
Tiểu sử:
. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Anh Văn năm 1961.
. Giáo sư trường Nữ Trung học Gia Long từ năm 1961 đến 1963.
. Đi Mỹ học Cao học với học bổng Fulbright. Hoàn tất bằng Cao học Anh văn.
. Tiếp tục dạy học tại trường Nữ Trung học Gia Long từ năm 1965 đến 1967. Sáng dạy tại trường Gia Long và buổi chiều dạy trường quân đội từ 1965 cho đến khi đi Mỹ.
. Đi tu nghiệp tại Washington DC năm 1968 và xin nghỉ giả hạn một năm. Ct AID cấp học bổng cho VN mời nhà văn Hoàng Quỳnh Hoa tham gia một dự án ngắn hạn liên quan đến du học sinh VN. Không may sang Mỹ đầu năm 1968 thì biến cố Mậu Thân, không về được. Thân phụ nói ở lại chờ tình hình sáng sủa hơn cho nên nhà văn Hoàng Quỳnh Hoa đã ở lại Mỹ tỵ nạn từ 1968. Và cũng vì vụ tỵ nạn bất đắc dĩ này mà một mối tình thơ mộng mong manh cũng tan luôn. Kỷ niệm này cũng được ghi lại trong TT Chuỗi Ngày Hạnh Phúc.
. Thích văn chương từ nhỏ. Năm 1980 bắt đầu viết thường xuyên cho báo của Phật Giáo, Đặc san Quốc Học – Đồng Khánh, Đặc san Gia Long…
Xin Mời quý anh chị em đọc cuốn sách “Chuổi Ngày Hạnh Phúc” của NGUYÊN NGỌC-HOÀNG QUỲNH HOA
Sau đây là lời giới thiệu của tác giả:
Chuỗi Ngày Hạnh Phúc là một tập tản văn 425 trang gồm 57 đoản văn được phân loại ra tám chương:
Chương 1 – Đạo Phật: Suối nguồn hạnh phúc. Ai thấu hiểu đạo sẽ được an vui trong đời này và đôi dòng về “Cõi Vĩnh Hằng” của nhiều tôn giáo.
Chương 2 – Khung trời kỷ niệm, nói về kỷ niệm của những ngày thơ dại ở Huế, tình bạn thời trung học, và những mối tình lẩm cẩm, lãng mạn của Huế.
Chương 3 – Mạn đàm: Tiền cổ VN, tình thầy trò xưa & nay, những phong tục tập quán của người dân xứ Huế đón Tết, người nhạc sĩ tay súng tay đàn, và cuốn Lá Trúc.
Chương 4 – Chàng và Nàng, những câu chuyện tình lạ của thế kỷ!
Chương 5 – Kỷ niệm của chàng, là những đoản văn của nhà tôi. Anh thuộc thế hệ học y khoa, chương trình Pháp mà anh viết văn cũng vui lắm nên tôi cho vào tập tản văn những bài viết của anh.
Chương 6 – Du lịch, kể lể những chuyến du lịch khắp năm châu bốn biển cùng bạn bè gồm những miền đất thiêng của Phật. Mới nhất là chuyến thám hiểm Phi Châu đầu năm 2020.
Chương 7 – Mục điểm sách ghi lại câu chuyện nhà tiên tri Mỹ, Edgar Cayce, nói về kiếp trước kiếp sau, những mẫu chuyện nhớ kiếp trước của những nhà nghiên cứu Âu Mỹ cùng những bình luận về nhân quả luân hồi của những bác sĩ phân tâm học, những nhà ngoại cảm Mỹ.
Chương 8 – Sưu tầm, giới thiệu Từ Trường Liệu Pháp như một giải đáp sức khỏe cho thế kỷ 21.
Sách không bán, chỉ để quyên tặng cho Quỹ Học Bổng Hoàng Thị Kim Cúc, để kỷ niệm 100 năm sinh của cô Kim Cúc, nhân vật chính trong cuốn Lá Trúc. Quỹ được thành lập năm 2013, cho đến nay, có 7 em học trò nghèo ở Huế được học bổng hằng tháng. Một em đã ra đại học năm rồi và đã có công ăn việc làm.
Trân trọng cám ơn tất cả các bạn xa gần đã tiếp tay với chúng tôi trong công việc từ thiện này.
Ai muốn có sách xin liên lạc qua email: hoangqh2003@ yahoo.com
Kính mời quý vị bấm vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức các tác phẩm của nhà văn Hoàng Thị Quỳnh Hoa
THUỞ ẤY…
Thuở ấy có vài chàng ngẩn ngơ vì “em” thì “em” có biết, vì có nhiều ông khùng lắm, theo “em” về đến tận nhà trong Thành Nội làm “em” sợ. Nhưng quả có trời cao chứng giám, thuở ấy “em” không hề có ý nghĩ là “em xinh em đẹp”!
Hồi mới lớn, suốt ngày đọc tiểu thuyết, người phụ nữ đẹp hay thiếu nữ đẹp đối với tôi phải là một cô gái trên 18 tuổi, bới tóc cài trâm, son phấn lộng lẫy, áo quần lượt là, đi giày cao gót giống như thím Nghi (người Saigon, vợ của chú họ tôi), hay cô Tường Vi, em ba tôi, đẹp như người trong tranh (bây giờ cô đã 88 tuổi nhưng cũng còn đẹp lão lắm), hay giống như những nhân vật của Tự Lực Văn Đoàn, như người đẹp trong truyện Ngựa Đã Thuần Rồi Mời Ngài Lên của Lê Văn Trương v.v… Không bao giờ tôi nghĩ tôi hội đủ những tiêu chuẩn ấy.
Tôi thường lấy làm lạ tại sao lại có người vô công rồi nghề, chiều chiều theo mình về đến tận nhà, hay sáng sáng đi thật sớm ngồi thù lù một góc ở préau để nhìn khi chúng tôi đi qua (ba đứa chúng tôi là Võ Thị Nguyệt – cũng là cô bà con – tôi và Ngô Thị Vân đi xe hơi chở học trò của thầy Hương nên đến trường rất sớm). Một ông thì ở tận Tây Thượng mà gia nhập gia đình phật tử Hướng Thiện có đoàn quán ở gần cửa Thượng Tứ để mỗi chủ nhật được sinh hoạt chung với đoàn Hướng Thiện của chúng tôi. Một hôm tôi nói chuyện với một đoàn sinh khác:
– Anh này dại quá, không gia nhập đoàn Chơn Tri (gia đình Phật tử ở Vỹ Dạ gần Tây Thượng) cho gần nhà!
Cô bạn này cười:
– Chị này thật là ngây thơ! Anh chàng đạp xe đạp lên tận Hướng Thiện mỗi chủ nhật là để mong gặp chị thôi. Bộ chị không biết sao?
Từ đó tôi tìm cách lánh mặt anh chàng vì “dị” quá. Tôi mới học đệ thất hay đệ lục gì đó, chưa biết gì nên không những không thích mà còn ghét anh chàng nữa vì bị chúng bạn trêu. Mỗi khi anh lại nhà là tôi trốn biệt. Chị tôi thường nói,: “Hắn thương mi thật tình mà mi trốn tránh hắn chi tội nghiệp rứa.” Tôi nói: “Con nít biết chi mà thương yêu. Hắn làm em phiền quá.” Anh chàng này thật trì chí. Tuy chỉ là tình yêu một chiều mà anh vẫn theo đuổi cho đến khi tôi lên đại học. Khi em gái tôi mới bắt đầu biết mơ mộng, hắn thường nói: “Chị ác quá! Anh thương chị như vậy mà chị đành hất hủi. Ai mà đeo Út (nick name của em) như rứa là Út chịu liền.” Tôi giỡn: “Thì Út thương anh đi!” Cô tôi kể trước khi đi Mỹ du học – hồi ấy tôi đã vào Saigon – anh đến nhà thăm cô (cô Cúc là chị cả của gia đình Phật tử) và nói: “Em tưởng chờ QH lớn lên sẽ hiểu tình thương của em, té ra QH không hề có cảm tình chi với em hết nên em đi.”
Có một thiếu niên Phật tử khác ở gần nhà cũng mết tôi lắm nhưng ít ra anh chàng này không làm tôi mắc cở vì tôi đã lớn rồi, đã lên đệ tam rồi. Cái dại của anh chàng này là khi mới quen, “hắn” gọi tôi bằng chị vì tôi lớn hơn một tuổi. Mỗi khi Hướng Thiện đi cắm trại là hắn dành mang lều cọc giùm, mang cơm cho tôi, săn sóc bà chị chu đáo lắm. Tình đồng bạn gia đình Phật tử giữa chúng tôi thật dễ thương cho đến khi anh chàng ra trường trước tôi một năm và đi Sàigòn học đại học. Mỗi lần về thăm nhà, anh vẫn đến thăm và vẫn gọi bằng chị. Anh ép hoa pensé gởi theo thơ mà tôi chả hiểu tình ý gì. Tôi cũng viết thư thăm đáp lễ và lòng vẫn quí cậu em đồng bạn gia đình Phật tử ở xa mà không quên bà chị. Về sau vào Sàigòn, tôi lại có dịp sinh hoạt chung với “cậu em” này khi tôi gia nhập nhóm Sinh Viên Thiện Chí (International Voluntary Youth Association). Anh vẫn gọi tôi bằng chị và tìm hết mọi dịp đưa tôi về nhà sau mỗi lần sinh hoạt chung. Về sau khi thấy tôi hay đi chơi với nhóm JVA (Je Vous Aime) thì anh lảng ra vì nhóm này có xe hơi và lúc nào cũng đi chơi chung một bầy con trai con gái sáu bảy người. Năm 1965, tôi ở Mỹ về đúng vào lúc dự đám cưới anh với một người bạn Thanh Niên Thiện Chí trẻ mà tôi chưa gặp. Anh nắm chặt tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi trước khi gọi cô dâu đến giới thiệu. Lúc ấy thì tôi hiểu nỗi lòng của anh và thấy lòng mình cảm động hiểu được anh muốn nói là “Tôi vẫn nhớ chị” vì trước khi đi Mỹ năm 1963, một anh bạn trong nhóm JVA kể cho tôi nghe rằng anh chàng ấy thương tôi lắm, thương tôi từ hồi còn ở Huế. Tôi bâng khuâng:
– Thật hả? Sao toa biết được? Hắn có nói gì với moa đâu.
– Hồi toa mới vào hội, hắn nhắn nhe tụi moa rằng: “Ê tụi bây, “elle” là của moa, tụi bây đừng có tơ lơ mơ nghe không.” Nhưng sau đó tụi moa thấy toa tỉnh bơ nên giác ngộ rằng anh chàng này chỉ thương trộm nhớ thầm toa thôi.
Ở đời cũng thật lắm chuyện ngẫu nhiên lạ lùng. Khi vào Saigon thi dược năm 1957, tôi ở trọ nhà hai vợ chồng người bạn thân của anh tôi. Trên lầu ba chỉ có hai gian, sát vách gian nhà của anh chị là nhà anh sinh viên kiến trúc ở với một thằng tiểu đồng. Chị cả của người bạn anh tôi là vợ của một người bạn thân của ba tôi. Chị hai của ảnh là chị dâu của anh chàng sinh viên kiến trúc láng giềng, người chị thứ ba thì lại lấy chồng là con người cậu, anh mẹ tôi. Còn nữa, ngày đầu tôi mới đến, hai vợ chồng chủ nhà có chương trình dẫn tôi đi ăn ở Chợ Lớn nhưng còn chờ anh hàng xóm (tức anh sinh viên kiến trúc) cùng đi vì cũng là người nhà cả. Khi giáp mặt, tôi suýt buột miệng la lên: “Ủa! mấy năm trước tôi thường thấy anh ở cửa Thượng Tứ mỗi chiều chủ nhật!” nhưng tôi ngậm miệng kịp. Anh nhìn tôi mỉm cười, cả con mắt anh cũng cười. Về sau tôi mới biết không phải ngẫu nhiên mà chiều chủ nhật nào tôi cũng thấy anh đứng ở cửa hàng bán sách gần cửa Thượng Tứ nhìn tôi và người chị họ khi chúng tôi đi ngang qua nhà sách trên đường đến đoàn quán họp gia đình Phật tử. Đã có lần tôi thắc mắc:
– Chị Minh nè, chắc anh chàng này đứng đây nghễ chị đó. Anh biết chiều chủ nhật nào chị em mình cũng đi ngang đây.”
Và chị Minh cự nự:
– Sao QH biết anh nghễ mình. Anh có thể nghễ QH chứ!
Tôi vội xử huề:
– Chắc anh nghễ cả hai chị em mình.
Và từ đó, hai đứa cứ bấm tay nhau làm mặt nghiêm mỗi khi thấy anh chàng đứng ở hiệu sách cười nhìn hai đứa đi qua. Anh có nụ cười thật hiền lành và hai đứa công nhận lúc nào trông anh cũng sạch sẽ, tươm tất với quần tây trắng thẳng nếp, sơ mi tay dài trắng như mới lấy ở tiệm giặt ủi về. Anh đi chiếc xe đạp nhôm trắng sạch boong. Về sau tôi lại thấy anh hay đến chơi nhà người bạn học của anh đối diện nhà tôi. Nhà chị Minh, người chị họ, lại ở phía sau nhà tôi; hai đứa phá hàng rào để qua lại cho dễ. Chị Minh vẫn đi đi về về theo cửa ngõ nhà tôi nên khi thấy “Anh Chàng Sạch Sẽ” lại xuất hiện ở Kiệt Hai, đường Âm Hồn, chúng tôi cũng không dám chắc anh đã “phải lòng ai”! Năm tôi qua Khải Định thì anh vừa xong tú tài. Chị Minh xin lên Đà Lạt học Couvent vì không dám học chung với đám con trai (hồi ấy trường Đồng Khánh chỉ đến lớp đệ tứ thôi) nên rồi tôi cũng quên câu chuyện này vì không còn ai để thì thầm không biết anh chàng trồng cây si ai.
Và giờ đây đứng trước mặt tôi là “Anh Chàng Sạch Sẽ” của dạo nào, và tôi được biết tên anh lần đầu và anh đang cười với tôi, vẫn nụ cười hiền lành bao dung. Nụ cười đã nói với tôi rằng những năm xưa ở cửa Thượng Tứ là anh cười với tôi, anh nghễ tôi chứ không phải nghễ chị Minh! Nhưng dù anh ở sát vách mấy năm, ngày nào lên xuống cầu thang gặp nhau anh cũng dành cho tôi nụ cười hiền lành, anh vẫn không tìm dịp tấn công. Người chị của anh có ướm lời nhưng tôi cứ giả vờ không hiểu. Hình như anh cũng biết tôi chỉ mến anh, kính trọng anh như một người anh. Thật đúng là “hữu duyên thiên lý…”
Hồi cầu Trường Tiền chưa sửa, học trò ở bên kia sông phải qua một chuyến đò ở bến Thừa Phủ. Một hôm đò đã ra giữa dòng, tự nhiên thấy một chiếc đò không chèo đến. Chưa ai biết chuyện gì thì chiếc đò không kia cập lại và ông lái đò bảo phải từ từ qua bớt bên này vì đò của chúng tôi chở đông người quá, sợ chìm. Mấy đứa con gái sợ lắm không dám động đậy mạnh. Vài ông con trai có vẻ cụt hứng. Có chàng nói: “Mấy chị sợ chi, tụi tui bơi giỏi cả mà, ai để mấy chị chết chìm đâu mà sợ!” Khi nghe người con trai ở cạnh nhà kể rằng các chàng đã chia nhau, cậu nào cứu cô nào, rồi lắc lắc thuyền thì ba tôi sợ lắm bắt chị em tôi phải đi xe thầy Hương. Tôi la anh chàng một mách:
– Sao mà mấy xừ chơi dại quá vậy. Lỡ thuyền chìm, không cứu kịp, chết cả lũ thì ai chịu đây!
Anh chàng còn cố cãi:
– Chết sao được, tụi tui đứa nào cũng bơi cừ lắm mà.
Anh lại nói tiếp:
– QH có biết ai sẽ cứu QH không?
Tôi biết thừa anh muốn nói gì nhưng giả vờ giận dữ bỏ đi chỗ khác làm anh ta cụt hứng và từ đó không nhắc đến chuyện này nữa.
Về sau khi cầu Trường Tiền đã sửa xong thì tôi xin được đi bộ, vì chỉ qua khỏi cầu là gần đến trường rồi. Có một hôm – hình như là năm đệ tam – về đến nhà, cất sách vở xong, khi ra nhà sau rửa chân – ảng nước ở phía sau vườn sát nhà bếp – vừa cúi xuống múc nước thì có cảm tưởng như ai đang nhìn mình. Ngẩng mặt lên thì thấy một anh chàng thư sinh – hình như học đệ nhị – đang đứng tựa bụi cau nhìn. Tôi không nhớ là đã bực mình vì bị nhìn trộm, hay vì vén ống quần lên cao để rửa chân mà mắc cở. Tôi nhíu mày hỏi dồn:
– Anh là ai? Tại sao lại đứng ở đây? Anh đứng đây bao lâu rồi?
Anh chàng lúng túng:
– Tôi theo QH về đến nhà. Khi QH vào nhà thì tôi đi vòng ra đây.
Tôi không biết xử sao cho phải, vừa thấy tự ái được vuốt ve vì anh chàng trông rất khôi ngô tuấn tú, vừa thấy lòng dạ không yên vì anh đi theo từ trường về mà tôi không hay biết! Không biết anh chàng có quan sát dáng đi của mình không? Không biết anh có chê tướng mình đi hấp tấp không? Ôi, ngổn ngang con mối, bối rối con chuồn chuồn. Tôi vội vàng:
– Lần sau anh đừng vào đây nữa. Anh làm tôi sợ.
Anh chàng lí nhí xin lỗi rồi dắt xe đạp ra về. Từ đó tôi cứ phải nhìn quanh vườn trước khi múc nước rửa chân.
Cũng năm đệ tam, bốn đứa chúng tôi (Vân, Nguyệt, QH và Dương Thị Nghĩa) hay đi qua trường Đồng Khánh ăn cơm trưa (chị Bụi nấu cơm tháng). Hồi đó trường Khải Định còn học nhờ ở khuôn viên trường Đồng Khánh. Để qua nhà ăn bên Đồng Khánh, chúng tôi phải đi ngang qua một dãy các lớp đệ nhất. Mấy ông cứ đứng ở cửa lớp nghinh nghinh cái đầu nhìn; có ông hô: “một hai, một hai”, chúng tôi cũng phớt tỉnh tiếp tục bước, vờ như không nghe. Trong đám ấy có một ông nhìn tôi có vẻ hơi khác. Tôi nhớ có thấy ông này ở préau vào buổi sáng sớm hay đứng nhìn tụi này. Ông hay mặc cái áo mưa màu cafe sữa nên cô Nguyệt tôi đặt cho ông cái tên là ông Sữa. Một buổi chiều tan trường, tôi chợt thấy ông Sữa dắt xe đạp đi theo sau. Tôi năn nỉ chị Diệp:
– Chị Diệp ơi, bữa ni về cửa Thượng Tứ hí?
Chị Diệp nguýt:
– Con này vô duyên! Ta ở cửa Đông Ba mà nó biểu về cửa Thượng Tứ!
Tôi không dám nói rõ lý do tại sao tôi lại đề nghị “chướng” như vậy. Tôi im lặng theo đoàn người về cửa Đông Ba. Và anh chàng Sữa cũng lẽo đẽo theo đằng sau. Khi mấy chị em chị Diệp vô nhà rồi, tôi vội vàng rảo bước đi mau lại nhà cô tôi ở đường Bộ Thị, hy vọng anh chàng kia sẽ bỏ cuộc. Nhưng không! Anh chàng gác xe đạp ở một gốc cây bên kia đường đứng chờ. Trời bắt đầu tối. Cô tôi nhắc: “Con đi về kẻo trời sắp tối rồi.” Tôi đành miễn cưỡng đứng dậy ra về. Khi ra đến đường cái thì anh dắt xe đạp lại gần:
– QH, cho tôi nói chuyện một chút.
