Lê Thị Nhị – VBHNVDBHK

Tiểu Sử

Sinh năm 1943 tại Bắc Ninh

Lớn lên ở Hà Nội

Vào Sàigon năm 1954

Tới Hoa Kỳ năm 1981

Hiện sống tại Mc Lean, Virginia, Hoa Kỳ cùng các con, các cháu.

Trong nhóm sáng lập Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn/ Nhà Việt Nam từ năm 2000

Trong nhóm chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia từ năm 2000

Chủ nhiệm nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, xuất bản tại Virginia từ năm 2000

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Ngày Về (Tập truyện, Virginia-1995)

  • Mùa Đông Hò Hẹn (Tập truyện, Virginia-1999)

  • Sóng Thời Gian (Tập truyện, Virginia- 2002)

  • Đôi Mắt Hoàng Hôn (Tập truyện, Virginia-2009)

  • Quê Hương Và Kỷ Niệm (Tuyển Tập Thơ Văn: Phượng Kiều, Vương Đức Lệ, Lê Thị Ý, Lê Thị Nhị, Virginia-2009)

Kính mời quý vị bấm vào những tiêu đề dưới đây để đọc những tác phẩm văn xuôi của  văn thi sĩ Lê Thị Nhị

Trang thơ Lê Thị Nhị

Ý Xưa

Sáng xưa trời đã vào đông

Giấc xưa ai đã hoài mong mộng vàng

Lối xưa nơi cửa địa đàng

Thề xưa nay đã bẽ bàng chia hai

Đường xưa in dấu gót hài

Trăng xưa đổ xuống, bóng dài lối đi

Mộng xưa e ấp bờ mi

Âm xưa thoang thoảng sầu tê gió chiều

Ngón xưa thon nhỏ yêu kiều

Lối xưa thủ thỉ bao điều mến thương

Gót xưa tỏa ngát trầm hương

Dấu xưa ghi một lần thương lỡ làng

Hồn xưa khóc chuyến đò ngang

Lòng xưa rung nhẹ ngỡ ngàng quạnh hiu

Thơ xưa tình cũ chắt chiu

Người xưa thấp thoáng nâng niu phím đàn.

Lê Thị Nhị

Những Mùa Thu

 

Núi cao, mây xám, lá vàng

Gió hiu hiu thổi mơ màng nhớ ai?

Thu xưa lạc lối Thiên Thai

Tay trong tay nắm gót hài reo vui

Hé môi đón những ngọt bùi

Cô đơn chừng đã ngậm ngùi bước đi

Mắt nhìn đắm đuối cuồng si

Bâng khuâng những tưởng xuân thì hồi sinh

Ơn trời mình đã gặp mình

Ơn đời mình đã thắm tình lứa đôi

Tình yêu mình đã lên ngôi

Tình yêu mình đã đâm chồi nở hoa

Thời gian lặng lẽ trôi qua…

Tình ta cũng đã nhạt nhòa dấu yêu

Thế rồi có một buổi chiều

Vàng thu lá rụng, tình yêu xa rồi…

Lê Thị Nhị

Chùa Cầu Bây

 

Về thăm quê ở Bắc Ninh

Về thăm làng cũ mái đình cong cong

Về thăm sóng lúa đòng đòng

Tả tơi trước gió long đong thân gầy

Về thăm ngôi chùa Cầu Bây

Còn đâu ao cá bên cây ngô đồng?

Còn đâu thơm ngát khóm hồng?

Còn đâu hàng sói ai trồng năm xưa?

Còn đâu chiếc võng đong đưa?

Sư Già nằm đó những trưa mùa hè

Vườn sau thiếu vắng bụi tre

Cây cau rậm lá bóng che giàn trầu

Láng giềng xưa cũ nay đâu?

Cô đơn một bóng cây cau cao gầy

Hương nhài thoang thoảng đâu đây

Chích chòe nhẩy múa trên cây vải thiều

Lung linh vạt nắng ban chiều

Vi vu gió thổi cánh diều vút bay

 

Chùa trong, xin bạch cùng Thầy

Con là đệ tử chùa này năm nao

Từ ngày còn có cái ao

Từ ngày còn có hàng rào bụi tre

Ở đây trọn một mùa hè

Nơi đây con nhớ muối mè cà tương

Sớm hôm lên chốn Phật Đường

Chú Kỳ, chú Cúc dâng hương cúi đầu

Chắp tay con cũng nguyện cầu

Quan Âm Bồ Tát nhiệm mầu chứng minh

Xin Ngài phù độ chúng sinh

Mai cho con oản xinh xinh vàng vàng

 

Chuông chùa thong thả ngân vang

Mặt trời đã lặn, chiều sang êm đềm

Cùng Thầy bước lên chùa trên

Trước ban thờ Phật tay mềm rung rung

Cuối ngày hồn bỗng rưng rưng

Cuối ngày lòng bỗng vô vùng thiết tha

Này đây là chốn quê cha

Này kia quê mẹ, nhà nhà tả tơi

 Xa xa vẳng tiếng à ơi !

Ru con yên ngủ, quên đời khổ đau.

Lê Thị Nhị

Một Ngày

Đêm nằm ôm gối hôn chăn.

Sáng mai thức dậy đi thăm sương mù.

Sương tan, thả gót lãng du,

Bâng khuâng tìm đến nơi khu rừng gần.

Cỏ cây nắng gió ái ân,

Suối reo róc rách, cảnh trần như tiên.

Sông dài nước chảy triền miên,

Đem bao thương nhớ đến miền xa xôi.

Chiều tàn dần khuất sau đồi,

Gió hôn cây cỏ, gió hôn môi mềm.

Thì ra trời đã về đêm,

Ta về, ta lại ôm mền, ôm ta.

Lê Thị Nhị

Thơ Không Đề

Lê Thị Nhị

 

Hết yêu,  anh hét em la

Đôi ta gầm thét như là Sơn Lâm

Cả hai ấm ức than thầm

Ngày xưa hai đứa đã lầm yêu nhau

Ngày vui thấm thoắt qua mau

Ngày buồn, ngày thảm, đua nhau ùa về

Tình yêu như một cơn mê

Tỉnh ra mới biết ê chề đau thương

Lang thang đi khắp phố phường

Tìm nơi trú ẩn tai ương kiếp nảy

Bơ vơ ngày lại qua ngày

Buồn tình ta lại về ngay nhà mình

Gặp nhau ta lại làm thinh

Nhịn nhau một chút lại mình lại ta

Thôi thì vui cửa vui nhà

Còn hơn gầm thét kêu la suốt ngày!

Lê Thị Nhị

Ra Mắt sách

ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN 

của Lê Thị Nhị

Ngày 10 tháng 7 năm 2011

 
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng “Nhà văn Lê Thị Nhị  là một trong những người lớn tuổi hiếm hoi có mặt thường xuyên trong những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ. Bà là người  thiết tha với văn hóa nước nhà. Với vóc dáng nhỏ bé, nhưng với ý chí kiên cường, với tấm lòng thiết tha vì dân tộc, nhà văn Lê Thị Nhị luôn luôn khuyến khích, thúc đẩy giới trẻ tham gia các hoạt động văn hóa ; đồng thời, thường xuyên sáng tác những tác phẩm giá trị trong đó Đôi Mắt Hoàng Hôn là tác phẩm thêm vào những tác phẩm văn chương đẹp mà nhà văn Lê Thị Nhị đã từng có. Những việc làm của nhà văn Lê Thị Nhị đã gắn kết với các hội văn hóa Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn  như Nhà Việt Nam, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật , Tiếng Quê Hương, và Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ …”

Luật sư Ngô Tằng Giao :  “Mười một truyện ngắn  trong ‘Đôi mắt hoàng hôn đều từ  những con người thực trong xã hội thực. Nữ văn sĩ Lê Thị Nhị muốn gửi một thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, về lòng kính trọng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đề cao tình cha mẹ với con cái. Những sách của nữ văn sĩ Lê Thị Nhị đã đắt chúng ta vào sự thực trong cảnh đời bình thường nhưng cũng làm cho chúng ta suy ngẫm và  cảm nhận được trọn vẹn thông điệp mà tác giả muốn gởi đến chúng ta.”

 

MỘT NGÀY VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH

Bài viết: Lê Thị Nhị – Ảnh: Nhất Hùng
Ngày 27 tháng 5 năm 29014 vừa qua, Cộng Đồng Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Nhà Việt Nam đã tham dự “Một Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh” do một nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ tổ chức tại Tank Farm 13906 Aden Rd., Nokesville, VA 22181.
Hai cái xe của anh Châu và Hoàng Đức Long được chất đầy ắp những vật kỷ niệm của Việt Nam: Từ ba bức tranh lớn tượng trưng ba miền Bắc Trung Nam, những cái thúng, cái sàng, cái nơm, cái giỏ…cồng kềnh cho đến những thứ be bé, xinh xinh như búp bê Việt Nam, những con trâu, những con gà, đôi quang gánh, xe xích lô…Chị Kim Oanh thì sẽ mang đàn tranh và một số vật kỷ niệm Việt Nam đến khu thương mại EDEN và cùng đi với bà con trên một chuyến xe buýt do Cộng Đồng đã thuê sẵn.
Tôi ngồi cùng xe với anh Phước, Châu và Thu Thủy, Toàn. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện thật vui vẻ về những sinh hoạt của cộng đồng, của Nhà Việt Nam. Vì nhiều đồ đạc quá nên Hoàng Đức Long và Hồng Thủy phải đi nột xe riêng, chứ nếu có một cái xe lớn thì chúng tôi đã có dịp lập…hội nghị bàn tròn, bàn vuông, bàn méo, ý kiến, ý cò lung tung xòe rồi!
Chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, xe đã rẽ vào con đường nhỏ để vào Tank Farm. Đang vui, tôi bỗng im lặng, lòng chùng xuống, nghẹn ngào và nước mắt như muốn tuôn trào khi nhìn thấy những căn lều vải, những chiếc xe tăng, xe jeep, xe GMC, trực thăng, những người lính Mỹ…
Hình như không phải tôi đang đến tham dự Một Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh do một nhóm cựu quân nhân Mỹ dàn dựng lại, để hồi tưởng những ngày họ tham chiến tại Việt Nam mà là tôi đang thực sự sống trên quê hương Việt Nam trong những ngày lửa đạn! Hay nói cho đúng hơn là thành phố Pleiku mà tôi đã sống trong thời gian 1966-1970.
Thành phố Pleiku thơ mộng của thi sĩ Vũ Hữu Định với “Phố núi đầy sương”, với “Em Pleiku, má đỏ môi hồng” không có trong tôi lúc này! Tôi chỉ thấy những cơn mưa dầm dề, những ngày nắng đẹp, gió thổi bụi bay mù mịt cả thành phố Pleiku! Tôi chỉ thấy những chiếc xe tăng ầm ầm nghiến trên con đường đất đỏ vào những ngày mưa, ngày nắng! Tôi chỉ thấy những chiếc xe chở đầy lính Mỹ nối đuôi nhau chạy qua đường phố để ra mặt trận! Có những người lính Mỹ rất trẻ, rất ngây thơ! Tôi chỉ thấy những quán bar mọc lên như nấm trên con đường Lê Lợi! Tôi chỉ thấy những em bé lem luốc, đến từ những vùng kém an ninh, ôm cái thùng gỗ nhỏ, bán thuốc lá dạo, đánh giầy cho lính Mỹ hoặc đứng xớ dớ, quanh quẩn trước các cửa hàng bán đồ kỷ niệm Việt Nam để chờ dịp ăn cắp, ăn trộm! Đêm đêm,tiếng súng đì đùng vọng lại, khi xa, khi gần! Chiến tranh không thực sự xảy ra ở thành phố này, nhưng vẫn rình râp, luẩn quất nơi đây!
Bên cạnh những hình ảnh của chiến tranh ấy, cuối đường Lê Lợi, gần khu Diệp Kính, tôi còn thấy một phòng tranh nhỏ của họa sĩ Vũ Hối và trên đường Phan Bội Châu, cửa hàng bán thuốc tây của nhà thơ Kim Tuấn, tấp nập kẻ vào, người ra. Nhà thơ Anh Hoa (Khi sang Mỹ, anh đổi tên là Hoa Văn) là đại úy thì ở trong một trại gia binh
Tôi cũng không quên quán nhạc Mimosa, nơi tôi đã đến vài lần để nghe nhạc tình, những mong quên đi được cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra quanh tôi!
Quán Bún bò nhà xác được những người sống ở Pleiku hồi đó ngưỡng mộ bao nhiêu thì tôi lại kém hứng thú mỗi lần đặt chân đến! Tôi nuốt làm sao trôi được tô bún khi ngồi ăn mà cứ thấy những người lính ngồi bàn bên, từ mặt trận trở về, nói với nhau về sự tử trận, tử thương của các chiến hữu của họ cũng như tưởng tượng ra rằng, nhà xác bên kia, những người lính chết trận đang được quấn trong mảnh vải trắng tinh! Tiếng khóc than của những bà mẹ già, những người vợ trẻ cũng như văng vẳng bên tai tôi!
Thấy tôi im lặng thật lâu, Thu Thủy hỏi:
– Cô mệt rồi hả?
Không, cô không mệt, nhưng cô xúc động trước cảnh tượng này!
Sau khi bày biện trên mấy cái bàn dài và Long chăng tấm biểu ngữ Nhà Việt Nam, tôi ngắm nghía lại một lần nữa: Thu Thủy và Toàn lo bàn mời mọi người ăn chả giò và gỏi cuốn do Cộng Đồng mua tặng. Hồng Thủy, Hoàng Đức Long đứng trước gian hàng trưng bày những vật kỷ niệm Việt Nam. Anh Phước, nghỉ cả một ngày làm để đứng trước tấm bản đồ Viêt Nam, những cuốn báo Life, những cuốn sách tiếng Mỹ có hình ảnh và bài viết về Việt Nam từ những ngày xa xưa mà anh đã sưu tầm từ nhiều năm nay. Tôi tiếc đã không mang theo cuốn Ride The Thunder của Richard Botkin.
Rời gian hàng Nhà Viêt Nam, tôi đi thơ thẩn, đến gần, thăm căn lều vải, mấy cái trực thăng, xe Jeep, xe GMC, những khẩu súng, những huy hiệu các binh chủng, những chiếc áo lính, poncho…
Tôi hỏi một cựu quân nhân Mỹ:
– Ông có từng chiến đấu ở Việt Nam không?
– Không, hồi đó tôi còn quá trẻ, nhưng bố tôi có ở bên đó năm 1968 nhưng bố tôi qua đời rồi!
Một người lính Mỹ đứng gần đấy hỏi tôi:
– Bà thấy sao? Chúng tôi cố gắng tạo ra hình ảnh những lều trại ngày xưa trên trang trại này!
Tôi mỉm cười:
– Giống lắm! Tôi đã từng ở Pleiku hồi đó và đã từng thấy cảnh trí như thế này!
Một người lính Mỹ già đứng trước căn lều vải, mỉm cười chào, khi tôi đến gần. Ông nói:
– Chúng tôi không thua trận, người Viêt Nam cũng không thua trận mà chính phủ Mỹ đã thua trận ở Việt Nam.
Tôi mỉm cười:
– Chính phủ Mỹ có lý do của chính phủ Mỹ để thua trận! Chỉ có dân Việt Nam là không muốn mà bị Cộng sản chiếm mất nước mà thôi!
Một lúc sau, một cựu quân nhân Mỹ đến thăm gian hàng của Nhà Việt Nam, sau một lúc chuyện trò, khi biết tôi đã từng ở Pleiku ông vui vẻ reo lên:
– Tôi từ North Carolina lên, trong nhóm tôi có một người đã ở Pleiku hồi đó, để tôi nói anh ta sang đây nói chuyện với bà nhé.
– Thôi được, để tôi đến nói chuyện với ông ấy và thăm chiếc trực thăng của các ông luôn!
Người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Pleiku ở camp Holloway, cho tôi biết, hội của ông vẫn bảo trợ cho một cô nhi viện ở Pleiku.
Ông đưa cho tôi một tấm danh thiếp có đề:
NCVHPA
North Carolina
Vietnam Helicopter Pilots Association

