Chú Tiến, Một Nhà Nho Cuối Cùng TT Thái An

Chú Tiến, Một Nhà Nho Cuối Cùng

TT-Thái An

                Ngày xưa, trước 1975, gia đình cha mẹ tôi ở Phú Nhuận, thỉnh thoảng có vài người bạn của cha mẹ tôi đến chơi; trong số những người này, chú Tiến là người tôi để ý nhiều nhất và quý mến như người chú ruột; tôi không hiểu tại sao nữa, vì lúc đó tôi còn bé lắm, không giải thích được.

Mẹ tôi bảo quen chú Tiến từ lúc còn ở Hà Nội một thời gian ngắn trước khi di cư vào Nam năm 1954 qua một bà bạn khác; bà này giới thiệu chú Tíến là em nuôi nên chú Tíến cứ gọi bố mẹ tôi là anh chị, kỳ thực chú Tíến lớn hơn cha tôi vài tuổi.  Chú vào Nam chỉ có một mình, gia đình cha mẹ, anh em còn ở lại miền Bắc.

 Trước năm 1954, cha chú có cửa tiệm thuốc bắc ở Hà Nội nên cho chú học chữ Nho và nghề thuốc bắc từ bé để sau này nối nghiệp của gia đình.  Nhưng khi vào Nam một mình với hai bàn tay trắng, chú không hành nghề thuốc bắc được nên tìm việc làm tại một nhà in trên đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn.

Một vài năm sau chú báo tin cho cha mẹ tôi hay đã lập gia đình, vợ chú là một người miền Trung, vào Nam sinh sống.  Làm thế nào mà hai người gặp nhau thì không nghe chú nói.  

 Vợ chồng chú cũng sang được một căn nhà nhỏ trong một con hẽm phía sau đường Phạm Ngũ Lão. 

Mỗi lần đến chơi, chú Tiến thường ngồi nói chuyện với ông ngoại tôi vài giờ, hai người có vẻ tương đắc lắm.  Tôi chỉ đem nước trà ra mời rồi rút lui vào trong nhà.  

Dạo đó, ông tôi có một chứng bệnh ở chân rất lạ, trên mu bàn chân bên trái hay bên phải tôi không nhớ rõ, lở loét quanh năm, mỗi ngày nhiều lần ông tôi phải dùng giấy thấm để thấm chất vàng như mủ rỉ ra, rửa chân bằng thuốc tím, ngay cả đi bác sỹ cho toa mua thuốc bôi, thuốc uống mà cũng không khỏi.  Bệnh lở chân của ông kéo dài cả năm.  Một hôm tình cờ chú Tíến nhìn thấy chân ông tôi thì bắt mạch, cho toa thuốc uống và thuốc bôi, dặn dò cách sắc thuốc và dùng.  Chú Tíến viết toa bằng chữ Hán, ông tôi cầm ra hiệu thuốc bắc gần nhà mua, thế mà vài tuần sau đó chân ông tôi khỏi hẳn, không bao giờ còn tái phát bệnh lở loét chân.  Mẹ tôi bảo chú có nghề thầy thuốc mà không dùng được thật uổng!

Sau này, cha tôi làm ăn ngày càng khấm khá, cha tôi mua thêm một căn nhà khác cũng trên đường Nguyễn Minh Chiếu.  Thỉnh thoảng chú Tíến vẫn ghé chơi, chú vẫn đạp cái xe đạp cũ kỹ như bao giờ, và lúc nào cũng mặc cái áo sơ mi trắng tay ngắn, cái quần tây mầu đen. 

Bố mẹ tôi rất quý chú, mỗi khi chú đến, mẹ tôi hay gói ghém thứ này thứ kia cho chú vì mẹ tôi biết chú đông con, lên đến sáu bảy đứa gì rồi; mà lương thợ nhà in thì có là bao.  Vợ chú thì nghe nói có sạp bán báo trên đường Phạm Ngũ Lão.  Nếu lâu không thấy chú đến chơi, bố mẹ tôi lại nhắc đến chú; mẹ tôi hay khen chú là người hiền lành, đạo đức, trọng lễ nghĩa, sống theo đúng phong cách của một nhà Nho dù Nho học đã lỗi thời.  Có lẽ chú là một trong vài người hiếm hoi còn sót lại của nền cựu học vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.  Tuy nghèo, không bao giờ nghe thấy chú than nghèo hay than thân trách phận, cũng không bao giờ mở miệng vay mượn hay xin xỏ.  Bố mẹ tôi rất cảm phục cung cách sống của chú, còn tôi luôn kính nể cái tác phong đạo đức, hiền lành nhưng không gặp thời của chú.

