Người Vợ Lê Mỹ Hoàn

NGƯỜI VỢ

Không ai nghĩ là đã sắp sửa được trở về nhà sau những ngày đầy gian khổ trong các trại tù cải tạo ở miền Bắc, những ngày bị đày đọa đói khổ tưởng như là sẽ bỏ xác trong rừng  không bao giờ còn được nhìn thấy lại ánh sáng của một đời sống con người, ông Sơn đang cầm trong tay một tờ giấy ra tù, ông tự hỏi đây có phải là sự thực không và các bạn tù của ông những người đang cầm một tờ giấy ra tù như ông cũng hoang mang tự hỏi như vậy, mặc dù ra khỏi nhà tù thì lại bước chân vào một xã hội nghèo nàn, lạc hậu, và nhiễu nhương…. , thôi thì cứ đi đi đã, còn sống là được, mừng là đã được về, còn hơn là chết dấp dúi nơi một xó rừng, ai có địa chỉ của thân nhân ghi trên giấy thì trở về nơi đó, những người còn có cha mẹ hoặc vợ con, riêng ông ông khai địa chỉ của một người chú và họ gửi ông về đó, người vợ của ông đã đi lấy chồng sau mười năm ông ở trong tù, mang theo đứa con gái của ông.

Ông  Sơn  tìm đường đến ga xe lửa xuôi về Nam nơi ông đã từng sống sung sướng suốt thời niên thiếu. Về đến nhà người chú ông tần ngần một lát rồi giơ tay gõ cửa, chú ông bước ra thấy cháu mình mới đầu thì hơi ngạc nhiên vì không ngờ người cháu  vẫn còn sống và trở về đây, sau đó chú ông mừng rỡ, kéo ông vào trong nhà miệng tíu tít:

  • A Sơn, cháu được về rồi đấy à, thực là phúc đức được nhìn thấy cháu, cháu đen và gầy đi nhiều quá.

Hai người nhìn nhau, ông Sơn không thốt ra lời, chú ông vồn vã hỏi thăm về chuyến đi rồi dẫn ông vào một tấm phản mỏng kê sát vách cuối nhà nói:

  • Thằng Khải con của chú nó theo người ta đi vượt biên đến được Philippines nhưng kẹt không ai bão lãnh nên không được phỏng vấn, cháu cứ ở đây sống cùng với gia đình, dù vất vả sinh kế nhưng có gì ăn đó, chật hẹp nhưng đùm bọc lẫn nhau qua lúc khó khăn.

Ông Sơn nghẹn ngào cảm ơn. Hôm sau ông ra trình diện phường  công an, họ ghi tên tuổi ông và ngày trở về của ông rất kỹ, như vậy là ông đã xong nơi ăn chốn ở và bắt đầu một cuộc sống mới.

Cuộc sống mới ra làm sao và phải tìm cách sinh nhai như thế nào, ông cũng chưa hình dung ra được sao cho khỏi trở thành người ăn bám. Chú ông hình như hiểu nỗi băn khoăn của ông nên kể cho ông nghe về cách sinh sống và dẫn ông ra một góc đường nơi chú ông sửa xe đạp, chỉ cho ông cách bơm lốp xe khi có khách hàng tới, ông Sơn yên lặng làm theo lời người chú chỉ và thỉnh thoảng nhìn chú vá những lốp xe rất thiện nghệ, ông nghĩ chú ông xưa là một giáo sư dạy toán, phong độ trước những hàng ghế của học sinh như thế nào mà bây giờ phải ra đầu phố kiếm ăn lăn lóc giữa chợ đời.

Ông Sơn tập làm quen với cách bơm xe đạp, ngày trước kia khi xe của ông xẹp lốp thì ông ngừng ở một nơi nào ven đường để hỏi người ta bơm xe cho nhưng bây giờ ông phải cầm ống bơm để bơm lốp xe cho người khác, hầu hết những chiếc xe đạp ông bơm cho khách đều là xe rất cũ, nhìn lại hai chú cháu ông mới thấy là một cuộc đổi đời, nói đúng hơn là cuộc đời xuống dốc không phanh…có những lúc không có khách hai chú cháu một người ngồi xổm, một người ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, nhắc lại chuyện ngày xưa, những ngày còn thanh niên vui chơi trong khuôn viên của những trường đại học….

Ế khách như vậy thì hôm đó về gôm lại tiền kiếm được của tất cả mọi người trong nhà chỉ đủ một bữa tối bo bo và một đĩa rau luộc, ăn xong nghỉ ngơi ai cũng tránh một tiếng thở dài, hôm nào chú ông có khách và ông được giúp chú vá xe, hai chú cháu như vui vẻ thêm một chút.

Có bữa nào vắng khách ông thả bộ đi lang thang những chỗ bán hàng xem họ kiếm ăn như thế nào, mọi người hình như đổ ra ngoài đường, không còn được gọi  là buôn bán mà ai cũng phải bương chải để kiếm sống qua ngày, ngày nào về nhà mà có một bữa ăn cho con cái no nê là thấy yên bụng còn đâu nhìn thấy những gì sáng sủa. Ông hay gặp một thiếu phụ bởi vì khi ông đi ngang người này hay hỏi bán gì không mua gì không, ông chỉ mỉm cười lắc đầu, về sau làm quen rồi ông được kể cho nghe ngày xưa bà làm công chức và là vợ sĩ quan không biết buôn bán là gì, lúc đầu bà mở miệng mãi mới hỏi được một người đi ngang có gì bán không, bây giờ thì quen rồi không hỏi được mua gì không bán gì không thì tối các con bà nhịn đói, bà nhìn đã nhuốm chút phong trần dưới chiếc nón cũ vì ngày nào cũng phơi mưa nắng nhưng chắc ngày xưa đẹp lắm thì phải. Ông buồn bã nghĩ tới người vợ của mình và đứa con gái, biết khi nào ông mới gặp lại được con.

