Những Con gà Kỷ Niệm TT Thái An

Những Con Gà Kỷ Niệm

TT-Thái An

            Đã hơn hai mươi năm nay tôi không còn để ý đến 12 con giáp.  Vì thế năm con gì tôi cũng chẳng còn quan tâm nên nếu có ai hỏi “Năm nay là năm con gì thế?” thì tôi chịu thôi, không trả lời được. 

            Nhưng hôm nọ đọc được bài nói về tranh gà tranh lợn mà ngày xửa ngày xưa, trước tiền bán thế kỷ 20, thịnh hành trong dân gian, bán đầy ở chợ tết khiến lòng tôi nôn nao nhớ lại những bức tranh gà lợn thời thơ ấu của mình. 

Chúng chẳng phải là tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống.  Chúng là những bức tranh sơn dầu hay sơn thủy của những họa sỹ vô danh được chụp lại và in thành thiệp Noel hay thiệp chúc tết.

Có lẽ tôi yêu cảnh đồng quê và mục súc từ nhỏ dù chẳng bao giờ có dịp nhìn thấy tận nơi, tận chỗ.             Nhưng lúc còn bé, mấy chị em tôi đã được dịp nuôi gà con. 

Hôm đó đi chợ về, mẹ cầm theo một cái bao giấy rồi bỏ xuống đất.  Mẹ thò tay vào bao cầm ra từng con gà con rồi gọi chị em tôi đến và bảo cho mỗi đứa một con gà. 

Chúng tôi ngạc nhiên nhưng thích quá, đưa tay ra cầm lấy chú gà con của mình.  Những con gà be bé, to hơn quả hột vịt một tí, lông tơ màu vàng nhạt và mềm mại. 

Chúng nó còn bé quá nên lũ trẻ chúng tôi chưa biết con nào trống, con nào mái.  Mấy đứa em trai tôi đòi lấy con trống, nhưng mẹ bảo làm sao biết được con nào trống, thôi thì lấy đại đi, mai mốt chúng nó lớn thì sẽ biết. 

Thế là chúng tôi đồng ý như thế. 

Ngày nào đi học về, chúng tôi cũng ra sân sau thăm gà, đứa nào cũng ráng nhớ vóc dáng con gà của mình để khỏi lẫn với gà của đứa khác.  Đứa nào cũng ra sức săn sóc con gà của mình, dù mỗi buổi sáng bà giúp việc đã cho tấm và cám vào thau của đàn gà con.

Mỗi đứa chúng tôi hay bồng con gà của mình lên để vuốt ve nó, và nhìn mãi xem nó có lớn hơn tí nào chưa. Khi lũ gà con bắt đầu đổi lông, những chiếc lông cứng bắt đầu mọc ra, chúng tôi háo hức lắm, cứ đếm xem được mấy cái lông cánh dài ra rồi.  

Khi lông đã mọc hết dầy đặc trên mình, thì chúng tôi không bế gà lên để vuốt lông chúng nó nữa.  Từ từ, con nào trống thì mào mọc lên cao dần.  Gà của hai đứa em trai là gà trống, chúng nó mừng lắm, chạy đi báo tin cho mẹ hay.

Chị em tôi nhìn đàn gà lớn dần mà vui quá.  Chúng nó đã cao bằng nửa con gà lớn rồi. Nhưng một hôm con gà của em Nguyên tự nhiên lăn ra chết, chỉ vì nó nuốt dây thun.  Em Nguyên buồn quá, ngồi cạnh xác con gà rất lâu, nó muốn khóc lắm mà ráng nhịn.  Mẹ an ủi em và bảo rằng để mẹ mua con khác thế cho.  Nhưng Nguyên bảo đâu có thế cái con gà này được.

Sau đó ít lâu, lại đến con khác nuốt dây thun rồi lăn ra chết.  Chị em tôi thắc mắc ai đem bỏ dây thun ở sau nhà mình làm gì để gà nuốt phải.  Chúng tôi lại nghĩ mấy con gà dốt quá, nhìn dây thun tưởng đâu là con giun, con trùng nên vội mổ ngay. 

Thế rồi theo tháng ngày, hai con gà còn lại cũng lớn như thổi, được một thời gian rồi cũng đi đoong.  Ông bảo chắc là chúng bị rù mà chết. 

Chúng tôi hỏi lại “Rù là gì?”  Ông bảo bị bệnh của gà ấy mà.

