Một Thời Mẫu Giáo Chim Non TT Thái An

Một Thời Mẫu Giáo Chim Non

TT-Thái An

            Một hôm bố nói với mẹ rằng nên cho tôi đi học mẫu giáo ở vườn trẻ Chim Non để tôi quen với sách vở và trường học vì sang năm tôi đã đến tuổi vào lớp năm (ngày xưa bậc tiểu học nhỏ nhất là lớp năm; lên cao hơn là tư, ba, nhì, nhất).  Thế là hôm sau mẹ nhờ ông ngoại dẫn tôi đến vườn trẻ Chim Non ở ngã tư Công Lý – Ngô Đình Khôi để xin học.

            khoảng năm 1960 , vườn trẻ Chim Non nằm trên một khoảng đất vuông vức, có sân chơi rộng rãi, trong sân có hai hồ cát cho học sinh vào đấy tha hồ làm nhà, làm thành quách, núi non v.v. y như khi ra bãi biển chơi cát vậy.  Bên cạnh hồ cát, có cái vòi nước để học sinh rửa tay chân cho cát rớt xuống.  Cũng có xích đu, cầu tụt và ba cái đòn cỡi ngựa mỗi đầu là một cái ghế có đầu con ngựa, có tay cầm.  Trong sân có vài cây ăn trái cho bóng mát, tôi nhớ có vài cây na, vài cây ổi, cây cau, cây quýt và hai cái bồn xây bằng xi măng đường kính khoảng gần 2 mét, đặt trên một cái bệ xi măng cao khoảng 1 mét để chủ nhân trồng các loại rau thơm.  Căn nhà gạch rộng bề ngang của chủ nhân nằm ngay phía trái của sân, quay mặt vào sân, tô vôi màu vàng nhạt, trông nửa cổ, nửa Tây nhưng sang trọng.

Các lớp học nằm trong một căn nhà gỗ rộng rãi nằm phía bên phải của mảnh đất, gần phía đường Công Lý.  Căn nhà này không đóng vách kín chung quanh, chỉ đóng các song gỗ chạy theo chữ thập để ánh sáng và gió có thể lọt được vào phía trong lớp.  Các song này được sơn hai màu xen lẫn nhau là màu xanh da trời và màu hồng nhạt, nhìn rất vui mắt. 

Có ba phòng học rộng lớn được ngăn ra bằng những song gỗ như phía vách ngoài, có thể đi từ phòng này qua phòng khác xuyên qua các cửa chỉ có khung, nhưng không có cánh cửa.

            Bàn ghế phía trong được đóng từng cái riêng rẽ, chiều cao vừa đủ cho tầm vóc một đứa bé khoảng từ 5 đến 6 tuổi ngồi, cũng được sơn màu xanh nhạt và hồng nhạt.  Bàn cô giáo cao hơn, thuộc loại bàn của văn phòng như các bàn của thầy cô, được kê ở một góc của mỗi phòng.   Mỗi phòng có một bảng đen và một cái giá để treo cuộn giấy lớn.  Mỗi lớp có hai cô giáo.  Các cô mặc áo dài, khoác áo blouse dài mầu xanh nhạt,  có hai cái túi lớn phía trước để đựng bút.  Trông cái áo blouse này giống như đồng phục của y tá. Chỉ khác là đồng phục của y tá màu trắng.

