HOÀNG QUÂN( Hoàng Thị Ngọc Thuý)

Tiểu Sử:

  • Hoàng Quân sinh ngày 14.03.1960.

    Tên thật Hoàng Thị Ngọc Thúy. Gia đình người Huế. Đã sống ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Sài Gòn.

    Từ năm 1982 định cư ở Đức Quốc. Sống ở Duisburg, Munich, Berlin, Wolfhagen, Bad-Nauheim…

  • Sinh viên khoa Anh Văn, Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn. Tốt nghiệp đại học Johann Wolfgang Goethe Universität, Frankfurt am Main, ban Quản Trị Kinh Doanh. Làm việc trong lãnh vực tài chánh từ năm 1995 đến nay.

  • Cộng tác với các báo: Văn Nghệ Trẻ (Măng Non), Viên Giác (Đức Quốc); Viết & Đọc (Na- Uy); Tin Văn (Pháp); Làng Văn (Gia-Nã-Đại); Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, Ngôn Ngữ, Văn Hữu…  (Hoa-Kỳ), và các trang mạng văn học: Diễn Đàn Thế Kỷ, T.Vấn & Bạn Hữu, Sáng Tạo, Saigonocean, Cái Đình…

  • Thành viên Văn Bút Lưu Vong trực thuộc Văn Bút Quốc Tế, Exil-P.E.N. (Zentrum der Schriftstellerinnen und Schriftsteller im Exil deutschsprachiger Länder), thành viên nhóm Cô Gái Việt

Tác Phẩm:

Đã xuất bản:

  1. Bông Hoa Trên Phím (truyện ngắn, 2015, nxb Thanh Hóa, Viet Nam), tái bản dưới dạng ebook, tủ sách TV&BH(2017)

  2. Nhớ Tiếng À Ơi (truyện ngắn, 2016, nxb Nhân Ảnh, Hoa Kỳ), tái bản dưới dạng ebook, tủ sách TV&BH(2018)

  3. Đứng Ngẩn Trông Vời (truyện ngắn 2018, nxb Nhân Ảnh, Hoa Kỳ), tái bản dưới dạng ebook, tủ sách TV&BH(2020)

  4. Long Lanh Màu Trời (truyện ngắn 2020, nxb Nhân Ảnh, Hoa Kỳ)

Góp bài trong

“44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-2019” do Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán, Khánh Trường thực hiện, Hoa Kỳ.

“Đặc San Văn Hóa Phật Giáo- Phật Giáo & Đời Sống”, Viên Giác Tùng Thư, Đức quốc.

“Tuyển Tập Cô Gái Việt 2020” Hoa Kỳ

 

Kính mời quý vị nhấn vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức các tác  phẩm  của nhà văn Hoàng Quân

Hoàng Quân: Măng Non và Văn Bút Lưu Vong

 

Exil-PEN Sektion deutschsprachige Länder – Frankfurt 10.2018

Thời giữa thập niên 80, gia đình chúng tôi đến Đức được vài năm, tạp chí Độc Lập và Măng Non (sau này đổi thành Văn Nghệ Trẻ) là những món ăn tinh thần quý giá. Học tiếng Đức thật vất vả, trầy vi, tróc vảy. Bởi thế, chúng tôi thèm thuồng món ăn chữ nghĩa Việt ngon ngọt, vừa quý, vừa hiếm này. Nhận được tờ báo tiếng Việt, chúng tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót mục nào. Đọc xong, chuyền tay qua anh chị em khác.

Từ thuở bé, tôi ưa ghi ghi, chép chép, không đầu, không đuôi, chỗ này vài câu, chỗ kia đôi dòng. Tôi có vô số tập vở to nhỏ, mỏng dày nhiều loại, để phục vụ những sinh hoạt ngoài học đường. Vào trường trung học Đức, không biết tự lúc nào, năm bảy dòng chữ tiếng Việt của tôi thỉnh thoảng góp mặt trong tập vở học chi chít tiếng Đức, toán, lý, hóa… Nhà trường Đức không có lệ kiểm soát sách vở của học trò. Chứ không, e rằng tôi bị ăn trứng vịt lộn, vì thầy giáo sẽ thắc mắc, tại sao giữa bài làm tóm tắt Die Waage der Baleks của Heinrich Böll, có đoạn viết bằng ngôn ngữ gì thầy chẳng hiểu.

Lên đại học, computer là “đầu tư” quan trọng, để mài dũa, tỉa tót chiếc cần câu miếng cơm trong tương lai. Computer của tôi, to như tủ sắt, lừng lững góc phòng, lúc ấy chỉ biết mỗi chức năng viết chữ. Cái tủ sắt này đã giúp tôi viết các bài thuyết trình trong các hội thảo chuyên ngành, chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ cũng như nhận đề tài làm luận án ra trường. Dùng computer viết truyện cũng giống như lạm dụng của công làm việc tư. Bởi thế, tôi rất kỹ càng, không dám lưu trữ chuyện riêng nhiều, sợ chật máy, sợ rầy rà ảnh hưởng đến “đại sự”. Tôi xài mực in rất chừng… mực. Lúc ấy, các nhu liệu tiếng Việt chưa phổ biến, tôi viết tiếng Việt không dấu, in ra, đánh dấu bằng bút chì. Tất cả công đoạn đều mang tính thủ công. Tôi chưa hề biết đến văn minh email. Viết xong, tôi chạy ra tiệm làm bản sao, bỏ bài viết vào bao thư, ra bưu điện “âu yếm” gởi đến tòa soạn.

“Tác phẩm thủ công” đầu tay của tôi, truyện ngắn “Chó, Mèo, Chim, Cá” đăng trên báo Măng Non ở Tây Đức của nhà văn Ngô Nguyên Dũng. Anh Ngô Nguyên Dũng là chủ bút, chủ nhiệm, tổng thư ký… lo toan mọi việc, từ đầu đến cuối. Tôi ngạc nhiên và thật vui khi nhận được tấm bưu thiếp của anh Ngô Nguyên Dũng. Anh khen truyện “Chó, Mèo, Chim, Cá” dễ thương và ân cần nhắc, nhớ viết tiếp. Ít lâu sau, anh Ngô Nguyên Dũng báo tin phải đình bản tờ báo, mặc dù anh rất yêu chữ nghĩa. Cơm áo hằng ngày đòi hỏi cả tay phải lẫn tay trái của anh (mà có lẽ của rất nhiều người). Anh khuyên tôi, gởi bài vở đến Xóm Măng của Làng Văn.