Sau đó mẹ mua về vài con gà con đang lớn lỡ cỡ, lông trắng tinh, da chân đen thui thủi. 

Gà kỳ này lạ quá, sao da mầu đen!  Mẹ bảo vì chúng là gà ác.  

Chúng tôi lại hỏi: “Sao là gà ác, gà hiền quá chừng, có ác đâu?”  Mẹ cười bảo: “Thì loại của chúng gọi là thế chứ có ai bảo chúng ác đâu”. 

Thì ra thế! 

Mẹ bảo khi nào con gà mái đẻ trứng ấp ra con, mẹ sẽ cho mỗi đứa một con.  Chúng tôi lại hỏi mẹ: “Chừng nào nó mới đẻ trứng?”  Mẹ trả lời: “Không biết được, chắc vài tháng nữa.”

Thế rồi nó lớn lên và đã đẻ ra gần chục trứng, nó ấp mỗi ngày, kêu cục tác luôn mồm.  Chỉ khi nào cần ăn nó mới rời ổ, còn thì nó ấp trứng như sợ bị ăn cắp.

Một hôm nghe thấy tiếng kêu chim chíp trong ổ gà, chị em tôi chạy đến xem. 

Chao ơi! Có mấy con đã nở ra, vỏ lăn lóc bên cạnh; có con còn đang ở trong cố mổ cho bể vỏ để chui ra. Tôi muốn lấy tay gỡ vỏ phụ cho nó mà em Nguyên ngăn lại: “Chị đừng đụng đến nó, coi chừng nó bị chết đó” 

Tôi vội vàng rút tay lại, chỉ còn biết ngồi nhìn mà hồi hộp quá, sợ con gà con mổ không nổi cái vỏ trứng của nó. 

Nhưng rồi con nào con nấy cũng đã chui ra được khỏi vỏ kêu chim chíp.  Gà mẹ lo túc con, chẳng cho con đi xa.  

Hôm sau đã thấy gà mẹ dắt đàn con đi lang thang trong sân để cào bới.  Những con gà con lông trắng và mịn như bông gòn. 

Anh gà trống mào đỏ tươi trông oai vệ đi bên cạnh chị gà mái.  Anh gà trống chỉ lo kiếm ăn cho anh mà thôi, trong khi chị gà mái kiếm được miếng nào thì lo gọi con đến. 

Nhìn gia đình gà xum vầy, quanh quẩn bên nhau, tôi thấy chúng thật hạnh phúc.  Mấy chú gà con trông giống y hệt nhau nên chị em tôi chưa muốn chia phần, đợi chúng lớn hơn một tí sẽ chia.  Một hôm đi học về, tôi lấy thóc bước ra sân sau để cho gà ăn.  Lũ gà con chạy loanh quanh bên tôi để dành ăn, tôi vấp phải một con gà làm nó lăn ra tại chỗ. 

Tôi hoảng hốt, ngồi xuống ôm nó, nó thoi thóp một lúc rồi chết.  Con gà mẹ đứng cạnh xác con kêu cúc cúc luôn; tôi chẳng biết làm sao, sợ quá, chỉ còn biết khóc thương cho con gà và tự trách lấy mình. 

Bà giúp việc bước ra sân thấy tôi đang ôm con gà vừa chết, bà bảo đưa cho bà rồi bà bỏ nó vào thùng rác.  Bà bảo tôi đi rửa tay, đừng khóc nữa. 

Theo năm tháng, đàn gà lớn dần, mỗi đứa một con gà, đứa nào cũng lo chăm sóc cho con gà của mình mau ăn chóng lớn. 

Bố đóng một cái chuồng cho gia đình gà có chỗ ngủ, chúng nó ra vào thoải mái. 

Sáng chưa tỏ đã nghe có con gáy ò ó o rồi, nghe vui quá đi chứ.   Nhưng sau vài năm, chúng cũng từ từ ra đi.  Có hôm mở chuồng ra đã thấy có con nằm lăn quay chết cứng rồi, ông bảo có lẽ nó bị chết rù.

Cuối cùng chỉ còn anh gà trống thế hệ thứ hai là còn sống dai nhất, anh cu ki một mình trong chuồng, thỉnh thoảng anh bước ra đi vài vòng rồi lại trở vào chuồng. 

Anh gáy rất đúng giờ, cứ gần sáu giờ sáng là gáy vang cả xóm.  Giọng anh cao và ngân nga thật dài, thật cong vút như cái đuôi gà của anh “Ò ó o ooooo”. 

