Đường Vào Quân Trường Là Đường Về Quê Hương- Đào Hiếu Thảo

“Đường vào quân trường là đường về quê hương”

                                                 Đào Hiếu Thảo

 

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung 1968

Ai chưa vào lính, chưa thụ huấn quân trường thì khi nghe nói đến “huấn nhục” thường nghĩ đơn giản là chuyện uốn nắn, rèn luyện, bó buộc con người, bị bắt chịu bao cảnh tủi nhục, đau đớn về tinh thần cũng như thể xác để rồi bị khuất phục, phải tuân hành theo mọi mệnh lệnh của cấp trên một cách mù quáng, không suy nghĩ hay do dự, theo tinh thần “kỷ luật sắt của Nhà Binh”.

Trong thực tế phương pháp “huấn nhục” chính là để trui rèn, tôi luyện, hun đúc một tinh thần sắt đá, một ý chí quyết tâm, quả cảm, tuyệt đối tuân lệnh thượng cấp, trung thành với Quân đội, với Tổ quốc. Chữ “nhục” được giải thích và hiểu nơi đây là “nhục thể”, để người chiến binh chuyển từ nếp sống ung dung, tự tại, thoải mái, phóng túng  thành một quân nhân với thân thể kiện toàn có tác phong đi vào nề nếp kỷ luật, nghiêm nghị và gương mẫu.

Bất cứ quân trường nào trên thế giới cho dù đó là những trường đào tạo sĩ quan nổi tiếng của Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, giai đoạn thử thách đầu tiên đối với các sinh viên sĩ quan vô cùng khó khăn, gay go và căng thẳng, được xem là những cách hành hạ con người khắc nghiệt nhất, nếu không muốn nói là vô nhân đạo đến nỗi nhiều ứng viên phải bỏ cuộc vì không chịu nổi các biện pháp thử thách, không khác nào bị tra tấn, hành hình, cộng với những mệnh lệnh vô lý, trái với đạo đức thông thường trong đời sống dân sự, làm ảnh hưởng đến thể chất hay tâm lý của họ. Có những trường hợp tại trường sĩ quan lục quân nổi tiếng thế giới West Point hay Fort Benning của Hoa Kỳ, các sinh viên sĩ quan trong “huấn nhục” phải nhai nguyên trái ớt, cay xé miệng, làm giộp lưỡi…mà phải tỏ ra như đang ăn một quả táo ngon ngọt.

Đôi khi có khóa sinh thiệt mạng trong lúc trải qua khoá huấn luyện căn bản của quân lực Mỹ, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội dân chính. Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, tỷ lệ thiệt mạng về nhân sự trong lúc huấn luyện quân sự được Quốc hội cho phép là dưới 5%, nhưng trên thực tế đó là chuyện rất hiếm khi xảy ra vì quy luật an toàn được tuyệt đối tôn trọng tại tất cả các quân trường Hải, Lục, Không Quân Việt Nam.

Được gởi thụ huấn tại Trung tâm huấn luyện tân binh ở Quang Trung, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trung tâm huấn luyện Không Quân Nha Trang, chỉ có quân trường Không Quân là chương trình “huấn nhục” đáng sợ nhất đối với anh em Không Quân chúng tôi.   

Sinh viên sĩ quan mới nhập trại được các đàn anh trong số đó có nhiều “hung thần” nổi tiếng là “khó ưa, hắc ám”, “tiếp đón” từ lúc bước chân ra khỏi phi cơ, mang theo hành lý cồng kềnh, nặng trĩu, chạy bộ trên đoạn đường gần 10 km về doanh trại, dưới ánh nắng gay gắt như bốc lửa của “Miền Thuỳ Dương Cát Trắng”. Bao nhiêu anh em thấm mệt, đói khát, kiệt sức, ngã nhào, cũng phải cố gượng dậy trong khi đàn anh thì luôn miệng hò hét, khiển trách, ai bất tỉnh thì bị dội nước lạnh cho tỉnh dậy.