Một hôm chú Tíến đến chơi, mẹ tôi hỏi thăm:

– Từ khi vào Nam, chú có gặp lại cô Thúy bao giờ không?

Chú trả lời rất thành thật:

– Hôm nọ, em có đạp xe đi ngang qua ngõ nhà cô ấy mà em không dám vào, vì sợ chồng cô ấy hiểu lầm, làm phiền cho cô ấy.

 Khi chú Tiến đã ra về, tôi hỏi mẹ ngay:

  • Cô Thúy là ai thế, chú Tiến có liên hệ gì với cô ấy?

Mẹ tôi trả lời:

-Chú Tiến yêu cô Thúy một chiều, chú ấy để ý đến cô Thúy từ khi cô ấy còn con gái mà không dám ngỏ lời; sau này có người mai mối cho cô ấy lấy một ông sỹ quan tốt nghiệp ở Nam Định, rồi hai vợ chồng cô ấy di cư vào Nam.  Chú Tiến vẫn để ý đến gia cảnh của cô Thúy, còn biết cả nhà của cô ấy nữa, có lần chú ấy bảo tội nghiệp cô Thúy lấy phải ông chồng vũ phu, nên cô ấy khổ lắm.

À thì ra đằng sau con người nghiêm túc, mẫu mực, hiền lành, chú Tíến còn là một con người lãng mạn, yêu sâu lắng, âm thầm mà bền bỉ.  Chú cũng rất thành thật, không dấu diếm bố mẹ tôi điều này, có lẽ như thế giúp chú khuây khỏa hơn vì có người hiểu được nỗi niềm của mình.  Vì có lẽ không bao giờ chú thổ lộ với vợ chú về mối tình câm của chú với cô Thúy.  Dễ hiểu thôi, chú không muốn làm vợ đau lòng! Chú lúc nào cũng sống đúng bổn phận của một người chồng đối với vợ, và một người cha đáng kính đối với một đàn con.  

Những năm sau này, chú hay dẫn một đứa con trai đến nhà tôi chúc tết, tôi đoán có lẽ là đứa con mà chú yêu thích nhất, vì không phải là con trai cả, mà là con thứ trong đàn con của chú; hai cha con thường đạp hai chiếc xe đạp lọc cọc đến nhà tôi, có năm cha tôi không có nhà vì bận đi nhiều nơi có việc riêng, mẹ tôi vẫn dọn cỗ tết mời hai cha con chú. 

Tôi nghe chú giới thiệu con chú tên Danh, đã mười ba, mười bốn tuổi gì đó, tôi ngạc nhiên vì em Danh quá nhỏ người so với tuổi của em.  Trong lòng tôi xốn xang không tả được, tôi đoán có lẽ cảnh nhà thiếu thốn quá nên các con chú không được bồi dưỡng đầy đủ.  Mẹ tôi lại gói ghém cho hai cha con chú đem về nhiều thứ, mẹ tôi luôn quý chú như người nhà, còn tôi luôn quý trọng chú như một nhà Nho cuối cùng của Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi.  Hơn thế nữa, có lẽ tôi hay thương người hiền lành đạo đức nhưng không gặp thời.

Tôi nghiệm thấy chẳng phải ai biết đọc và viết chữ Hán và chịu ảnh hưởng cửa Khổng học đều được xem là nhà Nho hết cả đâu; trên nước Trung Hoa hiện đại và trên toàn thế giới có hàng tỷ người biết đọc, viết và nói tiếng Hoa đấy thôi, chắc gì có được một người nghèo nhưng thanh liêm, hiền lành, thật thà như chú Tiến!

Chú Tíến làm việc cho nhà in gần hai mươi năm, tận tụy với công việc và trung thành với chủ; khoảng năm 1973 hay 1974, ông chủ của chú bỗng dưng trở bệnh năng, bị ung thư gì đó, lúc biết mình chẳng còn sống bao lâu, ông gọi chú đến thưởng cho chú 40 nghìn, đối với chú là một món tiền to.  Chú lấy ra một ít để may một bộ quần áo complet mầu đen, ra tiệm ảnh chụp một kiểu đứng cả người, nhìn được cả bộ quần áo rất lịch sự; chú ưng ý lắm, đem tặng bố mẹ tôi một tấm ghi đằng sau rằng: “Kính tặng anh chị tấm ảnh của em để lưu niệm” rồi ký tên dưới đó.

