Tại Sao Phải Tạ Ơn?
TT-Thái An
Mỗi năm khi đến tháng Mười Một tại Hoa Kỳ, chợ búa lại rầm rộ bán các món hàng để người dân ăn mừng lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day), gồm có gà tây, bí đỏ, ngô, khoai lang, bánh tạc bí đỏ, bánh tạc khoai lang (pumpkin pie, sweet potato pie) và nhiều món khác để ăn trong dịp lễ. Cũng nhân dịp này, chợ búa còn sale nhiều loại hàng khác nữa.
Người Việt Nam và những dân tộc khác di cư đến Hoa Kỳ đều hưởng lây lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ. Nào là được nghỉ làm, nghỉ học ở nhà, họp hành gia đình hoặc bạn bè để ăn uống, tiệc tùng và nhất là sau lễ Tạ Ơn còn có Black Friday: mọi thương xá, mọi cửa hiệu buôn bán lẻ và ngay cả bán hàng online đều có sale (khuyến mãi) đại hạ giá, rẻ nhất trong năm.
Có thể nói, lễ Tạ Ơn là một lễ trọng thể của Hoa Kỳ, chỉ đứng thứ hai sau lễ Giáng Sinh.
Canada là một nước anh em với Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ của nó, cũng từng là thuộc địa của Anh, nghĩa là chánh phủ Anh đưa quân đội và dân sự qua trước tiên để đi chiếm đất ở Tân Thế Giới, sau đó đến những sắc dân Âu châu khác kéo theo qua; họ gặp muôn vàn khó khăn trong buổi đầu trên đất mới. Đến thế kỷ 18, sau khi thâu hoạch, đám người di dân tự động dâng lễ tạ ơn lên Thiên Chúa cách lẻ tẻ từng nhóm. Sau này, có những người từ Hoa Kỳ bỏ qua Canada tị nạn trong thời kỳ chiến tranh nam bắc đem theo phong tục làm lễ Tạ Ơn. Thế là lễ Tạ Ơn lan ra những vùng khác trên đất nước Canada. Từ năm 1879, toàn quốc đã làm lễ Tạ Ơn, nhưng ngày để cử hành lễ lại thay đổi mỗi năm. Kể từ năm 1957, chánh phủ Canada chánh thức chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười làm quốc lễ Tạ Ơn Thiên Chúa. Còn Hoa Kỳ thì làm vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một; sau này đổi thành thứ Năm của tuần thứ tư của tháng Mười Một.
Là những người bỏ quê hương Việt Nam đến Mỹ hay Canada sinh sống, khi thấy hai quốc gia này có ngày lễ Tạ Ơn, có bao giờ chúng ta thắc mắc họ làm lễ Tạ Ơn để tạ ơn ai vậy?
Và họ tạ ơn về việc gì?
Người dân Hoa Kỳ hoặc những người di dân đến đây đều nghe nói về lý do tại sao Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln ban bố lễ Tạ Ơn trên toàn quốc vào năm 1863.
Câu chuyện khởi đầu từ những người Pilgrims (người Tin Lành ly khai khỏi Anh Quốc Giáo) khoảng 102 người, kể cả thủy thủ đoàn thì được chừng 130 người, từ Anh đến Tân Thế Giới trên chiếc tàu buồm Mayflower khởi hành vào tháng Chín, năm 1620. Họ cặp bến Cape Cod (bây giờ là Massachusetts) vào tháng Mười Một, năm 1620. Chiếc tàu Mayflower đã phải chở gấp đôi hơn sức trọng tải của nó. Vì lúc đầu họ định đi làm hai chiếc tàu, nhưng chiếc tàu thứ hai tên Speedwell bị nứt hở, nước vào, không thể đi được nên phải trở vào bờ. Không nở để anh em Pilgrims của mình bị bỏ lại, vì thế nhóm người trên tàu Speedwell dồn vào với nhóm người trên tàu Mayflower để đi chung. Như thế chuyến hải hành của họ thật gian nan. Trong hơn hai tháng hải hành, họ phải ở thật chen chúc và sống trong điều kiện thấp kém nhất, thiếu vệ sinh, thiếu rau tươi, thiếu thực phẩm, thiếu nước sạch và ngay cả thuốc men. Nhiều người phát bệnh, các loại bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan vì quá suy dinh dưỡng và quá thiếu vệ sinh.
Họ gồm nhiều gia đình cùng nhau rời bỏ Anh quốc sang Hoa Kỳ để được tự do tôn giáo. Họ cũng là Cơ Đốc nhân, là những người tin Chúa (Christians) như những người theo Anh Quốc Giáo (Anglican Church), nhưng không theo đường lối của Anh Quốc Giáo, họ ly khai khỏi Anh Quốc Giáo. Vì thế họ bị bắt bớ khổ sở trên quê hương của họ.