Những hình phạt khác mà các đàn em nhận lãnh hàng ngày ở quân trường Nha Trang là “tập đáp bụng”, khi đang cắm đầu chạy hết tốc lực, nghe  lệnh “đáp” là phải ngã bổ xuống lập tức, dù bãi đáp đầy sỏi đá lởm chởm hay sình bùn, lồng ngực lúc ấy như bị vỡ toang ra. Còn hình phạt nữa là hít đất trên vỉ sắt dùng làm sân bay dã chiến cho phi cơ đáp, vỉ sắt như đang bị nung lên dưới sức nóng khủng khiếp của mặt trời mà phải hít đất mấy trăm cái thì lúc đứng dậy hai bàn tay đã phồng lên, tróc da vì phỏng nặng.  

Ở các quân trường Quang Trung và Thủ Đức thì tương đối nhẹ hơn, chúng tôi bị phạt hít đất, nhảy xổm, có lúc gần cả ngàn cái,  chạy bộ hàng cây số với ba lô chất đầy quân trang, súng cầm tay, hoặc bị phạt “dã chiến” mà mọi hình phạt do sĩ quan cán bộ hoặc sinh viên sĩ quan đàn anh định đoạt, thời gian phạt “dã chiến” có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ, thi hành xong lệnh phạt thì có nhiều khoá sinh gục ngã, bất tỉnh tại chỗ.

Mọi khó khăn rồi cũng vượt qua dần một khi đã làm quen với sinh hoạt quân trường, mọi người thấy thoải mái hơn, chương trình huấn luyện đa dạng, phong phú, dẫn dắt mình từ những bài học cơ bản thao diễn, chiến thuật, võ khí, tác xạ, cận chiến, di hành, lãnh đạo chỉ huy, phương pháp huấn luyện, chiến tranh chính trị, mưu sinh thoát hiểm, đoạn đường chiến binh … có lớp ban ngày, có khoá trong đêm.

Với bản thân tôi, nhờ tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Việt Nam suốt 10 năm nên thích ứng nhanh với cuộc sống nơi quân trường, lắm lúc tự nghĩ mình được đi cắm trại, hoạt động thanh niên ngoài trời, chơi trò chơi lớn, làm bếp, ăn cơm, uống nước ở sân tập mỗi ngày, giữa thiên nhiên, cảnh vật mà tuổi trẻ chốn đô thị không thể dễ dàng có được.

Sau một ngày luyện tập gian khổ, ban đêm chúng tôi được sinh hoạt văn nghệ, được phép tự thành lập, quản lý, điều hành câu lạc bộ, được đặt mua các loại nước giải khát, thực phẩm và để giải trí, anh em được mang nhạc khí, nhạc cụ vào quân trường Quang Trung, ca hát, chơi nhạc. Nhờ quy tụ nhiều nghệ sĩ từng tham gia các ban nhạc trẻ ở Saigon nên các buổi trình diễn ca nhạc do khoá Không Quân chúng tôi thực hiện được các sĩ quan cán bộ và những tiểu đoàn khóa sinh khác tán thưởng nồng nhiệt.

Do sự xuất hiện và cống hiến được cho là “Nhà nghề” của ban nhạc khoá 7/68 Không Quân  mà Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung quyết định giao cho anh em chúng tôi trách nhiệm thực hiện một chương trình giới thiệu Quân Trường Quang Trung trên đài Truyền Hình Saigon, băng tầng số 9, cuối năm 1968.

Nội dung chương trình do tôi làm MC gồm có sơ lược về sự hình thành và hoạt động của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, những đơn vị trực thuộc như  Liên đoàn khoá sinh A & B,  các tiểu đoàn Nguyễn Huệ, Gia Long, Đinh Tiên Hoàng, Trần Bình Trọng… cùng các tiết mục ca nhạc chọn lọc. Chương trình truyền hình hôm ấy, sau nghi thức khai mạc với lễ chào quốc kỳ là đồng ca bài “Đường vào quân trường là đường về quê hương”

Đây là tựa đề một bài hát mà anh em khoá sinh khóa 7/68 Không Quân chúng tôi hay hét vang, mỗi khi cả đại đội di chuyển từ doanh trại ra bãi tập cũng như trên đường về trại sau một ngày tập luyện cam go. Một số những câu ca khác nằm lòng như “hàng ngàn câu ca làm thành sức mạnh người quân nhân” hoặc “bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường” … mà chúng tôi cất cao tiếng hát, từ lúc bật dậy 4 giờ sáng mỗi ngày, chạy tập thể dục và sau đó cũng chạy suốt ngày với súng trường Garant M1 cầm tay, bước đều, miệng hát tođể đánh bạt đi những nhọc nhằn nắng lửa, mưa dầu của mỗi ngày trong quân trường.