Cuối tháng Tư, năm 1975 đến, gia đình tôi di tản như cả triệu người dân miền Nam lúc bấy giờ, chạy tán loạn ra nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau, người đi máy bay, người đi tàu thủy, ghe, thuyền đủ loại; liều chết ra đi, đi đâu không biết trước, miễn đi ra khỏi tầm cai trị của chánh phủ cộng sản là mục đích chính. 

Vì thế gia đình tôi trôi dạt đến Đài Loan, ở Đài Loan hơn hai năm, cha tôi dắt vợ con di cư thêm lần nữa qua một nước ở Nam Mỹ.  Ở đó hai tháng, tôi chịu không được môi trường sống trên đất nước này nên đánh liều quay về Đài Loan một mình, cha mẹ và các em còn ở lại đó.

Ở Đài Loan, tôi vẫn thường nhớ đến gia đình chú Tíến, bâng khuâng lo lắng cho chú, không biết sống ra sao vì sau 1975 tất cả nhà in, tòa soạn báo chí đều bị đóng cửa.  Chú sẽ làm gì!? 

Lúc trước còn ở Việt Nam, mỗi lần chú đến chơi, tôi không dám ngồi nói chuyện với khách của bố mẹ, nên chẳng khi nào nói chuyện trực tiếp với chú.  Còn bây giờ xa xôi cách nhau cả cái biển Thái Bình thì tôi không ngại gì phải viết thư cho chú. 

Ở Đài Loan lúc đó, khoảng năm 1978, 1979, muốn thư từ với các nước cộng sản không phải dễ dàng như ở Mỹ hay các nước Âu châu, nhưng tôi cứ gửi thư cho chú xem nó có đi được không.  Ấy thế mà gần hai tháng sau tôi nhận được thư hồi âm của chú.  Chú bảo thình thoảng chú vẫn đạp xe ngang qua căn nhà của bố mẹ tôi mà bùi ngùi tưởng nhớ người chủ xưa, giờ đã đổi chủ, nghe nói một cán bộ cao cấp đã đến chiếm ở căn nhà của bố mẹ tôi.

Tôi nhớ mỗi lần biên thư cho chú, tôi luôn nhắc đến Đấng Tạo Hóa của loài người, là Chúa hay Đức Chúa Trời của tôi, là Đấng mà tôi kêu cầu ban ơn trên gia đình chú Tíến và cứu chuộc linh hồn chú và con cháu của chú, vì tôi không biết làm sao lo cho chú và gia đình chú được.  Nhưng trong những thư hồi âm cho tôi, chú không đề cập đến Chúa bao giờ, chú chỉ gửi lời thăm bố mẹ tôi và ao ước có ngày gặp lại.  

Trong vài lá thư sau đó, chú báo tin đã được làm nghề thầy thuốc trở lại; nhà thương Chợ Rẫy cho chú vào làm mỗi ngày từ sáng đến chiều, chuyên xem bệnh, bắt mạch, kê toa thuốc Bắc, rất đông khách mỗi ngày đến khám bệnh.  Tôi ngạc nhiên quá đỗi, tại sao nhà thương mà cho thầy thuốc Bắc vào khám bệnh!?  Chú bảo vì thuốc Tây khan hiếm quá, người ta phải quay về với thuốc Bắc, vì thế nghề thuốc Bắc của chú được phục hồi.  Chú chẳng bao giờ tự khen mình, nhưng tôi biết chú là thấy thuốc giỏi nên người ta mới biết đến chú mà mời vào bệnh viên Chợ Rẫy làm việc chánh thức.  Sau đó, một nhà thuốc Bắc trong Chợ Lớn mời chú vào làm ông lang cho tiệm.  Có lần biên thư cho bố mẹ tôi, chú gửi kèm một tấm ảnh mặc một bộ quần áo trắng, kiểu như bộ áo của thấy thuốc Bắc người Hoa, đang đứng trước cửa tiệm thuốc Bắc mà chú đang làm việc.  Có lẽ chủ tiệm may cho chú để mặc như y phục của thầy thuốc chuyên nghiệp vậy.  Tôi biết chú rất hài lòng vì được làm nghề thầy thuốc của tổ tiên truyền lại; xem như nghề gia truyền, cái nghề mà chú yêu quý và cũng hợp với lương tâm đạo đức của chú nữa.

