
Tiểu sử
Nguyên quán: Bắc Ninh
Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1939, tại Hà Nội
Vào Saigon năm 1954
Đến Hoa Kỳ năm 1980
Hiện cư ngụ tại Virginia
Tác phẩm đã xuất bản:
1/ Thơ Ý- Saigon 1967
2/ Cuộc Tình Và Chân Dung Tôi- Thơ, Saigon 1972
3/ Quê Hương và Người Tình- Thơ, Maryland 1992
4/ Vùng Trời Dấu Yêu- Thơ, Maryland 2000
5/ Tuyển tập thơ văn: Quê Hương Và Kỷ Niệm 2009, in chung với chị Phượng Kiều, anh Vương Đức Lệ và em Lê Thị Nhị
Trang thơ của thi sĩ Lê Thị Ý
Xuân Muộn
Lê Thị Ý
Mẹ ơi tất cả qua rồi
Những ngày cốm mới tháng mười quê xưa
Con đê nhỏ lấm tấm mưa
Áo tơi phành phạch gió lùa buốt sương
Nghé non thiếu cỏ bên đường
Bắc Ninh, con vẫn nhớ thương quê mình
Áo nâu quần ngắn bước nhanh
Rồi con sung sướng dạo quanh bờ hồ
Hà Nội phố cổ nên thơ
Đường Đôi Quan Thánh tuổi thơ an lành
Mười lăm theo mẹ theo anh
Vào Nam như đã chọn mình hướng theo
Nha Trang Đà Lạt nắng reo
Pleiku chiều xuống bùn theo gót giầy
Tiếng bom, tiếng súng ngày ngày
Tiếng kêu ai oán cảnh đầy đọa nhau
Người đi chẳng vị công hầu
Cảm ơn con sóng đưa tầu vượt biên
Cưu mang, mảnh đất thần tiên
Lại khoe váy ngắn bước lên cỏ hồng
Mùa xuân nắng ấm, miền Đông
Washington với ngàn bông hoa vàng
Quanh hồ suy nghĩ miên man
Thèm ly rượu đỏ nồng nàn tình yêu
Môi ngoan đón sợi nắng chiều
Tóc thưa thì đã ít nhiều gió xuân
Để rồi tỉnh mộng bâng khuâng
Một tôi trống vắng đường trần thênh thang.
Lê Thị Ý
Mùa thu Germantown
Thu về lá úa thềm hoang.
Trời xanh, mây xám,nai vàng ngẩn ngơ
Con đường nhỏ rất nên thơ
Xe tôi rong ruổi sáng trưa đi về
Từ ngày bỏ xóm xa quê
Đam mê nên vẫn tóc thề buông lơi
Bạn thân vài đứa đủ vui
Cuối tuần son phấn, tiệc người tiệc ta
Tạm dung giữa xứ Cờ Hoa
Tâm tư khắc khoải nhớ nhà Đông Phương
Gió thu nhẹ, nắng thu vương
Gợi trong ta nhớ con đường xa xưa
Aó dài xanh mỏng phất phơ
Vòng ôm, môi ấm, tay lùa tóc mây
Bóng người dài đổ cuối ngày
Thời gian vỗ cánh thu này quạnh hiu.
Lê Thị Ý
Xuân Về
Lê Thị Ý
Bước ra nắng ấm choàng vai.
Cỏ xanh đôi tấc, lối ngoài lá non.
Lung linh hoa đọng sương trong,
Ghé môi hôn ngát nụ hồng bên hiên.
Thời gian trôi cuốn triền miên
Đã trong say đắm mà duyên không tròn.
Bây giờ tô lại màu son,
Quên trong năm tháng, đường mòn không anh.
Cũng như trăm vạn cuộc tình,
Họp tan theo đám mây xanh lưng trời.
Mới đây xuân đã về rồi.
Bình minh chim hót mộng đời xôn xao,
Còn đâu dù thoáng chiêm bao,
Còn đây dù tuổi đã vào cuối thu.
Ung dung rời đám sương mù.
Vẫn ta là kẻ trông ngu ngơ sầu.
Tìm hoa bắt bướm tình đầu.
Hơn một lần vỡ tinh cầu chúng ta.
Mùa xuân rồi cũng sẽ qua
Tuổi thanh xuân vụt rất xa, xa rồi.
Màu chiều nhè nhẹ buông lơi,
Tơ chiều kéo phủ phần đời dễ thương.
Vườn sau hoa vẫn nguyên hương
Em còn giữ giấc mộng thường thế nhân.
