Đọc Tập Truyện
“ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN”
của Lê Thị Nhị
____________
ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN là một tuyển tập truyện ngắn do Kỷ Nguyên Mới xuất bản năm 2009. Tất cả khoảng 220 trang, gồm 11 truyện ngắn và thêm phần chót với tiêu đề “Chuyện Nhỏ, Chuyện To”.
CHUYỆN NHỎ, CHUYỆN TO…
Đây là phần chót của cuốn sách, có thể tạm coi như một “phụ lục” gồm những bài viết của tác giả, đã được đăng tải từng kỳ trên nguyệt san Kỷ Nguyên Mới trong mục “Chuyện Nhỏ, Chuyện To…”
Tác giả tưởng nhớ đến các thân nhân đã qua đời là bố, mẹ và anh, chị (“Cúng giao thừa”) và đặc biệt tưởng nhớ đến anh ruột là nhà thơ Vương Đức Lệ (“Vĩnh biệt anh”).
Ngậm ngùi đề cập đến lịch sử chiến tranh VN nhân xem xong 6 cuốn DVD tài liệu (“Những điều trông thấy”); nhắc nhở đến ngày 30-4 (“Còn nhớ hay đã quên?”). Nhớ lại kỷ niệm thời còn sống tại quê nhà và ngỏ ý không muốn trở về thăm quê cũ (“Qui cố hương”).
Nói đến một số sinh hoạt của người Việt trong cộng đồng vùng thủ đô như về việc dự tính chung nhau mở nhà hàng ăn (“Ăn trùm”), sinh hoạt cộng đồng và tình trạng báo chí Việt Nam hải ngoại (“Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn”, “Làng báo Việt Nam hải ngoại bị ‘cô-ma’ ” và “Người Việt Nam không xấu xí.”).
Nói đến sinh hoạt của các bạn trẻ VN (Trại hè về nguồn vùng Hoa Thịnh Đốn”) và những buổi văn nghệ do hội sinh viên VN tại các trường đại học trong vùng tổ chức (“Viết cho tuổi trẻ VN.”)
ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN
Đây là phần chính của tuyển tập gồm tất cả 11 truyện ngắn:
1) “Đêm cô đơn”: Thùy quá chán nản vì ông chồng thời cứ “ngồi dán mắt vào cái Ti Vi trong khi nàng làm đủ mọi việc trong nhà sau một ngày dài mệt mỏi, căng thẳng đầu óc ở sở” nên “tinh thần và thể chất bị sa sút nhiều.” Thùy viết thư tuyệt mệnh để lại và uống thuốc tự tử.
2) “Đổi thay”: Ông Tân ở tù cộng sản mười mấy năm trời, qua Mỹ đoàn tụ gia đình với vợ con. Vợ ông đã yêu và lấy chồng khác. Ông đau đớn. Bệnh hoạn. Phải vào bệnh viện. Vợ hối hận quay lại với ông nhưng ông khước từ.
3) “Nước mắt quê hương”: Một cô bé nghèo nàn ở một làng quê VN, phải lên tỉnh đi ở đợ. Rồi di tản qua Mỹ nhân biến cố 30-4. Sau đó vươn lên và thành công, làm chủ một “tiệm nail và uốn tóc”. Lập gia đình. Một ngày trở về thăm mẹ bị bệnh tại VN. Lòng quặn đau khi thấy cảnh tang thương nghèo nàn quê cũ.
4) “Pháo bông đêm giao thừa”: Sau 1975 ông Trình đi ở tù cải tạo, để lại vợ trẻ mới cưới có 2 tháng. Khi được phóng thích về thời thấy vợ đã lấy 1 tên cán bộ cộng sản. Vượt biên qua Mỹ ông Trình đi làm hai job. Gặp cô bé Dạ Thảo ở cùng khu chung cư. Rồi quen gia đình cô bé và bố mẹ cô bé là ông bà Chu. Một ngày cuối năm ông bà Chu mời qua nhà ăn. Bất ngờ gặp lại vợ cũ. Mới biết Dạ Thảo là con mình mà vợ cũ đã cho ông bà Chu làm con nuôi từ khi còn nhỏ tại VN. Nay vợ vượt biên qua. Hai người tái hợp.
