TÂM TÌNH của Một Người Cầm Bút Nữ ở Hải Ngoại- Lê Mộng Hoàng

Chia Xẻ Tâm Tình Của Một Người Cầm Bút Nữ ở Hải ngoại

Lê Mộng Hoàng

(Đây là tâm tình Của Một Người Cầm Bút Nữ  tầm thường ở Hải ngoại chia xẻ trong cuộc họp mặt của gia đình văn but hải ngoại miền Đông 2014)

Xin thân mến kính chào quý vị các bạn văn thi hữu khắp nơi trên thế giới đã vượt đường xa để về đây tham dự cuộc hội ngộ  của các văn thi hữu VBHNMĐ nầy.

 Tôi tên là Lê Tống Mộng Hoa bút hiệu Lê Mộng Hoàng trước tiên tôi muốn gởi đến Ban Tổ Chức Đại Hội – lời Cảm Ơn chân thành về những đóng góp thì giờ, công lao khó nhọc liên tiếp trong nhiều tháng trời để sửa soạn cho Ngày Họp Mặt của tất cả chúng ta hôm nay. 

Xin 1 tràng pháo tay ghi ơn Ban Tổ Chức. 

 Sau đây tôi xin kể cho các chị, các bạn nghe về những vui buồn của một người đàn bà bình thường vừa làm vợ, làm mẹ, làm bà ngoại, bà nội, làm công chức, làm nội trợ, làm cô giáo dạy tiếng Việt, làm thiện nguyện viên mà lại ham mê nghiệp cầm bút” như là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống thường ngày. 

 

Thú thật tôi chưa bao giờ dám nhận tên gọi “nhà văn” vì tôi tự biết mình không được huấn luyện, học hỏi về cách thức viết văn, làm thơ, cách dàn dựng cấu trúc của chuyện ngắn, chuyện dài các lớp chuyên môn của trường đại học. Tất cả vốn liếng tiếng Việt tôi còn nhớ để viết, để nói, để dạy cho các em học sinh hôm nay là tôi đã học được từ Việt Nam qua các trường tiểu học, trung học và Đại Học Văn Khoa, thứ tiếng Việt trước 1975 xưa cũ. 

Lúc còn ở trường Trung Học tôi rất thích đọc các truyện và thơ của các nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Túy Hồng…. 

Từ lúc đến Mỹ tháng 4 năm 1975 đến nay đã 35 năm tôi phải lo học Anh Văn, học ngành chuyên môn để có việc làm nuôi gia đình, học nói, học viết Anh Ngữ để giao thiệp trong sở làm, và trong xã hội, trong gia đình.. Vì gia đình hai bên sui gia con gái và con trai đều là người Mỹ có học thức cao (Khoa Trưởng và Giáo Sư Đại Học). Tôi lo rằng nếu không chịu khó viết lách, thực tập bằng cách nói trước đám đông, dạy cho các em người Mỹ gốc Việt thì một ngày nào đó vốn tiếng Việt của tôi sẽ “cạn dần” … đôi lúc tàn lụn. 

 

Trở lại với những kinh nghiệm vui buồn sau 35 năm sống tại Mỹ của một cô giáo người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản mà lại ưa thích viết lách như tôi thì đúng là “tiền hung hậu kiết”, trước buồn sau vui mà buồn ít vui nhiều. Tôi và con gái Lina 4 tuổi đã đến Hoa Kỳ ngày 28 tháng 4 năm 1975 trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Mười lăm năm đầu rất vất vả, chật vật bận rộn lo cho mình, cho chồng con, và có rất nhiều đồng hương cần sự giúp đỡ như thông dịch tại trường học, giúp xin Medicaid, SSI nên tôi không còn khoảng trống nào để thỏa mãn đam mê viết lách của mình; bù vào đó hàng ngày tôi vẫn viết nhật ký để giải bày nỗi niềm riêng tư, thường là nhiều nước mắt mà ít niềm vui. 

Năm 1989 với sự khuyến khích của anh Chử Bá Anh (Cố Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Diễn Đàn Garden Grove – CA và là phu quân của nữ sĩ Vi Khuê) tôi bắt đầu viết cho mục “Câu Chuyện Bạn Gái” của báo Phụ Nữ Diễn Đàn nầy; từ đó đến nay đã hơn 20 năm tôi vẫn tiếp tục viết để chia xẻ, viết để bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm phục hoặc sự tán đồng ủng hộ việc làm cao quý, công tác hữu ích của một bậc thức giả, một vị thầy hoặc viết để mong đem lại sự hoà nhập giữa hai nền văn hóa Đông Tây. 

Trong quá trình 21 năm đeo đuổi nghiệp dư cầm bút, tình nguyện cộng tác với các tờ báo như Phụ Nữ Diễn Đàn (CA), Saigon Times, CA USA, Bút Việt, TX, Mạch Sống (VA, Kỷ Nguyên Mới (VA) tôi đã thấu hiểu được những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam sống trong xã hội văn minh tân tiến Hoa Kỳ vừa làm việc để kiếm gạo nuôi gia đình, vừa lo việc nội trợ, vừa lo nuôi dạy con cái, hoạt động xã hội mà lại vừa say mê nghiệp cầm bút như thế nào? 

  1. Thì giờ eo hẹp, gò bó: Sáng sớm 5 giờ đã phải thức dậy lo sửa soạn cho con gái đến trường, rồi đến sở làm, chiều đến 7-8 giờ tối mới về nhà, đón con lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, trả các bills điện nước, credit card thì đã nửa đêm.Lúc nầy mới bắt đầu viết lách, từ 12 giờ khuya – 2 giờ sáng là thời gian yên tĩnh của riêng mình.” Mặc dù theo lời bác sĩ gia đình thì việc thức khuya sau 11 giờ tối có hại cho trí nhớ nhưng tôi vẫn không còn lựa chọn nào khác trong lúc ban ngày quá bận bịu. 