Ông dẫn tôi vào lớp, đến chào cô giáo.  Cô vui vẻ tiếp ông và hỏi tên tôi.  Tôi sợ sệt nắm tay ông và núp ra phía sau.  Ông quay lại bảo tôi đừng sợ và kéo tôi ra phía trước.  Ông nhắc tôi trả lời cho cô.  Cô cười với tôi rồi bảo tôi đừng sợ, tôi sẽ có nhiều bạn mới cũng vừa mới bắt đầu đi học như tôi vậy.  Tôi quay lại nhìn cả lớp, có đứa còn đang khóc thật to.  Có một cô giáo khác đang dỗ nó.  Hình như chúng nó đang nhìn tôi xem đứa mới vào lớp ra sao.  Cô lại nhắc lại câu hỏi, tôi líu ríu trả lời cô mà thấy hồi hộp quá, nói nhỏ xíu xiu, khiến cô bảo tôi lập lại mãi cái tên của tôi cho đến khi cô nghe rõ.  Sau đó ông làm giấy tờ ghi danh, đóng học phí và tiền sách vở cho tôi.  Xong xuôi ông dắt tôi ra về hẹn với cô ngày mai sẽ dắt tôi trở lại học.  Tôi mừng quá nắm chặt tay ông bước theo.  Ông bảo tôi khoanh tay cúi đầu chào cô, tôi nghe lời làm theo ngay.  Miễn sao được đi về cùng với ông là tôi cảm thấy an toàn.  Cô tiễn hai ông cháu tôi ra trước cửa lớp và hẹn gặp lại tôi ngày mai.  Cũng may, bố mẹ tôi không bắt tôi phải ở lại học ngay ngày hôm đó, chỉ muốn tôi đi theo ông ngày đầu cho biết trường lớp và cô giáo thôi.  Nếu không tôi đã khóc ròng như đứa bé ban nãy vậy. 

Hôm sau, mẹ chải đầu và buộc tóc đuôi gà cho tôi.  Mẹ cho tôi mặc một chiếu áo đầm, phía váy dưới mầu xanh nước biển, phía trên mình có nền trắng, sọc xanh và có cái nơ xanh gần phía cổ.  Ông đưa cho tôi cái cặp nhỏ đựng vài cây bút chì và một cuốn vở.  Mẹ khích lệ tôi không có gì mà phải sợ, những đứa trẻ ở trường cũng giống như tôi thôi.  Chúng nó cũng bắt đầu đi học như tôi để biết đọc biết viết chứ. 

Thế là tôi miễn cưỡng theo ông đến trường mẫu giáo Chim Non.  Con đường từ nhà tôi đi bộ đến trường có lẽ hơi xa cho một đứa bé lớp mẫu giáo, khoảng 20 đến 25 phút.  Lần này ông dẫn tôi vào lớp giao cho cô Minh.

Cô sắp cho tôi một bàn khoảng dãy thứ ba, gần bên lối đi.  Ông dẫn tôi đến bàn, chờ tôi ngồi xuống rồi dặn dò tôi đừng sợ, tan học ông sẽ đến đón.  Tôi không muốn ông ra về, cứ nắm lấy tay ông.  Tôi năn nỉ ông ở lại với tôi. Tôi nói mà đã mếu máo gần khóc.  Nhưng cô và ông bảo không được, rằng những đứa khác cũng ở lại một mình có sao đâu.  Tôi quay nhìn chúng nó, chúng nó cũng đang nhìn tôi.  Thế là ông ra về.  Tôi mím môi cho khỏi bật khóc thành tiếng.  Tôi cố nhìn theo ông cho đến khi ông khuất hẳn sau cổng trường.  Cô giới thiệu mấy đứa ngồi gần tôi cho biết tên nhau.  Chúng nó nhìn tôi cười toe, tôi thấy chúng nó cũng hiền nên bớt sợ. 

Lớp có cả con trai, con gái học chung.  Con gái mặc toàn áo đầm trông rất xinh, mỗi đứa mỗi kiểu, mỗi màu khác nhau.  Con trai thì mặc quần ngắn, áo sơ mi màu tùy ý.  Có đứa mặc áo có hình chim, cò hay xe cộ các loại.

Cũng may, đầu giờ chỉ toàn là điểm danh và sau đó học hát, nên đứa nào cũng hào hứng lập lại theo cô cho thuộc từng câu rồi ráp lại thành bài. 