Tôi ngẩng mặt nhìn và bỗng sợ hãi khi thấy cặp mắt anh si mê. Tôi cột chặt dây thắt lưng áo mưa và nói vội:
– Tôi không quen anh, không nói chuyện chi hết.
Anh chàng vội vàng:
– Không quen mới cần nói chuyện để làm quen.
Tôi chợt nhớ lời cô tôi dặn là ra đường con trai chửi cũng chịu thua. Họ chỉ muốn chọc mình mở miệng để bắt lời. Vậy là tôi nghiến răng im lặng rảo bước. Anh chàng vẫn nhẫn nại dắt xe đi một bên cho đến đầu Kiệt Hai thì anh lên xe đạp và nói: “Thôi để khi khác.” Tôi không dám kể cho gia đình nghe. Chờ đến ngày hôm sau vội vàng kể cho các bạn nghe. Trưa hôm đó, khi đi ngang các lớp đệ nhất, mấy ông đã đứng ở cửa. Khi thấy chúng tôi, tất cả đều nói một lượt: “Không quen biết, không nói chuyện gì hết.” Hóa ra anh chàng kia cũng kể cho các bạn nghe. Bốn đứa chúng tôi vùng cười lớn, và mấy ông kia cũng cười to thật vui.
Những kỷ niệm ngớ ngẩn, những mẩu chuyện tình vu vơ kiểu này chắc chỉ xảy ra ở xứ Huế. Huế thơ, Huế mộng, Huế hiền lành, Huế lãng mạn của chúng tôi. Mấy anh chàng trồng cây si tôi ngày xưa chắc không còn nhớ tên tôi, nhưng tôi vẫn trân quí những kỷ niệm của những chuỗi ngày thơ dại ấy. Tôi vẫn thầm cám ơn mấy ông, mà hồi đó tôi cho là khùng, đã tạo cho tôi những kỷ niệm thật dễ thương, thật bất thường. Các anh không khùng. Các anh là hiện thân của chân thật, của tuổi trẻ lãng mạn. Chỉ vì tôi không phải típ người lãng mạn cho nên hồi đó tôi không hiểu. Có người bạn gái chê tôi là rờ-tạt-đít chắc cũng đúng! Thuở ấy lòng tôi ngu khờ quá, không biết vì tôi ai ngẩn ngơ.
Hoàng thị Quỳnh Hoa
BA TÔI
Hoàng Thị Quỳnh Hoa
Ba tôi năm nay đã 95 tuổi nhưng da không nhăn mấy, má chưa lõm, lưng không còng, tóc bắt đầu đen lại từ ót lên đến hai mang tai. Đi lui đi tới trong nhà thì Ba phải chống cái gậy ba que có bánh xe. Viết đến đây tôi chợt nhớ là mình đã viết theo bài tả “Ông tôi” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà các bạn 48-55 chắc cũng còn nhớ: “Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy.” Mới ngày nào còn bé tí teo phải học thuộc lòng bài này và nhìn ngắm ông nội tôi vừa ăn lục tuần thôi mà già lụm cụm giống y hệt “Ông tôi” đầu râu tóc bạc được tả trong bài học vậy. Thế hệ 48-55 chúng ta giờ này ai cũng đã ngoài sáu mươi, có người nhếch nhếch tới gần bảy mươi mà có ai già như “Ông tôi” đâu? Riêng tôi đến Tết con rắn này là được sáu mươi tám cái xuân xanh đấy các bạn ạ nhưng tôi vẫn cảm thấy còn trẻ lắm. Dĩ nhiên là da chưa nhăn, má chưa lõm, lưng thẳng boong, đi đâu thì phóc lên chiếc Camry phóng quá speed limit, thấy cảnh sát thì exit qua lối khác liền. Năm nào đám học trò tôi (tiểu học Mỹ) cũng hỏi tôi có bầu mỗi khi tôi mặc áo hơi chật. Đầu niên học này cũng còn có mấy đứa hỏi câu đó khi chúng thấy cái bụng lùm lùm vì cái áo đầm dài chật mà tiếc của vẫn chưa vất đi.
Từ ngày di tản qua Mỹ ba tôi biết cách giữ gìn sức khỏe (xin đọc cuốn Bí Quyết Giữ Gìn Sức Khỏe của Cụ Hoàng Toại) nên Ba ít khi đau ốm và chúng tôi cũng tưởng Ba sẽ khỏe dài dài, cho đến đêm 30 tết tây cuối năm 2000, Ba té trong buồng tắm và từ đó cứ té hoài, vô ra nhà thương mấy lần. Anh chị chúng tôi phải dọn phòng chơi dưới nhà làm phòng ngủ vì Ba không lên xuống lầu được nữa. Anh tôi đêm đêm ngủ bên cạnh trông chừng. Về sau thì chúng tôi thay phiên nhau trông chừng Ba ban đêm.
Chị dâu chúng tôi là người đàn bà Việt Nam của thời bà Đoàn Thị Điểm, người đàn bà sẵn sàng gánh vác giang sơn nhà chồng. Chị là típ người cân quắc, biết người biết của, không ngại cảnh: “Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam. Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”. Anh tôi rất hên và gia đình chúng tôi thật có phước vì bà chị dâu chúng tôi vừa đẹp người vừa đẹp nết, công dung ngôn hạnh, nội trợ đảm đang. Hồi ở Việt Nam có người giúp việc chứ qua đến xứ này thì chủ cũng là mình mà tớ cũng là mình thôi. Chị lo giặt giũ cơm nước — Ba lại ăn kiêng nên chị nấu riêng cho Ba mỗi ngày — mấy chục năm qua mà không hề có một tiếng phàn nàn.
Sau lần té ở phòng tắm Ba yếu thấy rõ và cũng bắt đầu quên, không còn theo thời khoá biểu sinh hoạt mỗi ngày như trước nữa. Chỉ ăn và ngủ, khi thức dậy thì than “Sống lâu mệt quá”. Ngô Thị Vân cũng nhận thấy sự thay đổi, vì mấy năm trước mỗi lần Vân kêu chúc Tết, chúc sinh nhật thì Ba vui lắm, hỏi han huyên thuyên về Ba Má của Vân. Ba Vân học cùng khóa với Ba tôi ở Hà Nội. Năm nay (Tết con rồng) Vân nói khi chị Quả đưa điện thoại cho Ba, Vân không nghe Ba nói gì. Một hồi sau thì chị Quả cầm điện thoại xin lỗi Vân là Ba lãng tai không nghe được điện thoại nữa. Đến tháng March năm 2001 thì Ba yếu lắm, ăn rất ít và hầu như không còn tha thiết gì đến sự việc chung quanh. Chúng tôi bàn nhau tổ chức lễ thượng thọ 95 (April 19) mời hết những người bạn của Ba — bạn nối khoá, bạn vong niên, bạn mà chược, tứ sắc, hay những ai đã quen biết Ba — để Ba thăm và dụ khị Ba phải chịu khó ăn uống, tập thể dục mỗi ngày để có sức mà tiếp khách ngày thượng thọ. Ba vui lắm và đưa cuốn địa chỉ cho tôi dặn phải mời hết những người bạn trong cuốn địa chỉ. Giấy mời in xong và đã gởi đi một ít thì Ba trở bệnh, không chịu ăn uống, chỉ ngủ suốt ngày; yếu đến nỗi không ngồi lâu đủ để ăn xong bữa. Ba nói với chúng tôi là sợ không đủ sức để tiếp khách và biểu đình chỉ việc mời quan khách, chỉ gọi con cháu về đông đủ thôi. Chúng tôi cũng lo lắng vì Ba cứ nhắm mắt không biết ngủ hay hôn mê, có khi sùi bọt mép. Có một tuần Ba đi tiêu ra máu mỗi ngày nhưng sau khi bác sĩ chuyên môn rọi điện cho biết Ba chỉ bị trỉ và hơi nhiểm trùng ruột, uống thuốc thì hết. Cháu đích tôn là bác sĩ Hoàng Phước Quang Huy –cháu Huy chữa bệnh theo phương pháp thiên nhiên và toàn diện (holistic/integrated medicine ), ít dùng thuốc tây — bàn với chúng tôi ngưng hết những thuốc tây, thuốc ta xưa nay Ba vẫn uống mà chỉ uống sâm, linh chi, thuốc trợ gan và thuốc thế thức ăn. Tôi cho Ba uống nước Pi (tiếng Hy Lạp Pi có nghiã là life; Pi Water là Water of Life) vì thấy một bà Mỹ cho bà mẹ 90 tuổi mang tả nằm một chỗ uống nước Pi; sau hai tuần bà cụ mạnh chân tay, đì tiểu đi tiêu một mình được. Mấy tuần sau thì Ba tôi khỏe khỏe lại. Ăn nhiều hơn, đi đứng được nhưng vẫn không nhớ những chuyện mới xảy ra, quên cả tên của vài đứa cháu, chỉ nhớ chuyên xưa thôi.
Cứ cuối tuần tôi đến dụ cho Ba nói chuyện xưa, khơi cho Ba suy nghĩ. Tôi “thách thức” Ba viết thêm một cuốn sách nữa. Lúc đầu thì ông chịu lắm, ừ liền và nói sẽ viết về giai thoại của mấy đứa cháu và chắc vì Ba cứ kể chuyện thằng chắc 4 tuổi láu cá lắm. Ba cho nó tờ một trăm, biểu nó đưa cho mẹ cất; nó không nói gì, lẳng lặng xếp tờ giấy trăm làm bốn rồi đút vào túi quần nó và đi tìm “Uncle Tư” nhờ đưa đi phố mua đồ chơi. Nhưng chỉ hôm sau thì Ba nói như phân trần là Ba không nhớ gì để viết ngoài chuyện thằng chắc. Tôi khơi chuyện những ngày Ba học Dược ở Hà Nội, hỏi đùa xem Ba có bồ không thì thật là ngạc nhiên khi Ba trả lời “có” vì xưa nay chúng tôi có hỏi thì Ba chỉ cười lắc đầu nói những ngày đó Ba chỉ lo học.
Chúng tôi chỉ biết Ba học gạo lắm. Cuối tuần học ôn tất cả bài trong tuần và cuối tuần sau thì học ôn bài của tuần trước nữa và cứ thế đến cuối năm thì Ba được bầu làm “examiner” khảo hạch các bạn xem mọi người có nhớ bài vở đủ để thi cuối năm không. Ba còn nhớ tên mấy ông thầy ruột rất cưng Ba là Dr. Joyeux, Dr. Cesary, và Dr. Collin. Trong một kỳ thi Dr. Cesary cho 18 điểm 3/4 và ngạc nhiên thấy bài Ba viết về ” Theorie de la fermentation” không phải bài mà ông đã dạy trong lớp và hỏi Ba đã học ở đâu. Ba nói Ba đã đọc trong một cuốn sách ở thư viện và thấy hay nên chọn viết về theorie này. Sau khi ăn cơm chiều là Ba đọc sách — trong khi các bạn ra ngoài đi chơi — cho đến giờ ngủ phải tắt đèn. Có một lần đang làm thực tập trong lab thì Ba hô phải chạy ra ngay vì lab sẽ nỗ. Thầy rất tin Ba nên biểu mọi người chạy ra hết và 5 phút sau thì lab nỗ. Ba học giỏi nhứt trường cho nên cuối năm thì được giấy mời đi dự dạ hội khiêu vũ của ông Toàn Quyền Đông Dương nhưng vì Ba không biết nhảy đầm nên đành phải nhường cho người khác đi. Tôi thoáng thấy Ba thở dài nhẹ và hình như tiếc rẻ thuở thiếu thời đã không biết “ăn chơi”. Ba nhớ tên những sinh viên ăn cùng bàn ở nội trú như ông Hồ Đắc Cáo, bác Ngô Khắc Trâm học kiến trúc; ông Tôn Thất Dương học thú y, bác Hoàng Sử, y sĩ v.v…Ba nói bác Trâm (ba của Ngô Thị Vân) kể một chuyện vui là có một cô bế con đến đòi gặp ông Trâm nhưng khi bác Trâm xuất hiện thì té ra không phải; baby con một ông Trâm khác! Ngồi học trong lớp nhìn ra công viên thì thường thấy từng cặp từng cặp hủ hỉ trên ghế đá công viên. Ba nói thêm là các cô hay đến bắt bồ với mấy ông sinh viên. Tôi hỏi sao ba không bị bắt thì Ba nói Ba cứ phải lờ các cô đi vì còn mãi học. Bây giờ Ba công nhận là Ba “dại”, chỉ biết lo học, không hề biết thú vui gì khác. Ba học giỏi như vậy mà không thi ra trường được, không phải vì học tài thi phận mà vì Ba bị bệnh vào năm cuối và đau lên đau xuống trong gần năm, cuối cùng đành bỏ dỡ. Nếu Ba không để tang cụ Phan Bội Châu thì Ba kịp thi ra trường trước khi bị bệnh. Tất cả sinh viên để tang cụ Phan đều bị đuổi một năm. Quả là thi cử có số.
Tôi hỏi về cô T., cô bồ xưa, thì Ba nói cô cũng học Dược trên Ba một lớp nhưng hay làm chung trong lab và thân nhau lắm. Ba nói Ba thương cô và cô cũng thương Ba nhưng Ba không dám tiến tới vì sợ ông nội tôi không chịu người Bắc. Ông xã tôi đùa hỏi sao Ba không mời cô đi ăn phở và chúng tôi thật ngạc nhiên khi Ba nói thường thường ngày chủ nhật chính cô gợi ý là cô có tiền có thể cùng nhau đi ăn phở mà ba cũng không dám đi. Tôi hơi thấy đau lòng vì biết ba không chủ trì được mình nữa nên mới nói ra những chuyện mà xưa nay ba vẫn giữ kín trong lòng. Ba nói thêm là cô T. không đẹp nhưng dễ thương và nếu ông nội tôi không bắt về Huế cưới vợ thì chắc Ba sẽ cưới cổ. Hình như ông nội tôi biết mối tình thầm kín của Ba và sợ ba lấy vợ Bắc nên mới gọi gấp về Huế cưới mẹ tôi là em út của một ông quan đồng liêu. Ông xã tôi lại đùa nói rằng ông là em họ cô T. vì cũng cùng họ Nguyễn, nhưng Ba còn sáng suốt đủ để hạch hỏi lại rằng cô T. người Bắc sao lại có họ được. Anh Liễn mồm năm, miệng mười giải thích rằng ngày xưa tổ tiên anh là người Bắc di dân vào Huế — mà đó cũng là sư thật; tổ tiên anh có họ với chúa Nguyễn đã theo Nguyễn Hoàng di dân vào trung và định cư ở làng La Vân Hạ, huyện Quảng Điền –; vậy là Ba tin liền và từ đó mỗi lần nhắc đến cô T. Ba lại nói thêm, “té ra cô T. có họ với Liễn” và ngày nào Ba cũng nhắc đến cô T. Tôi hỏi về sau cổ có lập gia đình không thì Ba có vẻ buồn, thở dài nói cô chết trẻ chưa lập gia đình.
Tôi lại khơi thêm hỏi ngoài cô T. ra Ba có quen với cô nào nữa không thì Ba nhắc lại những ngày ở nội trú trường Quốc học, cô Tham tôi (là bà Bùi Xuân Dục, sau này là tổng giám thị trường Đồng Khánh) thì ở nội trú trường Đồng Khánh. Cứ đến cuối tuần ông nội cho xe nhà đến rước hai chị em về. Cô tôi có người bạn thân là “Chị Diệp” hay theo xe về nhà chơi. Mỗi lần có cô Diệp đi cùng là Ba phải ngồi “hạng nhì” nhường chỗ cho cô Diệp. Ba còn nhớ cô Diệp là con ông đốc Thọ. Ba nói thêm về sau khi cô Tham dạy ở Thanh Hoá, Ba có quen và thương một người học trò của cô nhưng cũng chỉ là mối tình câm thôi. Cô Th. cũng học Dược nhưng về sau Ba bị bệnh phải bỏ học về Huế nên mối tình mới chớm đành câm luôn. Ba cũng nhắc nhở một cô học trò nữa của Cô Tham là cô Rôm, người Tàu lai mà Ba còn nhớ cô Rôm chết vì tai nạn xe lửa từ Thanh Hoá về Huế.
Khi nói đến trường Quốc Học Ba nhớ chú tôi — em út của Ba — trước kia học ở Vinh sau đổi về Quốc học và chú đã chê thầy ở Quốc Học không giỏi. Ông hiệu trưởng mời ông nội tôi lên mắng vốn nói rằng tội chê thầy là đáng bị đuổi nhưng vì chú học giỏi quá nên không nỡ đuổi; thật là thời đại phong kiến. Thầy Nguyễn Văn Hai của chúng ta là bạn học với chú. Thầy Hai cũng nổi tiếng học giỏi nhưng thầy nói với tôi là thầy chỉ học gạo chứ chú tôi mới thật là thần đồng về toán.
Ba tôi nhớ các cô các chú hồi còn trẻ — Ba là con thứ hai nhưng là trai trưởng — đã học những gì, làm gì, có những sở trường, sở đoản gì v.v… rồi lan man nhớ đến chị Yến Chi đã mất hồi 1961. Ba cười nói chị Tươi Chị (còn tôi là Tươi Em do bà ngoại đặt) ngẳng lắm, hồi nhỏ đem dầu nhị thiên đường xức mũi miệng mấy đứa em con cậu tôi — gia đình cậu ở chung nhà — mà cậu chỉ cười nên tụi nó chạy đi tìm Ba mách: “Dượng ơi, dượng ơi, chị Tươi Chị xức dầu Nhị Thiên vào mũi cay quá, cay quá.” Tôi cũng còn nhớ chị nghịch ngợm cho con của chị người làm mới 6 tuổi uống bia có đường. Con nhỏ say đi loạng choạng bổ lên bổ xuống!
Ba học giỏi từ hồi còn nhỏ. Kỳ thi tuyển vào Đệ Nhất niên (tức Đệ Thất bây giờ) ở trường Quốc học, Ba là một trong 50 người được chấm đậu trong số 300 thí sinh. Ba là người ít tuổi nhất và cũng nhỏ con nhất nên bạn bè gọi là “Toại Microbe”. Năm 16 tuổi, chắc là Đệ Tứ, ông thầy người Pháp gọi đọc bài. Không những thuộc bài mà Ba còn trả lời trơn tru mọi câu hỏi. Thầy khen lắm và vì thấy Ba nhỏ người nên hỏi Ba mấy tuổi. Ba chưa kịp trả lời thì cả lớp đông thanh nói: “Hắn 8 tuổi!”
Tôi đang muốn viết về Hàn Mặc Tử vì thấy nhiều sách vở báo chí nói đến giai thoại về cô tôi và Hàn Mặc Tử sai nhiều quá. Ngay cả bài “Thôn Vỹ Dạ” mà cũng bị đổi nhiều chữ. Em họ tôi mà cũng là con nuôi cô tức Hoàng Thị Bích Tâm ức lắm. Em gởi hết những tài liệu về thi sĩ mà cô tôi cất giữ và năn nỉ tôi viết bài đính chính. Cách đây 16 năm anh Liễn về Maryland chơi có đem theo một cuốn Văn Nghệ Tiền Phong thì phải, có bài viết về cô mà viết bậy bạ không thể tả. Tôi gởi về Huế cho cô coi. Sau đó thì cô gởi bài “Thôn Vỹ Dạ” bút tích của Hàn Mặc Tử kèm theo một lá thơ của Hàn Mặc Tử sang cho tôi để: “em biết sự thật và tuỳ em muốn viết bài đính chính thì tùy tiện còn O không muốn hệ lụy đến chuyện thế gian nữa.” Tôi vừa lười vừa nhát gan nên cũng im luôn. Nhưng thế nào tôi cũng viết nên năm ngoái về Huế, em tôi cho ba cuốn sách về Hàn Mặc Tử để làm tài liệu. Tôi vẫn đem sách theo để đọc mỗi khi đến ở lại với Ba cuối tuần. Tôi dụ Ba đọc cuốn có nhắc tên Ba là bào huynh của cô Hoàng Cúc và sau hai tuần thì Ba nói Ba tìm thấy tên Ba rôì và nói thêm, “Hàn Mặc Tử ngày xưa làm việc ở Sở Đạc Điền với ông nội ở Qui Nhơn, quen O Cúc lắm, muốn cưới O nhưng O từ chối nói hai người khác đạo, không hoà hợp được.” Và từ đó cứ thấy mặt tôi là Ba lại nhắc câu: “Hàn Mặc Tử ngày xưa làm việc ở Sở Đạc Điền…” Đến giờ này Ba cũng còn nhắc nhở chuyện Hàn Mặc Tử làm việc dưới quyền ông nội ở Qui Nhơn.