Khoảng năm 1981 hay 1982 gì đó, tôi ngạc nhiên và xúc động nhiều khi nhận được thư của Danh, con trai chú Tiến viết từ trại tị nạn Thái Lan.  Đọc thư Danh, tôi cảm thấy như một phép lạ đã đưa đẩy Danh đến Thái Lan.  Danh kể rằng Danh và nhiều thanh niên miền Nam khác bị bắt đi lính, mà chánh phủ mới gọi là “đi nghĩa vụ”, đưa qua Kampuchia đánh nhau.  Khi có cơ hội, Danh đã vượt biên bằng đường bộ qua Thái Lan và xin vào trại tị nạn. 

Tôi cám ơn Chúa đã đưa Danh đến Thái Lan bình an, tôi vui mừng vì gia đình chú Tiến có được một người con vượt thoát ra nước ngoài, sau này có thể giúp đỡ cho gia đình.  Lúc đó, tôi vừa có đứa con đầu lòng, còn nhỏ lắm, tôi không làm việc gì để có thêm thâu nhập, còn chồng tôi vừa ra trường, lương chỉ đủ chi tiêu một cách dè xẻn.  Nhưng tôi biết Danh không có ai ở ngoài để giúp đỡ nên tôi cố gắng đổi được $10 US bỏ vào bao thư gửi cho Danh.

Tôi cầu xin Chúa gin giữ cho cái thư đến tận tay Danh, không bị ai lấy mất.  Cám ơn Chúa, khoảng gần tháng sau, tôi nhận được thư hồi âm của Danh, báo tin đã nhận được $10 US.  Nhưng điều làm tôi sung sướng hơn là Danh báo tin đã tiếp nhận Chúa trong trại tị nạn, và Danh đang tham gia ban tôn vinh bằng cây đàn guitar.  Tôi không ngờ Danh biết đánh đàn, tôi đoán Danh tự học đàn, có lẽ em có năng khiếu, vì chú Tíến không thể nào có tiền cho em đến các lớp dạy nhạc tư.  Âu đó cũng là sự ban cho của Chúa, Ngài ban cho Danh một năng khiếu để có thể hướng dẫn hội thánh tôn vinh và thờ phượng Ngài, vì Ngài đã chọn Danh từ trước khi sinh ra!

Có lẽ Danh báo tin cho cha hay nên sau này nhận được thư chú Tíến, chú cứ cám ơn tôi mãi vì đã cho Danh $10 US lúc Danh còn ở trại tị nạn Thái Lan làm tôi ngại quá đỗi, xin chú đừng bận tâm làm gì.  Chú Tiến là người luôn nhớ ơn, dù là ơn rất nhỏ. 

Sau này Danh được chánh phủ Úc cho đi tị nạn; một vài năm sau Danh cưới vợ, chú Tiến báo tin mừng, chú bảo: “Ngày em Danh cưới vợ bên Úc, là ngày chú làm tiệc mời hết thảy bà con hàng xóm đến để chung vui với gia đình chú.”

Chú rất hãnh diện vì con chú cưới vợ, chú có con dâu, dù xa xôi vẫn là con cái của chú đã thành gia thất.  Nghe chú đãi cả xóm, tôi biết chú đã sống được với nghề thầy thuốc, không những đầy đủ, mà còn dư dật nữa.  Cám ơn Chúa quá vì Ngài đã ban cho chú cơ hội và khả năng học nghề này từ nhỏ, và Ngài biết trước một ngày kia chú sẽ dùng đến.

Sau này, tôi dọn nhà nhiều lần, và không hiểu sao không còn liên lạc với chú Tíến nữa; mẹ tôi thì bảo rằng thư nào biên cho chú, mẹ cũng nói về Chúa cho chú biết Ngài là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc nhân loại nên không thấy chú trả lời nữa; có lẽ trường hợp tôi cũng thế!   

