ÔNG TƯ SAY
Trương Thức-Thái An
Căn nhà của bà Bảy Trọc nằm ở cuối dãy, gần ở lối rẽ vào xóm trong. Đó là căn nhà lá, vách ván, nền đất.
Bà ở đó từ thời xa xưa nào xa lắm, có lẽ từ khi chồng bà còn sống. Hiện tại, chỉ còn hai người con còn ở trong căn nhà đó với bà, đó là cô Ba và ông Tư Say. Bà có đến sáu người con, nhưng ba đứa chết non chết yểu, một đứa có vợ ở riêng, làm nghề chạy taxi, thỉnh thoảng về thăm bà.
Căn nhà của bà rộng nhất xóm, bề ngang có đến mười mét là ít. Nhưng bề dài thì hơi cụt, chỉ dài khoảng sáu mét. Nhưng trước nhà còn được khoảng sân rộng chạy theo bề ngang căn nhà, sâu khoảng gần ba mét. Bà dùng dây kẽm gai để rào sân lại.
Bà chia căn nhà ra ba gian, đứng ngoài nhìn vào thì bà ở gian bên phải, ông Tư say, con trai của bà ở gian giữa, hai mẹ con cô Ba ở gian phía trái. Cả ba gian này chỉ ngăn vách phía trước, phía sau thì để trống để đi qua đi lại dễ dàng và cũng là nhà bếp và nhà tắm.
Ở khoảng sân trước, phía bên phải bà Tư trồng một cây vú sữa, một cây bông gòn, một bụi bông trang, một bụi bạc hà, một bụi cúc vạn thọ, vài thứ rau thơm như rau quế, ngò gai, rau om. Khi những búp bông gòn nở ra, bông gòn bay theo gió, lũ trẽ con trong xóm lại chạy theo chụp bông gòn để chơi.
Mỗi năm bà Bảy hái mấy cái búp bông gòn này làm được vài cái gối.
Bà Bảy luôn mặc cái áo cánh tay màu nâu, quần sa tanh đen. Bà nhai trầu đỏ môi, nhưng không nhuộm răng đen nên răng bà có viền nâu viền đỏ vì màu đỏ của vôi bám vào lâu ngày. Bà để cái bàn thờ ở phía trước gian phòng của bà, chiều chiều bà tụng kinh gõ mõ.
Lũ trẻ con trong xóm hay lợi dụng lúc này đến bên hàng rào nhà bà thò tay mà bắt những con quy bò trên các bụi cây, có khi hái vài cái hoa. Chúng nó phải nhẹ nhàng lắm kẻo bà nghe thấy thì bà sẽ ngưng ngay kinh kệ mà bước ra chửi rủa nặng nề cả tiếng đồng hồ mới chịu im. Mấy đứa trẻ con rất sợ nghe bà chửi, bà chửi độc vô cùng, mắt bà long lên sòng sọc như tóe lửa.
Có hôm nhằm vào ngày rằm, bà chửi rủa mấy đứa trẻ con dám thò tay qua hàng rào nhà bà rằng: “Hên cho tụi bay, hôm nay là rằm, tao ăn chay nên không chửi tụi bay, nhằm bữa khác là chết với tao.”
Bà Bảy Trọc nổi tiếng dữ dằn ở xóm này, không ai dám qua lại với bà. Bà cũng chẳng qua lại với ai.
Ông Tư Say con của bà được cả xóm đặt cho cái tên Tư Say vì ông say rượu suốt ngày.
Sáng sớm vừa thức dậy là ông cầm ngay cái xị qua tiệm gạo để mua một xị đế. Mặt ông Tư Say luôn xám xịt, lờ đờ; môi ông luôn có một màu thâm xì. Quanh năm ông chỉ mặc có cái áo thun ba lỗ đã ngả màu cháo lòng, quần pyjama cũ bèo nhèo, chân mang đôi dép cao su đã cũ mòn. Ông có tướng đi rất lạng quạng, hai chân đá hai nơi, bước hai hàng rõ ràng. Chẳng thấy ông làm ăn gì cả, không hiểu tiền đâu ra mà ông mua rượu đế mỗi ngày.