Cuối năm 2000, tự nhiên Ba hỏi lúc nào thì in được cuốn sách về sức khỏe của Ba bằng tiếng Anh — Cuốn tiếng Anh cũng xong từ lâu nhưng chúng tôi không định in vì không quen biết nhà xuất bản Mỹ nào –. Sau khi thấy Ba tha thiết muốn in thì tôi bàn với một bà bạn Mỹ. Bà này là professional editor đã giúp edit bản tiếng Anh. Bà giúp tôi liên lạc với nhà xuất bản Vantage Press ở New York. Và bản tiếng Anh tựa đề “HEALTH TIPS FROM A NINETY-YEAR-YOUNG MAN: Good Health and Nutrition — A Natural Approach, by Toai Hoang ” sẽ ra mắt độc giả vào cuối năm 2001.
Tôi cám ơn các anh chị chủ trương 48-55, nhất là bạn Ngô thị Vân, đã giúp chúng tôi trở thành văn, thi sĩ hết!. Viết hay hay không hay không thành vấn đề. Cái hay là chúng ta có một diễn đàn riêng để tình tự, để kể lể, để trải lòng với nhau, để tập làm văn sĩ và có người đã được khen là viết hay hơn văn sĩ thứ thiệt như bạn Dạ Khê với bài “Anh Ô Kia” mà mỗi lần buồn buồn là tôi lại đem ra đọc và chợt bắt gặp mình vừa cười vừa khóc thút thít. Bạn Mộng Hà viết thật dễ thương mà ngày xưa hình như cũng không giỏi môn Việt văn mấy, phải không Mộng Hà hay tui nhớ sai? Nếu mà tui nhớ sai thì xin lỗi nghe.
Chấm hết.
Hoàng Thị Quỳnh Hoa
Tản Mạn Về Hạnh Phúc
“Con xin cảm niệm ơn đức của Thế Tôn đã cho con biết những hạnh phúc bình dị trong cuộc đời này:
Sáng nay thức dậy con thật hạnh phúc, khi đôi mắt còn đủ sáng để thấy được đường đi, còn chiêm ngưỡng được nụ cười từ bi, bình an nơi Đức Thế Tôn, và con còn thấy được những người thương bằng đôi mắt thương kính, nhìn thấy bầu trời trong sáng và những hàng cây xanh lá.
Đôi tai của con còn có thể nghe được tiếng nói, tiếng cười của mọi người, tiếng chim hót trong vườn, tiếng trẻ con gọi nhau đồng vọng.
Con đang thở những hơi thở dài, nhẹ và khỏe. Không khí ban mai thật trong lành, dịu mát.
Con còn nói được những tiếng, những lời từ ái rõ ràng với mọi người.
Con cảm nhận hạnh phúc khi biết mình đang đứng vững trên đôi chân và bước nhẹ nhàng thảnh thơi đến nơi cần đến.
Con nhận ra đôi tay con còn khả năng dâng hương và nước để cúng dường tam bảo vào buổi sáng trước một ngày mới, và san sẻ vật thực bằng đôi tay cẩn trọng.
Con nghĩ tới những phút giây hạnh phúc thật đơn sơ mà vô cùng quý giá này để nuôi dưỡng thân tâm và sống một ngày đầy an lạc.”
Tôi không nhớ đã được đọc bài kệ có tên Hạnh Phúc Đơn Sơ này ở đâu, của ai và năm nào. Chỉ nhớ là vì thích quá, vội vàng ghi chép, in vào giấy cứng tặng các bạn tham dự chuyến hành hương 10 chùa tháng Giêng do nhóm Phật Học Tuệ Quang chúng tôi tổ chức năm ấy. Thật vậy, nếu ta còn đầy đủ mắt, tai, mũi, miệng, tứ chi, và đầu óc bình thường là một hạnh phúc lớn. Nhưng, thử hỏi mấy ai biết trân quý chúng mỗi ngày cho đến khi một trong ngũ căn bị thương tật hay bị mất đi, chúng ta mới giật mình nuối tiếc những ngày hạnh phúc đã qua khi ngũ căn, ngũ lực bình thường mà ta đã không biết trân trọng!
Chú tôi, bút sĩ Hoàng Tá Thích, trong tập truyện ngắn Mơ Ước Bình Thường, đưa ra trường hợp một người bạn thân phải lên bàn mổ sau một tai nạn té xe, bị xuất huyết não trầm trọng. Về sau, khi kể cho bạn bè nghe, cô nói: “Trước khi lên bàn mổ, mình nghĩ chỉ cần được sống là đủ và sẽ không bao giờ đòi hỏi bất cứ một điều gì khác.” Nghe có vẻ quen thuộc lắm phải không? vì mấy ai trong hoạn nạn mà không khấn khứa xin được bình an, chỉ bình an thôi? Nhưng có mấy ai trân trọng một cái tầm thường mà mình sở hữu, đến khi mất đi rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ! Cô bạn của chú tôi cũng vậy. Sau khi mổ, cô mê man 5 ngày. Cô sống. Nhưng ít lâu sau, bác sĩ cho biết não trạng có vấn đề nên cô không điều khiển được cái tay cầm bút theo ý mình, bác sĩ cần khám lại và chữa trị thêm. Thấy cô buồn quá, chú tôi an ủi, nhắc lại lời cô nói miễn được sống mà thôi. Cô cười buồn đáp: “Lúc đó thì nghĩ như thế thật, nhưng khi được sống rồi thì muốn những điều tốt hơn, mình nghĩ con người chắc ai cũng thế.” Và cô nghĩ cũng đúng vì mấy ai đủ khôn ngoan để cảm nhận những hạnh phúc đơn sơ bình dị trong đời sống hằng ngày. Để kết luận, tác giả trích lời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14: “Có nhiều người sống mà không nghĩ là mình sẽ chết. Đến khi sắp chết, mới nhận ra là mình chưa sống!” Hãy sống với những gì mình có mỗi ngày, đừng tiếc nuối quá khứ, đừng lo lắng tương lai vì quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới. Hãy an trú trong hiện tại.
Tôi thì, sáng sáng, sau khi thức dậy xuống nhà là đến bên cửa sổ nơi đặt mấy chậu lan, xịt nước lên các cành, lá, hoa, và chăm chú tìm xem có chồi non ở cây nào không. Cửa sổ chỉ để được 12 chậu lan nên tôi dặn các em Gia Long đừng mua lan nữa. Lan nhà tôi là do Gia Long tặng vào ngày Lễ Mẹ và ngày sinh nhật tôi. Hễ nhiều hơn là tôi phải đem tặng lại nhà khác. Tôi được ngắm hoa lan quanh năm vì khi nào cũng có ít nhất là hai chậu có hoa và hai chậu có chồi lớn sắp đơm hoa. Sau khi đã tưới mát cho lá, cho hoa, tôi ngồi vào bàn ăn sáng, lặng lẽ ngắm những chậu lan xinh xẻo, đài các, bình yên trên cửa sổ. Sáng nào không phải rời nhà sớm đi tập thể dục thì tôi ra sân trước thăm mấy bụi hồng mới trồng cuối mùa hạ mà nay – sắp sang đông – vẫn còn hoa và thấy lòng thật yên ả, bình an.
Ai sinh ra, lớn lên mà không mơ ước một cuộc đời an bình, hạnh phúc. Nhưng thử hỏi bao nhiêu người có thể tự thấy mình là người có hạnh phúc! Hình như đối với số đông thì hạnh phúc như ẩn như hiện chập chờn ngoài tầm tay với. Người Mỹ suy nghĩ rất đúng khi thừa nhận mưu cầu hạnh phúc là một quyền tối thượng của người dân, quan trọng ngang với quyền sống và quyền tự do, nên tổ tiên họ đã trang trọng ghi ba thứ quyền công dân căn bản này trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của họ.
Nhưng hạnh phúc là gì? Làm thế nào để có được hạnh phúc? Có rất nhiều sách viết về đề tài này nhưng tôi thích cách suy diễn của Tiến sĩ Ricard Mathieu. Ông là người Pháp, tác giả cuốn Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill. Ông cũng là một tu sĩ Phật giáo, hiện đang trụ trì ở một ngôi chùa bên Nepal. Ông nói hai từ hạnh phúc rất khó định nghĩa, mà có định nghĩa thì thường mơ hồ, không được số đông đồng ý. Nhiều tiền thì hạnh phúc? Có danh thì hạnh phúc? Có sức khỏe thì hạnh phúc? Nhiều vợ, nhiều con, nhiều bạn? Hay phải có tất cả những thứ ấy mới có hạnh phúc? Trong sách, Đại Sư Mathieu khuyên không nên tìm hạnh phúc ở bên ngoài vì vạn vật vốn vô thường, không ai biết và kiểm soát được sự đến đi của chúng. Hôm nay giàu có, ngày mai của cải đội nón ra đi; hôm nay khỏe mạnh, ngày mai bệnh tật đến thăm hỏi; hôm nay lên voi, ngày mai xuống chó. Không ai kiểm soát được chu kỳ thành trụ hoạt diệt của chúng. Vì vậy, nên quay về nương tựa ở bản thân để đạt được chân hạnh phúc, tâm bình an. Ông nói, theo quan niệm Phật giáo, hạnh phúc chỉ là một ý niệm, một thói quen mà ông cho rằng ai cũng có thể đạt được. Sách của ông trình bày những phương pháp tập luyện để có được tâm bình an. Ông cho rằng chữ Happiness có vẻ mơ hồ nên muốn thay thế bằng chữ kép Well-being là tâm bình an để nói đến trạng thái dễ chịu, yên ả, không lo lắng buồn phiền. Có nhiều khi ta lầm lẫn hạnh phúc (happiness) với niềm vui thú (pleasure). Để có được niềm vui, cần có những trợ lực bên ngoài. Mà niềm vui thì chỉ hiện hữu ngắn hạn thôi. Ví dụ, được ăn một món ngon ta vui lắm. Nhưng ngày nào cũng phải ăn món đó thì ta không thấy thú vị nữa, trong khi ta có thể hưởng được tâm bình an (well-being hay inner peace) trong mọi hoàn cảnh nếu ta luyện được tâm không dao động bởi ngoại cảnh. Nếu biết nhìn mọi sự, mọi vật một cách khách quan và biết chấp nhận một sự thật là ta không thể nào thay đổi được tình huống đã xảy ra, không thay đổi được ngoại cảnh thì tâm ta bớt phiền não. Đại sư kể câu chuyện đối cảnh sinh tình của hai nhân vật cho thấy ý niệm hạnh phúc thay đổi tùy theo cách suy nghĩ của từng cá nhân:
Tôi [Đại Sư Mathieu] còn nhớ một buổi chiều mùa mưa ở Nepal, tôi ngồi trên bực thềm của chùa chờ các phật tử đến dự buổi pháp đàm. Sau một cơn mưa giông lớn, cái sân trước biến thành một vũng nước bùn dơ dáy. Chúng tôi phải xếp từng cụm gạch từ cổng đến bực thềm bước vào chánh điện. Một cô đến, dừng bước ở cổng chùa. Nhìn cái sân đầy nước bùn, cô rón rén bước lên mấy viên gạch, vừa bước vừa mở miệng chê bai từng viên một. Khi đã an toàn lên đến bực thềm chỗ tôi ngồi, cô nhìn vũng nước bùn lắc đầu lần nữa và phàn nàn: “Ghê quá! Nếu mà ngã xuống đây thì thật là rùng rợn! Ở xứ này, cái gì cũng dơ.” Biết tính cô ấy nên tôi chỉ im lặng gật gù. Vài phút sau, một cô khác đến, cô Raphaele. Vừa nhảy qua từng cụm gạch, cô vừa hô: “Hấp! Hấp! Hấp!” và khi qua được bên này, với ánh mắt ngời sáng, cô tươi cười nói: “Vui quá! Cái hay của mùa này là sau cơn mưa, mọi cảnh vật thật tươi mát, không dính một hạt bụi!” Cũng quan cảnh ấy mà hai người có hai lối nhìn khác nhau. Sáu tỷ người [dân số thế giới], sáu tỷ thế giới khác nhau!
Các bạn muốn có tâm vui tươi như cô Raphael hay tâm phiền não như cô bạn kia? Người Mỹ cũng có câu “Look at the brighter side” của một sự việc bất như ý để tâm được nhẹ nhàng. Thay đổi cái nhìn của ta đối với cuộc sống không phải là một thái độ lạc quan khờ khạo, cũng phông phải là một thái độ phấn khởi giả tạo để đối phó với nghịch cảnh. Vì sự thật thì đau khổ cũng như hạnh phúc vẫn chỉ là một trạng thái nội tâm. Hạnh phúc là sự chuyển hóa tâm sân hận, tâm chấp thủ, là biết nhìn sự vật một cách trung thực, không có sự phê phán của vọng thức. Cứ miệt mài luyện tập lối suy tư đúng đắn như vậy thì ta sẽ thấy rằng hạnh phúc hay đau khổ chỉ là do tâm mình phản ứng với hoàn cảnh bên ngoài mà thôi.
Gần đây, trên mạng có câu chuyện mà người thuật lại nói là chuyện thật về một người quen làm bác sĩ thẩm mỹ rất thành công, rất giàu có. Ông bác sĩ bận rộn làm tiền ở ba nhà thương của ông mà không hề biết đến vợ và con sinh sống như thế nào. Ông cứ tưởng nhiều tiền là vợ con hạnh phúc. Rồi một ngày, ông nhận được giấy vợ đòi li dị mà chưng hửng. Càng ngạc nhiên hơn nữa là vợ ông chỉ xin được chia tay mà không cần chia của. Và càng khó hiểu hơn nữa là liền sau đó, bà vợ tái giá với một người bạn học cũ nghèo! Các bạn nào may mắn còn có người bạn đời bên cạnh nên nhớ tìm cơ hội để được cùng nhau “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.” Đừng quá lo bon chen trong cuộc sống mà bỏ lỡ những dịp có thể cùng người thân chung hưởng những niềm vui bình dị mỗi ngày. Đừng để những tham lam, sân hận, ganh ghét, ích kỷ đầu độc tâm ta, biến chuỗi ngày đáng lẽ hạnh phúc của ta thành những ngày dài phiền não, chán chường. Xin tặng bạn đọc hai câu thơ của cố hòa thượng chùa Từ Đàm, Huế, Ôn Thiện Siêu, mà tôi vẫn tâm tâm niệm niệm mỗi ngày:
Một chút giận, hai chút tham, lận đận cả đời chi cũng khổ!
Trăm điều lành, ngàn điều nhịn, thong dong tấc dạ rứa mà vui.
Nếu thực hành được như lời khuyên trên đây thì tâm ta luôn được yên vui. Một phương pháp nữa có thể đem đến niềm vui mà cũng dễ thực hành mà tôi mới được biết là lời khuyên của Đại Sư Mathieu về cách tiêu tiền. Người đời thường nói tiền không mua được hạnh phúc – dĩ nhiên có nhiều trường hợp ngoại lệ – Đại Sư thì cho rằng tiền có thể mua được hạnh phúc nếu mình không tiêu cho mình (Money can buy happiness when you don’t spend on yourself!) Tiền của cho đi có thể đem hạnh phúc cho người mà mình cũng được hưởng lây cái hạnh phúc đó. Thật chí lý quá! Ai mà chả thấy lòng hỉ hả khi mình có phương tiện giúp đỡ được người khác. Cứ tiêu tiền cho người, những người thật sự cần giúp đỡ, những người kém may mắn, mình sẽ thấy mình may mắn hơn, hạnh phúc hơn, một thứ hạnh phúc đơn sơ nhưng rất thật, rất dễ đạt. Chắc vợ chồng Bill Gates hạnh phúc mỗi ngày vì họ cho ra rất nhiều. Cho vì tình thương đồng loại, cho vì tấm lòng rộng rãi chứ không phải vì muốn có danh. Nhưng sự thật thì không cần có thật nhiều tiền mới có được thứ hạnh phúc này. Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, hạnh phúc vẫn như nhau miễn lòng mình chân thật muốn giúp đỡ.
Nói tóm lại, hạnh phúc do tâm tạo. Việc mình làm đem đến hạnh phúc cho mình mà không hại người, việc mình làm đem đến hạnh phúc cho người mà không hại mình đều đáng được ca ngợi. Có dịp giúp người qua cơn hoạn nạn thì bản thân cũng thấy mừng vui. Giúp người nhưng đừng chờ đợi người nhớ ơn mình vì lỡ họ không nhớ ơn thì mình lại phiền não! Tiền bạc có thể trực tiếp mua được thú vui (pleasure/happiness) cho mình, tiền bạc có thể trực tiếp mua được hạnh phúc cho người khác và gián tiếp đem lại hạnh phúc cho mình nữa cho nên có được nhiều tiền là một phước báu lớn. Nhưng nhiều khi chỉ cần một nụ cười, một lời nói dịu dàng, một ánh mắt quan tâm cũng đủ làm cho người khác hạnh phúc, đâu cần tiền bạc. Mà những thứ ấy thì ai cũng có, và có thể cho đi mỗi ngày. Và như thế, mỗi một ngày mới có thể là một ngày hạnh phúc. Có nhiều tiền hay không có nhiều tiền không phải là điều kiện cần và đủ để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.
Hoàng Thị Quỳnh Hoa
HÀN MẠC TỬ
LÀ TÌNH YÊU ĐẦU ĐỜI CỦA MỘNG CẦM?
Gần đây khi biết tôi đang viết tuyển tập Hàn Mạc Tử và mối tình đầu của thi sĩ thì hai em cựu học sinh Gia Long niên khóa 1973, Phương Thúy và Phi Nga, gởi cho tôi xem hai bài về Mộng Cầm từ trên mạng. Đọc xong bài viết “Giải mã bí ẩn cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm” * tôi ngạc nhiên lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi được thấy một tài liệu ghi Mộng Cầm thú nhận Mạc Tử là tình yêu đầu đời của bà. Càng ngạc nhiên hơn nữa là được biết Mộng Cầm “ghét cay ghét đắng” bài thơ Thôn Vỹ — bà ghen với mối tình đầu của thi nhân?– Tác giả bài viết tả rõ, “Bà [Mộng Cầm] trải các câu thơ và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”
Tôi có dịp đọc nhiều sách báo về Hàn Mạc Tử khi thu thập tài liệu để viết tuyển tập, tôi chưa hề thấy Mộng Cầm ra mặt nhìn nhận mình đã từng yêu Hàn mà cũng không hề thấy nói bà ghét bài thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ”, bài thơ Hàn Mạc Tử làm năm 1939 gởi tặng người ông từng thương mến ở Thôn Vỹ.