Tôi không gởi bài đến Xóm Măng, nhưng vẫn “gặp” anh Ngô Nguyên Dũng khi đọc báo Làng Văn. Tôi nhâm nhi những Dòng Chữ Tâm Tình, ngắm nhìn Mười Hai Hoa Cúc, làm quen với Cún 1, Cún 2, Kiki, mấy nhân vật dễ thương trong Gia Đình Cún. Đọc truyện của anh, ngoài những đường xưa lối cũ của Việt Nam, thỉnh thoảng bắt gặp vài địa danh của nước Đức, nhân vật người Đức, tôi có thêm chút tình… đồng hương với tác giả Ngô Nguyên Dũng.

Sau khi báo Văn Nghệ Trẻ đình bản, tôi liên lạc với anh Ngô Nguyên Dũng mỗi năm chỉ một lần, để đặt mua dài hạn báo Làng Văn. Tôi viết ít chữ, báo tin đã chuyển ngân gia hạn báo. Anh Hải, anh cả của tôi, kể, anh và anh Dũng cùng là học trò Petrus Ký, Sài Gòn. Qua Đức du học, anh tôi theo ngành cơ khí, anh Dũng theo ngành hóa học. Họa hoằn mới gặp nhau. Anh tôi bảo, anh Dũng rất hiền lành.

Năm 2002, anh Ngô Nguyên Dũng đóng vai ông mai, “xe duyên” cho tôi với chị Hoàng Nga. Những lúc hai chị em kháo chuyện, tụi tôi nhắc anh Dũng, gọi đùa là Ngô công tử. Mấy năm sau, anh Ngô Nguyên Dũng xuống München chơi. Chúng tôi có buổi hội ngộ thật vui ở nhà chị Hoàng Nga. Anh cười cười dễ dãi, như ông anh lớn, mặc cho mấy đứa em tinh quái trêu chọc. Anh Ngô Nguyên Dũng mang theo máy chụp hình, đạo diễn cho chúng tôi chụp vài tấm gọi là để làm kỷ niệm những ngày quen nhau. Thấy hình chụp chung ba người ngồ ngộ, tôi bèn “vè”:

Hoàng Quân mí lị Hoàng Nga

Quân tả, Nga hữu, giữa là Hoàng Ngô (Nguyên Dũng)


Hoàng Nga, Ngô Nguyên Dũng, Hoàng Quân, München 03.2007

Gặp anh Dũng, tôi thấy anh hiền thiệt, hiền khô, hiền queo. Anh dễ quen, dễ mến. Về sau, những email liên lạc của anh, dẫu chỉ đôi dòng, nhưng gói ghém những đồng cảm, đôi khi là những lời động viên, khích lệ, như của người anh dành cho em nhỏ.

Anh Ngô Nguyên Dũng đọc truyện Hoàng Quân trên Thế Kỷ 21, anh bình phẩm “… phải công nhận rằng Thúy đem những điều nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày để viết ra những mẩu truyện thú vị như vậy. Không phải là chuyện dễ, và ít người làm được… ” Những điều nho nhỏ ấy đem đến cho tôi niềm vui nhẹ nhàng.

Năm nay, mùa Hội Chợ Sách Frankfurt, đặc biệt có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từ Việt Nam sang Đức, lãnh giải LiBeratur. Ỷ mình nhà sát rạt Frankfurt, tôi gởi chương trình sinh hoạt mùa Hội Chợ Sách, chèo kéo anh Ngô Nguyên Dũng đi cùng. Anh cho biết, rất muốn đi hội chợ. Nhưng anh bận bịu chăm sóc người thân, không thể vắng nhà lâu. Tuy nhiên, anh cố gắng sắp xếp đến dự Họp Mặt Thường Niên của Exil-P.E.N ở Frankfurt vào cuối tháng Mười. Anh rủ tôi đến nghe anh đọc truyện trong kỳ họp thường niên. Anh hỏi tôi có muốn vào hội Exil P.E.N. cho vui không. Tính tôi ham vui. Nghe đâu vui, háo hức tìm tới. Tôi vội đánh dấu vào sổ tay, để dành cuối tuần đến dự kỳ họp của Exil P.E.N ở Frankfurt. Anh Dũng gởi cho tôi những thông tin về Exil- P.E.N, Hội Văn Bút Lưu Vong, trực thuộc Trung tâm Văn bút Quốc tế. Điều kiện gia nhập hội là sinh hoạt trong văn chương, có tác phẩm xuất bản, và được hai người viết (thành danh) ở nước Đức giới thiệu. Tôi nhờ anh Phù Vân, chủ bút báo Viên Giác của Đức, giới thiệu. Lúc làm thủ tục, ông tổng thư ký hội cho biết, hai người giới thiệu phải là hai hội viên mới được. Anh Phù Vân không là hội viên. Vì vậy, tôi cần thêm người thứ hai. Một người góp ý ngay: “Tôi sẽ bàn với Prof. Schlott. Ông ấy sẽ viết giấy giới thiệu cô”. Tôi nghĩ thầm, hân hạnh quá, được ngay ông chủ tịch hội giới thiệu.

Đến phòng họp, mới hay, không chỉ đơn thuần “cho vui” như tôi nghĩ, mà là chốn sinh hoạt của những người có đủ cả tên lẫn tuổi. Có người vừa thơ, văn, và họa. Có người sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác. Tôi như con bé học trò tiểu học đi lạc vô khuôn viên đại học văn khoa. Anh Ngô Nguyên Dũng chu đáo dắt tôi đến chào ông chủ tịch hội, giáo sư Schlott và gặp gỡ những hội viên khác.

Hội viên vùng Đông Âu như Nga, Ukraine, Romania, Serbia cũng như vùng Trung Đông chiếm đa số của hội. Anh Ngô Nguyên Dũng là hội viên người Á Châu duy nhất. Anh Ngô Nguyên Dũng đọc một đoạn trong tiểu thuyết Tausend Jahre im Augenblick (Ngàn Năm trong Khoảnh Khắc). Anh Ngô Nguyên Dũng viết tiểu thuyết này thẳng bằng Đức ngữ. Sách sẽ được nhà xuất bản POP-Verlag ấn hành trong năm nay (2018). Anh kể, anh đã ròng rã “chiến đấu” nhiều năm trời, khi viết cuốn truyện này.