Nhưng tôi luôn nghĩ đến chú và gia đình, thỉnh thoảng nhớ đến tôi lại cầu nguyện xin Chúa cứu Chú Tíến và cả nhà chú.  Không hiểu sao lòng tôi luôn nặng trĩu khi nghĩ đến một người đạo đức theo tiêu chuẩn của loài người như chú mà không tiếp nhận sự cứu chuộc của Chúa thì có ích chi cho linh hồn mình.  Ai có thể tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt của Satan và địa ngục của nó?

Đầu năm 2013 tôi về Việt Nam.  Trước khi đi, tôi gọi cho mẹ, xin địa chỉ nhà chú Tíến. 

Lòng tôi ao ước tìm ra nhà chú, đến thăm chú, nói về Chúa cho chú, nài nỉ chú tiếp nhận Chúa để được cứu rỗi linh hồn.  Nhưng tôi rất lo nếu chú không còn sống thì sao? 

Tôi thuê xe ôm chở đi kiếm, xe chạy đến tận hẽm nhà chú; đọc được số nhà, tôi mừng quá.  Đó là một căn nhà lầu ba tầng, bê tông đúc sắt, không còn là căn nhà ọp ẹp ngày xửa ngày xưa như chú kể nữa. 

Một người thanh niên ra mở cửa, tôi hỏi thăm có phải nhà chú Tíến không, trả lời rằng “phải”, nhưng chú Tíến mất cách đây 8 năm, vợ chú mất cách đây hai năm, các con chú bán nhà này cho người chủ mới cách đây khoảng 6 tháng. 

Tôi đứng lặng, buồn quá, một nỗi buồn không tả được! Buồn không gặp được chú Tíến là ít, buồn vì không có cơ hội nói với chú về Chúa lần chót là lớn hơn hết!  Người chủ nhà có vẻ thông cảm, chỉ qua căn nhà đối diện bảo rằng hình như cô bên kia có số điện thoại của người con dâu út của chú.

Tôi vội sang nhà bên kia để hỏi thăm, cô này tốt bụng, cho tôi số điện thoại của người con dâu út của chú Tíến.

                Sáng hôm đó tôi gọi ngay cho cô con dâu út này, hỏi xin được số điện thoại của Danh bên Úc.  Tôi đang phân vân không biết đức tin của Danh lúc này ra sao, còn sốt sắng như lúc ban đầu không, thì cô dâu út báo tin Danh hiện đang làm mục sư ở bên Úc. Hallelujah! Tôi la lên: “Cám ơn Chúa!” thật là một ngạc nhiên đầy vui mừng, đầy phước hạnh.

Trở về Mỹ, tôi gọi cho Danh vào buổi tối bên này, tôi quên để ý lúc đó là mấy giớ bên Úc, ban ngày hay ban đêm; may là Danh bắt phone, hai chị em nhận ra nhau khi nhắc đến chuyện ngày xưa.  Tôi bảo rất buồn khi kiếm ra nhà mà chú Tíến không còn nữa; tôi không có cơ hội để nói với chú Tíến về Chúa lần cuối trước khi chú vĩnh viễn ra đi.  Danh phải chặn tôi lại để báo tin tốt lành:

  • Bố em đã tin Chúa rồi, sau khi tin Chúa được 8 tháng thì bố em về với Chúa.

  Tôi vui sướng quá, không cầm được miệng mình nên la lên “Hallelujah, cám ơn Chúa! Như vậy sau này chị lên Thiên Đàng, chị sẽ gặp lại chú Tíến!”; Danh còn báo tin mẹ và các anh em của Danh tin Chúa trước, chỉ còn ông anh cả và bố là nhất định không chịu tin, nhưng cảm tạ Chúa, bố Danh đã tin Chúa trước khi chết 8 tháng.

Tôi hỏi Danh tới tấp:

-Tại sao mẹ em chịu tin Chúa trước?

Danh bảo:

-Chuyện dài lắm, năm em hai mươi tuổi, Chúa phán với em: “Hãy hầu việc Ta!” em nghe rõ lời Chúa phán; nhưng lúc đó em còn nhỏ, không hiểu biết nhiều; và cũng không được ai hướng dẫn nên em bỏ qua; đến năm em bốn mươi tuổi, một hôm hội thánh của em mời bà mục sư NBQ bên Mỹ qua giảng. Sau khi giảng xong, bà kêu gọi những thanh niên nào tình nguyện dâng mình hầu việc Chúa thì tiến lên phía trên cho người lớn cầu nguyện cho.