Jerry R. Seago

Tay cầm tấm danh thiếp, tôi đi trở lại gian hàng của Nhà Việt Nam, lòng thẹn với lòng và hình ảnh những người Thượng làm ruộng với tay cầy, tay cuốc… những người đàn bà Thượng địu con phía trước, cái gùi củi phía sau, nặng nhọc bước trên những con dốc hay bên bờ suối năm xưa lại hiện rõ trong tôi như vừa mới hôm qua…

Đọc Tập Truyện
“ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN”

 của Lê Thị Nhị

     ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN là một tuyển tập truyện ngắn do Kỷ Nguyên Mới xuất bản năm 2009. Tất cả khoảng 220 trang, gồm 11 truyện ngắn và thêm phần chót với tiêu đề “Chuyện Nhỏ, Chuyện To”.
CHUYỆN NHỎ, CHUYỆN TO…
     Đây là phần chót của cuốn sách, có thể tạm coi như một “phụ lục” gồm những bài viết của tác giả, đã được đăng tải từng kỳ trên nguyệt san Kỷ Nguyên Mới trong mục “Chuyện Nhỏ, Chuyện To…”      
     Tác giả tưởng nhớ đến các thân nhân đã qua đời là bố, mẹ và anh, chị (“Cúng giao thừa”) và đặc biệt tưởng nhớ đến anh ruột là nhà thơ Vương Đức Lệ (“Vĩnh biệt anh”).
     Ngậm ngùi đề cập đến lịch sử chiến tranh VN nhân xem xong 6 cuốn DVD tài liệu (“Những điều trông thấy”); nhắc nhở đến ngày 30-4 (“Còn nhớ hay đã quên?”). Nhớ lại kỷ niệm thời còn sống tại quê nhà và ngỏ ý không muốn trở về thăm quê cũ (“Qui cố hương”).
     Nói đến một số sinh hoạt của người Việt trong cộng đồng vùng thủ đô như về việc dự tính chung nhau mở nhà hàng ăn (“Ăn trùm”), sinh hoạt cộng đồng và tình trạng báo chí Việt Nam hải ngoại (“Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn”, “Làng báo Việt Nam hải ngoại bị ‘cô-ma’ ” và “Người Việt Nam không xấu xí.”).
     Nói đến sinh hoạt của các bạn trẻ VN (Trại hè về nguồn vùng Hoa Thịnh Đốn”) và  những buổi văn nghệ do hội sinh viên VN tại các trường đại học trong vùng tổ chức (“Viết cho tuổi trẻ VN.”).
ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN
     Đây là phần chính của tuyển tập gồm tất cả 11 truyện ngắn:
     1) “Đêm cô đơn”: Thùy quá chán nản vì ông chồng thời cứ  “ngồi dán mắt vào cái Ti Vi trong khi nàng làm đủ mọi việc trong nhà sau một ngày dài mệt mỏi, căng thẳng đầu óc ở sở” nên “tinh thần và thể chất bị sa sút nhiều.” Thùy viết thư tuyệt mệnh để lại và uống thuốc tự tử.
     2) “Đổi thay”: Ông Tân ở tù cộng sản mười mấy năm trời, qua Mỹ đoàn tụ gia đình với vợ con. Vợ ông đã yêu và lấy chồng khác. Ông đau đớn. Bệnh hoạn. Phải vào bệnh viện. Vợ hối hận quay lại với ông nhưng ông khước từ.
     3) “Nước mắt quê hương”: Một cô bé nghèo nàn ở một làng quê VN, phải lên tỉnh đi ở đợ. Rồi di tản qua Mỹ nhân biến cố 30-4. Sau đó vươn lên và thành công, làm chủ một “tiệm nail và uốn tóc”. Lập gia đình. Một ngày trở về thăm mẹ bị bệnh tại VN. Lòng quặn đau khi thấy cảnh tang thương nghèo nàn quê cũ.
     4) “Pháo bông đêm giao thừa”: Sau 1975 ông Trình đi ở tù cải tạo, để lại vợ trẻ mới cưới có 2 tháng. Khi được phóng thích về thời thấy vợ đã lấy 1 tên cán bộ cộng sản. Vượt biên qua Mỹ ông Trình đi làm hai job. Gặp cô bé Dạ Thảo ở cùng khu chung cư. Rồi quen gia đình cô bé và bố mẹ cô bé là ông bà Chu. Một ngày cuối năm ông bà Chu mời qua nhà ăn. Bất ngờ gặp lại vợ cũ. Mới biết Dạ Thảo là con mình mà vợ cũ đã cho ông bà Chu làm con nuôi từ khi còn nhỏ tại VN. Nay vợ vượt biên qua. Hai người tái hợp.
     5) “Tình đẹp như mơ”: Ông Tân qua Mỹ thấy vợ đã lấy người khác và con cái đã trưởng thành. Ông sống độc thân, đi học, đi làm. Quen bà Hằng, góa chồng có con cái ở riêng. Hai người hợp nhau và đi đến kết hôn.
     6) “Yêu muộn”: Thụy gặp lại Tuyền bạn cũ bất ngờ đến thăm. Thụy tâm sự là chồng về VN “có đào nhí” và về “đưa đào nhí đi đẻ”. Chồng viết thư qua Mỹ thú thật mọi sự và xin vợ tha thứ “Anh chỉ xin em quên đi người chồng bội bạc này và vui sống với các con, các cháu.”
     7) “Người đàn bà mất trí nhớ”: Một bà mẹ già buồn vì cách đối xử của con cái. Bà cụ nằm nghe các con bàn tính “… mỗi người mỗi ý, chưa biết quyết định làm sao trong việc chăm sóc cho mẹ. Bỏ mẹ vào bệnh viện tâm thần thì không nỡ! Giữ mẹ ở nhà thì quả là quá tốn kém và phiền phức”. Bà cụ vẫn còn tỉnh táo, vẫn nhớ lại hình ảnh quê cũ, nhưng nghĩ “Giá mà bà quên được. Quên được tất cả, như một người mất trí nhớ để có thể sống với những người điên trong bệnh viện tâm thần thì hạnh phúc cho bà, cho các con của bà biết là chừng nào.
     8) “Tuổi ngọ, tuổi mùi”: Quỳnh đã từng ly dị chồng, nay mang kinh nghiệm bản thân ra để cố vấn cho một người bạn là Trang cũng đang bị chồng bỏ bê.
     9) “Người mẹ hạnh phúc”: Chồng bị đi tù cải tạo, bà Thanh mang 5 con vượt biên qua Mỹ. Năm con đều thành tài. “Năm mảnh bằng bác sĩ của các con mà bà Thanh treo trên tường, trong phòng khách, không phải gia đình nhà nào cũng có được!”. Rồi được tin chồng ra tù, ở lại VN lấy vợ khác. Con cái lớn khôn, ra ở riêng dần dần. Chẳng đứa nào mời bà về ở chung. Bà cô đơn, buồn chán, vào ở nhà già bắt đầu viết văn, làm thơ rồi tham gia vào các công tác xã hội.
     10) “Buổi chiều quạnh hiu”: Trang dạy học ở Pleiku, yêu chàng sĩ quan tên Trúc rồi mang bầu. Trúc về thăm gia đình ở miền Trung năm 1972 rồi biệt tích luôn. Trang lấy 1 lính Mỹ và theo chồng về Mỹ. Một ngày Trang về VN dò la tin tức Trúc. Gặp lại anh ruột của Trúc mới hay Trúc hồi đó vì chữ hiếu phải theo lời mẹ để lấy vợ với một đám cưới chạy tang. Sau đó Trúc ở tù và chết trong trại cải tạo.
     11) “Nụ hôn đêm giao thừa”: Luân lân la làm thân với ông Viễn để mong lấy được Nương, người ở cùng nhà, mà ông giới thiệu là em gái. Thật ra ông Viễn về VN lấy Nương làm vợ nhưng: “Trải qua vài tháng mặn nồng tình chồng vợ, sau một cơn bạo bệnh, ông Viễn mất đi khả năng làm chồng, để cho tuổi xuân của Nương qua đi trong lạnh lùng, buồn tẻ.”  Thương xót Nương ông Viễn hy sinh giả đóng vai anh để tìm cho Nương một người chồng.”
*
     Dàn trải trong suốt tập sách, tác giả cho những nhân vật trong truyện của mình gửi đến người đọc những suy nghĩ, những quan niệm về một số vấn đề cả về mặt tâm linh, đạo đức, tình cảm lẫn chính trị và xã hội.
     1) Trước hết về mặt tâm linh truyện nhấn mạnh rằng cuộc đời này là “vô thường”, là tạm bợ, nên một ông chồng qua Mỹ đoàn tụ với gia đình đã có suy tư: “Hình như, cả vợ con ông, cũng không còn là của ông. Hình như, hình như… tất cả đã đổi thay theo năm tháng!”  Rồi lại nghĩ “cuộc đời như những dòng sông và con người như những đám mây vần vũ trên bầu trời xám mênh mông…” (Đổi thay, tr.17)
     Về mặt đạo đức, truyện đề cao sự “nhân nghĩa” “lòng vị tha” khi đề cập tới thái độ của một gia đình Mỹ nói với người tị nạn VN trẻ tuổi mà họ đỡ đầu: “Con đừng lo đền đáp công ơn cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn, sau này, có dịp, con sẽ lại giúp đỡ những người khác, khi họ cần đến con.” (Nước mắt quê hương, tr.32)
      Hoặc truyện bà Thanh buồn vì đám con cái tuy thành đạt cả nhưng lại không chăm sóc trả nghĩa cho mẹ: “Ngày ngày, bà Thanh đi xe buýt đến làm việc thiện nguyện cho một bệnh viện để thấy rằng mình còn sống, còn giúp ích được cho xã hội và nhất là để tạ ơn cái xứ Mỹ này đã rộng mở vòng tay đón nhận và nuôi dưỡng bà, ngay cả khi bà tuổi già, sức yếu.” (Người mẹ hạnh phúc, tr.127)
     Còn xưa kia cô giáo Trang phải đi dạy học ở Pleiku đã không buồn lòng vì quá xa nhà mà chỉ nghĩ rằng: “…những học sinh ở một tỉnh đèo heo hút gió thì cần tới nàng hơn là những học sinh ở các thành phố lớn” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.131)
     2) Về mặt tình cảm, truyện đề cao đến “tình yêu quê hương” qua lời ông Viễn ngày 30 Tết thở dài mà nói với người khách trẻ buồn nhớ về VN: “Cậu còn trẻ, có ít kỷ niệm với VN mà còn như thế, nói gì chúng tôi. Thú thật với cậu, từ ngày sống ở nước ngoài, tôi chưa có một cái Tết nào vui.” (Nụ hôn đêm giao thừa, tr.147)
     Đề cao “tình mẫu tử” qua lời một bà mẹ viết lại trước khi tự vẫn: “Giây phút cuối cùng của đời mẹ, mẹ sẽ nghĩ đến các con với muôn vàn thương yêu trìu mến” (Đêm cô đơn, tr.5). Hoặc tình cảnh của một bà mẹ không chồng: “Bà đã sớm hôm vất vả, quên cả thân mình, để lo cho các con trong hoàn cảnh ‘vừa làm cha, vừa làm mẹ’…” Bà hy sinh trong cuộc sống “Để nuôi được một đàn con khôn lớn, bà đã như một con gà mẹ, xoè cánh ra để ấp ủ đàn con, tận tụy, kiên trì, bới tìm từng hạt thóc rơi, gạo vãi. Bà đã như thân cò lặn lội đầm ao, nhặt từng cái tôm, cái tép…” (Người mẹ hạnh phúc, tr.117)