Nghe nói ông Tư Say cũng học hết trung học đệ nhất cấp thời Pháp. Sau khi thi rớt một năm, cuối cùng ông cũng đậu được cái bằng thành chung năm 1950.
Như thế ông Tư say là người có học nhất xóm này thời đó, ông là niềm hãnh diện cho bà Bảy mẹ ông chứ giỡn chơi sao?
Sau khi có được tấm bằng, ông xin được việc làm trong phi trường Tân Sơn Nhất, lương khá cao.
Vài tháng sau ông sắm được chiếc xe gắn máy sang hết sức. Hai tháng sau ông có dư tiền cho mẹ đổ nền nhà xi măng, chứ lúc trước nó chỉ là nền đất.
Vài tháng sau nữa, ông cho mẹ tiền lợp mái ngói. Mỗi tháng ông Tư còn đưa cho mẹ một số tiền để phụ giúp bà tiền chợ và tiền tiêu xài trong gia đình.
Bà Bảy hạnh phúc vô cùng vì được nhờ con trai, từ nay con trai bà sẽ lo cho bà, bà không sợ thiếu tiền đi chợ nữa. Bà tưởng số bà xui xẻo, chết hết ba đứa con, chỉ còn ba đứa, hai đứa kia chỉ kiếm vừa đủ lo cho chúng nó. Cũng may, thằng Tư có ăn học nhất nhà, có việc làm tốt nhất, lại có hiếu với bà nữa, nó có khả năng lo cho bà rồi.
Nhưng được một tháng sau khi đi làm, sau khi lãnh tháng lương đầu tiên, ông Tư học được một món ăn chơi mà ở trường không có dạy ông. Đó là cái món nhậu mà mấy thằng trong sở mới đưa đường dẫn lối cho ông vào.
Lúc đầu ông chỉ đi nhậu vào ngày thứ Bảy vì được nghỉ buổi chiều, vài tháng sau thì một tuần đi đôi ba ngày, sau cùng thì ngày nào cũng đi.
Sau khi tan sở ông theo chúng nó đến mấy quán nhậu chung quanh phi trường, quán nào cũng có vài em xinh đẹp hoặc coi cũng kha khá. Các em bán quán thời đó chỉ biết mặc áo bà ba màu với quần sa tanh đen. Mặt thì kẻ chút lông mày, tô thêm chút son đỏ, để móng tay nhọn sơn đỏ chót là khác với các cô con nhà lành rồi.
Các em bán quán này rất bạo dạn, cười nói lả lơi với khách và sẵn sàng ôm vai, sờ vế, vuốt ve ông Tư rất tình tứ.
Ông Tư sung sướng quá, tối nào cũng nhậu đến khuya lơ khuya lắc mới về đến nhà. Thế rồi cứ đà nhậu nhẹt, có bao nhiêu lương ông cống hiến hết cho mấy quán nhậu và mấy em bán quán. Thỉnh thoảng ông ngủ lại nhà một em, thì tối đó bà Bảy chờ cửa mờ mắt.
Ông Tư viện cớ không ăn cơm nhà nữa nên bớt số tiền mỗi tháng cho bà. Bà bắt đầu chất vấn về giờ giấc và về tiền bạc của ông Tư, thế là hai mẹ con luôn to tiếng với nhau. Bà có la hét, chửi rủa cách mấy cũng không thay đổi được ông Tư.
Nhậu nhẹt được vài năm, một hôm ông Tư báo cho mẹ hay là ông đã có người yêu, ông sẽ đem người yêu và đứa con gái riêng của nàng về ở chung, đó là cô Hai Lệ và con gái tên Giàu, lúc đó khoảng mười bốn tuổi.
