Truyện Ngắn Vợ Nhí Nuôi Chồng T T Thái An

VỢ NHÍ NUÔI CHỒNG

TT-Thái An

Hơn hai mươi năm nay, tháng nào bà Nhàn cũng gửi vài trăm đô về Việt Nam nuôi chị em dù các chị em bà ai cũng đã có gia đình hết cả.  Nhưng vì họ nghèo quá, bà không nỡ nhìn họ sống thiếu ăn thiếu mặc, người nào người nấy ốm o gầy mòn.

Bà đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng  đất Sông Mao, nơi ít việc làm, ít tăng gia sản xuất, bà không cần họ than thở mới hình dung ra được nỗi khó khăn trong việc mưu sinh của họ.  Nhưng bà may mắn hơn họ là bà được theo chồng qua Mỹ từ giữa năm 1973.

Năm bà hai mươi tuổi, bà liều theo bạn bè ra Nha Trang xin làm cho sở Mỹ, làm lao công quét dọn, lau chùi thôi, vì bà chỉ học hết tiểu học.  Ai ngờ tại đây bà gặp James, người lính Mỹ đóng ở Nha Trang.  Trông James cũng khá đẹp trai, người vừa tầm, gọn gàng, không cao lớn to con so với người Mỹ.

James làm quen với bà, mời bà đi ăn.  Bà ngại quá vì tiếng Anh chưa đủ để nói chuyện với James.  Nhưng James cứ bền chí mời mãi khiến bà cảm động và đi chơi với James.  Thế là thành nhân tình.  Việc này bà không hề kể cho gia đình nghe mỗi khi biên thư về thăm nhà.

Đến gần cuối năm 1972 James xin cưới Nhàn, bà hoảng hốt nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam theo chồng về Mỹ là điều bà chưa bao giờ nghĩ đến.  Vì thế bà nói cho James biết rõ bà không muốn xa quê hương và người ruột thịt.  James kiên nhẫn đề nghị sẽ làm passport Việt Nam cho bà rồi ký visa của Hoa Kỳ cho bà, mua sẵn vé máy bay cho bà có thời hạn 6 tháng.  James cho bà thêm thời gian để suy nghĩ.  Khi nào bà muốn đi thì nói cho hãng bán vé biết ngày đi là có vé lên tàu bay.  Bà hứa sẽ suy nghĩ lại.  Thế là đầu năm 1973 James theo đoàn quân về Mỹ.  Sở Mỹ giải tán.

Nhàn trở về Sông Mao sống với cha mẹ.  Được vài tháng sau, Nhàn có chuyện xích mích với người chị.  Hai chị em cãi nhau ồn ào, chẳng ai nhịn ai.  Tức quá, Nhàn chỉ muốn bỏ nhà ra đi cho khỏi đụng chạm với chị mỗi ngày.  Tiện thể có cái passport và vé máy bay trong tay, Nhàn lên Sài Gòn để đi Mỹ.

Qua đến phi trường bên Mỹ, Nhàn chỉ biết đưa tấm giấy có ghi tên và số điện thoại của James cho một người đang đứng ở quầy kiểm vé, bà chỉ biết nói vỏn vẹn: “Please call James for me”.  Người kia hỏi lại điều gì, bà không hiểu, bà chỉ biết lập lại “Please call James for me”. 

Thế là người kia cầm phone lên gọi, người bên kia đầu dây cất tiếng.  Họ trao đổi vài câu rồi đưa phone cho Nhàn; Nhàn nhận ra giọng James.  Bà chỉ biết nói: “James, I’m here”.   Bà nghe rõ tiếng James reo to: “Nhan! I’ll be there soon.  Wait for me there. OK?” rồi cúp máy.

Bốn mươi phút sau James có mặt ở phi trường, Nhàn theo James về và từ đó trở thành vợ của James.  Hai vợ chồng có với nhau hai đứa con, một trai, một gái.  Sống êm đềm hạnh phúc, chưa bao giờ có chuyện eo xèo trong nhà.  James hiền lành nhẹ nhàng, nói năng từ tốn.  James để vợ đứng tên chung mọi tài khoản trong ngân hàng và không ngó ngàng đến.  Vì thế Nhàn có tiền gửi về cho chị em thường xuyên mỗi tháng.  Sau này hai con đã lên trung học cấp ba, bà xin đi làm bếp cho một trường học để có thêm tiền giúp chị em xây sửa lại nhà cửa cho có chỗ ở đàng hoàng. 