Lúc đó em nghĩ mình đã già rồi nên đứng lên cầu nguyện cho một thanh niên, đang lúc cầu nguyện cho thanh niên này thì Chúa lại phán với em lần thứ hai: “Tại sao ngươi không cầu nguyện cho ngươi hầu việc Ta?”. Em nghe mà phát sợ! Lúc đó em mới biết sự kêu gọi của Chúa là rõ ràng nên em đã ghi tên học lớp kinh thánh hàm thụ, khi học xong thì phải bay qua California để lãnh bằng. 

Sau đó khi về Việt Nam thăm gia đình, em có nói với bố mẹ rằng em đang hầu việc Chúa.  Mẹ em hỏi: “Tại sao con hầu việc Chúa?”  Em kể hết từ đầu cho mẹ nghe nên mẹ em và hầu hết các anh em đã tin Chúa, chỉ có ông anh cả và bố em là chưa tin.

Lần sau cùng trước khi bố em mất, em về thăm và mời mấy ông mục sư đến làm chứng cho bố mà bố cũng nhất định không tin. 

Sau khi ra về, các ông mục sư này nói rằng: “Chúng tôi đã làm hết sức của chúng tôi rồi, phần còn lại là của anh, anh phải kiêng ăn, cầu nguyện để chạm vào Ngôi Ân Điển!”  Em nghe lời, kiêng ăn và cầu nguyện cho bố một ngày, quyết tấn công vào Ngôi Ân Điển. 

Hôm sau, mấy ông mục sư trở lại, kỳ này đúng là Chúa làm phép lạ, họ vừa mới mời gọi bố em tin Chúa thì ông đồng ý ngay, không chống cự gì nữa. 

Tôi nghe xong câu chuyện phước hạnh này, lòng sung sướng vô biên, biết chắc chú Tíến đã về Thiên Quốc, là nơi đã sanh ra linh hồn của chú.  Chú thật là người có phước, vì lình hồn nào có phước sẽ trở về nơi sinh ra nó.  (Truyền Đạo 12:6-7 Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y nguyên như cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.)  

Vâng, Đức Chúa Trời đã sinh ra linh hồn của người ta tại nơi Ngài ngự là Thiên Đàng hoặc Thiên Quốc, nhưng không phải linh hồn nào cũng trở về nơi đã sinh ra nó!  Vì con người tự do chọn cho mình một lối đi khi còn sống trong thân xác; nếu khi còn sống không chịu chọn Đấng đã sinh ra mình là Đức Chúa Trời, vì không tiếp nhận sự cứu rỗi đã ban cho từ Con Độc Sinh của Ngài là Chúa Jesus Christ, thì khi chết cũng không thuộc về Ngài.

Sau này, trong một email gửi cho tôi, Danh bảo rằng vì nhìn thấy tình yêu của Chúa trong mẹ tôi và gia đình tôi mà Danh đã tin Chúa.  Tôi thật không ngờ, gia đình tôi được dự phần trong việc Danh tin Chúa.  Ôi! Thật là phước hạnh! Chưa bao giờ tôi hiểu thấm thía câu kinh thánh “Tình yêu thương không hề hư mất bao giờ”. 

Vâng, con cái Chúa ai cũng biết rằng chúng ta yêu thương vì Chúa đã yêu chúng ta trước.  Chúng ta làm việc thiện không phải để nhờ công đức mà được lên thiên đàng.  Chúng ta biết chắc chúng ta sẽ lên thiên đàng vì đã được huyết Chúa Jesus tẩy sạch tội lỗi chúng ta, tên chúng ta đã được ghi  trong sách sự sống của Chúa.  Chúng ta làm điều lành, tránh điều dữ để Chúa được vinh hiển qua chúng ta, để người ta có thể nhìn thấy Chúa qua chúng ta mà đến với Ngài hầu cho linh hồn của họ cũng được cứu như chúng ta vậy.