Ông Tư quen cô Hai Lệ ở một quán nhậu, cô dắt ông về căn nhà lá cô thuê ở gần cái quán mà cô làm việc, ông ngủ lại nhiều lần với cô và thương cô, thế là ông muốn cô dọn về ở chung với ông.
Bà Bảy ngạc nhiên hết sức vì thằng con bà chịu lấy một bà nạ dòng có con gái đang tuổi lớn. Bà phản đối nhưng vô ích, ông Tư chẳng thèm lý đến ý kiến của bà.
Bà Bảy chỉ còn cách đưa ra điều kiện, muốn cho mẹ con cô kia dọn vào nhà bà thì tháng tháng ông Tư phải đóng tiền nhà cho bà. Còn ăn uống thì họ tự nấu ăn riêng với ông Tư, bà Tự ăn riêng, nhà ai nấy sống. Ông Tư nghe điều kiện này hợp lý nên bằng lòng.
Bà Bảy cũng chỉ mong nếu cô Hai Lệ dọn vào ở chung với con bà thì ông Tư sẽ không la cà mấy quán nhậu nữa mà sau khi tan sở sẽ về thẳng nhà và tháng tháng bà còn có chút tiền cho thuê phòng.
Thế là hai mẹ con cô Hai Lệ dọn vào ở chung với ông Tư.
Mỗi tháng có được chút tiền cho thuê phòng khiến bà Bảy cũng an tâm về sinh kế của mình. Được chừng một năm, ông Tư lại không về nhà sau khi tan sở nữa, ông có vẻ chán cơm nhà rồi, ông lại la cà mấy quán nhậu với mấy thằng trong sở.
Lúc này quán nào cũng tăng cường thêm nhiều em mới từ quê ra tỉnh, mấy em cũ đã bỏ đi đâu không biết. Ông Tư được thay đổi không khí, thấy đi nhậu vui sướng hơn ở nhà ăn cơm với người vợ hờ.
Từ đó ông Tư ít khi nào về nhà sớm, cô Hai Lệ đêm nào cũng nơm nớp lo vì chờ cửa, cô sợ có con nhỏ bán quán nào trẻ hơn cô quyến rũ ông thì hai mẹ con cô phải bị ông Tư đuổi ra thôi.
Cô cầu mong có đứa con với ông Tư để cầm chân ông, mà chờ hoài không thấy thai nghén gì cả. Đêm nào ông Tư về đến nhà, cô cũng tra hỏi, hai bên gây gỗ ồn ào, cô khóc lóc kêu la, năn nỉ ông về nhà ăn tối với cô; trong cơn say, ông Tư chỉ ừ à cho qua, chứ hôm sau lại đi nhậu tiếp. Có hôm ông ngủ lại nhà một em bán quán khác, chẳng về nhà. Cô Hai Lệ chỉ còn biết thức canh chờ sáng.
Chợt cô Hai Lệ nghĩ ra một chiêu chí tử, đó là cô sẽ dâng luôn đứa con gái của cô cho ông Tư sơi tái. Cô biết chắc cách này sẽ cầm chân được ông Tư vì cô thấy ông đang la cà kiếm mấy em mầm non chưa tới hai mươi, mới ở dưới quê lên tỉnh.
Y như rằng, ông Tư quá đỗi ngạc nhiên và hạnh phúc vô bờ như trúng lô độc đắc.
Giàu, con gái cô Hai Lệ chỉ mới mười lăm thôi, tơ ơi là tơ! Mấy em bán quán thua xa em Giàu.
Thế là em Giàu và má Hai Lệ lấy chung một chồng. Ông Tư tan sở ra là lo về nhà với em Giàu. Ông cũng biết điều với má Hai Lệ, ông không quên nằm bên giường má Hai Lệ trước rồi mới qua giường em Giàu ngủ tới sáng. Kết quả là em Giàu sinh cho ông Tư được hai đứa con trai.
