Tàu Chợ Lê Mỹ Hoàn

TÀU CHỢ

            Đã năm năm kể từ ngày miền Nam bị xâm chiếm, Hòa chưa bao giờ  ra Nha Trang, nàng sống ở Saigon, trước kia thì hay đi lắm vì Nha Trang là thành phố biển mà Hòa thích nhất, biển xanh lơ chạy dài đến chân trời và những bãi cát trắng mịn bên những hàng dừa, đi về mé trên xa hơn nữa là hàng dương rì rào theo gió biển, mùa hè thể nào  nàng cũng ra Nha Trang một hai lần khi nào xin được phép nghỉ vào gần ngày cuối tuần, chị Hồng bạn Hòa dẫn đi chơi đủ chỗ, Hòn Chồng, Hải Dương học v.v..hai chị em thích đi chơi với nhau, có những ngày ngồi dưới hàng dương ngắm biển xanh tít tận chân trời cả ngày không chán.

            Nhưng đã lâu lắm nàng không gặp Hồng mặc dù có lần thư từ thì biết Hồng không đi được cũng kẹt lại như mình, bởi vì sau này Hòa không còn được đi làm, đời sống cơm áo vất vả kiếm ăn từng ngày nên không còn suy nghĩ gì nhiều về bạn bè để mà đi chơi thăm hỏi. Vả lại Hòa cũng đã có gia đình và một đứa con ba tuổi, cũng như mọi người nàng đang phải toan tính tìm đường vượt biên cho gia đình để mong thoát được cảnh khổ ải nhiễu nhương này do bọn người cộng sản từ ngoài Bắc mang vào. Hầu như người dân Saigon bây giờ đầu óc  ai cũng chỉ mong có một điều làm sao tìm được một tổ chức nào có thuyền ghe chắc chắn để có thể đưa họ đi vượt biên được, cũng có những tổ chức người ta gọi là bán chính thức, nhưng phải đóng rất là nhiều tiền, những người đóng tiền đi được thường là Hoa kiều… và ngoài ra có rất nhiều người đã đứng ra tổ chức, họ âm thầm mua ghe và tìm những người có khả năng lái tàu ra biển rồi tìm cách kêu gọi người tham gia đóng tiền cho họ, thông thường là họ làm việc trong vòng bí mật chỉ có một số người trong gia đình hoặc người tin cậy biết, nếu lộ ra ngoài sẽ mất hết ghe thuyền của cải và bị chính quyền cộng sản bắt bỏ tù, vì vậy tìm được mối manh rất là khó, ai cũng cố gắng gìn giữ những đồng tiền mình có để có cơ hội trốn đi ra nước ngoài tìm sự sống.

            Thông thường người sống ở Saigon và những tỉnh miền Nam hay tìm kiếm những mối đi vượt biên ở tại Saigon hay có những mối ở dưới tỉnh  do người quen giới thiệu, thỉnh thoảng mới tìm đến những mối ở miền Trung, bởi vì những chuyến khởi hành ở miền Nam thường hay đến được Malaysia hay Indonesia hay Thái Lan v.v..dễ dàng hơn, nếu đi miền Trung người ta nói thuyền có thể theo một dòng nước nào đó hay đôi khi bị gió mạnh hay bão có thể đi ngược lên miền Bắc tới Hồng Kong, chuyến đi sẽ xa hơn và gặp nhiều nguy hiểm, nhưng thường thuận buồn xuôi gió cũng có nhiều cơ hội tới Phillipine. Tuy nhiên cái khó nhất lúc đầu là gặp được những chỗ chắc chắn và tin cậy vì có nhiều người bị gạt hết tiền không đi được. Gia đình Hòa cũng đã từng bị mất tiền bởi những chuyến đi không thành công, lần này liên lạc được với Hồng, nghe Hồng nói có người quen đóng ghe đi nên Hòa sửa soạn một chuyến ra Nha Trang nhờ Hồng giới thiệu xem như thế nào và cũng luôn tiện gặp Hồng và thăm lại thành phố biển Nha Trang mà trước kia Hòa yêu thích.