Đến được bến bờ tự do vào lúc mùa đông, nhiều hôm lạnh dưới không độ, họ không chuẩn bị đủ áo ấm, nhà lại không có, họ vẫn phải ở trên tàu.
Ban ngày thì rời tàu, lội nước lõm bõm từ tàu xuống bến và đi chung quanh có lẽ để kiếm thực phẩm.
Ban đêm thì về tàu ngủ khi vớ và giầy vẫn còn ướt sũng, nhiệt độ lại hạ xuống có khi dưới độ âm khiến chân tay đông thành đá. Nhiều người đã kiệt sức sau hơn hai tháng hải hành cực nhọc và đau yếu, nên không còn sức chịu đựng giá rét và thiếu thốn thuốc men, thực phấm nên đã chết trong mùa đông đầu tiên gần phân nửa, kể cả gần một nửa thủy thủ đoàn.
Số người còn sống sót chắc chắn thất vọng, đau lòng và kinh hoàng lắm vì phải chôn cất những người ruột thịt của mình hoặc những người đồng hành với mình khi vừa mới đến bến bờ chẳng bao lâu.
Cảnh này thì nhiều người tị nạn Việt Nam bằng đường biển có kinh nghiệm đau thương như họ, nhưng sau khi đến trại tị nạn thì được cấp lương thực, chăn mền, quần áo và có nhà tạm trú, không gặp mùa đông lạnh cóng hoặc thiếu thực phẩm hay thuốc men trầm trọng vì trong trại lúc nào cũng có trạm y tế, có y tá hoặc bác sỹ để khám bệnh và cho thuốc.
Tháng Ba năm 1621, đám người Pilgrims này rời tàu Mayflower, đóng những cái chòi trên bờ để ở. Còn tàu Mayflower thì trở về nước Anh với số thủy thủ đoàn còn sống sót.
Có những người da đỏ đã đến cho họ hạt giống để trồng ngô, khoai và bí đỏ. Mùa thu năm 1621 họ được mùa và đã cùng với những người da đỏ làm tiệc dâng lễ tạ ơn lên cho Đức Chúa Trời.
Người da đỏ đã đem gà tây do họ săn được đến góp phần. Như thế lễ Tạ Ơn đầu tiên được cử hành vào năm 1621, dù đơn sơ, chẳng có gì cao lương mỹ vị, nhưng tận đáy lòng họ dâng lời tạ ơn lên Thượng Đế là Đức Chúa Trời của họ đã cho họ được mùa để sống.
Là những người tin Chúa, chắc chắn khi bước chân xuống tàu Mayflower để qua Tân Thế Giới, họ có cầu xin Đức Chúa Trời đưa đường cho họ đến bến bờ bình an. Khi đến nơi bình an, chắc chắn họ có dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và không quên cầu xin Ngài ban phước cho những ngày của họ trên vùng đất mới này.
Vậy tại sao tai họa lại dồn dập xảy ra với họ?
Chắc chắn họ có thắc mắc này trong lòng nhưng không dám trách móc Chúa. Trái lại, một năm sau đó họ được mùa, dù chỉ là đủ ăn, chưa giàu có, dư dật, họ làm tiệc mời những người da Đỏ đã cho họ hạt giống và họ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Cứ thế, năm nào xong mùa màng họ cũng làm tiệc đãi và dâng lời tạ ơn Chúa. Từ đó trở đi, tinh thần tạ ơn Thiên Chúa đã lây lan trong vòng những người dân ở các tiểu bang vùng đông bắc Hoa Kỳ.
Có bao giờ chúng ta suy nghĩ vì sao họ lại tạ ơn Chúa trong lúc nỗi đau thương nhìn những người thân yêu chết ngay khi vừa đến bờ tự do chưa nguôi ngoai? Hơn thế nữa, sự ra đi của những người đồng hành khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn vì thiếu hụt những người cộng sự đắc lực trong việc vỡ đất mới.
Lý do thứ nhất, vì họ có niềm tin sẽ gặp lại những người thân yêu này trên Thiên đàng; lý do thứ nhì, vì họ là những người Tin Lành, chắc chắn họ có đọc kinh thánh và học được bài học của ông Gióp (Job) trong kinh thánh Cựu Ước (Cựu Ước là phần kinh thánh viết rải rác trong nhiều năm trước Chúa Jesus giáng sanh, khoảng năm 445 đến năm 1440 trước Thiên Chúa).
Ông Gióp chịu thử thách kinh khủng nhất so với loài người từ xưa đến nay. Dưới đây là một vài trích dẫn trong sách Gióp, chương 1: “Tại trong xứ Út Xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác. Người sanh được bảy con trai, ba con gai; có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết trong cả dân Đông phương….. Một ngày kia các con trai (bản kinh thánh hiệu đính dịch là các thiên sứ) của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê Hô Va (tiếng cổ của người Do Thái, nghĩa là Đức Chúa Trời hay Ông Trời), và Satan cũng đến trong vòng chúng. Đức Giê Hô Va phán hỏi Satan rằng: Ngươi ở đâu đến? Satan thưa với Đức Giê Hô Va rằng: Tôi trải qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi đó.