Nắng soi rực rỡ cuối sân,
Xuân về tô thắm đường trần có em
Lê Thị Ý
LÁ XANH THAY MẦU
Mười lăm , mười tám yêu nhau
Trời xanh xanh ngát một mầu mộng mơ
Sáng mong, chiều đợi , đêm chờ
Aó dài hoa tím gió lùa tóc mây
Xuân ,thu nắng phủ vai gầy
Say men tình ái, tháng ngày thênh thang
Em là điểm tụ hào quang
Dấu chân em nở hoa vàng chiều xưa
Những ngày phố nhỏ giăng mưa
Đôi môi đọng nụ hôn vừa chớm yêu
Người đi mắt biếc trông theo
Quãng đời thơ mộng đã vèo bay qua
Cuộc tình thôi cũng phôi pha
Một đời thôi cũng đã là hư không
Môi son, má phấn còn nồng
Nay em để lại căn phòng lạnh tanh
Trăng Thu mây trắng lung linh
Em đi, tháng chín lá xanh thay mầu
Lê Thị Ý.
Tập Thơ Vùng Trời Dấu Yêu
là thi phẩm thứ tư
của
Lê Thị Ý
gồm 60 bài thơ và 4 phụ bản
Hồ Trường An trong Thông Điệp Hồng đã viết những nhận xét sau về thơ Lê Thị Ý: Lê Thị Ý là nhà thơ tình yêu. Thơ của chị như vương vấn một lớp bụi mỏng của T.T.KH. Chị đã dấy nên một phong trào tái dựng lại thơ tình yêu kiểu T.T.KH., và số độc giả say mê loại thơ tình lãng mạn không phải là ít. Riêng trong Vùng Trời Dấu Yêu, hình ảnh đậm nét nhất vẫn là hình ảnh quê hương đất nước, tình cảm quay quắt nhất vẫn là mối ưu tư cho vận mệnh dân tộc, nên dù mang phận gái, thơ Ý vẫn là những vần thơ gắn liền với tình hình đất nước qua các đề tài như Viết Cho Người Tù Hàm Tân, Vận Nước, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, v.v. Viết Cho Người Tù Hàm Tân Mở trang đọc báo tin nhà Đường xưa lá đổ, thu qua mấy mùa Giật mình hàng chữ trao đưa Tên anh đậm nét như đùa cợt nhau Thi nhân tội phạm hàng đầu Yêu quê hương chuốc mối sầu ngụy dân Em con chim lạc mùa xuân Lưu vong bước hững bao lần lệ rơi Đời em hệ lụy tả tơi Có nghe đâu tiếng một người hùng anh Đường rừng đại thụ vây quanh Đốn cây để thấy màu xanh của trời Từ anh mất tiếng cười vui Khuôn viên toàn án, mọi người lặng câm Vợ anh ngày tháng gian truân Chị anh ngày tháng tảo tần thăm nuôi
Cuộc sống yên ổn trên xứ người không hề làm Lê Thị Ý quên đi quê hương xa mờ, ngược lại, chỉ làm đậm đà thêm nỗi nhớ, có thể nói bất cứ thứ gì trên xứ sở thứ hai cũng gợi nhắc Lê Thị Ý về đất nước thứ nhất, vì thế mới có những thi bản như Memorial Day, Mùa Thu Germantown, Father’s Day, Thanksgiving. Memorial Day Thứ Hai ngày của Chiến Binh Dâng hoa để nhớ vong linh người tình Quê người nắng ngọc lung linh Nắng xuyên cành tía, soi mình lẻ loi Dấu chân lết nửa đời rồi Bóng người xưa, bóng ma trôi dật dờ Dẫu không hương khói tôn thờ Dẫu khuôn tượng đá đã mờ tên anh Việt Nam dấu tích chiến tranh Thành nơi đấu giá bức tranh dư đồ Bao nhiêu địa đạo ngày xưa Chôn thân ai đó bây giờ mua vui Bức tâm thư đã dập vùi Cho xương tốt lúa, cho đời no say Áo người bạc phận hôm mai Thẻ bài han rỉ như lời hẹn nhau Tôi xa cách một bán cầu Bao nhiêu cay đắng nát nhàu tâm linh Tôi làm thơ khóc người tình Tôi làm thơ khóc chính mình hẩm hiu Tiểu sử tác giả LÊ THỊ Ý Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của Lê Thị Ý gây xúc động lớn trong lòng thính giả. Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Ý SG (1967), Cuộc Tình Và Chân Dung Tôi SG (1972), Quê Hương Và Người Tình Hoa Kỳ (1992). VÙNG TRỜI DẤU YÊU Nxb Minh Văn 105 trang giá 10. USD Mua sách: NS Kỷ Nguyên Mới 1321 Titania Lane, Mclean, VA
Ý THƠ BẤT TẬN .