            Hòa rủ một người quen ở trong nhóm thường có ý định vượt biên chung, chị bạn này tên Minh, trước kia từng là một giáo sư dạy học.  Lúc trước kia tàu lửa là phương tiện di chuyển thường xuyên, đối với người miền Nam ngày trước thì những chuyến tiễn đưa bằng tàu lửa bao giờ cũng thơ mộng, thi sĩ Tế Hanh viết:

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới                                                                   Đón chuyến tàu đi đến những ga

 Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt                                                                            Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”                                                                                 

               Đó, người dân miền Nam thơ mộng như vậy, chỉ đến sân ga xem người ta tiễn biệt thôi để mà đau xót giùm. Nhưng quân cộng sản đánh phá miền Nam đã phá hỏng những đường rầy làm cho việc di chuyển bằng tàu lửa không được an toàn nên chính phủ miền Nam phải tạm thời cho ngưng phương tiện di chuyển này. Bây giờ chiếm được miền Nam rồi người cộng sản cho tàu lửa chạy lại, nhưng vì không biết cách điều hành và thiếu nhiên liệu nên họ làm cho những chuyến tàu lửa trở nên thô sơ, cọc cạch. Họ chia ra làm hai loại, một loại tàu chợ chạy từ Saigon ra miền Trung và một loại họ sửa sang cho đẹp hơn một chút gọi là tàu Thống Nhất đi thẳng ra Bắc.

            Hòa và chị bạn quyết định đi dò la đường đi nước bước nên nàng viết thơ cho Hồng hẹn ngày ra Nha Trang, rồi cùng chị bạn sửa soạn đồ đạc mỗi người một túi xách tới ngày hẹn ra nhà ga mua vé, chuyến đi khởi hành vào buổi sáng sớm và được cho biết là khoảng trời tối tàu lửa mới tới Nha Trang, trong những toa tàu ghế ngồi đã đầy người.  Nhưng lúc tàu chạy qua Biên Hòa và Long Khánh dọc theo đường đi qua nhiều trạm, những người mới lên phải đứng, có những người xuống ở trạm rất xa như Phan Thiết, Ninh Hòa v.v… họ cũng phải chịu vì phương tiện di chuyển rất ít. Hòa thấy thương người dân quá, tự nhiên lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như thế này, trạm nào cũng có người lên và thường tàu ngừng lại rất lâu có thể là để tiếp thêm nhiên liệu, óc cứ nghĩ liên miên nên nàng cũng không để ý ngắm nhìn cảnh vật nhiều sau bao năm thay đổi, chỉ thấy suốt dọc đường chỗ nào cũng nghèo nàn xơ xác, lúc trưa hơi đói nàng ăn cùng với chị bạn chiếc bánh ú mang theo rồi cũng như mọi người được ngồi Hòa và chị bạn nhắm mắt lim dim, những người đứng có người cũng tìm cách ngồi xuống sàn tàu cho đỡ mệt vì làm sao đứng được suốt cả ngày trên tàu lửa.

            Sau một ngày ì ạch chuyến tàu cũng đến ga Nha Trang, trời cũng đã tối từ lâu, qua những ngọn đèn èo ọt dưới sân ga, Hòa và chị bạn thấy có xe xích lô đang đón khách nên đi lại đưa địa chỉ cho họ chở tới nhà Hồng, nhà Hồng ở trong một con đường nhỏ, không phải ngòai đường phố lớn nhưng cũng đông đúc nên có vài hàng quán còn mở, Hòa cảm thấy đói bụng nên rủ chị Minh ngừng lại ở một xe bán hủ tiếu để ăn, nàng cũng muốn ăn xong cho no bụng không phải phiền Hồng, người bán hàng là một người đàn bà to lớn trông như đàn ông và có vẻ như ái nam ái nữ tuy nhiên hủ tiếu của bà cũng ngon lắm, bà hỏi ở xa tới kiếm nhà ai vậy, nàng nói nhà Hồng bà biết liền. Lúc gõ cửa Hồng cũng có ý đang chờ cùng chồng chạy ra đón, đã lâu lắm mới gặp lại hai chị em tíu tít hỏi thăm nhau, Hòa giới thiệu chị bạn tên Minh và Hồng cũng giới thiệu người chồng đã cưới được vài năm với bạn, anh tên Ban, Hồng đã lo chỗ nghỉ ngơi cho hai người, và tính dọn cơm mời nhưng Hòa nói mới vừa ăn xong, Hồng cười nói ăn ở đâu mà mau vậy, ở bến tàu lửa hả, Hòa trả lời ngay ở đàng trước này, thấy xe hủ tiếu đói bụng tấp vô ăn, Hồng mau miệng nói với chồng, chu choa ơi! hai người này ăn ở xe hủ tiếu bà bóng đó anh, mọi người đều cười vui vẻ, Hồng chỉ chỗ cho mọi người đi tắm cho khỏe rồi nghỉ ngơi.

