, ngày đầu tôi mới đến, hai vợ chồng chủ nhà có chương trình dẫn tôi đi ăn ở Chợ Lớn nhưng còn chờ anh hàng xóm (tức anh sinh viên kiến trúc) cùng đi vì cũng là người nhà cả. Khi giáp mặt, tôi suýt buột miệng la lên: “Ủa! mấy năm trước tôi thường thấy anh ở cửa Thượng Tứ mỗi chiều chủ nhật!” nhưng tôi ngậm miệng kịp. Anh nhìn tôi mỉm cười, cả con mắt anh cũng cười. Về sau tôi mới biết không phải ngẫu nhiên mà chiều chủ nhật nào tôi cũng thấy anh đứng ở cửa hàng bán sách gần cửa Thượng Tứ nhìn tôi và người chị họ khi chúng tôi đi ngang qua nhà sách trên đường đến đoàn quán họp gia đình Phật tử. Đã có lần tôi thắc mắc:
– Chị Minh nè, chắc anh chàng này đứng đây nghễ chị đó. Anh biết chiều chủ nhật nào chị em mình cũng đi ngang đây.”
Và chị Minh cự nự:
– Sao QH biết anh nghễ mình. Anh có thể nghễ QH chứ!
Tôi vội xử huề:
– Chắc anh nghễ cả hai chị em mình.
Và từ đó, hai đứa cứ bấm tay nhau làm mặt nghiêm mỗi khi thấy anh chàng đứng ở hiệu sách cười nhìn hai đứa đi qua. Anh có nụ cười thật hiền lành và hai đứa công nhận lúc nào trông anh cũng sạch sẽ, tươm tất với quần tây trắng thẳng nếp, sơ mi tay dài trắng như mới lấy ở tiệm giặt ủi về. Anh đi chiếc xe đạp nhôm trắng sạch boong. Về sau tôi lại thấy anh hay đến chơi nhà người bạn học của anh đối diện nhà tôi. Nhà chị Minh, người chị họ, lại ở phía sau nhà tôi; hai đứa phá hàng rào để qua lại cho dễ. Chị Minh vẫn đi đi về về theo cửa ngõ nhà tôi nên khi thấy “Anh Chàng Sạch Sẽ” lại xuất hiện ở Kiệt Hai, đường Âm Hồn, chúng tôi cũng không dám chắc anh đã “phải lòng ai”! Năm tôi qua Khải Định thì anh vừa xong tú tài. Chị Minh xin lên Đà Lạt học Couvent vì không dám học chung với đám con trai (hồi ấy trường Đồng Khánh chỉ đến lớp đệ tứ thôi) nên rồi tôi cũng quên câu chuyện này vì không còn ai để thì thầm không biết anh chàng trồng cây si ai.
Và giờ đây đứng trước mặt tôi là “Anh Chàng Sạch Sẽ” của dạo nào, và tôi được biết tên anh lần đầu và anh đang cười với tôi, vẫn nụ cười hiền lành bao dung. Nụ cười đã nói với tôi rằng những năm xưa ở cửa Thượng Tứ là anh cười với tôi, anh nghễ tôi chứ không phải nghễ chị Minh! Nhưng dù anh ở sát vách mấy năm, ngày nào lên xuống cầu thang gặp nhau anh cũng dành cho tôi nụ cười hiền lành, anh vẫn không tìm dịp tấn công. Người chị của anh có ướm lời nhưng tôi cứ giả vờ không hiểu. Hình như anh cũng biết tôi chỉ mến anh, kính trọng anh như một người anh. Thật đúng là “hữu duyên thiên lý…”
Hồi cầu Trường Tiền chưa sửa, học trò ở bên kia sông phải qua một chuyến đò ở bến Thừa Phủ. Một hôm đò đã ra giữa dòng, tự nhiên thấy một chiếc đò không chèo đến. Chưa ai biết chuyện gì thì chiếc đò không kia cập lại và ông lái đò bảo phải từ từ qua bớt bên này vì đò của chúng tôi chở đông người quá, sợ chìm. Mấy đứa con gái sợ lắm không dám động đậy mạnh. Vài ông con trai có vẻ cụt hứng. Có chàng nói: “Mấy chị sợ chi, tụi tui bơi giỏi cả mà, ai để mấy chị chết chìm đâu mà sợ!” Khi nghe người con trai ở cạnh nhà kể rằng các chàng đã chia nhau, cậu nào cứu cô nào, rồi lắc lắc thuyền thì ba tôi sợ lắm bắt chị em tôi phải đi xe thầy Hương. Tôi la anh chàng một mách:
– Sao mà mấy xừ chơi dại quá vậy. Lỡ thuyền chìm, không cứu kịp, chết cả lũ thì ai chịu đây!
Tôi biết thừa anh muốn nói gì nhưng giả vờ giận dữ bỏ đi chỗ khác làm anh ta cụt hứng và từ đó không nhắc đến chuyện này nữa.
Về sau khi cầu Trường Tiền đã sửa xong thì tôi xin được đi bộ, vì chỉ qua khỏi cầu là gần đến trường rồi. Có một hôm – hình như là năm đệ tam – về đến nhà, cất sách vở xong, khi ra nhà sau rửa chân – ảng nước ở phía sau vườn sát nhà bếp – vừa cúi xuống múc nước thì có cảm tưởng như ai đang nhìn mình. Ngẩng mặt lên thì thấy một anh chàng thư sinh – hình như học đệ nhị – đang đứng tựa bụi cau nhìn. Tôi không nhớ là đã bực mình vì bị nhìn trộm, hay vì vén ống quần lên cao để rửa chân mà mắc cở. Tôi nhíu mày hỏi dồn:
– Anh là ai? Tại sao lại đứng ở đây? Anh đứng đây bao lâu rồi?
