Mẹ Con Bảy Xê TT Thái An

MẸ CON BẢY XÊ

TT-Thái An

 

Bà Điệp cúi xuống nhặt số tiến bảy trăm do chồng bà, ông Hai Chưởng, thảy cho.

Ông Hai Chưởng đã công khai đuổi hai mẹ con bà ra khỏi nhà.  Lý do vì ông không muốn tiếp tục ở với bà nữa, ông đã có người đàn bà khác.

Bà Điệp khóc lóc van xin chồng cho bà ở lại, rồi ông muốn đi với ai thì đi, ông có tự do của ông.  Nhưng ông Hai Chưởng nhất định không là không.  Vì người đàn bà đến sau đã giao hẹn với ông như vậy. 

Thời đó, dưới quê bà, cứ dọn vào ở chung có con cái với nhau thì thành vợ chồng, ít ai biết đến tờ hôn thú nó ra làm sao.  Thành thừ ra, hết muốn làm vợ chồng thì cứ ra đi là xong. 

Nhưng bà đâu muốn bị đuổi như thế này.  Thằng con bà còn nhỏ quá, nó cần có cả cha lẫn mẹ, một mình bà làm sao nuôi nó đây?  Nhưng đã đến nước này, bà không còn cách nào khác, phải ôm con và bọc một túi quần áo cho hai mẹ con mà ra đi.

Bà không dám về nhà cha mẹ, vì đã theo không Hai Chưởng, bây giờ mặt mũi nào ẵm con về gặp cha mẹ, xóm làng.  Bà bế thằng con hai tuổi ra bến xe đò, kiếm đường lên Sài Gòn. Đó là năm 1958.

Bà có người quen ở gần chợ Trương Minh Giảng, bà cầm theo địa chỉ để lên đó ở nhờ rồi kiếm việc làm.  Đến nơi, người kia cũng nghèo khó, chật vật, đang ở trọ trong một căn nhà vách ván.  Họ cho bà ở nhờ rồi chỉ đường cho bà mua quang gánh, đi lấy mối trứng vịt về bán. 

Nhờ bảy trăm của Hai Chưởng thảy cho mà bà có vốn buôn trứng vịt.  Bà thầm cám ơn Trời đã phù hộ cho bà kiếm được người quen và có được một cái nghề tạm nuôi nổi hai mẹ con bà. 

Mỗi ngày bà gánh trứng vịt ra chợ bán, một bên thúng đựng trứng vịt, một bên thúng gánh con.  Đứa bé thật ngoan, nó không khóc lóc quấy mẹ.  Khi nào buồn ngủ thì nó ngã vào cái gối và đắp cái chăn bà để sẵn trong thúng cho nó. 

Được ít lâu bà thuê được một căn nhà nhỏ, vách ván ở gần đó để hai mẹ con dung thân.

Cho đến bây giờ bà mới làm giấy khai sanh cho con.  Nghĩ mãi chẳng biết đặt tên cho nó là gì.  Chợt bà nhớ đến bảy tờ giấy trăm của Hai Chưởng thảy cho bà, mà thời đó người miền Nam gọi theo tiếng Tây tờ giấy một trăm là tờ “xăng” (Cent), vì thế bà hoan hỷ đặt tên nó là Xê,  vì bà nghĩ “Cent”  viết bằng chữ “C” trước.  “C” phát âm theo tiếng Việt là “Xê”. 

Vì thế, đối với bà, “Xê” có nghĩa là “Cent”, là “ một trăm’.  Vì lúc trước bà cũng được học hết hai năm bậc tiểu học (lớp hai thời nay) trường xã nên còn nhớ sơ sơ chút tiếng Pháp.

Một hôm, tan chợ chiều, bà đi ngang qua cái nhà thờ nhỏ ở góc ngã tư, bà đứng lại đọc cái bảng bên ngoài, bà biết được giờ thờ phượng mỗi Chúa Nhật, tự dưng bà muốn đem con đến đây mỗi tuần.

Chúa Nhật sau đó trong nhà thờ  có hai mẹ con người lạ đến nhóm.  Từ đó họ đến nhóm mỗi tuần.  Họ hay ngồi ở hàng ghế gần chót hay hàng ghế sau cùng.  Người mẹ luôn mặc chiếc áo dài mầu nâu nhạt, tóc búi tó.  Đứa con trai khoảng năm hay sáu tuổi, luôn mặc cái quần cụt mầu xanh dương và cái áo sơ mi trắng.