            Ngày hôm sau mọi người thức dậy như cùng một lúc, Hồng lăng xăng lo thức ăn sáng, Hòa nhìn thấy đàng sau nhà là một con sông nhỏ nhà nào nhà đó có thuyền bè đậu, ngoài sân là những thùng làm nước mắm để sắp hàng, lúc ăn sáng Hồng giới thiệu đây là nhà của chồng Hồng, làm nước mắm đã lâu đời, bây giờ chậm lắm vì thuyền bè ở đây không đủ nhiên liệu để ra khơi. Bốn người nói chuyện rất là vui vẻ, nhất là Hòa và Hồng, thôi hai người đã xa cách lâu bây giờ gặp lại nói chuyện ngày xưa huyên thuyên, Hồng nói mọi người ăn sáng xong sửa soạn hai vợ chồng Hồng đưa hai người đi chơi. Đã lâu lắm rồi Hòa chưa nhìn thấy biển lại, chị Minh cũng nói như vậy, Hồng nói chồng mang hai xe honda ra, anh Ban chở chị Minh còn Hồng chở Hòa, mọi người đi về phía biển, Hồng và Hòa thôi được dịp đi chung xe với nhau vừa đi vừa kể đủ thứ chuyện từ lúc cộng sản vào dự định đi mà đi không được đứa nào cũng kẹt lại để bây giờ sống một đời sống thiếu thốn khổ cực lo ăn vất vả, không còn nhìn thấy một chút tương lai, để dành được một chút bây giờ không đủ ăn hàng ngày, phải từ từ bỏ ra xài hết, buôn bán không được, không công ăn việc làm không biết tương lai ra làm sao. Hồng nói lát ra bờ biển chơi, ăn trưa xong rồi Hồng sẽ đưa Hòa và chị Minh tới thăm nhà người quen, người này đang lo tổ chức một cuộc vượt biên để mọi người gặp nhau. Hòa cảm ơn Hồng và hai người đều đồng ý ai cũng phải tìm cách trốn khỏi nơi thiếu tự do no ấm này.

            Trên những con  đường ra biển ngày xưa là những biệt thự rất đẹp, nhà nào cũng có những cây hồng xiêm nặng chĩu đầy những trái màu nâu, nhưng bây giờ có vẻ xác xơ lắm. Mọi người kiếm chỗ gửi xe xong đi dọc theo bãi cát bên hàng dương, biển xanh lơ chạy dài tới chân trời, gió biển làm bay tóc mọi người làm Hòa nhớ lại lúc xưa Hồng dẫn Hòa đi chơi thành phố này đầy vẻ thanh lịch, nay vẻ thanh lịch đó không còn nữa, chị Minh cũng đồng ý vì ngày trước chị cũng có dịp ra Nha Trang mấy lần, họ vừa đi vừa nói chuyện suốt một bờ biển thật dài, hai người say sưa nhìn biển, biển muôn đời lúc nào cũng một màu xanh ngát, sóng nhấp nhô từng cuộn đẩy vào bờ nhưng chắc không chập chùng  bằng những nỗi lo lắng của bao người đang tìm cách ra đi tìm tự do cho lẽ sống. Đã đến gần trưa, Hồng nói nhỏ gì với chồng, anh Ban gật đầu, Hồng nói với Hòa và chị Minh bây giờ xuống chợ, đi một vòng phố tìm một hàng quán nào nghỉ ngơi một chút rồi sẽ dẫn hai người đến nhà người quen để nói chuyện.

