Những Người Phụ Nữ Việt Bốn Phương
Tháng 9 năm 2016, bốn người bạn chúng tôi từ Boston, Massachusetts, Austin, Texas, Potomac, Maryland, và Sài gòn, Việt nam, cùng nhau lên đường đến Berlin, Frankfurt, Mainz ở Đức và St. Barthelemy ở Thụy sĩ để hội ngộ với những người bạn bên ấy sau hơn 40 năm xa cách. Ngày cùng nhau đi học ở VN, tất cả có hoàn cảnh sống và nếp sinh hoạt rất giống nhau: cha mẹ nuôi cho ăn học, cố gắng chăm, ngoan, vâng lời, đạt điểm tốt, thi đậu các kỳ thi, v.v. Ngày nay chúng tôi đã qua một đời sinh sống làm việc tại ba lục địa, bốn quốc gia, năm ngôn ngữ. Hỏi nhau rất nhiều câu hỏi. Chuyện gì xảy ra từ ngày chúng mình tạm biệt mái trường xưa? Bạn lên trường đại học nào? Ngày 30 tháng tư ở đâu? Sau đó thì sao? Và nhất là: gặp chàng khi nào? Duyên bén tại đâu? Kể lại tình sử cho nghe đi, v.v.
Thế rồi tâm sự tuôn tràn…
Xin ghi lại vài mẩu chuyện nho nhỏ, riêng tư, nhưng cũng phản ảnh nếp sống của những người phụ nữ Việt ngày nay đang tứ tán khắp nơi trên thế giới.
Berlin – dân du học ở lại Đức
Chị bạn ở Berlin học giỏi nhất lớp, sau khi đỗ tú tài thì đi Đức du học vì đã có hai anh lớn đang học ở đó. Chàng là sinh viên năm cuối sắp ra trường, thấy cô sinh viên năm nhất xinh đẹp giỏi giang vừa sang là để ý. Tôi nghe kể chuyện cười cười hỏi: “Sao anh giỏi quá vậy, qua mặt được ‘hai ông thần canh cửa’ để tiến tới chinh phục người đẹp trong lâu đài?” Chị bạn cười ngất: “Cửa nẽo có ai canh đâu? Hai ông anh còn lo chạy theo người đẹp của mấy ổng. Một ông đang cua bà ở tận bên Pháp nên chạy hụt hơi”. Thì ra vậy, người xưa đã nói hay không bằng hên! Hai vợ chồng chị bạn đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai trường trung học nam và nữ lớn nhất Sài gòn ngày ấy, trai Pétrus Ký, gái Gia Long.
Hai anh chị “hợp đồng tác chiến” tiếp khách rất nhịp nhàng, sáng đãi ăn sáng kiểu Đức, giới thiệu các loại bánh mì và xúc xích, ban ngày đưa khách đi chơi đây đó, anh thuyết minh ngọn ngành, chị chụp ảnh chu đáo, tối về sì sụp bát phở, bát hủ tíu đầy hương vị quê hương do chị nấu, anh bày bàn và dọn dẹp rửa bát.
Ngày nay anh chị đã về hưu trong công việc chính của mình. Chị còn giữ một việc bán thời gian cho vui, dạy hai lớp đại học về kỹ năng mềm (hùng biện, tranh luận, thương thuyết, giao tiếp, v.v.), những kỹ năng rất bổ ích để bổ sung cho kiến thức chuyên môn, bất luận ngành nghề gì. Chị từng về VN dạy thiện nguyện các lớp này nhưng hiện nay đã thôi. Chị kể có lần ra một đề tài thảo luận cho các em sinh viên VN “Tại sao chúng ta cần học hỏi suốt đời?” Chị quay ra bảo nhóm chúng tôi suy nghĩ rồi trả lời. Bọn tôi cố nặn ra: vì thế giới thay đổi không ngừng, không luôn luôn học hỏi là sẽ bị lỗi thời; vì kiến thức học được trong trường là hữu hạn, mà thế giới là mênh mông vô hạn, nên ta học ở trường không đủ mà luôn phải bổ sung và cập nhật kiến thức; vì thế giới ngày càng toàn cầu hóa, nên ta phải học từ các nước đối tác để làm ăn đa quốc gia, v.v. Chị bạn gật gù, rồi cười cười kể rằng các em sinh viên VN của chị, kể cả những em giỏi trong lớp, đều trả lời là “ta phải học mãi vì Bác Hồ đã dạy như thế!”.
