Thủy Lợi
Gia đình Khanh sống ở Saigon đã lâu, nhà trông ra mặt đường Lê Văn Duyệt Gia Định, nhà khanh ba tầng lầu, nhìn rất đẹp và khang trang lắm, tuy không to lớn gì nhiều nhưng nhà không buôn bán gì, mặc dầu ở phố buôn bán, cũng cửa sắt kéo ra kéo vào như những nhà bên cạnh nhưng luôn luôn đóng trừ những khi nào có ai đi ra đi vào, sở dĩ không buôn bán là vì nhà ai cũng đi làm, bố khanh làm việc cho chính phủ, mẹ Khanh đi dậy học. Khanh lớn lên đi học ở đây, rồi tốt nghiệp đại học đi làm cho cơ quan thuế vụ. Đời sống của riêng gia đình Khanh rất êm đềm, bố mẹ ít đi chơi, còn Khanh lúc đi học cũng có theo bạn bè đi cắm trại hoặc đi đâu chơi xa hơn một chút khi nào có dịp, sau này đi làm nên ít đi chơi đâu , ngay cả những con hẻm trong xóm, mặc dù có những con hẻm nhà cửa rất đẹp nhưng Khanh cũng chỉ đi đâu qua được có một hai lần bởi vì không quen ai trong đó.
Ấy thế mà từ khi cộng sản vào chiếm Saigon, tất cả mọi chuyện đều đảo ngược, đời sống yên tĩnh riêng tư của mọi người không còn nữa, họ tổ chức thành từng khóm từng phường rồi cắt cử những người dân từng vùng nhỏ đứng lên làm tổ trưởng, khóm trưởng, phường trưởng, v.v…họ lập thành từng ban, ban này gọi một số người, ban kia gọi một số người ….như ban chống mù chữ, mặc dù ở trong Nam nạn mù chữ rất nhỏ, cả ngàn người cũng chưa có một người, hay ban vệ sinh kêu gọi mọi người đi làm sạch khóm sạch phường v.v.. cũng nực cười thật trước kia phố xá cũng như trong ngõ có nhà ai phải đi làm vệ sinh bao giờ đâu mà lúc nào cũng sạch sẽ.
Rồi ngày nào cũng có các cán bộ đến phường khóm tập họp mọi người lại để học tập, họ giảng giải đủ mọi thứ từ chính trị đến đời sống hàng ngày…các ông cán bộ này mới ở trong rừng ra, họ mang theo một loại văn hóa mới, người dân Saigon đời sống văn minh quen rồi có biết đến cách sống trong rừng trong bưng bao giờ đâu….nhưng bị họ gọi đi học tập, dân tỉnh thành cũng phải biết chế độ của những người ở sống ở bưng biền khác với chế độ văn minh ra sao, tuy lạ tai nhưng vẫn phải nghe. Các cán bộ lấy những nhà của người dân đã di tản bỏ trống rồi làm thành những chỗ học tập, người ta nói ở ngoài Bắc trước kia lúc cộng sản chưa chiếm được, đêm đêm những dân du thủ du thực không công ăn việc làm, không nhà cửa đã được cộng sản huấn luyện từ bao giờ, về làng bắt người dân ra những bãi trống ngoài đồng ruộng học tập chính trị trong lúc trời giá buốt rất là cực khổ, bây giờ được học tập giảng dậy trong nhà còn đòi gì nữa.