Có lần em Nguyên chạy về ôm con gà trống ra đá với con gà tre của nhà thằng Thù.  Chúng nó rủ nhau đá gà, chẳng cá độ gì hết, trẻ con mà, đá cho vui thôi.  Thế là lũ trẻ con trong xóm có dịp xem gà đá. 

Con gà tre kia cao cẳng, dương cánh ra bay lên phóng xuống.  Con gà ác của em tôi thấp hơn nên cứ ở thế tự vệ, thỉnh thoảng cũng bay lên mổ được đối thủ vài cái vào cổ, nhưng mào của nó đã bị thương, máu chảy ra.  Tôi không chịu nổi la lên: “Không đá nữa, phải đem nó về, coi chừng nó bị chết!”.

Thế là em Nguyên đem con gà về phun nước lên đầu cho nó bớt mệt.  Tôi không biết phun nước lên đầu gà có hiệu quả gì không nhưng cũng hy vọng nó sẽ khỏe lại và vết thương mau lành.

Con gà trống này sống khá lâu.  Nó đã lên chức cụ. 

Khi tôi lên lớp đệ thất, nó vẫn còn gáy mỗi buỗi sáng, nhưng giọng đã mệt, hơi đã ngắn.  Nó chỉ còn gáy “Ò ó o” giọng thấp và ngắn cũn. 

Nhưng nó vẫn chăm chỉ báo giờ cho mọi người cho đến khi nó chẳng còn hơi để gáy.  

Một buổi sáng, không thấy nó gáy nữa, ông mở chuồng ra xem thì nhìn thấy nó đã chết queo. 

Em Nguyên tội nghiệp nó và đào cho nó một cái hố bên hông nhà để chôn nó.

Sau này, bố mẹ tôi mua một căn nhà khác ở cách xa xóm cũ một đoạn đường.  Căn nhà này đã có hai tầng lầu, bố xây lên thêm một tầng nữa và xây cả sân thượng.

Mẹ nhờ thợ mộc đóng cho một cái chuồng gà để trên sân thượng.  Một nửa sân thượng được đóng mái tôn bằng plastic mầu xanh.  Cái chuồng gà được để phía có mái tôn. 

Rồi mẹ mua về năm sáu con gà con đang mọc lông vũ.  Mấy con gà này lông màu đen có đốm trắng, trông lạ quá, hàng gà ở ngoài chợ không thấy bán loại gà này.

Chị em tôi đã lớn, chẳng còn thú nuôi gà.  Chỉ có mẹ là chăm nuôi chúng.  Hóa ra mẹ là người thích nuôi gà.  Bởi thế, ngày xưa mẹ mua gà về cho chị em tôi nuôi vì mẹ thích gà.  

Mỗi ngày hai lần, bà người làm bằm rau muống trộn với cơm và cám ra một thau.  Mẹ đem lên sân thượng cho gà ăn, rồi ngồi chơi với chúng cả nửa giờ mới xuống.  Mỗi lẫn thấy mẹ lên, chúng nó mừng tíu tít, chạy lung tung vì biết sắp được ăn rồi.

Ấy thế, khi rời bỏ căn nhà này vào ngày 27 tháng Tư, năm 1975, cả đàn gà của mẹ và ba con chó, hai con mèo của chị em tôi đều phải bị bỏ lại.  Vào thời điểm này, số phận của người còn lo chưa được, làm sao lo nổi cho chó, mèo, gà!

Những ngày ở Mỹ, khi hai con còn bé, ông bố của chúng nói với tôi rằng: “Tôi nghe mấy đứa trong sở nói ở cách đây hơn một tiếng lái xe có trại bán gà vịt sống.  Bữa nào tôi đi theo tụi nó coi có gà không tôi sẽ mua về nuôi”.  

Thế là chàng đem về một con gà trống giống loại gà ta bên Việt Nam, lông vàng óng, đuôi và cổ màu xanh thẫm, mào đỏ tươi dựng đứng lên.  Sáng chưa tỏ  nó đã gáy cho nghe tưởng như đang ở Việt Nam.  Được hai hôm, ông hàng xóm người Mỹ chạy qua gõ cửa mắng vốn: “Gà của you bay lên hàng rào nhà tôi.  You phải đem nó xuống”. 

Tôi nghe xong vội xin lỗi mà lòng dạ bối rối.  Không ngờ ở Mỹ người ta không chịu cho gà đụng đến hàng rào của họ. 