Chủ tịch hội, ông giáo sư Schlott, hỏi tôi: “Cô nghĩ xem, cô sẽ có những đóng góp gì cho hội?” Thật tình, tôi không dè có câu hỏi này, tôi không chuẩn bị tinh thần. May sao, lúc ấy, tôi nhanh trí, tóm tắt những điều tôi đã, đang và vẫn làm, khi ngồi vào bàn viết. “Đến nay, tôi viết bằng tiếng Việt, tiếng Mẹ đẻ của tôi. Những câu chuyện của tôi trình bày, tại sao chúng tôi, những người Việt Nam có mặt ở nước Đức, ở Âu Châu. Chúng tôi làm gì để hội nhập vào xã hội Đức. Thế hệ chúng tôi và thế hệ con cái chúng tôi có khác biệt, mâu thuẫn gì… ”

Buổi họp vừa dứt, anh Ngô Nguyên Dũng vội vàng ra về, không kịp dùng bữa cơm tối thân mật với hội. Vì đường xa, chạy xe khuya khoắt, anh rất ngại. Anh đành để tôi thay thế anh, ở lại trò chuyện với những người mới quen, vào tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật.

Khi biết tôi là người Việt, cô Slavica, người Serbian, kể câu chuyện cô được nghe tận tai. Đầu thập niên 80, cô là y tá bệnh viện ở một tỉnh miền bắc Đức. Trong những lần tàu Cap Anamur đưa thuyền nhân vào bờ, có vài người phải ở lại bệnh viện điều trị vì tình trạng sức khỏe không ổn định. Cô được nghe được nhiều câu chuyện của thuyền nhân. Có câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, đã thúc đẩy cô viết lại trong ngôn ngữ của cô. Như vậy, câu chuyện thuyền nhân Việt Nam có mặt trong một cuốn sách viết bằng tiếng Serbian những năm đầu thập niên 90. Trong một chuyến vượt biên từ một vùng biển miền Nam Việt Nam, có một phụ nữ trẻ, cùng người em trai, dắt đứa con nhỏ chuẩn bị ra khơi. Người em xuống tàu trước. Người chị, vì lý do nào đó, bị buộc ở lại, có lẽ do tàu đã quá đông người. Phút cuối, trong tích tắc, người mẹ trẻ quyết định gởi đứa con cho cậu em mang theo. Người mẹ, phút giây ấy, không đủ thì giờ cảm nhận nỗi đau đứt ruột rời xa con mình, cô chỉ kịp thảy đứa con xuống tàu, có người em đưa tay đón cháu. Thật may mắn, hai cậu cháu đã bình an đến được bến bờ tự do. Câu chuyện của mẹ con, cậu cháu đã gây xúc động tột độ trong lòng cô y tá trẻ người Serbian. Cô Slavica viết một truyện ngắn về câu chuyện này. Bây giờ, mấy chục năm qua, cô kể lại cho tôi nghe, giọng cô vẫn còn xúc động.

Hoàng Quân, Ngô Nguyên Dũng, Frankfurt 10.2018

Giờ nghỉ giải lao, thêm vài người đến bắt chuyện. Bà Hella gật gù: “Tôi thấy đề tài về những xung đột giữa các thế hệ rất hấp dẫn.” Sẵn có tờ báo (giấy) Viên Giác trong tay, có đăng bài Yêu Lời Mẹ Ru, tôi “khoe” ngay với các ông bà, đây là con trai tôi. Tôi kể sơ câu chuyện con trai học luật, các ông bà tấm tắc, sehr interessant, thú vị quá.

Bà Hehn, bà phó chủ tịch hội, thân ái vỗ nhẹ vai tôi: “Sang năm, họp thường niên, cô phải đóng góp phần đọc truyện đấy nhé. Chúng tôi rất vui, có thêm tiếng nói từ miền viễn đông, từ Fernost. Cô nói tiếng Đức giỏi đó. Cô phải dịch truyện của cô sang tiếng Đức nhé.”

Như một cô học trò gương mẫu, tôi lễ phép: “Vâng, tôi sẽ cố gắng. Đấy là Hausaufgaben  (bài tập) cho tôi vào những tháng tới. Trước đây, tôi đã nhiều lần có ý định dịch truyện mình qua tiếng Đức. Rồi cứ hẹn lần, hẹn lữa. Nhưng lần này, tôi sẽ ghi rõ vào lịch của mình, ngày giờ nộp bài.”

Buổi họp mặt bế mạc, tạm biệt với các vị hội viên, nhiều người nắm chặt tay: “Nhớ nhé! Sang năm gặp nhau ở Tübingen. Chúng tôi muốn nghe những câu chuyện của cô đấy. ” Tôi muốn nói, nhưng chỉ dám nghĩ thầm: “Vâng, tôi cũng muốn được các ông bà lắng nghe câu chuyện của tôi.”

Năm sau, tôi còn 12 tháng để chuẩn bị kể câu chuyện của mình bằng tiếng Đức.

Hôm nay, tôi muốn kể câu chuyện về Măng Non và Hội Văn Bút Lưu Vong bằng tiếng Việt. Nghe xong chuyện của tôi, có lẽ anh Ngô Nguyên Dũng sẽ nhắc: “Nhớ viết tiếp tiếng Việt và viết thêm tiếng Đức nhé Thúy. Có lẽ tôi sẽ nhủ thầm: “Đừng dời việc gì qua ngày mai, nếu có thể dời việc ấy qua ngày mốt. Bởi, ngày mai, Thứ Bẩy, tôi bận làm cô giáo dạy tiếng Việt cho bầy trẻ nhỏ.”

Ngày mốt, Chủ Nhật, tôi nhất định sẽ khai bút, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức vài truyện ngắn của Hoàng Quân.

Hoàng Quân

Song Thao đọc “Đứng Ngẩn Trông Vời” của Hoàng Quân

 

Cái tựa “Đứng Ngẩn Trông Vời” nghe chênh vênh hụt hẫng. Đó mới chỉ là nửa câu thơ. Nửa câu tiếp chắc ai cũng biết “áo tiểu thư”. Tác giả cũng xác nhận sự nửa vời này bằng cách trích nguyên văn bốn câu thơ của Huy Cận ở đầu truyện cùng tên.