Ông Sơn nay đã trên bốn mươi, năm 75 lúc miền Nam bị cưỡng chiếm ông mới lên quân hàm thiếu tá và sau đó bị tù đày ở các trại cải tạo miền Bắc, ông bị đưa qua nhiều trại tù 12 năm, nay mới được trở về. Rồi ông sẽ phải tính toán thế nào để có một cuộc sống độc lập riêng không phải nương nhờ vào gia đình chú ông vốn đã quá nhiều khó khăn, nhưng làm sao kiếm sống một mình đủ với một thực tế quá phũ phàng như hiện tại lại không nơi ăn chốn ở, đầu óc ông quay cuồng liên miên, ông có một gia đình đã đổ vỡ, giờ đây ông có thể kiếm một người đàn bà nào đó để chắp nối một lần nữa, nhưng làm sao có được khi trong tay ông không còn một thứ gì trên cõi đời này, ông chỉ còn một tấm lòng trung thực và một tư cách của một người đạo đức sống trong xã hội của miền Nam trước đây, ông thở dài, một trận mưa rào đổ xuống làm ông giật mình vội chạy trú dưới một mái hiên gần đó.

Người ta tìm cách đi vượt biên nhiều lắm, đôi khi ông nghe có những chuyến đi thành công tới bến bờ tự do an toàn, nhưng cũng có người đi nhiều lần không được, có những chuyến không may bị bão tố hoặc hết lương thực hay bị cướp bóc nhưng dường như không ai sợ chết vẫn tìm cách đi, bến bờ tự do xa vời lắm như khói như mây ở chân trời xa tắp….nhưng sao ai cũng thèm thuồng khao khát.

Gần đây ông Sơn hay nghe người ta đồn đãi có người nộp đơn xin đi Mỹ, những người nào có thân nhân bảo lãnh hay những người bị đi tù cải tạo về, mới đầu ông không tin sao lại có chuyện người Mỹ chấp nhận đơn cho người ta qua Mỹ để làm gì, ai vượt biên thoát được đến những hòn đảo xa xăm thì thế giới họ vì lòng nhân đạo mà xắp đặt cho đến một nước nào chịu chấp nhận, đàng này người Mỹ tự nhiên đến đây thâu nhận những lá đơn qua một văn phòng địa phương thì gần như là chuyện hoang đường, hay là ai cũng mơ một giấc mơ tự do mà trở thành cuồng vọng…..nhưng không, chắc là không phải mơ tưởng hão huyền, hình như đã có người được đi rồi đó, không biết là có phải đút lót tiền bạc gì không nhưng vấn đề là đã có người được người Pháp hay người Mỹ chấp nhận đơn. Văn phòng này ở đường Nguyễn Du, ông cũng đã đến dò hỏi nhiều lần, người ta bu đông và đứng rải rác khắp một đoạn đường, khi nào ông đến thì đều gặp những khuôn mặt thường hay đến nhiều lần, họ đến hỏi tin tức và tìm hiểu vấn đề, họ kiên nhẫn đi từng ngày này qua ngày khác, nói chuyện ngày xưa họ làm việc ở đâu bao lâu, đi tù bao lâu, liệu họ có được chấp thuận như thế nào, họ đồn đại với nhau và tới càng ngày càng đông hơn, hình như họ không làm việc gì hay bỏ cả mọi việc để tập trung ở đây, thực là nếu được rời bỏ một nơi đầy đói kém, kiếm một bữa ăn cũng khó khăn, hàng ngày phải vật lộn với cơm áo, con cái không được đi học, xã hội không ổn định,  tương lai mù mịt xa vời thì với một chuyện …thần tiên có thể có thực như thế này họ sẽ phải cố gắng săn đón để lỡ tới phiên thì có cơ hội đón bắt.

Ông Sơn suy nghĩ thật nhiều, nếu như vậy thì ông cũng nằm trong những điều kiện có thể nạp đơn được. Ông về nhà nói chuyện với người chú, chú ông nói cũng nghe chuyện như vậy, nếu có thể thì ông nên nộp đơn đi biết đâu có cơ hội đổi đời, còn chú ông không may vì là dân sự không phải đi tù mặc dù ông cũng đã bị họ tìm cách thâu tóm hết tài sản không còn lại được gì.

Dần dần cũng có nhiều người biết ông Sơn và biết đến tình trạng của ông, ông làm quen với họ nhiều hơn để tìm hiểu vấn đề cho được chính xác, tìm cách xem nộp đơn thì phải xin đơn ở đâu, và điền đơn như thế nào. Từ ngày vấn đề trở nên nóng sốt hơn đã có những người lo làm dịch vụ điền đơn để kiếm một chút tiền, họ có vẻ thông thạo, nhưng ông Sơn vẫn tự vào văn phòng chờ đợi xin đơn và làm lấy vì ông không có tiền. Cầm được lá đơn trong tay ông hồi hộp lắm, chắc đây là vận mệnh của ông, ông phải đọc kỹ, phải ve vuốt từng chữ từng câu để làm sao tránh khỏi được những sai lầm khi điền đơn, trong này có phần khai về gia đình vợ con, vợ ông ở đâu ông không biết, ông cũng đã đi dò hỏi để mong được gặp con gái ông, nhưng hình như họ đã đi xa lắm rồi, sang tới Úc hay Canada gì đó. Bây giờ biết ông không có vợ, người ta cũng thực tế khuyên ông nên kiếm một người có thể làm vợ ông để đến một nơi xa xôi khó tìm được một người cùng xứ sở, họ nói cũng đúng thôi, có nhiều người tử tế họ muốn giới thiệu với ông nhưng kiếm một người vợ thật là khó, làm sao ông biết hết được, ông không muốn cuộc đời ông lại đau khổ dang dở thêm một lần nữa, nhiều khi chẳng qua có người muốn rời bỏ đất nước nghèo đói khổ sở này. Bởi vậy ông Sơn đều từ chối, ông nghĩ thôi ông làm đơn đi một mình cũng được, số phận ông có khi phải sống cô đơn một mình thì ông chịu vậy.