Qua VBVĐBHK, viết tặng LÊ THỊ Ý
Thi sĩ Tác giả bài thơ đã được phổ nhạc
” NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC CHỒNG ”
Một thời đã yêu và Một thời nhớ mãi .
CMN
Từ thủa nàng đi nhận xác chồng
Tới nay e đã mấy mươi đông
Mỗi lần tuyết phủ cài hoa tóc
Một dịp tôi thương cảm bạn lòng
Xuân vạn mùa mơ xuân bất tận
Thu muôn sắc mộng thu hoài mong
Thâm tình thơ Ý, ôi chân thiện
Gặp lại giờ đây, nhớ tuyệt cùng…
Hawthorne 6 – 12 – 2020
CAO MỴ NHÂN
Bóng Xưa
Thiếu phụ ngày xưa lệ khóc chồng
Tâm hồn khép kín trải thu đông
Đời rêu thả nguyệt tìm sương khói
Tóc rối cầm gương gọi tiếng lòng
Hạ mãn phu thê đành tuyệt vọng
Xuân tàn én nhạn hết chờ mong
Non sông trách nhiệm thời chinh chiến
Để lại danh thơm kính ngưỡng cùng
Minh Thuý Thành Nội
Tháng 12/6/2020
KÍNH NỂ NHÀ THƠ LÊ THỊ Ý
(Kính góp họa cùng chị Cao Mỵ Nhân)
Vì nước nàng thơ khóc tiển chồng
Bao mùa thu đến lại sang đông
Người đi để khổ nhầu tâm trí
Kẻ ở ôm đau nát cõi lòng
Đã biết giấc an còn ngóng đợi
Dù hay vĩnh biệt vẫn chờ mong
Tuyệt thi “Nhận Xác” lưu thiên cổ
THỊ Ý chị ơi! Nể tột cùng!
Phương Hoa – DEC 6th 2020
Kính mời quý vị thưởng thức thơ của Lê Thị Ý trong các video dưới đây
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU Thương Ca 1 Thơ: Lê Thị Ý do Đào Thuý diễn ngâm
2. Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng thơ Lê Thị Ý do Phạm Duy phổ nhạc .Karaoke video Huỳnh Văn Vinh
3. Tưởng Như Còn Người Yêu- Thơ Lê Thị Ý Phạm Duy phổ nhạc – Tiếng hát của ca sĩ Julie Quang
4. Tưởng Như Còn Người Yêu- Thơ Lê Thị Ý Phạm Duy phổ nhạc – Tiếng hát của ca sĩ Hương Lan
5. Tưởng Như Còn Người Yêu- Thơ Lê Thị Ý Phạm Duy phổ nhạc – Tiếng hát của ca sĩ Ý Lan
Kính mời quý vị bấm vào những tựa đề dưới đây để tìm hiểu thêm các thi phẩm nổi tiếng của
thi sĩ Lê Thị Ý
Ngô Tằng Giao giới thiệu thi phẩm“VÙNG TRỜI DẤU YÊU” của Lê Thị Ý
Lê Thị Ý – Người Tình Muôn Thuở của Lính LS. Anh Thư
Bóng Thời Gian
Thoáng nghe người nhắc tên anh
“Hưởng Dương” hai tiếng lạnh tanh hồn người
Những ngày xưa, những ngày vui
Có đôi chim nhỏ, bước dài Tango
Dìu em giòng nhạc đong đưa
(Ôm em anh thoả ước mơ đầu đời)
Rượu thêm, rộn tiếng ai cười
Mềm môi tâm sự quê người tạm dung
Đại bàng xưa đó vẫy vùng
Còn đây kỷ niệm một khung trời sầu
Trời Hoa Thịnh Đốn mưa ngâu
(Yêu thương em tựa mái đầu vai anh)
Tình như cánh vạc qua nhanh
Bây giờ lệ khóc tuổi xanh phũ phàng
Tiễn anh chuông mõ ngân vang
Hũ xinh còn chút tro tàn làm duyên
Đường về đất Thánh bình yên
Có em bước nhỏ thăm miền quê xưa
Nhà anh hàng dậu đan thưa
Có con chim khách cũng vừa báo tin
Nhớ ngày xưa mới vừa quen
Bây giờ em cố tìm quên bóng hình
Đường dài bất hạnh không anh
Lối về lẻ bước chuyện tình mong manh
Nguồn: Lê Thị Ý, Vùng trời dấu yêu, Minh Văn xuất bản, Hoa Kỳ, 2000
Hoàng Hôn
Này anh, chàng biết mình yêu,
Đôi ba luống cải, buổi chiều nhàn du.
Em còn dăm khứa cá thu,
Mời anh canh bí, dưa chua đậm đà.
Thịt đông sẵn lấy tủ ra,
Câu vui gợi chuyện quê nhà nhớ thương.