 

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ,
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

 

Người “trông vời áo tiểu thư” là cu cậu Bê vừa tới tuổi choai choai. Bỗng một buổi sáng, bà mẹ nhận ra anh con trai đã lớn: “Tự đó đến giờ, Bê có hề để ý đến áo quần của Bê đâu. Áo quần của người khác lại càng chẳng quan tâm. Vậy mà, tự lúc nào Bê biến trong phòng tắm lâu hơn để chải đầu, xịt keo lên tóc trước khi đi học. Bê bớt mặc cả với tôi từng phút xin ngủ nướng mỗi sáng. Có ngày, Bê còn xăng xái tự thức dậy sớm để đủ thời giờ “trang điểm”. Bê cứ băn khoăn sao tóc mình hay bị chĩa. Ở nhà, Bê đội suốt cái nón len, để những sợi tóc mất trật tự được ép đi vào khuôn khổ”.

Bê là nhân vật chính trong nhiều truyện của tập truyện này. Tôi đoán chừng tác giả chỉ có mỗi cậu ấm này trong nhà nên luôn lôi nhân vật này ra tán chuyện. Cái tên Bê không phải là tên hay, đó chỉ là tên gọi thân mật trong gia đình. Tên trong khai sanh của cậu là Quân. Cái tên làm người Đức trẹo họng khi phát âm. Các thầy cô trên trường đọc là Kwan. “Khi Bê xong lớp bốn, chuẩn bị lên trung học, tôi chợt có ý nghĩ ra sở hộ tịch đặt thêm cho Bê cái tên thời thượng, Kevin, Philipp gì đó cho người Đức dễ gọi. Vợ chồng tôi vừa đặt vấn đề, Bê tỏ vẻ giận dữ: “Con là Quân chứ không phải tên gì khác”. “Tại ba mẹ chỉ sợ có người gặp vấn đề với tên của con”. “Hồi giờ đâu có ai gặp vấn đề gì đâu! Nếu ai không phát âm được tên của con, ráng chịu!”. Coi như hồ sơ đổi tên của Bê xếp lại nhanh chóng”.

 

Tôi bắt đầu thích nhân vật tên Quân này. Dứt khoát, và rất Việt Nam. Cậu nói và viết được tiếng Việt mặc dù được sinh ra ở Đức. Điều này rất quý. Có mấy đứa trẻ gốc Việt biết nói, và nhất là viết được tiếng Việt, trong môi trường sống xa quê hương, giữa những người nói thứ tiếng không phải là tiếng Việt.

 

Khi chiếc răng sữa đầu tiên của bé Quân rụng, cậu bé hốt hoảng. Để trấn an, ba mẹ phải bày trò bảo con để chiếc răng trên thành cửa sổ, con chuột răng đi qua, thấy con giữ chiếc răng còn tốt, có thể nó sẽ cho quà. Mỗi lần rụng răng là có quà, toàn những thứ đang mong muốn, cu cậu sướng mê tơi, coi chuyện răng rụng như chuyện phước đức. Có lần mẹ đi làm xa, răng rụng, để trên bệ cửa sổ hẳn hoi, mà quà chưa thấy đâu. Chuyện mua quà là chuyện của mẹ, ba đâu có biết mua. Tối đó, cậu bé gọi điện thoại cho mẹ khiếu nại chuột không cho quà. Mẹ bày kế: “Có thể chuột răng không  biết chắc chiếc răng của ai. Tối nay con đem cái răng để trên bệ cửa, rồi viết trên tờ giấy: “Đây là răng của Bê”. Cậu bé hỏi một câu mà tôi rất mát ruột: “Mà con viết tiếng Việt hay tiếng Đức đây mẹ?”. Rồi Bê tự quyết định: “Con viết hai thứ tiếng cho chắc ăn!”.

 

Có đứa con nói và viết được tiếng Việt từ nhỏ, mẹ cưng là phải. Có lẽ vì cưng nên khi mẹ viết văn đã lấy tên con làm bút hiệu. Cái tên Hoàng Quân hai mẹ con xài chung. Báo hại độc giả không biết tác giả là phận đàn ông hay đàn bà. Tôi cũng bé cái lầm khi đọc được những bài viết của Hoàng Quân trên tờ Thế Kỷ 21, lúc đó còn oai hùng ra báo giấy. Tính hỏi ông chủ bút Phạm Phú Minh nhưng ngưng ngay được. Đã nhúng tay vào cây viết từ lâu mà không phân biệt nổi một giọng văn hay sao. Đoạn văn làm tôi thành một ông thầy bói giỏi là đoạn sau đây: “Tôi bắt đầu nghe ngóng các trao đổi của các bậc phụ huynh có con trai lớn. Tôi nghe kể, con trai lớn của bà chị họ đưa bạn gái về nhà chơi, cậu dắt cô đến chào bác trai, bác gái rồi cùng nhau “lặn” về phòng cậu. Chị hối chồng chạy ra tiệm thuốc tây mua “hệ thống phòng thủ”. Anh dãy như đỉa phải vôi: “Bà còn vẽ đường cho hươu chạy nữa”. Anh nhất định không rời bỏ “hiện trường”. Anh nóng ruột đi lui đi tới ngoài hành lang, giống như lính của hoàng gia Anh canh giữ lâu đài. Chị không còn cách nào khác, vội lấy xe, chạy ù ra phố. Về nhà, chị gõ nhẹ cửa phòng, bảo cậu ra cho chị nói chuyện. Rồi chị kín đáo dúi vào tay anh con trai món hàng vừa mua. Tôi tấm tắc ngưỡng mộ: “Trời trời, chị ngầu quá. Rồi khi đưa cho nó, chị nói sao?”. Nhiều người cười tôi khéo lo bò trắng răng. Bê đang trung học. Thong thả mà, đến khi cần, tự nhiên nghĩ ra à”.