Khi ông làm đơn ông dò hỏi người này người kia xem làm thế nào cho đúng và hợp lý, thỉnh thoảng ông cũng tìm tới người thiếu phụ mà ông quen biết, bà tên là Hồng, người chồng bà cũng đã đi tù cải tạo về và họ cũng đang tìm cách nộp đơn để mong được sang Mỹ, bà Hồng rất tế nhị, ông có chuyện gì cũng hay nói cho bà biết kể cả những chuyện có những người muốn môi giới cho ông có một người vợ, về chuyện gia đình bà bà cũng hay kể cho ông nghe. Ông biết bà có một người em chồng khoảng chừng ba mươi tuổi, cô này đã có chồng, cô đã gôm hết tài sản của hai vợ chồng để cho người chồng cô đi vượt biên nhưng bặt vô âm tín, mới đầu cô nghĩ rằng có thể chồng cô bị bắt ở nơi nào đó không liên lạc được hoặc không may chết ngoài biển cả nhưng người ta cho biết chiếc tàu đã đến một hòn đảo ở Malaysia an toàn, bây giờ đã hai ba năm rồi, cô không bao giờ nghĩ người chồng của cô đã phản bội và tàn nhẫn không liên lạc với cô, cô không tin được những điều đã xảy ra, cô luôn luôn cho rằng với tình yêu mà hai người dành cho nhau, những thề thốt lúc bắt đầu vào cuộc sống chung và cùng nhau trải qua bao nhiêu gian nan cực khổ nghèo nàn thì chồng cô không phải là một người như vậy. Cô hỏi thăm mọi nơi, tìm mọi cách vượt biên, cô sẽ phải gặp được chồng cô để tìm cho ra lẽ, cô chung tình nhưng  không may những lần ra đi đều thất bại.

Ông Sơn nghĩ hay là ông giúp cô, ông còn một chỗ trống trong cái đơn, lấy vợ mà không biết nhiều lỡ có xảy ra điều gì thì ông đau đớn, nhưng để giúp một người có thể ra đi như mọi người khỏi vất vả trong tận cùng cuộc sống kinh tế khó khăn, và lại còn giúp được cô đi tìm người cô yêu thì cũng được chớ… ông cảm thấy nhẹ nhàng với ý nghĩ này. 

Ông mang điều này nói với bà Hồng, bà không thể nào tin vào những điều ông nói, bà khuyên ông không nên vì như vậy gia đình bà đã lợi dụng một người bạn tốt như ông, ông nói không sao ông cũng không có ai vả lại mang được một người ra đi an toàn, không phải đương đầu với sự nguy hiểm ngoài biển cả trong khi ông có thể làm được, ông nói nếu cô chịu thì gặp ông vì có nhiều điều bàn bạc và sắp xếp. Bà Hồng cảm ơn ông và nói sẽ về nói chuyện với chồng bà và cô em.

Mới đầu cô Lan, em chồng bà, không dám vì cô cảm thấy như vậy thì đường đột quá, cô chỉ là một người đi tìm chồng, trong tâm tưởng cô chỉ có mỗi một điều nếu vượt thoát được ra ngoài cô sẽ hỏi thăm khắp mọi nơi tìm cho được người chồng mà cô đặt hết niềm tin và niềm thương yêu, còn như đi với ông Sơn thì chắc là cô có cơ hội làm những điều mong muốn, nhưng giữa đường cô rời bỏ ông thì không nên, trái hẳn với bản chất hiền lành trung thực của cô. Nhưng ông Sơn nói điều đó không sao ông giúp cô không qua một điều kiện nào, cô có thể tách rời khi nào cô muốn, ông qua bên đó có thể lo liệu một mình, được giúp một người tốt như cô ông rất vui, ông coi cô như người bạn hoặc là một người em gái. Chỉ có một điều là câu chuyện giữa ông và cô chỉ có người trong gia đình biêt.

Được biết ông Sơn là người tốt và cho em gái mình một cơ hội, chồng bà Hồng khuyên cô nên nhận lời, cô chấp thuận nhưng lúc nào cũng e dè và kính trọng ông Sơn. Vợ chồng bà Hồng mời ông Sơn qua nhà vài lần, họ cùng nhau lo hoàn tất mọi giấy tờ cho cẩn thận, sau đó cùng ông Sơn đi nộp đơn và được nhận khi qua mọi thủ tục cần thiết. Bây giờ là lúc thời gian phải đợi chờ, ông Sơn hồi hộp lắm nhưng rồi cũng quen đi, ông luôn luôn nghĩ tới nếu ông đi được và có thể kiếm tiền thì điều đầu tiên là ông phải gửi về giúp chú ông để chú ông không phải còm cõi vì quá vất vả, mọi người trong gia đình thoải mái hơn, ông sẽ giúp người cháu con chú ông bên Philippines, may mắn thì chú ông qua được cuộc sống khổ ải cơ cực. Có lúc trong đầu óc ông thoáng qua hình ảnh cô Lan, dễ thương và trung hậu, nhưng ông vội vàng nghĩ qua những điều khác, không thể nào, cô còn kém tuổi ông nhiều lắm, cô sẽ còn cả một tương lai sáng lạng.

Một năm trôi qua, những đợt nộp đơn đầu tiên đã có người được gọi phỏng vấn do một phái đoàn từ Mỹ qua, có người phải bổ túc thêm giấy tờ hay con cái bị từ chối vì đã lập gia đình, họ được cho lại ngày giờ tái phỏng vấn, có những người bị từ chối vì đã trả lời không đúng vào câu hỏi v.v…. làm ông Sơn lo lắng không biết đến lượt ông họ có đòi hỏi thêm gì không, họ có biết cô Lan không phải là vợ ông, họ có đọc được thấu tâm tư của ông không, nếu không bình tĩnh ông sẽ trả lời sai câu hỏi.

Những người được chấp thuận đã có ngày giờ và những chuyến bay ra đi rời khỏi Việt Nam sang thẳng Mỹ trước những cặp mắt ước ao của bao nhiêu người. Ông Sơn được gọi phỏng vấn, những điều ông hồi hộp lo lắng đều được họ giải quyết nhẹ nhàng vì hồ sơ của ông đơn giản không có cha mẹ con cái và cô Lan cũng nhanh nhẹn trả lời được mọi vấn đề, như vậy ông cũng được gọi là ra đi khá sớm. Ông cảm ơn Trời Phật đã giúp ông qua khỏi được cuộc sống khổ sở gian nan như hiện giờ.