Bà giúp được người chị và người em mỗi người xây được căn nhà gạch hai tầng lầu tốn vài chục ngàn đô vừa do tiền bà đi làm vừa do tiền để dành của hai vợ chồng bà.  Nhưng James không trách móc một câu.  James có vẻ thông cảm cho hoàn cảnh của chị em bà còn ở Việt Nam nên cứ để bà tự do giúp đỡ họ.  Vì thế Nhàn lại càng quý trọng chồng.  Bà biết rằng trong đám chị em bà, bà là người có phước nhất.  Có dư ăn dư mặc, dư cả tiền trong bank nên bà cảm thấy có bổn phận san sẻ với họ.  Đó là thứ lương tâm bình thường của con người “lá lành đùm lá rách”.

Nhưng chồng bà sẽ về hưu trong vài năm nữa thôi.  Sau khi về hưu hai vợ chồng bà sẽ dọn qua tiểu bang khác.  Vì thế bà suy nghĩ mãi làm sao có thể giúp chị em khi mà chồng bà đã về hưu, tiền hưu trí và tiền an sinh xã hội thu vào không còn như lúc đi làm nữa.  Bà nghĩ ra một điều là đứa cháu gái con người chị lớn vừa hai mươi tuổi; bà sẽ kiếm người đàn ông độc thân nào ở Mỹ mà làm mai cho nó thì khi nó qua Mỹ sẽ gửi tiền nuôi cha mẹ nó thế cho bà.

Bà Nhàn không quen biết nhiều nên chẳng biết kiếm đâu ra một thanh niên Việt Nam độc thân.  Bà không dám kiếm người Mỹ để giới thiệu cháu bà vì bà biết họ không thích chuyện mối mai, họ chỉ muốn tự mình quen biết mà thôi.   Hơn nữa, cháu bà chẳng biết một câu tiếng Anh thì khó mà giới thiệu cho mấy anh Mỹ lắm.

Một hôm đem chiếc xe vào một body shop để sửa xe, gặp được người thợ Việt Nam ở đây, khoảng trung niên, tóc đã lưa thưa muối tiêu.  Bà hỏi tên và gia cảnh, người này tên Kiệt và chưa có vợ bao giờ.  Mừng quá, bà chụp ngay cơ hội giới thiệu cô cháu gái hai mươi tuổi.  Có sẵn cái hình cô cháu gái trong bóp, bà đưa cho ông Kiệt xem.  Bà Nhàn nghĩ thầm chồng lớn tuổi hơn vợ hơi nhiều cũng đâu có sao, hắn sẽ thương yêu và quý trọng cháu mình. Như thế hắn cũng sẽ thương yêu đùm bọc cho gia đình vợ như gia đình của hắn vậy.

Thế là sau vài tháng quen nhau, ông Kiệt chịu theo bà Nhàn về Việt Nam cưới cháu gái bà là Liên.  Trước khi về Việt Nam cưới vợ, ông Kiệt đi cắt và nhuộm lại mái tóc cho không thấy tóc bạc.  Đó là lần duy nhất ông nhuộm tóc.  Đến khi làm hôn thú, cô dâu Liên mới phát giác tuổi tác của chồng chỉ ít hơn cha mình hai tuổi, hơn Liên đến 22 tuổi chứ không phải 14 tuổi như ông nói với dì Nhàn của Liên.  Nhưng đã lỡ sắp xếp mọi việc tiệc tùng đãi đằng họ hàng và chòm xóm hết rồi, không lấy ông Kiệt thì cũng lỡ làng mọi việc, nhất là việc đi Mỹ.  Thôi thì nhắm mắt đưa chân!  Dì Nhàn cũng an ủi Liên: “Thôi! Lấy chồng già thì được nó chiều chuộng, nó cũng có nhà có cửa đầy đủ, có nghề nghiệp vững vàng, khỏi phải lo lắng cực thân.

Gần một năm sau thì Liên được qua Mỹ theo diện được chồng bảo lãnh.  Liên chất phác quê mùa, nói năng thực thà, suy nghĩ chậm chạp.