 

Vấn đề đó, hoàn cảnh đó, lo lắng đó, chém chết cũng không phải của một đấng đực rựa. Nhưng dù gì đi nữa, cây bút mới tinh này là một thứ quý hiếm. Tôi không nén nổi tò mò, mail cho ông Phạm Phú Minh: “Hoàng Quân là ai mà viết hay quá vậy?”. Đâu có ngờ ông bạn chuyên nối kết các người viết với nhau lại chuyển câu hỏi của tôi tới…đương sự. Tôi liên lạc được với Hoàng Quân. Đúng y chang như tôi đoán, đó là một nữ lưu còn ở tuổi teen khi Sài Gòn đổi chủ. Nay là một chuyên viên tài chánh rất thành công ở Đức. Để Hoàng Quân thuật lại chuyện sau đó: “Coi như anh Phạm Phú Minh bắt nhịp cầu tri âm cho tôi và ông “trùm phiếm” Song Thao. Sau đôi lần thư từ, anh Song Thao bảo, anh tính rủ tôi viết chung Phiếm. Nghe ông Trùm nói vậy, tôi rón rén viết thử Ngôn Ngữ, Chuyện Đó Đây. Tôi băn khoăn miết, rụt rè hỏi anh Song Thao, giống phiếm chưa, cần thêm mắm muối gì nữa không. Thì anh cười (tôi đoán vậy), bảo, phiếm đứt đuôi con nòng nọc rồi. Thế là tôi yên tâm, gởi bài tới tòa báo”.

 

Thực ra, ngay từ bài đầu tiên tôi đọc được, tôi đã cảm giọng văn rộn ràng, vui như tết và rất thông minh của Hoàng Quân. Chẳng cần ai dẫn dắt, đường vào chốn chữ nghĩa đã rộng mở trước mặt cô. Huống chi cô còn có tính cẩn thận của một nhà tài chánh. Bên Đức có hai nhà văn đã thành danh là Ngô Nguyên Dũng và Hoàng Nga, cô đã “tham khảo” cả hai. Ngô Nguyên Dũng tính giới thiệu cô với Làng Văn , chưa kịp giao duyên thì tờ báo này đóng cửa. Hoàng Nga giới thiệu cô với Văn Học. Mail đi thì có mail về thì không. Có lẽ hotmail đã nhầm thư cô với thư rác nên bị tống về lại khổ chủ! Không nản chí, Hoàng Quân kể: “Tôi vẫn tiếp tục viết, xếp trong “tủ”, lâu lâu đem ra đọc. Mỗi lần đọc, dặm thêm chút “mắm muối”. Khi thêm vài dấu chấm phết. Khi bớt đôi chữ “thì, là, mà”. Cuối cùng, nhà báo Từ Nguyên Trần văn Ngô, định cư ở Pháp, giói thiệu cô với Thế Kỷ 21. “Tôi thầm nghĩ, Thế Kỷ 21 “cao” quá. Được là độc giả đã quý rồi. Chứ nào dám mơ xa thêm. Đôi đũa tre mộc mạc của mình biết làm sao để “chòi” tới mâm son. Tôi gởi vài e-mail trao đổi, loanh quanh dọ ý ông Từ Nguyên. Năm 2001, tôi thu hết can đảm, gởi bài Giấc Mơ Thực Vật nhờ ông Từ Nguyên chuyển đến báo Thế Kỷ 21. Gởi đi nhưng tôi không dám tràn trề hy vọng. Cũng không lóng ngóng trông thư trả lời. Vậy mà, ông chủ bút Phạm Xuân Đài đã dành cho Hoàng Quân ưu ái đặc biệt, ngay từ thuở Hoàng Quân chân ướt chân ráo bước vào sinh hoạt chữ nghĩa. Ông cho đăng bài viết này trên số báo gần nhất, số 184, tháng 8, 2004”.

 

Con đường chữ nghĩa thênh thang trước mặt người viết mới, hơi trẻ. Tới nay, Hoàng Quân đã cho ra đời ba tác phẩm: Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016) và Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

 

Đứng Ngẩn Trông Vời gồm 12 truyện ngắn. Tôi phân vân khi liệt những bài trong cuốn sách này vào thể loại truyện ngắn. Thực ra đó là nửa truyện, nửa phiếm, nửa hồi ký. Đề tài phần lớn nói về chuyện  gia đình. Nhân vật Bê là cái đinh trong gia đình, như đã nói ở trên. Nếu có nói thêm được chi có lẽ là chuyện nói tiếng Việt của Bê. Tôi vẫn quý chuyện nói và viết tiếng Việt của cậu bé được sanh ra bên ngoài tổ quốc này. Bên nội Bê là người miền Nam, bên ngoại người Huế. Vậy nên Bê biết hai…ngoại ngữ. Qua bà nội chơi, bà hỏi: “Con “doi” ra sao hả Bê?”. Bê trả lời liền: “Con “doi” nó có cái “dòi”. Nói xong Bê cao giọng giải nghĩa cho mẹ: “Tức là con voi nó có cái vòi đó mẹ”. Đôi khi, mẹ bận việc thì ông ngoại đón Bê về nhà, Bê nói tiếng Huế. Một bữa Bê nói với cô Oanh: “Con sắp sửa đi Ý”. Cô hoảng sợ vội giục: “Đi ị thì đi lẹ lẹ chớ còn ở đó mà nói nữa. Hèn gì, nãy giờ bốc mùi!”. Bê lắc đầu: “Dạ không, tuần sau mới đi được”. Cô Oanh nghiêm giọng: “Con không đi ị mỗi ngày, đau bụng phải đi bác sĩ để khám bệnh đó”. Bê cố giảng giải: “Dạ không, cô Oanh không biết gì hết. Ý xa lắm, đâu đi mỗi ngày được”. Lúc đó, thấy tình hình nghiêm trọng, mẹ…thông dịch: “Cu Bê sắp sửa đi du lịch qua Ý đó cô Oanh”. Cô Oanh vỡ lẽ: “Chu mẹc ơi, đi Ý mà ổng nói đi ị thì ai mà biết!”.

