Đi Theo Vì Sao Phía Đông
TT-Thái An
Năm lên lớp ba, tôi được đổi về trường Võ Tánh, không còn đi trường đình.
Ông ngoại dẫn tôi đi học vài tuần lễ đầu, sau đó tôi xin bố mẹ và ông cho tôi đi với đứa bạn cùng xóm, vì từ nhà đến trường không phải băng qua đường lớn, chỉ cần đi theo vỉa hè ở đường Nguyễn Minh Chiếu và rẽ phải ở đường Võ Di Nguy đi thêm một đoạn ngắn là đến trường.
Sau này tôi còn khám phá ra một con hẽm trước khi đến đường Võ Di Nguy có thể dẫn đến trường nên đi bộ gần hơn được vài phút.
Một hôm vào trước lễ Giáng Sinh độ ba tuần, trong lúc đang đi bộ đến trường vào buổi sáng tinh mơ, tôi thấy có một người đàn bà bầy những tấm thiệp Noel, chúc mừng lễ Giáng Sinh bên lề đường, phía gần hẽm chợ nhỏ, chợ này còn được người ta gọi là chợ Lò Đúc, có lẽ ngày xưa nơi này có lò đúc gạch.
Thích quá, tôi đứng lại xem.
Lúc này chợ chưa họp, có lẽ người bán thiệp cố ý bầy hàng bán sớm cho học sinh trước khi đến trường.
Bà ta không có sạp, chỉ có tấm nylon trải ra, trên bầy khoảng ba chục xấp thiệp, mỗi xấp là một kiểu hình vẽ khác nhau.
Tôi thích quá hỏi ngay giá bán rồi ngồi xuống lựa. Tôi mua thiệp chẳng phải để gửi cho ai.
Tôi thích tranh vẽ và nhất là tranh vẽ hình ảnh của lễ Giáng Sinh và tranh đồng quê nên mua về xem. Đó là những năm 1960, nhiều người dân trong thành phố Sài Gòn đã có lệ mua thiệp Giáng Sinh gửi cho nhau.
Nhưng có lẽ thiệp bầy bán ở Sài Gòn trông sang trọng và xinh đẹp hơn những cái thiệp rẻ tiền bầy bán dọc đường cho học sinh tiểu học.
Những cái thiệp bé hình chữ nhật, khổ lớn như cái bưu thiếp, màu thì có cái in hơi nhòe, trên hình còn rắc chút kim tuyến lấp lánh, nhưng hình ảnh thì lôi cuốn tôi vô cùng nên tôi cứ ngắm nghía, cái nào cũng muốn mua, lựa mãi mới chọn được vài ba cái ứng ý nhất. Vì nếu có nhiều tiền, tôi sẽ mua hết một lúc. Nhưng tôi chỉ đủ tiền mua vài cái thôi.
Tôi thích những bức tranh vẽ ông già Noel đi phát quà cho trẻ em, cảnh những căn nhà phủ đầy tuyết có ống khói trên mái nhà, có xe nai chở ông già Noel đeo theo một cái túi to tướng đựng toàn là đồ chơi, những bức tranh vẽ Chúa hài nhi Jesus đang nằm trong máng cỏ bên cạnh những con chiên hiền lành, hình các thiên sứ đang bay trên trời báo tin mừng cho các mục đồng đang chăn chiên, hình ba nhà thông thái cỡi lạc đà đi theo vì sao đông phương để tìm vị vua vừa ra đời, và nhất là cảnh đồng áng ở thôn quê Việt Nam có trâu bò gà vịt.
Tôi cũng có chút thắc mắc tại sao họ bán thiệp Giáng Sinh mà lại có cả cảnh em bé chăn trâu, cảnh thả diều, cảnh “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” của Việt Nam, nhưng tôi vẫn thích những tấm thiệp này vô cùng. Vì sống ở thành phố, có bao giờ tôi có cơ hội về làng mạc xa xôi để nhìn xem tận nơi những cánh đồng lúa vàng hay cảnh cày cấy, chăn trâu, chăn bò của dân quê.