 Nhà người quen Hồng ở rất xa, phía bên kia thành phố, đường phố vắng người nên hai xe chạy song song, anh Ban tìm cách nói chuyện làm bốn người đều cười nói vui vẻ. Tuy không hẹn trước là sẽ đến vào lúc nào nhưng thời buổi này công ăn việc làm rất ít nên lúc Hồng gọi cửa đã thấy vợ chồng người chủ chạy ra, họ mời mọi người vào trong nhà ngồi nói chuyện, nhà trông hơi sâu vào mé trong, qua cửa sổ là một vườn rau đánh luống thật đẹp, Hòa để ý thấy nhà hơi đông chắc là con cháu vì sinh hoạt có vẻ thân thiện, nhưng sau đó có lẽ thấy có khách nên dần dần tản mác. Hồng giới thiệu Hòa và chị Minh với chủ nhà là những người muốn tham gia cuộc tổ chức vượt biên như đã nói trước đó, người chủ nhà tự giới thiệu tên là Thiện. Câu chuyện bắt đầu bằng những lời hỏi thăm gia cảnh rồi dần dần đi vào chi tiết, ông Thiện nói nhỏ lại và trình bày công cuộc tổ chức như thế nào, khoảng thời gian nào thuận tiện và những điều kiện tham gia, mọi người đồng ý cùng nhau, người nào xem ra cũng có vẻ căng thẳng.  Hòa khen bên nhà có một vườn rau xanh mát rất đẹp, ông Thiện kể trước kia ông đi làm cho chính phủ cũ, nhưng sau này cả gia đình sống nhờ vườn rau này, lúc trước đất rộng gấp đôi nhưng không may người con trai bị xe đụng phải đi khập khễnh, ông phải bán đi một nửa để lấy tiền chữa trị cho con, nhưng không hết, ông nói nhỏ lại vì vậy ông dồn hết sức lo tổ chức tàu bè ra đi, may ra với một thế giới kỹ thuật, y tế tân tiến có thể chữa lành cho con ông.  Cũng đã trễ, ông Thiện  vui vẻ mời mọi người dùng cơm chiều nhưng Hồng từ chối ra về vì ai cũng biết rằng cuộc họp tan đi sớm càng tốt.

Hòa và chị Minh ở lại thêm hai hôm, Hồng và anh Ban chở hai người đi chơi mọi nơi, đã lâu lắm rồi hai người bạn gái với nhau Hồng, Hòa mới lại có dịp gặp nhau vui vẻ như những ngày xưa kia, cũng không có gì phải về ngay là vì cả bọn bây giờ cũng không ai có công ăn việc làm, nên không gấp rút lắm, đi có ba ngày con Hòa có bà ngoại giúp trông cháu.

Ngày cuối cùng bốn người chở nhau ra nhà ga tàu lửa mua vé tàu chợ về Saigon, chỉ có một chuyến tàu duy nhất khởi hành lúc 8 giờ tối và sáng thì tới Saigon.  Vì còn quá nhiều thời giờ nên Hồng mời mọi người đi vào chợ ăn mì quảng xong về nhà nghỉ ngơi, chiều sẽ chở Hòa và chị Minh đến ga tàu lúc 4 giờ cho sớm sủa.

 Lúc đến sân ga Hòa và Hồng nói chuyện bịn rịn cũng lâu nhưng rồi rút cục cũng phải chia tay hẹn ngày gặp lại,  Hồng và anh Ban chúc hai người lên đường bình an rồi ra về. Ga tàu lửa đã đông lắm rồi mặc dù còn 4 tiếng nữa mới khởi hành. Hòa và chị Minh hỏi thăm kiếm toa tàu của mình rồi leo lên đi tìm số ghế ngồi, toa tàu đã đông người và tất cả các ghế đều đã có người ngồi, kiếm được số ghế của mình đã có người ngồi, Hòa và chị Minh lại nói chuyện và đưa vé của mình ra nói là băng này hai số ghế là của mình và xin họ vui lòng nhường ghế lại, nhưng hai người khách, đều là nữ khoảng 25 tuổi, nói là họ đến trước dành được chỗ ngồi này không nhường được, Hòa và chị Minh cố gắng giải thích là đã mua vé từ sáng sớm và cũng đã ra đây sớm 4 tiếng sao lại có người ở đâu đến ngồi trước được, nếu có thể cùng nhau lên chỗ bán vé để hỏi lại xem có gì lầm lẫn không, nhưng hai người trả lời không đi đâu hết, họ nói rất rõ ai lên trước thì ngồi trước, đến sau ráng đứng đi, lát nữa người ta sẽ đến đứng đầy khoang tàu này, và cứ thế hai bên cãi qua cãi lại rất lâu.  Hòa và chị Minh không làm sao thuyết phục được hai người khách này, nhìn qua nhìn lại cũng không có kiểm soát viên đi kiểm vé, điệu này là không ai đi kiểm soát rồi, có lẽ họ biết trước là sẽ đông như thế nào nên để mặc cho tình trạng lộn xộn. Làm sao mà hai người có thể đứng suốt đêm từ đây về Saigon, biết thế lúc sáng mua vé ở lại luôn đây cho rồi, đi về đi chơi thêm làm chi để bây giờ khổ sở cãi cọ như thế này. Không còn làm thế nào khác hơn được nên Hòa và chị Minh nói nhỏ với nhau họ không nhường thì mình cứ chen vào ngồi, ngồi ghé một chút chứ không thể nào đứng được, vả lại đây là chỗ ngồi mua vé có số ghế đàng hoàng của hai người, Hòa cố lý luận để cho việc mình làm có một chút lẽ phải.