 

Nhân vật thứ hai trong nhà chính là…Hoàng Quân. Hoàng Quân mẹ chứ không phải Hoàng Quân con. Tác giả tự nhận học rất giỏi. Chuyện này tôi tin được. Qua Đức khi tuổi gần hết bậc trung học, phải bắt đầu lại toàn phần. Khởi đi là chuyện học tiếng Đức. Chúa mạ ơi, cái thứ tiếng chi mà khó dàn trời. Thuở còn trai tráng ở Sài Gòn, tôi cũng đã ti toe đi học tiếng Đức tại Viện Goethe. Học tới khi cái miệng trẹo thiếu điều phải đi bác sĩ, vậy mà chưa đi tới đâu. Học cho đủ chữ vào Đại học phải là chuyện trần ai khoai củ. Vậy mà tác giả đã làm được một cách xuất sắc để hiên ngang bước vào cửa trường vẫn tiếp tục xuất sắc. Ra trường, trở thành một chuyên viên xịn trong ngành, đi hội họp và công tác tại trên ba chục quốc gia. Sự tình từ bước đầu, được tác giả kể lại: “Dù sắp sửa tốt nghiệp đại học ở quê nhà, tôi phải lùi xuống trung học xứ người. Nước Đức không công nhận bằng cấp sau 1975 của Việt Nam. Thế là tôi khoác áo thư sinh, vào lớp 11, tiếp tục mài đũng quần nhà trường của Tây Đức vài năm. Bước chân đến ngôi trường ở Wolfhagen, một làng nhỏ ở Trung Đức, học trò nào cũng toàn tâm, toàn trí vẽ vời “tiền đồ” bằng cấp của mình. Muốn tậu bằng Tú Tài Đức, phải miệt mài đèn sách, ít nhất ba năm, nếu học đâu đậu đó”.

Giỏi vậy nhưng nhân vật mẹ trong “Đứng Ngẩn Trông Vời” cũng loạng quạng nhiều chuyện. Đầu tiên là chuyện lái xe. Khởi đầu truyện “Tay Lái Lụa”, tác giả lên gân: “Ngày xưa ở Việt Nam, tôi rất “chì”, đã trị nhiều con ngựa sắt dữ dằn. Đi học, tôi cưỡi xe “cuộc” sườn ngang cao  ngất. Mỗi lần xuống xe chỉ cần tìm lề đường cao là có thể…hạ cánh an toàn. Nếu “hạ tầng cơ sở” không đầy đủ, tôi nghiêng nghiêng xe, chủ động phóng xuống, trước khi bị ngã ngựa…sắt. Thỉnh thoảng, mượn được xe honda của chị tôi, tôi vi vút đúng điệu anh hùng xa lộ. Để tiết kiệm năng lượng, tôi cho hai đứa bạn chạy xe đạp níu tay hai bên, mà vẫn vững tay lái, chạy vù vù lên xuống cầu Trương Minh Giảng”.

 

Chì như vậy nhưng khi tập lái xe hơi ở Đức, công việc không được hanh thông. Tập lái xe bên Đức, phải trả tiền giờ cho ông thầy. Đầu tiên, tin vào “tài năng” của mình, cô tính chỉ ba giờ là nhuần nhuyễn tay lái. Nhưng tính vậy mà không phải vậy. Số giờ chi tiền đã lên tới hai chục giờ, phải “giật gấu vá vai” mà tài lái chưa đi tới đâu. Đành phải cầu cứu tới “chàng” dạy cho đỡ tốn địa. “Chiều cuối tuần, chàng của tôi dẫn tôi ra bãi tập xe của ADAC ở gần Rebstockbad, Frankfurt. Muốn tiết kiệm, tập chạy thêm cho giỏi, đỡ phải lấy nhiều giờ của trường. Nhưng có lẽ bụt nhà không thiêng. Hai đứa mất cả nửa ngày, trả tiền mướn bãi mấy chục đồng, tôi chẳng dạn dĩ thêm tí nào. Sau đó, hờn anh, giận em. Anh giận, tại em không biết, mà nói không chịu nghe. Em hờn, tại anh biết mà không chỉ dẫn rõ ràng”.

 

Cái bằng lái xe thường làm khổ nhiều người. Hiếm khi thi một lần là cầm được bằng. Cô em tôi, sau cả chục lần thi, tay vẫn chưa với được bằng. Cuối cùng, không biết thi tới lần bao nhiêu, cô cũng cầm được bằng lái. Dĩ nhiên là ăn mừng. Tôi phong cho cô em tôi đã đậu bằng “tiến sĩ lái xe” vì số năm cô bỏ ra để lấy được bằng cũng ngang ngửa với số năm học tiến sĩ! Tác giả Hoàng Quân, chưa bao giờ thi trượt trong việc học, nhưng đã ăn ớt khi thi lái xe. “Vậy là, lần đầu tiên trong đời, tôi biết mùi buồn của đậu phải cành mềm. Tôi phải chắt chiu, tiện tặn tiếp, chờ thi đợt sau. Thắt lưng buộc bụng kiểu này chắc eo nhỏ bằng eo của cô Scarlett trong phim “Cuốn Theo Chiều Gió”. Tôi biết khôn ngoan hơn, nghe lời hướng dẫn của thầy giáo, không dám cà khịa với ổng nữa. Lần thi này, tôi chạy rất thiện nghệ, sau hơn nửa tiếng đồng hồ biểu diễn chạy trong phố, ra làng, vào xóm, ông giám khảo chồm lên đưa miếng giấy bìa màu xám, vui vẻ: “Chúc mừng cô có bằng lái. Nhưng tôi lưu ý cô, cô chạy trong phố hơi nhanh. Mà ra ngoài xa lộ lại hơi chậm đấy nhé!”. Tôi mừng quá, vội vàng đưa tay cầm lấy bằng, sợ ông giám khảo đổi ý”.

 

Có bằng, nước chạy xe của cô rất tàng tàng. Có lần cô chở mẹ và Bê đi chợ, Bê ngồi đàng sau góp ý: “Mẹ ơi, xe vận tải sắp qua mặt mình rồi. Mẹ, mẹ, chỗ này không cấm chạy nhanh”. Lúc khác, Bê hối: “Mẹ chạy nhanh chút xíu, chớ không thôi, mình đến thì chợ đóng của mất tiêu, bà ngoại không mua được thịt!”. Cậu con đã có lúc tai quái: “Hồi đó, mẹ trúng số lotto phải không?”. “Mẹ trúng số hồi nào đâu?”. “Có mà! Cái bằng lái của mẹ đó!”.