Người mẹ trông thật gầy gò, xanh xao, lại ít nói.  Tan lễ xong, bà dắt con ra về ngay.  Hình như bà không muốn nói chuyện nhiều. 

Được vài tuần, có người đến chào hỏi bà và đề nghị bà cho đứa con trai vào học lớp nhi đồng.  Lúc đó người ta mới biết tên của bà là Điệp, đứa con trai tên Xê, Nguyễn Văn Xê. 

Một thời gian sau, người ta lại biết thêm bà đang ở căn nhà thuê gần xóm chợ.  Bà bán trứng vịt ở chợ mỗi ngày để nuôi con.  Đứa con cũng ít nói như bà, nhưng vì có sinh hoạt với lớp nhi đồng nên nó có vẻ hoạt động đôi chút.  Người ta thường nghe bà gọi nó là Bảy Xê, trong khi bà chỉ có mỗi mình nó là con, tại sao lại gọi nó thứ bảy?  Hỏi bà thì bà kể lại sự tích bảy trăm của chồng bà thảy cho rồi đuổi hai mẹ con bà ra khỏi nhà.  Bà kể với giọng bình thản, chẳng có tí tức giận nào.

Bảy Xê có vẻ hiền lành và ít nói như mẹ.  Nó chịu khó học hành và rất thương mẹ.  Bà Điệp kể nó không làm gì cho bà buồn cả. 

Bà Điệp đã ít nói thì chớ, mà có mở miệng ra nói thì cũng yếu xìu, gần như nói không ra hơi.  Vì thế, bà chỉ nói khi cần. 

Hai mẹ con ở nhà chỉ nói với nhau khi cần, chẳng bao giờ nghe thấy người mẹ nói lớn tiếng với con, nên đứa con cũng trở thành người yên lặng, ít nói, nếu có nói thì cũng nhỏ nhẹ như mẹ. 

Bà Điệp chẳng đánh đòn con bao giờ.  Nếu nó có gì sai quấy, bà chỉ cần nói nhỏ nhẹ cho nó hiểu là nó đã xin lỗi bà rồi.

Nhưng Bảy Xê biết nhận xét về mẹ, biết quý sự gian nan của mẹ để nuôi mình và nó biết thân phận nghèo hèn của hai mẹ con nên quyết chí học hành từ nhỏ.  Nó cố gắng thi đậu vào trường công vì biết mẹ không có khả năng đóng tiền cho nó học trường tư. 

Bà Điệp mừng lắm, bà đã dành dụm được một số tiền nhỏ để mua cho nó chiếc xe đạp để nó đi học mỗi ngày. 

Bà may cho Bảy Xê một chiếc quần tây xanh và một cái áo sơ mi trắng theo đồng phục của trường.  Bà may dài trừ hao để nó có thể mặc vài năm.  Quanh năm nó chỉ có bộ quần áo này để mặc đi học và đi nhà thờ.  Nó lớn nhanh và cao hơn nhiều đứa con trai cùng tuổi.  Cái quần tây chỉ hai năm là đã ngắn hẳn, bà phải xuống lai cho đủ chiều dài. Bảy Xê cũng vẫn mặc cái quần do mẹ xuống lai mà không mặc cảm gì.  Nó chẳng đòi hỏi mẹ phải may cái quần mới cho nó vì nó biết mẹ nó nghèo, gầy gò ốm yếu mà vẫn tần tảo nuôi nó nên nó thấy thương mẹ quá. 

Nhìn Bảy Xê cao ráo, khỏe mạnh, trong khi bà luôn gầy gò hom hem trông giống như người bị bệnh lao; vì thế ai cũng đoán rằng bà Điệp luôn nhường phần ăn cho con có sức lớn; riêng bà, bà chỉ ăn vừa đủ cầm hơi để sống thôi.

Bảy Xê càng lớn càng hoạt động nhiều trong nhà thờ, nó lo sinh hoạt thiếu niên rồi đến thanh niên.  Khi nó đang học đệ nhất thì căn nhà vách ván má nó thuê bị lấy lại để chủ xây nhà gạch.  Hai mẹ con không còn chỗ ở, phải đi ở nhờ người quen trong nhà thờ.  Hai mẹ con ở hai nhà khác nhau, vì nhà người ta cũng chật hẹp, không đủ chỗ cho hai người ở.