     Đề cao “nếp nhà đáng quý” nên kể rằng bà Hằng khi thấy con cái của chủ nhà loay hoay trong bếp chuẩn bị thức ăn cho khách của bố, bà đã nói với người bạn mình là ông Tân “Thời nay, và ở xứ Mỹ này, những gia đình còn giữ được lối sống như vậy hiếm hoi lắm!” (Tình đẹp như mơ, tr.74)
     Hoặc khi thấy con cái của Thụy làm ăn khá giả đã mua nhà cho mẹ ở, bạn của Thụy là Tuyền đã “mừng cho bạn vì có được một đàn con hiếu hạnh, đã biết bù đắp cho bố mẹ những nỗi cơ cực, khổ đau trong những ngày bố bị tù tội và mẹ lặn lội kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng, chắt chiu từng đồng, lo cho chúng vượt biển.” Rồi Tuyền nói: “Lũ con mày ngoan thật đấy. Thời buổi này, có được con ngoan kể như là trúng số độc đắc vậy!” (Yêu muộn, tr. 81)
     Đặc biệt về “tình yêu nam nữ”, truyện đã đưa ra những quan niệm khá lý thú đáng phải suy ngẫm như khi cho ông Tân nói với bà vợ tuy bà ấy đã yêu người khác, đã bỏ mình, bây giờ lại muốn trở về: “Trong đời, chúng ta có thể yêu nhiều người, nhưng tất nhiên không phải yêu cùng một lúc mà trong những giai đoạn khác nhau. Nếu không như thế, thì không phải là yêu.” Ông Tân còn nhấn mạnh: “Sống với một người mà mình không yêu thì thật là bi thảm.” (Đổi thay, tr.25 và 26)
     Trong một truyện khác kể rằng ông Trình đi ở tù cải tạo về thì vợ đã lấy cán bộ cộng sản, ông vẫn tâm sự với bạn: “Vợ tôi bỏ tôi đi lấy kẻ thù mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn yêu cô ấy ông ạ. Ông bảo tôi có điên không chứ?” (Pháo bông đêm giao thừa, tr.51)
     Truyện ông Tân không chấp nhận người vợ đã phản bội, nay thương ông đau bệnh nên muốn trở lại, ông nói: “Tình yêu là một sự đáp ứng, không thể là một sự thương hại” (Tình đẹp như mơ, tr.63)
     Truyện Trang có chồng Mỹ êm ấm nhưng vẫn nhớ đến người yêu xa xưa “…hình ảnh Trúc vẫn luôn luôn ám ảnh nàng.” … “Có thể vì nàng yêu. Có thể vì nàng giận. Có thể, với người chồng dị chủng, từ đáy thẳm của lòng, vẫn có sự khác biệt, nên nàng nhớ tới người tình xưa cho ấm áp cuộc đời.” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.130)
     3) Cuối cùng, về mặt chính trị và xã hội, truyện phô bày ra những tư tưởng “chống cộng” một cách tích cực.
     Ông Tân, tù cải tạo, đi Mỹ đoàn tụ gia đình, nghĩ: “Thực ra, ai mà chẳng muốn thoát khỏi cái đất nước Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản.” (Đổi thay, tr.14); “những tháng năm dài sống câm nín, chịu đựng trong lao tù, dưới chế độ cộng sản, đã làm cái lưỡi của ông ríu lại và những ngôn từ cũng đã trốn biệt nơi nào khiến ông vô cùng lúng túng…” (tr.19)
     Hay truyện một bà vợ được chồng và con khuyến cáo về ý định trở về thăm quê hương: “Nhớ nhà, nhớ quê thì nhớ, nhưng Việt Cộng còn đó, thì chẳng nên về!” (Nước mắt quê hương, tr.33)
     Hoặc truyện Ông Trình đã từng có nhiều kinh nghiệm thương đau khi ở tù cải tạo, nay đã thoát ra nước ngoài, phát biểu: “Thực ra thì phải nói là từ khi tôi được ra khỏi nhà tù nhỏ mới đúng vì theo tôi, cả đất nước Việt Nam từ sau năm 1975 chỉ là một nhà tù lớn.” (Pháo bông đêm giao thừa, tr.47)
     Tuyền nói với bạn: “…ở Việt Nam, vấn đề đạo đức chó nó nhá hết rồi, nên con gái trẻ măng ra mà làm đĩ làm điếm thiếu gì. Đôi khi cả con nhà lành cũng ‘xuống đường’ nữa.” (Yêu muộn, tr.82)
     Và cuối cùng là tâm trạng của Trang từ Mỹ về thăm lại quê hương, nhìn xã hội mới quá thoái hoá, buồn nghĩ: “Xa xa, ngang tầm mắt của nàng, một lá cờ đỏ với ngôi sao vàng đang bay phất phới trên nóc của một cao ốc với ánh đèn lấp lánh sáng trưng. Nàng thầm nghĩ, nếu không có lá cờ kia, thì thành phố này đáng yêu biết là dường nào!” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.134)
*
     Nhà văn Lê Thị Nhị đã từng cho ra mắt bạn đọc ba tập truyện ngắn: “NGÀY VỀ” (1996), “MÙA ĐÔNG HÒ HẸN” (1999) và “SÓNG THỜI GIAN” (2002). Dàn trải trong suốt ba tập truyện ngắn này, mỗi tập gồm 12 truyện, người đọc cảm nhận được một số điều mà tác giả muốn gửi gấm như đề cao tình yêu quê hương, đề cao quân nhân chế độ cũ tại miền Nam VN, vạch trần thực trạng đau buồn của xã hội VN sau năm 1975, cực lực lên án chiến tranh, đề cao tình mẫu tử và đưa ra một quan niệm khá thực tiễn về tình yêu nam nữ, về chân hạnh phúc.
     Với tập truyện mới “ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN” (2009) nhà văn Lê Thị Nhị đã lại một lần nữa khéo léo nhờ những nhân vật trong truyện thổi bùng lên ngọn lửa nồng trong tình yêu quê hương; bộc lộ niềm kiêu hãnh và bày tỏ sự tri ân các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời vạch trần ra những tệ đoan xã hội ở trong nước, lên án chế độ Cộng Sản, lên án chiến tranh và nêu cao ước vọng hòa bình.
     Nhà văn cũng đề cao nền đạo đức khi nhấn mạnh đến nhân nghĩa, đến lòng vị tha, đến tình mẫu tử, đến cách bộc lộ chữ hiếu của con cái trong gia đình với cha mẹ. Nhà văn tuy ủng hộ sự tự do có tính cách giải phóng trong tình yêu nhưng vẫn chê trách những kẻ thiếu tình nghĩa thủy chung trong mối liên hệ vợ chồng và dưới lăng kính của tôn giáo đưa ra những suy tư thanh thoát về cái “vô thường” trong kiếp sống con người.
     Nhiều tài liệu biên khảo về thể loại truyện ngắn thường cho rằng “truyện ngắn là sản phẩm của tưởng tượng”. Tiếc rằng kết luận này không đúng với các truyện ngắn của Lê Thị Nhị. Dường như hầu hết các truyện ngắn của tác giả đều là những mảnh đời thực sự hiện hữu với những nhân vật ta thường gặp ngoài xã hội. Các tình tiết trong truyện không có tính cách hư cấu mà là những cuộc sống bình thường. Với một văn phong bình dị nhưng trong sáng, sắc bén, truyện mãi còn vương vất trong lòng người đọc và làm khởi lên những suy nghĩ khôn nguôi! Tất cả những thông điệp mà nữ văn sĩ Lê Thị Nhị muốn gửi gấm đến độc giả đã được người đọc cảm thụ trọn vẹn đúng như Lâm Ngữ Đường đã từng viết trong “Một quan niệm về sống đẹp” rằng: “…sách hay là sách dắt ta vào cái cảnh giới trầm tư chứ không phải chỉ tả sự thực mà thôi”.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
                                                                    ( Virginia, USA, tháng 7 năm 2011)
________________________________________________

 

Truyện ngắn 

Mùa Thu Ngà Ngọc

Tác Giả :Lê Thị Nhị

Diễn đọc: Huỳnh Trung Trực và Nam Anh

 

 

 

Truyện ngắn 

Vợ Hiền và Quê Hương

Tác Giả :Lê Thị Nhị

Diễn đọc: Yến Linh

Truyện ngắn 

Suối Tương Tư

Tác Giả :Lê Thị Nhị
Diễn đọc: Kiều Loan và Hạnh Nhân

 

Nhà văn Lê Thị Nhị luôn tiên phong trong những phong trào văn hóa Việt Nam trong vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng thường đứng đàng sau “hậu trường” hay ẩn danh tính

 


Mùa Đông Hò Hẹn

 

Lê Thị Nhị

  • Hello! Hello! Em nhận ra tiếng ai đây không?

Hương ngẩn người ra, tay run run cầm điện thoại.

Nàng thấy giọng nói quen quen. Nhưng không lẽ…

Ba mươi năm rồi, một thời gian quá dài để một người đàn ông cho một cuộc tình đi vào quên lãng, để một người đàn bà không hạnh phúc, ôm ấp kỷ niệm xưa.

  • Anh đây, Hưng đây em!

Hương đáp, giọng xúc động:

  • Em nhận ra tiếng anh. Nhưng em tưởng mình đang ngủ mơ.

  • Ngày xưa, em ngủ mơ, nên không biết là anh yêu em nhiều. Bây giờ, em ngủ mơ, nên không biết là anh đang lo lắng nhiều cho em.

  • Làm sao mà anh biết được em đang nằm bệnh viện?

  • Em ở đâu? Đời sống vui buồn ra sao? Anh phải biết chứ! Chỉ tiếc là lúc này anh ở xa em quá, xa quá!

  • Anh nói chuyện ấm ớ kiểu mấy ông Bắc Kỳ, coi chừng sau khi chết, em hiện hồn lên, bắt anh đi theo luôn đấy.

  • Lúc sống, em chẳng bắt anh. Chờ tới khi chết em mới bắt. Thôi thì cũng được, như vậy chẳng ai làm phiền mình hết.

Hương cười ròn tan

  • Anh nhớ nhé! Thế là em khỏi phải hát bài “Đừng Bỏ Em Một Mình” của Minh Đức Hoài Trinh và Phạm Duy nữa.

  • Giọng cười và tiếng nói của em vẫn như xưa.

  • Nhưng, tóc em đã bạc, da em đã nhăn, mắt em đã mờ và em đang…chuẩn bị đi sinh hoạt với giun.