Mẹ ngày xưa nhắc rất thường
Nửa vòng trái đất con đường dù xa
Giúp con trẻ tiếng nước ta
Giúp con trẻ nhớ đăng hoa lối về.
Bình minh nhắp ngụm cà phê
Nhớ Ban Mê Thuột luỹ tre măng vàng
Pleiku phố nhỏ bùn lan
Đường vào buôn Thượng có đàn bê ngon.
Chiều buông Đà Lạt vàng son
Bên đồi thông có suối trong chảy dài
Tóc ai thả chấm bờ vai
Mimosa nhỏ xíu cài mái nghiêng
Trăng lên, thư thái bên thềm
Ly trà Bảo Lộc êm đềm nụ hôn
Yêu say đắm suốt mùa đông
Đời trang điểm với nụ hồng trinh nguyên.
Này anh vẫn giấc cô miên
Nửa đêm chợt tỉnh nhớ duyên đầu đời
Thân quen dù đã nhiều rồi
Vòng ôm vẫn đợi anh, người xứ hoa
Rùng mình nhớ tháng năm qua
Em mong manh giữa phong ba cuộc đời
Những chiều tím lịm mây trôi
Hồn em tan vỡ trong lời mẹ ru
Quê người dừng bước lãng du
Một căn nhà nhỏ trong khu phố nghèo
Nguồn: Lê Thị Ý, Vùng trời dấu yêu, Minh Văn xuất bản, Hoa Kỳ, 2000
Tình Mong Manh
Em tôi từ Paris,
Thăm nhau chiều thứ bẩy.
Ba mươi năm qua đi,
Tình đôi ta vẫn vậy.
Đôi mắt biếc xa xưa,
Lên khung vẽ bao giờ,
Cây Phong Cầm nhung nhớ,
T. T. buồn ngu ngơ.
Em như giấc mơ hoa,
Anh tháng năm nhạt nhoà,
Khung trời chiều Đà Lạt,
Còn mãi trong lòng ta.
Lối cũ đã rêu phong,
Từ thuở em theo chồng.
Công viên, pho tượng đá,
Đắm chìm vào hư không.
Đông đến rồi thu qua,
Môi em vẫn mặn mà.
Belpre chiều gió nổi,
Cuộc tình đầu vút xa.
Như sương khói mong manh,
Thôi mất đi người tình.
Cung đàn xưa lỗi nhịp,
Anh chẳng còn thư sinh.
Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992
Tâm Sự
Tôi đếm tên người trên đốt tay,
Bàn tay bé nhỏ, bàn tay đầy.
Yêu thương nhung nhớ ghi tâm thất,
Hờn giận tìm quên ly rượu cay.
Chợt có một ngày tôi biết tôi,
Quen người chỉ để một thời vui.
Tình nhân như nữ trang con gái,
Người đến, người đi, giòng đời trôi.
Ngày một, ngày hai, tóc bạc phơ.
Bên song lặng lẽ viết trang thơ,
Và mơ in sách, mơ rao bán,
Truyện kể về người con gái hư.
Rồi có thành danh theo tháng năm,
Thành thân trong giá buốt căm căm.
Tôi như cây nến ngay đầu gió,
Tàn lụi, đi về lẻ gối chăn.
Từng giọt sáp hồng rơi rất nhanh,
Soi gương, đối bóng cười một mình.
Một mai thân xác tôi thiêu cháy,
Còn lại cho đời một hũ xinh.
Lê Thị Ý
Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992
.
Từ giòng thơ quê hương
Mười năm nhận một bài thơ Từ vùng đất ấm, trăng mờ ngõ sâu.
Quê tôi nghèo đã từ lâu,
Nước phèn, cá lặn, người câu kiên trì.
Thẹn tôi rũ áo ra đi,
Thương trăng vườn Thuý có khi nhớ nhà.
Cam dù khô cũng đồng ta,
Phong Lan lồng kín, kiêu sa xứ người.
Anh vùi tên tuổi một thời,
Này đây khát vọng một đời hư không.
Nắng trưa bước mỏi ven sông,
Hạt nguyên xưa thiếu ruộng vườn gieo, ươm.
Mười năm mùi giấy còn thơm,
Mười năm màu mực tím buồn ý thơ.
Đường về mây xám giăng mưa,
Nẻo đi biển động đôi bờ cách ngăn.
Sầu tôi một giải sông Ngân,
Còn anh theo áng mây Tần mộng du.
Bây giờ vào cuối mùa thu,
Gửi cho nhau chút sương mù ban mai.
Vòng xe tôi vẫn lăn dài,
Nỗi buồn Chủ Nhật, Thứ Hai bắt đầu.