Hai anh chị có một con gái, để con sống theo sở thích tự do của cháu chứ không ép vào khuôn khổ khoa bảng, sự nghiệp theo truyền thống VN. Cô con gái có theo bố mẹ về thăm VN và ở lại dạy Anh ngữ thiện nguyện một thời gian.
Frankfurt – chồng du học, vợ sang đoàn tụ
Chị bạn ở Frankfurt rất nhanh nhẩu tháo vát, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Anh chị có cơ sở làm ăn tại Đức và cả tại VN, nên hai ông bà “đằng vân giá vũ” đi đi về về xoành xoạch. Con người làm ăn mau mắn, quyết định nhặm lẹ. Từ Mỹ đánh mail sang Đức nhờ chị tìm vé xe lửa đi từ Berlin về Frankfurt thăm chị ngày đó tháng đó. Năm phút sau chị mail ngay cho biết có chuyến đi 11 giờ sáng ngày đó, có được không. Ừ, được. Chị đánh mail hỏi tiếp có muốn trả thêm vài đồng để chọn ghế ngồi chung với nhau hay không? Ừ! Nhất định phải ngồi chung, kẻo mẹ mìn bắt. Xong ngay, trong vòng 15 phút đã có vé, và chị yêu cầu công ty xe lửa gửi vé về địa chỉ chị bạn ở Berlin, để ở đó giữ dùm, sau khi khách viếng Berlin là có sẵn vé cầm đi tiếp xuống Frankfurt thăm chị. Thật là hữu hiệu!
Chàng là nam sinh trường trung học kỹ thuật Cao Thắng, đến nhà bạn chơi thấy cô nữ sinh hàng xóm dễ thương nên sinh lòng cảm mến. Duyên vừa bén thì chàng đi Đức du học. Rồi tháng tư 1975, chẳng biết có còn gặp được nhau không. Vừa có đợt chính phủ cho phép sinh viên Việt kiều về thăm nhà là chàng bay về ngay, và hai anh chị làm lễ thành hôn trong những ngày đầu đổi đời. Hai bên đều nghèo rớt mồng tơi, thuê chiếc taxi làm xe hoa đưa cô dâu về nhà chồng.
Sang đoàn tụ bên Đức chị sinh bé trai đầu lòng. Anh còn đi học nên hai người chẳng có tiền. Chính phủ trợ cấp chị đi học tiếng Đức. Bận con mọn nên chị chẳng dám có tham vọng trở lại chuyên môn. Nghe người quen rủ rê làm nhà hàng, chị bỏ một tuần sang Bỉ học nấu nướng quản lý với người quen, rồi về Đức … mở một tiệm ngay tắp lự! Anh ra trường đi làm chuyên môn, chị đầu tắt mặt tối trông coi nhà hàng, con ở nhà thằng lớn trông con bé, tối về thì chúng đã lăn ra ngủ. Sau có dạo phải gởi con sang ông bà nội và cô chú bên Mỹ nuôi vài năm.
Nhờ Trời thương nên từ một nhà hàng sinh sôi nảy nở ra bốn tại các vùng chung quanh. Hiện nay thì đã rút gọn lại còn một. Quán Văn ở tại một địa điểm tốt trong Frankfurt, giống như một villa xưa, bên trong trang trí trang nhã với những bức tranh VN, chung quanh có vườn trồng cây to, bàn đặt dưới gốc cây, thắp đèn màu thơ mộng. Thời gian chúng tôi ghé thăm, đường phố trước mặt đang bị đào xới để đặt đường metro, nhưng khách quen vẫn lặn lội tìm đến ngồi đầy nhà hàng. Chúng tôi được đãi những món đặc sản không có trong menu như đậu hũ chiên xả, cá hấp, canh rau dền, rau cần xào thịt bò… Tuyệt vời! Chị tự hào có được những người giúp việc cần mẫn, tháo vát, và lương thiện. Anh chị đối đãi nhân viên hết lòng, nên có thể tin cậy giao phó mọi việc để hai ông bà chạy đây chạy đó, từ Đức về VN rồi quay lại.