Đức Giê Hô Va lại hỏi Satan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng? Nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi đều ác. Satan thưa với Đức Giê Hô Va rằng: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt.
Đức Giê Hô Va phán với Satan rằng: Nầy các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó. Satan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê Hô Va.”
Sau đó, nội trong một ngày, Satan đi tàn hại và giết hết những gì Gióp có, từ súc vật, các tôi tớ và ngay cả mười người con của ông.
Trong một ngày, hết người này đến người kia đến báo tin dữ cho Gióp hay. Vì mục súc của ông ở rải rác nhiều nơi nên mỗi nơi Satan chừa lại một người tôi tớ còn sống để về báo tin cho Gióp.
Đây là phản ứng của Gióp ghi tiếp trong sách Gióp, chương một: “Gióp bèn chổi dậy, xé áo mình và cạo đầu, đoạn sấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê Hô Va đã ban cho, Đức Giê Hô Va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê Hô Va! Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời.”
Sau đó Satan lại đến ra mắt Đức Chúa Trời. (Sách Gióp, chương hai) Ngài phán hỏi Satan rằng:
“Ngươi có thấy Gióp tôi tớ ta chăng? Trên đất chẳng có ai giồng như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu ngươi có dục ta phá hủy người cách vô cớ. Satan thưa lại với Đức Chúa Trời: “… Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Đức Giê Hô Va phán với Satan rằng: kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người. Satan bèn lui khỏi trước mặt Đức Giê Hô Va, hành hại Gióp một bệnh ung độc, từ bàn chân cho đến chót đầu. Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro. Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao?… Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi! Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình.”
Chưa hết, ba người bạn thân của Gióp cũng đến để lên án ông vì họ nghĩ rằng có lẽ Gióp phạm nhiều tội lớn lắm nên bị Đức Chúa Trời hành phạt. Nhưng Đức Chúa Trời nghe thấu những lời mỉa mai và buộc tội của ba người bạn Gióp và Ngài nổi cơn thạnh nộ cùng họ. Trong sách Gióp, chương 42, Đức Chúa Trời phán cùng Ê Li Pha (bạn Gióp) rằng: “Cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng ngươi và hai bạn hữu ngươi; bởi vì các ngươi không có nói về ta cách xứng đáng, y như Gióp, kẻ tôi tớ ta đã nói. Vậy bây giờ, hãy bắt bảy con bò đực và bảy con chiên đực đi đến Gióp, kẻ tôi tớ ta, mà vì các ngươi dâng lên một của lễ thiêu; rồi Gióp, kẻ tôi tớ ta sẽ cầu nguyện cho các ngươi; vì ta sẽ nhậm lời người, kẻo e ta đãi các ngươi tùy theo sự ngu muội của các ngươi; vì các ngươi không có nói về ta cách xứng đáng, như Gióp, kẻ tôi tớ ta dã nói.”
Họ làm theo lời phán của Đức Chúa Trời. Sách Gióp, chương 42, câu 10 “vậy, khi Gióp đã cầu nguyện cho bạn hữu mình rồi, Đức Giê Hô Va bèn đem người ra khỏi cảnh khốn người, và ban lại cho Gióp gấp bằng hai các tài sản mà người đã có trước.”
Đức Chúa Trời cũng ban cho Gióp bảy người con trai và ba con gái khác.
Những người thật sự tin và kính sợ Thiên Chúa, đều biết tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh. Vì Đức Chúa Trời không giống như ông Thần Tài, ông Phước, Ông Lộc hay Ông Thọ do người Trung Hoa tạo nên. Ngài không muốn loài người đến với Ngài để xin phước, xin lộc, xin tài, xin thọ. Ngài muốn loài người đến với Ngài vì chính Ngài là Đấng Tạo Hóa của họ mà thôi.
Nhạc sỹ Vũ Đức Nghiêm trong những năm tháng ngồi trong tù cải tạo, ông có thời giờ để suy gẫm về những lỗi lầm mà ông đã phạm cùng Chúa trong những ngày tháng đã qua của mình. Ông đã sáng tác ra bài thánh ca “Ca Khúc Tạ Ơn Tôn Vinh” trong đó có những câu “Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một đời tự do. Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi ngày tháng lao tù. Xin tạ ơn Chúa dù đời có lúc gian truân, để dọn lòng xám hối ăn năn. Tạ ơn Thiên Chúa không lời oán than…”
Những người di dân cùng thời với những người pilgrims của tàu Mayflower đều là những người Cơ Đốc Nhân đến từ Anh, từ các nước Âu Châu là những nước có nền tảng của Cơ Đốc Giáo, nên họ học theo tinh thần tạ ơn Thiên Chúa nhanh chóng.