Bàn nhau xong Hòa thấy cô ngồi mé cửa sổ có một khoảng trống nhỏ bên trong, thật nhanh Hòa buông mình vào đó, tuy gần như ngồi lên đùi cô kia, cô kia giật mình vội vàng lấn lại nhưng không kịp nữa Hòa đã chen mạnh được hơn nửa người vào rồi tuy còn rất chật, không cần lắm, chật chội bao nhiêu cũng không sao miễn là len vào ngồi ghé cũng được, còn chị Minh chậm hơn vội ngồi mím xuống ở mé ngoài cùng, cô bên ngoài tức mình dùng hết sức để hất chị Minh ra ngoài, chị Minh ghì lại, cô kia tiếp sức đẩy chị Minh ra, nhờ vậy vô tình cô tạo thêm một khoảng trống giữa Hòa và cô ấy, Hòa vội ngồi thụp vào và luôn tiện có thế đẩy được hai cô ra ngoài một chút nữa,  tạo bên chỗ cửa sổ có một khoảng trống nhỏ, Hòa cố ép mình gọi chị Minh len vào chỗ đó, chị đứng sát nghiêng người để cố từ từ len vào, may cả bốn người đều không có ai to con mập mạp, hai cô kia biết mình dại cố đẩy lại ép để chị Minh không len vào được, nhưng Hòa cố ghì, tạo nên một trận chiến ép qua ép lại giữa mấy khối người và Hòa là người bị sức ép nhiều nhất vì lực của hai cô kia không đủ chỗ cố đẩy vào rất mạnh. Một băng ghế hai chỗ ngồi bây giờ ép lại cho bốn người, ép qua ép lại suốt đêm và lúc này bắt đầu tạo ra một cuộc khẩu chiến thỉnh thoảng bùng ra suốt dọc đường.

 Mải cãi lộn không để ý nhiều, lúc Hòa và chị Minh gọi là yên vị trong thế co rụm bất khả kháng, Hòa nhìn lại thấy khoang tàu đã thật đông người, tiếng ồn ào tìm cách chen lấn nhau, có nhiều người còn đứng nhưng có một số đã mỏi chân ngồi bệt xuống sàn tàu, có lẽ họ tìm cách ngồi sớm được một chút còn hơn vì làm sao đứng được quá lâu, rồi cũng phải ngồi xuống đại vào một khe trống nào đó, có người khôn hơn tìm cách ngồi dựa nghiêng người vào thành ghế nào đó rồi để dài hai chân sát vào chân ghế, Hòa nghĩ chắc mình không cố chen vào đây thì cũng giống mấy người kia, ngồi vạ ngồi vật xuống sàn mà thôi, biết làm thế nào hơn. Màn đêm đã buông xuống dần, chỉ còn một chút ánh sáng heo hắt dưới sân ga, còi tàu hú lên và bắt đầu chuyển bánh, vừa ra khỏi sân ga thì một màn tối dày đặc bao phủ, trên toa tàu không một ánh sáng của một ngọn đèn nào, mọi người không còn nhìn thấy mặt nhau, vẫn còn những tiếng xì xào nói chuyện và cũng may gió bên ngoài không gian cũng đang lướt theo hai bên tàu, len qua những cửa sổ để trống lùa vào trong toa, mọi người cảm thấy dễ chịu một chút.

            Chỗ ngồi quá chật chội, Hòa dựa lưng vào thành ghế để chống đỡ nhằm khi bị sức ép tấn công, nhưng đôi khi cũng phải trồi người ra để chị Minh được dựa vào một chút, Hòa nghĩ hai cô kia chắc cũng cùng nhau chia xẻ như vậy, có lẽ cô ngồi ngoài ngủ gà ngủ gật hay sao mà suýt té, cô la lên:

  • Mấy người làm cái gì mà ép dữ vậy, tôi suýt té đây này, mấy người đi ăn cướp hay sao mà giành giựt quá vậy.