Nhà văn Hoàng Quân

Tác giả là người ưa ca hát từ nhỏ. Trong suốt cuốn sách, thỉnh thoảng cô lại chêm vào vài câu của những bài hát cô thích. Cô tự thú là nhút nhát nhưng luôn bị đẩy lên sân khấu, từ hồi tiểu học cho tới khi đã ra trường tại Đức. Tác giả viết nguyên một truyện mang tên “Rồi Từ Giọng Hát Em” diễn tả hành trình dài của những lần lên sân khấu. Không chỉ trên sân khấu, trong suốt cuộc đời, tác giả Hoàng Quân luôn ư ử hát hò. Điều này khiến Hoàng Quân con hỏi Hoàng Quân mẹ. “Mẹ ơi, có bao giờ mẹ ước mơ là mẹ thành ca sĩ không?”. Tôi đã có lúc to gan, nhưng chỉ dám mơ làm nhạc sĩ. “Không, chưa bao giờ mẹ ước là ca sĩ. Nếu mẹ mà có giấc mơ này, mẹ con mình chết đói nhăn răng ra rồi”. Anh Lợi góp lời: “Làm sao chết đói được. Ăn cà chua với trứng thối mệt nghỉ!”.

 

Lợi là nhân vật thứ ba trong gia đình. Là bố của Hoàng Quân kiêm chồng của Hoàng Quân. Thỉnh thoảng nhân vật này mới được ké chút xíu vào câu chuyện gia đình. Tôi thông cảm với nhân vật này. Định mệnh đã an bài, biết nói chi hơn.

Với “Đứng Ngẩn Trông Vời”, Hoàng Quân đã dấn thêm một bước vào con đường chữ nghĩa, một bước vững vàng, an nhiên, dẫn dắt người đọc vừa huýt sáo vừa bước vào cuộc sống của gia đình tác giả. Cuốn sách toát lên sự tươi tắn, dí dỏm của một ngòi bút thông minh, biết nắm bắt và khai thác những tình huống đắt nhất của cuộc sống thường ngày. Biến cái thường thành cái không thường, trong một văn phong không gò bó, đó là thành công của Hoàng Quân.

09/2018

Giới thiệu sách: Long Lanh Màu Trời – Hòang Quân

Hoàng Quân

(Nhà văn nữ Hoàng Quân vừa cho xuất bản tác phẩm thứ tư trong vòng 4 năm: Long Lanh Màu Trời (2020) do nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành. Sách dày 174 trang, in trên giấy ngà rất đẹp, bìa (Uyên Nguyên) trình bày trang nhã và chuyên nghiệp. Dưới đây là bài Tựa (Nguyễn Hiền) của tập truyện Long Lanh Màu Trời. TV&BH xin trân trọng giới thiệu tác phẩm đến quý độc giả).

Nguyễn Hiền:

Long Lanh Màu Trời, hay lá thư gửi vào Không

Long Lanh Màu Trời, tựa một đoản văn tự sự, được Hoàng Quân chọn dùng làm tựa cho cuốn tuyển tập thứ tư của riêng mình, sau Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016) và Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

Long Lanh Màu Trời gồm mười bốn đoản văn thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tùy bút, ký, tường thuật sinh hoạt… Phần lớn, chúng được viết trong khoảng thời gian từ 2017 tới 2020. Tuy nhiên, Long Lanh Màu Trời không phải là một tiếp nối của ba tuyển tập đã ra mắt, mà là một chọn lọc đặc biệt. Những đoản văn trong tuyển tập này vẽ lên những nét chính trong cuộc đời của tác giả. Từ những ngày thơ mộng của thời học sinh tại một tỉnh nằm chính giữa Việt Nam. Đến những ngày vì hoàn cảnh đã phải lìa bỏ quê, trôi nổi trong cuộc đổi đời. Rồi cuộc sống trên một đất nước hoàn toàn xa lạ, lạ từ khí hậu, con người cho chí ngôn ngữ. Và xuyên qua đó là những phấn đấu, những vui buồn, những phút ấm lòng pha trộn hãnh diện khi đã tạo dựng được chút ít thành quả nhỏ nhoi. Hoàng Quân, qua Long Lanh Màu Trời, cho người đọc cơ hội lướt qua những trải nghiệm vui buồn của một người Việt lưu vong, vài sinh hoạt sách báo hiếm hoi đặc sắc của người Việt hải ngoại tại Đức mà ít người biết tới, và cảm được những gì tác giả muốn nhắn gửi.

Những mẩu chuyện của Hoàng Quân trong tuyển tập này phần lớn là những câu chuyện thật, với người thật và cảnh thật. Cả năm sinh, tên tuổi, thân thế gia đình, công việc… của tác giả cũng là những chi tiết rất thật (Khi Mười Bảy Tuổi, Long Lanh Màu Trời, Biếc, Măng Non và Văn Bút Lưu Vong, Hồn Việt giữa trời Âu…). Qua Long Lanh Màu Trời, người đọc được đồng hành với Hoàng Quân qua từng chặng đường tác giả đã đi qua, cùng chia sẻ tâm tình với tác giả qua những hồi ức. Từ Quảng Ngãi, nơi có hiệu sách nhà – nơi đã cho tác giả tìm thấy niềm vui thú trong những cuốn sách, từ loại dành cho Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc để rồi theo thời gian lên tới những tác phẩm và dịch phẩm nổi tiếng. Nơi có quán cà-phê Uyên, với mấy chị em ngồi quầy làm đích ngắm cho những chàng trai mượn cớ này cớ nọ để lui tới. Nơi đó có cô bé “mắt to như mắt bò” (Đếm Sao) thầm lặng nhìn khách đến rồi đi – rồi trở lại nhiều lần, có lẽ cũng chẳng vì mình đâu, cô nghe những chuyện họ trải lòng ra với nhau mà trong lòng không mấy vấn vương. Để rồi, nhiều năm qua đi, giờ đây nơi một thị trấn nhỏ miền Trung Đức quốc, bắt nguồn những mối duyên văn nghệ tình cờ đến từ khắp nơi như món quà kỳ diệu trời ban cho trong cuộc sống, cô bé đó đã ôn lại chuyện cũ, tìm tòi và trực nhận ra những gì đã âm thầm theo mình suốt nhiều năm. Những dấu mốc quá khứ đã được trải ra trên từng mẩu chuyện tưởng như hồn nhiên nhưng luôn bàng bạc một không khí lãng đãng mơ về nơi chốn cũ, để đúc lại thành cuốn tuyển tập này, như một cuốn album mà thay vào những bức ảnh là những bài thơ, những kỷ niệm đã có được với những bạn ‘trong đời thực’ và những bạn ‘văn’ chỉ qua trao đổi điện thư, điện thoại.

