Giáo viên bất đắc dĩ – Saigon 1981
Đào Hiếu Thảo
Hình minh họa: Trường trung học Pétrus Ký, Saigon
Sau khi bóc 6 quyển lịch lao động khổ sai qua bảy trại tù hai miền Nam Bắc, năm 1981 tôi được thả về, đến nhà tôi mới hay ông ngoại và bà nội của tôi đã quy tiên, ông bà thường than thở phải chờ đợi mỏi mòn mà các con, các cháu bị VC giam cầm vẫn chưa thấy ngày về, không biết rồi có còn thấy được mặt nhau không!
Bà nội tôi thì buồn khổ đến tột cùng vì cha tôi và cô thứ 3 mất khi mới trên 30 tuổi, cô Út thì bị công an bắn chết ngoài biển khi vượt biên tìm tự do ở Châu đốc năm 1979, lúc đó cô cũng chỉ được 33 tuổi. Nghe kể lại là vào thời gian cuối đời, ông ngoại và bà nội tôi, lúc ấy đã trên dưới 90, vì không đủ gạo, hàng ngày cả nhà phải ăn cơm độn khoai, bắp, bobo, có được bát cơm trắng thì ông bà lại chia cho mỗi người một tí chứ chẳng chịu ăn một mình, lắm khi gạo độn cũng chỉ đủ nấu được thành cháo ăn với rau.
Mẹ tôi được em trai kế tôi, Đào Hiếu Liêm du học ở Bỉ từ năm 1969, được Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cứu xét cho bảo lãnh mẹ qua sum họp và sinh sống tại Bruxelles, vương quốc Bỉ năm 1979.
Trong phim Docteur Zhivago, diễn tả sự đổi đời bên Nga sau khi cộng sản lên cầm quyền ở Liên Bang Sô Viết năm 1917 ra sao thì Miền Nam và Saigon cũng đổi thay y như thế, toàn dân sống nghèo khó, đi xe đạp, mặc áo quần cũ, rách, vất vả vật lộn với cuộc sống để kiếm miếng ăn hàng ngày, xã hội chậm tiến hẳn lại, nền văn minh đi giật lùi vì chế độ “chuyên chính vô sản” đã lên ngôi.
Mọi sinh hoạt trong nhà cũng khác xưa, không còn tủ lạnh, quạt máy vì bị cúp điện thường xuyên, không còn bếp ga mà phải trở lại dùng củi đun nấu, khói mịt mù, tường trắng dần ngả sang đen, nước máy bị hạn chế, phải thức khuya hứng nước hoặc phải tự đào giếng trong sân nhà để ít ra có một loại nước màu vàng đục, đầy chất phèn mà lóng đi để dùng.
Mọi thứ nhu yếu phẩm như gạo, thịt heo, mỡ heo, đường cát, dầu ăn…đều được địa phương phân phối nhỏ giọt, theo tiêu chuẩn qua hộ khẩu (tờ khai gia đình) do phường khóm xác nhận số miệng ăn để mua với giá chính thức.
Người dân nói chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là “Xếp Hàng Cả Ngày” quả không sai, ai nấy đều xếp hàng chờ đợi dài dài để “được” mua cái thứ gạo tồn kho từ mật khu đem về cùng các loại thực phẩm khan hiếm khác. Người lớn phải lao mình vào kiếm sống, nên có lúc con trai lớn của chúng tôi, cháu Khiêm vừa 8 tuổi cũng phải ra trụ sở phường, xếp hàng mấy tiếng đồng hồ chờ đến phiên gia đình mình được mua gạo.