  • Anh không thể tưởng tượng được những điều em vừa nói. Anh vẫn thấy cô bé Hương lộng lẫy trong những buổi  khiêu vũ gia đình của Đà Lạt năm xưa. Anh vẫn thấy cô bé Hương mặc áo len đỏ, chạy tung tăng nơi thác Prenn năm nào. Còn nữa, anh vẫn thấy cô bé Hương  hét ầm lên, ôm chặt lấy anh khi thấy con sâu từ cành cây rơi xuống, bám vào một sợi tơ, đong đưa trước mặt, trong khu vườn mận ở trại hầm.

Hương cười ngất:

  • Già rồi mà anh vẫn còn khờ. Hồi đó, em giả bộ sợ sâu để ôm anh đó. Ngốc ơi là ngốc!

  • Em đừng tưởng bở. Hôm đó, anh cũng giả vờ không biết để cho em ôm anh đấy.

Cả hai cùng cười vang, rồi Hưng nói tiếp:

  • Hôm đó, anh cũng ngốc thật! Lúc được em ôm, anh quýnh cả lên, quên cả hôn em. Về nhà, anh cứ tiếc mãi!

  • Em thì…bực cả mình. Vì em đã cố quẹt một que diêm lên rồi mà anh lại để cho nó tắt ngúm.

  • Bây giờ mà gặp nhau thì anh sẽ là người quẹt que diêm.

  • Em sẽ dập tắt ngay vì em không thích bị đốt, nóng lắm! Em muốn được nằm dưới thảm cỏ xanh mượt trong nghĩa trang hơn.

  • Em nói bậy vừa thôi nghe! Số em còn nặng nợ lắm, chưa chết được đâu.

  • Bác sĩ bảo bệnh em không khá. Tuy nhiên em vẫn yêu đời, nhưng chết cũng không sao anh ạ. Em sẽ được biết thế giới bên kia như thế nào. Thế giới này, em biết hết rồi.

  • Còn nhiều điều em chưa biết. Chẳng hạn, một ngày rất gần, anh sẽ sang thăm em. Chẳng hạn, em chưa biết anh đang ở đâu? Đời sống ra sao? Và…tóc anh đã rụng hết chưa?

Hương giật mình khi nghe Hưng nói sẽ đến thăm. Nàng không biết chàng ở đâu. Nhưng chắc là xa xôi lắm. Từ nãy, giọng nói ấm áp và những lời lẽ ân cần, dí dỏm của Hưng đã đưa nàng về với khung trời kỷ niệm của tuổi hoa niên, đã đem lại cho nàng những nụ cười trên đôi môi khô héo. Bây giờ, chàng lại hứa sẽ đến thăm, khiến Hương vô cùng cảm động. Hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Nàng với tay, lấy một miếng khăn giấy trên cái bàn nhỏ kê ở đầu giường, chậm nước mắt. Sợi dây chuyền nước biền lòng thòng, những vệt bầm tím trên cánh tay khẳng khiu và những cơn đau nhức nhối nơi vết mổ như nhắc nhở nàng tới hoàn cảnh của mình trong hiện tại. Hương nói nhanh, giọng nghẹn ngào:

  • Em không muốn gặp anh đâu. Nói chuyện điện thoại với nhau là vui rồi!

  • Em không muốn nhưng anh muốn. Anh đã quyết định rồi. Thôi, em ngủ ngon nhé. Bây giờ, ở bên em là mười giờ khuya, người bệnh phải đi ngủ sớm. Ngày mai anh sẽ gọi lại.

Hai máy điện thoại được gác xuống. Và trong một khoảnh khắc, ở hai phương trời cách biệt, dĩ vãng ngà ngọc của mối tình thơ mộng như một cuốn phim quay nhanh trong hai mái đầu tóc đã điểm sương…

 Cuối Thu, trời Đàlạt hơi lạnh. Mới chập tối, sương mù đã bao phủ khắp nơi. Trên đồi cao, ngôi biệt thự của gia đình  bác sĩ Nguyễn rực sáng ánh đèn, từ trong nhà, ngoài vườn cho tới đầu ngõ. Các cô, các cậu xúng xính trong những bộ quần áo lộng lẫy, diêm dúa và ấm áp, vào ra tấp nập. Tiếng nhạc, tiếng cười nói vang lên trong căn phòng khách sang trọng, rộng mênh mông. Hôm nay là tiệc mừng sinh nhật thứ mười sáu của Bạch Cúc, con gái duy nhất của ông bà Nguyễn. Bạn bè của nàng được mời tới tham dự thật đông đảo.

Khi Hương cùng ấy người bạn vừa bước chân vào nhà thì Bạch Cúc đã la lên:

  • Con khỉ, mày tới trễ quá! Báo hại tụi tao phải trang trí và cắm hoa đến bây giờ mới xong.

Hương nhìn mấy bình hoa, cằn nhằn:

  • Tao đã bảo để việc ấy cho tao mà. Tao làm nhanh lắm, lo gì!

Ngừng một lúc, Hương tiếp:

  • Chúng mày ra hái cho tao thật nhiều cúc trắng vào đây. Bỏ những loại hoa màu mè này đi.

Như hiểu ý  bạn, các cô không một lời phản đối, chạy ùa ra vườn.

Chỉ một lúc sau, những bình hoa trắng tinh khiết, trình bày rất đẹp đã nằm rải rác khắp phòng.

Bạch Cúc gật gù bảo Hương:

  • Con này khá! Lát nữa tao sẽ giới thiệu cho mày một anh chàng đẹp trai, con nhà giầu, hỏi giỏi, đàn hay, chịu không?

Hương cười ha hả:

  • Có một anh chàng như thế thì mày đã hớp hồn anh ấy rồi, đâu còn đến phần tao!

  • Mày ngu như con bò! Yêu nhau đâu phải chỉ vì những thứ bề ngoài ấy. Còn tính tình nữa chứ. Tao không hợp với anh ấy, nên mới nhường cho mày. Nhưng mà tao bảo đảm một trăm phần trăm là mày với anh ấy sẽ chịu nhau lắm.

Hương đưa tay lên ngực, nói đùa:

  • Chưa gì mà tim tao đã đập loan cả lên, lát nữa, gặp anh chàng, chắc tim tao rớt luôn ra quá!

Bạch Cúc, Hương và các bạn cùng cười vang khiến mấy anh đang chuẩn bị nhạc ở góc phòng ngơ ngác, một anh hỏi:

  • Các cô có gì vui, cho tụi này cười với!

Bạch Cúc láu táu:

  • Cô nàng Hương đang lo lát nữa tim cô ta rớt ra khỏi lồng ngực đây này.

Mấy anh nhao nhao, nói cùng một câu:

  • Tôi sẽ nhặt gay, bỏ vào túi, làm của riêng.

Bạch Cúc cười khanh khách:

  • Nghèo mà ham! Lát nữa, nhất định sẽ có một người nhặt được trái tim của nàng Hương. Nhưng không phải là các anh đâu! Tôi nói trước để quý vị đừng thất vọng.

Hương bâng khuâng vì những lời nói của bạn. Bất giác nàng mỉm cười, đưa tay vuốt mái tóc cong cong buông lửng ngang vai và nhìn xuống cái áo đầm dài ngang đầu gối, màu vàng nhạt, xòe tung ra. Nàng nghĩ thầm: “ Áo này lát nữa nhẩy valse thì thật tuyệt vời”

Bỗng có tiếng Bạch Cúc reo lên:

  • A! Anh Dũng, anh Hưng! May quá, em đang mong các anh, để tập hát trước khi khách đến đây. Các ca sĩ sẵn sàng cả rồi, chỉ chờ nhạc sĩ Hưng ngồi vào đàn thôi!

Hương nhìn ra phía cửa. Ánh mắt nàng chạm phải đôi mắt mơ màng của một anh chàng cao lớn, đẹp trai. Hương nghĩ thầm “ Anh chàng này quả đúng như lời quảng cáo của Bạch Cúc.”

Bạch Cúc vui vẻ nói:

  • Xin giới thiệu, đây là anh Hưng, lính mới tò te, vừa chuyển trường từ Saigon lên, nhờ các bạn chăm sóc giùm. Anh Dũng thì nổi tiếng quá rồi, khỏ phải giới thiệu. Còn đây là bọn em,năm con bạch mã: Bạch Cúc, Thu Hồng, Tuyết Hương, Hồng hạnh, Thùy Trang, đang chờ anh Hưng để tập hát.

Dũng đùa:

  • Các cô hét chứ đâu có hát mà cần tập với nhạc sĩ? Nhất là bài “Ngựa Phi đường Xa” thì là bài tủ của các cô rồi.

Tất cả mọi người đều cười vang sau câu nói đùa của Dũng.

Hưng hòa nhập với cái không khí vui tươi của các bạn thật nhanh. Một lúc sau, chàng đã ngồi trước cây dương cầm đen bóng lộng. Tiến đàn, tiếng hát vang lên làm cho căn phòng thêm ấm áp.

Sau  khi tập xong những bài hợp ca, đơn ca đã định sẵn. Bạch Cúc cao hứng đề nghị:

  • Hôm nay là ngày đặc biệt, cô nàng Hương phải đơn ca một bài. Mọi người có đồng ý như vậy không?

Cả bọn nhao nhao:

  • Đồng ý! Đồng ý!

Hương nhéo vào cánh tay Bạch Cúc:

  • Con khỉ, tao có hát một mình bao giờ đâu?

Bạch Cúc nheo mắt:

  • Thì hôm nay hát, thế mới đặc biệt chứ!

Hưng quay qua nhìn Hương, nói:

  • Giọng cô Hương trong và cao lắm, đơn ca để các bạn có dịp thưởng thức chứ!

Hương bối rối trước đôi mắt mơ màng của Hưng. Nàng ngập ngừng:

  • Nhưng mà Hương không chuẩn bị, đâu có biết hát bài gì bây giờ?

Bạch Cúc như nhớ ra, reo lên:

  • Hương hát bài “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối mà năm ngoái hai đứa mình song ca đó.

Hương mừng rỡ bảo Bạch Cúc:

  • Hay là hai đứa mình cùng hát.

Bạch Cúc từ chối:

  • Hương phải hát một mình. Anh Hưng bảo mày đơn ca để bạn bè thưởng thức giọng oanh vàng của mày mà.

Hương ngượng  ngùng đưa mắt nhìn Hưng rồi nói với các bạn:

  • Bây giờ là mùa Thu mà Bạch Cúc bắt tôi hát bài về mùa Xuân, thật không hợp chút nào cả.

Hưng nói như ra lệnh:

  • Tuổi trẻ chúng mình, lúc nào cũng là mùa Xuân cả.. Hương chuẩn bị hát, tôi dạo đàn nhé.

Hương như bị thôi miên bởi đôi mắt Hưng và tiếng dương cầm lả lướt  của chàng như dìu nàng vào một thế giới khác. Một thế giới không còn ai, chỉ còn đôi mắt mơ màng và đôi tay nhẩy múa trên những phím đàn đen bóng, trắng ngà. Trong mơ hồ, Hương cất cao iếng hát:

“ Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui tới…”

Khi Hương ngừng hát, tiếng vỗ tay vang dậy cả căn phòng.

Thế là thiên tình sử của Hưng và Hương bắt đầu từ đấy. Thác Prenn, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu…đã là nhân chứng cho những cuộc hò hẹn, những vòng ôm, những môi hôn say đắm…

Ngày vui qua mau, trước ngày Hưng lên đường qua Pháp du học, trên đồi vắng, những cây thông già đã hân hoan reo vui, nghe đôi tình nhân thì thầm hẹn ước.

Những cánh thư đầy ắp thương yêu, nhớ nhung, qua lại như bươm bướm mùa Xuân, đã mang họ lại gần nhau hơn mặc dù xa cách nghìn trùng.

Rồi những cánh thư đến từ Kinh Đô Ánh Sáng thưa dần. Hưng nói là chàng bận rộn lắm. Hương bắt đầu hoài nghi sự chung thủy của người yêu và của chính nàng. Nàng cũng không còn đủ tình yêu Hưng  để mà từ chối những đón đưa, những buổi dạ vũ gia đình tưng bừng náo nhiệt. Tuy vậy, lúc đầu, chỉ thỉnh thoảng Hương mới đi dự tiệc cùng các bạn và nàng cố gắng hết sức để tránh những liên hệ tình cảm với các bạn trai. Nhưng rồi một ngày, Hương đã ngã vào vòng tay của Quỳnh sau một thời gian dài Quỳnh chiều chuộng, theo đuổi.

Mối tình Quỳnh- Hương được kết thúc bằng một đám cưới. Được tin Hương lấy chồng, Hưng viết cho nàng một bức thư cuối cùng, rồi chàng ở lại Pháp làm việc, không về Việt Nam nữa.

