Hướng Nghiệp Ngành Chiến Tranh Chính Trị- Đào Hiếu Thảo

Hướng nghiệp ngành Chiến Tranh Chính Trị

                                                Đào Hiếu Thảo

 

Huy hiệu ngành Chiến Tranh Chính Trị/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Trước khi mãn khoá sĩ quan căn bản Bộ Binh tại quân trường Thủ Đức KBC 4100, các sinh viên sĩ quan phải trải qua cuộc thi trắc nghiệm tâm lý theo phương pháp huấn luyện và tuyển chọn mà quân lực Hoa Kỳ áp dụng.

Mỗi người được trao một bản 1500 câu hỏi trắc nghiệm để trả lời trong thời gian nhanh nhất có thể, tối đa là hai giờ đồng hồ. Các thí sinh được dặn dò là chỉ giải đáp những câu hỏi mình cho là chính xác, đừng quan tâm đến các vấn đề không nắm vững hoặc còn do dự hay phân vân, có quyền bỏ trống và chỉ chọn trả lời những câu mình biết chắc. Cố gắng trả lời được càng nhiều câu hỏi càng tốt.

1500 câu hỏi quả là một lá sớ dầy cộm, dài lê thê, nhìn qua là ớn lạnh đến xương sống, chưa biết phải xoay sở ra sao? Nội dung làm mình nhức đầu, trong đời chưa hề có lần nào thi cử mà rắc rối như vậy. Người ta hỏi mình đủ thứ: văn chương, toán học, vật lý, hoá học, ngoại ngữ, lịch sử, triết học, chính trị học, âm  nhạc, nghệ thuật, thiên văn, binh thư, chiến pháp, khí tượng, cơ khí, kiến trúc và gì gì nữa…

Sau hai tiếng, nộp bài, ai nấy choáng váng, đứng dậy lảo đảo, chạy vội lấy nước lạnh đắp mặt cho tỉnh táo.

Sau một tuần, kết quả cuộc thi trắc nghiệm được công bố và phổ biến đến các đại đội khoá sinh. Căn cứ theo trình độ học vấn, kiến thức, cá tính, sở thích, năng khiếu, kinh nghiệm mà mỗi sinh viên sĩ quan được máy điện toán của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phân loại và hướng nghiệp cho từng ngành nghề thích hợp.

Lý thuyết là như thế nhưng trên đời này có gì là tuyệt đối, toàn hảo đâu, chắc gì không có nạn COCC (con ông cháu cha), những trường hợp gởi gấm đặc biệt, chạy chọt, tráo bài… mà xã hội văn minh hay chậm tiến đều chứng kiến xưa nay. Xác xuất tuyển chọn người cũng có thể sai sót như kết quả những kỳ thi tú tài IBM, được xem là “ngựa về ngược” thí sinh học chuyên cần thì trợt, người thi cầu may như “chuyện bài bạc, đỏ đen” lại đỗ đạt!

Trong số hàng chục ngành nghề thuộc các quân, binh chủng mà gần 1850 sinh viên sĩ quan khóa 7/68 Không Quân chúng tôi cùng dự kỳ thi trắc nghiệm tâm lý, tôi được chọn phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị  và sẽ thụ huấn tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ở Dalat, hoặc du học về Political, Psychological Warfare & Information tại Hoa Kỳ.

Ngày nay (52 năm sau) hồi tưởng lại chuyện xưa tích cũ, mới thấy dường như vận mệnh con người đã được an bài, định đoạt từ trước, ít ai có thể “cải số Trời”, tự vạch cho mình một hướng đi, một ngã rẽ khác.

Nếu không phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị, tôi thấy mình không thích ứng với những ngành nghề nào khác mà các bạn tôi được phân bổ như: bảo toàn phi động cơ, không lưu khí tượng, truyền tin điện tử, hành chánh quản trị, tài chánh thống kê, tiếp liệu, quân cảnh, quân báo, kiến tạo, chuyển vận, quản đốc nhân lực, an ninh phòng thủ …

Tôi chỉ đam mê văn chương, triết học, ngoại ngữ, chính trị học còn những môn học khác thì rất “khó nuốt”.

Trong khi chờ hoàn tất thủ tục du học Hoa Kỳ, tôi được gởi tập sự tại văn phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất, để làm quen và học hỏi thêm về những hoạt động đa dạng của ngành này.