Càng ngẫm nghĩ về cuộc đời chú Tíến và Danh, tôi càng thấy bàn tay nâng đỡ của Chúa trên gia đình chú.  Ngài đã chọn chú từ trước khi chú sanh ra.  Ngài đã đưa đẩy cho chú gặp gia đình tôi, Ngài đã khiến cho chú dắt Danh đến thăm gia đình tôi lúc Danh còn là một thiếu niên, Ngài đã đưa đẩy cho Danh đi lính qua Kampuchia, và Ngài đã đưa Danh vượt biên qua Thái Lan bình an, liên lạc được với tôi, gặp được nhóm tín hữu Tin Lành trong trại tị nạn, tạo điều kiện cho Danh tin nhận Chúa, sau đó Ngài đưa Danh qua Úc, không qua Mỹ hay nước nào khác, vì Ngài đã chọn sẵn chỗ ở cho Danh, sắm sẵn cho Danh một người nữ kính sợ Chúa tại Úc để làm vợ  vì Ngài đã chọn Danh làm tôi tớ Ngài, làm kẻ hầu việc Ngài tại Úc, để rao sự cứu rỗi của Ngài tại Úc, chăn bầy cho Ngài tại Úc.  Lời Chúa trong Kinh thánh nói rằng: “Ngài đặt nơi sinh cho từng người và giới hạn chỗ ở cho họ”.

Bây giờ thì tôi nghiệm ra tại sao tôi luôn cưu mang chú Tiến và gia đình chú trong lòng, đó là điều Chúa đã đặt để trong lòng tôi từ khi tôi còn bé dưới 10 tuổi.  Lúc đó, tôi chưa biết cầu nguyện thay cho người khác, nhưng sau này khi rời Việt Nam, khi đã ngoài 20, tôi bắt đầu nhớ đến những người quen còn lại trong nước mà cưu mang họ trong lời cầu thay với Chúa. 

Quả thật, chú Tíến là một nhà Nho cuối cùng, chú đã tiếp nhận Chúa Jesus, được làm con của Đấng Tạo Hóa, là Đức Chúa Trời, chú không còn theo đạo Nho, còn gọi là đạo Khổng, dạy thờ cúng những  người đã chết trong gia đình mà tưởng rằng đó là có hiếu nữa. 

Chú Tíến đã chọn Đức Chúa Trời vì Ngài chính là Cha của chú và của toàn thể nhân loại.  Sau khi chú Tiến lìa đời, về với Cha Thiên Thượng, các con chú vui mừng vì chú được hưởng phước bình an đời đời nơi Thiên Quốc.  Các con chú chẳng bận tâm thờ cúng cha mẹ vì cha mẹ không bao giờ về nhà ăn của cúng huống gì ở thiên đàng không sướng hơn ở thế gian hay sao?  Có ai đã lên thiên đàng mà còn muốn quay lại thế gian để hít hà chút hương khói và hửi chút đồ cúng tế?

Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời làm ra thức ăn để nuôi người sống chứ chẳng giúp gì cho người chết, vì người chết không còn ăn uống gì được nữa!  Con cái nếu tưởng nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của cha me thì vẫn có thể họp nhau lại mỗi lần đến ngày giỗ, không phải để thờ cúng mà để sum họp quây quần bên nhau trong tình thân anh em ruột thịt, và nhắc nhở nhau đến công ơn của cha mẹ mà đối xử với nhau trong tình tương tế, đùm bọc nhau mà sống, đó là điều làm cha mẹ vui lòng và Chúa cũng đẹp ý.  Còn việc ăn uống, thông công với nhau trong tinh thần chia ngọt sẻ bùi cũng tốt lắm thay, miễn đừng nhậu nhẹt, say sưa và la hét ồn ỹ.

Có điều, Đức Chúa Trời kể Danh là người con hiếu thảo vời cha mẹ, vì Danh không giữ đức tin nơi Chúa cho riêng mình mà chia sẻ với cha mẹ và anh chị em để họ cùng tiếp nhận Ngài hầu cho họ cũng được cứu chuộc, sau này toàn gia cùng đoàn tụ nơi Thiên Quốc.

Ôi Chúa quá kỳ diệu, tình yêu Chúa trên nhân loại quá kỳ diệu!  Xin Chúa mở mắt thuộc linh cho mọi người hiểu rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa của họ, mở tâm thuộc linh cho họ biết rằng Ngài không phải là giáo chủ của một tôn giáo, để họ đầu phục Chúa hầu cho linh hồn được cứu, được về nhà Cha trên Thiên Quốc sau khi hồn lìa khỏi xác.

TT-Thái An
9/29/2013
April 9, 2020