Tác giả bài “Giải mã bí ẩn cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm” [trên mạng, không thấy ký tên] kể rõ vào mùa hè, năm 1997, tình cờ ông (hay bà?) được gặp Mộng Cầm — lúc bấy giờ là một cụ bà 80 tuổi — ở tại quán cà phê sân vườn mang tên Mộng Cầm do con gái bà là bác sĩ Mộng Đào và chồng là Phạm Thiên Bê làm chủ. Mộng Cầm nói rằng, “Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu.” Và thế là bà xả bầu tâm sự và thật thà cho biết Hàn Mạc Tử là tình yêu đầu đời của mình và giải thích lý do tại sao mối tình ấy chẳng đi đến đâu. Bà nói là con nhà phong kiến, cha mẹ không bằng lòng gả con cho một người công giáo, mà lại là văn nhân thi sĩ. Nhưng, bà nhấn mạnh, lý do chính là vì lúc ấy bà quá thương yêu Hàn mà theo sự hiểu biết của bà thì người bị bệnh phung gần đàn bà mau chết, cho nên bà cố tránh né để Hàn mau bình phục; sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc thay là Hàn không qua khỏi. Tác giả viết tiếp rằng Mộng Cầm lập gia đình sau khi Hàn Mạc Tử qua đời. Không biết ông lấy tài liệu này ở đâu chứ ai cũng biết Mộng Cầm lấy chồng chỉ sáu tháng sau khi chia tay với Hàn (Vũ Hải, tr 55).
Tôi cho rằng lúc tâm sự với tác giả bài văn này năm 1997, vì tuổi hạc đã cao, có thể Mộng Cầm không còn nhớ rằng 36 năm trước đó, bà đã từng tuyên bố công khai là không hề có chuyện yêu đương với Hàn Mạc Tử. Và lời tuyên bố này đã gây ra nhiều bất bình, thị phi vì theo cuốn Hàn Mạc Tử – Thân thế và Thi văn của Trần Thanh Mại — bạn của Hàn Mạc Tử — xuất bản năm 1942 thì mối quan hệ giữa hai người được coi như “một cặp vợ chồng chưa cưới.” Trần Đức Thu, tác giả một loạt bài trên mạng với tựa đề “Hàn Mạc Tử kỳ 1,2,3,4…..”, đã viết về Mộng Cầm với tiểu đề “Mối tình Mộng Cầm và Hàn Mạc Tử đã được tái hiện qua phim.” ghi lại bài phỏng vấn của Châu Mộng Kỳ [Trần Thị Huyền Trang trong tập Hàn Mạc Tử – thơ và đời, tr 264 thì ghi là Châu Hải Kỳ]. Bà Mộng Cầm xưa nay vẫn từ chối các nhà báo xin phỏng vấn cho đến năm 1961, nhờ mối quan hệ đặc biệt là thầy dạy con riêng của chồng Mộng Cầm nên phóng viên Châu Mộng Kỳ của tạp chí Phổ Thông mới được Mộng Cầm tiếp chuyện, và nhờ vậy bài phỏng vấn mới thực hiện được. Tờ Phổ Thông số 63, ra ngày 15/8/1961, đăng lời tuyên bố của Mộng Cầm phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mạc Tử. Bà nói: “Một dịp thứ Bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mạc Tử mắc chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện… Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần, Hàn Mạc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quãng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư, anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối: ‘Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu.’” [Trần Thị Huyền Trang trong tập Hàn Mạc Tử – thơ và đời của Lữ Huy Nguyên đã dành 7 trang nói về chuyện tình của hai người với đầy đủ chi tiết, từ trang 264 đến 270]
Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Phổ Thông, cho biết Mộng Cầm đã đọc bài phỏng vấn của Châu Mộng Kỳ và không có điều gì thắc mắc nên ông kết luận “đã giải đáp dứt khoát một nghi vấn thường bị nhiều người xuyên tạc.” Nhưng sự thật có phải như vậy không?
Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mạc Tử, viết trong cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (tr 39):
Nguyên Tử có một người yêu ở Phan Thiết bí danh Mộng Cầm. Hai bên đã nặng lời thề thốt “trăm năm cùng già”. Nhưng sau khi lâm bệnh nguy –nghèo thì Mộng Cầm đi lấy chồng, gieo vào lòng Tử một mối buồn thương vô hạn…
Cuộc tình duyên giữa Tử và Mộng Cầm, trong thời kỳ Tử còn lành mạnh, rất có nhiều thơ mộng. Nhưng hiện Mộng Cầm có gia đình. Cuộc đời quá vãng không gây hạnh phúc cho cuộc đời hiện tại. Nên chỉ xin đưa ra những gì không thể dấu được vì liên hệ đến văn chương.
Nói vậy nghĩa là Quách Tấn đã dấu đi những gì có thể dấu được và ông cho rằng việc đi lấy chồng của Mộng Cầm không có chi đáng trách mà có thể là đáng thương nữa. Sự thật thì cũng không ai nở trách quyết định đi lấy chồng của người con gái chưa đầy 20 tuổi trong hoàn cảnh như thế. Nhưng đáng trách là việc nàng phủ nhận mối tình ấy, cố tình che đậy một sự thật mà nhiều người biết với lời nói dối ngây ngô. Nếu Mộng Cầm thẳng thắn thú nhận mối quan hệ khắng khít giữa mình và Hàn thì có thể người đời tôn trọng bà hơn, yêu mến bà hơn và có thể làm cho nhà thơ được an ủi hơn, đỡ đau khổ hơn. Nhưng, nếu Hàn Mạc Tử không “chết lịm đi trong cảm giác mất mát sững sờ” vì nỗi đau tình phụ như nhà văn nữ Trần Thị Huyền Trang ghi nhận trong chương Những bóng dáng khuynh thi trong cuốn Hàn Mạc Tử – thơ và đời của Lữ Huy Nguyên (tr 268) thì có thể chúng ta đã không được đọc những vần thơ tuyệt tác như:
Họ đã xa rồi không níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ… (Những giọt lệ)
hay:
Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý
Em có chồng mà đành đoạn chia đôi
Xưa thứ gì dính dáng ở đầu môi
Nay trả lại để tôi làm dấu tích… (Dấu tích)
Năm 1961, Mộng Cầm trả lời phóng viên Châu Mộng Kỳ: “Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ. Còn xác thịt hoàn toàn không nghĩ tới.” (Trần Thị Huyền Trang trong tập Hàn Mạc Tử của Lữ Huy Nguyên, tr 267). Mộng Cầm cũng tâm sự với tác giả bài viết “Giải mã ‘bí ẩn’ cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm” — người được tiếp chuyện với bà năm 1997 – rằng giữa bà và Hàn Mạc Tử không có chuyện gì ra ngoài lễ giáo. Ông viết, “Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mạc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mạc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi.” Chúng ta không thể biết hết tất cả sự thật, bởi vì như Nguyễn Đình Niên trong tập luận án về Hàn Mạc Tử của ông đã nói rằng: “Tình ái là phạm vi bí mật nhất, u uẩn nhất của một đời người………..Tình ái là một cuộc yêu dấu, trong đó chỉ có tay đôi, không có và không thể là tay ba. Cho nên, thiết tưởng ta chỉ nên xem những lời chứng của các chứng nhân – tức là những người thứ ba – đối với cuộc tình người, cuộc tình thi sĩ, như là những giai thoại, những mẫu chuyện nên thơ, những huyền thoại ở cái mặt ngoài sáng sủa nhất, rõ ràng nhất của chúng…” (tr 128,129). Nhưng, qua những vần thơ để lại, ta có thể đoán được một phần nào những gì đã xẩy ra mà người trong cuộc không muốn hay không tiện nói. Tôi không thể tin lời tuyên bố của Mộng Cầm rằng sự quan hệ giữa bà và Hàn Mạc Tử chỉ là mối tình văn thơ. Mối tình văn thơ không thể làm cho thi sĩ bi lụy, ràn rụa nức nở như bài Phan Thiết (Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử trong riêng tư, tr 41):
Ối trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mãnh trăng rơi
Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ!
…………………………………………………..
Hởi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu,
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.
Mối tình văn thơ không thể làm cho thi sĩ nhớ thương thảm thiết đến thân tàn ma dại:
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
……………………………….
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy… (Muôn năm sầu thảm)
Nếu không có sự gần gũi thì thi nhân không thể kêu rên thảng thốt “nhớ hàm răng, nhớ hàm răng!”
Quách Tấn viết trong cuốn hồi ký, “Mối tình giữa Tử và Mộng Cầm rất đậm đà thắm thiết, ít ra cũng đậm đà thắm thiết về phần Tử”, (tr 60) còn về phía Mộng Cầm thì ông không dám nói vì muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình cho nàng, nhưng câu chuyện yêu đương giữa cô nàng và Hàn Mạc tử có quá nhiều chứng cớ không thể dấu được. Bích Khê, cậu ruột của Mộng Cầm, đã trả lời câu hỏi của Quách Tấn: Mộng Cầm có yêu Hàn Mạc Tử chăng như sau:
Không yêu mà chiều thứ bảy nào, Tử cũng ra Phan Thiết để cùng Mộng Cầm đi chơi với nhau cho đến chiều chủ nhật hôm sau mới vào Sài Gòn. Hai bên giao tiếp thân mật với nhau ngót hai năm trời mà nếu không yêu nhau thì chỉ có gỗ đá. (Lữ Huy Nguyên, tr 269)
Và đây là lời Quách Tấn nói với một người bạn:
Tôi đã từng đọc thơ Mộng Cầm gởi cho Tử. Nếu anh được xem bức thư nàng gởi cho Tử năm 1936 lúc anh Mộng Châu bị nạn mất ở Phú Yên, chỉ xem một bức ấy thôi, thì anh cũng có thể đo được mức thiết tha của tình yêu đôi bên…Mộng Châu là anh ruột Tử và Mộng m tỏ ý muốn… Thôi nàng đã có chồng rồi, nhắc lại không hay ho gì” (Lữ Huy Nguyên, tr 270).
Bức thư Mộng Cầm gởi cho Tử mà Quách Tấn không muốn nhắc lại thì nhà phê bình Trần Thanh Mại đã kể chi tiết trong cuốn Hàn Mạc Tử của ông xuất bản năm 1942. Vũ Hải ghi lại trong cuốn Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử, tr. 55, 56:
Mộng Cầm được Hàn Mạc Tử yêu say đắm và chắc rằng tình yêu của nàng cũng nồng nàn không kém gì thi nhân. Cả hai cùng thề nguyền gắn bó keo sơn. Nàng tự xem mình là vợ chưa cưới của Hàn Mạc Tử. Khi hay tin anh cả của nhà thơ, ông Nguyễn Bá Nhân [thi sĩ Mộng Châu] mất, nàng viết thư xin được để tang, và đây là thư nàng viết cho Hàn Mạc Tử: “Lệ Thanh [một biệt danh của Hàn] anh ơi! Em không thể ra tận ngoài ấy để đưa linh cữu ông anh cả về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy anh cho phép em thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh. Ở trên mấy từng mây, vong linh ông anh cả nếu có linh thiêng nên nhận người đang cầm bút viết mấy hàng thơ trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của ông anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau đến bạc đầu.
Như Quách Tấn nói chỉ xem một bức thư này thôi thì ai cũng có thể đo được mức thiết tha của tình yêu đôi bên. Chắc năm 1961, 25 năm sau khi Mộng Cầm viết bức thư tình nghĩa kia (1936) thì bà quên rồi mới có thể mạnh dạn trả lời Châu Mộng Kỳ, “Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ…” Không những thư của Mộng Cầm nói lên hết tấm lòng của mình mà bút tích của thi sĩ cũng ghi rõ người tình đã phụ mình vì chứng bệnh hiểm ác. Nguyễn Đình niên viết: “Hàn Mạc Tử lật lại những lá thư cũ Mộng Cầm gởi cho chàng, rồi ngoài lề, ngay những chỗ nàng thề thốt chung tình, chàng đánh những dấu hỏi (?) và những dấu cảm thán (!) to tướng. Có chỗ chàng phê: “Lạy trời! Em X đã phụ tôi, khi thấy tôi đau yếu, lâm phải tai nạn, nghĩa là em X đã phạm lời thề thốt trên mảnh giấy này. Tôi lạy trời xóa bỏ lời thề ấy đi, đừng hành phạt em X tôi, tội nghiệp.” (Nguyễn Đình Niên, tr 139.)
Đến năm 1990, 29 năm sau ngày tuyên bố phủ nhận tình yêu đối với Hàn Mạc Tử, Mộng Cầm dường như quên hết sự đời, đã vui vẻ cùng Phạm Xuân Tuyển, tác giả cuốn Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, ngày 18.8.1990, đi thăm lầu Ông Hoàng ở Phú Hải, nơi bà có nhiều kỷ niệm với người yêu đầu đời của mình. Mộng Cầm còn muốn dẫn Phạm Xuân Tuyển đến Mũi Né, vùng biển tình sử, nơi gặp gỡ đầu tiên giữa bà và Hàn Mạc Tử, để tìm lại dấu vết mối tình đầu của mình với nhà thơ gần 60 năm về trước. Nhưng vì tuổi cao sức yếu đi lại khó khăn nên bà vẻ một sơ đồ tỉ mỉ hướng dẫn Phạm Xuân Tuyển đi tìm lại dấu vết ghi mối tình đầu xa xưa ấy (Phạm Xuân Tuyển, tr 89. Phạm Xuân Tuyển dành 10 trang, 89-99, nói về mối tình Mộng Cầm + Hàn Mạc Tử).
Giờ đây Mộng Cầm mới công khai nhìn nhận câu chuyện tình của mình. Khi thăm lại lầu Ông Hoàng, bà xúc cảm quá đã làm ra những vần thơ:
Lầu Ông Hoàng đây anh ở đâu?
Hồn xưa đi mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vùng bình địa
Tháp cũ căm hờn cuộc bể dâu
……………………………………….
Rồi như khói lạnh tro tàn
Tình xưa âu hẳn mơ màng chiêm bao
Biệt ly cách trở thương đau
Hình anh, em giữ lắng sâu đáy lòng…
hay:
Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi, gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Xưa đã cùng anh sống những ngày…
Và Mộng Cầm cũng không dấu diếm rằng mình đã có những ngày yêu đương đằm thắm. Mỗi cuối tuần trong suốt một thời gian 2 năm tròn, từ 1934 đến giữa năm 1936, khi bà ra ga xe lửa Phan Thiết đón người yêu Hàn Mạc Tử ở Sài Gòn ra (Phạm Xuân Tuyển tr 99) thì đó là mùa xuân của hai người. Khi đưa tiễn người yêu ở nhà ga trở lại Saigon thì lòng bà phơi phới trông chờ đón người tình vào cuối tuần tới. Mùa xuân của đất trời mỗi năm mới đến một lần nhưng đối với Mộng Cầm thì mỗi lần gặp gỡ người yêu là lòng bà rộn rã như mùa xuân mới:
Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần… (Chan Chứa, thơ Mộng Cầm)
Theo nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển (tr 83) thì trước khi đi lấy chồng, Mộng Cầm đã đến thăm nhà thơ lần cuối cùng. Quá đau thương, không kìm nén được nên Hàn Mạc Tử thốt lên:
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
(Muôn Năm sầu thảm – Đau thương)
Nhưng theo bút tích của Nguyễn Bá Tín – em ruột Hàn Mạc Tử — trong cuốn Dang Dở Thi Tập của ông kể lại lần cuối Mộng Cầm đến thăm Hàn Mạc Tử thì nhà thơ có thái độ lạnh lùng. Nguyễn Bá tín ghi: “Buổi hội kiến giữa HMT & MC tại số 20 đường Khải Định năm 1936 thật đơn giản và ngắn ngủi… hình như để cổi ước cho nhau. Anh Trí ngồi khoanh tay nhìn như người ngoại cuộc.” Có lẽ Hàn Mạc Tử ngẩn ngơ chưa hoàn hồn không biết phải cư xử như thế nào khi đối mặt với người vừa viết bức tâm thư xin được để tang anh mình (năm 1936) mà nay đến gặp mặt xin phép đi lấy chồng!
Cũng xin được đính chính một điều là Mộng Cầm không chờ sau khi Hàn Mạc Tử mất mới đi lấy chồng như tác giả bài “Giải mã ‘bí ẩn’ cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm” kết luận. Nguyễn Bá Tin cho biết sau khi đã lập gia đình, Mộng Cầm thỉnh thoảng vẫn đến thăm. Ông viết trong cuốn Hàn Mạc Tử trong riêng tư: “Mộng Cầm tuy giải ước với anh, nhưng vẫn thỉnh thoảng ghé Qui Nhơn thăm anh. Có lần mang cả con theo nữa.” tr 41.
Trước khi chấm dứt bài viết, tôi muốn nói đến một người tình của Hàn Mạc Tử rất dễ thương, rất chung thủy, rất can đảm, dám yêu, dám nói:
Em đã yêu anh đến dại người
Lòng em ngày tháng dễ nào nguôi
Yêu anh trên hết tình yêu mến
Và sẽ yêu anh suốt một đời
để những bạn đọc nào chưa có dịp đọc sách của nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển cũng được biết về người đàn bà kỳ lạ, trên đời có một này là Mai Đình nữ sĩ, tục danh Lê Thị Ngọc Mai. Phạm Xuân Tuyển, trang 84, ghi: “…hiện nay dù đã là bà nội, bà ngoại, sống rất hạnh phúc bên người chồng biết cảm thông cùng các con trai, con gái đều có địa vị trong xã hội, nhưng người nữ sĩ này vẫn một lòng yêu quí người xưa bằng một bàn thờ có ảnh Hàn Mạc Tử và Kim Cúc với đèn hương hoa quả trang nghiêm sạch sẽ ở tư gia.” Không những bà công khai thờ phượng người mình yêu quí ngày xưa mà còn thờ luôn cả người yêu của người ấy nữa.
Hoàng thị Quỳnh Hoa
Tài liệu tham khảo:
Bài viết trên mạng với tựa đề“Giải mã ‘bí ẩn’ cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm”*, không biết tên tác giả
2. Bài viết trên mạng “Mối tình Mộng Cầm và Hàn Mạc Tử…”của Trần Đình Thu
3. Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, nxb Quê Mẹ, Paris 1988
4. Lữ Huy Nguyên, Hàn Mạc Tử – thơ và đời, nxb Văn học, Hà Nội 1995
5. Nguyễn Bá Tín, Hàn Mạc Tử trong riêng tư, nxb Hội Nhà Văn 1994
6. Vũ Hải, Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử, nxb Đà Nẳng 1996
7. Phạm Xuân Tuyển, Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, nxb Văn học Hà Nội 1997
8. Nguyễn Đình Niên, Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, nxb SEACAEF (Southeast Asian Culture and Education), Hoa Kỳ 2009
9. Nguyễn Bá Tín, Dang Dỡ Thi Tập, một tập thơ viết tay.
* a2a : Bài viết “Giải mã bí ẩn cuộc tình Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm” được tìm thấy trên mạng baomoi.com, tác giả Lê Văn Sâm (?)
MỐI TÌNH THƠ GIỮA MAI ĐÌNH VÀ HÀN MẠC TỬ
Hoàng thị Quỳnh Hoa
Nữ sĩ Mai Đình lúc 75 tuổi
Trong lúc tham khảo tài liệu để viết cuốn “Lá Trúc Che Ngang – Chuyện tình của cô tôi”, tôi thầm cảm phục và thương mến bà Mai Đình, một người con gái ở đầu thế kỷ 20, dám công khai bạch hóa mối tình đơn phương của mình, dám nhận mình yêu thầm trộm nhớ người chưa từng gặp mặt với mấy vần thơ bất hủ:
Còn anh em đã gặp anh đâu!
Chỉ cảm vần thơ có những câu.
Âu yếm say sưa đầy cả mộng,
Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu.
……………………
Mộng hồn em gởi theo chiều gió
Để đến gần anh ngỏ ít lời.
Bà cũng không ngần ngại thú nhận mình đã hành khất tình yêu:
Tôi là kẻ thiếu nhiều và thiếu lắm
Đã ra người hành khất bấy lâu nay …
Nhiều bài viết và nhiều bài bình luận về người phụ nữ độc nhất vô nhị này không được trung thực vì hầu hết đều được dẫn nguồn từ cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại (TTM) xuất bản năm 1942 và cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử của Quách Tấn (QT) xuất bản năm 1988. Cả hai tác giả đều đưa ra những thông tin không chính xác.