Ông được họ sắp đặt cho chuyến bay ra đi vào tháng Chín, ông sang Mỹ, đến nơi ông chưa bao giờ biết, họ nói lúc đó trời sẽ trở mùa sang Thu, gia đình ông nên chuẩn bị một ít quần áo ấm hơn, ông và cô Lan không có thân nhân ở tiểu bang nào nên xin được nhà thờ bảo trợ về miền đông bắc Mỹ, ông nghe nói ở đó cũng đông người Việt và cô Lan có thể hỏi dò nhiều tin tức.

Cô Lan hình như lúc nào trong lòng cũng ngại ngùng, ông nói gì cô cũng nghe lời, ông phải luôn luôn làm ra vẻ tự nhiên thu xếp và lo lắng mọi chuyện để cô yên tâm và cũng để tránh sự chú ý của người ngoài. Ông cẩn thận giấy tờ mang theo trong mình vì sợ thất lạc, chuyến bay của ông sẽ đến tiểu bang Virginia, nơi đây sẽ có một gia đình thuộc nhà thờ Tin Lành ra đón.

Lúc xuống máy bay, họ nói đúng trời đã bắt đầu se lạnh, cũng may ông đã chuẩn bị một chiếc áo vừa ấm và trước đó đã nhẹ nhàng nhắc nhở cô Lan mặc dù ông biết cô chu đáo. Ông đang ngơ ngác nhìn quanh xem có một tấm bảng nào ghi tên mình như được dặn, thì có một người nói tiếng việt đến hỏi tên ông, ông vội trả lời và vui mừng lắm vì nhìn chung quanh ông chỉ thấy những người ngoại quốc xa lạ, người này dẫn ông và cô Lan đến gặp gia đình bảo trợ, họ nói họ đã đến đây đợi chuyến bay của ông, họ chào mừng ông và cô Lan rồi tự giới thiệu tên là ông bà Micheal Howard, cử chỉ của họ rất thân thiện mà trước đây ông chỉ thấy có trong gia đình. Họ chở ông và cô Lan về một căn nhà, nơi đây người Việt Nam thông dịch gia đình người bảo trợ này cho ông và cô Lan ở đây một thời gian, căn nhà này của giáo hội Tin Lành, ông và cô Lan sẽ được họ giúp đỡ và lo lắng mọi vấn đề trong thời gian đầu, họ vui vẻ dẫn ông và cô Lan đi coi nhà, chỉ phòng ngủ cho hai người, mọi thứ cần thiết, một ít thức ăn nước uống sẵn có, họ nói ông và cô Lan hãy nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài mệt nhọc, ngày mai họ sẽ đến mang theo nhiều thứ khác, và cũng không quên nhắc ngày mai trước khi họ đến họ sẽ kêu điện thoại cho ông biết. Ông Sơn cảm ơn họ và không quên nói với người thông dịch ông rất vui  mừng được làm quen.

Đợi họ về xong ông Sơn nhắc cô Lan đi tắm trước cho thoải mái và đỡ mệt mỏi, ông chỉ phòng ngủ và nói:

  • Em vào trong phòng này nghỉ ngơi, ngủ một giấc cho khỏe lại lấy sức

rồi mai tính, nhà này có ba phòng ngủ, anh sẽ sang ngủ phòng bên kia, mai trước khi ông bà bảo trợ gọi lại, anh sẽ thu xếp lại gọn ghẽ rồi đón họ, trời lạnh lắm ráng giữ cho ấm kẻo bịnh.

Cô Lan gật đầu làm như lời ông nói. Ông Sơn cũng lo tắm rửa xong xuôi mọi chuyện rồi vào phòng kế bên, mọi thứ mền gối đều sẵn sàng, ông đã quá mệt chỉ vội kéo được tấm mền lên đắp rồi là nhắm mắt ngủ không còn biết trời đất là gì nữa.

Lúc tỉnh dậy trời mới tờ mờ sáng, ông vẫn có thói quen thức sớm để còn lo lắng mọi sinh hoạt cho một ngày mới nhiều vất vả như mọi người để kiếm bữa rau bữa cháo, mệt mỏi làm cho ông mơ hồ chưa nhận rõ mình đang ở đâu, nhưng rồi ông tỉnh ngủ, mền gối ấm áp quá, từ từ ông nhớ lại chuyện ngày hôm qua lúc lên máy bay cùng cô Lan vượt qua bầu trời của một nửa trái đất, rồi đến Mỹ gặp người Việt Nam thông dịch rồi gặp ông bà bảo trợ tử tế đưa ông và cô Lan về đây, ông vội vàng trỗi dậy xắp đặt căn phòng cho gọn ghẽ rồi bước ra phòng khách. Cô Lan đã dậy rồi và cũng như ông cô lo xắp xếp căn phòng của cô trước khi ra ngoài. Ông chào cô, cô cũng mỉm cười chào lại, ông cảm thấy ấm áp trong lòng và nghĩ rằng thật hữu lý có một người bạn đồng hành khi chân ướt chân ráo đến xứ lạ quê người. Trời buổi sáng của tháng Chín se lạnh, ông mặc thêm áo, lại bếp kiếm xoong nồi đun một chút nước sôi rồi mở tủ bếp tìm tòi được một lọ cà phê hòa tan, ông làm hai ly, bánh mì có sẵn trên bàn, ông mời cô Lan và hai người cùng ăn lót dạ. Cửa bếp trông ra một rừng cây, lá đã bắt đầu chuyển sang màu vàng, có những chỗ ửng đỏ từng chùm dưới ánh nắng của ban mai, đẹp làm sao, đã lâu lắm rồi ông Sơn mới để ý đến vẻ đẹp chung quanh của thiên nhiên, hay chính là cuộc đời ông giờ đây đã bắt đầu được tưới lên một chút ánh nắng rực rỡ của sớm mai kia.