Tuy không liên lạc với Hương, nhưng Hưng vẫn thăm hỏi tin tức của Hương qua các bạn cũ. Về phần Hương, cuộc hôn nhân với Quỳnh đẩy sóng gió và nước mắt càng làm cho nàng ân hận vì quyết định vội vã của mình. Vợ chồng Hương vẫn sống ở Đà Lạt, nhưng từ sau ngày cưới, Đà Lạt đối với Hương không còn thơ mộng  nữa mà trở nên buồn hiu hắt. Nàng thường ngồi bên hồ Than Thở, khi có cơ hội, để tìm những phút giây cho riêng mình. Nàng cũng thường nắn nót chép những vần thơ của T.T.Kh. với nỗi xúc động dâng tràn:

“Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi người ấy có buồn không?…”

 

Hương mặc một chiếc áo ngủ bằng nhung màu rượu chát, dài lượt thượt tới gót chân. Nàng đứng bất động bên khung cửa sổ. Ngoài kia, bầu trời xám xịt. Một vài chiếc lá vàng khô còn sót lại bám cứng trên những cành cây trơ trụi, đang lảo đảo, lắc lư. Gió thổi mạnh. Có những chiếc lá rơi vèo xuống, nằm cô đơn trên thảm cỏ xanh.

Nhìn cảnh vật tiêu điều của một buổi chiều mùa đông, một nỗi buồn tha thiết xâm chiếm tâm hồn Hương. Đã ba mươi năm qua, nàng vẫn ôm cái phao dĩ vãng để mặc cho đời mình trôi theo dòng đời bão nổi.

Khi cuộc hôn nhân của nàng và Quỳnh tan như bong bóng trời mưa, như sương mù buổi sớm, sau khi di tản sang Mỹ được vài năm, thì hình ảnh Hưng và những ngày vui bên nhau cũng vẫn là nguồn an ủi vô biên cho nàng. Rồi Hương nằm bệnh viện. Bất ngờ, Hưng điện thoại thăm hỏi. Dĩ vãng lại ào tới như một cơn lốc, thổi tung đi nỗi cô đơn mênh mông và cơn bệnh đau tim trầm trọng của nàng. Và hôm nay, lát nữa đây, hai người sẽ gặp lại nhau nhân dịp Hưng đến công tác tại tiểu bang này. Hương hồi hộp chờ đợi từ mấy ngày hôm nay. Mặc dù, đã nhiều lần nàng thuyết phục Hưng để chàng hủy bỏ cuộc gặp gỡ. Trong thâm tâm, Hương không muốn cuộc sống bình lặng của hai người bị xáo trộn. Nàng cũng chẳng cần tìm sự thương hại nơi chàng. Hơn nữa, từ bao năm nay, họ vẫn có nhau trong tâm hồn, vẫn cùng tưởng nhớ về quá khứ mộng mơ. Như thế, chẳng hạnh phúc lắm rồi hay sao? Bây giờ, gặp lại, có thể hai người sẽ vô tình làm mờ đi những kỷ niệm đẹp ngày xưa.

Nhưng gần tời giờ hẹn rồi, không thể nào thay đổi được nữa. Nàng bật đèn, kéo màn che kín cửa sổ như muốn bỏ lại mùa đông ở đằng sau. Anh sáng bừng lên, rọi vào bức màn cửa màu xanh nhạt với những đóa hoa cúc trắng tinh đã mang lại vẻ vui tươi cho căn phòng.

Hương vừa đi vào phòng ngủ để trang điểm, vừa nghêu ngao hát:

 “ Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui tới…”

Hương cầm cây bút chì đen, nắn nót kẻ đường viền quanh mắt, tô đậm đôi lông mày. Trong gương, nàng thấy bàn tay gầy guộc của mình, gân xanh  nổi lên chằng chịt. Những nếp nhăn trên khuôn mặt rõ mồn một, mặc dù nàng đã bôi một loại kem đặc biệt và đánh phấn phủ lên, để che đi dấu vết của thời gian. Duy chỉ có mái tóc là tạm được, vì nàng mới nhuộm tuần trước. Hôm nay nàng lại chải rất khéo nên trông bồng bềnh như  suối tóc ngày xưa. Màu áo đen tuy làm nổi bật nước da trắng, nhưng trông nàng hơi gầy. Mà có lẽ nàng gầy thật, sau cuộc giải phẫu. Hương ngắm bóng mình rồi bâng khuâng nghĩ tới cuộc hò hẹn với Hưng. Địa điểm chàng chọn để găp nhau, chứng tỏ, chàng vẫn thế: Cẩn trọng từng lời nói, từng hành động. Ngày xưa nàng không ưa tính ấy của chàng, vì nàng thích sống cởi mở, hồn nhiên. Nhưng bây giờ thì trái lại, chính nàng cũng dè dặt từng li từng tí. Ngay cả việc gặp lại Hưng, nàng cũng suy nghĩ cả tháng trời. Nàng bị giằng co giữa tình cảm và lý trí. Con tim nàng, muốn được thấy lại Hưng, muốn gục đầu vào vai Hưng mà khóc .Khối óc nàng, biết rằng cuộc đời như một dòng sông, vai Hưng đã mỏi và nước mắt nàng cũng đã cạn khô.

Trước khi ra xe, Hương còn hí hoáy viết một tấm thiệp rồi bỏ vào ví. Trên đường đi đến nơi hẹn, Hương lơ đãng nhìn bầu trời thật thấp, thật gần, những ngọn đèn đường hắt ra những tia sáng vàng vọt giữa không gian xam xám. Hai dòng xe cộ ngược xuôi với ánh đèn vàng, đỏ, trôi nhanh, tưởng như chẳng bao giờ gặp gỡ.

 

Lấy hành lý xong, Hưng rảo bước ra phía ngoài. Trời hôm nay thật lạnh. Hưng mặc mấy lần áo và một cái áo khoác dài bằng nỉ dầy mà vẫn run lập cập. Chàng leo vội lên một chiếc xe Taxi đậu bên lề đường. Hưng nhìn đồng hồ: “ Còn những hai tiếng nữa mới tới giờ hẹn.” Chàng bảo tài xế chở về khách sạn cất hành lý rồi mới tới nơi hẹn với Hương. Trên xe, Hưng nhấp nhổm ngồi không yên. Chàng liếc nhìn một đoàn xe, nối đuôi nhau, bò bò trên con đường dẫn ra ngã rẽ vào xa lộ. Hưng cười chính mình vì sự náo nức gặp lại Hương. Chàng tưởng như chàng đang ở lứa tuổi mười tám, chờ Hương bên hồ Than Thở với gói đậu phọng rang năm nào. Chàng không ngờ, trải qua một thời gian dài cùng bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, chàng vẫn không thể quên được Hương và những kỷ niệm yêu dấu cũ. Nhiều lần, chàng đã tự hỏi: “Đó có thực là tình yêu hay chàng cố ý tạo ra cảm giác ấy để cuộc đời buồn tẻ của chàng thêm ấm áp?” Nếu chàng hạnh phúc bên vợ, thì tâm tình chàng có còn như ngày hôm nay?”

Chiếc xe chạy vun vút trên xa lộ. Dưới bầu trời âm u, rừng cây trơ lá hai bên đường vươn những cánh tay khẳng khiu, ngả nghiêng theo từng cơn gió thổi. Hưng đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ. Bàn tay chàng chạm phải làn da nhẵn trơn trên đỉnh đầu. Mùa đông của đất trời và mùa đông của cuộc đời chợt mang lại cho Hưng một nỗi buồn nhè nhẹ.

Ba mươi năm rồi, từ ngày lấy Nga, chàng sống trong một hạnh phúc giả tạo. Lòng chàng, chỉ riêng chàng biết. Nỗi buồn của chàng, chỉ riêng chàng hay. Bạn bè, bà con, ai cũng bảo chàng hạnh phúc: giầu sang, vợ đẹp, con ngoan.

Nhưng nào ai biết được, kể cả Nga, sự xa cách vời vợi giữa hai vợ chồng đã khiến chàng dở sống, dở chết. Đã khiến chàng sống như một người máy. Tuy vậy, chưa bao giờ chàng nhen nhúm ý tưởng ngoại tình hoặc bỏ vợ. Bởi vì, đối với chàng, gia đình đầm ấm là cái nôi êm cho các con chàng khôn lớn,

Hôm nay, Hưng đếnthành phố này để gặp Hương, không phải vì chàng đã quên cái nguyên tắc sống ấy. Nhưng chàng biết, sự có mặt của chàng ở đây, lúc này, là cần thiết. Cần thiếtt cho Hương và cho chính bản thân chàng. Bờ vai chàng, sẽ làm nỗi khổ đau chất chồng qua năm tháng của Hương vơi đi. Ánh mắt nàng, sẽ như một đốm lửa, thắp sáng đời sống cô đơn triền miên của chàng. Mục đích cuộc gặp gỡ này, chỉ có thế, không thể nào khác được. Chàng tránh tời thăm nàng tại nhà và đắn đo mãi khi chọn điểm hẹn cho hai người. Chàng cũng chẳng phàn nàn vì công việc sở sẽ rất bề bộn. Vì chàng sợ sự nhàn rỗi sẽ làm cho đời chàng và Hương lắc lư như con thuyền trên dòng sông trong những ngày gió bão.

Thêm một buổi hẹn hò, thêm …một chút gì để nhớ, cùng với những kỷ niệm xưa, chàng nghĩ, như thế cũng quá đủ để sưởi ấm lòng nhau.

Người bồi mặc bộ quần áo màu đen với cái nơ đỏ trên cổ áo chemise trắng, giúp Hưng cởi áo khoác ngoài, treo trên mắc. Anh ta đưa chàng vào một cái bàn ở góc phòng, ngăn cách hẳn với những bàn phía ngoài bởi hai bức tường thấp. Thoạt trông, bức tường tưởng như bằng đá nhưng thực ra làm bẳng một thứ vật liệu rất nhẹ, có thể di chuyển dễ dàng. Thực khách hãy còn thưa thớt vì chưa tới giờ cơm tối. Và dĩ nhiên, Hương của chàng cũng chưa có mặt. Một anh chàng Mỹ còn rất trẻt trẻ, ngồi bên chiếc dương cầm lớn, màu đen, bóng loáng. Đầu anh gật gù, mình anh lắc lư theo điệu nhạc, Những ngón tay anh như đang nhẩy múa trên phím đàn. Hưng lắng nghe những âm thanh, khi rộn rã như tiếng suối reo, khi thì thầm như gió thoảng. Chàng mỉm cười hài lòng vì chàng đã chọn nơi hò hẹn thật thanh lịch và thơ mộng. Bỗng người bồi bàn ban nãy, đến bên, trao cho chàng một phong thư:

  • Thưa ông, một tiếng đồng hổ trước, có một bà đến đây, nhờ đưa thư này cho ông.

Người bồi quay đi. Hưng mở nhanh phong thư. Một tấm thiệp với cảnh mùa đông Washington D.C., tuyết trắng mênh mông, phía sau có mấy hàng chữ:

“ Anh thân yêu,

Ngày xưa, em chẳng bắt anh .Hôm nay, em cũng…tha cho anh đấy! Mai này, sau khi em chết, em sẽ…bảo lãnh anh. Như vậy, chẳng ai làm phiền mình hết. Thôi thì, cứ như vậy, anh nhé! Khi anh đọc những giòng chữ này thì em đang lái xe trên xa lộ để đi New York thăm mẹ em. Suốt chặng đường dài, em sẽ nghêu ngao hát: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồi vui tới…” Mặc dù em vẫn biết, mùa đông đang vây kín xung quanh chúng ta.

Em

Hương

Hưng cẩn thận cất tấm thiệp vào túi áo. Chàng lầm lũi đi ra khỏi hiệu ăn. Chàng mường tượng ra một chiếc xe nhỏ đang chạy bon bon trên xa lộ dài hun hút dưới bầu trời tối đen và đầy gió lạnh.