TTM ghi sách của ông thuộc thể loại truyện ký (biography), một thể loại khảo cứu khá mới mẻ thời ấy. Ông ghi một loạt định nghĩa về thể loại này và quả quyết công việc khảo cứu như thế này phải vô tư, trung thực rồi ông khẳng định: “tôi không thêm thắt vẻ vời, tôi nào có muốn làm cho ê chề, làm cho cảm động những đoạn đời của Nguyễn Trọng Trí để thêm phần quan trọng, mê luyến cho sách tôi.”(tr. XI)
Nhưng sách của ông có vô tư, có trung thực không? Ông Nguyễn văn Xê, người thân cận nhất với Hàn Mạc Tử, cho rằng những gì ông TTM viết về Hàn Mạc Tử không sát sự thật và rất tiếc đã không có dịp liên lạc với ông để bổ túc vì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (tr. 44 sách Đi tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử của Phạm Xuân Tuyển). Nhà phê bình Phạm Công Thiện thì viết “Điểm đầu tiên tôi nhận thấy rõ ở Trần Thanh Mại là “hay nói to, nói nhiều, nói lớn chuyện lên…” (tr. 199, phần phụ lục Phạm Công Thiện trong sách Đôi nét về Hàn Mặc Tử của QT, 1988). Phạm Công Thiện cho rằng TTM: “muốn biến chương Mai Đình Nữ Sĩ thành một thiên tiểu thuyết.”(tr.207).
Thật vậy, nhiều chi tiết trong chương Mai Đình Nữ Sĩ — cuốn Hàn Mạc Tử của TTM in lần thứ ba từ trang 107-116 — đọc qua như đọc tiểu thuyết với lời dẫn nhập: “Khoảng mùa thu năm 1938, một sự huyền diệu đích thực xảy đến cho Hàn Mạc Tử. Một người bạn gái từ miền lục tỉnh mang ra tặng một số tiền nho nhỏ. Vì chàng nhất định không nhận, nàng cũng nhất định không nghe, và nàng tỏ rõ sự quả quyết của mình bằng cách vào buồng cất va-ly và xuống bếp tìm rổ xách đi chợ.” Hãy tưởng tượng một người con gái trẻ ở đâu đến tự dưng xông xáo vào nhà người đàn ông lạ, tìm cái giỏ xách đi chợ, về nhà làm cơm mặc cho chủ nhà phản đối. Nhiều tình tiết ly kỳ khác tiếp nối trong nhiều trang cho đến cuối chương. Quách Tấn đã cải chính vụ việc Mai Đình nuôi nấng HMT trong hai tháng là hư cấu, là ảo tưởng. Theo gia đình thì mấy chị em Hàn cảm chân tình của Mai Đình, xin phép mẹ cho nàng ở lại chơi hai ngày với sự hiện diện của cả nhà. Mà hình như thơ Mai Đình, khuê danh là Lê thị Mai – Hoàng Tùng Ngâm, bạn thân của Hàn Mạc Tử, thì nói bà tên Lê thị Ngọc Mai – làm về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa bà và Hàn Mạc Tử không đến 30 bài? Tôi không tìm đâu ra bài thơ nào của bà làm trước thời gian đó. Phạm Xuân Tuyển trong cuốn Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử cũng ghi tên bà là Lê Thị Ngọc Mai (tr. 83)
Mai Đình là một hiện tượng lạ trong văn học và ở ngoài đời. Bà là người đi trước thời đại nhiều bước, là người nhất định không vâng theo khuôn phép ngàn xưa dành cho phụ nữ, đã bỏ nhà ra đi vì không muốn về nhà người chồng cha mẹ chọn. Cũng may bà có vốn liếng học hành và giỏi nữ công gia chánh nên bà có thể thân tự lập thân, không như những phụ nữ cùng thời phải đeo ba cái gông tòng phụ, tòng phu, tòng tử, mấy cái gông do một ông Tàu sống từ hơn 26 thế kỷ trước bày ra, tròng lên cổ người đàn bà bắt buộc phải phục tòng đàn ông. Đức Phật, người sinh ra đồng thời, thì ngược lại, làm một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, không những giải phóng cho phụ nữ mà còn phá tan xiềng xích giai cấp xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ. Với thuyết nhân quả luân hồi thì cho rằng mọi người sinh ra phải được bình đẳng là rất hợp lý. Con người ta sinh ra khác giới tính, giàu nghèo sang hèn khác nhau là vì nhân quả nhiều đời, trùng trùng duyên khởi duyên sinh. Vậy mà cái ông Tàu cổ hủ kia độc đoán cho rằng đàn bà sinh ra là để phục vụ đàn ông: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử!” nhưng mà nhà thơ Mai Đình của chúng ta đã tháo gỡ được gông cùm xiềng xích nô lệ này. Bà đã thoát ly được ba chữ tòng để tự làm chủ đời mình.
Theo tài liệu tham khảo thì bà làm gia sư để kiếm sống. Bà dạy nữ công gia chánh cho những tiểu thư con nhà. Có thể bà có óc phiêu lưu muốn tìm hiểu những chân trời mới lạ nên không ngại di chuyển đến nhiều nơi mà TTM chủ quan cho rằng, “gió đời cứ đưa tấp nàng tới bến kia, ghềnh nọ: Kontum, Gia Lai, Đalat, Nha Trang, Phan Thiết, Saigon, Nam Vang” (tr. 108, Hàn Mạc Tử, TTM), và gọi bà là “Cô gái đi giang hồ” (tr. 108) mà “số kiếp phong trần cứ đuổi theo mãi mãi.” (tr. XIII) Sao không nghĩ rằng chính bà đã cố tình chọn lựa những nơi chốn ấy để tới, để biết vì ở đâu bà cũng có thể tự nuôi thân được? Mới đọc qua chương Mai Đình, tôi có cảm tưởng bà cùng một hội một thuyền với cô Kiều, với những cụm từ “người đàn bà phiêu lưu, lãng mạn, phóng túng, giang hồ, bến kia, ghềnh nọ.” TTM còn ban cho bà mấy câu Kiều:
…… từ ngộ biến đến giờ
Oanh qua bướm lại đã thừa xấu xa. (tr. 112)
Ông thật quá lời khi muốn tiểu thuyết hóa mối duyên hạnh ngộ giữa Mai Đình và Hàn Mạc Tử.
Quách Tấn cũng thêm bớt khá nhiều khi nói về Mai Đình, từ trang 69 đến trang 77 trong cuốn Đôi nét về Hàn Mạc Tử. Theo ông, Mai Đình không đẹp nên không làm cho HMT động lòng. HMT chỉ gởi tặng tập Gái Quê để tạ lỗi không tiếp được khi Mai Đình tìm đến thăm lần thứ nhất. Đọc hết tập Gái Quê thì Mai Đình cảm phục thi tài của Hàn và sinh lòng yêu mến thi nhân nên ngẫu hứng làm bài thơ “Biết anh” và đã nhờ Quách Tấn trao lại cho thi sĩ. Hàn cảm động viết ngay bài “Lưu luyến” để tạ tình. “Lưu luyến” là một trong những bài thơ hay nhất của thi sĩ:
Chưa gặp nhau mà đã biệt ly,
Hồn anh theo dõi bóng em đi.
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì!
…………….
Anh điên anh nói như người dại,
Van lạy không gian xóa những ngày…
Cùng với bài “Biết anh”, QT viết mấy giòng cho HMT giới thiệu Mai Đình là một tuyệt thế giai nhân và cho rằng vì vậy HMT mới cao hứng làm ngay bài “Lưu luyến” để tặng người đẹp (tr. 71). Việc Quách Tấn kể lại mẫu đối thoại giữa ông và Hàn giễu cợt về nhan sắc của Mai Đình (tr. 75) là một điều đáng phàn nàn.
Cho mãi đến năm 2011, một bài viết về Mai Đình được đưa lên mạng (posted on 11/29/2011, hai năm sau khi bà qua đời) với đầu đề: Nữ sĩ Mai Đình kể về mối tình với Hàn Mạc Tử của Đắc Trung do Ông Già Sa Đéc sưu tầm, làm sáng tỏ nhiều điểm liên hệ đến mối tình thơ giữa Mai Đình và Hàn Mạc Tử. Tôi xin được tóm tắt câu chuyện nhà thơ gặp gỡ Mai Đình do chính bà kể tại nhà ông Đắc Trung ở số 64 Bà Triệu ở Hà Nội năm 1993.
Theo ông Đắc Trung, tuy đã gần 78 tuổi, “nữ sĩ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quý phái.” Tài liệu cho thấy Mai Đình tình cờ được đọc bài thơ “Thức Khuya” của Hàn trong tờ “Saigon”, mục Văn chương, làm bà say, bà cảm cái chất thơ, hồn thơ. Người làm thơ có cái tên Hàn Mạc Tử đã ám ảnh bà ngày đêm và trong tâm bà đã hình thành bóng dáng một thi nhân tuyệt vời. Bà tìm đọc thơ của ông và gởi bản thảo thơ mình cho tờ “Saigon”. Hàn Mạc Tử đã hồi âm với lời thư “tao nhã cao sang” và đã lần lượt cho đăng thơ của bà và bà cho rằng hai tâm hồn thơ đã gặp nhau và rất ý hợp tâm đồng.
Năm 1937 trong chuyến đi từ Thanh Hóa vào Phan thiết, tình cờ bà nghe biết được Hàn Mạc Tử đang ở Qui Nhơn dưỡng bệnh. Bà một mình đến thăm nhưng Hàn không tiếp chỉ cho em trai tên Hiếu ra xin lỗi. Nhưng tối hôm đó, trước khi lên tàu vào Nam, Hàn nhờ ông Nguyễn Minh Vỹ đem biếu bà tập Gái Quê để tạ lòng người ở phương xa. Tàu đến Nha Trang là bà đã viết xong bài thơ “Biết anh” vì quá xúc động khi đọc hết những bài thơ trong tập Gái Quê. Bà liền đến thăm Quách Tấn, người bạn văn chương vì biết Quách Tấn là bạn thân của Hàn. Quách Tấn muốn mượn tập Gái Quê trên tay bà vì tập của ông đã cho người khác mượn mà nay ông cần để tham khảo cho một bài ông muốn viết. Mai Đình vui vẻ đưa ông mà quên là đã kẹp bài “Biết anh” trong tập Gái Quê. Sau khi bà đi rồi, Quách Tấn mới chép bài thơ ấy gởi cho Hàn, không phải Mai Đình nhờ ông gởi cho Hàn như ông kể trong sách của ông. Và ai cũng biết sau khi đọc bài “Biết anh”, Hàn viết liền bài “Lưu luyến” gởi lại cho Mai Đình. Bài thơ tình tứ ngọt ngào làm cho nữ sĩ “chết” đứng! Bà tin rằng “Biết anh” và “Lưu luyến” đã nói lên nỗi lòng của hai người, “từ đó chúng tôi thư từ cho nhau, gắn bó với nhau như cặp tình nhân trong mộng.”
Gần hai năm sau, đầu năm 1939, Mai Đình trở ra Quy Nhơn thăm thì mới biết Hàn đã dời đến ở Gò Bồi. Gia đình Hàn cho một chú bé dẫn bà đi Gò Bồi. Một Hàn Mạc Tử trước mặt bà khác xa với hình ảnh bà tôn thờ trong mộng nhưng rồi bà vẫn trìu mến nói khẽ, “em là Mai Đình đến thăm anh đây… Vâng, Mai Đình đây.” Hàn rưng rưng nước mắt tiếp chuyện. Hai người tâm sự như quen biết từ lâu rất tâm đầu ý hiệp, từ chuyện đạo, chuyện đời, chuyện văn chương… Sau buổi đầu gặp gỡ ấy, Mai Đình thu xếp công chuyện ra thăm được mấy lần và mỗi lần gặp nhau là Hàn Mạc Tử rất vui, cùng bà say sưa xướng họa, là những giây phút thần tiên của hai người. Bà đặt tên tập thơ xướng họa là “Đôi Hồn” và trân trọng cất giữ dù có người muốn mua với giá rất đắt. Đối vối với bà “đó là những kỷ niệm vô giá thiêng liêng với Hàn Mạc Tử, không muốn chia xẻ cùng ai.”
Như ta đã thấy Mai Đình vô tình để quên bài “Biết anh” trong tập Gái Quê chứ bà không nhờ Quách Tấn gởi cho Hàn Mạc Tử bài thơ định mệnh ấy. Trong câu chuyện cũng không hề nghe bà nhắc vụ đi chợ nấu ăn cho Hàn Mạc Tử như Trần Thanh Mại kể. Năm 1937, bà một mình tìm đến thăm nhưng Hàn không tiếp và mãi đến đầu năm 1939, bà mới ra lại Quy Nhơn. Theo cuốn Hàn Mạc Tử của TTM thì Mai Đình đã xách vali đến nhà Hàn vào khoảng mùa thu năm 1938 (tr. 107). Chắc ông tưởng tượng có câu chuyện Mai Đình săn sóc người yêu trong hai tháng vì đã đọc bài “Hương Thơm” của bà với bốn câu cuối:
Thôi từ giã vì ta chưa hết nợ,
Sáu mươi ngày ta hãy trả cho xong.
Chỉ đầu xuân trong một mùa hoa nở
Em trở về trong một tối đầy trăng…
Tuy vậy, nhà phê bình Trần Thanh Mại có công lớn với thi ca Việt Nam vì là người đã sớm giới thiệu nhà thơ thiên tài Hàn Mạc Tử. Ông cũng rất trân trọng tấm chân tình của Mai Đình đối với sự nghiệp văn chương của thi sĩ khi bà tự nguyện đến tìm ông hai lần, kể cho ông nghe mối duyên thơ giữa bà với thi sĩ, đồng thời trao cho ông nhiều tài liệu về nhà thơ bà yêu mến (tr. XIII).
Nguyễn Bá Tín trong “Hàn Mạc Tử anh tôi” ghi rằng: “Khác với những mối tình âm thầm kín đáo, hoặc dè dặt của Hoàng Hoa, của Mộng Cầm, chị Mai Đình là người yêu thơ cũng như yêu con người phong cùi đó, một cách ồn ào, sôi nổi và tha thiết nhất.” (nguồn: trên mạng “Mảnh tình cuối của thi sĩ tài hoa bạc phận Hàn Mạc Tử, 20 May, 2017, không có tên). Thật vậy, bà không e dè, không giấu giếm mình đã yêu Hàn với tất cả tâm hồn:
Em đã yêu anh đến dại người,
Lòng em ngày tháng dễ nào nguôi
Yêu anh trên hết tình yêu mến,
Và sẽ yêu anh suốt một đời. (khổ đầu của bài “Anh hứa đi anh”)
Hay:
Tôi yêu chàng đã khắc sâu vào tim óc,
Tôi thờ chàng như một vị thần linh…… (Tuyên bố)
Tình nàng thì dạt dào, chan chứa và thiết tha như vậy, còn nhà thơ của chúng ta đối với nàng thì sao? Hàn Mạc Tử cũng rất “da diết” trong bài “Thắm thiết” làm riêng để tặng nàng:
Cười cho lắm cho dầm dề nước mắt
Chết ruột gan mà ngoài mặt như không.
Anh nhìn Mai chua xót cả tấm lòng
Không biết nói làm sao cho da diết!
Trắng như tinh và rất nên thanh bạch
Cốt cách đều rất mực đồng trinh.
Mai của Anh, chiều phong vận xinh xinh.
Say một nửa và thơm một nửa.
………………….
Quý như vàng, trọng như ngọc trên đời
Mai! Mai! Mai! Là nguyệt nga tái thế.
Nhưng Quách Tấn thì vẫn cho rằng Tử không yêu vì Mai “thiếu những yếu tố rung cảm” (Đôi nét về Hàn Mạc Tử, tr.70), rằng lòng Tử hết sức rung cảm trong khi Tử làm thơ tặng Mai thôi (tr.76). Cũng có thể Mai Đình muốn tin là “Hai tâm hồn thơ đã gặp nhau và gắn bó với nhau như cặp tình nhân trong mộng.” (bà kể năm 1993) nhưng trong thâm tâm bà vẫn nghi ngờ khi bà viết mấy vần thơ này tặng Hàn:
“Ai cấm người yêu thơ quá độ
Ai ghì gió lốc giữa không gian
Và ai nỡ phụ lòng tri kỷ
Để hận riêng người phải khóc than
Em yêu một kẻ không yêu lại
Thử hỏi xem lòng có khổ không?” (Nguyễn Đình Niên, tr. 255)
Tình yêu của Mai là một thứ tình yêu bồng bột, sôi nổi, chân thành. Sau khi Hàn mất, bà vẫn một lòng thương nhớ không nguôi:
Thiếp nhớ chàng, thiếp nhớ chàng khôn tả,
Dẫu muôn ngày thiếp còn ở thế gian.
Không phút nào thiếp quên chàng cả,
Một thiên tài đã yên giấc Vu san. (Tìm Kiếm, tháng 6, 1941)
Sau khi Hàn mất không lâu, bà đi thăm mộ Hàn khi mộ còn ở Quy Hòa (tr. 194, Hàn Mạc Tử, thơ và đời, Lữ Huy Nguyên) và vẫn làm thơ thương nhớ:
Lệ Thanh ơi! Lệ Thanh ơi!
Anh đã chết rồi
Nhưng anh chỉ chết với người
Với em anh vẫn sống hoài muôn năm
(khổ cuối của bài “Ảnh người xưa”, tháng 9, 1941)
Hiện tượng Mai Đình đến với Hàn vào lúc Hàn đau khổ vì Mộng Cầm là một niềm an ủi lớn như Nguyễn Đình Niên nhận xét (tr. 140), là một điều hiếm quý như Vũ Hải kết luận (Tr 61, Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử, Vũ Hải.) Chúng tôi đồng ý với tác giả này: “ xin dành những lời vàng ngọc đẹp nhất dành tặng riêng cho người con gái có một không hai này.” (Vũ Hải, tr. 61)
Tuy thề thốt “không phút nào thiếp quên chàng cả” nhưng rồi Mai Đình cũng phải quay về với thực tại, vẫn phải đi trọn đường trần. Rất may bà đã gặp được hạnh phúc bình thường bên cạnh chồng con. Bà rất thật với mình và với người khi làm bài thơ “Quên”:
Tôi tưởng hồn tôi đã mất rồi
Cuộc đời cô độc mãi theo tôi
Nhưng thời gian giúp tôi mờ xóa
Trong trái tim đau một bóng người!
Chồng tôi đem lại bao tươi đẹp
Những đưa con thơ gọi mẹ thầy
Chồng biết yêu thương, con trìu mến
Lòng tôi mờ xóa bóng hình ai? ……(1943)
Tuy hạnh phúc bên chồng con, lòng bà không lúc nào quên bóng dáng người xưa. Chồng bà là một người quân tử nên bà đã có thể có bàn thờ tưởng niệm Hàn ngay trong nhà. Không những bà thờ di ảnh Hàn mà còn thờ cả di ảnh Hoàng Hoa, người Hàn thương yêu nữa (Phạm Xuân Tuyển, tr. 84). Mai Đình nữ sĩ thật có tấm lòng bao la như biển cả đáng cho mọi người thương mến trân trọng. Năm 75 tuổi bà đi thăm mộ Hàn một lần cuối. (Phạm Xuân Tuyển, tr.395). Mối tình giữa nữ sĩ Mai Đình và nhà thơ phong cùi là một cuộc tình thơ diễm ảo có một không hai trong lịch sử văn học nước nhà.