Kế đó là giờ tô màu, cô phát cho mỗi đứa một cuốn tập có vẽ hình sẵn để học sinh tô màu tùy ý.  Tôi chưa có bút chì màu nên cô cho mượn.  Cũng có đứa chưa có bút màu như tôi.  Một số khác đã có cả hộp bút màu đem theo.  

Giờ ra chơi, tôi theo chúng nó ra sân.  Có nhiều thứ để chơi, thứ nào cũng hấp dẫn tôi.  Đang phân vân chưa biết chơi thứ nào thì một đứa rủ tôi vào hồ cát xây nhà.  Thế là tôi bước theo nó. 

Trong hồ cát đã có nhiều đứa đang xây nhà, đắp núi đắp non.  Tôi thích quá ngồi ngay xuống, thọc tay vào cát để xây đắp một cái gì tùy theo trí tưởng tượng lúc đó. Trẻ con dễ quen nhau.  Chẳng mấy chốc mà thành bạn dễ dàng. 

Chuông báo hiệu hết giờ chơi, mấy đứa đang chơi cát phải vội đi rửa tay, rửa chân cho cát rớt ra. 

Đó là ngày học đầu tiên của tôi.  Thoáng mà đã sắp hết giờ.  Ông tôi đã đến đứng ngoài cổng.  Tôi đã trông thấy ông tay cầm quạt che nắng.  Cũng có nhiều phụ huynh khác đang đứng đợi ngoài cổng, hình như họ đang nói chuyện với nhau.

Chuông reng báo hiệu tan trường, cô bảo phải đi từ từ.  Lớp tôi ở phía ngoài nên được ra trước.  Sau đó đến hai lớp ở phía trong ra theo.

Cổng trường đã mở, ông bước vào.  Tôi chạy đến nắm lấy tay ông.  Mừng quá mừng!  Ông hỏi thăm tôi học thế nào, có vui không.  Tôi trả lời cháu học hát với tô màu.  Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện.  Được một lúc, tôi thấy mỏi chân nên nói với ông:

  • Ông ơi! Cháu mỏi chân quá.

Ông ngồi xuống, bảo tôi leo lên lưng cho ông cõng về.

Thế là tôi làm theo. 

Ông cõng tôi về gần đến nhà, tôi bảo ông cho tôi xuống vì hết mỏi chân rồi.  Tôi hỏi ông cõng tôi có mỏi lưng không.  Ông cười bảo không. Cứ như thế suốt cả năm học, ngày nào rước tôi về ông cũng cõng tôi một đoạn đường. 

Ngồi trên lưng ông, tôi nhìn thấy nhiều thứ trên các mái nhà.  Có hôm đi ngang qua nhà bà bán dưa ở đầu đường Nguyễn Minh Chiếu-Ngô Đình Khôi, tôi thấy trên mái nhà của bà có phơi nhiều miếng màu vàng đậm hay màu cam đậm.  Tôi hỏi ông những miếng đó là cái gì thế. 

Ông bảo đó là cơm nếp mốc. 

Tôi lại hỏi “Mốc để làm gì?” Ông bảo để làm tương Bắc.  Tôi lại hỏi “Tương Bắc là gì?” Ông lại trả lời “Thình thoảng mẹ cháu mua về ăn đó”.  À, thì ra nó! 

Nhưng năm đó chỉ có bố mẹ và ông ăn tương thôi.  Tôi chưa biết ăn.  Nhiều năm sau đó tôi mới biết ăn đến nó.

Hôm đó cả mẹ lẫn bố ai cũng hỏi thăm ngày học đầu tiên của tôi.  

Tôi khoe cô dạy hát bài Con Bướm Vàng và tôi cần một hộp bút chì màu.  Bố bảo ngày mai đi làm về bố sẽ ghé tiệm sách mua cho tôi.  Bố dặn ông đừng mua ở tiệm sách gần nhà, sợ không có thứ tốt.