5) “Tình đẹp như mơ”: Ông Tân qua Mỹ thấy vợ đã lấy người khác và con cái đã trưởng thành. Ông sống độc thân, đi học, đi làm. Quen bà Hằng, góa chồng có con cái ở riêng. Hai người hợp nhau và đi đến kết hôn.
6) “Yêu muộn”: Thụy gặp lại Tuyền bạn cũ bất ngờ đến thăm. Thụy tâm sự là chồng về VN “có đào nhí” và về “đưa đào nhí đi đẻ”. Chồng viết thư qua Mỹ thú thật mọi sự và xin vợ tha thứ “Anh chỉ xin em quên đi người chồng bội bạc này và vui sống với các con, các cháu.”
7) “Người đàn bà mất trí nhớ”: Một bà mẹ già buồn vì cách đối xử của con cái. Bà cụ nằm nghe các con bàn tính “… mỗi người mỗi ý, chưa biết quyết định làm sao trong việc chăm sóc cho mẹ. Bỏ mẹ vào bệnh viện tâm thần thì không nỡ! Giữ mẹ ở nhà thì quả là quá tốn kém và phiền phức”. Bà cụ vẫn còn tỉnh táo, vẫn nhớ lại hình ảnh quê cũ, nhưng nghĩ “Giá mà bà quên được. Quên được tất cả, như một người mất trí nhớ để có thể sống với những người điên trong bệnh viện tâm thần thì hạnh phúc cho bà, cho các con của bà biết là chừng nào.”
8) “Tuổi ngọ, tuổi mùi”: Quỳnh đã từng ly dị chồng, nay mang kinh nghiệm bản thân ra để cố vấn cho một người bạn là Trang cũng đang bị chồng bỏ bê.
9) “Người mẹ hạnh phúc”: Chồng bị đi tù cải tạo, bà Thanh mang 5 con vượt biên qua Mỹ. Năm con đều thành tài. “Năm mảnh bằng bác sĩ của các con mà bà Thanh treo trên tường, trong phòng khách, không phải gia đình nhà nào cũng có được!”. Rồi được tin chồng ra tù, ở lại VN lấy vợ khác. Con cái lớn khôn, ra ở riêng dần dần. Chẳng đứa nào mời bà về ở chung. Bà cô đơn, buồn chán, vào ở nhà già bắt đầu viết văn, làm thơ rồi tham gia vào các công tác xã hội.
10) “Buổi chiều quạnh hiu”: Trang dạy học ở Pleiku, yêu chàng sĩ quan tên Trúc rồi mang bầu. Trúc về thăm gia đình ở miền Trung năm 1972 rồi biệt tích luôn. Trang lấy 1 lính Mỹ và theo chồng về Mỹ. Một ngày Trang về VN dò la tin tức Trúc. Gặp lại anh ruột của Trúc mới hay Trúc hồi đó vì chữ hiếu phải theo lời mẹ để lấy vợ với một đám cưới chạy tang. Sau đó Trúc ở tù và chết trong trại cải tạo.
11) “Nụ hôn đêm giao thừa”: Luân lân la làm thân với ông Viễn để mong lấy được Nương, người ở cùng nhà, mà ông giới thiệu là em gái. Thật ra ông Viễn về VN lấy Nương làm vợ nhưng: “Trải qua vài tháng mặn nồng tình chồng vợ, sau một cơn bạo bệnh, ông Viễn mất đi khả năng làm chồng, để cho tuổi xuân của Nương qua đi trong lạnh lùng, buồn tẻ.” Thương xót Nương ông Viễn hy sinh giả đóng vai anh để tìm cho Nương một người chồng.”