Trước khi dừng bút, xin mượn những dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Bá Tín, cảm tác về Mai Đình Nữ Sĩ và mối duyên thơ với người anh thi sĩ của mình:
Mai Đình tiên nữ cõi Vu san
Vướng nghiệp văn chương trở xuống trần
Oan trái tào khang vừa gỡ được,
Nợ nần xướng họa lại đa mang.
Giang hồ cánh bướm không lo mỏi
Mưa gió đời hoa chẳng ngại tàn
Còn chút duyên thừa dâng trọn thuở,
Cho tình sống mãi với Thi Nhân.
(Trích: “Những người đàn bà trong sự nghiệp thi văn của Hàn Mạc Tử”, Dang dở thi tập, Nguyễn Bá Tín)
_________
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, in lần thứ ba, NXB Tân Việt, 1957.
2. Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, NXB Quê Mẹ, 1988.
3. Phạm Xuân Tuyển, Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, NXB Văn Học Hà Nội, 1997.
4. Nguyễn Đình Niên, Kinh Nghiệm vè thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, SEACAEF, 2009.
5. Lữ Huy Nguyên, Hàn Mạc Tử thơ và đời, NXB Văn Học, Hà Nội, 1995.
6. Vũ Hải, Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử, tr. 61, NXB Đà Nẵng, 1996.
7. Nguyễn Bá Tín, Dang dở thi tập. Tập thơ chép tay được tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của cô Hoàng thị Kim Cúc.
8. Trên mạng: “Nữ sĩ Mai Đình kể về mối tình với Hàn Mạc Tử” posted 29 Nov. 2011.
9. Trên mạng: “Mảnh tình cuối của thi sĩ tài hoa bạc phận” posted 20 May, 2017.
10. Thư riêng của Hoàng Tùng Ngâm
KHẢI ĐỊNH NỊNH ĐỒNG KHÁNH
Để tưởng nhớ chị Yến Chi
Năm mươi năm trôi qua như một giấc mộng. Nghe thì có vẻ sáo nhưng thật đúng như thế. Mới ngày nào chúng tôi phải từ giã trường Đồng Khánh, ngôi trường đã chứng kiến chúng tôi thoát xác, thay đổi hình hài, từ những em bé tiểu học xinh xinh đến các thiếu nữ vừa tuổi dậy thì, ríu ra ríu rít, cứ tưởng mình đã trưởng thành rồi vì giáo sư vẫn hằng ngày nhắc nhở ‘các chị lớn nhất trường’ – ngày đó trường chỉ có đến lớp đệ Tứ – rồi thi đậu thành chung. Viễn ảnh học cùng con trai ở trường Khải Định làm chúng tôi lo sợ lắm. Chị họ tôi sợ quá phải xin lên Đà Lạt học. Tôi còn nhớ ngày cuối ở Đồng Khánh, trời đã chiều mà chúng tôi, tất cả lớp đệ Tứ, vẫn tần ngần trước cửa lớp ngoài sân, lượm những xác phượng đỏ, trao nhau địa chỉ, dặn dò nhau lần cuối sẽ viết thư cho nhau, sẽ nhớ nhau. Không ai muốn dứt ra về trước thì được tin mẹ Vân sinh con trai. Vậy là ba đứa chúng tôi: Vân, Nguyệt, Quỳnh Hoa vội đi về thăm ‘mạ’ và em bé. Rồi những ngày hè dài cũng lặng lẽ trôi qua và ngày tựu trường sắp đến. Ba đứa chúng tôi vẫn thường gặp nhau và cùng lo lắng hồi hộp. Lo lắng không biết chương trình đệ Tam có khó không, không biết mình học có hơn con trai không. Chúng tôi vẫn chiếm bảng danh dự ở Đồng Khánh trong bốn năm Trung học đệ Nhất cấp. Hồi hộp không biết ‘tụi con trai’ sẽ cư xử như thế nào. Không nhớ rõ ai, hình như Ngô Vân, nói rằng mình phải lo học thuộc bài luôn chớ thầy kêu lên bảng mà không thuộc thì dị với tụi con trai. Nguyệt nói tụi hắn cũng như mình, sợ chi! Ôi chao, bao nhiêu lo lắng viễn vông. Không biết mấy anh chàng có lo lắng khi phải học với con gái không.
Rồi ngày tựu trường cũng êm đềm đến, êm đềm đi mà giờ đây tôi không nhớ gì thì chắc không có biến cố chi quan trọng, chỉ nhớ đại khái là Khải Định còn học nhờ ở khuôn viên trường Đồng Khánh, đệ Tam ở tầng dưới cùng. Con gái chiếm hai dãy bàn đầu. Chúng tôi ngồi bàn thứ nhì, dãy gần cửa lớp. Chừng vài tuần thì mấy anh đệ Nhị, đệ Nhất bắt đầu để ý đến bọn con gái Tam C làm chúng tôi cũng hơi mơ màng. Chị Duy Thạnh (đệ Nhị B ở lầu ba) mách mỗi khi thấy tôi ở dưới lầu một là có anh ngâm nga: “Quỳnh Hoa chiều đọng nhạc trầm mi.” Đối với con trai cùng lớp thì chúng tôi hết sợ rồi vì chúng tôi coi họ như ‘đàn em’ và bắt đầu phá phách. Hồi đó có mấy thầy trẻ như thầy Phò, thầy Tế, thầy Mục không nhiều tuổi hơn chúng tôi bao nhiêu nên chúng tôi lo học bài của mấy thầy nhiều hơn, sợ không thuộc bài thì ê lắm! Chúng tôi – chừng 10 đứa – hay rủ nhau mặc áo cùng một màu, ngày thì màu xanh da trời, ngày màu vàng, màu hồng. Có ngày thì cả bầy mặc áo đen như bầy quạ. Các thầy cũng biết chúng tôi đùa nghịch nhưng cứ tảng lờ. Có một hôm, không hiểu sao mấy ả ngồi bàn đầu nghỉ học hết. Tôi ngồi đong đưa hai chân đụng vào băng ghế của bàn đầu và bỗng nghĩ là nếu đạp mạnh, băng ghế ngã ra thì chắc vui lắm. Nghĩ xong là đạp liền. Khi nghe ghế ngã đánh đùng tôi mới thấy sợ, vội co chân lại, mặt mày tỉnh bơ, vờ nhìn quanh như thầm hỏi ai là thủ phạm! Thầy Phò đang giảng bài, giật mình khi băng ghế ngã xuống nhưng Thầy vẫn bình tĩnh vừa tiếp tục giảng bài vừa đi đến nhấc băng ghế lên mà tuyệt nhiên không hề điều tra thủ phạm. Xin cám ơn Thầy. Cho đến bây giờ mỗi khi bắt gặp học trò tôi nghịch ngợm, tôi lại nhớ đến Thầy và cố gắng giữ bình tĩnh không la mắng. Lại một hôm, có một ông nghịch ngợm viết bài thơ Hán văn chữ thật lớn rồi dán bên hông mặt bàn của giáo sư. Ai lên đứng trên bục đọc bài cũng có thể nhìn thấy mà thầy không biết. Cụ Đệ (dạy Hán tự?) rất vui vì ai cũng thuộc bài thơ Hán văn rất khó nhớ. Nhưng rồi, một anh chàng không rõ quên kính cận hay sao mà cứ rườn người tới gần bàn thầy chăm chăm nhìn bài thơ mà vẫn ấp a ấp úng đọc không xuôi! Cuối cùng Cụ đâm nghi. Cụ bước ra ngoài và thấy bài thơ dán bên hông mặt bàn. Cụ tức giận lắm mà chúng tôi thì vừa buồn cười, vừa lo, vừa ái ngại Cụ buồn. Sau đó thì cả lớp bị consigne ngày thứ bảy. Hình như từ năm sau trở đi thì không có giờ Hán tự nữa.
Dạo đó có hai, ba người con trai cùng lớp hay đến nhà tôi học bài chung. Tôi cũng nói cười lớn tiếng như họ. Cô tôi thường gọi vào phòng trong và nhắc: “Em nói lớn quá. Con gái phải ăn nói nhỏ nhẹ một chút.” Tôi dạ dạ nhưng nghĩ bụng mấy thằng bạn học cùng lớp chứ có phải ai xa lạ đâu! Hồi ấy chị tôi, Hoàng thị Yến Chi, đổi qua ban C nên học chung với tôi. Chị hơn tôi ba tuổi, vẫn coi tôi trẻ con và vẫn để ý chăm sóc. Ngày ngày chị vẫn ôm sách vở đến trường cho tôi như hồi còn ở Đồng Khánh. Chị thừa hưởng chiếc xe đạp nhôm của Ba nên chị về nhà ăn cơm trưa, còn tôi thì ở lại trường. Một hôm, ăn cơm xong, tôi và bạn Hoàng Yên Chi (gấn giống tên chị tôi) đang đi đi lại lại dọc hành lang để học bài, bỗng nghe mấy người con trai xì xào: “Dữ, dữ, con gái gì mà dữ quá. Không ưng thì thôi, lại đi mách Hiệu Trưởng.” Lúc đầu tôi cũng không để ý nhưng sau hễ thấy chúng tôi đến gần thì họ lại xì xầm. Tôi quay sang Yên Chi: “Họ nói ai vậy? Có phải họ nói Yên Chi không?” Yên Chi ngần ngừ rồi nói: “Vậy Quỳnh Hoa thật sự không biết? Tụi nó nói Quỳnh Hoa đó.” Tôi ngẩn ngơ. Yên Chi vội vàng giải thich là có một xừ trong lớp viết thư cho tôi và gởi bảo đảm về trường, bị ông Hiệu trưởng kêu lên la rầy. Anh chàng tưởng tôi mách nên hậm hực lắm, kể hết với mọi người. Tôi ức quá chạy vào lớp vừa khóc vừa phân bua là tôi không hay biết gì cả và lớn tiếng yêu cầu Yên Chi dạy cho tôi cách chửi thề để chửi cho hả giận. Yên Chi vốn có tiếng chanh chua hay chửi thề. Lúc ấy sắp đến giờ vào lớp. Chị tôi vừa bước vào cửa, thấy tôi bù lu bù loa, vội la lớn: “Ai chọc nó khóc vậy?” Mấy người con trai vội vàng: “Không ai chọc ghẹo gì đâu, vì hiểu lầm thôi,” rồi hướng về tôi năn nỉ: “Thôi đừng khóc nữa. Như vậy là biết oan rồi. Thầy sắp vào lớp rồi, đừng khóc nữa mà tụi tôi bị la.” Chị tôi cùng mấy bạn gái dìu tôi ra bến Thừa Phủ rửa mặt. Đó là lần đầu tiên trong đời – và chắc cũng lần cuối – tôi khóc trước đám đông. Ngày hôm trước, ông Hiệu Trưởng, thầy Huỳnh Hòa, kêu tôi lên và biểu ký vào sổ biên nhận để lãnh một bức thư bảo đảm. Nhưng thầy không đưa thư cho tôi mà lại xé phong bì lấy thư ra. Vừa xé thầy vừa nói: “Ngoài phong bì thì để tên một học sinh Đồng Khánh nhưng thầy nghi lắm, để thầy coi trước.” Khi thấy nội dung bức thư, thầy phán: “Thôi, chị khỏi đọc, về lớp đi.” Và tôi bước ra khỏi phòng vui mừng vì cứ tưởng bị la, bị phạt gì. Tôi cũng không thắc mắc ai là tác giả bức thư, sao lại gởi bảo đảm. Tôi chưa hề nhận thư bảo đảm nên cũng ú ớ. Vân và Nguyệt lo sợ giùm khi tôi bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng và mừng rỡ thấy tôi trở về lớp tươi cười. Tôi cũng chỉ nói là có ai gởi thư bảo đảm nhưng thầy Hiệu Trưởng đọc rồi giữ luôn lá thư. Thầy Huỳnh Hòa cũng ở Kiệt Hai Âm Hồn, xế cửa nhà tôi và biết gia đình tôi. Chắc vì vậy mà Thầy không cho tôi đọc lá thư tình ấy. Khi tôi kể chuyện cho cô tôi nghe (cô Kim Cúc) thì cô mới cho hay là hồi tôi còn học ở Đồng Khánh, cũng có nhiều cậu viết thư về trường nhưng cô Tham tôi (bà Tổng Giám thị trường Đồng Khánh) xé thư hết. Bà nói với cô Cúc: “Nó còn non nít. Đừng cho nó biết!”
Hồi ấy, Quế Hương, Võ thị Nguyệt, và tôi được con trai gán cho biệt hiệu là ‘Ba Cái Frigidaire’. Chắc tại chúng tôi không trả lời thư ai, không hẹn hò với ai, mà cũng không biết thẹn thùng e lệ nghiêng nón nhìn trộm ai. Còn con tim của Ngô Vân thì đã bắt đầu biết thổn thức rồi, nhưng thổn thức một cách ngây thơ vô tội vạ. Ai đời, gần 20 tuổi rồi mà “ăn một mâm ngồi một chiếu” là lo sợ mang bầu mà không dám hỏi ai! Nhà Vân có làm một cái chòi sau vườn, giới trẻ thường lên đó trải chiếu ngồi ăn cơm cho mát, mới có vụ ngồi cùng chiếu. Mấy năm sau gặp nhau tại Đại học Sư Phạm, Sài Gòn thì Vân cưới chồng rồi.
Có nhiều buổi đẹp trời, ba đưa chúng tôi đã đến cổng trường nhưng quyết định trốn học, lên chùa Sư Nữ chơi. Chúng tôi mượn một chiếc chiếu, ra vườn sau trải chiếu dưới bóng mát của cây nhãn, vừa nằm nói chuyện gẫu vừa nghe kinh. Trưa được ăn bữa cơm chay thanh đạm mà sao ngon quá. Chúng tôi kháo nhau nếu ăn chay mà ngon như thế này thì chắc tụi mình tu được. Nguyệt lắc đầu: “Nhưng phải dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày để tụng kinh thì chắc dậy không nổi đâu.” Mỗi khi nói chuyện đi tu thì tôi nhớ chị Chi tôi. Chị thường nói: “Tau đi tu được, dậy sớm tụng kinh cũng được, ăn chay cũng được, nhưng lâu lâu cho ăn dĩa bánh bèo.” Chị thích bánh bèo, thích ăn bún lá với nước mắm ớt tỏi chanh, thích chè. Ngày nào đi chợ về, chị người làm cũng mua cho chị một tô chè trôi nước. Chị khỏe mạnh nên ăn uống dễ dàng, người có da có thịt. Còn tôi thì cứ èo ọp vì không ăn được, không ngủ được với cái nóng của Huế, cỏm rỏm chỉ 35 kí-lô. Chị vẫn thường trêu: “con T (tên cúng cơm) không cần mặc soutien. Hắn có chi mô mà nịt!” Tôi trả đũa ngay: “Còn mập như chị thì không anh chàng nào có thể nhớ chị mà hát: “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy…” và chị tức lắm, đuổi tôi chạy cùng nhà. Ước chi chúng tôi có thể sống lại những chuỗi ngày êm đềm ấy.
Khi tôi lên đệ Nhị thì chị tôi đi lấy chồng. Rõ ràng chị lấy người chị chọn, vậy mà ngày rước dâu chị khóc quá, chắc là điềm không hay. Khi đưa dâu về đến nhà trai, bà mẹ chồng dẫn chị vào phòng tân hôn rồi khóa cửa phòng và bỏ chìa khóa vào túi bà. Hỏi thì bà nói phong tục xưa là vậy, cô dâu không được phép ra tiếp khách. Đến khi họ nhà gái ra về, bà mới mở cửa phòng để chúng tôi chào chị. Chị níu áo tôi khóc ngất làm tôi cũng nức nở và bực mình gắt: “Ai ép chị đi lấy chồng đâu mà khóc quá vậy. Hay chị đi về nhà với tụi em đi.” Bà mẹ chồng vội vàng kéo tôi ra khỏi phòng và khóa cửa lại. Bà rất quý chị nhưng bà quá cổ lổ sĩ nên chị tôi khổ.
Ba tôi nhát gan không cho chúng tôi đi tắm sông. Tôi năn nỉ người anh họ, anh Bửu Trí, xin giùm. Anh Trí bảo đảm sẽ tập cho chúng tôi bơi và chăm sóc chúng tôi cẩn thận. Thế là những ngày nghỉ học, một đoàn gồm Diệu Tâm và các anh của Tâm, Diệu Hạnh – là fiancée của anh Trí hồi ấy – anh Trí, chị Yến Chi và tôi sáng sớm đạp xe về Cồn tập bơi. Ở bên Cồn, nước cạn mà sạch. Mấy anh là thầy dạy. Tụi con gái chúng tôi không ai biết bơi. Sau một thời gian ngắn thì ai cũng biết bơi trừ tôi! Diệu Hạnh chỉ bơi brass thôi, mà lạ một điều là cô nàng không hề ướt tóc vì lúc nào cũng ngóc đầu lên khỏi mặt nước, bơi đi bơi lại hoài không mệt. Diệu Hạnh nói không bơi crawl được vì không thở dưới nước được. Chị Chi tôi cũng học rất nghiêm túc. Diệu Tâm bơi được cả brass lẫn crawl. Tôi không muốn ướt tóc nhưng không thể nào ngóc đầu lên như Diệu Hạnh được nên đành tập bơi crawl, nhưng làm biếng tập thở nên thường hay nằm yên trên phao rồi nhờ mấy anh đẩy đi chơi! Sau này sang Mỹ, tôi có học bơi ở YWCA mà cũng chỉ bơi được hết chiều dài của hồ bơi thôi. Hơn 50 năm qua rồi mà những hình ảnh ấy vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ tôi. Chị tôi đã từ giã chúng tôi nhiều năm rồi. Cô Cúc tôi và anh Bửu Trí cũng ra đi từ lâu. Nghe đâu người con trai viết thư bảo đảm cho tôi năm đệ Tam cũng không còn. Bạn Diệu Hạnh thì mới phiêu diêu miền vĩnh cửu năm rồi (1998). Sau khi rời trường Khải Định, tôi được dịp về thăm Huế năm 1965. Diệu Hạnh đã chở tôi và Nguyệt đi chơi suốt một ngày.
Tôi bị sốt thương hàn cuối hè năm đệ Nhị. Khi tựu trường năm đệ Nhất, ông Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Hai giao cho tôi tổ chức buổi lễ chào cờ có Tổng Thống Ngô Đình Diệm tham dự. Ông nói: “Tôi biết chị chưa được khỏe lắm, chị đừng ra sân, chỉ ghi xuống họa đồ chỗ đứng của các lớp thôi.” Nhưng tính tôi cẩn thận và thấy không mệt nên muốn ra sân xem lại lần cuối trước khi Tổng Thống đến. Vừa ra giữa sân thì trời bắt đầu đổ mưa và mưa thật lớn. Về nhà hôm đó tôi bị sốt lại. Thầy Hai cho ban Xã Hội đem cam tới thăm và rất ân hận vì lo cho công tác của Thầy mà tôi bị relapse. Tôi không trách Thầy, chỉ nghĩ là số bị bệnh thì đành chịu thôi! Và tôi phải nghỉ học gần nửa năm. Khi đã khỏe, tôi xin đi học lại vì ở nhà buồn quá. Ba tôi bắt hứa là đi học cho vui nhưng không được học bài! Tôi còn nhớ giờ Lý Hóa của thầy Tôn Thất Tắc, tôi không hiểu bài, đặt câu hỏi thì Thầy bảo: “Thôi, chị mới đau dậy, tôi có giảng chị cũng không hiểu đâu.” Và Thầy không giảng!