 Liên được ông Kiệt dắt đi giới thiệu với vài người Việt Nam ở gần nhà.  Họ vui vẻ giới thiệu việc làm cho Liên ở một xưởng nhỏ gần đấy.  Mỗi ngày chỉ cần đi bộ mười lăm phút là đến xưởng.  Trong xưởng cũng có sáu, bảy người Việt nên có người nói chuyện mỗi ngày cũng đỡ buồn.  Mỗi tháng Liên lãnh lương hai lần, ông Kiệt bảo Liên đưa check lương cho ông bỏ vào băng.  Rồi mỗi tháng một lần ông Kiệt chở Liên ra Eden gửi $200 về Việt Nam cho cha mẹ.  Liên muốn gửi nhiều hơn thì ông Kiệt bảo không cần, ở Sông Mao có được một tháng 200 đô là sống thoải mái lắm rồi.  Liên nghĩ cũng phải nên không cãi với ông. 

Một năm sau Liên sanh con đầu lòng thì phải ở nhà nuôi con, vì tiền gửi con cho người ta trông nom tốn cả nửa tháng lương của Liên nên ông Kiệt bảo Liên nghỉ làm cho rồi.

Nghỉ làm thì không có lương.  Không còn kiếm ra tiền, Liên xin ông Kiệt cho mỗi tháng $200 gửi về Việt Nam cho cha mẹ nuôi các em.  Ông Kiệt nhất định không cho dù ông có dư nhiều tiền hàng tháng.  Nhà ông mua đã lâu, đã trả xong hết nợ nhà.  Lương ông cũng khá cao vì làm lâu năm kinh nghiệm.  Ông lại không mua sắm gì ngoài tiền chợ và trả điện nước, điện thoại, đổ xăng, đóng bảo hiểm xe, nhà hàng tháng.  Áo quần thì chỉ vài bộ mặc hoài không biết chán.  Ông chỉ muốn thấy tiền trong bank càng lúc càng nhiều lên thôi.

Mỗi lần nhận được thư cha mẹ gửi ra xin giúp đỡ, Liên lại xin chồng tiền.  Ông Kiệt lại từ chối không chịu giúp, lấy cớ là bên đó tham tiền, lúc nào cũng đòi tiền.  Liên có hiền cách mấy cũng không cầm được cơn giận nên cãi nhau với chồng.  Hai vợ chồng cãi nhau thường xuyên cũng không đi đến đâu vì ông Kiệt đã nhất quyết không giúp là không giúp, lập trường của ông vững như kiềng ba chân.  Ông còn lý sự rằng:

-Nhìn xem ở nước Mỹ này có đàn bà nào lấy chồng mà còn phải nuôi cha mẹ mình nữa không? Lấy chồng là phải lo cho chồng con mình thôi.

Liên cãi ngay:

-Có dì Nhàn tôi đó.  Dì tôi lấy chồng trên ba mươi năm nay, tháng nào cũng gửi tiền nuôi chị em.  Dượng James đâu có cản trở dì tôi đâu.

Ông Kiệt lại lý lẽ:

-Nhìn coi cô dâu Việt Nam theo chồng qua Đài loan phải đi làm nuôi cả nhà chồng, có khi còn bị bán vô động đĩ nữa.  Mày được qua Mỹ là có phước rồi, tao còn không bán mày để lấy tiền xài là may rồi đó.

Liên vốn chậm chạp, không mấy gì khôn ngoan nhanh nhẹn nên không biết cãi lại, nhưng trong lòng ức lắm.

Chán quá Liên chỉ muốn ly dị cho yên thân, không còn tha thiết ở với con người vô tâm tàn nhẫn với cha mẹ mình như ông Kiệt.  Nhưng không có tiền làm sao chạy luật sư đây?  Đã thế ông Kiệt còn đe dọa Liên nếu ly dị thì ông có quyền giữ con vì ông có việc làm còn Liên thì không.  Thế là Liên sợ mất con nên cắn răng ở lại.

Dì Nhàn biết gia cảnh của Liên thì hối hận nói với Liên rằng:

-Dì hối hận đã làm mai con cho nó.  Dì mà biết trước tánh nết keo kiệt, bất nhân của nó thì dì không đưa con vào làm vợ nó.  Dì tưởng ai cũng rộng rãi như James, lấy vợ trẻ hơn nhiều thì biết thương yêu vợ và cả gia đình vợ nữa chứ.