Trong thời gian tiếp bạn, chị thuê xe van 7 chỗ ngày ngày vừa chở bạn đi shopping, viếng thăm các thắng cảnh, đồng thời gọi về điều quân khiển tướng, mua sắm tiếp liệu cho nhà hàng. Chị mổ đầu gối hai năm trước nhưng đến nay đi lại vẫn còn hơi khó khăn. Những ngày đưa bạn đi chơi chị uống thuốc chống đau để có thể cùng bạn “xông pha sông núi”. Anh vẫn đang đi làm tỉnh xa, cuối tuần mới về nhà.
Trong khi cha mẹ cặm cụi gây dựng tài sản, cậu con trai tốt nghiệp ở Đức và Mỹ, bỏ job chính qui, cùng vài người bạn lập một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người nghèo tại VN. Con gái lập gia đình và làm việc tại Mỹ. Gia đình 6 người sống tại 3 quốc gia.
Mainz – dân vượt biên đường bộ
Chị bạn cùng tôi gắn bó với nhau suốt cả thời gian đi học: cùng chung trường tiểu học Đồ Chiểu, trung học Gia Long, đại học Văn Khoa. Tên hai đứa cũng trùng họ, trùng chữ lót, và suýt nữa thì trùng tên, chỉ khác nhau cái dấu, một đứa dấu sắc, một đứa dấu huyền, Nguyễn thị Thúy và Nguyễn thị Thùy. Thế mà sau 1975 ít lâu thì hai đứa mất tin nhau. Bạn nghỉ học đi làm vì bố mất, nhà có mẹ yếu đuối và một đàn em nhỏ, tôi vẫn ở lại trường. Chị nỗ lực tìm một chỗ đứng trong chế độ mới, trở thành phóng viên và nhà báo có tay nghề vững chắc. Một đồng nghiệp cảm mến và theo đuổi, một đám cưới đơn giản hơn cả đơn giản diễn ra, tiệc cưới chỉ đãi khách nước trà và bánh ngọt, tiêu chuẩn của thời đó.
Ít lâu thì cơm không lành, canh không ngọt. Nguyên mâm cơm hất đổ xuống đất, bát chén vỡ loảng xoảng, con bé con chạy núp vào góc cửa ôm mặt khóc. Chị bế con về nhà mẹ. Rồi tìm đường vượt biên. Chị để con lại nhà cho bà ngoại trông, theo người tổ chức xuống tỉnh chờ ngày ra “cá lớn”. Đêm nằm nhớ con quá lại chạy về, bỏ chuyến đi. Lần sau chị nhất định mang con theo cùng. Để tránh nguy hiểm, hai mẹ con đi “du lịch” theo tour, bay sang Đông Đức. Đến phi trường thì lẻn tách ra, bắt liên lạc với người tổ chức, vượt rừng chạy sang Tây Bá linh, nhập trại tỵ nạn. Từ đó “gà mái nuôi con” tại Mainz, một thành phố nhỏ cách Frankfurt 30 phút. Có lần chủ cắt chị làm ca đêm. Chị nấu sẵn bữa ăn tối, dặn con ở nhà ăn cơm rồi học bài. Khuya về thấy con bé nằm úp mặt ngủ bên mâm cơm không động đến, nước mắt chảy hoen mi. Hôm sau chị nghỉ việc, chấp nhận đói thì đói.