Tôi chỉ xem thấy vài hình ảnh thôn quê trong các cuốn giáo khoa hoặc trên các trang tạp chí của nhà mua thì không đủ, không thấm vào đâu so với trí tò mò của một đứa bé lớp ba tiểu học như tôi.
Mua xong vài cái thiệp, tôi đứng dậy vội vã đến trường, nhưng vẫn không bị trễ giờ dù ngày đó tôi chưa có đồng hồ tay để canh giờ.
Hôm sau đi học, bà bán thiệp vẫn ngồi đó, tôi lại ngồi xuống lựa thêm vài cái mà hôm qua tôi đã ao ước mua nhưng phải bỏ xuống vì không đủ tiền. Tôi hỏi thăm bà còn bán đến khi nào, bà bảo đến lễ Giáng Sinh mới thôi.
Thế là tôi tính nhẩm, mỗi ngày mua vài ba tấm thiệp, đến lễ Giáng Sinh là tôi đã mua xong hết những tấm thiệp của bà có. Tôi vui trong lòng quá đỗi, mỗi ngày đem thiệp về tôi bỏ vào trong một cái hộp lúc trước đựng giầy.
Khi nào làm bài xong, tôi bầy hết tất cả thiệp lên bàn theo từng loại để ngắm nhìn.
Những tấm có ông già Noel để lên hàng trên, những tấm có cảnh đồng quê để hàng dưới, sau cùng là những tấm có Chúa hài nhi Jesus và những hình ảnh liên quan đến lễ Giáng Sinh.
Trong những tấm ảnh này có tấm ba nhà thông thái cỡi lạc đà đi theo vì sao phía trước mặt, tay cầm ba hộp quà trông rất đẹp.
Lúc đó hình ảnh con lạc đà còn quá xa lạ với tôi.
Bố đã dẫn chị em tôi đi sở thú vài lần để xem thú và để chụp ảnh, nhưng tôi không thấy con lạc đà.
Trong sách giáo khoa tiểu học từ lớp năm cho đến lớp ba, cũng không có hình ảnh con lạc đà.
Tôi chỉ nhìn thấy tranh của nó vài lần trong nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh. Tôi thấy nó không đẹp lắm, bốn chân cao lều khều, lưng u lên như bị gù, thân hình có vẻ to lớn nặng nề.
Ai mà cỡi nó có lẽ bạo lắm, tôi đoán thế. Vì nếu là tôi, tôi không dám leo lên lưng nó đâu. Mà ba cái ông bác học kia tại sao lại cỡi lạc đà đi đêm đi hôm băng sa mạc, băng đồi cát hay băng qua những nơi hẻo lánh hiểm nguy làm gì cho cực nhọc chỉ vì đi theo một vì sao?
Tôi thắc mắc như thế nhưng không hỏi ai. Nhưng tấm ảnh này cho tôi cảm giác lạnh lẽo và kỳ bí.
Cái hộp giầy cứ đầy lên mỗi ngày cho đến khi tôi mua hết những tấm thiệp của bà hàng thiệp.
Mỗi năm bà hàng lại trở lại bán thiệp Giáng Sinh ở chỗ cũ.
Tôi lại ngồi xuống xem có tấm nào mới thì tôi lại mua.
Tôi mua thiệp Giáng Sinh mỗi năm cho đến khi học hết tiểu học, không còn đi học trên con đường ra chợ nhỏ nữa thì thôi.
Sau này, khi đọc kinh thánh, trong các sách phúc âm nói về sự giáng sinh của Chúa Jesus, có đoạn nói về ba nhà thông thái nhìn thấy một ngôi sao lạ ở phương đông, biết được đây là ngôi sao của một vị Đế Vương rất lớn mới ra đời nên đã cùng nhau đi tìm cho bằng được vị vua này để thờ lạy.
Họ không đi tay không mà đem theo lễ vật là vàng, mộc dược và nhũ hương là những thứ quý giá.
Ngôi sao này dừng lại ở xứ Do Thái nên họ vào ngay kinh đô Giê-Ru-Sa-Lem để hỏi thăm. Vì thông thường, ai cũng nghĩ rằng vua thì phải sanh ra ở kinh đô nơi có cung vàng điện ngọc chứ!