Đúng như lời, ông bà bảo trợ gọi lại nói họ sẽ đến vào lúc 10 giờ sáng, họ đến cùng với người thông dịch ngày hôm qua, mang thêm nhiều thứ cần thiết khác, mùng mền, quần áo, áo lạnh và một số thức ăn v.v… họ hỏi thăm ông và cô Lan đã cảm thấy khỏe chưa, họ vui mừng khi thấy ông và cô Lan trông đã bớt vẻ mệt mỏi sau chuyến đi dài, trên môi hai ông bà lúc nào cũng nở nụ cười thân ái như đã quen biết từ lúc nào.

Ông bà Micheal Howard nói đến đâu người Việt Nam tên Vinh thông dịch lại tới đó, họ nói ngày mốt sẽ lại lúc 9 giờ sáng đón hai người đi làm giấy tờ để ông và cô Lan có thẻ an sinh xã hội, chính phủ sẽ cho ông Sơn và cô Lan hưởng trợ cấp một thời gian khoảng chừng vài tháng, xong việc giấy tờ họ sẽ đưa hai người đến trường sinh ngữ để ghi danh học ESL.  Sau đó họ ra về, bước chân của họ như những tiếng reo vui trong lòng ông Sơn, ông nhờ ông Vinh nói giùm là ông và cô Lan trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của họ, ông cũng nói cảm ơn ông Vinh và mời ông thỉnh thoảng ghé lại chơi chỉ bảo cho ông nhiều điều chưa biết nơi xứ sở xa lạ này.

Ông nói với cô Lan:

  • Chắc bây giờ đói bụng rồi, anh sửa soạn ăn trưa cho em và anh, rồi mình sẽ làm quen với sinh hoạt mới, nghỉ ngơi nhiều cho khỏe, tạm ổn rồi mình cũng phải lo nhiều việc.

Ông vào phòng nghỉ, giấc ngủ lại đến rất nhanh, ông mở mắt ra đã hơn sáu giờ chiều, ông dậy bật đèn cho sáng, cô Lan tỉnh giấc sau ông và ra khỏi phòng, ai cũng đã qua một giấc ngủ thật dài, ông nghĩ ngủ nhiều như vậy một phần vì còn mệt và cũng vì thời gian thay đổi, nơi đây cách xa Saigon 12 tiếng ngày đêm chưa phân biệt nên dễ buồn ngủ.

Trên bàn mấy ổ bánh mì vẫn còn đó, lúc sáng ông Vinh chỉ cho ông cất những thức ăn dễ hư vào tủ lạnh, ông mở kệ tủ trong bếp lấy ra một cái chảo và lấy mấy trái trứng ra đổ omelet , ông không biết làm gì hơn là đổ trứng kiểu này, ông rửa mấy lá rau xà lách, cũng có thịt nguội và sốt mayonnaise . Ông kêu cô Lan ngồi xuống hai người dùng cơm tối, ông nói:

  • Em ăn đỡ mấy thứ này đi, tuy ở đây thức ăn nhiều nhưng từ lúc trên máy bay đến giờ ăn thức ăn ngoại quốc không, anh biết em ngán lắm rồi, anh cũng vậy, từ từ mình sẽ hỏi ông Vinh về thức ăn Việt Nam sau, nghe nói ở đây người mình đông lắm.

Cô Lan nói hơi mỉm cười:

  • Ăn như vậy là tốt lắm rồi, ở Việt Nam không có đủ ăn, bữa đói bữa no thì sao, em đâu có đòi hỏi gì.

Cô tiếp:

  • Em chịu ơn anh mang em sang đây, em có nằm mơ cũng không được như thế này, em nhất định không bao giờ đòi hỏi gì để anh không phải lo nhiều.

Nghe cô nói vậy ông dịu dàng:

  • Anh cám ơn em nữa mới phải, từ hôm qua tới giờ anh cảm nhận được rằng có người bạn đồng hành mới thực là một điều may mắn, anh mong rằng được coi em như là một người em gái, em đi tìm chồng em, anh hứa sẽ giúp đỡ hết lòng cho tới khi nào em không cần tới anh nữa.

Ông nói thêm:

  • Thời gian mới mẻ này rất quan trọng, tạm thời em và anh ở chung

nơi đây, chúng ta sẽ từ từ hỏi thăm tin tức mọi người, anh nghĩ rằng em sẽ được may mắn. Thức ăn sẵn có ở đây, ta sẽ giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày, có cả sữa tươi em ráng uống, khỏe khoắn hơn sẽ là niềm vui để đi tìm những ngày tươi sáng hơn.

Một ngày nữa qua đi ông và cô Lan đã lo xắp xếp gọn ghẽ mọi hành lý và đồ đạc, sẵn sàng chờ đón ông bà bảo trợ hôm sau đến đưa đi làm giấy tờ và ghi danh học tiếng anh như họ đã hứa.

            Sáng hôm sau hai người lo dậy thật sớm theo lời dặn sẽ đến vào lúc 9 giờ của ông bà Howard, thực ra dậy sớm đã là một thói quen sẵn có để lo công việc hàng ngày, cô Lan nói cô sẽ lo bữa ăn sáng nay, cô bắt chước lấy nồi đun sôi nước để pha cà phê hòa tan, cô lấy bánh mì ra và để thịt nguội bỏ vào giữa, cô mời ông Sơn và hai người cùng ăn sáng. Chuẩn bị xong xuôi đợi một lát thì ông bà bảo trợ và ông Vinh đến, bước vào nhà họ đã vui vẻ hỏi thăm ríu rít rồi nói hai người ra xe. Họ chở hai người đến sở xã hội, ông Vinh nói đi vào lúc này là trễ, người ta đến sớm để lo sắp hàng vào trước được ưu tiên trước, giờ này đã tan hàng rồi mình đến trễ thì phải đợi, ông kiếm ghế cho mọi người ngồi, bà Howard nói chuyện với cô Lan bà khen cô bữa nay nhìn tươi tỉnh đã hết vẻ mệt mỏi.