Theo quy định của Cục Quản Lý Trại Giam thuộc Bộ Nội Vụ, sau khi được thả về với gia đình, tôi phải chịu lệnh quản chế hành chánh trong vòng một năm, phải trình diện hàng tuần và báo cáo mọi sinh hoạt với công an khu vực lúc đó là Trung uý công an Thu, người Hà Nội. Mọi sự di chuyển ra khỏi nội thành đều phải xin phép trước và khi quay về cũng phải đến trình diện. Mọi sai phạm sẽ không được cho nhập hộ khẩu và không được xét trả quyền công dân. Ngoài ra tôi cũng phải lao động xã hội chủ nghĩa, khi có lệnh triệu tập thì phải trình diện ngay để nhận công tác như làm thuỷ lợi, cứu trợ thiên tai, làm vệ sinh cho sạch gọn phường khóm…
Nếu không tìm được việc làm chính thức, “ăn không ngồi rồi” hoặc buôn bán chợ trời, chạy xích lô hay Honda ôm thì phải chấp hành lệnh của thành phố đi lao động tại vùng kinh tế mới, nơi những vùng đất hoang vu xa xôi, một hình thức đày đoạ, đẩy các quân nhân, công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau khi bị tù đày, giờ phải ra xa thành phố, bắt làm ruộng, chăn nuôi gia súc, không sách báo, không tin tức, cộng sản muốn biến người trí thức không những thành nông dân mà còn phải quê mùa và lạc hậu. Bác sĩ quân y Nguyễn Quốc Cang, một người bạn học của tôi thuở nhỏ, sau mấy năm tù lao động khổ sai, bị đày về đất U Minh làm nông dân. Rất may mắn Anh Cang đã vượt biển tìm tự do, nay cùng gia đình định cư tại California.
Trong khi đang cố tìm một phương cách vừa để sinh nhai qua ngày cho bản thân và gia đình vừa để khỏi bị chính quyền mới cho là “ăn không ngồi rồi” mà đẩy đi vùng kinh tế mới thì may làm sao qua liên lạc với anh em bạn tù cũ, tôi nghe nói phong trào học tiếng Anh đang nở rộ khắp Saigon vì số người vượt biển tìm tự do ngày càng gia tăng cũng như những người Việt gốc Hoa được nhà cầm quyền tổ chức cho vượt biên bán chính thức với những số tiền của kếch sù đóng góp cho bọn lãnh đạo. Đi đến đâu cũng nghe dân chúng bàn tán chuyện “làm một chuyến đi xa lập nghiệp”, nhà này, nhà kia có người đến định cư được ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật…đều khá giả, sung túc và gởi đều đều những thùng quà giá trị về cho thân nhân ở Việt Nam.
Hiệu trưởng Trung Tâm Ngoại Ngữ Trần Bội Cơ trong Quận 5, Chợ lớn là anh Nguyễn Văn Nùng, cựu phi công chiến đấu Mig 21 của Miền Bắc, được đào tạo bên Nga, bị thương trong một trận không chiến với máy bay Không Lực Hoa Kỳ hồi đầu năm 1970, giải ngũ và được chuyển sang phục vụ ngành giáo dục trong Nam. Nhiều bạn tù của tôi là cựu giảng viên trường Sinh Ngữ Quân Đội Saigon được tuyển dụng dạy tiếng Anh ở đây, trong số đó có anh cựu Thiếu Úy Đinh Minh Tĩnh, sau mấy năm tù cải tạo lao động về, được bổ nhiệm làm Hiệu Phó. Anh Nùng chỉ biết chút ít ngoại ngữ Nga và Đức, nên mọi công việc về hành chánh và giảng huấn do anh Tĩnh hoàn toàn phụ trách.
Anh bạn tù Trần Gia Thịnh, bạn học văn khoa, bạn cùng trường sĩ quan Thủ Đức của tôi, trước kia dạy tại trường Sinh Ngữ Quân Đội Saigon với anh Tĩnh, đưa tôi đến gặp anh Tĩnh tại văn phòng trường Trần Bội Cơ. Dù mới gặp lần đầu, anh Tĩnh rất sốt sắng, vồn vã, anh hỏi tôi vài điều để ghi hồ sơ lý lịch, thu nhận tôi làm giảng viên Anh và Pháp Ngữ, vào việc ngay đêm hôm sau, nghe anh Hiệu Phó Tĩnh nói như vậy, tôi cứ tưởng mình nằm mơ, chân bước không đụng đất, như chấp cánh bay bổng, được cầm sách vở, làm việc với phấn trắng, bảng đen thay vì phải lao động chân tay nặng nhọc, làm phu khuân vác, đạp xe xích lô, vá vỏ xe, bán hàng chợ trời, hoặc đi làm ruộng rẫy…
Trung Tâm Ngoại Ngữ Trần Bội Cơ nằm trên đường Khổng Tử cũ, gần công trường Đèn Năm Ngọn, Chợ Lớn, thuộc quận 5, trước đây là một khu thương mại sầm uất, phồn thịnh của người Hoa. Trường học này là một nhà lầu đồ sộ có 6 tầng, với hàng trăm lớp học, thu nhận tới 5 ngàn học viên. Ban ngày, nhà trường có Ban Giám Hiệu giảng dạy chương trình phổ thông cấp 2 & 3. Các lớp ngoại ngữ chỉ hoạt động ban đêm với 2 xuất, một từ 6 giờ đến 8 giờ, xuất sau từ 8 giờ đến 10 giờ, quy tụ số học viên tối đa lên tới 10 ngàn người, đa số là người Hoa.