Theo Ma-Thi-Ơ 2:1-18 bản truyền thống hiệu đính, họ hỏi thăm dân chúng trong thành rằng:
“Vua dân Do Thái mới sanh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương nên đến để tôn thờ Ngài”.
Nghe tin ấy vua Hê Rốt (vị vua đang trị vì nước Do Thái) cùng cả thành Giê-Ru-Sa-Lem đều bối rối. Vua triệu tập các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại để hỏi họ: “Đấng Christ được sinh tại đâu?”
Họ tâu rằng: “Tại thành Bết-Lê-Hem miền Giu Đê; vì có lời tiên tri chép rằng: Hỡi Bết-Lê-Hem, thuộc Giu-Đê! Ngươi đâu kém gì những thành phố hàng đầu của Giu-Đê, vì từ ngươi sẽ xuất hiện một lãnh tụ, Người sẽ chăn dắt dân Y-Sơ-Ra-Ên (Israel) của ta (Mi-Chê 5:1; được viết khoảng cuối thế kỷ thứ tám trước công nguyên).
Hê Rốt bí mật mời các nhà thông thái đến để tìm hiểu kỹ về thời gian ngôi sao đã xuất hiện.
Rồi vua sai họ đi đến thành Bết-Lê-Hem và căn dặn:
“Hãy đi dò hỏi thật kỹ về con trẻ ấy; khi tìm gặp rồi, hãy cho ta biết để ta cũng đến tôn thờ Ngài.”
Nghe vua truyền xong, họ liền đi.
Kìa ngôi sao họ đã thấy bên đông phương đi trước họ cho đến nơi con trẻ ở mới dừng lại. Khi thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng.
Vào đến nhà, họ thấy con trẻ và Ma-ri, mẹ Ngài, thì phủ phục xuống thờ lạy Ngài. Rồi họ mở hộp châu báu ra, dâng lên Ngài những lễ vật là vàng, nhũ hương và một dược.
Sau đó, trong chiêm bao, họ được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê Rốt, nên họ đi đường khác mà về xứ mình.
Khi các nhà thông thái đi rồi, một thiên sứ của Chúa hiện ra với Giô Sép trong chiêm bao và truyền rằng:
“Hãy thức dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài lánh sang Ai-Cập! Cứ ở đó cho đến khi ta truyền bảo, vì vua Hê-Rốt sắp tìm con trẻ ấy để giết.”
Đang đêm, Giô-Sép thức dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài lánh sang Ai-Cập, rồi cứ ở đó cho đến khi vua Hê-Rốt băng hà.
Việc này xẩy ra để lời Chúa phán qua nhà tiên tri được ứng nghiệm: “Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai-Cập.” (Ô-Sê 11:1; khoảng 721 năm trước Chúa giáng sinh)
Khi thấy mình bị các nhà thông thái đánh lừa, vua Hê-Rốt vô cùng tức giận, truyền lệnh giết tất cả những bé trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-Lê-Hem và các vùng phụ cận, theo đúng ngày tháng mà các nhà thông thái đã cho vua biết.
Như vậy, lời của nhà tiên tri Giê rê-mi (khoảng 700 năm trước Công Nguyên) đã nói được ứng nghiệm: “Người ta nghe tại Ra-Ma tiếng than vãn, khóc lóc thảm thiết; Ấy là Ra-chên khóc các con mình, mà không chịu an ủi, vì chúng không còn nữa.” (Giê-rê-mi 31:15)
Đa số người Việt Nam và nhiều dân tộc Á Châu chỉ biết qua loa về sự giáng sinh của Chúa Jesus qua trinh nữ Ma-ri chứ chưa nghe nói đến việc cả ngàn đứa bé trai dưới hai tuổi bị thảm sát tại thành Bết-lê-hem và khu vực chung quanh là nơi Chúa Jesus được sinh ra.
Vua Hê-Rốt là vị vua của Do Thái trong thời gian Chúa Jesus sanh ra. Trong thời gian này, nước Do Thái đang bị đế quốc La Mã cai trị.