Khi nghe Liên kể lại ông Kiệt còn so sánh Liên với mấy cô dâu Việt Nam ở Đài Loan, dì Nhàn bất bình nói ngay:

-Nó đang ở Mỹ mà so sánh với bên Đài Loan sao?  Vậy nó ở Mỹ trên ba mươi năm nay mà vẫn còn ăn lông ở lỗ như mọi trong rừng vậy hả? 

Liên nói ngay:

-Chắc lúc trước cha này kẹo quá không dám lấy vợ sợ tốn tiền nuôi vợ nên già rồi mới chịu lấy vợ vì nghĩ là con ở Việt Nam mới qua dễ bị chả nắm đầu.  Con chán ở với nó quá rồi dì ơi!  Mà kẹt có con rồi bỏ đi thì phải ly dị.  Nó đe dọa con là nó sẽ được tòa cho phép nuôi con vì nó có việc làm còn con không có thì phải ra tay không.

Gặp bà dì cũng mù tịt pháp luật vì chưa từng ở vào cảnh như cô cháu bao giờ nên không biết giúp cháu ra sao. 

Vài tháng sau Liên lại có thai, sanh thêm đứa con gái thứ nhì.  Lại càng không bỏ đi được nữa.  Nhưng ở thì chẳng vui gì, vì thấy chồng khi dễ cảnh nghèo khó của cha mẹ mình, không đoái hoài giúp đỡ, còn chửi rủa Liên thậm tệ.

Dì Nhàn khuyên Liên đi làm trở lại để có tiền gửi giúp cha mẹ và các em.  Dì Nhàn kiếm cho Liên việc nấu ăn cho trường học của dì đang làm.  Dì bảo Liên cứ đem con đi gửi người Việt ở gần nhà, sau khi trả tiền gửi con xong, còn lại vài trăm gửi cho cha mẹ cũng an lòng.

Thế là Liên kiếm người gửi con rồi đi làm.  Vừa được hai tuần thì ông Kiệt tuyên bố nghỉ việc ở nhà giữ con.  Ông còn bảo Liên phải chuyển hết tiền lương vào băng của ông để có tiền trả bills mỗi tháng, nào tiền bảo hiểm nhà, xe, tiền chợ, tiền sữa, tiền tã, quần áo, đồ chơi cho con.  Nghĩa là tất cả mọi thứ tiêu xài hàng tháng trong gia đình bây giờ trút hết lên trên Liên. 

Liên lại một phen gây lộn với chồng.  Nhưng ông Kiệt nhất định không đi làm trở lại, ông bỏ việc làm lương cao gấp ba lần lương của vợ vì không muốn vợ gửi tiền về nuôi gia đình bên Việt Nam.  Ông ganh ghét với gia đình vợ công khai.  Ông tuyên bố rằng:

-Tao nghỉ làm đó, mày muốn đi làm thì cứ đi, nhưng tiền lương của mày chỉ đủ lo cho chồng con mà thôi, cho ba má mày hết đường kêu rêu mày tiếp tế. 

Người em trai của ông Kiệt ở chung nhà, đóng tiền phòng mỗi tháng cho ông Kiệt cũng bất mãn, nói với chị dâu Liên rằng:

-Tôi biết gia đình chị nghèo nên mới gã chị cho anh tôi để chị qua Mỹ có cơ hội giúp đỡ cha mẹ chị.  Nhưng anh tôi ích kỷ, bần tiện lắm, không thay đổi được đâu.  Nếu chị muốn ly dị ảnh mà cần tiền luật sư tôi sẽ cho chị.  Chị kiếm luật sư đi, tốn bao nhiêu cho tôi hay.

Người em chồng có vẻ thông cảm với người chị dâu xấu số.  Anh ta chẳng có ý gì mờ ám với chị dâu cả, vì anh ta đang có một cô bạn gái.  Anh ta đã tốn khá nhiều tiền chi cho cô bạn gái này.

Liên cảm động trước những câu an ủi của em chồng.  Nhưng cầm tờ báo Việt ngữ lên kiếm văn phòng luật sư mà chần chừ mãi không dám gọi, chỉ vì sợ mất hai đứa con.