Trong hoàn cảnh như thế mà Bảy Xê vẫn cố gắng học.  Rồi nó thi đậu tú tài, vào đại học.  Nó đang học năm thứ hai thì xảy đến ba mươi tháng tư, 1975.  Nhiều người trong nhà thờ có điều kiện ra đi thì đã đi gần phân nửa.  Những người không có cơ hội đi thì đành ở lại, trong đó có mẹ con Bảy Xê.

Những người chạy ra được nước ngoài từ 30 tháng Tư, 1975 mỗi khi nhớ đến mẹ con Bảy Xê đều lo lắng, không biết họ sống ra sao.  Riêng bà Điệp ốm yếu quá, làm sao còn sức sống khi mà cả nước ăn cơm độn bo bo, buôn bán ở chợ bị cấm đoán, giới hạn. 

Hơn hai mươi năm sau, tình cờ có người từ Việt Nam qua Mỹ báo tin mẹ con bà Điệp và Bảy Xê còn sống và sống sung túc nữa.  Lạ quá!

Họ kể rằng sau tháng Tư 1975 Bảy Xê vẫn tiếp tục học cho xong đại học.  Có một cụ già trong nhà thờ qua đời, con cháu đã đi vượt biên hết, nên trước khi chết, cụ gọi Bảy Xê đến sang tên căn nhà lại cho mẹ con Bảy Xê.   Thế là mẹ con Bảy Xê tự nhiên có căn nhà khang trang để ở, chấm dứt những ngày sống nhờ, ở đậu.

Bảy Xê ra trường đi làm cho công ty nước ngoài,  sau đó làm mậu dịch xuất nhập cảng, càng ngày càng phất lên.  Bảy Xê xây căn nhà lên ba tầng.  Bảy Xê cũng lập gia đình và sanh được một đứa con gái.  Khi con lớn lên, Bảy Xê cho con qua Mỹ du học.  Bản thân Bảy Xê cũng từng qua Mỹ khảo sát thị trường vài lần. 

Ngoài việc buôn bán làm ăn, Bảy Xê còn viết cả thánh nhạc để ca tụng Chúa nữa.  Cái này cũng lạ! 

Bảy Xê lúc còn ở ban thiếu niên trong nhà thờ, có lẽ học nhạc với mấy anh lớp thanh niên chỉ cho.  Học qua loa vậy mà Bảy Xê viết nhạc được.  Đúng là năng khiếu Chúa cho.  Bảy Xê nhớ ơn Chúa đã ban phước cho mẹ con mình mà cảm hứng viết thánh ca. 

Vợ Bảy Xê chỉ sanh được một đứa con gái rồi thôi, nhưng Bảy Xê đã cưới vợ trước mặt Chúa và hội thánh nên không bỏ vợ đi kiếm người khác để sanh con trai cho mình.  Hơn nữa Bảy Xê theo Chúa nên không cần phải có con trai nối dõi để thờ cúng mình hay mẹ mình.  Bảy Xê còn làm một bản thánh ca cảm tạ Chúa đã ban hôn nhân cho loài người.  Như thế, vợ chồng Bảy Xê chắc là hạnh phúc lắm.

Người Việt Nam có câu: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” rất đúng trong trường hợp của Bảy Xê đối với mẹ. 

Nhìn cuộc đời của mẹ con Bảy Xê, rõ là có bàn tay nâng đỡ của Chúa vì Ngài không bỏ kẻ mồ côi và người góa bụa bao giờ.

Nhạc sỹ Y Vân viết được bài Lòng Mẹ vì ông thực sự cảm nhận được tình mẫu tử từ nơi người mẹ của ông.  Ông không có cha, mẹ ông phải buôn bán tảo tần ở chợ để nuôi mấy anh em ông, gia cảnh thật nghèo khó.  Bởi cảm nhận được sự vất vả của mẹ mà ông cố gắng học và phải làm việc từ khi 15 hay 16 tuổi để phụ giúp mẹ.

Người ta thường nói “Con không cha như nhà không nóc” cũng đúng.  Vì con không cha, nhất là con trai, lúc bước vào tuổi thiếu niên nếu không có một người cha để hướng dẫn tinh thần thì rất dễ theo bạn bè xấu.

Nhưng không có cha mà có được một người mẹ nhân từ, lúc nào cũng nhỏ nhẹ với con, nhường ăn nhường mặc cho con, dù nghèo khó cách mấy cũng vẫn bung hết sức ra lo cho con,  đùm bọc con mà không quát tháo kể công, kể lao, thì chắc chắn nhờ tình mẫu tử đó mà đứa con sẽ nên người. 