Sau khi đưa tiền nhà cho bà Bảy, còn lại ông đưa hết cho má Hai Lệ giữ đi chợ hay mua sắm tùy ý. Ông chỉ giữ ít tiền đổ xăng, hút thuốc. Mẹ con em Giàu cũng làm đủ cách để chiều chuộng ông Tư, lúc nào trong nhà cũng có bia cho ông lai rai. Muốn rượu đế thì má Hai Lệ chạy đi mua ngay.
Ông Tư càng ngày càng nghiện rượu, sáng sớm là phải tợp mấy ngụm đế rồi mới đi làm.
Ông còn cầm theo xị đế để uống suốt ngày trong lúc làm việc. Đến khi sở khám phá ra ông say sưa trong lúc làm việc, họ cảnh cáo ông mấy lần ông cũng không chừa. Sau hết họ cho ông nghỉ việc, nhưng lại nhân từ cho ông một năm lương thôi việc.
Ông Tư ôm tiền về giao hết cho vợ lớn Hai Lệ vì tin nàng tuyệt đối. Ông nghĩ rằng nàng phải yêu ông lắm nên mới giao luôn con gái cho ông để cả ba sẽ cùng mãi mãi sống bên nhau. Giao hết một năm lương cho Hai Lệ là ông đã bày tỏ cho Hai Lệ biết ông cũng yêu quý và tôn trọng nàng như người vợ cả.
Nhưng Hai Lệ có được số tiền này thì lại tính đường khác.
Nàng đã bỏ quê dắt con lên tỉnh, sống bám vào cái nghề bán quán nhậu cũng chỉ vì có thằng chồng suốt ngày say xỉn dưới quê, ăn bám nàng, bắt nàng buôn thúng bán bưng để nuôi con và nuôi hắn, còn phải nộp tiền cho hắn đi nhậu mỗi ngày.
Nếu không có tiền đưa cho hắn nhậu, thì hắn đánh cho Hai Lệ bằm dập. Bây giờ còn phải hầu hạ cái thằng cha Tư vừa ham nhậu vừa ham gái này, lúc nào cũng sợ bị hắn bỏ theo mấy em khác, đến độ phải dâng luôn con Giàu cho hắn.
Thôi thì Hai Lệ nắm lấy cơ hội này mà ly khai với hắn. Hai mẹ con có sẵn tiền, đi chỗ khác mở quán cơm, quán cà phê cũng được, dẹp thằng cha Tư này qua một bên. Con Giàu còn trẻ, sẽ kiếm ra được thằng chồng khác, tốt hơn cha Tư này mấy hồi. Còn Hai Lệ cũng sẽ kiếm một thằng chồng khác mà không cần san sẻ với con Giàu nữa.
Thế là một hôm, Hai Lệ xin phép ông Tư cho hai mẹ con nàng dắt hai đứa con trai về quê thăm ông bà cố ngoại. Hai Lệ viện cớ đi quá lâu rồi, sợ cha mẹ đã già yếu quá, nên phải về thăm cho biết cha mẹ còn khỏe mạnh hay không. Hai Lệ để lại ít tiền chợ cho ông Tư, dặn dò đưa cho má nấu cơm giùm trong lúc mẹ con nàng vắng nhà. Nàng ngọt ngào với ông Tư rằng phải ít uống rượu trong lúc mẹ con nàng không có nhà để giữ gìn sức khỏe chờ hai mẹ con nàng trở lại. Em Giàu cũng vuốt ve ông Tư bảo ông phải giữ sức khỏe, em đi ít bữa em sẽ về với ông.
Không có vợ con ở nhà, ông Tư gửi tiền chợ cho bà Bảy một tuần để nấu cho ông.
Bà Bảy cũng vui vẻ nhận làm vì lâu lắm hai mẹ con không có cơ hội ăn chung. Nhưng một tuần trôi qua, rồi mười ngày, rồi hai tuần, chẳng thấy mẹ con cô Hai Lệ trở lại.