Ba nhà thông thái người ngoại bang, là những người giàu có và trí thức, họ có địa vị cao trong xã hội thời đó. Đi theo vì sao dẫn đường đến nơi Chúa hài nhi Jesus ở, chỉ là cái chuồng chiên của một quán trọ.
Có lẽ họ ngạc nhiên lắm, một bậc đế vương đến từ Trời, có ngôi sao báo tin nữa, mà sinh ra ở đây sao?
So với Chúa Jesus, họ giàu có và sang trọng hơn nhiều. Nhưng họ không thất vọng, họ vẫn tin Chúa Jesus là Đấng Christ đến từ Đức Chúa Trời.
Vì thế, họ hạ mình quỳ xuống trước mặt Ngài để thờ lạy và bày lễ vật ra dâng lên cho Ngài.
Vì thời đó Sê-Sa-A –út-Tơ ra lệnh kiểm tra dân số, ai nấy phải trở về nguyên quán của mình để đăng ký. (Lu-ca 2: 47- Vì Giô Sép là dòng dõi nhà Đa-Vít nên cũng từ thành Na Xa Rét, miền Ga-Li-Lê, lên thành Đa-Vít, gọi là Bết-Lê-Hem, thuộc xứ Giu-Đê, để đăng ký tên mình và tên Mari, người đã đính hôn với mình, đang có thai. Đang khi hai người ở nơi đó thì ngày sinh nở của Mari đã đến. Nàng sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không còn chỗ cho họ.”
Em bé Jesus mới sinh ra được vài giờ đã phải đi tị nạn.
Những món quà quý giá do ba nhà thông thái dâng hiến được Giô-Sép dùng trong lúc đi đường đến Ai-Cập và có lẽ đủ để sống ở Ai-Cập một thời gian.
Tất cả những điều xảy ra từ việc trinh nữ Ma-ri chịu thai bởi Đức Thánh Linh cho đến việc Đấng Christ được sinh ra và đặt tên Jesus, cho đến việc các trẻ sơ sinh phải bị giết chết đều được ghi chép trong các sách tiên tri của người Do Thái từ 400 đến 700 trước Thiên Chúa.
Vua Hê Rốt và dân Do Thái biết những sách tiên tri này nên đã gọi các thầy tế lễ và các thầy dạy luật Do Thái đến hỏi “Đấng Christ được sanh tại đâu?”.
Chữ “Christ” trong tiếng Anh được dịch từ tiếng Do Thái “Messiah”. Đấng Messiah hay Đấng Christ có nghĩa là “Đấng chịu sức dầu”. Theo niềm tin của dân Do Thái, Đấng Christ là Đấng chịu xức dầu bởi Đức Chúa Trời để lên làm vua dân Do Thái.
Vua Hê Rốt sợ mất ngai vàng của mình nên thà giết hết những đứa con trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem còn hơn bỏ sót.
Vì vua Hê Rốt cũng chỉ là người phàm, không biết được kế hoạch lớn lao của Đức Chúa Trời là ban Đấng Christ cho toàn thể nhân loại để đem nhân loại trở lại với Đức Chúa Trời.
Đấng Christ xuống thế gian để làm con sinh tế, thế cho con chiên đực mà người Do Thái khi phạm tội phải đem đến cho thầy tế lễ giết trước bàn thờ của Đức Chúa Trời, đổ huyết con sinh tế ra, gọi là của lễ chuộc tội.
Bởi thế Đấng Christ còn được gọi là chiên con của Đức Chúa Trời.
Sau khi Đấng Christ đã đổ huyết trên cây thập tự và chết, đến ngày thứ ba Ngài sống lại, đắc thắng Satan là vua của thế gian mờ tối này.
Đấng Christ được xưng là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.
Kinh thánh chép sau khi thăng thiên về trời, Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời để tiếp tục cầu thay cho những người tin đến danh Ngài; đây là chức vụ của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
Tóm lại, Đấng Christ được Đức Chúa Trời xức dầu để làm Vua trên muôn vua và làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Nhưng không phải để làm vua của nước Do Thái nhỏ bé mà vua Hê rốt sợ hãi sẽ chiếm ngôi của ông.