*
Dàn trải trong suốt tập sách, tác giả cho những nhân vật trong truyện của mình gửi đến người đọc những suy nghĩ, những quan niệm về một số vấn đề cả về mặt tâm linh, đạo đức, tình cảm lẫn chính trị và xã hội.
1) Trước hết về mặt tâm linh truyện nhấn mạnh rằng cuộc đời này là “vô thường”, là tạm bợ, nên một ông chồng qua Mỹ đoàn tụ với gia đình đã có suy tư: “Hình như, cả vợ con ông, cũng không còn là của ông. Hình như, hình như… tất cả đã đổi thay theo năm tháng!” Rồi lại nghĩ “cuộc đời như những dòng sông và con người như những đám mây vần vũ trên bầu trời xám mênh mông…” (Đổi thay, tr.17)
Về mặt đạo đức, truyện đề cao sự “nhân nghĩa” “lòng vị tha” khi đề cập tới thái độ của một gia đình Mỹ nói với người tị nạn VN trẻ tuổi mà họ đỡ đầu: “Con đừng lo đền đáp công ơn cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn, sau này, có dịp, con sẽ lại giúp đỡ những người khác, khi họ cần đến con.” (Nước mắt quê hương, tr.32)
Hoặc truyện bà Thanh buồn vì đám con cái tuy thành đạt cả nhưng lại không chăm sóc trả nghĩa cho mẹ: “Ngày ngày, bà Thanh đi xe buýt đến làm việc thiện nguyện cho một bệnh viện để thấy rằng mình còn sống, còn giúp ích được cho xã hội và nhất là để tạ ơn cái xứ Mỹ này đã rộng mở vòng tay đón nhận và nuôi dưỡng bà, ngay cả khi bà tuổi già, sức yếu.” (Người mẹ hạnh phúc, tr.127)
Còn xưa kia cô giáo Trang phải đi dạy học ở Pleiku đã không buồn lòng vì quá xa nhà mà chỉ nghĩ rằng: “…những học sinh ở một tỉnh đèo heo hút gió thì cần tới nàng hơn là những học sinh ở các thành phố lớn” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.131)
2) Về mặt tình cảm, truyện đề cao đến “tình yêu quê hương” qua lời ông Viễn ngày 30 Tết thở dài mà nói với người khách trẻ buồn nhớ về VN: “Cậu còn trẻ, có ít kỷ niệm với VN mà còn như thế, nói gì chúng tôi. Thú thật với cậu, từ ngày sống ở nước ngoài, tôi chưa có một cái Tết nào vui.” (Nụ hôn đêm giao thừa, tr.147)
Đề cao “tình mẫu tử” qua lời một bà mẹ viết lại trước khi tự vẫn: “Giây phút cuối cùng của đời mẹ, mẹ sẽ nghĩ đến các con với muôn vàn thương yêu trìu mến” (Đêm cô đơn, tr.5). Hoặc tình cảnh của một bà mẹ không chồng: “Bà đã sớm hôm vất vả, quên cả thân mình, để lo cho các con trong hoàn cảnh ‘vừa làm cha, vừa làm mẹ’…” Bà hy sinh trong cuộc sống “Để nuôi được một đàn con khôn lớn, bà đã như một con gà mẹ, xoè cánh ra để ấp ủ đàn con, tận tụy, kiên trì, bới tìm từng hạt thóc rơi, gạo vãi. Bà đã như thân cò lặn lội đầm ao, nhặt từng cái tôm, cái tép…” (Người mẹ hạnh phúc, tr.117)
Đề cao “nếp nhà đáng quý” nên kể rằng bà Hằng khi thấy con cái của chủ nhà loay hoay trong bếp chuẩn bị thức ăn cho khách của bố, bà đã nói với người bạn mình là ông Tân “Thời nay, và ở xứ Mỹ này, những gia đình còn giữ được lối sống như vậy hiếm hoi lắm!” (Tình đẹp như mơ, tr.74)