            Ông Vinh đến trình giấy tờ, khoảng 11:30 thì tới phiên họ được gọi, làm giấy tờ thực ra cũng không lâu lắm vì mọi thủ tục đã có sẵn, ông Sơn đã đưa hết giấy tờ của hai người cho ông Vinh, văn phòng xã hội cấp cho hai người thẻ an sinh xã hội để chứng nhận họ thực thụ cư trú trong nước Mỹ, và mỗi người sẽ được hưởng trợ cấp trên hai trăm trong vòng tám tháng, xong việc vào lúc 1 giờ trưa.

Ông bà Howard mời mọi người vào tiệm fast food McDonald để uống nước và ăn tạm bữa trưa, rồi tiếp tục đi đến trường Wilson nơi dạy tiếng anh và kiếm việc làm cho những người ngoại quốc mới tới nước Mỹ, ông Vinh dẫn mọi người đến một văn phòng đại diện cho người Việt, họ tận tình giúp đỡ và ghi tên cho hai người đi học vào buổi sáng, họ hứa từ từ có chỗ nào nhận người làm việc họ sẽ giới thiệu, ông Vinh nói chuyện với họ thân tình lắm vì hình như ông đã đại diện những người bảo trợ dẫn nhiều người tới đây, ông hỏi thăm đường đi xe buýt từ địa chỉ chỗ ở hai người , họ tìm tòi một lát rồi đưa hai tờ chương trình đi xe buýt cho ông Sơn, phải đi hai chuyến xe buýt mới tới trường Wilson được. Lớp học bắt đầu vào ngày mốt.

Mọi việc đã xong ông bà Howard rất là vui mừng hứa sẽ thỉnh thoảng lại thăm mang thức ăn cho hai người, ông Vinh cũng hứa lại thăm và giúp đỡ thêm những gì cần thiết, ông nói mới đến còn nhiều thứ phải lo lắm, đầu tiên phải lo học anh văn, khoảng một tuần lễ sẽ nhận được tiền trợ cấp.

Ông Sơn và Cô Lan rất vui mừng, họ đã được yên tâm sống ở trên đất Mỹ này,

tuần tới sẽ có tiền trợ cấp có nghĩa là hai người sẽ có tiền gửi về Việt Nam cho gia đình. Ông nói với cô Lan:

  • Anh sẽ gửi tiền cho chú anh càng sớm càng tốt cho chú anh đỡ vất vả một chút, một lát anh sẽ đi viết thư nói về những ngày mới tới đây cho chú anh nghe. Em cũng vậy viết thư cho anh chị của em đi, mọi người sẽ vui mừng lắm khi biết anh và em được yên ổn và được giúp đỡ như thế nào, ngày mốt bắt đầu đi học sẽ nhờ họ gửi thư.

Cô Lan nhìn ông nói:

  • Em sẽ viết thư tối nay, em biết anh chị em sẽ vui lắm khi nhận được thư, lúc nào anh cũng chu đáo, em cảm ơn anh.

Cô vui vẻ sửa soạn bữa chiều, hai người vừa ăn vừa nói chuyện về ông bà Howard, bà Howard luôn hỏi thăm và tỏ vẻ săn sóc cô, cô rất mến bà, sau mỗi công chuyện ông bà đều cám ơn ông Vinh ríu rít, không khí rất là vui vẻ, ông Vinh thật là giỏi và ăn nói điềm đạm dễ thương.

Những tia nắng chiều còn chiếu chói chan qua lùm cây, qua khung cửa sổ làm cho lòng hai người cảm thấy ấm áp thêm lên.

Ông Sơn và cô Lan đã đi học được hơn một tháng rưỡi, chờ hai chuyến xe buýt cũng hơi lâu nhưng vì có thì giờ nên cũng không sao, chỉ có bây giờ bắt đầu mùa lạnh thì hơi cực vì đôi khi không bắt kịp chuyến xe buýt thứ hai phải đứng ngoài trạm lâu hơn. Hôm vừa qua văn phòng gọi hai người vào nói có một cơ xưởng sản xuất đủ mọi loại đèn, đèn để bàn, đèn treo tường v.v… cần vài người làm assembler để hàn mấy con chip điện tử, mùa lễ họ muốn mướn thêm người để tăng năng xuất, ông Sơn, cô Lan và vài người đã được đưa đến đó.

Hai người đã được mướn, cũng may lúc phỏng vấn họ hỏi nếu được mướn thì có nhận lời làm overtime không, dĩ nhiên là ông Sơn bằng lòng, cũng may là cô Lan không từ chối nên mới được mướn, họ chỉ cần những người muốn làm ngoài giờ, cũng vì vậy nên ai không nhận lời làm overtime họ từ chối ngay, thực ra ông Sơn chỉ muốn có tiền thì sao ông lại không nhận lời, ông cũng nghe nói có nơi họ không mướn hai vợ chồng làm chung nhưng chỗ này chỉ là cơ xưởng lao động nên không cần thiết lắm.

Chỗ nhà ông Sơn ở của người bảo trợ không cách nhà thờ tin lành bao xa và ở khá xa nơi thị tứ chỗ trường Wilson nhưng nơi đây lại không xa lắm một số những công xưởng lao động mà họ nhận ông làm việc nên chỉ phải đi có một chuyến xe buýt, khá thuận tiện hơn, sáng nào ông và cô Lan cũng dậy thật sớm đi làm, chuẩn bị mang theo bữa trưa và thêm ít bánh để ăn khi nào đói vì phải làm giờ phụ trội tới tám giờ tối, thật là quá bận rộn và vất vả nhưng hai người rất sung sướng vì có công ăn việc làm kiếm được tiền. Trên những chuyến xe buýt đi chung trong những buổi sáng sớm hay những buổi chiều quá lạnh lẽo, có lúc ông Sơn nghĩ rằng phải chi cô Lan là người vợ thực thụ của ông thì ông vui biết bao nhiêu, cô thực là đảm đang biết lo lắng và hiền thục, nhưng ông cảm thấy rất buồn không dám nghĩ tới cô nhiều, cô đang đi tìm chồng và cô còn rất trẻ ví dụ cô không tìm được người chồng thì cô cũng không bao giờ nghĩ đến ông vì ông đã già rồi, cô sẽ phải có một tương lai tươi sáng vững vàng hơn. Trong cơ xưởng này có nhiều người Việt , lúc giờ trưa nghỉ ngơi, cô Lan thỉnh thoảng tìm cách hỏi thăm tin tức người chồng, ông cũng âm thầm giúp cô, hiện giờ vì không muốn cho ai biết rõ tình trạng nên chỉ là hỏi thăm một người bà con mà thôi, tuy làm  ở những khâu khác nhau nhưng ai cũng biết ông và cô là vợ chồng, đôi khi có người khen vợ ông trẻ trung hiền lành dễ thương ông chỉ mỉm cười cảm ơn họ.