Khanh cũng không thể nào ở yên được với họ, không ngày nào là không có người đến gõ cửa mời tham gia ban nọ ban kia, rút cục Khanh cũng phải tham gia ban chống nạn mù chữ, gồm có một số thanh niên thiếu nữ, Khanh là một trong những người lớn tuổi của ban này, Khanh đã 26 tuổi, còn ngoài ra những người khác chỉ độ 19, 20. Khanh nhớ ban này còn đi cùng với ban đi tịch thâu những sách vở viết về ngụy quân ngụy quyền, họ gọi như vậy, và những tiểu thuyết lãng mạn văn thơ ủy mị… những tác phẩm tình tiết lâm ly chỉ hợp với tình yêu không có tư tưởng cách mạng chiến đấu…
Mang một đống sách vở tiểu thuyết về phường khóm cho cán bộ văn hóa được đào tạo ở những bìa rừng vứt đi hoặc đốt bỏ là một chuyện dễ rồi, vì ai cũng sợ bị phiền toái hăm dọa là đọc sách vở văn chương đồi trụy, và cũng không ai còn lòng dạ nào đọc tiểu thuyết trong khi tất cả mọi người đều trở nên nghèo đói, kiếm ăn từng bữa hàng ngày. Nhưng kiếm ra được một người lớn hay một em bé mù chữ để bắt họ phải học a,b,c… thì thật là khó, vì thống kê về nạn mù chữ của thế giới nói rằng người Việt Nam là một trong những dân tộc ít mù chữ nhất thế giới, nói về thế giới tự do chứ không phải thế giới của chủ nghĩa Xã Hội đâu.
Vậy mà trong bao nhiêu ngày tìm kiếm cũng ra được một người không biết chữ, thật là một thành công to lớn, đó là một bà cụ đã trên 80, nhà cụ ở trong xóm nhưng cũng là nhà gạch xây hai từng, lát đá hoa bên ngoài, nghe nói nhà này là nhà của cụ chứ không phải của con cái gì hết, như vậy là cụ cũng giỏi lắm, nhưng tại sao cụ không biết chữ thì không ai biết, tìm ra được cụ rồi thì các thanh niên thiếu nữ thay phiên nhau từng nhóm đi vào nhà cụ để khuyên cụ đi học, họ mời cụ lên phường, ở đó có lớp các cán bộ được đào tạo sẽ dạy cho cụ tập từng vần a,b,c…Cụ không chịu đi, cụ nói cụ già rồi cụ mệt lắm không đi học được và cụ cũng không cần biết chữ. Nhưng đây là tiêu chỉ của nhà nước ai cũng phải biết chữ nên các thanh niên thiếu nữ trong ban chống nạn mù chữ cứ vài ngày lại chia phiên từng nhóm đến nhà cụ để thúc đẩy cổ võ cho cụ lên tinh thần, cụ đóng cửa nghỉ yên cũng không được, cụ không biết rằng cụ là đối tượng duy nhất mà họ kiếm ra.
Như thế này thì phiền thật, cụ không biết phải làm sao, mấy đứa trẻ kia như con cháu của cụ, chúng nó cũng bị sai khiến đến làm phiền cụ mà thôi, nhưng mà cụ cũng tức lắm, tụi nó như không có việc gì làm thì phải, tuy ăn nói lễ phép, nhưng cứ đứa này đứa nọ thay phiên nhau nói một câu thuyết phục cụ, cụ nghe đầy lỗ tai, tụi nó phải biết cụ trên 80 mươi rồi chứ. Cụ nghĩ mãi mới ra một kế, tụi mấy đứa bé này chưa đứa nào có chồng có vợ, nên cụ sửa soạn một câu nói sẵn trong đầu, cụ không nói những câu từ chối hiền lành hay bào chữa lý do như trước nữa, cũng phải ngộ biến tùng quyền mà thôi. Cụ đợi một hôm bốn hay năm đứa vừa thanh niên vừa thiếu nữ đến, hôm đó có cả Khanh, tụi nó bắt đầu thay phiên nói và giảng giải mục đích biết đọc chữ thì hữu ích như thế nào, có thể đọc sách báo hay cần gì thì viết xuống được, cụ đợi tụi nó nói xong một hồi rồi bắt đầu tỏ vẻ quan trọng nói:
“Này tôi nói cho các cô các cậu biết, các cô các cậu bắt tôi học chữ, nhưng tôi bây giờ lớn tuổi lắm rồi, tôi đâu còn ở tuổi thiếu niên như các cô các cậu nữa mà viết thư cho trai cho gái, cụ nhấn mạnh hai chữ trai gái, các cô các cậu cần biết chữ để viết thư tình cho nhau chứ tôi đâu có cần.”