Hơn một nửa tuyển tập đã được Hoàng Quân viết về những mối liên lạc tình cờ như thế. Có khi qua công việc, có khi từ sinh hoạt sáng tác, nhưng cảm động nhất là những khi bắt được liên lạc một cách không ngờ với những người tưởng đã mất biệt, một phần nhờ thế giới đã thu nhỏ lại, phần khác do những sinh hoạt viết lách đã đưa tên tuổi mình đi xa. Hoàng Quân đã dành nhiều trang giấy để nhắc đến những văn nhân thi sĩ Quảng Ngãi như các nhà thơ Nguyễn Minh Phúc, Trầm Thụy Du, Trần Quang Đoàn, Dương Phi Hoành…, nhạc sĩ Dương Quang Hùng… Xen vào đó là những phút vui nhận được bài thơ thay món quà tặng, những thành quả khiêm nhường đạt được trong bước đường hội nhập vào xã hội mới, cũng được Hoàng Quân chia sẻ trong những bút ký trong tuyển tập.

Với chặng đường dài sáng tác nhiều thập niên, không thể nói Hoàng Quân là một nhà văn trẻ. Nhưng ngòi bút Hoàng Quân, từ mấy chục năm, vẫn như vậy, vẫn mang vẻ nghịch ngợm rất dễ thương của lứa tuổi hai mươi, ba mươi. Vẫn là những lượm lặt đây đó vài điều nho nhỏ thường ngày để thành gia vị làm đậm đà thêm câu chuyện. Những cảm nghĩ trong những truyện sau này của Hoàng Quân có thể sâu sắc hơn, truyện có thể được bố cục chặt chẽ hơn, nhưng sự ví von đậm chất dí dỏm trong những câu văn hồn nhiên đầy chất ‘Hoàng Quân’ vẫn luôn dầy đặc trong từng truyện. “Nhạc ‘thính phòng’. Tức là tai phải thật thính, tách những âm thanh nổi mấy chiều của xe cộ xuôi ngược” (Tình Xưa). “Anh gọi là thư, nhưng chỉ vẻn vẹn bài thơ. Chứ không có thêm chữ nào, để bài thơ thành lá thư” (Nhớ Một Vầng Trăng). “Anh gọi cô là chó con, mèo con, dù anh biết cô là chuột con” (Khi Mười Bảy Tuổi). Người đọc bắt gặp những đoạn này, có thể tạm gấp sách lại và cười một mình. Thế đó.

Và đặc biệt nơi truyện của Hoàng Quân là tác giả đã khéo léo dùng nhạc để gợi nhớ, để chuyên chở tình cảm, tâm tư của mình. Mỗi bản nhạc rõ ràng là một dấu mốc cho những kỷ niệm, bây giờ trở thành hoài niệm. Trong ngăn ký ức của Hoàng Quân không những đầy sách, truyện, và thơ, mà còn chứa đủ mọi thể loại nhạc: từ những bản nhạc trong tuổi học trò, tuổi mộng mơ… cho tới chuyện yêu đương, chia lìa. Từ nhạc tiền chiến cho tới những bản mới nhất. Nhạc Việt vẫn chưa đủ, còn thêm nhạc Anh (Khi Mười Bảy Tuổi), Mỹ, Pháp, Đức (Tình Xưa)… Như Hoàng Quân đã thố lộ trong một truyện của tuyển tập: “Tôi đã nhiều lần tương tư bài hát, cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại quốc”, nhạc đã thành một giòng suối chảy suốt qua những hàng chữ, cùng với thơ tạo nên cái hồn sống động cho từng truyện. Trích dẫn nhiều, nhưng đúng lúc. Có những truyện đã được Hoàng Quân đưa vào, ngoài thơ, có tới 7 bản nhạc (Lá Thư Mùa Xuân) được dẫn, hoặc gần chục câu thơ, nhạc (Chuyện Ba Người, Đếm Sao). Hiếm có – hoặc có lẽ đúng hơn, chưa có – một nhà văn nào có thể mang được những bản nhạc vào trong tác phẩm ‘không viết về nhạc’ như Hoàng Quân đã làm suốt nhiều thập kỷ. Đó là dấu ấn Hoàng Quân đã để lại trong mọi sáng tác. Nếu người thưởng lãm nghệ thuật có thể nhận ra ngay những tác phẩm điêu khắc của Botero, những nét cọ của Đinh Cường, thì người đọc, không cần tinh ý lắm, cũng sẽ nhận ra ngay cái nét rất riêng này của Hoàng Quân. Đó là điều những người sáng tác mong muốn, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được.

Một điểm nổi bật khác trong Long Lanh Màu Trời là Hoàng Quân đã dành nhiều đoản văn trong tuyển tập để viết về quê mình – Quảng Ngãi, với “Sông Vệ, Thu Xà, Ba Gia…”, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh về gia đình, có ba mạ, có bạn bè, nhất là những người đã có cái ‘duyên văn nghệ’ nào đó (thường là thầm kín) với tác giả. Hoàng Quân đã nhắc đến nhiều người trong số đó, như một tri ân dành cho những người còn sống, và như một bó hoa đẹp dành cho những ai đã thanh thản ra đi: “…dù hình ảnh còn lại trong trí về anh chỉ là đôi nét mờ ảo, mơ hồ, cô vẫn thật xúc động, khi biết tin anh qua đời…” (Chàng Nghệ Sĩ). Dường như qua Long Lanh Màu Trời, tác giả muốn gợi lại cho những người cùng quê một chút hồi ức để họ có dịp tưởng nhớ lại một thời đã xa, xa lắm.

Vậy thì cứ cho Long Lanh Màu Trời là lá thư Hoàng Quân gởi vào Không, mong rằng qua đó tác giả sẽ tìm được nhiều người đồng điệu.

 

Nguyễn Hiền

(Tháng Năm 2020)

 

Cung Thị Lan uploaded on December 18,2020
December 18, 2020