Nói là Trung Tâm Ngoại Ngữ Trần Bội Cơ nhưng hầu như mọi người đến đây để học tiếng Anh, tiếng Nga thì chỉ có một lớp duy nhất dành cho cán bộ cộng sản có dịp đi Liên Sô tu nghiệp, tiếng Đức, tiếng Tiệp cũng chỉ có một lớp, tiếng Pháp có 2 lớp (Các học viên đang chờ gia đình bảo lãnh đi Pháp).
Tiếng Anh có tất cả 100 lớp, mỗi lớp có gần 100 học viên, đa số là những người ở lứa tuổi từ 15 đến 30. Trong khi đó đối với các ngôn ngữ như Nga, Đức, Tiệp, Pháp, mỗi lớp chỉ có độ trên dưới 30 người. Đến giờ nghỉ giải lao, hàng trăm giảng viên Anh Ngữ tề tựu chật kín cả phòng họp, còn giảng viên Nga, Đức, Tiệp chỉ có mấy người. Dạy Pháp Văn là vợ chồng anh chị Tuấn-Loan, cựu giáo sư tốt nghiệp đại học sư phạm Saigon, tôi là người đứng thay lớp Pháp Văn, trong trường hợp có một giảng viên vắng mặt.
Tài liệu giảng dạy là bộ sách English 900 với phần đàm thoại, tập đọc, văn phạm, ngữ vựng, làm bài tập…Tôi phụ trách cả hai xuất từ 6 giờ đến 10 giờ đêm. Các học viên được nghe thầy Hiệu Phó Tĩnh giới thiệu vài nét về tiểu sử của tôi, trong đó có chi tiết tôi là cựu quân nhân Không Quân, tốt nghiệp đại học, du học Hoa Kỳ ngành thông tin báo chí đầu thập niên 70. Sau mỗi buổi học tiếng Anh, thầy cũng như trò đều mệt mỏi và căng thẳng với bài vở, các học viên cũng không bỏ lỡ cơ hội hỏi thăm tôi về cuộc sống bên Mỹ, vùng đất hứa mà họ luôn nuôi hy vọng sẽ có ngày đặt chân đến.
Tôi phụ trách lớp 1, hai tháng sau, lúc lớp 1 kết thúc, các học viên lên lớp 2, tôi tiếp tục được giao giảng dạy lớp 1. Cả lớp trên 100 người, ùn ùn kéo đến văn phòng Thầy Hiệu Trưởng Nùng và Thầy Hiệu Phó Tĩnh, yêu cầu Ban Giám Thị chuyển tôi theo các em lên lớp 2. Học trò găng quá, làm áp lực nên các Thầy đành phải chiều theo nguyện vọng của các học viên và chuyển tôi lên dạy lớp 2. Thật là chuyện lạ đời, học trò thì theo thầy chứ có đâu thầy phải theo hoc trò như tôi?!
Sau giờ tan học ban đêm, ngày nào cũng vậy, các bạn học viên người Hoa hùn tiền đãi tôi một bữa ăn thịnh soạn, sang trọng mà người dân thường lúc ấy, hiếm khi có được. Người Hoa “rất biết điều” nhất là với các “ông bà lớn”, dù thời nào, chế độ nào cũng vậy, nhờ tài giao tế khéo léo nên họ dễ dàng làm ăn, mua bán, làm giàu thật nhanh chóng. Cứ vào đến khu Chợ Lớn là cái cảnh phồn thịnh, tấp nập vẫn như còn đó…
Nhờ các bạn hiền (chiến hữu) hết lòng giúp đỡ mà tôi có việc làm chính thức, được Sở Giáo Dục & Đào Tạo cấp giấy chứng nhận hợp lệ, nhận thẻ “giáo viên Anh Ngữ” để nộp bản sao cho địa phương, được miễn làm lao động xã hội chủ nghĩa và nhất là không bị ép buộc đi vùng kinh tế mới. Đúng là con người có số, may rủi có phần, nếu tôi được thả về sớm hơn, thì trung tâm ngoại ngữ đâu đã thành hình ở Saigon thì cũng như bác sĩ Cang, chắc là tôi đã phải cùng gia đình dắt díu nhau mà đi cày ruộng nơi chốn “khỉ ho, cò gáy” tận vùng U Minh hay Đồng Tháp Mười, Cà Mau, miền Hậu Giang xa xôi biết đâu …đến cuối đời.