Cụ nói một tràng tới đó thôi là mặt của mấy cô cậu đỏ bừng lên hết, tụi nó trước kia đều là những con nhà lành chỉ biết đi học, mọi hôm cụ trả lời hiền khô bây giờ nghe cụ nói như vậy đều sửng sốt, lại thấy tư thế cụ làm như sẵn sàng nếu đứa nào hỏi thêm thì cụ nói nữa nên không ai bảo ai đều sửa soạn rút lui, Khanh cũng theo tụi nó về và cảm thấy bà cụ này thông minh lắm, hèn chi cụ đã từng lập lên sự nghiệp đâu có ai qua mặt được cụ. Những lần kế tiếp tụi nó bảo nhau lên trình với phường khóm không đứa nào dám đến nhà cụ nữa…. thế là cụ thoát nạn. Mưu mô của cụ tuyệt hảo, phường khóm mất đi một mục tiêu, vẫn còn một người dân mù chữ.
Tổ dân phố thường được điều khiển bởi các cán bộ và công an đã được huấn luyện ở đâu về không biết, ít khi nào mà họ không có chương trình kêu gọi người dân tập họp đi làm cái này cái kia, rồi tối về lại có các bộ văn hóa xuống giải thích về chính sách của nhà nước cộng sản, mục tiêu , thành quả v.v… những lớp học vệ sinh thành phố và vệ sinh cá nhân do các nữ cán bộ vệ sinh về giảng dạy cho phụ nữ , hầu như người dân ít khi nào được ở yên với họ, còn trẻ thì phải vào những đoàn thể thanh thiếu niên. Họ luôn luôn đến từng nhà kêu gọi mỗi nhà một người đi cào mương rãnh hoặc đắp đê ở đâu ngoài thành phố, gọi là đi thủy lợi, đi miết rồi ra đứng ở ngoài trời nắng cả ngày rồi đi về, mương rãnh xúc hoài đắp hoài vẫn vậy, nhưng họ đã kêu gọi bắt đi là phải đi, nhà ai có trốn được một hai lần rồi cũng phải đi, những người ngày xưa chế độ cũ chưa biết dang mưa dãi nắng bao giờ, bây giờ đối diện với mặt trời, say nắng mồ hôi nhễ nhại bụi bậm rồi cũng quen. Khanh cũng vậy, lúc trước có bao giờ chạm tay vào đất cát đâu, bây giờ cũng phải như mọi người, không lẽ Khanh ở nhà để cho bố hoặc mẹ Khanh đi, em Khanh hai đứa đã đi được ngoại quốc rồi. Như vậy có người đến nhà réo gọi là Khanh phải đi, có tìm cách thoái thác cũng chỉ được một hai lần, cũng may lần cắt cử tổ trưởng mới vừa rồi Khanh nghe phong phanh, sợ họ cử mình nên nói bố mẹ có phường khóm đến kiếm thì nói Khanh đi Nha Trang hai tuần lễ, được cử làm tổ trưởng rồi thì phải đi từ xóm nọ qua xóm kia kêu gọi mọi người đi họp hoặc đi công tác vệ sinh, thủy lợi cũng khổ lắm không ai muốn làm.
Chợ búa những ngày gần đây có khi không được họp vì lao động mới là chủ trương, cho nên người nào người đó nghèo rớt mồng tơi, nhà có con đông không biết lấy gì cho chúng ăn, phường khóm có phát cho ít bo bo hoặc một ít mì sợi làm từ bột mì Liên Xô cũng không đủ ăn, ăn mãi bo bo nấu hoài cũng còn cứng ngắc, nhai mỏi cả răng, không có một chút thức ăn hay một trái trứng v.v… Nếu được họp chợ cũng kiếm được bữa rau bữa cháo .