Quân sử Việt Nam Cộng Hòa đã ghi lại  đậm nét những chiến công hiển hách, oai hùng, các trận đánh lịch sử, giành từng tấc đất, từng nhánh sông, bờ ruộng, góc phố, thôn làng với đối phương phía Bắc. Trên khắp các mặt trận, các chiến dịch từ Quảng Trị, Kontum, Thừa Thiên, Huế, Bình Long, Cửu Long … bao nhiêu chiến sĩ các cấp, trong đó có nhiều vị tướng lãnh đã anh dũng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam Tự Do.

Riêng Không Quân Việt Nam đã có những anh hùng như Phạm Phú Quốc, Vũ Khắc Huề, Nguyễn Hữu Chẩn, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Thế Tế… hy sinh trong những phi vụ “Bắc Phạt” năm 1965, dội bom ngay vào căn cứ địa gây cho cộng sản Bắc Việt những thiệt hại nặng nề, rồi những phi công khác như Phạm Văn Thặng chết theo con tàu, tránh để phi cơ mình đang bốc cháy vì bị trúng đạn, không  rớt xuống nhà dân chúng ở Biên Hoà và Tân Sơn Nhất.

Nhiều trường hợp hy sinh khác,  như luôn sẵn sàng tình nguyện bay vào lửa đạn khi chiến sự cần đến mình, dù đang được nghỉ ngơi hoặc xuống ca trực, điển hình là Trung tá Huỳnh Văn Vui thuộc Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân, Tân Sơn Nhất,  khi nghe báo cáo là có xe tăng VC hướng vào một trường học ở Dầu Tiếng, ông đã không ngần ngại phóng lên oanh tạc cơ A 37, bay đến khu vực được hướng dẫn, bắn nổ tung một chiến xa T 54,  phi cơ của ông bị trúng đạn từ một chiến xa khác của địch, rơi xuống lòng sông gần đó. Ông hy sinh vì Tổ Quốc với tuổi đời trên 40, để lại vợ hiền và bốn con gái thơ dại.

Nhiều trường hợp khác vì  nhất quyết không đầu hàng mà một số sĩ quan VNCH bị đối phương phanh da, xẻ thịt,  như đã từng xảy ra tại Bình Giả năm 1965 với tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thuỷ Quân Lục Chiến,  hay với anh hùng Không Quân Nguyễn Du, nơi mặt trận Kontum năm 1972.

Cũng để bày tỏ tấm lòng trung kiên với đất nước, một số vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp đã tuẫn tiết, khi người “anh em Miền Bắc ruột thịt” tiến vào Saigon gọi là để “Giải Phóng Miền Nam”.

Nghĩ lại, giai đoạn “huấn nhục” mà mọi quân nhân đều phải trải qua và “nếm mùi” là phương cách “rèn cán, chỉnh quân”, tôi luyện nhân cách, đào tạo người chiến binh mẫu mực, dũng cảm và xứng đáng để phục vụ trong quân đội và đối phó trong hoàn cảnh rơi vào tay địch.

Câu hát “Đường vào quân trường là đường về Quê hương” đến nay vẫn còn luôn vang vọng trong ký ức của những người từng là lính, vì đã có hàng trăm ngàn chiến binh lấy máu đào để tô thắm màu Cờ Tổ Quốc và bảo vệ chánh nghĩa Quốc Gia, lý tưởng Tự Do, Dân Chủ như lời thề son sắt, khi nhận lãnh cấp bậc chỉ huy, do Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ban cho.

Xin dành bài viết này để kính dâng Hương Linh Huynh Trưởng Lê Văn phúc, nguyên Chánh Văn Phòng Cục Quân Nhu QLVNCH, xuất thân khóa 16 Liên trường Võ Khoa Thủ Đức đã mãn phần ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Virginia. Mỗi lần huynh đệ gặp nhau anh Phúc thường hát lên câu: “Đường vào quân trường là đường về Quê hương” nguyên là chủ đề chương trình truyền hình do anh em khóa 7/68 KQ chúng tôi thực hiện năm 1968 mà anh là một trong những khán giả nhiệt thành ủng hộ.

Đào Hiếu Thảo, lính Không Quân

Số quân 67/601 585- KBC 3011

 

October 14, 2020