Vì họ biết rằng càng tạ ơn Chúa, Chúa càng ban phước. Càng lằm bằm trách móc Chúa, lại càng vô phước. Rõ ràng sau hơn hai trăm năm, trải qua nhiều thế hệ, những người pilgrims đầu tiên đã chết hết, nhưng những thế hệ con cháu kế tiếp và dân sự vẫn tiếp tục tạ ơn Chúa sau mùa gặt. Và Chúa có ban phước trên đất nước này từ chỗ không có gì trở nên một cường quốc, giàu có dư dật và giàu lòng từ thiện.
Họ viện trợ nhân đạo, ban phát thực phẩm, thuốc men, quần áo, sách vở, xây bệnh viện, xây trường học cho bao nhiêu nước nghèo khó trên thế giới. Chánh phủ Hoa Kỳ biết rõ sự quan trọng của lòng tạ ơn, lòng biết ơn dâng lên cho Đức Chúa Trời để được Ngài tiếp tục ban phước cho đất nước này. Đó là tại sao sau hơn hai trăm năm của lễ Tạ Ơn đầu tiên, chánh phủ Hoa Kỳ đã chánh thức ban bố lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) trên toàn quốc vào năm 1863 như một ngày quốc lễ.
Những gia đình Hoa Kỳ theo truyền thống, đoàn tụ trong ngày lễ Tạ Ơn. Họ ngồi quanh bàn ăn có sẵn con gà tây đút lò và những món ăn phụ như ngô, khoai lang, bí đỏ, đậu cô ve để trên bàn.
Trước khi dùng bữa, mỗi người trong gia đình thay phiên nhau nói đến ít nhất một ơn phước mà Chúa đã ban cho mình trong năm để tạ ơn Chúa. Sự thật ra họ tạ ơn Chúa từng ngày, hễ còn hơi thở là còn tạ ơn Ngài. Truyền thống trong những gia đình người Canada cũng vậy, nhưng thay vì nói đến ơn phước Chúa ban cho trước bữa ăn, họ nói đến trong khi đang ăn.
Ở Hoa Kỳ hay Canada, bất kể hệ phái Cơ Đốc Giáo nào, từ Công Giáo La Mã, Chánh Thống Giáo, Báp Tít, Trưởng Lão, Anh Quốc Giáo (tại Hoa Kỳ lấy tên là Episcopal), Giám Lý, Mê Nô Nai, Phước Âm Liên Hiệp, Ngũ Tuần và cả trăm hệ phái Tin Lành từ truyền thống cho đến Ân Tứ đều làm thánh lễ Tạ Ơn Chúa rất long trọng trong mùa lễ Tạ Ơn. Họ dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn và chúc tụng danh Thánh của Ngài cùng dâng lời khẩn nguyện xin Chúa tiếp tục ban ơn phước trên đất nước của họ. Đó là điều đẹp lòng Chúa và Ngài tiếp tục ban phước trên hai quốc gia này.
Những người tin Chúa dù Âu hay Mỹ, Phi châu hay Á châu, hay dùng tên trong kinh thánh để đặt cho con. Những cái tên phổ thông như Joshua, Caleb, Michale, Samuel, David, John, James, Paul, Peter, Thomas, Mary, Joseph nhiều vô kể. Nhưng không thấy ai lấy tên Gióp (Job) đặt cho con cho dù Gióp có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước rất nhiều. Có lẽ vì chẳng ai muốn con mình bị thử thách giống như Gióp, dù họ biết rằng không phải có tên Gióp là sẽ bị như Gióp.
Canada noi theo Hoa Kỳ làm lễ Tạ Ơn Đức Chúa Trời (God/Ông Trời) không phải vì bắt chước cho vui, cho có lễ Tạ Ơn với người ta. Nhưng những người cầm quyền thực sự biết tầm quan trọng trong việc tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng ban cho được và lấy lại được.
Chúng ta là những người Việt Nam di cư đến Hoa Kỳ và Canada trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Trước hết là những người qua Mỹ hoặc Canada cách lẻ tẻ cá nhân trước 1975, kế đến là người di tản vào ngày 30 tháng Tư, 1975, rồi thuyền nhân (boat people), người tị nạn, tiếp theo là diện con lai, HO và những tù nhân chính trị, tiếp theo nữa là được bảo lãnh theo diện đoàn tụ, sau này là du học sinh hay di dân theo diện đem tiền sang đầu tư. Có bao giờ chúng ta suy gẫm về thái độ của ta đối với Đức Chúa Trời trong mùa lễ Tạ Ơn hay không?
Trương Thức-Thái An
11/04/2016