Ai còn được giữ lại đi làm theo biên chế nhà nước mới thì được lãnh chín ký lô gạo, gạo đã bị mục vàng đi phân nửa nhưng có được một chút gạo để nấu ăn chia cả nhà là quý rồi, nhà nào có gạo mọi người trong nhà phải đổ ra thúng hay mẹt để nhặt bỏ đi những hạt gạo vàng ố đã bị mốc, nên ai cũng ngồi bới bới nhặt nhặt giống như chim. Không biết những hạt gạo trắng ngần, gạo nàng thơm ngày xưa đã bị mang đi đâu hết, nghe nói họ mang gạo đi trả nợ cho Liên Sô hay Tàu lúc trước họ đã mua chịu súng đạn, xe tăng và các thiết bị…và đổi lại được một số bo bo và bột mì để làm mì sợi cho dân ăn, ôi thương thay. Ngày xưa dưới chế độ VNCH lúa chín đầy đồng, gạo chất đầy kho, dự trữ mấy năm dân ăn chưa hết.
Có nhiều nhà người nào cũng có bằng cấp chế độ cũ, đã từng làm ông nọ bà kia, có người trước kia còn được học bổng đi ngoại quốc về dậy ở những trường đại học cũng không có gạo ăn, cả nhà phải ăn bo bo với rau muống luộc… xanh cả ruột. Ai cũng phải lo toan, nếu có còn một chút tiền thì để dành, ít ra còn có cơ hội tìm cách vượt biên.
Đôi khi không có cán bộ đến, các bà các ông không được đi họp chợ buôn bán thường hay túm nhau năm bảy người than phiền đói đến nơi,ai cũng phải đói bằng nhau, rồi ai cũng sẽ phải nghèo đến tận cùng, rồi sẽ chết hết …cho mà coi, rồi ăn không có ăn, năm ba bữa lại phải đi họp phường khóm làm công tác vệ sinh, thủy lợi. Than phiền chán rồi lại cười chua chát ra nước mắt, có ông kia nói đùa:
”Các ông các bà cứ nói chết,chết… tôi có thấy ông nào bà nào chết đâu, ai nấy vẫn còn sống nhăn răng”, mọi người ai cũng cười ồ ngán ngẩm.
Mới bắt đầu vào tháng Năm, trời nắng thật nắng, những cơn nóng bức đã lên rất cao, tất cả mọi đơn vị phường khóm trong vùng được ra thông cáo kỳ này sẽ có một cuộc đi thủy lợi thật lớn ở một con kênh hay một con sông nhỏ gì đó hơi xa thành phố. Mỗi nhà bắt buộc phải có một người tham gia, không được từ chối bất cứ lý do gì, cán bộ, phường trưởng, tổ trưởng, tổ phó…. phải có nhiệm vụ đi đốc thúc từng nhà một, bởi vì phải đi bộ rất xa khoảng chừng chục cây số, nên mọi người phải lo mang cơm và nước uống theo, tới chiều mới về.
Tới ngày được chỉ định, mỗi nhà một người phải ra đứng tập trung, cán bộ đã có mặt sẵn, mặc dù vùng nào tập trung theo vùng đó nhưng chỉ mới sáng sớm ra mà đã đông thật đông rồi, đầy hết sân của một trường tiểu học . Khi cán bộ kiểm xong thì bắt đầu khởi hành, cứ tuần tự đi, vùng này đi trước, vùng kia tiếp nối rồi từ từ nhập vào với nhau. Khanh nhớ là đã nhập vào nhóm thứ hai, nên đàng trước cũng đã có một số người khá đông, có một số người trong xóm Khanh biết, còn ngoài ra có nhiều người Khanh chưa bao giờ gặp mặt, có người nhìn họ Khanh nghĩ rằng ngày xưa chắc cũng như mình, chỉ lo đi học, đi dậy học, làm công chức hay ở nhà nội trợ lo cho gia đình đâu có bao giờ nghĩ một ngày phải đi lao động khổ sở như thế này, mọi người cứ lầm lũi đi, Khanh thấy họ nói chuyện rất ít có lẽ mặt trời đã lên nóng bức lắm rồi mà chưa biết phải đi bộ xa tới mãi đâu.
Đoàn người tiếp tục qua những con đường làng, có khi qua những bờ đê mà có người đã dự phần đắp lên bữa trước, khoảng chừng gần một tiếng rưỡi, tới một cánh đồng rộng mênh mông Khanh thấy xa xa có một con sông chạy dài, đã đến rồi, họ dẫn một đám người lên mãi một khoảng sông trên cao, Khanh ở gần đám người đi đầu nên họ chỉ dừng trước ở đó rồi dần dần đưa đoàn người trải dài theo bờ sông. Trên một khoảng đồi hơi cao nhìn ngược trở lại, Khanh thấy đoàn người đang tiếp tục đi tới, còn một cái đuôi rất dài như một con rắn to lớn đang trườn mình bò tới.