Cô nói xong rồi, bỗng nhiên gồng mình đẩy thật mạnh vào cô mé trong khiến cô này bị sức ép

dồn sát vào Hòa và chị Minh, hai người phải ráng đẩy ra, chi Minh bị một cú sốc đập mạnh quá bực mình lên tiếng, vả lại có lẽ chị tự ái vì bảo chị đi ăn cướp nên nói lại:

  • Mấy người nói ai ăn cướp, có mấy người làm ăn cướp thì có, mấy người không mua vé nên vào chiếm chỗ ngồi lậu như thế này.

Cô kia nói :

  • Ai bảo là tôi vào đây ngồi lậu, tôi phải bỏ tiền ra mua chỗ mới được vào đây ngồi, đâu phải chỉ mấy người bỏ tiền.

Hòa đấu dịu:

  • Vậy thì vé của chị đâu thì chị kiếm chỗ của chị đi.
  • Chỗ của tôi là chỗ này, người ta chỉ tôi vào đây, mấy người ngu mấy người đi trễ ráng chịu. Cô ta trả lời.

Nghe tới đó chị Minh hình như nhột nhạt thật tình, từ xưa tới giờ có ai dám bảo một giáo sư ngu bao giờ, chị chưa bao giờ quen với cách cãi tay đôi ở ngoài đời, chị ít la ai, nhưng có lẽ có một thói quen vô tình là chị bảo gì học trò đều nghe theo chị, chị hỏi lại:

  • Tại sao mấy người dám nói người ta ngu.

Cô kia trả lời, cô ta chắc cũng không nghĩ được gì nên nói đại:

  • Mấy người phải biết mấy người ngu chứ. Vì có lẽ chỗ ngồi nhỏ quá cô ta ép thêm vào một chút nữa nên ngưng nói.

Chị Minh tính nói gì nhưng Hòa vội nói:

  • Ờ mấy người cứ nói người khác ngu đi, chẳng biết ai ngu hơn ai đâu.

Hòa nghĩ rằng đã có chỗ ngồi như thế này là tốt rồi, còn hơn những người ngồi la liệt dưới sàn tàu, có tiếng nói:

  • Các người cứ nói hoài, làm ơn ngưng đi cho nhắm mắt một chút.

Hòa phải công nhận hai cô này không nói bậy, chứ gặp người mà họ tuôn ra một tràng chửi bới thì chỉ có chết trận ngồi nghe họ chửi. Hai cô kia thấy Hòa hòa hoãn một chút có lẽ cũng có cảm tình, nhưng chỗ ngồi chật quá, nàng nghĩ vậy, sẽ còn có đụng độ nữa, nếu cần thì vẫn phải cãi mà thôi.

               Mọi người hình như ai cũng ngủ, có tiếng ngáy thật to vang lên ở đâu đó và có tiếng cựa quậy xoay trở vì chắc có người ê mình mẩy phải tìm cách sửa lại thế ngồi.  Con tàu chạy xuyên mình qua đêm tối dầy đặc nhưng không được nhanh lắm, còn nghe được cả tiếng cọ xát của bánh xe nghiến trên đường rầy, rồi bỗng nhiên chầm chậm đậu lại, chắc lại đến một nhà ga nào đó, Hòa nghe xì xào đến ga Ninh Hòa thì phải,  nhà ga hơi lớn có một chút ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn heo hắt dưới sân ga, có vài người bước vào toa, cố gắng đứng nhìn cho hơi rõ một chút rồi len lỏi tìm một chỗ ngồi thụp xuống. Tàu ngừng hơi lâu rồi bắt đầu chạy lại, về đêm sương xuống hơi nhiều nên gió lùa qua cửa sổ đã thấy lạnh.

                Chừng tiếng nữa là tới ga Phan Thiết, Hòa nghe nói như vậy, cũng như ga Ninh Hòa  nhưng ở đây Hòa thấy có vài người sửa soạn trước để xuống, sau đó vài người khác lên trở lại, cũng ngọn đèn hắt hiu dưới sân ga chiếu một chút ánh sáng để cho người bước lên bước xuống cố gắng nhìn thấy đường. Trong góc chị Minh có vẻ chật lắm, Hòa nhúc nhích một chút cho chị dễ thở, không thấy hai cô kia nói thêm gì, Hòa cảm thấy yên tâm.