Bài luận triết đầu tiên của Cha Luận tôi không biết làm. Một anh bạn cùng lớp tận tình chỉ cho tôi cách học và cách làm bài. Bài luận triết học đầu tiên ấy tôi được 14 điểm. Có một mầm non văn sĩ mà tôi quên tên rồi chỉ được một điểm. Anh lên kiện Cha nói làm sao mà điểm giữa hai bài có thể chênh lệch như vậy. Cha cho đọc hai bài cho cả lớp nghe. Bài của tôi không văn hoa nhưng lý luận gãy gọn. Bài của ảnh thì văn chương bay bướm nhưng không vào đề. Chúng tôi học ban C, ngày nào cũng có hai giờ Triết, khô khan buồn ngủ lắm. Chúng tôi mới tìm cách đi chơi. Tôi xin Cha đi ra ngoài, lần lượt Vân và Nguyệt cũng xin ra. Ba đứa chúng tôi qua trường Đồng Khánh ăn bánh bột lọc, bánh bèo, đậu hũ của chị Bụi. Một thời gian sau thì Cha cũng biết nhưng không rầy la gì. Khi tôi xin ra khỏi lớp Cha cũng cho, nhưng khi Vân lên xin ra thì Cha nói chờ QH vào đã, và tôi chờ mãi không thấy ai ra thì cũng biết cơ mưu bại lộ nên đành trở vào lớp thì thấy Cha cười tủm tỉm. Thế là từ đó không được đi ăn quà nữa.
Những năm tháng cuối cùng ở Khải Định thật êm đềm. Tôi không lo lắng gì chuyện thi cử, chỉ đi học cho vui thôi. Các thầy ở trường cũng không bắt làm bài. Cha Luận hay cho tiền ăn kẹo. Gần cuối năm, mấy anh con trai xúi chúng tôi xin tiền Cha đi ciné Cha cũng cho. Tôi còn nhớ mấy ông chọn phim ‘Salaire de la peur’. Phim quá hồi hộp làm bọn con gái chúng tôi sợ quá, nhắm mắt không dám xem! Khi ra về, chúng tôi rủa mấy ông quá. Mua vé vào rạp để sợ hãi hai tiếng đồng hồ, thật là dại.
Đến kỳ thi Tú tài Hai, tôi cũng nộp đơn đi thi vì thi viết chỉ có ba bài luận văn: một Pháp, một Anh và Việt (Triết). Vào phòng thi hứng chí hay sao mà tôi làm được ba bài luận văn suông sẻ và đậu đợt thi viết. Nguyệt cũng đậu. Hai đứa chúng tôi đi tìm xin Maxiton uống để thức học bài thi vấn đáp. Cả đời học trò của tôi, tối hôm ấy tôi uống viên thuốc thức ngủ lần đầu. Tôi ở lại nhà Nguyệt. Ăn tối xong thì hai đứa quyết định mỗi môn chỉ học một bài thôi và sẽ thức suốt đêm. Đến chừng một giờ rưỡi khuya, chúng tôi ra sân định rửa chân tay cho mát thì thấy chuột chạy, sợ quá hai đứa vào phòng đóng cửa ngủ luôn! Chín giờ sáng hôm sau, mẹ Nguyệt – là bà của tôi vì là em ruột bà nội tôi – đấm cửa phòng bảo: “Hai đứa không sửa soạn đi thi sao mà giờ này còn ngủ.” Và chúng tôi chạy vội đến trường. Năm đó, chắc tử vi tôi có sao hóa khoa, hồng hỷ hay sao mà vào môn nào thầy cũng hỏi đúng bài tôi mới học. Thế là tôi đậu luôn kỳ thi vấn đáp. Nhưng đậu rồi thì lại gặp rắc rối là Ba không cho đi Sài Gòn học đại học vì chưa được khỏe lắm, cần tỉnh dưỡng thêm. Ba phán nếu không muốn ở nhà thì ghi tên học Dược vì năm dự bị (stage) có thể học tại Bệnh viện Huế. Tôi đành ghi tên để đi học cho vui thì gặp Lê Liên cũng học stage ở nhà thương. Hình như có Hoàng Thị Hạnh nữa vì ba chúng tôi có chụp chung một bức hình năm đó. O Nguyệt cũng bị ép học Dược nhưng phải vào Sài Gòn. Hồi đó tôi không biết Lê Liên đã phải lòng thầy Phò. Hai người chắc cũng đã toan tính gì rồi nên Liên cũng không chú ý đến việc học mấy. Ngày ngày Liên đạp xe vào nhà tôi trong thành nội. Nếu đẹp trời thì hai đứa đạp xe qua nhà thương, thay áo trắng, pha pha chế chế dưới sự chỉ dẫn của chị Tôn Nữ Hà, dược sĩ trưởng phòng. Hôm nào trời mưa thì hai đứa chui vào chăn ấm nói chuyện gẫu. Có mấy lần Lê Liên có vẻ muốn tâm sự, nhưng cứ rào trước đón sau: “Không biết tau có nên nói cho mi nghe chuyện ni không. Mi phải thề giữ kín…” và tôi sợ không giữ kín được nên gạt phắt: “Nếu mi sợ rứa thì đừng nói. Tau cũng không muốn biết chuyện bí mật của mi.” Vì vậy mà tôi không hay biết gì về chuyện yêu đương giữa thầy và trò. Tôi và Lê Liên cùng vào Sài Gòn để thi cuối năm nhưng Lê Liên đã bỏ về Huế trước kỳ thi để lo đám cưới!
Chắc bạn đọc thắc mắc tại sao tôi lại chọn đầu đề “Khải Định Nịnh Đồng Khánh”.
Hồi còn học ở Đồng Khánh, chúng tôi thường trêu các chú, các anh bà con học Khải Định rằng chúng tôi oai hơn vì Đồng Khánh là cha Khải Định! Thì mấy ông la lên: “Oai gì! Đồng Khánh (tức học trò Đồng Khánh) gánh cứt trâu.” Nói cho có vần chơi thôi, tiếng Mỹ gọi là nonsense rhyming mà con nít thường nói. Chúng tôi cũng không chịu thua nói lại liền: “Khải Định nịnh Đồng Khánh. Khải Định nịnh Đồng Khánh.” Và từ đó hễ nghe tên hai ngôi trường này là tôi không thể nào không nghĩ đến hai vế theo sau. Khải Định đi liền với Đồng Khánh cũng như Chu Văn An đi liền với Trưng Vương và Gia Long đi liền với Petrus Ký vậy.
Cám ơn Ngô Vân đã gọi điện thoại, viết thơ, giục tôi đóng góp bài vở cho anh Nhâm nên tôi phải viết cho bạn vui, và nhờ thế, tôi có dịp nhớ lại những kỷ niệm xưa, những năm tháng không lo âu ở thành phố Huế, thành phố của hằng ngàn, hằng vạn cựu học sinh Khải Định và Đồng Khánh.
Hoàng thị Quỳnh Hoa
Hoàng thị Quỳnh Hoa
TỪ CÔ GIÁO GIA LONG ĐẾN MS. YANG
Phần nhiều cựu giáo sư và học sinh Gia Long bắt đầu cuộc đời tỵ nạn từ tháng Tư, 1975. Riêng tôi thì cuộc đời tỵ nạn bắt đầu từ tháng Giêng 1968. Mời các bạn và các chị em xem hồi ký viết cho Đặc San Gia Long Miền Đông năm 1996 để biết tại sao tôi phải tỵ nạn sớm hơn ai hết! Tuy bài viết đã 20 năm tuổi nhưng những ngày vui ấy, những kỷ niệm êm đềm dưới mái Trường Gia Long càng ngày càng quí báu hơn với tuổi đời chồng chất.
Dường như Đại Hội Gia Long Thế Giới (ĐHGLTG) năm nào tôi cũng có tham dự trừ năm 2005 ở Texas và 2009 ở Âu châu. Và năm nào tôi cũng gặp lại một vài em GL ngày xưa đã học Anh văn hay Việt văn với tôi. Chắc các em không biết tôi vào Gia Long năm 1958 và dạy Việt văn, Sử Địa lớp Đệ Lục. Đặc San ĐHGLTG 6 (Úc) có nói đến việc tôi dạy Đệ Lục B7 thế cô Tố Tâm. Tôi không biết chuyện này, chỉ nhớ khi tôi học luật năm thứ Hai thì được dạy giờ (10 giờ một tuần) ở Gia Long. Lần đầu đọc chính tả giọng Huế rặc làm các em người Nam không hiểu nên không viết được, có nhiều em mếu máo làm tôi cũng hoảng. Nhưng không lâu sau đó thì các em cũng quen với giọng Huế của tôi và vui vẻ học hành.
Tôi còn nhớ một lần trong giờ Việt văn, tôi đọc lớn tiếng bài “Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mạc Tử,” khi đọc xong, cả lớp im phăng phắt làm tôi cũng chới với, không biết chuyện gì nữa đây. Khi thấy tôi ngơ ngác nhìn, các em vội nói, “Hay quá cô ơi. Xin cô đọc lại!” Các em nhỏ thật dễ thương. Chỉ một tháng sau là tôi nghỉ dạy, khi bắt đầu vào Đại Học Sư Phạm. Vậy mà cũng có em còn nhớ cô giáo Việt văn Đệ Lục.
Năm 1999, tôi sang Paris chơi gặp em Ngọc Dung biệt danh Ngọc Dung Tóc Trắng vì chưa già mà tóc em bạc trắng hết. Em mừng rỡ nhận ra cô giáo một tháng của em. Năm 2013 thì thấy em Brenda Dzung Abne viết một giai thoại của lớp Đệ Lục B7 tặng tôi & cô Tố Tâm trong Đặc San ĐHGLTG của Úc Châu. Năm ngoái, 2015, ở ĐHGLTG7 ở Washington DC có em Đặng Vũ thị Thảo từ Việt Nam sang, ngồi cùng xe đi du ngoạn, cũng nhớ lại đã học với cô giáo người Huế năm xưa ở Đệ Lục. Thật vui là sau hơn nửa thế kỷ vẫn có học trò nhớ mình, những học trò bây giờ là bà nội bà ngoại cả. Cũng ở đại hội 2015 có mặt em Trần Thu Phượng ở Milpitas, CA, Đệ Nhất C niên khóa 65-66, Lý Ngọc Cẩm ở Los Angeles, CA, Đệ Nhị A4 chắc là niên khóa 62-63 vì em còn nhớ có cắt hình tôi trong báo, hình chụp ở phi trường Tân Sơn Nhất cùng với các bạn được học bổng Fullbright sắp lên máy bay năm 1963. Một em nữa, Đỗ Anh, đã học với tôi hai niên khóa, Đệ Nhị B2, 1961-62 và Đệ Nhất C, 1962-63. Gia đình em hiện cư ngụ tại Minesota. Em cho tôi xem hình xưa khi tôi sinh hoạt với các em ở trường, đi du ngoạn, đi từ thiện, v.v. và hứa sẽ copy gởi cho tôi sau, nhưng tiếc quá bây giờ không liên lạc được. Còn một chuyện vui ngoài lề Đại Hội 7 là có một em GL tưởng tôi là học trò. Chiều hôm dạ tiệc, tôi và cô Di đi tìm mua đồ lưu niệm, một em GL vỗ vai tôi thân thiện hỏi, “Chị ra trường năm mấy?” Tôi khựng một giây rồi trả lời, “Năm 61” và mấy em GLMĐ ngồi ở bàn tiếp tân bụm miệng cười! Tôi vội nói, “Năm 61 cô vào dạy GL!” Em ấy xin lỗi mãi nhưng tôi rất vui vì được tưởng là học trò.
Hy vọng mùa thu sang năm còn khỏe để tham dự ĐHGLTG8 có dịp gặp lại các bạn và các học trò từ khắp nơi về, và để được cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp bất hủ của Rừng Phong ở Montreal. Bây giờ xin mời các chị em theo dõi câu chuyện cô giáo Gia Long chạy loạn từ Saigon đến Hoa Thịnh Đốn và bị đổi tên!
Ms. Yang
Tôi đang uống trà nói chuyện gẫu với giáo sư ở Teacher’s Lounge thì có phone của văn phòng cần gặp Ms. Hoàng. Vừa bước ra hành lang thì thấy có hai cha mẹ người Việt bước tới. Người đàn bà với giọng quan hoài:
– Ủa cô Hoàng. Cô té hay sao mà…
– Không phải đâu. Cảm cúm mấy hôm rày, chùi mũi quá trời bị trầy thôi.
Người đàn bà nói tiếp:
– Chúng tôi vừa đem cháu Phú trình diện bà Hiệu Trưởng…
Tôi ngắt lời:
– Văn phòng làm khó dễ anh chị à? Tôi tưởng anh chị đã báo cho trường biết trước khi đem cháu về Việt Nam ăn Tết?
– Dạ thưa không. Vợ chồng tôi chỉ muốn gặp thăm cô vì không có dịp chào cô trước khi đi. Hôm nay cháu đi học lại, chúng tôi muốn trước là trình diện văn phòng, sau là thăm và cám ơn cô đã dạy dỗ cháu mấy năm nay…
Người đàn ông bất chợt bước tới giơ hai tay nắm chặt tay tôi và nói với một giọng xúc động:
– Cô ơi! Ba năm trước, vợ chồng chúng tôi đem cháu đến trường cũng nhờ cô giúp đỡ chỉ dẫn làm thủ tục giấy tờ, cô thật tươi, thật trẻ, mà bây giờ thấy cô mệt mỏi…
Tôi khựng lại một giây rồi vội vàng an ủi:
– Cám ơn anh quan tâm. Tôi không sao. Cảm cúm mấy tuần nay, ho quá chừng, không ngủ được nên thần sắc hơi xuống, chứ cũng chưa già lắm đâu. Cháu về Việt Nam vậy là đã một tháng rồi à?
– Vâng, thưa cô. Thời gian qua mau thiệt. Lụi hụi mà chúng tôi qua đây cũng được ba năm rồi. Nói cô mừng, chúng tôi cũng dành dụm đủ tiền để đem cháu về thăm bà ngoại. Cháu thích lắm và đòi về nữa.
Câu chuyện đến đây thì họ chào ra về vì đến giờ tôi có lớp. Tôi nhìn theo và lấy làm cảm động khi thấy phụ huynh Việt Nam vẫn dành một kính trọng đặc biệt đối với thầy cô của con mình. Cách đây bốn năm lúc mới trở lại nghề gõ đầu trẻ sau khi rời trường Gia Long cuối năm 1967, mẹ của ba đứa trẻ Việt Nam khệ nệ mang một bịch cam đến lớp biếu tôi trước ngày nghỉ hè. Lớp tôi ở trên lầu ba, chị phải leo năm mươi hai bậc thang! Tôi la lên:
– Chị xách bịch cam này đi bộ từ nhà đến à? Rồi leo lên lầu ba nữa.
Chị cười, nói:
– Tôi thấy cam tốt quá, cô dùng cho mát. Sang năm không biết cô có trở lại trường này không.
Tôi cảm động hết sức. Ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day), chị Vân mua thiệp biểu ba đứa con ký vào đem đến cho tôi và mấy bà giáo Mỹ, cái Mother’s Day card đầu tiên trong đời tôi.
Tôi du học Hoa Kỳ năm 1963. Khi xong chương trình MA vào mùa đông 1964, giáo sư cố vấn khuyến khích ở lại học PhD và đã giúp tôi xin được assistantship của trường. Dr. Karl Reuning qua Hoa Kỳ tỵ nạn Hitler nên ông rất chán ghét cuộc chiến tranh quốc cộng ở Việt Nam. Khi tôi đổi ý đòi về. Ông nói: “You về cái địa ngục trần gian ấy làm gì?” Học thì thích nhưng viễn ảnh phải ăn cơm một mình trong hai năm nữa thấy buồn quá. Tôi không đi date, không có bạn trai, bạn gái thân ngoài cô Phaya người Thái Lan, lúc nào mặt mày cũng buồn chảy ra vì đói (cô không ăn được cơm Cafeteria), còn có thêm mấy cô sinh viên Trung quốc hiền lành và mấy cô undergrad Việt Nam tếu nhộn. Cuối tuần thì Mom Salmon đón về nhà nấu cơm Việt ăn và coi football với Dad. Cũng có nhiều chàng Mỹ, sinh viên ngoại quốc rủ đi date nhưng tôi sợ lắm, không dám đi chơi. Mom Salmon hỏi:
– Bộ con trai Việt Nam mù hết hay sao mà you còn rảnh rỗi đến bây giờ?
– Họ không mù đâu Mom ơi. Tại con điếc!
Mom Salmon là Chairman của Hospitality Committee phụ trách việc tìm A Home-Away-From-Home cho sinh viên ngoại quốc. Tôi có liên lạc thư từ với bà từ khi còn ở Việt Nam. Khi đón tôi ở phi trường, bà ôm tôi tuyên bố: “You are mine!”
Mùa hè 1965 tôi trở về Việt Nam, ông Đỗ Bá Khê, Tổng thư ký của Bộ Giáo Dục hỏi có muốn dạy đại học không nhưng tôi xin được trở về Gia Long, vì nhát gan không muốn đụng độ với nam sinh viên ở đại học. Sau hai năm làm Đại sứ xứ người – sinh viên du học được coi là Good Will Embassador của nước mình – tôi đã dạn dĩ hơn, cởi mở hơn.
Tôi coi học trò như bạn. Tôi thường nói với các em Đệ Nhất: “Cô coi các em là người lớn, là chị cả của trường. Sang năm các em phải chọn một nghề, hay chọn làm vợ, làm mẹ. Cô sẽ không kiểm soát tập vở hằng ngày. Các em phải nhắc nhở nhau học hành. Học thầy không tầy học bạn. Cô sẽ chia lớp ra nhiều toán và chỉ định một toán trưởng có trách nhiệm giúp các bạn trong toán mình. Câu hỏi nào toán trưởng bí thì hỏi cô. Nếu bất chợt cô xem tập mà em nào không soạn bài thì toán trưởng sẽ lãnh một con zero.” Tôi biết không thể nào theo dõi được 60 học sinh trong một lớp, mà học sinh cũng thích được phân chia như vậy, vì có nhiều em quá kém không dám dơ tay hỏi giáo sư trong giờ học. Tôi phấn khởi thấy học trò siêng năng chăm chỉ. Các em còn xin thêm bài tập cuối tuần. Tôi ngạc nhiên bảo: “Hồi còn đi học, cô chỉ mong giáo sư quên cho bài làm. Nay các em lại xin thêm, cô phục quá. Được, cô sẽ cho đề tài luận mỗi tuần để các em tập viết cho quen nhưng cô không chấm hết được đâu. Cô chỉ bốc thăm và chấm bài một toán thôi. Nếu có người không làm bài thì toán trưởng chịu trách nhiệm.” Mấy tháng êm đềm trôi qua. Một hôm tôi tuyên bố muốn xem tập. Người thứ nhất quên làm bài, người thứ nhì quên tập, người thứ ba, thứ tư cũng quên! Cả lớp im phăng phắc. 120 con mắt nhìn lên bục giáo sư. Tim tôi đập mạnh, máu chạy rần rần lên mặt. Tôi chỉ cầu mong em kế tiếp có làm bài để tôi có thể cho thông qua mục khác. Mấy học trò giỏi ngồi đầu bàn năn nỉ xin được đem tập lên nhưng tôi giận quá khoát tay không cho đứng dậy và tôi cũng yên lặng nhìn xuống, không dám gọi tên ai nữa. Mấy toán trưởng rục rịch ra hiệu cho cả lớp đứng dậy xin lỗi, tôi cũng không cho và đang lúng túng không biết phải làm gì thì hồi chuông ra chơi vừa đổ (Saved by the Bell!), tôi vội ôm cặp bước nhanh ra khỏi lớp. Vào phòng giáo sư rồi, tôi vẫn còn run. Vài phút sau, chị Diệu Lan (GS Pháp văn mà cũng là GS cố vấn của lớp đó) bước vào hỏi: “Quỳnh Hoa, toa làm gì mà tụi nó sợ quá vậy? Tụi nó nhờ mình xin lỗi.” Tôi kể cho chị nghe mà giọng còn run. Chị nói: “Tụi nó ân hận và đau khổ lắm. Thôi tha cho tụi nó đi.” Tôi cười: “Không tha thì làm gì nhau, nhưng lúc ấy tôi giận gần muốn khóc nên không mở miệng la mắng được.” Mấy hôm sau, tôi được thơ của một em ngồi bàn đầu. Em viết, “…tụi em thầm cầu nguyện cô kêu tụi em hay chị nào có soạn bài để cô bớt giận, nhưng làm như cô biết ai không soạn bài, vì từng người, từng người lờ đờ đứng dậy. Đến người thứ năm vẫn không soạn bài! Nước mắt cô đã lưng tròng. Lạy trời cô đừng khóc. Em biết cô không muốn khóc. Cô la, cô mắng thế nào cũng được nhưng xin cô đừng khóc!” Tôi chỉ nhớ chừng đó và Tết năm nay, khi kể cho học trò lớp Năm (5th grade) nghe kỷ niệm này tôi vẫn thấy nghẹn ở cổ. Tôi cười khi Hoa Lê (tên cúng cơm của em là Lê thị Mai Hòa) nói: “Coi, cô sắp chảy nước mắt kìa!” Tôi đã cất kỹ bức thư chân tình đó, muốn cho con cháu tôi hình dung được bóng dáng thân yêu của cô học trò Gia Long cũ sau này. Tiếc thay, biến cố 75 đã thay đổi tất cả, ngay cả tên cô học trò dễ thương tôi cũng không nhớ. Chắc bây giờ cô đã có cháu nội, cháu ngoại rồi.