Lê Thị Nhị

Hà Nội, Thành Phố Trong Hồi Tưởng

Từ trong đáy thẳm của tâm hồn, mỗi người tong chúng ta đều có một nơi để mà thương, mà nhớ.
Nơi chốn ấy, có thể là nơi ta cất tiếng khóc đầu đời, trải qua nhiều năm tháng của tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm.
Nơi chốn ấy, có thể là ngôi làng xưa với bóng đa xanh ôm ta ngày bé, có thể là thành phố cũ với những con đường hồng trời hoa phượng nở, vàng chiều ngợp lá me bay.
Nơi chốn ấy, có những con đường tình ta đi, có những lối mòn ta hẹn tới, e ấp mộng ban đầu…
Nơi chốn ấy, ta muốn tìm về, ta muốn gửi gấm biết bao niềm thương, nỗi nhớ.
Nơi chốn ấy, có thể mờ nhạt theo lớp bụi thời gan, theo những thăng trầm của dòng đời xôn xao sóng vỗ, từng trang sử phế hưng. Nhưng đôi khi, chỉ một thoáng nhớ, một giây phút liên tưởng cũng đủ đưa ta về với ngào ngạt hương hoa, với nồng nàn kỷ niệm.
Chiều nay, một buổi chiều chớm thu, gió heo may lại về với bầu trời trong xanh, ngàn cây thay sắc áo. Tôi thơ thẩn đi dạo trên bờ sông Potomac êm đềm, làn nước lăn tăn gợn sóng. Trong cái se se lạnh của một mùa thu nơi đất khách, tôi thấy lòng nao nao nhớ về những chiều thu Hà Nội với hồ Gươm của một thời trẻ dại năm xưa. Này là đền vua Lê u sầu, tĩnh mặc, này Tháp Rùa soi bóng nước xanh, này đền Ngọc Sơn cổ kính, này cầu Thê Húc cong cong…ẩn hiện trong màn liễu rủ quanh hồ.
Vào những ngày có mưa phùn bay bay, giăng giăng khắp nẻo, những cô gái Hà Thành duyên dáng trong những tấm áo nhung đủ màu sắc, đổ xuống từ phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, , Cầu Gỗ, Trường Thi…Các cô đi dạo bờ hồ để thưởng thức cái thú đi trong mưa, để hưởng cái lành lạnh của gió heo may đưa về. Màn mưa mỏng và nhẹ như hơi sương. Mưa không ướt áo, mưa không ướt mặt, mưa chỉ làm hồn xuân các cô phơi phới khi nghe các chàng trai Hà Nội tán tỉnh:
“Yêu em góp cả mưa phùn lại
Nhốt kín em vào trong giấc mơ”
Hà Nội không chỉ có hồ Gươm mà còn có hồ Trúc Bạch rộng mênh mông và hồ Tây mịt mù khói tỏa. Có một thời, hồ Tây còn được gọi là hồ Mù Sương:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Sương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chầy Yên Thái mặt gương Tây hồ”
Thuở xa xưa lắm, hồ Tây còn được gọi là hồ Lãng Bạc. Lãng Bạc xưa kiêu hùng với trận thủy chiến vẻ vang, Hai Bà Trưng đánh quân Mã Viện của triều Đông Hán cũ. Hàng năm, cứ đến ngày mồng sáu tháng hai, ngày giỗ Hai Bà, dân Hà Nội lại đến Đền Hai Bà ở làng Đồng Nhân để làm lễ tưởng niệm hai vị anh thư lừng danh kim cổ.
Hồ Tây cũng là nơi cuộc tình Nguyễn Trãi – Thị Lộ khởi đầu với những vần thơ đối đáp:
“Ả ở đâu đi bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Hỏi có có chồng chưa, được mấy con?
Và:
“ Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu ấy hết hay còn.
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”
Nguyễn Trãi, một công thần nhà Lê, nằm gai nếm mật, giúp Lê Lợi dựng nghiệp nhưng sau đã bị chu di tam tộc. Vụ án này mãi mãi là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.
Gần hồ Tây có Cổ Nguyệt Đường, nơi mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống, đã sáng tác những vần thơ bất hủ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Ngoài những hồ nước mênh mông giữa lòng thành phố, Hà Nội còn có biết bao danh lam thắng cảnh với một khí hậu ôn hòa của bốn mùa xuân hạ thu đông. Có lẽ vì lý do ấy nên vua Lý Thái Tổ đã xuống chiếu dời đô về Thăng Long năm 1010.
Như vậy, Hà Nội đã tròn một ngàn tuổi vào năm 2010 và đã bước vào câu lạc bộ những thành phố ngàn tuổi của thế giới với Jerusalem, Bagdad, Rome, Bắc Kinh, Kyodo, London, Paris.
Một ngàn năm, Thăng Long hay Đông Đô hay Tây đô hay Đông Kinh hay Hà Nội trải qua bao mùa hưng phế nhưng những di tích lịch sử vẫn ngạo nghễ với thời gian: Gò Đống Đa còn vang vọng tiếng trống Hạ Hồi vua Quang Trung đánh đuổi quân nhà Thanh thuở trước.
Chùa Một Cột được xây cất từ đời vua Lý Thái Tông là một kiến trúc thật độc đáo! Ngôi chủa thờ Phật Quan Âm, xây theo hình hoa sen trên một cột đá thật lớn, quanh chùa là hồ nước trong xanh, thả sen trắng van hồng. Ngôi chùa này đã nhắc nhở ta nhớ tới sự hưng thịnh của đất nước trong bốn trăm năm dưới triều đại nhà Lý.
Văn Miếu với những tấm bia ghi tên những nhân tài thuở trước đã là gương sáng cho hậu thế noi theo…
Hà Nội đẹp như tranh vẽ với núi Nùng, sông Nhị, Đền Voi Phục, chùa Láng…và những con đường nhỏ được ôm ấp bởi những hàng bàng, hàng sấu ngát xanh. Những con đường trải nhựa bóng láng nhờ những bác phu quét dọn buổi sáng sớm tinh mơ và xe vói rồng phun nước vào những buổi trưa hè oi ả. Những mái nhà lợp ngói âm dương cũ rêu phong cổ kính:
“Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại Tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây »
Hà nội được coi như đất ngàn năm văn vật, được coi như Trường An của ta. Hà Nội gạo trắng nước trong, người người thanh lịch :
« Không thơm cũng thể hoa nhài
Không người thanh lịch cũng ngưởi Tràng An »
Hà Nội có ba mươi sáu phố phường:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai…”
Các tiểu thư Hà Nội thường “bát phố” Hàng Ngang, Hàng Đào để ngắm một rừng tơ lụa, gấm vóc nhập cảng từ Pháp, từ Thượng Hải bên Tàu. Khi “bát phố” các cô chỉ mặc áo dài hàng vân hoặc lụa Hà Đông với quần lụa trắng. Tiếng guốc khua vang trên hè phố nghe thật vui tai khiến các chàng trai cũng không thể bỏ lỡ dịp lẽo đẽo theo sau, thật là:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
Vào những dịp Tết Trung Thu, Hàng Đường, tưng bừng kẻ qua người lại. Những gian hàng bán bánh dẻo, bánh nướng rực sáng dưới ánh đèn đêm nhấp nháy Những bảng hiệu lớn vẽ cung vàng điện ngọc, cô tiên gẩy đàn, Hằng Nga, Chú Cuội…khiến ta như lạc vào cảnh thần tiên diễm ảo. Hàng Mã là thế giới của tuổi thơ với một rừng lồng đèn muôn màu, muôn sắc, muôn hình muôn dạng: lồng đèn ngôi sao, cá chép, tàu bay, tàu thủy, con bướm, con voi, con ngựa… Những đèn con bướm, con thỏ…bằng sắt tây, đẩy kêu leng keng và những con giống, những mâm ngũ quả làm bằng bột, nhỏ xíu, đã làm cho những đôi mắt bé thơ sáng long lanh, miệng cười như hoa nở.
Hà Nội có năm cửa ô: ô Quan Trưởng, ô Cầu Giấy, ô chợ Dừa, ô Cầu dền, ô Đông Mác, đã được thi sĩ Vũ Hoàng CHương ví như một đóa hoa năm cánh.
Từ các vùng phụ cận, những người dân đổ vào các cửa ô để vào thành phố làm việc hoặc buôn bán. Họ gánh rau, đậu, quà bánh, hoa quả…đi bán rong khắp các phố phường với tiếng rao lanh lảnh. Hàng quà là bạn thiết của tuổi thơ. Buổi sáng có bánh mì nóng dòn, ba tê xúc xích, không muối như mưa trả lại tiền, cháo đậu xanh, cháo sườn, bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoai, xôi lúa, xôi lạp sường…Mùa thu thì có thêm cốm , những hạt cốm xanh non được gói bằng những chiếc là sen thơm thơm của những cô gái làng Vòng được dân Hà Nội chờ đón và say sưa thưởng thức! Buổi trưa có tào phở, lục tào xá…buổi tối có chè đậu đen, chè đậu xanh. Những người khá giả hơn, có chỗ ngồi ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Châu Long…
Nhắc đến phố Hàng Da, ta lại nhớ đến căn nhà số 5, nơi Phạm Quỳnh, linh hồn của tạp chí Nam Phong , một thời đã sống để ngày ngày đi bộ đến làm việc ở hội Khai Trí Tiến Đức, ngay bên hồ Gươm, cuối đường Hàng Trống. Ta lại nhớ đến căn nhà số 80 phố Quan Thánh, góc phố Quan Thánh và phố Hàng Bún, cái nôi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nơi mà nhà văn Khái Hưng đã viết văn, làm báo. Có sự liên tưởng ấy vì tạp chí Nam Phong, nhóm Tực Lực Văn Đoàn đã có công rất lớn đối với nền văn học nước nhà và Phạm Quỳnh, Khái Hưng, hai nhà làm văn hóa đã có những tác phẩm giá trị về cả hai phương diện văn chương và tư tưởng đã chịu chung một số phận đau thương là bị Cộng sản giết vào năm 1945, 1947.
Hà Nội ngàn năm văn vật, Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Hà Nội năm cửa ô xưa, là thành phố trong hồi tưởng của tôi.
Văng vẳng bên tai tôi là âm hưởng của “Mưa Sài gòn, Mưa Hà Nội”, một ca khúc của Phạm Đình Chương, phổ thơ của Hoàng Anh Tuấn:
“ Mưa mùa thu, năm cửa ô sầu hiu hắt trong ngục tù, tủi thân nhớ bao ngày qua. Mưa ngùi thương nhòa trên dòng sông Hồng Hà. Ôi còn đâu vàng son mùa thơ hiền hòa. Đau lòng Tháp Rùa, Thê Húc bơ vơ, thành đô xác xơ. Cô liêu trong nỗi u hoài. Lòng người sống lạc loài, thê lương mềm vai gầy, bao oan trái, dâng tê tái. Cho kiếp người héo mòn tháng ngày…”
Hà Nội trong tôi là Hà Nội của những ngày tháng cũ, những ngày tháng, năm cửa ô không “ sầu hắt hiu trong ngục tù’ vì chưa có “Mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Những ngày tháng Hà nội còn có thể là nguồn cảm xúc dạt dào của biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…đã có những áng thơ văn mượt mà viết về Hà Nội. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ cảnh trí Hà Nội với tất cả tấm lòng. Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, Nguyễn An Ninh, Cao Đàm. Cao Lĩnh đã thu lại biết bao hình ảnh tuyệt vời của Hà Nội để hôm nay, những người Việt xa quê hương cả nửa vòng trái đất có thể nhìn ngắm cảnh Hà Nội để mà thương ,mà nhớ và để tiếng tơ lòng thổn thức với lời ca của Vũ Thành trong bản nhạc “Giấc Mơ Hồi Hương”:
“Lìa xa, thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về…
Lê Thị Nhị

Kính  mời quý vị nghe truyện ngắn

Mùa Xuân Gặp Gỡ của Lê thị Nhị

 

 

Mùa Xuân Gặp Gỡ

Lê Thị Nhị

Hương vừa chợp mắt được một lúc thì chuông điện thoại reo vang. Nàng nhìn đồng hồ rồi với tay nhấc máy:

–  Hello!

Đầu dây bên kia, tiếng Ngà rối rít:

-Hello! Mẹ còn thức hả? Con đoán là mẹ đang làm thơ, có đúng không?

Hương đáp, giọng ngái ngủ:

– Một giờ khuya rồi, còn thơ với thẩn gì nữa. Mẹ đang ngủ, con đánh thức mẹ dậy đấy chứ!

Ngà cười khúc khích:

– Mẹ xạo! Mẹ sợ con la là mẹ đi ngủ trễ phải không? Hôm nay, đặc biệt, con không la mẹ đâu.

–  Sao mà hôm nay con tốt với mẹ quá vậy ? Có gì vui hả ?

– Dạ ! Con được sở cho ở lại New York một tuần nữa, mỗi ngày chỉ phải làm buổi sáng thôi nên con đã mua vé máy bay để mẹ lên đây chơi, ở khách sạn với con rồi chiều chều mẹ con mình đi phố.

– Con điên à ? Mẹ còn phải đi làm chứ ! Xin nghỉ gấp quá, sở họ không cho đâu.

– Mẹ yên tâm, con xin phép xếp của mẹ qua điện thoại rồi. Ngày mai vào sở, mẹ sẽ biết.

– Con đúng là điên !

– Trong cuộc sống, đôi khi cũng nên điên một chút mới thú vị mẹ ạ !

Hương hơi khựng lại vì câu triết lý vụn của con gái, nàng cười :

– Ừ, thì mẹ nghe con, điên một tí, xem có gì thú vị không nhé ? Ít nhất, cũng được ở ké khách sạn sang trọng với con, phải không ?