Con bé học hành thông minh giỏi giắn, được học bỗng đi học các chương trình quốc tế từ lớp 9, sau đó sang học tại Anh, rồi đại học UCLA tại Mỹ, về làm luận án tại Leipzig, hiện nay định cư tại Sydney vì chồng dạy đại học ở đó. Mẹ con cách trở một đại lục và một đại dương.Chị vẫn ở căn hộ cũ, thỉnh thoảng skype với con. Khi con rể dạy thỉnh giảng tại các nước Âu châu thì hai vợ chồng ghé về Đức thăm mẹ. Chị vẫn theo nghiệp viết văn, đoạt giải thưởng “Viết về Nước Mỹ” của Việt Báo, xuất bản sách truyện ở Sài gòn được best seller. “Cơm áo không đùa với khách văn”, sinh sống và sáng tác ở Đức, lãnh tiền nhuận bút VN, cái nghiệp của con tầm nhả tơ!
St. Berthelemy – tang bồng hồ thỉ khắp 5 châu
Các anh chị lớn của chị đã đi du học, 4 người đầu bên Pháp, anh thứ 5 tại Mỹ. Hồ sơ du học của chị đã hoàn tất sau khi đậu tú tài, nhưng chị không muốn đi, ở lại học trường Nha Sàigòn. Thế rồi cái số “xuất ngoại” cũng vận vào chị. Trước ngày 30 tháng tư, mọi người tìm đường di tản, bố mẹ gửi chị và cậu em út cho ông bác dẫn đi, cả nhà sẽ liệu sau. Sang Mỹ chị tá túc với ông anh còn đang diện sinh viên, chưa có công ăn việc làm. Hai anh em đi bê phở tại một nhà hàng Việt. Ông anh lớn bên Pháp gọi bảo sang anh giúp cho đi học. Chị ở nội trú tại trường Nha ở tỉnh xa, ngày nghỉ thỉnh thoảng về nhà anh, nhưng bà chị dâu tỏ vẻ không vui vì phải cưu mang cô em chồng.
Chàng là học sinh trường Taberd, du học Thụy sĩ trước đó vài năm, đã ra trường và thành danh. Mối tình lưỡng quốc diễn ra, chàng đều đặn “vượt biên” từ Thụy sĩ sang Pháp đi thăm người đẹp, đến khi nàng vừa ra trường là rước nàng dìa dinh ngay lập tức.
Sau khi thành hôn, anh chị về St. Berthelemy, một làng nhỏ cách Lausanne 10 mười phút, diện tích 4 cây số vuông, dân số 800 người, mua đất dựng nhà và khởi nghiệp. Anh đón xe lửa lên làm việc tại Genève cách đó 1 tiếng, chị mở phòng răng tại nhà. Đời sống Thụy sĩ rất cao, thuê người đến nhà lau dọn trả 40 francs Thụy sĩ một giờ (khoảng hơn 40 USD) nếu thuê chui, hay đến 70 francs một giờ nếu thuê từ công ty dịch vụ. Tiền kiếm được tại Thụy sĩ mang ra nước ngoài tiêu xài thoải mái. Hai vợ chồng đi du lịch hằng năm, tìm những trải nghiệm độc đáo như leo Kim tự tháp Ai cập, cưỡi lạc đà, viếng Maroc, cưỡi đà điểu, ngủ lều trong chuyến safari để ngắm cận cảnh thú hoang dã tại Phi châu, tất cả Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Á, Úc, Phi đều đặt chân đến v.v.
Ngày xưa bạn mình nhu mì ít nói, nay gặp lại thấy linh hoạt rành rẽ, chu đáo sắp đặt mọi việc. Bạn tổ chức đón khách từ khi kế hoạch hội ngộ mới được bàn đến cả năm trước, nên ký cóp tích trữ được nhiều phiếu giảm giá siêu, bớt đến nửa giá, để đưa bạn đi ở khách sạn, ăn nhà hàng. Trong một tuần tiếp bạn, chị đưa đi chơi hết 8 trong 10 nơi nổi tiếng cần biết đến tại Thụy sĩ, khi thì viếng thủ đô, lúc ra hồ, thăm lâu đài, thành cổ, đủ cả. Đi chơi đâu khách cũng được tự do thoải mái ngắm cảnh, vì ông chủ cùng bà chủ đã chụp cho tất cả những ảnh đáng chụp, khi thì quay cả video, đến ngày ra về mỗi người được một đĩa CD mang về với mấy trăm ảnh chụp anh đã sang cho.