Anh chàng lúng túng:
– Tôi theo QH về đến nhà. Khi QH vào nhà thì tôi đi vòng ra đây.
Tôi không biết xử sao cho phải, vừa thấy tự ái được vuốt ve vì anh chàng trông rất khôi ngô tuấn tú, vừa thấy lòng dạ không yên vì anh đi theo từ trường về mà tôi không hay biết! Không biết anh chàng có quan sát dáng đi của mình không? Không biết anh có chê tướng mình đi hấp tấp không? Ôi, ngổn ngang con mối, bối rối con chuồn chuồn. Tôi vội vàng:
– Lần sau anh đừng vào đây nữa. Anh làm tôi sợ.
Anh chàng lí nhí xin lỗi rồi dắt xe đạp ra về. Từ đó tôi cứ phải nhìn quanh vườn trước khi múc nước rửa chân.
Cũng năm đệ tam, bốn đứa chúng tôi (Vân, Nguyệt, QH và Dương Thị Nghĩa) hay đi qua trường Đồng Khánh ăn cơm trưa (chị Bụi nấu cơm tháng). Hồi đó trường Khải Định còn học nhờ ở khuôn viên trường Đồng Khánh. Để qua nhà ăn bên Đồng Khánh, chúng tôi phải đi ngang qua một dãy các lớp đệ nhất. Mấy ông cứ đứng ở cửa lớp nghinh nghinh cái đầu nhìn; có ông hô: “một hai, một hai”, chúng tôi cũng phớt tỉnh tiếp tục bước, vờ như không nghe. Trong đám ấy có một ông nhìn tôi có vẻ hơi khác. Tôi nhớ có thấy ông này ở préau vào buổi sáng sớm hay đứng nhìn tụi này. Ông hay mặc cái áo mưa màu cafe sữa nên cô Nguyệt tôi đặt cho ông cái tên là ông Sữa. Một buổi chiều tan trường, tôi chợt thấy ông Sữa dắt xe đạp đi theo sau. Tôi năn nỉ chị Diệp:
– Chị Diệp ơi, bữa ni về cửa Thượng Tứ hí?
Chị Diệp nguýt:
– Con này vô duyên! Ta ở cửa Đông Ba mà nó biểu về cửa Thượng Tứ!
Tôi không dám nói rõ lý do tại sao tôi lại đề nghị “chướng” như vậy. Tôi im lặng theo đoàn người về cửa Đông Ba. Và anh chàng Sữa cũng lẽo đẽo theo đằng sau. Khi mấy chị em chị Diệp vô nhà rồi, tôi vội vàng rảo bước đi mau lại nhà cô tôi ở đường Bộ Thị, hy vọng anh chàng kia sẽ bỏ cuộc. Nhưng không! Anh chàng gác xe đạp ở một gốc cây bên kia đường đứng chờ. Trời bắt đầu tối. Cô tôi nhắc: “Con đi về kẻo trời sắp tối rồi.” Tôi đành miễn cưỡng đứng dậy ra về. Khi ra đến đường cái thì anh dắt xe đạp lại gần:
– QH, cho tôi nói chuyện một chút.
Tôi ngẩng mặt nhìn và bỗng sợ hãi khi thấy cặp mắt anh si mê. Tôi cột chặt dây thắt lưng áo mưa và nói vội:
– Tôi không quen anh, không nói chuyện chi hết.
Anh chàng vội vàng:
– Không quen mới cần nói chuyện để làm quen.
Tôi chợt nhớ lời cô tôi dặn là ra đường con trai chửi cũng chịu thua. Họ chỉ muốn chọc mình mở miệng để bắt lời. Vậy là tôi nghiến răng im lặng rảo bước. Anh chàng vẫn nhẫn nại dắt xe đi một bên cho đến đầu Kiệt Hai thì anh lên xe đạp và nói: “Thôi để khi khác.” Tôi không dám kể cho gia đình nghe. Chờ đến ngày hôm sau vội vàng kể cho các bạn nghe. Trưa hôm đó, khi đi ngang các lớp đệ nhất, mấy ông đã đứng ở cửa. Khi thấy chúng tôi, tất cả đều nói một lượt: “Không quen biết, không nói chuyện gì hết.” Hóa ra anh chàng kia cũng kể cho các bạn nghe. Bốn đứa chúng tôi vùng cười lớn, và mấy ông kia cũng cười to thật vui.
Những kỷ niệm ngớ ngẩn, những mẩu chuyện tình vu vơ kiểu này chắc chỉ xảy ra ở xứ Huế. Huế thơ, Huế mộng, Huế hiền lành, Huế lãng mạn của chúng tôi. Mấy anh chàng trồng cây si tôi ngày xưa chắc không còn nhớ tên tôi, nhưng tôi vẫn trân quí những kỷ niệm của những chuỗi ngày thơ dại ấy. Tôi vẫn thầm cám ơn mấy ông, mà hồi đó tôi cho là khùng, đã tạo cho tôi những kỷ niệm thật dễ thương, thật bất thường. Các anh không khùng. Các anh là hiện thân của chân thật, của tuổi trẻ lãng mạn. Chỉ vì tôi không phải típ người lãng mạn cho nên hồi đó tôi không hiểu. Có người bạn gái chê tôi là rờ-tạt-đít chắc cũng đúng! Thuở ấy lòng tôi ngu khờ quá, không biết vì tôi ai ngẩn ngơ.