Ông Tư cũng chẳng còn tiền để đưa cho bà Bảy nấu cơm tiếp cho ông. Ông bồn chồn lo lắng không biết dưới quê có chuyện gì xảy ra khiến cho hai mẹ con Hai Lệ chậm trở lại.
Ông tưởng tượng đủ điều, khi thì mẹ hay cha Hai Lệ chết, khi thì chính Hai Lệ hay em Giàu bị đau nặng hay một trong hai đứa con trai ông bị tai nạn gì đó. Bà Bảy cũng bắt đầu nghi ngờ, hỏi tới tiền bạc của ông, số tiền thôi việc của ông để đâu rồi. Khi biết hết sự tình, bà la làng lên:
-Trời ơi, sao mày ngu quá Trời là ngu! Có bao nhiêu tiền đưa hết cho gái, nó đi luôn là phải rồi. Mày không còn xu nào trong túi nữa nó về để nuôi báo cô mày hay sao?
Ông Tư cãi lại:
-Thì vợ chồng tiền bạc của chung, nó giữ hay con giữ cũng giống nhau, trước sau gì cũng sài chung mà.
Bả Bảy lại la lên:
-Trời ơi là Trời! Mày chưa hiểu gì hết sao? Nó có coi mày là chồng đâu, nó có muốn ở đời với mày đâu. Con nó, nó cho mày ngủ, bây giờ nó đem con nó về kiếm thằng khác cho con nó chứ. Mày thì còn gì để lo cho mẹ con nó mà tụi nó thèm ở với mày? Bây giờ mày báo tao phải nuôi mày đây!
Hết tiền, ông Tư bán cái đồng hồ đeo tay đưa tiền cho bà Bảy đi chợ. Sau đó, bán luôn chiếc xe gắn máy. Một thời gian sau cũng hết sạch tiền. Từ đó ông Tư càng ngày càng say xỉn. Bởi cớ đó, người ta gọi ông là Tư Say. Ông không có ý đi kiếm việc khác, chỉ ở nhà ăn bám mẹ. Bà Bảy chửi ông hầu như mỗi ngày, nhưng ông cứ trơ lì ra.
Bây giờ chỉ có con gái cô Ba, là cháu ngoại của bà Bảy, đưa tiền nhà cho bà mỗi tháng vì cô còn ở gian nhà phía trái, cô có chồng đi lính Hải quân và cô có nghề chạy áp phe.
Bà Bảy sống nhờ số tiền này mà có tiền đi chợ. Ông Tư cứ lèo nhèo xin tiền bà mỗi ngày để mua rượu đế, nếu bà không cho, ông sẽ lén ăn cắp. Bà Bảy chửi con trai mỗi ngày vang cả xóm, bà tự nguyền rủa bà là vô phước, có thằng con Trời đánh, làm khổ bà. Có hôm bà rủa ông Tư:
-Mày đi đâu thì đi luôn đi, chết đâu chết phức cho rồi! Tao từ mày, từ đây coi như không có má con gì với mày nữa.
Ông Tư trả lời:
-Má từ con nhưng con không từ má! Con cứ ở đây với má, con không đi đâu hết.
Khổ quá, bà Bảy cạo trọc đầu, tụng kinh gõ mõ mỗi ngày cầu mong tìm được chút thanh thản. Từ khi bà cạo đầu, người trong xóm mới gọi bà là bà Bảy Trọc.
Nhưng lòng bà không thực sự thanh thản, dù đang tụng kinh, bà vẫn nghe thấy tiếng trẻ con nói chuyện nho nhỏ bên hàng rào nhà bà. Thế là bà ngưng ngay kinh kệ, bước ra mắng chửi lũ trẻ cho bằng được; nếu không bà tức tối không tài nào chịu nổi.