Hôm sau bố đem về cho tôi một hộp bút chì màu có cái hộp bằng sắt.  Phía đáy hộp không bằng phẳng, nhưng có những rãnh chạy dài để những cây bút nằm yên trên những rãnh đó.  những vỏ bút sơn màu cùng với lõi của nó nhưng lại có thêm nhiều sọc nhỏ màu nâu nhạt chạy ngang chung quanh.  Tôi thấy không giống như những hộp bút màu của những đứa khác làm bằng hộp giấy, cây bút màu cũng không có sọc chung quanh nên buồn ra mặt.  Tôi nói ngay:

-Không giống của chúng nó, không đẹp gì hết!

Bố nổi cáu, gắt lớn tiếng ngay:
            – Dốt quá, bố mua thứ tốt cho mày, nhập cảng của Nhật đó. Dùng đi rồi mới biết.  Tại sao phải giống của người ta chứ?

Tôi sợ nghe tiếng quát của bố nên im lại, không dám cãi thêm.  Nhưng trong lòng bực tức và buồn lắm.  Mẹ cũng lặng yên, chẳng dám có ý kiến gì.

Hôm sau vào lớp, đến giờ tô màu, tôi đem hộp bút chì màu của mình ra mà không muốn chúng nó chú ý đến cái hộp của tôi.  Nhưng vừa mở hộp ra, con bé ngồi cạnh đã hỏi ngay:

  • Bồ có hộp bút màu rồi hả. Coi ngộ quá ha!

Thế là mấy đứa khác quay lại nhìn cái hộp của tôi.  Tôi đang mặc cảm khác người, lại càng lúng túng hơn.  Chúng nó tự tay lấy ra, mỗi đứa một cây để tô thử.  Đứa nào cũng nói:

  • Màu này dễ tô ghê, đẹp nữa. Cho tao mượn màu khác đi.

Thế là, cái hộp bút màu của tôi được chúng nó chiếu cố, khiến tôi vui hẳn lên, bớt mặc cảm vì “không giống ai”.

Giờ học đọc là khô khan nhất vì phải chú ý nhiều quá, lúc nào cũng phải theo dõi trên bảng xem cô chỉ chữ nào.  Tôi chỉ thích xem cuộn bảng giấy, giở lên từng tờ có in chữ và hình, dễ theo và dễ nhớ.  Tôi thích nhìn quả na có chữ “a” bên cạnh và đọc theo cô “A quả na”, hay cái tô có chữ “ô” bên cạnh và đọc “Ô cái tô”, “Ư cái lư”, “Ơ cái nơ “ v.v.

 Giờ tập viết, cô phát cho mỗi đứa một cuốn tập có in sẵn các mẫu tự có các chấm nhỏ nối nhau để học sinh viết chồng lên.  Lúc thì học chữ, khi thì học số.  Phải tập trung lắm mới theo kịp.

Về nhà, ông lại mua thêm cuốn vở tập viết để tập thêm cho tôi.  Đôi khi ông cầm tay tôi để tập cho tôi viết.

Trong những bài hát mà các cô dạy, vừa hát vừa múa, tôi còn nhớ mãi bài “Tía Em, Má Em” mà sau này, không thấy những thế hệ sau hát nữa.  Ngày đó, tôi không hiểu nghĩa “Tía” là gì nhưng chẳng hỏi cô.  Chỉ hát thuộc lòng và thấy vui vì toàn bài nghe quá thanh bình. 

Xin ghi lại đây:

“Tía em hừng đông đi cày bừa.  Má em hừng đông đi cày bừa.  Tía em là một người nông dân.  Má em là một người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la.  Những đêm trời trăng lên tròn tròn, gió đưa cành cây nghe xào xạc, chúng em họp đoàn cùng vui chơi, chúng em họp đoàn cùng vui chơi.  Cùng sống trên đồng bao la”

Nhiều năm sau, trong xóm tôi ở có một gia đình từ tỉnh lẻ dọn vào, cô con gái khoảng 15 hay 16, thỉnh thoảng gọi một ông lớn tuổi “Tía à!”.  Tôi hỏi thăm một bà trong xóm xem ông “Tía” kia là gì của cô gái.  Bà cười bảo đó là tiếng Tiều dùng để gọi cha.  Có lẽ gia đình kia có gốc Tiều ở Sóc Trăng hay Châu Đốc mới dọn lên.  Tôi không nghe họ nói tiếng Tiều, chỉ nói tiếng Việt thôi.  Lúc này tôi mởi hiểu nghĩa chữ “Tía” của bài hát “Tía Em, Má Em”.