Hai con gái đã hoàn tất bậc đại học 8 năm, làm việc và sống với bạn trai tại tỉnh, thỉnh thoảng đưa bạn trai về thăm bố mẹ để được ăn cơm VN. Anh chị dùng thời gian hưu đi du lịch, góp tay vào các sinh hoạt đoàn thể, thiện nguyện trong vùng.
Việt nam – giỏi việc nước, đảm việc nhà
Sau khi tốt nghiệp trung học, bạn thi đậu vào đại học sư phạm Sài gòn. Năm đầu tiên nam nữ học chung sau 7 năm “tu kín” tại trường nam và nữ riêng biệt, chàng và nàng gắn bó với nhau ngay tức thì. Lại cũng trai Pétrus Ký, gái Gia Long. Mối tình suốt 4 năm đại học kết thúc bằng đám cưới ngày tốt nghiệp. Được mời dự đám cưới đầu tiên của bạn bè, mình không kềm được tò mò: “Sao nó còn bé ranh như mình mà gan góc thế nhỉ, dám … lấy chồng!” Rồi nhìn căn nhà to đùng bên chồng, nhìn đại gia đình bên chồng đông đúc bố mẹ anh chị em, sao thấy thương cho thân bé bỏng của nó quá!
Ấy thế mà qua bao thập kỷ, bạn vẫn ở cùng mái nhà với gia đình chồng, tam đại đồng đường, phụng dưỡng bố mẹ chồng hết mực, hòa thuận với anh chị chồng và các cháu, cho đến khi hai cụ qui tiên.
Cái nền thầy cô đã rèn luyện cho suốt 7 năm trung học, lúc nào cũng làm việc cần mẫn, cố gắng học hỏi vươn lên, không thoả hiệp với cái xấu, đã giúp bạn ngày càng thăng tiến trong nghề nghiệp. Chị lên chức trưởng ban, phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng một trường cấp 3 lớn tại Sài gòn. Thời gian bạn làm hiệu trưởng, trường ra sức “gò” cho các em của trường năm nào thành tích tốt nghiệp phổ thông cũng không thua gì trường chuyên như Lê Hồng Phong, đưa trường vào hàng top của TP HCM.
Gặp lại sau 40 năm, thấy bạn vẫn vẹn toàn công dung ngôn hạnh theo truyền thống các cụ dạy cho phụ nữ ngày xưa. Lúc nào cũng trang điểm cẩn thận, quần áo trang nhã, lời ăn tiếng nói chừng mực, hay có những săn sóc kín đáo tế nhị đối với bạn bè. Mình cười thầm, nghĩ bụng chắc là đã quen chăm sóc ông xã ở nhà, nay không có chàng bên cạnh thấy nhớ quá bèn lôi bạn bè ra chăm sóc cho đỡ ghiền vậy! Bạn cũng “nữ nhi” hơn dân “Tây” bọn mình, chân yếu tay mềm nhất trong bọn, không tự khuân vác được phải nhờ đến cơ bắp của… các bạn gái khác, không tham dự những trò chơi hơi mạo hiểm như ngồi ghế dây cáp treo đi từ đỉnh đồi xuống bờ sông.