               Tàu đậu cũng không lâu lắm, lúc bắt đầu chạy không biết là đã mấy giờ đêm, đêm tối dày đặc trở  lại, muốn biết được mấy giờ chắc ai phải có một cái đồng hồ thủy ngân, qua đoạn này trên toa có nhiều người tỉnh ngủ trở lại, không biết có đám nào quen nhau không, nhưng cũng có tiếng xì xầm nói chuyện.

  • Không biết hôm nay là ngày mấy âm lịch mà sao tối như vậy. Tiếng một người nói.

Không có tiếng trả lời, con tàu tuy chậm nhưng đang cố gắng lấy hết sức mình trườn trên  đường rầy xa tắp, im lặng trở lại như đồng tình với đêm tối. Hình như cũng qua được thêm hai ba tiếng gì đó, cô ngồi ngoài làm như cũng mệt lắm, bỗng nhiên cô trợt xuống té vào người ngồi dưới gần đó, cô bực  mình la lớn:

  • Mấy người sao ngồi lấn dữ vậy, đồ cà chớn.

Cô tự vực dậy ngồi lên dùng hết cái mông đẩy mạnh mọi người vào, phải nói chắc cô đang

tức nên sức đẩy cũng khá mạnh, Hòa cảm thấy bị trồi lên một chút giữa cô bên cạnh và chị Minh, ép sát chị Minh vào vách tàu, chị Minh đau quá nên phản ứng:

  • Tại sao cô nói người ta cà chớn, cô phải có giáo dục chứ.
  • Chị mới là không có giáo dục, chị lấy cướp mất chỗ ngỗi của người ta. Cô trả đũa

Hòa biết chị Minh giận lắm rồi, nhưng vội lên tiếng cho hòa hoãn cả đôi bên:

  • Cô ơi, người ta mua vé có vé đây mà cô nói gì kỳ cục quá.
  • Sao bà ấy là cái gì mà nói người ta vô giáo dục. Cô trả lời
  • Có gì đâu, cô nói người ta cà chớn thì người ta cũng phải tức chứ. Hòa tính nói thêm nhưng có ai cất tiếng.
  • Gớm, chẳng nghỉ ngơi gì được để mai đi lấy hàng.

Bà này nói linh quá, đúng là chẳng nghỉ ngơi gì được, dường như đến một cái ga xép nào đó, tàu từ từ ngừng lại, trời tối như bưng nhưng nhanh như chớp không biết ở đâu những giỏ hàng thảy qua cửa sổ và trên toa tàu đã có người đứng đợi sẵn để đón bắt, làm như đã có người bên trong mai phục từ bao giờ và người bên dưới đã biết người đón bắt hàng ở cửa sổ thứ mấy, toa nào. Hòa không kịp thấy đường mấy giỏ hàng đã bay qua mặt rồi, chỉ có thể cúi đầu cho thật thấp thôi vì nếu ngửng đầu ra đằng sau tránh có thể có những gì nguy hiểm đâm vào mắt, vì chị Minh ngồi sát mé trong nên có một chút thành cửa sổ chắn cho chị. Những giỏ hàng bay vào trong toa và được bỏ xuống lung tung trên người những hành khách, mạnh ai người đó tránh, tiếng người la ôi ối vì bị mấy giỏ hàng thẩy lên đầu lên người, không kịp tránh hoặc đứng dậy, vả lại trời tối quá nên cũng không thấy đường tránh được. Vèo một cái cả một cái lồng gà để trên đầu của Hòa, những con gà chạy nhốn nháo trong lồng, không biết có con nào vì sợ quá phẹt ra một cái gì trên đầu Hòa không, cũng may hai bàn tay che đầu chưa cảm thấy cái gì nhớp nhúa thì lồng gà đã qua đi rồi, chưa kịp hoàn hồn thì Hòa nghe tiếng éc éc, một cái lồng heo con đã ở trên đầu và đã có người chuyển qua rất mau, chỉ cần bảo vệ được cặp mắt là tốt rồi, Hòa không còn nghĩ ngợi được gì nữa, nếu con heo con sợ quá cho xuống một dòng nước  thì ai cũng phải chịu, có lẽ hai cô cũng phải cúi xuống như Hòa và còn phải ép người vào để cho chân người chuyển hàng đứng, tiếp đó là thêm vài giỏ nữa, Hòa nghĩ là rau củ gì đó. Cuộc lên hàng tới đây mới ngừng, những giỏ hàng đó Hòa nghĩ rằng trên toa tàu ít nhất phải có hai người mai phục để giữ, không ai nói gì vì có lẽ chuyến tàu chợ nào cũng như thế này, họ la oai oái nhưng cố gắng để né ra, không biết những người hồi nãy ngồi la liệt ở sàn tàu bây giờ như  thế nào, Hòa thấy chộn rộn lắm, chắc là phải đứng lên hết thôi, lúc này nàng cảm thấy tử thủ ngồi lì như vậy là tốt rồi, có phải cãi cũng được, nhưng có lẽ mọi người trong lòng đều thông cảm vì ai cũng biết rằng không phấn đấu thì ngày hôm sau gia đình con cái sẽ đói không có gì để ăn, chưa kể gặp chỗ kiểm soát không dấu kịp sẽ phải đóng thuế rất nặng.

