“Vượt biên” sang Kampuchia
Đào Hiếu Thảo
Năm 1970, trong chuyến thăm viếng Bắc Kinh, quốc vương Sihanouk của Kampuchia bị Trung tá Lon Nol, tỉnh trưởng tỉnh Battambang cầm đầu cuộc đảo chánh, tự phong cho mình cấp Thống Tướng mang 5 sao và lên làm tổng thống. Ông xoá bỏ chế độ quân chủ trên Xứ Chùa Tháp, lập nên nền cộng hoà Khmer.
Ông Hoàng Norodom Sihanouk có tiếng là thiên cộng, giao du mật thiết với Trung Quốc đồng thời có quan hệ ngấm ngầm với Hà Nội mà hành động cụ thể là cho phép quân cộng sản Miền Bắc Việt Nam sử dụng lãnh thổ Kampuchia để vận chuyển binh lính và chiến cụ do Nga-Tàu cung cấp, xâm nhập ồ ạt hầu mở rộng chiến trận xuống sâu lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà.
Với sự dàn xếp và thoả thuận của Hoa Kỳ, quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã phản công mạnh mẽ bằng nhiều mũi nhọn phát xuất từ Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV thọc qua những vùng Tây Ninh, Hồng Ngự, Châu Đốc, Thất Sơn… Các Sư Đoàn tham chiến gồm những đơn vị thuộc Sư Đoàn 5, 25 của Quân Khu III và Sư Đoàn 7, 9, 21 thuộc Quân Khu IV cùng lực lượng tổng trừ bị với một số tiểu đoàn Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân được Không Quân , Hải Quân, Thiết Giáp và Công Binh Việt Nam yểm trợ.
Những trận đụng độ ác liệt giữa quân đội hai Miền Nam-Bắc được ghi lại trong Quân Sử xảy ra ở các địa danh như Krek, Snoul, Mimot, Dam Be, Takeo, Siem Reap, Lộc Ninh…
Vì có sự tham chiến của các phi đoàn trực thăng, vận tải, khu trục và không thám thuộc hai Sư Đoàn 3 và Sư Đoàn 4 Không Quân/Việt Nam Cộng Hòa phát xuất từ Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, Cần Thơ, Sóc Trăng nên chúng tôi được phân công bám sát các phi vụ hành quân trên đất Kampuchia, hướng dẫn các phóng viên báo chí trong và ngoài nước muốn tháp tùng để làm phóng sự từ chiến trường nóng bỏng ngoại biên.
Những điều học hỏi từ trường huấn luyện thông tin báo chí DINFOS bên Hoa Kỳ và kinh nghiệm thu thập được khi sát cánh làm việc với các cố vấn Không Quân Mỹ, giờ là lúc được đem ra ứng dụng. Chúng tôi di chuyển bằng đủ các loại phi cơ của Không Lực Hoa Kỳ và Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, bay từ vùng đồng bằng Miền Tây đến sát khu vực phi quân sự ở Đông Hà, vùng địa đầu giới tuyến Bến Hải.
Nhận sự vụ lệnh, tôi tháp tùng các phi đoàn trực thăng tác chiến và tản thương (MEDIVAC) thuộc Không Đoàn 74 Chiến thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, bản doanh đặt tại phi trường Trà Nóc, Cần Thơ.
Buổi sáng hôm ấy, thức giấc từ 2 giờ, được xe đưa ra phi đạo Tân Sơn Nhất đáp trực thăng Chinook CH 47 trực chỉ Cần Thơ. Đến nơi, nghe thuyết trình của Quân Báo về tình hình chiến sự mà đơn vị trực thăng Phi đoàn 217 sắp bao vùng, quanh khu vực tỉnh Prey Veng, bến phà Neak Lương, cách thủ đô Phnom Penh chừng 60 km về hướng Nam.
Hợp đoàn trực thăng gần 40 “tàu” chuẩn bị lên đường hành quân. Anh em Không Quân thường quen gọi “tàu” thay vì máy bay hay tàu bay, ví dụ như check tàu, đập tàu… Khi đến mục tiêu, mỗi phi đội, phi tuần hướng về nơi được cắt đặt trước để thi hành đúng theo tiêu lệnh hành quân.