Mười năm chau mặt qua mau,
Rằng ta là bạn của nhau nhẹ nhàng.
Buồn đây khổ đấy cũng ngang,
Giàu sang nào phải thiên đàng hoài mong.
Kéo cao cổ áo mùa Đông,
Xanh xao thoa lớp phấn hồng mong manh.
Xin đừng buồn nữa nghe anh,
Một mai thân thế long lanh cát vàng.
Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992
Bài Thơ Thương Ca
của thi sĩ Lê Thị Ý
được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc
Tưởng Như Còn Người Yêu
Cuối thập niên 60, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Thương Ca của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Đức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.
Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954. (Đinh Quang Anh Thái)
Thương Ca 1
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
Lê Thị Ý
Khi nhà thơ Vương Đức Lệ ( Lê Đức Vượng anh của nhà thơ Lê Thị Ý và Lê Thị Nhị) làm chủ bút tuần báo Gào Thét tuần báo do nhà thơ Vương Đàm làm chủ nhiệm. Nhà thơ Vương Đức Lệ đã đem bài Thương Ca 1 trích trong tập thơ Thương Ca gồm 10 bài của cô em gái Lê Thị Ý đăng tải trên tuần báo Gào Thét vửa phát hành. Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đoc được , thích quá điện thoai kêu nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc ngay bài thơ này. Nhạc sĩ Phạm Duy liền phổ nhạc toàn bài thơ mà chỉ sửa hai câu
Chiếc quan tài phủ mầu cờ
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng’’ thành có một câu
Bây giờ anh phủ mầu cờ
Và đổi tựa đề Thương Ca 1 thành Tưởng Như Còn Người Yêu
Theo nhà thơ Lê Thị Ý , ” Ý sáng tác Thương Ca khi Ý ở Pleiku. ngày nào cũng thấy thiên hạ đi nhận xác chồng nên xúc cảm và sáng tác chứ không phải người trong cuộc
Nhà Văn Đinh Quang Anh Thái Phỏng vấn nhà thơ Lê Thị Ý
Nhà Văn Đinh Quang Anh Thái Phỏng vấn nhà thơ Lê Thị ý
Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng như còn người yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê Thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.
Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.
Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.
-Ðinh Quang Anh Thái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.
–Ðinh Quang Anh Thái:: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.
–Ðinh Quang Anh Thái:: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.
–Ðinh Quang Anh Thái:: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên.
Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh – người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo – Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.
–Ðinh Quang Anh Thái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.
Ðinh Quang Anh Thái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.
–Ðinh Quang Anh Thái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.
–Ðinh Quang Anh Thái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng…, cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!
Ðinh Quang Anh Thái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).
–Ðinh Quang Anh Thái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.
–Nhà thơ Lê Thị Ý:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
–Ðinh Quang Anh Thái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?
–Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”, để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.
–Ðinh Quang Anh Thái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến.
Theo dactrung.com
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 400
Từ 30.4.1975 tới 30.4.2020
Nha Trang, quê hương có rặng thuỳ dương và bờ cát trắng, đơn vị chồng tôi được đồn trú tại đó vào năm 1964. Căn cứ trưởng là ông đại úy Nguyễn Văn Khách, vị sĩ quan này đã thành lập 5 toán nhảy, mỗi toán không hơn 6 người do một sĩ quan Việt và hai cố vấn Mỹ đảm trách… Cho đến bây giờ, dù trải qua bao dâu bể vẫn không thể xói mòn tâm trí tôi, tôi vẫn còn nhớ cảnh một trận lụt lớn ngập cả thành phố, và cả trại Hoàng Diệu căn cứ của Mỹ cũng như trại Đằng Vân của LLĐB.
EM HỎI ANH BAO GIỜ TRỞ LẠI ?
Đến năm 1965, ở Vũng Tàu có một trận chiến rất lớn đó là trận Bình Giả. Lúc này các toán trưởng chuẩn bị theo các trực thăng để thi hành công tác xâm nhập, ngăn chận những nơi Cộng quân di chuyển, tôi chỉ biết có thế thôi. Làm sao tôi có thể vui được, có thể an lòng được trong tâm trạng nỗi lòng chinh phụ dõi bóng chinh phu. Cứ mỗi lần chàng chuẩn bị đi vào “miền gió cát”, nhảy vào giữa lòng đất địch là mỗi lần tôi xót xa thầm hỏi: bao giờ chàng trở lại? Ai có từng là vợ của chiến binh mới thông cảm nỗi lo âu, niềm đau đợi chờ, sự cô đơn từng phút của người vợ lính trong thời chiến chinh. Ôi, Đồng Xoài, Bình Giả… đất bằng sẽ phong ba, khói lửa ngút ngàn và chồng tôi sẽ đi vào chốn ấy. Tôi thắt thỏm, tôi héo hon theo từng bước anh đi, tôi đợi anh về mà lòng tơi bời vụn nát….sợ anh về trên đôi nạng gỗ, tôi nghẹn ngào nghĩ đến ngày anh trở về “bên hòm gỗ cài hoa…” chỉ nghĩ thế thôi mà nước mắt tôi lặng lẽ lăn dài. Tôi rời Nha Trang, tạm biệt chàng, tạm biệt những ngọn thùy dương rì rào những đêm tựa đầu nhau nghe sóng biển ngoài khơi, mang theo kỷ niệm những năm tháng bên chồng trở về gia đình tôi tại Sàigòn.