Hoặc khi thấy con cái của Thụy làm ăn khá giả đã mua nhà cho mẹ ở, bạn của Thụy là Tuyền đã “mừng cho bạn vì có được một đàn con hiếu hạnh, đã biết bù đắp cho bố mẹ những nỗi cơ cực, khổ đau trong những ngày bố bị tù tội và mẹ lặn lội kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng, chắt chiu từng đồng, lo cho chúng vượt biển.” Rồi Tuyền nói: “Lũ con mày ngoan thật đấy. Thời buổi này, có được con ngoan kể như là trúng số độc đắc vậy!” (Yêu muộn, tr. 81)
Đặc biệt về “tình yêu nam nữ”, truyện đã đưa ra những quan niệm khá lý thú đáng phải suy ngẫm như khi cho ông Tân nói với bà vợ tuy bà ấy đã yêu người khác, đã bỏ mình, bây giờ lại muốn trở về: “Trong đời, chúng ta có thể yêu nhiều người, nhưng tất nhiên không phải yêu cùng một lúc mà trong những giai đoạn khác nhau. Nếu không như thế, thì không phải là yêu.” Ông Tân còn nhấn mạnh: “Sống với một người mà mình không yêu thì thật là bi thảm.” (Đổi thay, tr.25 và 26)
Trong một truyện khác kể rằng ông Trình đi ở tù cải tạo về thì vợ đã lấy cán bộ cộng sản, ông vẫn tâm sự với bạn: “Vợ tôi bỏ tôi đi lấy kẻ thù mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn yêu cô ấy ông ạ. Ông bảo tôi có điên không chứ?” (Pháo bông đêm giao thừa, tr.51)
Truyện ông Tân không chấp nhận người vợ đã phản bội, nay thương ông đau bệnh nên muốn trở lại, ông nói: “Tình yêu là một sự đáp ứng, không thể là một sự thương hại” (Tình đẹp như mơ, tr.63)
Truyện Trang có chồng Mỹ êm ấm nhưng vẫn nhớ đến người yêu xa xưa “…hình ảnh Trúc vẫn luôn luôn ám ảnh nàng.” … “Có thể vì nàng yêu. Có thể vì nàng giận. Có thể, với người chồng dị chủng, từ đáy thẳm của lòng, vẫn có sự khác biệt, nên nàng nhớ tới người tình xưa cho ấm áp cuộc đời.” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.130)
3) Cuối cùng, về mặt chính trị và xã hội, truyện phô bày ra những tư tưởng “chống cộng” một cách tích cực.
Ông Tân, tù cải tạo, đi Mỹ đoàn tụ gia đình, nghĩ: “Thực ra, ai mà chẳng muốn thoát khỏi cái đất nước Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản.” (Đổi thay, tr.14); “những tháng năm dài sống câm nín, chịu đựng trong lao tù, dưới chế độ cộng sản, đã làm cái lưỡi của ông ríu lại và những ngôn từ cũng đã trốn biệt nơi nào khiến ông vô cùng lúng túng…” (tr.19)
Hay truyện một bà vợ được chồng và con khuyến cáo về ý định trở về thăm quê hương: “Nhớ nhà, nhớ quê thì nhớ, nhưng Việt Cộng còn đó, thì chẳng nên về!” (Nước mắt quê hương, tr.33)
Hoặc truyện Ông Trình đã từng có nhiều kinh nghiệm thương đau khi ở tù cải tạo, nay đã thoát ra nước ngoài, phát biểu: “Thực ra thì phải nói là từ khi tôi được ra khỏi nhà tù nhỏ mới đúng vì theo tôi, cả đất nước Việt Nam từ sau năm 1975 chỉ là một nhà tù lớn.” (Pháo bông đêm giao thừa, tr.47)