Tôi bảo với ông ta rằng tôi sẽ đem nó xuống ngay.  Chỉ có mình tôi ở nhà với hai đứa bé, tôi cũng phải chạy ra sau nhà để xem thế nào.  Con gà trống đang đứng trên cái hàng rào ngăn cách nhà tôi với nhà ông kia.  

Cái hàng rào này cao hơn tôi gần ba tấc là ít, tôi chỉ biết lấy tay vẫy con gà, miệng bảo nó “xuống! xuống!”  Nó cứ trơ ra không chịu xuống, lại còn bay lên bay xuống trên hàng rào miệng kêu chíc chíc.  

Tôi phải bảo ông kia giúp hộ vì ông kia cao gần bằng hàng rào; ông lấy tay xua cho nó bay xuống phía nhà tôi.  Khi chàng về tôi kể lại và yêu cầu chàng đóng một cái chuồng nhốt nó vào.  Chàng bảo là không có thì giờ làm việc đó, chỉ có cách là cắt đôi cánh của nó cho ngắn lại là nó hết bay.  Nhưng lại bảo làm như thế tội nghiệp nó.  Hôm sau nó lại bay lên hàng rào và ông hàng xóm lại qua mắng vốn.  Tôi lại kể với chàng. 

Và cuối tuần đó chàng phải đem con gà đi cho một người bạn ở xa phố thị một tí, có chuồng và có đất cho gà chạy rong, không sợ phiền hàng xóm.

Nhiều năm sau, tôi có một bà bạn dọn về một thành phố phía nam của Virginia. 

Lái xe từ Eden Center xuống đó phải 4 tiếng đồng hồ là ít.  Thành phố có tên là Pamplin, rất xa xôi hẻo lánh; chung quanh không có trung tâm thương mại nên phải lái xe đi chợ khá xa, cũng không có đường xe buýt. 

Đúng là nhà quê của Mỹ. 

Có một cái bưu điện địa phương khách hàng thưa thớt, ai có nhu cầu rao vặt thì ra đó mà dán lên bảng. 

Một hôm bà bạn tôi đọc được hàng rao vặt “Có bán trứng gà” và có ghi số điện thoại bên dưới.  Bà bạn tôi gọi cho ông bà hàng trứng, họ cho địa chỉ để đến mua. 

Sau này khi tôi xuống thăm, bà chở tôi đến nhà bán trứng để xem gà. 

Vợ chồng ông bà cụ bán trứng đã ngoài bảy mươi, sống trên mảnh đất hơn một mẫu.  Căn nhà bằng gạch một tầng đã cũ lắm, bên trong lẫn bên ngoài không sơn sửa gì cả.

Họ nuôi vài chục con gà đủ loại ở sân sau.  Họ đóng một dãy chuồng khoảng 6-7 thước, cửa mở cho gà ra vào tự do; chung quanh làm hàng rào lưới rào lại cho gà không chạy ra khỏi đó.  Khi nào có hộp thì họ dùng hộp, khi hết hộp thì khách tự đem hộp tới mà đựng trứng. 

Họ có gà ác mà họ gọi là gà Nhật Bản, gà ta (giống của Việt Nam), gà lông màu hồng nhạt rất đẹp thân to lớn gần gấp đôi gà ta, lại còn gà lông đen lốm đốm trắng giống loại gà mẹ tôi nuôi trên sân thượng ngày xưa, họ bảo đó là gà Ba lan.   

Vì nhiều loại gà khác nhau nên trứng gà họ bán có nhiều kích thước không đồng đều, màu sắc cũng không giống nhau.

Gà ác thì trứng màu xanh nhạt, gà lông hồng thì trứng to và màu phơn phớt hồng, gà ta  thì màu nâu nhạt, gà lông đen thì trứng mầu nâu đậm.  

Trứng họ bán cũng rẻ hơn các chợ trên phía bắc Virginia này, lại là gà chạy bộ nữa nên bà bạn tôi hay đi mua mà cho người này người kia. 

Vào mùa hè gà đẻ nhiều hơn nên họ có thâu nhập nhiều hơn.  Mùa hè họ cũng trồng thêm tỏi, cà chua và đậu bắp để bán.

            Có hôm tôi và bà bạn đến, bà cụ bảo hôm nay chỉ có hai chục trứng thôi, vì đứa cháu nội gái 10 tuổi về thăm ông bà sáng nay đã ăn hết 4 quả rồi, vừa nói bà vừa chỉ vào nó.  Nó có vẻ bẽn lẽn vì bà nói đến nó.  Đúng là người nhà quê, nói năng thật thà, có sao nói vậy.  Tôi nhìn nó thông cảm. 