– Hay lắm ! Thế là mẹ tiến bộ rồi đấy ! Mẹ lấy giấy bút, ghi nhé. Thứ Sáu, mẹ đi chuyến bay 218 của hãng American Airline, khởi hành lúc năm giờ chiều tại phi trường Reagan. Vé của mẹ có sẵn ở phi trường. À, mẹ nhớ mặc áo khoác nhung màu đỏ nhé, nhỡ con kẹt, con sẽ nhờ người ra đón.

– Con khỏi lo, mẹ lấy Taxi về thẳng khách sạn là được rồi.

– Đâu có được ! Nhỡ mẹ bị ông nào bắt cóc thì sao ?

– Con nói gì mà nghe hạnh phúc quá vậy ?

– Hạnh phúc hay không là do mẹ đấy ! Ai đời ở thế kỷ thứ hai mươi mốt rồi mà mẹ đã không đi tìm để bắt hạnh phúc lại còn trốn chạy nó nữa, thật là mẹ quê quá đi thôi !

Nghe Ngà nói, Hương cười ròn tan :

– Ôi ! Sao bữa nay con lại cao hứng, mở « cua » dạy mẹ thế này ?

Đầu dây bên kia, Ngà cười khúc khích :

– Về tình trường, mẹ còn phải học hỏi nhiều lắm ! Thời đại này, các bà, các cô cũng chủ động trong việc tìm bồ, tìm chồng, chứ không ngồi đấy chờ dài cổ ra mà ngâm nga : « Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?» như phụ nữ ngày xưa đâu, mẹ ơi !

– Thế con đã tìm được anh nào chưa ?

– Chưa ! Nhưng cũng chỉ nay mai thôi. Con mới gặp lại một anh bạn cũ ở trên này, coi bộ được lắm! Thôi, mẹ ngủ ngon nhé. Hẹn gặp mẹ thứ Sáu.

– Ừ, mẹ chúc con ngủ ngon.

Hương đặt điện thoại xuống, mỉm cười nghĩ tới chuyến đi bất ngờ mà con gái đã sắp xếp cho mình. Nàng đã quá quen thuộc với cái tính bốc đồng và ưa quyết định mọi việc trong gia đình của con gái.

Ảnh hưởng bởi nền giáo dục và xã hội Mỹ nên Ngà không có dáng vẻ của một cô gái Việt Nam dịu hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai, tóc thề thả gió lê thê mà các thi, văn, nhạc sĩ thuở trước thường nhắc đến trong các tác phẩm của họ.

Ngà đi như chạy, tóc cắt ngắn gọn gàng, nói năng mạnh bạo, thẳng thắn. Khi cần tranh luận thì cãi lý tới cùng để giành phần thắng về mình. Ngà học ra học, chơi ra chơi, làm ra làm chứ không mơ màng thơ thẩn như khi Hương còn trẻ và ngay cả bây giờ nữa.

Hồi các con còn bé, sau khi ly dị với Quỳnh, mặc dù bản chất của Hương mềm yếu nhưng nàng đã phải như con gà mẹ, gồng mình lên, xòe cánh ra để cho đàn con nương náu. Nhưng từ ngày các con khôn lớn, con người thật của Hương trở về, và chính các con đã là điểm tựa cho nàng trong lúc tuổi già, xế bóng.

Gia đình Hương không có sự xung đột giữa hai thế hệ vì thường thì Hương tôn trọng ý kiến và lối sống của các con. Nàng không bao giờ bắt các con phải làm thế này, thế nọ, theo ý của mình. Nàng thường lẩn thẩn nghĩ: “ Những điều mình biết, những điều mình làm, những điều mình cho là đúng, đã chắc gì là đúng? Thôi thì các con đã lớn, đủ trí khôn rồi, hãy cứ để chúng tự tìm lấy con đường mà đi cho thích hợp với thời đại này, xã hội này.”

Hương cũng biết, ở đời sống này, có rất nhiều điều mà Hương không chấp nhận được, nhưng nàng cũng chẳng thắc mắc nhiều. Vì Hương đã già, mà người già thì chỉ sống với quá khứ và hầu như quên hẳn hiện tại, tương lai.

Quá khứ của Hương, có cuộc sống vợ chồng đầy sóng gió với Quỳnh mà nàng muốn quên.

Quá khứ của Hương có mối tình mặn nồng với Hưng mà nàng muốn nhớ.

Trong tâm, trong trí Hương, luôn luôn lung linh, rực rỡ hình ảnh thành phố Đà Lạt sương mù với những cuộc hẹn hò, với những vòng ôm siết chặt, với môi hôn say đắm, trên đồi thông, bên hồ Than Thở, nơi thác Prenn hùng vĩ…Và cũng từ đáy thẳm của lòng Hương, đôi khi dấy lên một niềm bâng khuâng tiếc nuối về sự lỗi hẹn của Hưng trong buổi hò hẹn vào mùa Đông ở Washington DC hai năm về trước.

Năm và tháng cứ lạnh lùng trôi. Quá khứ ngọc ngà mà Hương ấp ủ vẫn mãi mãi chỉ là những bóng hình đã qua, càng ngày càng xa tít tắp.

Chiếc máy bay nhỏ và cũ kỹ của hãng American Airline dành cho những đường bay ngắn, sau hơn một tiếng đồng hồ nhồi lên nhồi xuống đã hạ cánh xuống phi trường Kennedy.

Hương đẩy cái vali nhỏ có bánh xe, cùng đoàn người đi như chạy trên lối đi hẹp nối liền từ máy bay vào phòng đợi. Vừa đi Hương vừa tự hỏi không biết Ngà có ra đón nàng được không hay phải nhờ người khác? Hương cũng mỉm cười không hiểu vì sao Ngà lại dặn nàng mặc áo khoác nhung đỏ mà không phải là màu khác?

Còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì Hương đã thấy bên ngoài lố nhố những người đứng đợi thân nhân. Lẫn trong đám đông những người ngoại quốc cao lớn và xa lạ, một khuôn mặt  và dáng người quen quen hiện ra khiến tim Hương như muốn ngưng đập. Mắt nàng mở lớn kinh ngạc!  Hưng đang đứng ngoài kia! Hưng của một thời yêu đương nồng nàn, khắng khít. Hưng của những lá thư tình dài lê thê viết từ Kinh đô ánh sáng gửi về Đà Lạt như bươm bướm mùa xuân.

Khi nhìn thấy Hương, Hưng chạy lại bên nàng, ngạc nhiên một giây rồi ôm chầm lấy Hương, giọng tràn đầy xúc động:

-Thì ra Ngà nhờ anh đi đón em!

Hương gục đầu vào vai Hưng, như nàng đã từng mơ ước từ lâu. Rồi hai giọt lệ lăn dài trên má. Nàng hỏi nhỏ:

– Tại sao lạ thế này? Anh quen Ngà hồi nào vậy?

Hai người buông nhau ra. Bốn mắt nhìn nhau như  muôn ngàn lời kể lể. Hưng đẩy va li cho Hương, nắm tay nàng, vừa đi vừa nói:

– Mình phải về khách sạn ngay kẻo cô bé Ngà tưởng anh bắt cóc em thì phiền lắm! Ra xe, anh kể đầu đuôi câu chuyện cho em nghe.

Vừa bước chân vào phòng ăn điểm tâm của khách sạn, Hưng đã giật mình chú ý tới một cô gái tóc đen, cắt ngắn, mặc bộ áo màu tím nhạt, đang đứng lấy thức ăn bên cái bàn dài kê sát tường. Hưng thầm nghĩ “ Chắc chắn là người Á Đông rồi đây, nhưng không biết là người nước nào? Nếu là Việt Nam thì hay quá!”

Hưng lấy thức ăn rồi đi về phía cô gái. Cái dáng dấp mảnh mai và nét mặt nhìn nghiêng với sóng mũi thẳng khiến cô gái có một vẻ đẹp thanh thoát.

Cô gái quay lại, mỉm cười, nói với Hưng bằng tiếng Việt rất rõ ràng:

– Chào ông Hưng, ông cũng xuống đây ăn sáng ư?

Hưng ngỡ ngàng trước vẻ tự nhiên và quen thuộc của cô gái. Chàng cũng cười và hỏi:

– Chào cô! Tại sao cô lại biết tên tôi thế nhỉ?

 Cô gái cười tinh nghịch:

– Vì ông ở bên cạnh phòng tôi và chúng ta sẽ còn phải gặp nhau trong một tuần nên tôi phải điều tra cho kỹ về ông chứ!

– À, thì ra cô là đồng nghiệp của tôi. Xin lỗi cô, tên cô là gì nhỉ? Và cô đã điều tra được những gì về tôi thế ?

– Tên tôi là Ngà. Nhưng tôi không phải là đồng nghiệp của ông mà là nhân viên dưới quyền ông. Theo sự điều tra của tôi thì ông đến từ California để huấn luyện một khóa đặc biệt cho nhân viên ở vùng này. Khi đến phi trường Kennedy, ông mướn cái xe Mercedes màu đen, có đúngkhông ?

Hưng cười thành tiếng :

– Cô tài thật ! Nhưng còn một điều cô không biết, đó là tôi đang muốn đi thăm thành phố này và rất cần một người như cô hướng dẫn.

Cô gái lắc đầu :

– Ông chọn lầm người rồi vì tôi đến từ Washington D.C. chứ không phải là dân ở đây.

– A ! Cô ở D.C. hả ? Cách đây hai năm tôi cũng tới D.C. làm việc trong hai tuần. Không chừng tôi gặp cô hồi đó rồi cũng nên. Thảo nào tôi thấy cô quen quen.

– Dạ thưa ông không phải vậy đâu. Tôi mới chỉ vào làm việc cho hãng này một năm nay thôi.

Hưng nghe cách nói chuyện rồi nhìn vào đôi mắt tròn và sáng của cô gái, chàng thấy cô  ta giống Hương , người yêu xưa của chàng một cách kỳ lạ. Chàng nói :

– Nếu chưa gặp thì cô giống một người bạn gái của tôi hồi tôi còn trẻ, ở Đà Lạt.

Cô gái cười thật tươi :

– Nếu tôi muốn ngồi cùng bàn với ông để ăn điểm tâm và nghe ông kể chuyện  tình của ông ở Đà Lạt  có được không ? Tôi vẫn thắc mắc muốn biết ngày xưa quý vị tán nhau như thế nào và tình tứ ra sao ?

– Ngồi cùng bàn để ăn sáng thì được. Nhưng kể chuyện tình thì tôi xin miễn. Còn nếu cô muốn biết ngày xưa chúng tôi tán nhau như thế nào và tình tứ ra sao thì cô hỏi bố mẹ cô là biết ngay ấy mà !- Mẹ tôi xưa như trái đất ! Mỗi lần hỏi, mẹ tôi ngượng ngượng, không chịu nói và lảng sang chuyện khác.

– Thế thì hỏi bố cô.

– Tôi không hợp với bố tôi nên ít nói chuyện, nhất là ba cái chuyện tình ái vớ vẩn.

– Thế thì cô phải đọc truyện dài, truyện ngắn của các tác giả thời đó.

– Tôi đọc tiếng Việt không hiểu nhiều nên lười. Vả lại cũng không có- thời giờ, thành ra chỉ còn mỗi một cách là ông nhận lời yêu cầu của tôi thôi.

– Chuyện tình mà mình trân quý thì tôi nghĩ không ai mang đi mà kể lung tung được.

– Úi chà ! Thế thì mối tình của ông chắc là lâm ly, bi đát lắm phải không ? Hôm nay ông từ chối, nhưng tôi vẫn hy vọng ông sẽ đổi ý vào những bữa ăn sắp tới.

Hưng đáp lại Ngà bằng một nụ cười hiền hậu. Càng nói chuyện với Ngà, Hưng càng thấy cô giống Hương của chàng hơn ba mươi năm về trước. Cũng cái miệng xinh, nói ríu rít như chim, cũng sóng mũi thẳng, cũng đôi mắt tròn và sáng, cũng nước da trằng hồng. Nếu không có những người ngoại quốc mắt xanh tóc vàng và cách xưng hô ông ông, tôi tôi của Ngà thì Hưng đã tưởng mình đang ngồi đối diện với Hương  của những ngày xa xưa ấy. Bỗng nhiên, Hưng cảm thấy Ngà như một người thân quen từ lâu chứ không phải mới vừa gặp gỡ. Chàng ngập ngừng nói :

– Nếu tôi đề nghị cô gọi tôi là bác hay chú và xưng là cháu cho thân mật có được không ? Chắc cô cũng chỉ hơn con tôi một vài tuổi.

Ngà cười rạng rỡ :

– Được quá đi chứ bác. Thật ra cháu cũng không thích xưng hô ông ông, tôi tôi với người lớn tuổi, nhất là những người mà cháu quý mến. Nghe xa lạ và có vẻ không tôn trọng người đối diện.