Sài gòn không có biển, không có thùy dương cát trắng, tôi cảm thấy bồi hồi nôn nao nhớ, bâng khuâng và nuối tiếc những ngày nồng nàn phấn hương đã vội qua…. “Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi”, Sài gòn vẫn nhộn nhịp bao tà áo, từ quán cà phê Continental giọng hát trầm ấm, truyền cảm của Sĩ Phú vọng ra “nắng Sài gòn em đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Trời ơi, tôi còn tâm trí nào để chìm đắm trong những giòng âm thanh đó, tôi vội bước nhanh để xa rời tiếng hát như muốn rượt đuổi theo. Một sự tương phản đầy ray rứt như diễu cợt, cách vài mươi cây số đường chim bay, súng nổ đạn bay, thây người ngã qụy. Khuôn mặt diễm lệ Sài gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, mà đối với tôi, nó như những loại trang sức diêm dúa trên thân xác loang lổ đạn bom, trên hình hài còm cõi của Mẹ Việt Nam. Tôi làm gì có áo lụa Hà Đông để mặc, nỗi ước mơ đó đối với tôi là vô nghiã, tôi chỉ cần có chàng, tha thiết bên chàng mà thôi. Nhất định anh phải trở về và về nguyên vẹn hình hài nha anh, nha Hồ Đăng Nhựt dấu yêu của em!
Chồng tôi từ hậu cứ Nha Trang về Vũng Tàu để chuẩn bị hành quân. Buổi chiều, nhận được tin của người anh gọi tôi ra để gặp chàng. Năm đó tôi mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng, đến cổng trại vào lúc 6 giờ chiều, tôi đã gặp thiếu tá Thơm, đại úy Mai Viết Triết và đại úy Xuân đang đứng trước trại. Tôi hỏi xin cho gặp chàng, các ông ấy nói: thím đã đến trễ mất rồi, Nhựt mới vừa từ giã chúng tôi bước ra bãi phi cơ trực thăng. Từ trong vô thức não nùng chợt ùa về loáng thoáng bên tai những vần thơ Cung Oán Chinh Phụ: “bóng chàng đỏ tợ ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”. Cũng một buổi chiều chiến chinh năm xưa, người chinh phụ tiễn đưa chinh phu lên đường ra trận mạc, con tuấn mã trắng phau như màu tuyết hí vang lừng, cất vó uy nghi nổi bật bên giáp trận rực đỏ như màu ráng cuối trời quan tái. Tôi, hôm nay đơn lẻ, nước mắt đoanh tròng, đứng nhìn theo từng chiếc trực thăng từ từ cất cánh, tiếng động cơ ầm đùng, gió bụi xoáy cả một vùng, tâm tư tôi rối bời như cỏ úa, loạn cuồng theo từng vòng quay cánh quạt, lòng quặn thắt từng cơn nhìn đàn chim sắt khuất dần về hướng đông bắc Bình Giả trong màu tím thẳm của sương khói hoàng hôn mờ nhân ảnh… Bình Giả, một địa danh đang sôi sục lửa chiến tranh, thần chết đang đợi chờ, chốc nữa đây chàng sẽ hiện diện nơi đó. Trận đánh này có nhiều đơn vị bộ binh, kể cả tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc giao tranh đã quyết liệt diễn ra, tiếng bom đạn vọng về.
Cộng quân tổn thất nặng nề, nhiều chiến sĩ quốc gia cũng đã hy sinh. Những toán hoạt động của chồng tôi đã bị lộ, nên anh đã băng rừng vượt suối mấy ngày đêm liên tục mới ra được núi Thị Vãi tại Bà Rịa. Chàng đã nguyên vẹn trở về, cám ơn Thượng Đế che chở cho chàng, chúng tôi bên nhau những ngày phép ngắn ngủi tại Sài gòn.