Được nửa năm học, tự dưng lại có thêm một học trò mới.  Có lẽ chị lớn của nó dẫn nó vào.  Trông nó bé tí, thấp hơn nhiều đứa khác, nhưng cái đầu thì to hơn, trán hơi dô ra phía trước.  Nó buộc hai cái thắt bín gọn gàng.  Tóc nó cũng không dài lắm.  Nó nói năng lại dạn dĩ, tác phong già dặn như người lớn.  Tôi chú ý đến nó từ đầu vì nó không giống những trẻ con khác.  Tuy đến lớp sau mọi người, nhưng nó đã thuộc hết mẫu tự và các con số và đã biết viết rất nhiều.  Nó xuất sắc và nổi bật.  Có lẽ vì thế mà tôi còn nhớ tên nó đến ngày nay: Đỗ Thị N K.  Ngoài ra, cả lớp ngày đó, tôi không còn nhớ tên ai.  Chỉ nhớ tên cô giáo Minh, cô giáo Tư và cô giáo Lan.  Nhưng không biết họ của các cô là gì.

Năm đó, đường Công Lý còn nhiều cây xanh cổ thụ dọc hai bên lề.  Trông đẹp như phố Tây và mát vì có nhiếu bóng râm.  Chỗ ngã tư Công Lý-Ngô Đình Khôi còn có cái bục tròn màu trắng có nóc che phía trên, để cảnh sát đứng gác đường làm dấu cho xe cộ lưu thông.  Cảnh sát ngày đó còn mặc đồng phục trắng, đeo găng tay trắng, đội mũ trắng, đi xe mô tô lớn màu xanh lá cây trông rất oai.  

Một hôm vừa đến cổng trường, tôi thấy trên các thân cây ở đường Công Lý treo cờ vàng ba sọc đỏ và cờ hoa có nhiều sao của Hoa Kỳ.  Cả con đường trông vui tươi hẳn lên vì nhiều cờ đang bay phất phới.  Tôi hỏi ông sao hôm nay người ta treo cờ nhiều vậy.  Ông bảo chút nữa xe của tổng thống Ngô Đình Diệm và tổng thống Mỹ sẽ đi ngang đây nên người ta treo cờ để nghênh đón tổng thống Mỹ.  Tôi nói ngay với ông: “Cháu muốn xem tổng thống”.  Ông bảo khi nào đến giờ xe tổng thống đi ngang qua ông sẽ trở lại xem rồi xin phép cô cho tôi ra xem với ông.  Tôi mừng quá, dặn ông mãi, nhớ xin phép cô cho tôi ra xem. 

Suốt buổi học hôm đó, tôi cứ thấp thỏm nhìn ra cổng xem ông đã đến chưa.  Đến giờ ra chơi, tôi thấy ông đứng ngoài cổng.  Tôi vội chạy đến.  Cổng vẫn đóng, nên ông đứng bên ngoài, tôi đứng bên trong. Ông nói với tôi rằng chuyến đi của tổng thống Mỹ phải dời lại nên hôm đó sẽ không đi ngang qua đường Công Lý nữa. Tôi thất vọng quá đỗi vì hụt xem hai vị tổng thống.