Tự nhiên Liên trở thành nguồn tài chánh của gia đình, trở thành “bà chồng”.  Ngày nào cũng quần quật với công việc nấu ăn của trường.  Chiều về nhà còn phải lo nấu buổi tối cho “thằng vợ” và hai con. 

Sau khi các con đã đi học, “thằng vợ” Kiệt lo chơi cá đá, thỉnh thoảng ra vườn tưới cây rồi vào nhà bật TV xem các đài Việt Nam, hết ca nhạc lại đến phim ảnh.  Hắn không chịu nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa như những bà vợ nội trợ, lo săn sóc cho “con chồng” đi làm về có sẵn cơm canh để bớt mệt nhọc.

Liên chẳng còn dám biên thư về thăm cha mẹ.  Nghĩ đến cha mẹ với các em nghèo khó, thiếu thốn ở Việt Nam mà Liên đau lòng. 

Phần Liên sống ở Mỹ với ông Kiệt như thân nô lệ, chẳng phải vai vế của một người vợ.

Lúc vừa lấy ông Kiệt, Liên tự an ủi mình thôi có chồng già miễn hắn thương yêu mình và cha mẹ mình là tốt rồi.  Liên sẽ an phận sống đời với ông Kiệt chứ không có ý định sẽ bỏ ông vì ông già hơn Liên nhiều quá.  Nhưng giờ đây ông Kiệt đã công khai tỏ thái độ tính toán nhỏ mọn, xem thường cha mẹ và gia đình vợ vì họ nghèo và cần giúp đỡ.  Nhưng trước hết, Liên cảm thấy bị chồng xem thường và lợi dụng như một thứ nô lệ tình dục của ông.

Liên sống mà như chết, sợ gần gũi với chồng vì Liên gớm tởm ông quá đỗi.  Nhưng Liên lại không can đảm ra đi vì tiếc hai đứa con do mình sinh ra.  Liên nghĩ nếu tòa cho phép Liên nuôi con thì với đồng lương của Liên sau khi trả tiền thuê nhà, đâu còn tiền gửi con để đi làm. 

Phải chi ông Kiệt yêu quý vợ, giúp đỡ cha mẹ Liên thì Liên có thể cảm động yêu thương ông mà vui vẻ sống đời với ông.  Trước sau gì cũng phải sống chung, mà Liên phải sống trong đau khổ chỉ vì Liên nhìn thấy ông Kiệt như một tên khủng bố hay một ác quỷ.

Liên thấy đời mình quá bất hạnh, lớn lên chưa yêu ai, chỉ biết đi lấy chồng già với hy vọng có thể lo cho cha mẹ và các em.  Nhưng rốt cuộc chẳng giúp được gì cho cha mẹ, hạnh phúc cũng chẳng có. 

Liên không hiểu tại sao mình phải làm vợ ông Kiệt để ông đày ải Liên thế này.  Đúng là Trời đày không bằng người đày!

Sau khi dượng James về hưu, hai vợ chồng dì dọn đi tiểu bang khác.  Liên lại càng bơ vơ, mặt mày lúc nào cũng như kẻ mất hồn.  Báo chí hay đăng tin tức về những cô dâu Việt trên xứ Đài Loan hay Nam Hàn bị chồng ngược đãi.  Ít khi nào họ đăng tin về những cô dâu Việt rơi vào những “hũ nếp, hũ mật” hưởng hạnh phúc thế nào.

Cũng như họ hay loan tin những cô dâu Việt được chồng già bảo lãnh đi Mỹ rồi khi qua đến Mỹ thì đá đít chồng già theo anh bồ trẻ. 

Nhưng có ai ngờ trên đất Mỹ này có cảnh chồng già đày ải vợ trẻ nuôi mình, tự xem mình như chủ nhân ông, vợ chỉ là nô lệ.  Vì vẫn có hạng đàn ông xem đồng tiền to lớn hơn tình cảm và hạnh phúc của vợ.  Hắn không cần xây dựng hạnh phúc, hắn chỉ cần quyền lực.  Vì quyền lực là lẽ sống của hắn.

TT-Thái An

8/17/2017

April 9, 2020