Hành quân trực thăng vận (nguồn ảnh: Geographic)
Chúng tôi tháp tùng phi tuần gồm 12 chiếc trực thăng võ trang Gunship và C&C (Command & Control) do Đại uý Lộc chỉ huy, anh em Không Quân gọi ông là “Lộc Ròm”, bay giỏi, gan dạ, đánh giặc hay, chỉ huy khéo. Mấy chục năm sau gặp lại Trung tá ở Washinton DC trong Đại Hội Hoa Anh Đào Không Quân thì không nhận ra ông nữa, vì béo phì như “Ông Địa” nay có tên là “Lộc Bụng”.
Chỗ ngồi của tôi ở ngay sau ghế lái của Đại uý Lộc trưởng phi cơ, được cho là khá an toàn đối với một nhà báo, một “Thiếu úy sữa” mới ra trường với dáng dấp thư sinh, chưa biết trận mạc là gì. Đại uý Lộc giao cho tôi một khẩu M 16 với cấp số đạn trên một ngàn viên, một áo giáp chống đạn, để xử dụng trong tình huống xấu nhất và dặn dò tôi phải làm theo mọi mệnh lệnh để bảo toàn sinh mạng của chính mình và của cả phi hành đoàn.
Thông thường một trực thăng võ trang có hai sĩ quan là trưởng phi cơ và hoa tiêu phó, kế đó có ba hạ sĩ quan gồm cơ phi – lo bảo trì tàu bay, xạ thủ – lo bắn đại liên không giựt M 60 và y tá phi hành lo cứu thương, băng bó, vô nước biển trong trường hợp cần thiết. Bốn tàu bay trực thăng thành một phi đội, nhiều phi đội hợp thành phi tuần, với số tàu bay có thể lên tới 12, 18 hoặc 24 chiếc, tuỳ theo nhu cầu chiến trường và tình thế đòi hỏi.
Cất cánh khỏi phi trường Cần Thơ, hợp đoàn trực thăng do Thiếu tá Tâm chỉ huy nhắm xứ Chùa Tháp trực chỉ. Nửa giờ sau, bay ở cao độ thấp, nhìn xuống đất đã thấy cảnh vật khác hẳn nước mình với những ngôi chùa Miên, nhà sàn, cách ăn mặc của dân chúng, của binh lính, xe cộ, đường xá không phải là của Việt Nam. Vậy là mình đã vượt sang không phận một quốc gia khác mà không cần thông hành, không ai kiểm soát.
Phi đội trực thăng do Đại uý Lộc hướng dẫn có lệnh đến trình diện Lữ Đoàn B Thuỷ Quân Lục Chiến của Đại tá Tôn Thất Soạn mà Bộ Chỉ Huy được đặt tạm tại một cao ốc thuộc chánh quyền địa phương tỉnh Prey Veng gần bến phà Neak Lương, một vị trí trọng yếu trong kế hoạch vận chuyển binh lính và chiến cụ của quân đội Khmer.
Thuỷ Quân Lục Chiến là một trong bốn lực lượng tổng trừ bị thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bên cạnh các Sư đoàn Nhảy Dù, Liên đoàn Biệt Kích Dù và Biệt Động Quân. Trọng trách tổng quát của Thuỷ Quân Lục Chiến là hành quân thuỷ bộ, kiểm soát hệ thống sông ngòi và vùng biển, địa bàn chiến đấu là khắp 4 vùng chiến thuật và mặt trận ngoại biên.
Trong khi đó, nhiệm vụ chính của các trực thăng Không Quân Việt Nam được tăng phái sang Kampuchia là đổ quân cho đơn vị bạn xuống một số mục tiêu mà bộ đội chính quy cộng sản Bắc Việt đang tập trung lực lượng quan trọng để tràn qua lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà.
Theo yêu cầu của Lữ Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, phi đội trực thăng của Đại uý Lộc chuyên chở binh sĩ cùng trang bị, quân dụng, võ khí đến thả ngay trong lòng địch, phá vỡ đường giây xâm nhập từ phía Bắc xuống miền Nam Việt Nam, băng qua ngã Kampuchia.