Những phần sở chuyên môn và tham mưu gồm có: Phòng Kế Hoạch & Chính Huấn, Phòng Tâm Lý Chiến, Phòng Xã Hội, các Phòng Tuyên Uý Công Giáo, Phật Giáo, Tin Lành, Phòng Quân Tiếp Vụ, Đại Nhạc Đoàn Không Quân, Võ Đường Thần Phong, Ban Văn Nghệ, Đội Tuyển Túc Cầu, Toán Chiến Sĩ Ca …

Chức năng hàng đầu của ngành Chiến Tranh Chính Trị là tác động tinh thần quân nhân các cấp, tranh thủ nhân tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống của họ và gia đình với các nhiệm vụ như: phát huy, duy trì lòng trung thành của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đối với Tổ Quốc, lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc, tranh thủ sự ủng hộ của toàn dân, ngoài ra cũng được giao trọng trách vận động, kêu gọi binh lính cộng sản Miền Bắc ra hồi chánh, trở về với Chính Thể Quốc Gia.

Chịu trách nhiệm tổng quát là Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bao gồm Cục Chính Huấn, Cục Tâm Lý Chiến, Cục Xã Hội, Cục An Ninh Quân Đội, Cục Quân Tiếp Vụ và Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Dalat.

Ngành Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được tái tổ chức dưới thời đệ nhị cộng hoà, từ năm 1965 áp dụng theo sách lược của cố Tổng Thống Trung Hoa Quốc Gia Tưởng Giới Thạch, tức Đài Loan qua hình thái Lục Đại Chiến, bao gồm: Tư Tưởng Chiến, Tâm Lý Chiến, Quần Chúng Chiến, Tình Báo Chiến, Tổ Chức Chiến và Mưu Lược Chiến.  

Trường quân báo, tâm lý chiến ở Cây Mai vùng Chợ Lớn-Saigon, thành lập vào năm 1956 được sát nhập với Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Dalat để bắt đầu khoá đào tạo sĩ quan hiện dịch hồi năm 1966. Đến tháng 4 năm 1975, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Dalat đã đào tạo được trên 10 ngàn sĩ quan cho toàn thể quân lực từ cấp Chuẩn uý đến Đại tá.

Được biết, Thánh Tổ Ngành Chiến Tranh Chính Trị  Việt Nam Cộng Hoà là vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, 1380-1442. Ông là Khai Quốc Công Thần nhà Hậu Lê, mà theo sử sách thì cuộc đời tài trí vẹn toàn của Nguyễn Trãi cần đến hàng trăm pho sách mới diễn tả được đầy đủ công trạng.

Ông là tác gỉa Bình Ngô Đại Cáo, nói lên trọn vẹn chính nghĩa ngời sáng của đất nước và dân tộc Việt, luôn có tinh thần tự chủ và bất khuất từ ngàn xưa. Năm 1980, Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh là bậc danh nhân văn hoá thế giới, nhà Tâm Lý Chiến đại tài, với câu nói bất hủ “Đem Đại Nghĩa Thắng Hung Tàn, Lấy Chí Nhân Thay Cường Bạo”.

So sánh với phía cộng sản Miền Bắc, họ cũng có hệ thống bí thư, đảng uỷ, chính uỷ, chính trị viên, từ trung ương xuống cấp đơn vị nhỏ nhất của quân đội nhân dân. Được đảng cắt cử, chỉ định, các chính uỷ nắm trọn quyền sinh sát tuyệt đối trong tay, cấp chỉ huy quân sự phải triệt để chấp hành mọi mệnh lệnh của họ, cho dù phải trả giá bằng máu xương chồng chất của bộ đội “nón cối, dép râu”, do sự kém hiểu biết của các chính ủy về chiến trận mà chỉbiết tuân hành mù quáng mọi mệnh lệnh của đảng cộng sản.

Trong thời gian tập sự tại  Bộ Tư Lệnh Không Quân, Tân Sơn Nhất, tôi được tham gia vào các công tác biên soạn tài liệu thuyết trình, tiếp tay tổ chức các buổi học tập chính trị, biện luận, trình diễn văn nghệ dành cho quân nhân các cấp. Tôi cũng được phân công tiếp đón, hướng dẫn các nhà báo quốc tế muốn tháp tùng các cuộc hành quân trên phi cơ Không Quân Việt Nam, thực hiện các phóng sự chiến trường khắp bốn Quân khu. Ngoài ra, tôi còn có cơ hội phụ giúp vào việc thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình định kỳ do Không Quân thường xuyên đóng góp. Tôi cũng tháp tùng các phái đoàn vận động, tuyển mộ đến những trường đại học và trung học ở Saigon để kêu gọi sinh viên, học sinh gia nhập Không Quân Việt Nam. Thời giờ rảnh rỗi, tôi cũng có thể ra sân đá banh, chơi bóng chuyền, bóng rổ hoặc luyện tập nhu đạo tại Võ Đường Thần Phong.