Đến năm 1966, các anh toán trưởng cũng lần lượt mỗi người một nơi, riêng chồng tôi vẫn ở lại đơn vị cũ. Lúc bấy giờ Chỉ Huy Trưởng trại Đằng Vân là Phan Duy Tất, ông này về không bao lâu lại thành lập thêm mấy toán nữa. Tôi nhớ những toán trưởng rất trẻ là: Ngô Văn Thơm, Tô Mười, Nguyễn Ngọc Thiệp, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Biên, v.v… các toán trưởng lần lượt thay phiên nhau đi hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác. Các địa danh đẫm máu như Phú Bài, Bồng Sơn, Chu Lai, Khe Sanh, Huế, …. cường độ chiến tranh leo thang, tiếp theo là Pleime, trận chiến này, các đội và trưởng toán đã hy sinh rất nhiều.. Trong cảnh đạn lửa trùng điệp, nhiều phi công trực thăng của không lực VNCH, khi thấy đồng đội bên dưới bị nguy khốn đã bất chấp mạng sống, liều thân trong các phi vụ đổ quân và tiếp tế lương thực. Nhiều chiếc đã bị bắn rơi tan tành, lửa bốc cháy ngút trời. Lúc đó có trung úy phi công trực thăng Nguyễn Văn Vui, liều một phen sinh tử đem mạch sống cho đồng đội bằng những thùng lương thực. Từ trên cao trung úy Vui thình lình “cúp” máy cho phi cơ rơi xuống như khối sắt và quay 180 độ, gần đến mặt đất cho trực thăng nổ máy lại, thán phục thay người phi công dũng cảm của QLVNCH.
Đầu năm 1967, tôi lại mang thêm đứa thứ hai mới sanh gần một tháng. Vợ của anh Nguyễn Ngọc Thiệp cùng sanh một lượt, cô này là em chồng của tôi. Lúc này chồng tôi đang hành quân tại Vùng 2 Chiến Thuật sắp về. Tôi được tin từ Sài gòn và ra hậu cứ đón chồng, thường khi mỗi lần xong công tác là anh được đi phép. Trong lúc chờ phi cơ trở về Sàigòn, anh Nguyễn Ngọc Thiệp bị tử nạn do thùng tiếp tế lương thực từ trực thăng Mỹ rớt xuống, cái chết của anh Thiệp rất thảm thương. Ôi, chinh chiến bất hạnh từng ngày đến với dân tộc Việt Nam, đứa con của anh Thiệp mới chào đời còn đỏ hỏn đã vĩnh viễn không thấy mặt cha và vành khăn sô oan nghiệt vội quấn trên đầu người vợ trẻ. Hôm sau chồng tôi đưa xác Thiệp -người em rể – trở về Sàigòn an táng. Những ngày phép qua mau trong sự buồn bã, mất mát của người thân. Anh trở lại đơn vị, tôi lại theo chàng về Nha Trang sau 3 tháng sanh nở.
Năm Mậu Thân 1968, tôi trở về Sài gòn và đứa con thứ ba đã chào đời. Việt Cộng đột nhập và tấn công thành phố Sài gòn, khắp các tỉnh lỵ đều nổ súng. Trong trận Mậu Thân, chồng tôi lại mất thêm một đồng đội, trung úy Nguyễn Văn Tùng đã tử trận tại Tòa Tỉnh Trưởng Nha Trang lúc hai bên kịch chiến. Nửa năm sau ông Phạm Duy Tất đã thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật, chồng tôi đã phục vụ trong LLĐB từ năm 1962 đến năm 1968. Lúc này anh được lệnh thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật nhận chức vụ Trung Tâm Hành Quân của C.3 tại Biên Hòa. Sau đó ông Chỉ Huy Trưởng là trung tá Phạm Duy Tất đưa anh nhận chức làm trưởng trại Chí Linh ở Sông Bé, được một thời gian anh đi qua trại Tống Lê Chân ở Bình Long và Lộc Ninh. Đến năm 1969 anh coi trại Tống Lê Chân, sau cùng anh về B.3 hành quân ở B.15 cho đến năm 1972.
Đến cuối 1972 LLĐB được lệnh giải tán để bổ xung qua các lực lượng bạn như: Biệt Động Quân Biên Phòng, Nha Kỹ Thuật và các quân binh chủng khác. Anh đã chọn về Sở Liên Lạc thuộc Phòng 7 Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu và làm việc tại đó cho đến cuối năm 1974.