Và đứa con sẽ luôn yêu thương và kính trọng mẹ.

Thủa bé, Bảy Xê cảm nhận được sự nghèo khó của hai mẹ con mình.  Ăn và mặc lúc nào cũng thiếu thốn.   Nhưng tình mẫu tử thì lúc nào cũng dư dật.  Nhất là sự bình an luôn phủ trùm căn nhà, dù là nhà tranh vách ván.

Nếu như ngày xưa bà Điệp không can đảm ra đi khi bị chồng đuổi ra khỏi nhà, cứ lì ra ở lại chịu đủ thứ hành hạ, chửi rủa và đánh đập của chồng mỗi ngày miễn sao vẫn còn thấy mặt chồng thì thôi, thì tuổi thơ của Bảy Xê tràn ngập sự khủng hoảng và sợ hãi, chưa chắc Bảy Xê trở thành người đàn ông vững vàng và tự tin như ngày nay.

Cuộc đời Bảy Xê gắn liền với ba người phụ nữ.  Người thứ nhất là mẹ:  Mẹ nuôi Bảy Xê nên người, biết tôn trọng mẹ và tôn trọng phụ nữ.  Người thứ hai là vợ:  Bảy Xê biết tôn trọng mẹ, nên cũng biết tôn trọng vợ. 

Vợ Bảy Xê biết công lao khó nhọc của mẹ chồng đã nuôi dưỡng chồng mình nên người, nên cũng kính trọng mẹ chồng như Bảy Xê kính trọng mẹ vậy.  Vì thế vợ Bảy Xê luôn sống hòa hợp với mẹ chồng và chung sức xây dựng một mái ấm gia đình với Bảy Xê.

Điều này Bảy Xê rất cám ơn vợ.  Người thứ ba là đứa con gái:  Đứa con được nuôi dưỡng trong một gia đình đầm ấm, mọi người đều nói chuyện với nhau ôn tồn, nhỏ nhẹ, và tôn trọng lẫn nhau.  Nó luôn cảm thấy được cha mẹ và bà nội yêu thương, nâng đỡ, làm sao nó không thành công được chứ?  Vì thế nó là niềm hãnh diện cho cha mẹ và bà nội nó.

Riêng bà Điệp, bà luôn xem con dâu như con gái, vì bà mong muốn con trai bà và con dâu suốt đời sống trong an lành, hạnh phúc, lúc nào cũng thuận thảo với nhau.  Vì thế con dâu và bà không có cảnh mẹ chồng nàng dâu.

Bảy Xê luôn cảm thấy mình là cột trụ trong gia đình, và hãnh diện đã làm tròn bổn phận của một người đàn ông cột trụ đó. 

Đối với mẹ, Bảy Xê là đứa con có hiếu.  Đối với vợ, Bảy Xê là người chồng tốt.  Đối với con, Bảy Xê là người cha tốt. 

Nhưng trước hết phải nhìn nhận rằng, nhờ có một người mẹ như bà Điệp mà mới có được người con và người đàn ông như Bảy Xê.

Ngày Mẫu Thân (Mother’s Day) ở Mỹ người ta làm long trọng lắm, quà cáp và hoa đem biếu mẹ thật rộn rịp. Các cơ sở thương mại kiếm khá nhiều tiền trong dịp này.  Nhiều nhà thờ làm Mother’s Day cho các bà mẹ, hôm đó các bà không cần nấu ăn, mà con cái và các ông chồng phải lo phần ẩm thực để các mẹ được nghỉ ngơi một ngày.  Các mẹ tận hưởng nhé vì một năm mới được phục vụ một ngày thôi đấy! 

Các nước Á châu cũng tập tành học theo lập ra Ngày Mẫu Thân, ngày đó ở Đài Loan hay Đại Hàn, Nhật Bản muốn mời mẹ đi ra nhà hàng thì phải đặt trước cả tháng, nếu không thì phải xếp hàng cả hơn một giờ là ít.  Nhiều bà mẹ than phiền rằng được các con mời đi ăn mà phải xếp hàng cả hai tiếng đồng hồ, mỏi cả chân, mệt cả người.  Dù là ở mấy nước đó nhà hàng nhiều vô số kể.

Hình thức lúc nào cũng phải có, nhưng khi ngày Lễ Mẹ đã qua, những đứa con có còn giữ được tình cảm cho mẹ trong lòng không, điều đó mới đáng kể.

TT-Thái An

5/12/2017

April 9, 2020