Một hôm ông Tư Say thấy nóng bức trong người một cách khác thường, ông thèm ăn ly chè có nước đá. Ông bước ra mua một ly chè đậu đỏ có đá bào ở căn nhà xê xế phía trước. Ông cầm ly chè về nhà, vừa bước đến cổng thì té xấp mặt xuống đất, ly chè rớt xuống bể, miểng văng ra tung tóe.
Người trong xóm gọi taxi chở ông vào bệnh viện, đến nơi thì ông tắt thở. Taxi lại chở xác ông về nhà.
Bà Bảy kêu la thảm thiết:
-Tư ơi! Mày nói mày không từ tao mà sao mày bỏ tao đi mất rồi? Tư ơi là… Tư ơi!
Ông Tư Say chết ở tuổi chỉ vừa ngoài bốn mươi.
Người ta bảo nhau rằng ông Tư Say bị trúng gió chết. Vì thời đó hễ thấy ai bị té xuống bất tỉnh rồi chết luôn, hoặc cứu sống được mà không đi đứng được như xưa, miệng mồm méo xẹo, nói không ra tiếng thì đổ thừa là trúng gió.
Bà Bảy cho người đi kiếm mấy mẹ con cô Hai Lệ báo tin ông Tư Say đã chết để họ đưa hai đứa con trai ông về để tang cho ông. Nhưng họ không thèm đến. Có lẽ họ chẳng thấy hãnh diện gì vì có một người chồng hay người cha như ông Tư Say. Hơn nữa, có lẽ họ không muốn nhớ đến cái quá khứ hai mẹ con lấy chung một chồng.
Cái từ “Ma men” của người Việt Nam dùng để chỉ những bợm nhậu xem thế mà đúng chẳng sai. Mặc dù có thể người ta không thực sự hiểu “Ma men” là gì.
“Ma” là ma quỷ, là một loại tà linh, binh lính của Satan, “men” là men rượu.
Vậy thì “Ma men” là một thứ tà linh có tên là “Ma men” chuyên cai trị trên những người nghiện men của rượu hay là của nó.
Ma men thì lại hay đi chung với “Ma Cô”, là loại tà linh chuyên đưa mối cho khách mua dâm. Vì thế có quán rượu hay bar rượu nào mà không có gái mãi dâm? Đã dính vào ma men thì cũng dính vào ma cô dễ dàng thôi.
Như thế khi đã bị ma men cai trị rồi, khó mà thoát khỏi tay nó. Những người nghiện rượu là những người mất hết tự do, tự chủ. Họ là nô lệ của ma men. Họ chẳng còn ý chí hoặc lý trí vì họ đã bị ma men hớp hồn.
Thời xưa chưa có các trung tâm cai nghiện đã đành. Thời nay, ở các nước văn minh và ngay cả ở Việt Nam có vô số các trung tâm cai nghiện. Nạn nhân vào đó một thời gian được giúp cho phục hồi.
Nhưng khi được thả ra một thời gian sau lại trở lại con đường nghiện ngập như cũ. Tại sao vậy? Vì ma men không muốn buông tha cho nạn nhận của chúng nó. Và những người nghiện cũng đâu muốn dứt khoát với ma men!
Con người muốn chống trả với ma quỷ, cần có một sức mạnh siêu nhiên từ Thượng Đế mới thắng nổi nó. Vì ma quỷ chỉ sợ và chỉ thua Đức Chúa Trời mà thôi.
Tôi đã nghe nhiều những lời chứng của những người từng nghiện ngập, đủ loại nghiện, vào ra các trung tâm cai nghiện nhiều lần mà vẫn trở lại con đường nghiện ngập cũ. Cho đến khi có người chỉ cho họ cầu cứu đến đấng Tạo Hóa mình là Đức Chúa Trời thì họ được giải phóng.
Tưởng là khó tin, nhưng có thật. Binh lính của Satan có quyền lực trói buộc con người vào các loại nghiện, thì Đức Chúa Trời có quyền cao hơn chúng nó để giải phóng con người ra khỏi sự cai trị và trói buộc của Satan.
4/8/2017
Trương Thức-Thái An