Con sông này không to lắm mà lại hơi thẳng không biết có phải là một con kênh đào cho thoát nước không, từ bên này có thể lội qua bên kia được, và khi mọi người tới nơi đã bi các cán bộ lùa một phần qua bên kia rồi, cho nên hai bờ sông đầy những người, người ta đông lắm hai bên bờ nhìn xa xa chỉ thấy người là người, mỗi người trên tay đều cầm những xuổng hay thùng hay chậu, bất kỳ cái gì có thể xúc bùn được, họ được dặn mang theo tùy theo nhà có cái gì. Trừ những người đã bị lùa lội qua sông rồi, quần được vội vàng xắn lên lưng chừng ướt sũng, những người còn bên này thấy như vậy mà ngán ngẩm ai cũng thấy ngại ngùng không muốn bước xuống, Khanh còn ở bờ bên này thấy nước đã đục ngầu và các bộ đã bắt đầu đốc thúc mọi người cúi xuống xúc bùn dưới lòng sông, xúc bùn lên người nọ chuyền tay người kia mang bùn đổ lên bờ..
Khanh ở trong số người còn đang ngại ngùng phân vân chưa bước xuống sông, vì người dân rất đông nên hình như số cán bộ quản lý đốc thúc cũng không đủ lắm. Trước sau gì cũng phải bước xuống, hơi bùn xông lên nồng nặc ngai ngái, mặt trời lên cao nắng gay gắt bao trùm lên mọi người, Khanh nghĩ đành vậy thôi, nhưng hình như có tiếng gọi:
”Chị Khanh, chị Khanh.”
Khanh quay lại thấy Tân, cậu bé ở trong ban chống nạn mù chữ lúc trước. Tân lại gần nói nhỏ:
” Chị đi theo em, em làm bộ đi lối này, còn chị lẻn từ từ lối kia rồi vòng lại đi theo em, làm sao cho họ khỏi thấy, mình trốn lên tuốt những lùm tre xa khuất trên kia, ráng theo em nghe, chị đừng sợ vì đông người quá họ quản lý cũng không được nhiều đâu .”
Khanh hơi ngần ngại nhưng thấy Tân nhoẻn miệng cười liền gật đầu nhẹ rồi làm bộ lẻn về một hướng khác hơi xa và đi tuốt theo những lùm cây nhỏ đang che khuất lên tận bui tre, hèn chi làm như tụi nhỏ đi đâu hết, chỉ thấy những người lớn bước xuống con sông đầy bùn. Lên đến nơi Khanh đã thấy nhiều đám ngồi rải rác dưới những lùm cây hoặc bui tre, không biết tụi nó rủ nhau hẹn nhau từ bao giờ mà thoắt một cái biến mất lên tới đây, hầu như tất cả tụi nó đều còn trẻ, tụi nó cười nói vui vẻ và đã bầy hết thức ăn mang theo cho buổi trưa ra , hình như đã quen lắm với cái cảnh trốn …việc như thế này rồi, tụi nó nói trốn được chừng nào hay chừng đó. Những đứa bé ngày xưa đã được được cha mẹ, nhà trường dậy dỗ sao cho đàng hoàng đâu ra đó, mà bây giờ đã biết học cánh lọc lừa để sống. Tụi nó biết đường về và lẻn đi từ từ, hơi xế đã rủ nhau tan hàng. Khanh cảm thấy vui vui, thầm cảm ơn mấy đứa nhỏ đã không quên mình, nhất là Tân, mọi việc hạ hồi phân giải, miễn quần áo không phải nhuốm đầy bùn như mấy cô bác đang chuyền tay nhau xúc ở ngoài sông là tốt rồi.