               Chắc toa tàu nào cũng ở tình trạng như thế này, hình như mọi chỗ vừa lên hàng xong thì như có ai ra lệnh, tàu bắt đầu chạy.  Lúc này là lúc nhìn vào sự thực, có lẽ cả bốn người phải đều thông cảm lẫn nhau, nhưng hình như ai nấy vẫn còn hậm hực lắm. Hòa giơ tay lên kiểm soát lại tóc tai, cũng may không ướt hoặc nhớp nhúa chỗ nào, nghĩ mà kinh hồn. Không biết tàu còn đậu ở ga nào để cho người ta lên hàng nữa không, trong lòng Hòa còn hồi  hộp, nhưng con tàu tiếp tục chạy khoảng hai tiếng nữa thì trời tờ mờ sáng, Hòa bắt đầu nhìn rõ sự việc, người trên sàn tàu đã đứng lên hết, giỏ gà và lợn để một chỗ, còn những giỏ rau hay thứ khác được xếp chồng lên nhau, người ta nói khoảng tiếng rưỡi nữa sẽ về ga Saigon, trời sáng hẳn Hòa mới để ý nhìn rõ hai cô kia, lúc mới lên tàu mải cãi lộn nên Hòa không nhận xét kỹ, họ ăn mặc khá đàng hoàng có lẽ lên Saigon mua gì về bán chăng. Hai cô kia cũng kịp nhìn lại Hòa và chị Minh, hai người mang hai cặp kiếng cận thị to tổ bố, cô ngồi ngoài còn ấm ức lắm, cô nói:

  • À ra mấy người trí thức.

Không biết chị Minh nghĩ như thế nào, bây giờ Hòa mới thấy mình tự ái, tuy Hòa thua

chị Minh nhưng Hòa cũng là công chức nhà nước cũ, cũng ngồi văn phòng làm việc như ai, gia đình Hòa cũng có những người khoa bảng, bây giờ bị người ta chửi lên đầu rất đau lòng, nhưng nghĩ lại nếu không tranh nhau một chỗ ngồi thì phải ngồi la liệt dưới sàn tàu còn kinh hoàng hơn nhiều, vả lại mình là người có vé tàu, Hòa thấy thương mình và chị Minh quá, khi không phải chịu một trận như thế này, Hòa cũng cố nói vớt:

  • Thì hai cô tôi thấy cũng trí thức vậy.

Đầu óc Hòa còn suy nghĩ liên miên, nếu công cuộc vượt biên không xong, Hòa lôi mấy gia đình đi cả người lớn lẫn con nít, chồng và đứa con 3 tuổi của Hòa, lâm vào hoàn cảnh này thì khổ biết bao nhiêu.

           Tàu đã ngừng, mọi người đang chuẩn bị đứng lên sắp hàng để bước xuống. Thôi thì cũng sắp về tới nhà, điều đầu tiên là phải lo tắm gội cho thoải mái, mấy cái lồng gà và lồng heo con phải là dơ lắm, phần cặn bã không nhiều thì ít cũng đã chùi qua đầu của Hòa, Hòa đã cúi xuống mắt mũi không làm sao hết cũng may lắm rồi.

 

                                    Lê Mỹ Hoàn    

                                    7/2019

 

 

 

 

.

April 24, 2020