Với “nhãn hiệu” giáo viên Anh Ngữ thuộc Sở Giáo Dục thành phố tôi được nhận vào nhiều trường dạy ngoại ngữ khác trong vùng Saigon-Chợ Lớn-Gia Định. Một dịp may khác lại đến với tôi khi Tổng Công Ty Đường Mía thuộc Bộ Lương Thực & Thực Phẩm cần tuyển dụng một giáo viên dạy Anh Ngữ căn bản cho các viên chức cao cấp sắp đi nước ngoài tu nghiệp.
Trước đây họ được cử qua du học ở các nước xã hội chủ nghĩa bên Nga, Đông Âu, Cuba và Trung Quốc, nay có dịp đến thăm các quốc gia tư bản Tây Phương, mà ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Anh. Em trai út của tôi tên Đào Hiếu Đễ được học bổng quốc gia sang Đài Loan học ngành sản xuất đường mía, lúc đó đang phục vụ tại nhà máy đường Hiệp Hoà, chị vợ của Đễ làm cán bộ phòng tổ chức nhân lực cùng đứng ra bảo lãnh về lý lịch và hành vi chính trị của tôi, hơn nữa khi đó không ứng viên nào khác có đúng các điều kiện do công ty đề ra, nên đơn xin việc của tôi được chấp thuận.
Hai học viên của tôi là anh Vinh, người Huế, giám đốc nhà máy đường Quảng Ngãi, anh Quyền, người Biên Hoà, giám đốc nhà máy đường La Ngà (Bảo Lộc). Hai anh đều là kỹ sư tốt nghiệp tại Liên Sô, tu nghiệp tại Trung Quốc, Đông Đức và Tiệp Khắc, cả hai chưa bao giờ đụng đến tiếng Anh.
Ở tù, lao động khổ sai suốt 6 năm, dù niềm hy vọng luôn nhen nhúm trong lòng, nhưng cũng nhiều khi nghĩ như đời mình đã xong, nhất là lúc tôi bị đau gan nặng với cơn sốt vàng da, thập tử nhất sinh trong ngục tù. Nay, được làm thầy giáo, chuyên lao động trí óc thì quả thật là “vàng son”, cho dù mỗi ngày tôi phải lên đường lúc 8 giờ sáng, đạp xe đi dạy đến trưa, ghé về nhà ăn vội chén cơm, dội mấy gáo nước giếng cho mát và tỉnh người, rồi lên yên “ngựa sắt” tiếp tục đi kiếm cơm đến tối mới về. Nhờ có việc làm toàn thời gian, hưởng đồng lương khá “xộp” gấp 5, 6 lần lương tháng của các công nhân viên nhà nước, cuộc sống của gia đình tôi trở nên dễ thở hơn nhiều. Hai con tôi Khiêm và Trâm được bát cơm có tí thịt, cá thay vì thường xuyên ăn cơm độn với đậu hũ và rau luộc.
Nhờ có công việc chính thức mà tôi được chính quyền thành phố xét cho thường trú ở Saigon, nhanh chóng lấy lại quyền công dân và tôi cũng được dịp bổ túc hồ sơ xin xuất cảnh. Gia đình tôi đoàn tụ cùng Mẹ và các em, các cháu tại Bruxelles, vương quốc Bỉ vào ngày 21 tháng giêng năm 1982.
Ngẫm lại, những câu ngạn ngữ như “may hơn khôn” hay “tốt số hơn bố giàu” đối với cá nhân tôi quả thật là quá đúng!
Đào Hiếu Thảo/ Th2