Mỗi chuyến tàu chở một tiểu đội gồm 12 Thuỷ Quân Lục Chiến với đầy đủ súng ống, đạn dược, chất nổ. Khi tàu bay xà xuống gần sát mặt đất, các anh lính đu càng, phóng thật nhanh vào lòng tàu và trực thăng bốc lên cao trong nháy mắt, chậm trễ là đối phương có thể dò được toạ độ và rót hoả tiễn bắn hạ máy bay khi chưa kịp cất cánh.
Lúc đến mục tiêu, bên dưới đã dọn dẹp sạch sẽ, đoàn trực thăng nối đuôi nhau nhào xuống từng chiếc một, cách mặt đất chừng trên 2 mét, cả tiểu đội lao mình từ cửa máy bay xuống đất, lập tức ẩn núp và sắp xếp lại đội hình để chuẩn bị tiến quân. Đây là chiến thuật trực thăng vận do Đại tướng Mỹ Maxwell Taylor sáng tạo năm 1961 với khả năng di chuyển binh lính nhanh chóng, thảy họ vào lòng địch từ trên cao, tạo sự bất ngờ để đối phương không kịp trở tay. Chỉ có quân đội nhà giàu mới nghĩ ra cách đánh này, tuy có hữu hiệu nhưng cũng tiêu hao không ít vì ngoài những mạng sống vô giá của con người, mỗi chiếc trực thăng bị bắn rơi có thể trị giá tới hàng chục triệu đô la.
Sau cuộc hành quân, đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến được trực thăng Không Quân Việt Nam đón về dưỡng sức nơi hậu cứ để rồi lại tiếp tục xông pha. Trên đường bay về, thỉnh thoảng từ trực thăng nhìn xuống chúng tôi trông thấy rõ xác bộ đội Miền Bắc nằm ngổn ngang, đầu còn dính nón cối, chân đi dép râu Bình Trị Thiên, chưa được đồng đội mang đi cất dấu để phi tang chứng tích. Tại sao họ phải chết “như rạ” vậy? do đâu? vì ai? bao giờ cảnh binh đao“nồi da xáo thịt này mới chấm dứt”?!
Lúc bay ngang những ngôi chùa Miên, thấy các vị sư sãi vẫn sinh hoạt bình thản, họ chắp tay tụng niệm, không biết Đức Phật Thích Ca có chứng giám cho lòng thành này, để xứ sở của họ được an bình?
Lúc khác, khi tàu đáp nơi bãi đất trống của một ngôi làng, không còn thấy một bóng người, tiến sâu vào đến nhà dân thì nhiều nhà mâm cơm còn nguyên, chén đũa rơi rớt. Sau đó, theo lời dân làng thì bộ đội miền Bắc tràn vào, pháo binh Miên rót hoả tiễn, bắn đại bác để đẩy lui bọn chúng, súng đạn quanh mình, dân hoảng sợ bỏ mâm cơm chưa kịp ăn chạy giữ lấy mạng sống.
Có đơn vị tác chiến nào mà trở về trọn vẹn? Thương binh được trực thăng tải thương về các quân y viện ở Cần Thơ, tử sĩ được gửi về đơn vị gốc để gia đình nhận diện và lo tống tang, ma chay. Đó là những gia đình còn may mắn, được nhìn thấy người thân yêu lần cuối, biết bao nhiêu những gia đình khác chỉ được báo tin kèm theo tấm thẻ bài! Thật là một cuộc chiến tương tàn khốc liệt!
Ngoài công tác đổ quân ra chiến trận và đón quân về, trực thăng Không Quân Việt Nam còn thi hành các phi vụ tiếp tế lương thực, thuốc men, võ khí, đạn dược cho Lữ Đoàn B Thuỷ Quân Lục Chiến, bắn yểm trợ hoả lực khi được yêu cầu, tác xạ vào mục tiêu địch trong trường hợp bên ta bị bao vây hoặc cận chiến.