Năm đầu ở Gia Long (niên khóa 1961-62), tôi hay mặc áo trắng, không son phấn và ít cười. Mới đây, một cô hoc trò cũ nói với tôi rằng: “Hồi đó, trông cô thật lãng mạn trong vẻ buồn đài các.” Tôi thật ngạc nhiên, không ngờ học trò quan sát thầy kỹ vậy. Sự thật thì tôi buồn vì chị tôi mới mất và hai con nhỏ của chị bị bà nội đưa về Huế.
Tôi được bổ nhiệm về trường Gia Long sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Từ đó lối xóm (Cư Xá Nông Tín ở đường Trương Minh Ký) cho tôi một tên gọi mới “Cô Giáo Gia Long”. Hồi ấy, tôi không để ý tại sao có sự thay đổi ấy. Về sau, tôi đoán có lẽ họ gọi như vậy vì kính trọng và yêu mến nghề dạy học. Một hôm, mẹ Vân Nga (hàng xóm mà cũng là mẹ của một người bạn đồng khóa) cho đem qua nhà tôi một đĩa xôi và nửa con gà.
Hôm sau, tôi sang chơi, bác cười hỏi:
– Cô giáo ăn xôi gà của người ta rồi. Bây giờ tính sao đây?
Tôi hoảng quá:
– Xôi gà bác cho mà!
– Không phải của bác đâu, của cậu X nhờ bác biếu cô đó.
Cậu X là bạn học. Anh hiền lành, ít nói và nghe đâu anh trồng cây si từ năm thứ nhất nhưng không hề nói năng câu nào.
Nhìn lại thì thấy những ngày ấy là những ngày sóng êm gió lặng nhất của ‘Cô Giáo Gia Long’ ở Trương Minh Ký cùng nhiều kỷ niệm dễ thương với học trò, đồng nghiệp và mấy bà giám thị. Thuở ấy, ba tôi thường đưa rước mỗi ngày. Bà giám thị coi cổng trước cứ xua tay đuổi mỗi khi thấy tôi đi bộ vào vì cổng trước chỉ dành cho học sinh đi xe đạp. Bà tưởng tôi là học trò! Khi có cô học trò hàng xóm quá giang thì ba tôi ngừng xe ở cửa hông đường Đoàn Thị Điểm. Có một hôm, hồi chuông thứ hai vừa đổ, học trò phải đứng lại chờ chào cờ. Tôi vẫn tiếp tục đi. Một bà giám thị la ơi ới: “Này trò kia đứng lại!” nhưng tôi vẫn tiếp tục bước vì không biết bà gọi mình. Tôi nghe tiếng học trò nhao nhao: “Giáo sư đó!” Về sau, bà tìm tôi năn nỉ: “Tội quá cô ơi. Xin cô đừng mặc áo trắng.” Một lần khác, tôi cũng mặc áo trắng, đang đứng trước cửa lớp với học trò chờ chào cờ thì một bà giám thị bước tới nhìn áo tôi rồi mắng mỏ: “Chị này sao không mang huy hiệu?” Tính tinh nghịch học trò tự nhiên vùng dậy, tôi đáp không suy nghĩ: “Thưa bà, em quên.” Và đám học trò tôi tay che miệng, tay ôm bụng nhịn cười.
Có một năm, tôi đi coi thi Tú Tài Hai. Lúc bước vào phòng thi thì đã có một nam giáo sư ngồi ở bàn. Anh đứng dậy nhường chỗ cho tôi. Tôi nhìn theo anh đi xuống cuối phòng mà ngẩn ngơ. Sao lại có chuyện lạ thế này! Mặt anh thì giống anh chàng mắc dịch kia – người hỏi tôi làm vợ mà tôi đã giận và chia tay sáu năm trước – mà lại cùng tên với anh chàng mắc dịch nọ mà tôi cũng mới vừa giận lẫy! Mấy ngày sau, một bà giám thị kể cho tôi nghe: “Cô biết hông. Cậu X, con bà Tám (một bà giám thị) trường mình gặp cô ở phòng thi về nhà nói với bả: “Má cưới cô Quỳnh Hoa cho con!” Bà tìm xem mặt cô và thích lắm nhưng đến khi xem lý lịch thì bà xìu. Bà nói: “Con à, cô Quỳnh Hoa dễ thương, má chịu lắm, nhưng cô lớn hơn con mấy tuổi. Bây giờ thì được, nhưng sau này có con, đàn bà mau già, lỡ mà con mơ mộng người trẻ hơn thì tội cổ.” Hai mươi bảy năm sau, không biết là duyên hay nợ, tôi gặp lại anh chàng mắc dịch kia, là “Thầy Dượng” bây giờ, tên dân Gia Long ở Houston gọi khi chúng tôi gặp các em ở nhà Lã Yến mùa hè 1994 để phân biệt với thầy Thuần, thầy Thoại. Tôi hỏi nhà tôi có biết anh chàng giống ảnh đó không thì anh bảo: “Ừ, thằng H. Nó học sau anh mấy lớp. Nó giống anh lắm. Nhiều người hỏi có phải em anh không thì nó cũng ừ!”
Mùa thu 1967, bộ Giáo Dục cho tôi nghỉ giả hạn một năm để tôi hoàn thành một công tác giúp sinh viên du học Việt Nam theo lời yêu cầu của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhưng sau biến cố Mậu Thân thì ba tôi lo lắng khuyên nấn ná ở Mỹ, chờ tình hình ở Việt Nam sáng sủa hơn, và cuộc đời tỵ nạn của ‘Cô Giáo Gia Long’ bắt đầu.
Sau 75, tôi may mắn gặp lại cô Kim Oanh ở Virginia. Tôi học đàn tranh với Oanh và thường theo ban Hương Xưa của Oanh đi đây đó cho đến ngày tôi lập gia đình thì không đi trình diễn xa được. Về sau bận bịu thêm nhiều công chuyện làm ăn nên chỉ gặp Oanh qua điện thoại. Ngày sinh hoạt đầu tiên của Gia Long (chợ Tết 1991) Oanh có báo tin nhưng tôi không tham dự được. Về sau khi Gia Long tổ chức tiếp đón cô Phạm Thị Nhung ở Pháp sang thì Oanh nhất định lôi tôi đi. Oanh bảo: “Lần này chị phải đi mới được, trước là thăm chị Nhung (mười năm về trước, Nhung và anh Dương sang chơi. Chúng tôi đưa nhau đi mua cua ở DC về nhà Chu Kim Long nhậu nhẹt), sau là dự buổi thuyết trình về Nét Đẹp Của Người Phụ Nữ Việt Nam Qua Ca Dao. Đi mà xem học trò tổ chức hay ho lắm, công phu lắm. Tôi đã lấy vé cho chị và ông Liễn rồi vì sau đó là ăn tối ở nhà hàng China Garden.” Khi thấy tôi, Kim Oanh nhăn: “Sao hôm nay bà lại mặc đầm! Sao không mặc áo chị Nhung vẽ?” Oanh biết tôi có mua hai áo dài chị Nhung vẽ từ trước. Tôi nhìn quanh, tất cả giáo sư hiện diện và nhiều học trò mặc áo dài do chị Nhung vẽ. Mỗi áo mỗi kiểu, mỗi màu thật đẹp làm tăng thêm vẻ yêu kiều hiền thục của người phụ nữ Việt Nam, làm gian phòng tiếp tân của khách sạn Hyatt Regency sống động hơn với những cô người mẫu tha thướt, như các cô là một phần bối cảnh cho đề tài thuyết trình. Tôi nhìn quang cảnh trước mắt mà thầm phục ban tổ chức và lấy làm hãnh diện mình cũng là một thành phần Gia Long. Cô nào cũng ăn nói lưu loát, thu hút được khán thính giả chú ý nghe. Chị Nhung trông vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn đầy tự tin như những năm xưa. Đến phần trình diễn văn nghệ thì tôi có cảm tưởng mình đang ngồi ở một thính phòng ở Sài Gòn. Các em tập dượt thật công phu, trình diễn xuất sắc không thua gì những văn nghệ sĩ thứ thiệt. Tôi thầm cám ơn Kim Oanh đã kéo tôi đi. Ở China Garden, khi thấy Lý Kim Hà đến ngồi cùng bàn, tôi có dịp khen em đã thành công lớn. Em vui mừng:
– Được không cô? Em mới qua Mỹ mà bị bắt cóc làm trưởng ban tổ chức. Lo quá cô ơi, nhưng mấy chị nói ở đây chỉ mình em là học trò cô Nhung thôi thì phải chịu!
– Gia đình em bây giờ mới đi à? Tôi hỏi.
-Dạ không. Anh Xuân em định cư ở đây lâu rồi. Bây giờ mấy mẹ con em mới được qua đoàn tụ.
Tôi nhướng mắt nhìn cu Bình. Kim Hà cười xòa, vội vàng giải thích:
– Út của tụi em đó. Anh Xuân em làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh sớm lắm, nhưng mãi đến 1990 mấy mẹ con mới có giấy xuất cảnh. Nhưng từ khi bắt đầu đi lại được, năm nào ảnh cũng về thăm. Anh nói nếu mấy mẹ con không xuất cảnh được, chắc ảnh ở lại Việt Nam luôn, ở Mỹ một mình buồn lắm! Và cuối cùng thì mẹ con em cũng được ra đi.
Thằng bé mặt mày sáng sủa, khôn lanh, kết quả của một mối tình chung thủy, hiếm có. Tôi khen Xuân giữ được tấm lòng son sắt ở cái xã hội buông thả đầy cám dỗ này là khó lắm. Kim Hà tiếp:
– Tụi em xa nhau cũng cả bảy năm trước khi ảnh về thăm lần đầu.
– Em cũng còn thua cô. Cô và thầy xa nhau 27 năm!
Và từ đó làm như có một thông cảm đặc biệt giữa tôi và Kim Hà. Và cũng từ hôm ấy, tôi tự hứa sẽ tham gia sinh hoạt Gia Long thường hơn. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Khi Gia Long tổ chức ngày Lễ Mẹ lần đầu năm 1992, tôi không tham dự được. Về sau Kim Oanh báo cáo rằng các em thấy gặp gỡ nhau vào ngày Lễ Mẹ thật có ý nghĩa, nên quyết định chọn ngày này sinh hoạt chung hằng năm để vinh danh mẹ hiền. Và từ đó, mỗi lần Gia Long hội họp là Oanh lại gọi tôi. Cuộc đời của Oanh làm như dính liền với những thăng trầm của nhóm Gia Long. Oanh buồn khi các em có chuyện không vui. Oanh vui khi các em ngồi lại với nhau và hăng say trong những sinh hoạt chung. Oanh năn nỉ tôi đến dự cuộc bầu cử Ban Chấp Hành chính thức tại nhà Quỳnh Khanh tháng 10, 1995. Ngoài mấy giáo sư còn có hai vị niên trưởng là chị Nguyễn Thị Hạnh, chị Rene Bùi Quang Chiêu được bầu vào Ban Cố Vấn. Buồn thay, chỉ hai tháng sau, chị Hạnh qua đời đột ngột để lại một trời thương tiếc cho đàn em. Ngày Lễ Mẹ 1996 sẽ được tổ chức trọng thể tại nhà hàng Thần Tài ở Virginia. Trong dịp này 1000 tờ Đặc San Gia Long 96 – tờ Đặc San đầu tiên của Gia Long Miền Đông – sẽ được trao tặng quan khách, hội viên, gia đình và thân hữu xa gần.
Tôi cũng đi chợ Tết Gia Long một lần. Các em tham gia chợ Tết mỗi năm để gây quỹ giúp đỡ các thầy cô ở VN. Rất nhiều em đã bỏ công, bỏ của, bỏ cả chồng con, thức đêm làm bánh, mứt, chè, cháo, dưa hành, dưa món rồi ra chợ Tết ngồi bán rất vất vả làm mấy ông rể lo lắng xót xa. Bạch Tuyết mách: “Anh Chương em – Chương là em họ của tôi – nói sao không biếu tiền cho đỡ cực!” Thu Anh nổi tiếng về mắm chay và dưa món chay, Kim Hà có món bánh su sầu riêng, Hoàng Oanh có bánh giò, Bạch Tuyết có món nem nướng và còn nhiều món trứ danh khác nữa.
Thầy trò Gia Long cũng hay gặp gỡ trong những dịp vui như tiếp đón GS Đàm Thị Phú ở Minnesota tới, cô Đôn ỏ Pháp qua, cô Đồng ở Bỉ sang, GS Lê Kim Ngân/Thanh Dung ở Canada, v.v. Thầy trò chúng tôi cùng dự đám cưới con cô Phạm Quỵ, con gái GL Minh Phượng, con gái Hoàng Oanh, baby shower cho Băng Thanh và vui nhất là Birthday Party cho cô Kim Oanh tại nhà hàng Viêt Chalet tháng Ba, 1995. Chị trưởng Thu Anh giao cho tôi sứ mạng mang cô Oanh đến mà tuyệt đối giữ bí mật. Tôi biết Oanh ít khi chịu bỏ chùa đi chơi vào trưa Chủ Nhật nên dụ Oanh rằng:
– Ông Liễn năm nay hứng chí sao mà mời mình với Oanh đi ăn sinh nhật – sinh nhật tôi trước Oanh 4 ngày – Oanh về sớm hay muốn mình sang chùa đón?
– Thôi, để tôi sang. 12 giờ tôi đến. Ông bà cứ chờ tôi ở nhà.
Mười hai giờ chưa thấy Oanh, tôi gọi sang chùa. Tiếng Oanh trả lời điện thoại: “A Di Đà Phật!” Tôi bực mình nhưng cũng buồn cười, “Trời ơi, giờ này mà còn ngồi đó A-Di-Đà Phật! Ông Liễn quần áo sẵn sàng rồi, chờ Oanh nãy giờ đó.” Tôi chỉ sợ Oanh đòi đi ăn tối cho rộng rãi thì giờ nên nói thêm: “Ông mời cả nhà chứ không phải mình bồ với tui thôi đâu. Cả nhà đang đợi ở Viet Chalet đó.” Mà cả đại gia đình Gia Long đang chờ thật! Oanh vội vàng: “Ừ, ừ, tôi đi liền đây.” Oanh đến, khệ nệ mang bánh sinh nhật cho tôi và ba món quà của Oanh, chị Định và cô Hồng. Xin cám ơn chị Định và cô Hồng đã a tòng với chúng tôi để gạt Oanh. Khi Kim Hà yêu cầu “Thầy Dượng” (ông xã tôi) lên nói vài lời. Anh Liễn tuyên bố: “Gạt cô Oanh thì dễ thôi, ai cũng gạt được.” và có nhiều người gồm cả mẹ Oanh gật gật đầu đồng ý. Tuy bị gạt nhưng Oanh vui lắm khi thấy ngoài học trò Gia Long còn có rất nhiều đại diện hội đoàn, và nhất là khi thấy chiếc bánh sinh nhật với hai chữ TRUE LOVE do Kim Hà viết. Thu Anh phân trần rằng phải dùng tiếng Anh, vì dịch tiếng Việt thì dài dòng mà không chắc đã nói lên được hết những tình cảm chân thành của học trò và bạn hữu dành cho chị.
Từ ngày tôi theo Oanh đi sinh hoạt với các em, tôi thấy mình trẻ hơn, vui hơn và “oai” hơn vì bỗng dưng có thêm rất nhiều học trò, học trò Gia Long. Học trò học với tôi chỉ có vài người ở vùng này như Hoàng Oanh, Kim Châu, Hường Liên và Trâm. Tôi gặp Hoàng Oanh một lần khi em định cư ở vùng này và đang mang thai cô gái út. Lần tái ngộ Hoàng Oanh, nhiều năm sau, là ở buổi thuyết trình của chị Phạm Thị Nhung.Trâm thì nhìn thầy cũ khi gặp ở buổi họp mặt tất niên tha hương lần đầu tiên, năm 1976, ở Virginia. Khi được giới thiệu, chồng Trâm cứ lắc đầu:
– Cô giáo em sao trẻ thế này, trẻ quá mà tôi cũng phải gọi cô!
Tôi vội vàng:
– Anh chỉ là “student-in law” thôi. Không ai bắt anh phải gọi tôi bằng cô.
Tuy vậy, sau đó, mỗi lần gặp, anh vẫn cẩn thận: “Thưa cô, cô vẫn mạnh?”
Kim Châu thì mới gặp sau này. Con gái của Châu đã vào đại học. Con bé la lên:
– Cô là cô giáo của mẹ thì con phải gọi bằng bà?
Tôi vội đáp:
– Con cứ gọi “cô” cũng được, “bà” nghe già quá!
Hường Liên thì mãi đến nay thầy trò mới nhận nhau. Hôm tập hát cho ngày Lễ Mẹ, Hường Liên mang cho tôi một tô bún ốc, GL Sa Dinh nói: “Một học trò của chị nữa này.” Sa Dinh là chị họ tôi. Tôi hỏi em sao hôm nay mới “nhận” cô thì em nói lâu lắm không thấy cô và nhắc là em ngồi cùng bàn với Hạnh Nhơn. Tôi nhớ tên Hạnh Nhơn vì em làm dâu một gia đình rất thân với gia đình tôi, và tôi đã ở chơi nhà em ở San Fransisco khi cùng ba tôi đến thăm bác Tham Đào, mẹ chồng của Hạnh Nhơn. Sau này có thêm mấy em nữa : Minh Thảo, Tường Nguyên, Thuấn Anh, Bích Huệ, và Lệ Chi.
Không biết tôi thấy đời vui hơn vì có dịp sinh hoạt với cộng đồng Gia Long hay vì được trở về gõ đầu con nít. Năm nay, một đứa năm tuổi rưỡi còn nói ngọng, cứ gọi tôi là Ms. Yang. Mấy đứa kia cười vang: “Ha! Ha! Thằng Thịnh nó gọi cô Hoàng là Ms. Yang.” Tôi phải làm mặt nghiêm và an ủi thằng Thịnh rằng gọi Ms. Yang cũng được thôi và giải thích cho mấy đứa kia là thằng Thịnh nó chưa phát âm được chữ H đúng, chẳng có gì xấu cả. Và là con nít nên chúng nó nghe lời cô giáo liền, không cười thằng Thịnh nữa.
Tôi nhận thấy những ngày làm “Cô Giáo Gia Long” và những chuỗi ngày hiện tại đóng vai “Ms. Yang” (1996), tâm thần tôi được thoải mái hơn, đời sống bình yên hơn. Nghe tôi tâm sự, Oanh cứ tiếc rẻ rằng tôi đã không trở lại nghề dạy học sớm hơn và căn dặn từ nay không được đổi nghề nữa.