Tuyền nói với bạn: “…ở Việt Nam, vấn đề đạo đức chó nó nhá hết rồi, nên con gái trẻ măng ra mà làm đĩ làm điếm thiếu gì. Đôi khi cả con nhà lành cũng ‘xuống đường’ nữa.” (Yêu muộn, tr.82)
Và cuối cùng là tâm trạng của Trang từ Mỹ về thăm lại quê hương, nhìn xã hội mới quá thoái hoá, buồn nghĩ: “Xa xa, ngang tầm mắt của nàng, một lá cờ đỏ với ngôi sao vàng đang bay phất phới trên nóc của một cao ốc với ánh đèn lấp lánh sáng trưng. Nàng thầm nghĩ, nếu không có lá cờ kia, thì thành phố này đáng yêu biết là dường nào!” (Buổi chiều quạnh hiu, tr.134)
*
Nhà văn Lê Thị Nhị đã từng cho ra mắt bạn đọc ba tập truyện ngắn: “NGÀY VỀ” (1996), “MÙA ĐÔNG HÒ HẸN” (1999) và “SÓNG THỜI GIAN” (2002). Dàn trải trong suốt ba tập truyện ngắn này, mỗi tập gồm 12 truyện, người đọc cảm nhận được một số điều mà tác giả muốn gửi gấm như đề cao tình yêu quê hương, đề cao quân nhân chế độ cũ tại miền Nam VN, vạch trần thực trạng đau buồn của xã hội VN sau năm 1975, cực lực lên án chiến tranh, đề cao tình mẫu tử và đưa ra một quan niệm khá thực tiễn về tình yêu nam nữ, về chân hạnh phúc.
Với tập truyện mới “ĐÔI MẮT HOÀNG HÔN” (2009) nhà văn Lê Thị Nhị đã lại một lần nữa khéo léo nhờ những nhân vật trong truyện thổi bùng lên ngọn lửa nồng trong tình yêu quê hương; bộc lộ niềm kiêu hãnh và bày tỏ sự tri ân các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời vạch trần ra những tệ đoan xã hội ở trong nước, lên án chế độ Cộng Sản, lên án chiến tranh và nêu cao ước vọng hòa bình.
Nhà văn cũng đề cao nền đạo đức khi nhấn mạnh đến nhân nghĩa, đến lòng vị tha, đến tình mẫu tử, đến cách bộc lộ chữ hiếu của con cái trong gia đình với cha mẹ. Nhà văn tuy ủng hộ sự tự do có tính cách giải phóng trong tình yêu nhưng vẫn chê trách những kẻ thiếu tình nghĩa thủy chung trong mối liên hệ vợ chồng và dưới lăng kính của tôn giáo đưa ra những suy tư thanh thoát về cái “vô thường” trong kiếp sống con người.
Nhiều tài liệu biên khảo về thể loại truyện ngắn thường cho rằng “truyện ngắn là sản phẩm của tưởng tượng”. Tiếc rằng kết luận này không đúng với các truyện ngắn của Lê Thị Nhị. Dường như hầu hết các truyện ngắn của tác giả đều là những mảnh đời thực sự hiện hữu với những nhân vật ta thường gặp ngoài xã hội. Các tình tiết trong truyện không có tính cách hư cấu mà là những cuộc sống bình thường. Với một văn phong bình dị nhưng trong sáng, sắc bén, truyện mãi còn vương vất trong lòng người đọc và làm khởi lên những suy nghĩ khôn nguôi! Tất cả những thông điệp mà nữ văn sĩ Lê Thị Nhị muốn gửi gấm đến độc giả đã được người đọc cảm thụ trọn vẹn đúng như Lâm Ngữ Đường đã từng viết trong “Một quan niệm về sống đẹp” rằng: “…sách hay là sách dắt ta vào cái cảnh giới trầm tư chứ không phải chỉ tả sự thực mà thôi”.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
( Virginia, USA, tháng 7 năm 2011)
________________________________________________