Hưng giải thích :

-Cách xưng hô của người Việt hơi phiền phức thật, nhưng bác cho là rất hay. Lúc sơ giao thì thể hiện sự ngăn cách, xa lạ. Khi thân rồi thì thể hiện sự gần gũi, thân mật. Chẳng hạn như bây giờ, bác với cháu đã xưng hô với nhau như người trong cùng một gia tộc.

Ngà cười vui :

-Có điều đặc biệt là không hiểu tại sao bác với cháu lại « đốt giai đoạn » nhanh quá !

Cò lẽ kiếp trước cháu là cháu của bác thật, hoặc vì ở đây chỉ có hai bác cháu mình là người Việt Nam da vàng mũi tẹt nên cảm thấy gần gũi nhau hơn.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Hưng và Ngà đã có nhiều dịp chuyện trò vì Hưng cho Ngà đi nhờ xe đến sở để Ngà khỏi phải lái xe trên đường phố đông đúc của thành phố New York. Và cũng đúng như lời tiên đoán của Ngà, cuối cùng thì Hưng cũng kể về mối tình của mình cho Ngà nghe. Nghe xong, Ngà xuýt xoa :

-Chuyện tình của bác lâm ly bi đát thật ! Mà sao bác yêu lâu quá vậy ? Thời nay, chúng cháu yêu nhau say đắm đấy nhưng khi tan vỡ rồi thì quên ngay, chẳng còn một tí tình cảm nào nữa cả. Có lẽ vì vậy mà thế hệ chúng cháu cho rằng việc lấy những người đã từng có vợ, có chồng là không thành vấn đề

.-Thời bác, những trường hợp như thế hiếm hoi lắm. Lấy nhau rồi, dù không hạnh phúc cũng phải cố gắng mà ở với nhau, không dám ly dị vì sợ dư luận chê cười.

 – Cháu thấy sống mà không hợp nhau, không thương nhau thì thà ly dị, chứ gia đình mà như cái nhà tù thì chán chết !

Tối thứ Năm, Ngà gọi điện thoại cho Hưng, giọng thật vui :

-Hello ! Bác Hưng đó hả ? cháu Ngà đây. Chiều mai đáng lẽ cháu phải đi đón mẹ cháu ở phi trường vì cháu mời mẹ cháu lên chơi rồi cùng về với cháu mà cháu lại phải đi ăn cơm tối với mấy người bạn cũ nên cháu muốn nhờ bác đón giùm mẹ cháu, được không bác ?

-Tại sao cháu không hẹn bạn tối thứ Bảy để ngày mai đi đón mẹ cháu ? Bác thì không ngại giúp cháu, nhưng cháu đi chơi với bạn mà không đón mẹ, cháu có sợ mẹ cháu giận không ?

Cháu không dời lại được vì trong nhóm có một người từ Pháp sang, thứ Bảy họ phải trở về Pháp rồi. Với lại, cháu biết là mẹ cháu sẽ không giận cháu đâu. Chỉ cần bác bằng lòng giúp cháu thôi.

Hưng vui vẻ :

-Thế thì để bác đón giùm cũng được.

Ngà reo lên :

-Dạ, cảm ơn bác nhiều lắm ! Bác cứ đưa mẹ cháu về phòng của cháu. Có thể lúc đó cháu cũng về nhà rồi nhưng cháu cũng sẽ để chìa khóa dưới tấm thảm trước phòng, lỡ bác về sớm hơn cháu ! Bác lấy bút ghi nhé, mẹ cháu mặc áo khoác nhung màu đỏ, đi chuyến bay 218 của hãng hàng không American Airline, đến phi trường Kennedy lúc 6 giờ 15.

Kể tới đây, Hưng quay sang nhìn Hương mỉm cười :

-Em nghĩ là cô bé vô tình hay cố ý nhờ anh đi đón em đây ?

Hương thắc mắc :

-Trong lúc nói chuyện với Ngà anh có nhắc đến tên em hoặc Ngà có nghi ngờ gì về sự liên hệ giữa chúng mình không ?

-Không em ạ ! Ngà còn gặng hỏi anh địa chỉ của em để đến thăm xem tóc em có « lơ thơ tơ liễu buông mành »và trán có nhiều nếp nhăn như anh không ?

Hương nhớ đến buổi hẹn hò hai năm về trước, nàng mỉm cười giải thích :

-Cũng vì nghĩ mình già nua xấu xí nên em không đến gặp anh trong lần hẹn nhau ở D.C. đấy ! Hồi ấy, em thảm hơn bây giờ nhiều.

– Bây giờ, anh thấy em đẹp lão đấy chứ ! Và chúng mình đẹp đôi như ngày xưa vậy !

Hương cười khúc khích :

 -Ừ, đẹp đôi lắm ! Chúng mình có thể cùng nhau hợp ca bản nhạc « Răng Rụng Xuống Cầu » rồi đấy anh ạ !

Hưng cười vang :

 -Em nói chuyện vẫn dí dỏm như xưa. À, em còn hát « Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui tới… » giữa mùa đông giá lạnh của D.C. không ?

Còn chứ ! Mỗi lần ngắm tuyết rơi hoặc nhìn bầu trời xám ảm đạm, em lại bật đèn sáng trưng khắp nhà và hát bài « Xuân Và Tuổi Trẻ » của La Hối hoặc bài « La Vie En Rose » để tưởng như mình đang vui và còn trẻ.

Hưng đưa bàn tay phải, siết mạnh tay ngườu yêu. Chàng biết nàng cô đơn và buồn lắm ! chàng thầm mong ước, chàng có thể đem đến cho nàng một chút ấm áp muộn màng trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Chàng cũng tự hỏi, việc vợ chàng đang ngoại tình là điều may hay rủi trong đời chàng ? Trước khi gặp Hương, Hưng vẫn có ý định tha thứ cho vợ để tránh cảnh gia đình tan vỡ, ảnh hưởng không tốt cho các con. Bây giờ, ngồi bên Hương, nhìn vóc dáng gầy còm và đôi mắt buồn vời vợi cả những khi nàng cười khiến Hưng hoang mang không hiểu chàng muốn đoạn kết  của mối tình dang dở với Hương và cuộc sống chồng vợ với Nga như thế nào ?

Hương để yên tay mình trong tay Hưng, đưa mắt nhìn những tòa nhà cao ngất ngưởng, dòng xe cộ ngược xuôi như nước chảy và những ánh đèn sáng như sao sa của thành phố New York về đêm. Ngồi bên Hưng mà Hương tưởng như mình đang ngủ mơ. Thỉnh thoảng, Hương nắm nhẹ tay Hưng để biết rằng đây là sự thật, một sự thật đã mang đến cho nàng một niềm vui vô bờ bến. Kể từ ngày hẹn nhau nhưng Hương không đến, nàng cứ mong mãi ngày gặp gỡ mà Hưng không để cập đến nữa, mặc dù hai người thỉnh thoảng vẫn liên lạc qua điện thoại.

Hương nhớ đến giọng nói ríu rít của Ngà trong điện thoại tối hôm thứ Năm «  Trong cuộc sống, đôi khi cũng nên điên một chút mới thú vị mẹ ạ ! », «  Hạnh phúc hay không là do mẹ đấy ! Ai đời ở thế kỷ hai mươi mốt rồi mà mẹ đã không đi tìm để bắt hạnh phúc lại còn trốn chạy nó nữa, thật là mẹ quê quá đi thôi ! »

Hương có cảm tưởng rằng con gái đã giả vờ không biết chuyện  nàng và Hưng  để sắp đặt cho hai người cuộc gặp gỡ đầy thú vị này. Nàng thầm hỏi, không biết cô bé còn dành cho nàng và Hưng những ngạc nhiên nào khác nữa đây ?

 – Em đang mơ mộng gì mà yên lặng thế ?

Tiếng Hưng hỏi, khiến Hương giật mình, nàng đáp :

 – Em đang nghĩ là Ngà biết chuyện chúng mình anh ạ. Ngà chẳng vô tình mời em lên và nhờ anh đi đón như vậy đâu.

– Thực ra thấy Ngà giống em, anh cũng nghi nghi . Nhưng cô bé khôn quá nên mỗi lần anh hỏi về gia đình, cô bé trả lời ấm ớ, không lộ một chút nào để anh có thể kết luận Ngà là con em cả.

-Đúng là quả đất tròn anh nhỉ ? Không ngờ anh và Ngà lại làm chung một hãng và sau hơn ba mươi năm xa cách, chúng mình lại được gặp nhau.

– Số mệnh cả em ạ ! May mà mình còn được thấy nhau.

Hương rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói :

-Cũng tại em cả !

-Em lại nghĩ lẩn thẩn rồi ! Anh đã bảo tại số mệnh cả mà! Chúng mình hãy vui vì được gặp lại nhau, đây là phần thưởng mà Trời dành cho chúng mình đấy !

Hương gượng cười, nói để tránh sự xúc động :

– Lúc nãy trên máy bay, họ cho ăn có gói đậu phọng nên em đói rồi. Hay là chúng mình ghé đâu ăn một chút rồi hãy về khách sạn, anh nhé !

Về khách sạn để em thay quần áo và trang điểm rồi hãy đi ăn. Biết đâu Ngà chẳng đang đợi chúng mình.

Hương cùng Hưng bước vào khách sạn, một khách sạn rất sang trọng nằm ngay trung tâm thành phố. Hương ngẩn ngơ ngắm bình hoa tươi thật lớn với nhiều loại hoa quý hiếm đủ màu sắc được đặt  trên một cái đôn trắng, cao bằng Hương, kê ở giữa phòng khách. Mấy cô gái Mỹ xinh đẹp, đứng đằng sau cái quầy gỗ nâu sậm bóng lộn, tươi cười chào khách. Những anh bồi phòng mặc  áo quần đen, cổ áo có cài nơ đỏ, bận rộn sách hành lý cho khách mới đến nhận phòng.

Hưng ghé tai Hương thì thầm :

=Chúng mình giống như một cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật, phải không em ?

Hương bối rối nhìn xuống tấm thảm  đỏ mịn màng dưới chân. Nàng nói lảng :

– Không biết Ngà về chưa, anh nhỉ ?

 Thấy vẻ ngượng ngùng của Hương. Hưng nhớ đến cuộc hẹn hò đầu tiên bên hồ Than Thở năm xưa. Chàng bỗng cảm thấy tâm hồn mình như vừa mới hồi sinh  sau một giấc ngủ dài. Bây giờ thì chàng mới biết, ở bất cứ tuổi nào, con tim cũng có thể rung đông, nếu gặp được đúng đối tượng của mình.

Vào đến thang máy, chỉ có hai người. Hưng quàng tay, kéo Hương lại gần, hôn nhẹ lên đôi môi nàng. Toàn thân Hương run rẩy. Nụ hôn không trọn vẹn, nhưng Hương vẫn tưởng đôi môi khô héo của nàng đang dần dần thắm lại. Trái tim của nàng, tưởng như rơi rớt từ lâu, nay lại reo vui như trong buổi tiệc sinh nhật của Bạch Cúc  năm xưa  mà Hưng và Hương đã gặp gỡ.

Thang mày ngừng ở tần lầu thứ chín. Hưng nắm tay Hương đi về phía phòng của chàng và Ngà. Hưng lật tấm thảm trước cửa phòng Ngà, chàng nhặt cái chìa khóa, mở cửa phòng.Tiếng vĩ cầm réo rắt vang lên từ cái cassette để trên bàn. Những bản nhạc ngoại quốc của thập niên năm mươi, sáu mươi mà cả Hưng và Hương thường ưa thích như dìu họ vào thế giới của âm thanh và kỷ niệm…Trên chiếc bàn con cạnh đầu giường, ngọn đèn đêm tỏa ra một vùng ánh sáng dìu dịu. Dưới chân đèn là một phong thư, bên ngoài có đề : Kính gử bác Hưng và Mẹ. Hai người đưa mắt nhìn nhau. Họ ngồi xuống giường, chụm đầu vào nhau, đọc thư .

Cô bé cho biết, khi bác Hưng kể về mối tình của bác ở Đà Lạt, Ngà đã nghi lắm rồi, vì lần gặp đầu tiên, bác Hưng đã bảo Ngà giống người yêu cũ của bác. Đến hôm ngồi trên xe đến sở, bác Hưng để một băng nhạc gồm  toàn những bản nhạc tình ngoại quốc , xưa như trái đất, mà mẹ thường nghe, thì Ngà không còn nghi ngờ gì nữa. Thế là Ngà nảy ra ý định, bắc nhịp cầu Ô Thước để Ngưu Lang, Chúc Nữ gặp nhau. Nhưng Ngà mong rằng thành phố New York đêm nay sẽ không mưa như mưa tháng Bảy ở quê nhà, vì bây giờ, ở đây, đang là mùa Xuân, dù là một mùa Xuân muộn màng.

Lê Thị Nhị

 

Cung Thi Lan created on April 15,2020  and updated  April 19 ,2020, August 19,2020

April 12, 2020