Có thể có người sẽ cãi lẽ với Đức Chúa Trời rằng tại sao Ngài lại để cho vua Hê-Rốt làm điều ác, giết cả ngàn đứa bé trai thời đó, nếu Ngài có quyền phép tối cao, tại sao không ngăn cản vua Hê-Rốt làm điều này để cứu những đứa trẻ vô tội?
Nhưng điều gì Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri báo trước trong kinh thánh thì sẽ ứng nghiệm vì Ngài là thành tín. Những đứa trẻ bị giết chắc chắn được các thiên sứ của Đức Chúa Trời rước về thiên đàng. Cha mẹ chúng khóc lóc một thời gian rồi cũng thôi, đau khổ rồi cũng dứt vì Đức Chúa Trời có thương xót và an ủi họ, hàn gắn vết thương lòng cho họ và ban cho họ những đứa con khác.
Dù sao vua Hê Rốt cũng ở dưới sự điều khiển của Satan, vì Satan muốn giết Chúa Jesus từ khi Ngài vừa sinh ra.
Nhân loại có thể không biết kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho mình, nhưng Satan thì biết rất rõ.
Trong linh giới, luôn có sự tranh chiến mỗi ngày giữa các thiên sứ của Đức Chúa Trời và các thiên sứ ác của Satan. Đức Chúa Trời chưa bỏ Satan và binh lính của nó vào địa ngục vì chưa đến thời điểm ấn định nên nó vẫn lộng hành trên thế gian này.
Chúng ta không biết được thời điểm của Đức Chúa Trời trên tất cả mọi việc, nhưng có những điều đã ứng nghiệm và được ghi chép lại cho chúng ta đọc trong kinh thánh. Và cũng có những điều sẽ ứng nghiệm trong tương lai, hãy đọc và chờ xem.
Việc Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh đã được các đấng tiên tri của Đức Chúa Trời báo trước 700 năm trước khi Ngài sinh ra và đã ứng nghiệm cách đây trên hai ngàn năm. Dân Do Thái vẫn đọc kinh thánh cựu ước và vẫn tin lời Đức Chúa Trời hứa ban cho họ “Đấng Christ sẽ sanh ra” để giải phóng họ, và họ vẫn chờ mong “Đấng Christ” mà Đức Chúa Trời hứa.
Còn Chúa Jesus Christ, là Đấng Chirst đã sinh ra ngay trên đất nước họ cách đây trên hai ngàn năm thì họ không tin nên đã đóng đinh Ngài.
Vì thế những dân ngoại bang trên toàn thế giới nhờ tin đến Đấng Christ mà được cứu. Còn dân bản quốc, là dân Do Thái, được Đức Chúa Trời chọn lựa để đem Đấng Christ vào đời thì không được phước này.
Nhưng dù sao Đức Chúa Trời cũng không bỏ họ.
Theo kinh thánh nói trước, trong những ngày cuối cùng này, một số người Do Thái sẽ trở lại với Đấng Christ. Khi kẻ thù đã bao vây họ tứ phía, họ sẽ trở lại cùng Chúa Jesus Christ mà kêu cầu đến Ngài.
Đã có một số người Do Thái trở lại với Chúa Jesus Christ rồi. Số còn lại sẽ kêu cầu đến Ngài khi họ sắp bị diệt vong. Cách đây vài năm, không phải đã có một lãnh tụ Hồi giáo tuyên bố rằng sẽ xóa bỏ bản đồ của nước Do Thái trên thế giới đó sao?
Dân ngoại bang tin Chúa Jesus là Đấng Christ, đến thế gian để cứu chuộc mình ra khỏi tội, được phục hòa với Đức Chúa Trời, khác nào ba nhà thông thái khi xưa là dân ngoại bang, không phải người Do Thái, thấy và đi theo vì sao của “Vua dân Do Thái” xuất hiện ở phía đông tìm đến và gặp được Đấng Christ mà thờ lạy.