Quen dần với công việc mới, tôi nghiệm được rằng vào thời điểm đó, giải pháp thuần tuý quân sự không thể đơn phương vãn hồi hoà bình, không thể giải quyết cuộc diện Việt Nam ngoài chiến trận. Các công tác ngành Chiến Tranh Chính Trị với môn chính huấn, trang bị tư tưởng vững chắc cho binh sĩ, hun đúc tinh thần chiến đấu vì lý tưởng quốc gia, rèn luyện thể dục. Tâm Lý Chiến lo hướng đến việc trình diễn văn  nghệ, tổ chức giải trí, phát hành tạp chí, đặc san, thực hiện phim ảnh, phát thanh, truyền hình, giúp phương tiện cho người cai nghiện cần sa, ma tuý. Ngành  Xã Hội chăm lo uỷ lạo thương bệnh binh, gia đình tử sĩ, giúp đỡ tài chánh cho những trường hợp khó khăn. Quân Tiếp Vụ cung cấp các loại nhu yếu phẩm với giá chính thức cho gia đình quân nhân. Các vị Tuyên uý hướng dẫn đời sống tâm linh, giảng đạo  cho tín đồ, con chiên, giáo hữu trong căn cứ Tân Sơn Nhất, cầu kinh, tế lễ, tụng niệm cho tử sĩ.

Thời gian này, tôi học được hai điều mà đã gìn giữ như tôn chỉ của đời mình, một là “làm hết việc, không làm hết giờ”, hai là lúc nào cũng cần có quyển sổ tay và cây viết  mỗi khi gặp thượng cấp để nhận công tác. Mấy chục năm rồi, thói quen đó vẫn giúp ích tôi trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, mọi tình thế.

Cũng qua việc làm hàng ngày, tôi mới thấu hiểu “tu thân” là điều hết sức cần thiết, phải luôn học hỏi, trao dồi thêm kiến thức bằng sách vở, tài liệu, phim ảnh… vì điều mình biết chỉ là hạt cát, những gì mình chưa biết là cả một sa mạc mênh mông. May mắn sao, tôi lại được máy vi tính sắp cho đi ngành Chiến Tranh Chính Trị, một cơ hội làm thay đổi vận mạng, được phục vụ trong nghề mình ưa thích, đặt chân đến những khung trời mới lạ, bay khắp các vùng chiến thuật từ Cà Mau đến Bến Hải và chiến trường ngoại biên bên Xứ Chùa Tháp.

Nhờ ở trong ngành Chiến Tranh Chính Trị mà tôi thăng cấp nhanh, cũng chính vì vậy mà tôi bị cộng sản đầy đoạ lâu năm, ra tận miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, họ cho rằng tôi mang tội lớn với “Cách Mạng” với “Nhân Dân”, trong vai trò tương tự như một “Chính Uỷ” trọn quyền sinh sát trong tay, qua mặt các cấp chỉ huy quân sự, như quân đội Miền Bắc thường làm.

Sự thật, người lính miền Nam luôn nhân đạo với đối phương, tử tế với những tù, hàng binh, thương binh cộng sản khi họ bị sa cơ, thất thế. Trong khi đó, người “anh em phía Bắc”, kẻ cho là mình thắng trận đã đối xử nghiệt ngã, dã man, ác độc,  cầm tù tàn binh Việt Nam Cộng Hoà khi rơi vào tay họ ngoài trận tuyến, hoặc bị lừa ra trình diện sau ngày 30 tháng 4 đen năm 1975.

Bao nhân chứng, tài liệu, kể lại rằng có người đã bị cộng sản chôn sống, như các anh em Thượng FULRO ở Tây Nguyên;  bị cột tay chân, ném từ xe Molotova đang chạy nhanh xuống đất, như ông Xã Điểm tại Cần Thơ; cùng những hằng hà sa số trường hợp khác bị hành quyết dã man, bỏ đói, bỏ khát, lao động khổ sai đến sức cùng, lực kiệt mà vẫn phải lao lực đến hơi thở cuối cùng.

Những sự thật đó còn cần được phơi bày, cần được diễn tả, cần được nhắc nhớ bởi những ai từng chứng kiến tận mắt những gì ở hoả ngục đỏ, trong đó không thiếu những nhà báo, nhà văn, nhà thơ và các sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, Chính Huấn, Tâm Lý Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

                                                Đào Hiếu Thảo/ Th2

October 14, 2020