Từ khi nhận được việc làm có lương, trợ cấp đã bị cắt, để bù lại mấy tháng qua đi làm ông Sơn đã có một số tiền, ông Vinh tìm người dậy lái xe cho ông vào cuối tuần và giúp ông mua một chiếc xe hơi cũ, ông đã làm quen với lối sống mới, đồng thời ông cũng nhờ ông Vinh kiếm cho một căn apartment hai phòng gần chỗ làm, ông giải thích là sẽ có người cháu qua. Căn nhà được trao hoàn lại cho ông bà bảo trợ, ông và cô Lan chân thành cảm ơn họ, họ rất vui mừng vì  đã giúp đỡ được gia đình ông.

Ông và cô Lan sống chung trong căn nhà mới, ông nói với cô:

  • Em ở đây với anh cho bảo đảm một thời gian và tiện việc đi làm,

anh lúc nào cũng tôn trọng em, từ từ rồi em sẽ được như ý nguyện, khi đó rồi anh cũng phải rời nơi này, ở đây đắt tiền cả  em và anh mới trả nổi.

  • Vâng, xin anh đợi em một thời gian, em luôn luôn nhớ những điều anh làm. Cô nói.

Thỉnh thoảng ông Sơn gửi tiền về giúp chú ông, ông cũng gửi qua Phillipines

một chút để giúp người cháu còn kẹt bên đó chưa được phỏng vấn, chú ông cho biết nhờ vào tiền ông gửi không còn phải ra ngồi ngoài đường sửa xe đạp nữa, chỉ còn giúp người vợ buôn bán chạy hàng thêm. Còn gia đình anh chị cô Lan sẽ ra đi trễ một chút vì có một người con đã lập gia đình, họ sẽ được tái phỏng vấn vào lần tới.

Một hôm cô Lan gặp một người quen từ trước kia ngoài trung tâm sinh hoạt của người Việt, cô hỏi thăm, người này cho cô biết lúc trước chồng cô có ở đây vài tháng, sau  đó di chuyển về Cali đã lâu rồi, họ cho cô số điện thoại của chồng cô, cô mừng lắm về nói cho ông Sơn biết, cô dự định sẽ gọi cho chồng cô vào  buổi chiều tối bên Cali cho thuận tiện, ông Sơn rất mừng cho cô.

Ăn cơm chiều xong ông Sơn rút vào phòng nghỉ, ông cho rằng tối hôm nay quan trọng cho cô Lan, ông không muốn ra vào để cho cô yên tĩnh gọi cho chồng cô, biết đâu rằng hai người sẽ mừng rỡ gặp lại nhau và hàn huyên tâm sự nỗi lòng bao lâu xa cách, nghĩ đến đó ông cảm thấy như có gì đau nhói trong trái tim, một giọt nước mắt lăn dài trên má, ông đã yêu cô thầm lặng từ bao lâu nay, ông biết như vậy, và còn yêu mãi mãi.

Cô Lan hồi hộp chờ đến 10 giờ đêm, lúc đó 7 giờ chiều bên Cali, sẽ thuận tiện cho cô vì giờ này mọi người đi làm về ai cũng ở nhà, cô nghĩ đến chuyện vợ chồng cô lâu lắm mới gặp nhau sẽ có những giây phút vui mừng lắm, cô sẽ kể lể hàn huyên tâm sự những vui buồn bao lâu xa cách, cô sẽ hờn trách….., hay có chuyện gì không hay sẽ xảy ra, cô cũng ngần ngừ một lát, sau cùng cô mạnh dạn cầm điện thoại lên quay số, có tiếng reng reng đều đều hai ba lần rồi có người bắc máy, tiếng một người đàn bà nói:

  • Alo, xin hỏi ai gọi đó
  • Tôi là Lan, cô giới thiệu, xin hỏi có ai tên Nam, Nguyễn Hoài Nam ở số điện thoại này không.
  • Xin lỗi bà là ai, người này hỏi lại.
  • Tôi là vợ của ông Nam bên Việt Nam, tôi đã sang được bên Mỹ nên đi tìm chồng tôi.
  • Bà nói gì vậy, người đàn bà có vẻ ngạc nhiên, ông Nam là chồng tôi, lúc chúng tôi lập gia đình ông nói chưa có vợ, chúng tôi đã có hai mặt con, thôi để tôi gọi ông Nam ra giải quyết việc này, bà ta nói tiếp  hơi bực bội nhưng vẫn có vẻ lịch sự và cương quyết.

Cô Lan cảm thấy chân tay bủn rủn đứng không vững, cô đã nghĩ cũng có thể là như vậy nhưng trái tim cô đang vỡ tan từng mảnh, cô như ngừng thở nhưng cô vẫn muốn nghe chính chồng cô nói, có tiếng người đàn ông, đúng là giọng của chồng cô:

  • Lan đó phải không em, em đã sang được bên Mỹ rồi à, anh xin lỗi đã không cho em biết anh ở đâu, anh đã có vợ, có gia đình vững chắc ở bên này, anh xin em đừng đi kiếm anh làm gì hoặc gọi điện thoại cho anh, người vợ anh không muốn như vậy….

tiếng nói như văng vẳng từ đâu đâu cô không muốn nghe nữa, miệng cô cũng không thể thốt nên lời, nào yêu thương, hờn trách, mắng mỏ, tất cả như nghẹn hết trong cổ họng của cô, chiếc phôn trên tay cô đã rơi xuống lủng lẳng trên sợi giây từ bao giờ, cô đứng bất động đã lâu lắm rồi dường như không còn hơi sức cô ngồi xuống một chiếc ghế úp mặt vào hai bàn tay.