“Người Việt” sống giữa “bọn Tây” chúng tôi vẫn phải nấu nước sôi cẩn thận để uống mặc dù chính phủ địa phương bảo đảm nước từ vòi uống hợp vệ sinh, và chủ nhà cũng uống thẳng từ vòi. Khi đi ăn ngoài thì chỉ thủ món pizza, spaghetti, hay chicken nuggets chứ không muốn thử món lạ địa phương, nên bị chế là ăn uống như con nít. Phòng thuê ở ban đêm gần bờ hồ có gắn chìa khóa sẵn tại ổ khóa để tối vặn khóa vào, sáng vặn mở ra cho tiện. Bạn cẩn thận rút ra cất vào trong, vì ở VN đã có cảnh trộm đập mạnh vào cửa để chìa khóa rơi xuống đất rồi dùng cây khoèo ra ngoài. Cẩn thận hơn, bạn bê hai ghế chặn cửa, một cái đứng, một cái nằm dài bên trên, trên cùng lại để…một tấm thớt! Kẻ gian mà đẩy cửa vào là sẽ bị hệ thống báo động dân phòng lên tiếng xủng xoẻng ngay! Mình sống bên này quen thói tự do lơ lỏng, không ngờ người bên nhà bây giờ lại hay đề cao cảnh giác như thế. Mình thấy buồn cười, nhưng thôi, để cho bạn mình được ngon giấc ban đêm. Sau này về kể chuyện, mọi người la ối a: “Giời ạ, nửa đêm mà cháy nhà, quýnh quáng không tìm ra chìa khóa thì chết thiêu cả lũ đấy!”
Vì lập gia đình trước các bạn trong nhóm nên hai anh chị đã có đủ cháu nội cháu ngoại. Thế hệ sau đã “hội nhập” với thế giới nên không còn mặn mà với truyền thống tam đại đồng đường như thời trước. Hai anh chị sẽ định cư nơi hai con đang sinh sống và làm việc, dự định sẽ mua một nhà nhỏ ở gần cạnh.
Người Việt toàn cầu – Tây và Ta
Đến khi gặp lại bạn VN, tôi mới nhận thấy bọn “Tây” chúng tôi đã thay đổi nhiều qua năm tháng.
Chúng tôi độc lập trong cách suy nghĩ và làm việc, mạnh dạn tự lo lấy mọi việc, tranh luận tay đôi trên cơ sở lý luận và hiểu biết chứ không khép nép núp bóng tùng quân. Chúng tôi tự mua vé cho chuyến đi, tự sắp xếp mọi thứ cần mang theo, đến đâu tự xem bản đồ dò đường, tự hỏi đường khi cần thiết. Có phải chúng tôi không còn là người phụ nữ Việt cổ truyền? Có thể! Chúng tôi có quá tiến bộ để mất đi nữ tính của mình? Tôi không nghĩ như vậy. Các ông xã bên này cũng tin tưởng vào sự độc lập và mạnh mẽ của người vợ, trông cậy vào sự chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con cái, đóng góp tài chính vào ngân quỹ gia đình, hợp tác bình đẳng, cùng nhau đồng hành trên đường đời. Bọn “Tây” chúng tôi sống hồn nhiên như thế và thấy hạnh phúc trong bình đẳng, không thấy mình đánh mất tính cách người phụ nữ Việt khi “lỡ quên” câu “phu xướng phụ tùy” của người xưa.
Bọn “Tây” chúng tôi cũng quen nghĩ sao nói vậy, nói thẳng nói thật, không vòng vèo quanh co. Gặp lại bạn xưa mới “chợt nhớ” người Việt cổ truyền thường tế nhị khéo léo hơn, và có lẽ mình hơi quá bộp chộp ồn ào. Sorry! Chợt tự cười thầm, biết đâu mình mà ở lại VN lấy chồng thì không khỏi lại “vào mồng ba, ra mồng bẩy” vì không biết dịu dàng nhường nhịn. Nguy to!
Tây hay Ta, chúng tôi đều có chung một điểm xuất phát và hội tụ: mái trường thân ái ngày xưa. Dù sau ngày ra trường đã theo nhiều ngả đường: du học phương trời xa hay vào đại học quốc nội, dù ra đời rong ruổi nhiều ngả rẽ khác nhau, chúng tôi không bao giờ quên thầy cô và bạn bè cũ, lúc nào cũng ấp ủ kỷ niệm thân thương dưới mái trường xưa. Và mỗi bận tái ngộ là cứ “năm canh dài thức đủ năm canh” để cùng nhau ôn chuyện trường xưa lớp cũ.
Ôi, cái tình bạn gái mãi mãi gắn bó bền chặt!
Thúy Messegee