Lúc Cộng Sản mới vào bị họ kêu đi làm cái này cái kia, ai cũng sợ hãi rúm ró, nhưng sau hai ba năm rồi, mọi việc họp hành công tác không đâu vào đâu nhàm chán, lại đói kém không đủ ăn nên tránh được cái gì ai cũng luồn lỏi để tránh, chỉ trừ trường hợp bị bắt buộc.
Đi thủy lợi về được hai hôm thì tới ngày họp tổ, họp phường khóm, một tuần cỡ hai ba lần, thường thì họp vào buổi tối sau bữa cơm chiều để mọi người đều đi họp được, có cán bộ các nghành đến chỉ dẫn mọi thứ. Đầu tiên thì cán bộ chính trị sẽ đứng lên giảng giải các giáo điều, thông thường các cán bộ này được cấp trên đưa xuống và một vài người địa phương cũng được học tập để đứng lên nói cho dân biết chính sách của nhà nước….vì họp tổ quá nhiều như vậy, mất thì giờ vô bổ nên những cuộc họp đôi khi trở nên chán nản, phiền toái, mọi người ngồi nghe mà làm như chỉ nghe cho có lệ… đôi khi họ châm biếm những câu nói rồi cười , có các ông còn mang theo cả điếu cày, làm bộ như khề khà, mỗi người rít một hơi, nước trong điếu sôi lên sùng sục, mọi người chuyền tay nhau cái điếu, nhìn hoạt cảnh đôi khi không nhịn được buồn cười, còn đâu cái thời bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau mời nhau những điếu thuốc lá sang trọng Salem, Pallmall , v.v…, bây giờ ngồi đây ngán ngẩm chia sẻ một điếu thuốc lào và nghe những câu nói tào lao này.
Con rể ông kia nằm vùng từ lâu, được đào tạo thế nào không biết, thỉnh thoảng được cử lên nói huyên thuyên , nói dài dòng không dứt, nói xong mấy người thanh niên quen cậu ta hỏi:
“Ê Thái, nãy giờ mày nói gì tao không hiểu.”
Cậu ta trả lời : “Tao nói gì tao còn không hiểu, làm sao mày hiểu được.”
Sau giờ học tập chính sách, đến giờ nữ cán bộ lên bục giảng dạy về vệ sinh, đầu tiên họ nói làm sao giữ được sạch sẽ ở ngoài đường chính và trong phường khóm, mọi người không được xả rác và chia nhau quét rác v.v… rồi đến vệ sinh cá nhân, buổi sáng ngủ dậy phải xúc miệng đánh răng như thế nào thì ai nấy bắt đầu mệt mỏi, lúc nữ cán bộ giảng giải về vệ sinh phụ nữ, người phụ nữ phải biết làm cách nào để giữ gìn vệ sinh cá nhân phụ nữ, mọi người đang vừa nghe vừa gật gù cho qua, bỗng có một bà đứng lên nói:
“Thưa nữ cán bộ, xin cán bộ chỉ giùm, nếu trong trường hợp chúng tôi đi thủy lợi như bữa trước, phải lội xuống nước bùn tới đây, bà đứng thẳng lên chỉ trên lưng quần, thì chúng tôi phải giữ vệ sinh như thế nào ạ.”
Tất cả phòng họp bỗng cười ồ lên nhìn về phía bà hết cả buồn ngủ. Các bà nhao nhao lên nói:
“ Đúng vậy thưa nữ cán bộ, phải làm thế nào để giữ vệ sinh phụ nữ khi lội bùn sâu trên lưng quần như vậy.”
“Yêu cầu mọi người nghiêm chỉnh.”
Người nữ cán bộ vệ sinh phụ nữ nói lớn tiếng, nhưng không trả lời câu hỏi, chắc cũng không ai trả lời được.
Cũng đã đến giờ tan buổi họp, mọi người đứng lên ra khỏi phòng, làm như ai cũng tỉnh hẳn vừa đi vừa cười nói về câu hỏi vừa rồi. Khanh bước theo mọi người đi về phía đầu ngõ ra đường lớn về nhà, miệng hơi mỉm cười nhưng cảm thấy thật là mệt mỏi nếu cứ mãi mãi như thế này.