Khi gần cạn nhiên liệu, đoàn trực thăng của Việt Nam bay ra những nhánh sông do Hải quân Khmer kiểm soát, nơi đó các tàu dầu Hải quân Mỹ chờ sẵn để bơm thêm xăng. Các bạn người Mỹ cũng gởi tặng những thùng lương khô Ration C, cùng các gói chewing gum, bánh kẹo, thuốc lá. Chúng tôi đem về chia sẻ với các bạn Thuỷ Quân Lục Chiến để hy vọng làm ấm những đêm lạnh dưới giao thông hào hay canh thức thâu đêm. Sau đó, đoàn trực thăng quay về Cần Thơ hay Châu Đốc để máy bay được bảo toàn, sẵn sàng cho ngày mới công tác trên Xứ Chùa Tháp.
Có một hôm, khi tàu hạ thấp dần để chúng tôi đạp vội những kiện hàng gồm chiến cụ, lương khô tiếp tế thì từ dưới đất ném lên tới tập nhiều con gà bị trói chặt chân và những bao giấy báo bọc kỹ, cùng lúc nghe giọng quen thuộc của anh Thiếu uý Trung đội trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến la lên dặn dò: “Về Cần Thơ, Châu Đốc nhậu đi nghe các bạn”, anh đưa tay chào và biến nhanh vào chỗ an toàn. Về đến căn cứ, mở bọc giấy ra thì thấy mấy chai rượu mạnh, sản xuất ở Nam Vang, kèm theo những con gà mái tơ nặng chịch.
Phía Không Quân Việt Nam cũng gánh chịu một thiệt hại nghiêm trọng, trong khi cất cánh, tàu bay do Đại uý Trí điều khiển, chẳng may bị sức gió lôi cuốn mãnh liệt, mất kiểm soát, cánh quạt đuôi của chiếc trực thăng vướng vào giây điện đâm thẳng xuống rặng dừa không xa nơi chúng tôi đang chờ đến lượt tàu mình cất cánh theo sau. Phi hành đoàn gồm hai sĩ quan và hai hạ sĩ quan thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân tử nạn. Chỉ trong một tích tắc, thấy đó rồi mất đó, mới sáng sớm này còn cùng nhau uống café ở câu lạc bộ trong căn cứ trước khi lên đường.
Ngoài những phi xuất hành quân trực thăng vận, chúng tôi cũng có dịp tháp tùng những phi vụ vận chuyển đồng bào Việt Nam làm ăn lâu năm nơi Xứ Chùa Tháp nay bị nạn “Cáp Duồng” tức là dân Miên chặt đầu người Việt, họ phải tìm đủ mọi cách để quay về nước. Máy bay vận tải C 47, C119, C 123 của Không Quân Việt Nam từ Tân Sơn Nhất bay qua lại phi cảng Pochentong trong thủ đô Phnom Penh mỗi ngày để rước hàng chục ngàn người Việt trở về quê Cha đất Tổ, làm lại cuộc đời.
Mặt khác, các loại máy bay vận tải lớn nhỏ của Không Quân Việt Nam cũng được cơ quan DAO (Defense Attache Office) của người Mỹ giao trách nhiệm đưa đón những hạ sĩ quan quân đội Khmer sang thụ huấn tại trường hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang. Sau giai đoạn huấn luyện cấp tốc kéo dài 4 tháng, với cấp bậc Thiếu uý tân thăng, họ về xứ chỉ huy các trung đội, đại đội thuộc Bộ Binh Kampuchia.
Sau thời gian trên một tháng tập sự ngay ngoài chiến trận bên Xứ Chùa Tháp để viết bản tin và phóng sự, tôi rời Sư đoàn 4 Không Quân, trở về nhiệm sở Phòng Thông Tin Báo Chí/ Bộ Tư Lệnh tại Tân Sơn Nhất, với bao kỷ niệm khó quên của những lúc cùng sát cánh với các chiến hữu hầu hoàn thành trách nhiệm của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa yêu chuộng lý tưởng Tự Do và Nhân Bản.
Đào Hiếu Thảo/ Th2