Sau 1963, chiến tranh leo thang, đường Công Lý không đủ rộng để chứa lưu lượng xe nhà binh và xe gắn máy tăng lên nhanh chóng.  Vì thế, hai hàng cây đã bị đốn bỏ để mở rộng đường, mỗi bên hai hàng xe chạy.  Cái bục gác đường của cảnh sát cũng dẹp bỏ, thay vào đó là cái đèn xanh đèn đỏ để hướng dẫn lưu thông.  Đối với tôi, đường Công Lý mất đi hai hàng cây xanh, nên bớt vẻ sang trọng và cổ kính của một Sài Gòn Tiểu Paris.

Trước năm 1970, tôi không nhớ là năm nào, phân nửa bên trái của trường Chim Non được cắt ra xây building nhiều tầng cho Đại Hàn thuê.  Có lẽ họ thuê cho nhân viên người Đại Hàn ở.  Có bảo vệ người Đại Hàn gác cổng ở ngoài.  Trường Chim Non chỉ còn lại lớp học.  Sân chơi chẳng còn như xưa.  Căn nhà của chủ nhân cũng biến mất.  Thỉnh thoảng đi ngang qua, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại thời thanh bình xưa cũ.

Sau ngày lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, con đường mang tên Ngô Đình Khôi được đổi tên thành Trương Tấn Bửu.  Sau khi miền Nam thất thủ năm 1975, con đường này lại bị đổi tên thêm lần nữa.  Tôi đã trở về và đi trên đường này, nhưng không nhớ nổi cái tên mới của nó.

Riêng đường Công Lý, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ,  có một đoạn bị đổi tên thành đường Cách Mạng 1 Tháng 11.  Nhưng dân chúng vẫn quen gọi đường Công Lý.  Sau khi miền nam thất thủ tháng Tư, 1975, nó bị đổi tên thành “Nam Kỳ Khởi Nghĩa”.

Đường Tự Do bị đổi tên thành “Đồng Khởi”.

Ôi! Người thắng cuộc muốn đổi trắng thành đen, đen thành trắng còn được, huống hồ gì mấy cái tên đường.

Nhưng, chưa chắc đã đổi được lòng người! 

Hai con đường Tự Do và Công Lý không mang tên ai, chỉ mang ý nghĩa.   Nhưng “Tự Do” thì đi đôi với “Dân Chủ”;  Còn “Công Lý” thì đi đôi với “Công Chính”. 

Những điều này đi ngược với giáo điều của cộng sản nên họ phải hủy bỏ và đổi vào đấy những cái tên nghe sặc máu. 

Nhưng hãy nghe xem, dân Sài gòn đã đặt ra câu ca dao “Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tiêu Công Lý.  Đồng Khởi vùng lên, mất Tự Do” để xác định rằng chánh quyền mới đã cướp đi Tự Do và Công Lý của họ.  Dân miền Nam vẫn gọi thành phố của mình là Sài Gòn, “Đi Sài Gòn chơi.  Lên Sài Gòn có công chuyện.  Dọn lên Sài Gòn”.  Và dân chúng vẫn gọi đường “Tự Do” và đường “Công Lý” theo như lòng họ ao ước một thể chế có được hai điều này.

Người ác có đổi tên thành “Hiền” cũng chẳng hiền ra được.  Người dốt có đổi tên thành “Khôn” cũng chẳng khôn ra được.  Cũng thế, có sơn son phết vàng cho lãnh tụ thành một “Ông Thánh” thì cũng chẳng làm cho cốt lõi độc ác của hắn trở nên thánh thiện được. 

Những ngày thơ ấu đã đi qua, mang theo tánh vô tư và hồn nhiên.  Ký ức tự nó biết gạn lọc, chỉ giữ lại những gì nó muốn nhớ.  Ôi! Một thuở thanh bình xưa khi tôi còn hát nghêu ngao bài Tía Em, Má Em vẫn còn ở lại trong tôi.  Cũng như “Sài Gòn, Tự Do và Công Lý” luôn tồn tại trong lòng người dân phía nam vĩ tuyến 17.

TT–Thái An
7/30/2016
April 9, 2020