Đầu năm 1975, anh được lệnh đi nắm Bộ Chỉ Huy nhẹ ở Chiến Đoàn 2 tại Ban Mê Thuột và Kontum. Lúc này tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, hỗn loạn, phương tiện di chuyển vô cùng khan hiếm và khó khăn. Hai ngày ròng rã chờ đợi tại phi trường Tân Sơn Nhất nhưng vẫn không có phi cơ, anh đành lên phi trường Biên Hòa và đã được lên đường sau đó. Khi đến trình diện tại Chiến Đoàn 2, mỗi sĩ quan phải thay phiên nhau hành quân 10 ngày. Đến ngày 20 tháng 3 năm 1975, thiếu tá Cao Triều Phát đã đem lương lên căn cứ hành quân để phát cho anh em. Ông thiếu tá Phát bảo chồng tôi, “mày” đã xong công tác rồi, có đi theo chuyến bay này về không? Anh không muốn xa đồng đội trong lúc này, nhất là lúc tình hình đang rối ren vì được lệnh sắp rút quân để di tản chiến thuật, hơn nữa các bạn anh đề nghị thôi chúng mình sẽ về chung cho vui. Vì vậy, anh đã nhờ thiếu tá Phát mang tiền lương về cho tôi, anh chỉ giữ lại 500 đồng để tiêu xài và nhắn là vài hôm sau anh sẽ về Sài gòn.
Trên đường rút quân “triệt thoái cao nguyên”, dọc theo quốc lộ, sự di chuyển rất hỗn tạp. Anh được lệnh thượng cấp dẫn quân đi tiên phong để mở đường, bảo vệ và đưa dân chúng về đồng bằng tránh khỏi nạn đao binh và cướp bóc. Sáng ngày 25 tháng 3, anh điện về gặp tôi và báo ngày mai sẽ gặp mẹ con tôi tại Sài gòn. Chỉ còn 24 giờ ngắn ngũi, tôi chờ đợi trong sự hồi hộp xen lẫn niềm vui cho cuộc tương phùng. Chiều cùng ngày, trên đường rút quân, anh cùng thiếu tá Hải và vài sĩ quan nữa trên xe, một trái đạn B.40 từ phiá Cộng quân mai phục bắn trúng ngay người tài xế cháy không còn xác, thiếu tá Hải văng ra khỏi xe bị cháy đen, riêng chồng tôi bị dập nát mặt nhìn không ra. Trong xe chết 3 người, còn lại 3 người đều bị thương không nguy hiểm đến tánh mạng.
Như thường lệ mổi sáng, từ khu cư xá gia binh của trại Nguyễn Cao Vĩ, trên chiếc Honda ra cổng đưa con đi đến trường, tôi đã thấy trung úy Thọ và thượng sĩ Sanh, hai người này chận tôi lại, đôi mắt ái ngại và ngập ngừng cho tôi biết hung tin: Xin chị bình tĩnh, tin chính xác báo cho biết đại úy Hồ Đăng Nhựt đã tử thương trên đường rút quân chiều hôm qua. Tôi như bị sét đánh, tim tôi như ngưng đập, trước mặt tôi cảnh vật bỗng tối sầm và đảo lộn, tai tôi ù lên những tiếng kêu quái dị, mặt đất bỗng nhiên nhấp nhô dậy sóng. Tôi rụng rời, tôi chao đão, tôi ngã qụy, chiếc xe Honda với đứa con tôi cũng đổ theo. Các anh em mang tôi vào bệnh xá, sau khi hồi phục tôi làm thủ tục đi nhận lãnh xác chồng.
” Ngày mai đi nhận xác chồng, ngày mai đi nhận xác anh, cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ “. Trời ơi, Hồ Đăng Nhựt ơi! Anh đã bỏ mẹ con em, anh đã bỏ lại bạn bè và đồng đội trong lúc đất nước đang hồi nghiệt ngã. Tôi cùng các anh em đi đến Nghiã Trang Quân Đội tại Biên Hòa, được một chú lính đưa tôi đi qua dãy hộc tủ chứa đựng tử thi và cuối cùng chúng tôi dừng lại. Dừng lại để chấp nhận một sự bẽ bàng, dừng lại để gói trọn một vụn vỡ đến tê dại toàn thân, nhận một kiếp đời góa phụ. Chiếc hộc tủ gói gọn hình hài của thiếu tá Hải và thân xác chồng tôi đang nằm bất động. Trời ơi ! “em không nhìn được xác chàng, anh lên lon giữa đôi hàng nến chong”, thi hài chồng tôi nằm trên chiếc băng ca, khuôn mặt đã bể nát, tôi chỉ nhận diện chàng qua tấm thẻ bài. Tấm thẻ bài này nó đã từng theo chàng qua những đoạn đường máu lửa, nó đã từng ấp ủ nhớ thương về người vợ bé nhỏ và đàn con dại mỗi khi dừng bước quân hành giữa lưng đồi của rừng khuya tịch mịch, cuối rặng sim bạt ngàn. Bây giờ “áo bào đã thay chiếu, anh về đất” yêu đương kia đã cùng anh chấp cánh bay tới một vùng trời miên viễn…
(Đời Nay ra ngày 24.4.2020)