Đã gần một giờ khuya, ông Sơn thấy ngoài phòng khách im lặng hoàn toàn, ông nghĩ giờ này cô Lan đã vào phòng rồi, hôm nay chắc có thể cô sẽ vui lắm, ông mở cửa phòng ra ngoài, trước mặt ông cô Lan ngồi hai tay ôm mặt, chiếc điện thoại còn rơi thõng xuống, ông giật mình chạy lại chỗ cô hỏi:

  • Lan, em có làm sao không, khuya lạnh thế này mà em ngồi đây bao lâu rồi, ông ôm nhẹ vai cô, để anh đưa em vào phòng nằm không sẽ nhuốm bịnh.

Cô Lan như người vừa được ai đánh động nỗi thương tâm tận đáy lòng, cô òa lên khóc, cô khóc nức nở, khóc to như chưa bao giờ được khóc, ông vỗ về cô nhưng cô không thể nào ngừng được , cô dựa vào người ông khóc mãi, ông nhẹ nhàng lau nước mắt cho cô, ông nói:

  • Thôi em, em nín đi, có gì kể cho anh nghe cho nhẹ lòng, anh sẵn sàng ngồi đây nghe em nói, anh không đi đâu hết anh ngồi đây với em. Ông đứng dậy lấy thêm áo khoác vào người cô.

Như dịu bớt cơn đau, cô vừa nức nở vừa kể cho ông nghe cuộc đối thoại, ông lắng tai nghe vừa dịu dàng an ủi, cô nói thêm:

  • Rồi đây em không biết sẽ phải làm sao, chồng em đã bỏ em thật rồi anh ấy sẽ không bao giờ còn nghĩ đến em nữa, em phải làm gì trên đất Mỹ này, em đã nhờ cậy anh nhiều rồi, em không muốn làm phiền anh nữa.

Ông nói:

  • Em đừng nghĩ gì thêm nữa, mình sống mãi như vầy cũng được mà.

Ông im lặng ngần ngừ lâu lắm, rồi bỗng ông quỳ xuống nắm chặt lấy hai bàn tay của cô, nói:

  • Em Lan, em nghe anh nói đây, anh yêu em từ lâu lắm rồi không biết từ bao giờ nhưng anh không dám nghĩ đến, một phần em đang đi tìm chồng em, và anh cũng đã quá lớn tuổi rồi nếu em không gặp được chồng, em còn trẻ vẫn còn cả một tương lai chờ đón.

Anh đã từng nghĩ không nói ra điều này vì anh sợ anh sẽ phải thất vọng, nhưng nếu em không ngại anh già, công việc làm chỉ là việc lao động chân tay, anh xin chân thành hỏi em làm vợ…

ông nói một hơi không ngừng làm như không nói hết thì sẽ không nói được nữa, hai bàn tay ông vẫn nắm chặt lấy tay của cô.

Cô Lan đã thôi khóc, nghe ông nói liên miên một hồi như chợt tỉnh một cơn mộng dài, cô đang sống ở đâu, trong một căn nhà ấm êm như thế này mà cô không biết, vậy mà lâu nay cô không nghĩ ra được, một chút gì ưu ái vừa lâng lâng trong trái tim cô, cô xoay hai bàn tay nắm lấy tay ông dìu ông dậy ngồi lên ghế, nhìn ông nói:

  • Anh Sơn, em chưa bao giờ nghĩ đến điều này, đối với em lúc nào em cũng kính trọng anh, anh là người đại lượng và cương trực, em chỉ là một người đàn bà đã có chồng không dám nghĩ thêm gì khác, chưa bao giờ em nghĩ là anh già hay là anh có một công ăn việc làm tầm thường, anh có biết là trong lòng em anh lúc nào cũng là người cao cả, bây giờ đây em lại có tình yêu anh dành cho em, em đi khắp thế gian này tìm cũng không ra, vậy mà em đã ảo tưởng những gì không có.

cô gục đầu vào vai ông tiếp:

  • Anh lấy em làm vợ là một hạnh phúc nhất đời cho em, làm sao em không bằng lòng cho được.

ông Sơn ôm chặt cô vào lòng rất lâu, một niềm vui sướng tràn ngập mà ông tưởng như không bao giờ có được.

Những ngày kế tiếp họ thật là vui vẻ, nụ cười của cô Lan lúc nào cũng như ánh sáng tràn ngập căn nhà, ông Sơn nói với cô ông sẽ tổ chức một đám cưới, một đám cưới nhỏ cho hai người, mọi điều sẽ phải danh chính ngôn thuận, ông giải thích ông đi tù về gặp cô Lan, hai người bằng lòng làm vợ chồng nhưng vì sinh kế quá khó khăn nên chưa làm đám cưới, ông sẽ mời ông bà Howard làm chủ hôn, mời bạn bè trong chỗ làm việc, nhờ ông Vinh lo điều khiển và dường như ông muốn nói với tất cả mọi người là ông và cô Lan yêu thương nhau chừng nào.  Họ viết thư về Việt Nam, chú ông và anh chị cô Lan rất vui mừng, anh chị cô đã được chấp thuận sang Mỹ vài tháng nữa, và cũng có tin mừng là người cháu ông ở Philippines đã được phỏng vấn.

 

Ông Sơn ngừng xe trước chợ để bà vào mua một bó hoa, hôm nay là ngày ra trường đại học của con trai lớn ông, họ có hai người con, người con gái thứ hai sắp sửa xong highschool, cũng có mặt trong xe cùng vợ chồng ông đi dự lễ ra trường. Đã hai mươi lăm năm, dù rằng vất vả cực nhọc để lo xây dựng cuộc sống nhưng hai ông bà lúc nào cũng yêu thương nhau, bà đã gần sáu mươi nhưng vẻ hiền lành phúc hậu luôn phảng phất trên khuôn mặt tươi vui, lát nữa đây họ sẽ tặng bó hoa cho người con trai, ông cảm ơn bà biết là bao, niềm hạnh phúc ông có được này bà cho ông đã từ bao giờ.

 

                        Lê Mỹ Hoàn

April 24, 2020