Ông cụ chỉ trên bàn vài thau nhỏ đựng cà chua và đậu bắp, mỗi thau hai đồng.  Lúc nào bà bạn tôi cũng mua hộ hai ông bà cụ các thứ này.  Riêng cà chua thì bà mới mua tuần trước còn nhiều quá nên bảo tôi mua.  Thường thì tôi không thích cà đã chín đỏ thẫm vì đã mềm, tôi chỉ thích cà chua khi còn cứng và chỉ ửng hồng mà thôi.

Nhưng thấy thương đôi vợ chồng quê, già cả đã về hưu nhưng còn phải làm lụng để trả tiền nhà mỗi tháng, có lẽ vì tiền xã hội của họ không đủ để trang trải mọi thứ nên tôi mua cho họ.

Tỏi họ trồng thật to, bán cũng rẻ, một đồng ba củ.  Mua xong tôi cho thêm đứa  cháu gái một đồng khiến nó mừng quá. 

Bà bạn tôi cũng cho nó 50 xu, nó cũng cám ơn thật lớn.  Trẻ con nhà quê ở Mỹ, cho nó một ít tiền thôi là nó đã mừng lắm rồi, có lẽ vì bố mẹ nó làm việc chẳng được bao nhiêu tiền nên ít khi nào cho con tiền.  Ông bà cụ này cũng nuôi thêm vài con bê con, vài con lợn con, chờ khi lớn thì bán, như thế cũng có thêm lợi tức. 

Có khác gì người dân quê ở Việt Nam đâu nhỉ? 

Chỉ khác là họ có cái xe hơi để chạy đi đây đi đó.

Sau này, cũng có hai ông bà cụ khác ra bưu điện dán quảng cáo bán trứng gà.  Tôi cũng đã theo bà bạn đến chỗ này.  Cũng chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau.  Bà vợ đã phải ngồi xe lăn tay có nút bấm cho máy chạy.  Ông chồng dắt khách ra đằng sau xem chuồng gà, ông cũng rào lại cho gà chạy trong vòng đó thôi. 

Ông cũng nuôi đủ loại gà như hai ông bà kia, nhưng không thấy nuôi thêm lợn và bò.  Ông bà cụ này ở trong một cái trailer rộng rãi, miếng đất của họ có lẽ cũng đến một mẫu.

            Nhìn người Mỹ dân quê ở Virginia thấy mà thương, họ có thâu nhập thấp hơn những người Việt hoặc người ngoại quốc qua Mỹ sinh sống ở thành phố.  Họ ăn mặc giản dị, nhà cửa đơn sơ, đất đai thì rộng.  Nhưng họ vui vẻ thật thà và bằng lòng với cuộc sống của mình.  Vợ chồng ở với nhau đến răng long đầu bạc. Con cháu có gia đình tuy dọn ra riêng nhưng cũng ở quanh quẩn gần đó, và lại tiếp tục một đời sống của người thôn quê. 

Có lẽ như thế mà lại hạnh phúc.

Chúc cho các ông bà cụ người Mỹ ở nhà quê trên khắp nước Mỹ luôn khỏe mạnh, gà của các cụ đẻ nhiều trứng, lợn bò mau ăn chóng lớn, hoa quả luôn được mùa, con cháu các cụ luôn ở gần và hay về thăm hỏi các cụ.

Cũng xin chúc cho các cụ già ở Việt Nam luôn ấm no, con cháu không bỏ bê các cụ khi các cụ không còn lao động được nữa. 

Vì ở Việt Nam chưa có chế độ an sinh xã hội để lo cho người già cả.  Thôi thì cứ trông cậy vào câu tục ngữ “Trẻ cậy cha, già cậy con” mà sống.

Thời buổi này ở Sài Gòn dân số đã trên 9 triệu, đất đai trở nên hiếm hoi và đắt vộ chừng vô hạn, không biết còn nhà nào có đất để nuôi gà làm kiểng như ngày xưa. 

Chị em tôi may mắn tuy ở thành phố nhưng có người mẹ thích gà nên đã cho chúng tôi cơ hội nuôi và biết những con gà trống, gà mái và đàn gà con.

Chúng nó vô tư như chị em tôi ngày xưa vậy.

TT-Thái An

April 9, 2020