  2. Trí óc đầy ắp nhiều mối lo khác nhau nên nguồn cảm hứng khó bộc phát.

Suốt ngày làm quá nhiều việc nên đêm đến ngồi vào bàn viết đôi lúc chẳng viết       được nhiều như dự tính. 

  1. Không được sự khích lệ, tận tình nâng đở của chồng con, gia đình về các đứa con tinh thần: Điều nầy xảy ra thường xuyên, không những trong gia đình tôi mà còn trong các gia đình khác. Tôi có một chị bạn làm thơ rất hay và dễ dàng, nhưng đến ngày ra mắt tập thơ đầu đời thì ông xã chị không tham dự vì bận chuyện khác. Thật đáng buồn! Tôi đã có câu hỏi trong đầu muốn đưa ra chất vấn các đấng lang quân có bà xã mang “nghiệp cầm bút tài tử” Có phải quý ông vẫn nghĩ nhà bếp mới là giang sơn chính của phụ nữ?

  2. Gặp khó khăn cản trở về việc xuất bản in ấn các tác phẩm văn chương: Các bạn viết văn không chuyên nghiệp tùy hứng và tài tử như tôi khi muốn in ấn tác phẩm của mình tại Mỹ gặp nhiều trở ngại, tiền ấn phí quá đắt, việc đánh máy vào computer và layout không rành nên dù bài vở đã có sẵn vẫn khó in thành sách. Hơn nữa với sức phát triễn mạnh mẽ của internet số độc giả mua sách để đọc cũng giảm đi rất nhiều.

Ngoại trừ 4 điểm khó khăn đã nêu ra các bạn gái đeo đuổi “nghiệp dư” viết lách giống tôi đã đạt được nhiều điều lợi ích và thuận tiện khác bù đắp cho các khuyết điểm trên. 

 

  1. Được hấp thụ 2 nền văn hóa Đông và Tây nên trí óc phong phú, tầm nhìn mở rộng. Học cái hay của người mà vẫn giữ cái đẹp của mình. Vai trò người nữ trong xã hội Hoa Kỳ được đề cao (Lady first) nên trong gia đình cũng bớt nhọc nhằn hơn ở Việt Nam. Các ông xã người Việt đã tự “Mỹ hóa” (Americanize), biết giúp đở vợ trong việc mua thức ăn, chăm sóc con cái. Ước ao chiều hướng tốt lành nầy còn tiếp tục về lâu về dài, nhất là các bạn trai thế hệ thứ 2, thứ 3

  2. Bày tỏ ước muốn, nhu cầu giá trị tinh thần của người nữ trong đời sống hiện tại

Qua các bài tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo tôi đã có gắng đưa ra vai trò cao quý đặc biệt của “Người Mẹ Việt Nam” mà theo tôi nghĩ rất là quan trọng cho việc bảo tồn nền tảng gia đình, hướng dẫn con cái. Cũng qua các bài viết nầy tôi nói lên các nhu cầu cần thiết và các ước muốn đơn sơ của người phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ: muốn chồng con tiếp tay trong công việc nhà, muốn nhận được cử chỉ biết ơn và thương yêu từ gia đình, sẵn sàng học hỏi để hòa nhập với xã hội Hoa Kỳ, muốn có ít thì giờ cho đời sống tâm linh của mình. 

  1. Cổ vỏ các bạn gái bồi dưỡng niềm tự tin, ý chí tự lập, các bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Qua mục “Câu chuyện Bạn Gái” tôi đã chú tâm kêu gọi các bạn gái cố gắng thoát ra khỏi “Vỏ Ốc” cô đơn, học hỏi tìm tòi để có ý chí tự lập, niềm tự tin vào mình và thực tập các bí quyết để tổ ấm gia đình được bền lâu vững mạnh mà các tâm lý gia Hoa Kỳ đã bỏ công nghiên cứu và viết thành sách. 

Các bài nầy đã được gom góp lại trong cuốn Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình của Lê Mộng Hoàng xuất bản 1996. 

  1. Sau cùng nhưng lại rất quan trọng và là Niềm Vui lớn nhất của tôi là sự đam mê Đọc và Viết đã trở nên trò giải trí trang nhã và thích thú giúp tôi nới rộng vòng tay thân ái với bằng hữu khắp nơi, chia xẻ tâm tình và giúp trí óc hoạt động trong tuổi “thất thập cổ lai hy” làm chậm sự xâm nhập nguy hiểm của bệnh đãng trí (dementia). Hơn nữa khi mối liên lạc bạn bè thêm gắn bó, vui vẻ, có nhiều bạn tốt, giúp thân tâm an lạc thì theo thống kê của nhiều bác sĩ chuyên nghiên cứu về tuổi già “càng sống vui, càng thêm tuổi thọ”

 

Xin cảm ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi có duyên lành được kể chuyện “cầm bút tài tử” của mình với các bạn văn thi hữu khắp nơi. 

Thưa quý vị và các bạn, trong lúc viết hoặc nói với người khác tôi luôn ghi nhớ lời Mẹ dạy:  

“Sống ngay thẳng thành thật 

Là phước đức tốt nhất” 

Người Mỹ cũng có câu  

“What comes from the heart touches the heart” 

Điều gì đến từ con tim, sẽ làm con tim rung động. 

 Nếu những điều tôi vừa thành tâm tỏ bày có làm phật lòng ai đó thì xin rộng lượng bỏ qua. 

LMH         

August 19, 2020