Na Uy – Xứ Lạnh Tình Nồng
Hoàng Quân
Duyên hội ngộ
Cách đây mấy năm, em tôi đi Na Uy về, đưa cho tôi cuốn Viết & Đọc. Nói, của người bạn làm báo gởi tặng. Bởi, nghe em kể, có người chị cũng viết lách. Sau đó, tôi nhận email của Dương Kim, rủ đóng góp bài vở cho Viết & Đọc của Na Uy. Tôi gởi đôi bài viết cũ cho Kim. Vẫn định bụng, lúc nào đó, gởi bài mới. Mà vẫn chưa thực hiện được.
Tôi gởi tặng Dương Kim tập truyện Bông Hoa Trên Phím. Kim viết thư cám ơn, tôi mới biết, Kim là con trai của cố luật sư/nhà văn Dương Kiền.
Tháng bảy 2016, tôi đổi việc, dọn nhà xuyên tiểu bang, từ Berlin về Frankfurt. Còn hai ngày phép, để hoàn hồn sau những tuần lu bù với bàn giao công việc và chuẩn bị “di cư”. Kim viết thư báo tin, gia đình Kim sẽ sang Berlin chơi. Nếu thuận tiện, hẹn gặp nhau. Quả là có duyên gặp. Sớm hơn, e rằng tôi không thể thu xếp được. Trễ vài ngày, tôi đã gồng gánh rời “kinh đô” về “quê”. Thế là chúng tôi có dịp dàn hàng chụp hình dưới cổng thành lịch sử Brandenburger Tor. Sau buổi picnic dã chiến, chúng tôi xúm xít ôm những tảng đá trong Tiergarten. Ngày sau, chúng tôi chiêm ngưỡng lâu đài Sanssouci với vườn thượng uyển tuyệt mỹ ở Potsdam, thủ phủ của tiểu bang Brandenburg.
Cách đây mấy tuần, trên đường đi đến chỗ làm, tôi nhâm nhi cuốn Hoa Tuyết, truyện ngắn các nhà văn Nữ Na Uy do Dương Kim dịch. Tự dưng, tôi cảm thấy Na Uy như thân hơn một chút và nghĩ, mình sẽ đi Na Uy, trong một ngày gần đây.
Tình cờ, em tôi báo tin, ở Oslo có văn nghệ với ca sĩ từ Mỹ qua. Lịch tháng 11 của tôi đã quá bận rộn với hai chuyến đi xa vào đầu và cuối tháng. Nhưng, như có thôi thúc trong lòng, tôi vào mạng tìm vé máy bay. Liên lạc với Kim báo tin, chúng tôi sẽ đến Oslo gần nửa đêm. Vài tin nhắn qua về trên viber, vài thông tin tới lui trên email. Mọi chuyện được sắp xếp đâu vào đó. Khuya thứ sáu, Kim đón vợ chồng chúng tôi ở phi trường Gardermoen. Buốt giá của Bắc Âu là đây. Cỏ cây trắng xóa. Trên đường về nhà Kim, giữa đêm, đèn vẫn sáng choang quanh nhà. Hei Norge, xin chào Na Uy.
Xứ Lạnh
Trong phố không nhiều tuyết, nhưng khá lạnh, khoảng 10 độ C âm. Mặt đường trơn trợt. Đi rón rén từng bước, thế mà phu quân của tôi vẫn chụp một rổ ếch to tướng.
Kim đưa chúng tôi lên khu trượt tuyết Holmenkollen ở vách núi. Nơi đây có cầu nhảy trượt tuyết lâu đời nhất thế giới. Cầu trượt cao ngất nghểu. Nhìn thôi, đã phát ngợp. Nếu trời trong, từ trên cao có thể thấy thành phố Oslo. Hôm đó, buổi sáng có vài tia nắng mỏng manh, trời xám mù khi chúng tôi lên đến Holmenkollen. Chúng tôi lòng vòng dạo chơi, nhìn xuống toàn cảnh sân vận động phía dưới, trắng xóa những tuyết và tuyết. Băng tuyết bám trắng cây cỏ, trông thật thích mắt, tựa như những hình chụp trong thiệp giáng sinh. Nhà cửa dọc hai bên đường của khu này rất đắt. Đa số, nhà vách gỗ, sơn màu trắng, màu sáng. Các hàng rào cũng bằng gỗ. Có lẽ nhờ vậy, giữa tuyết lạnh, nhà cửa vẫn đem lại cảm giác ấm cúng. Năm nay, nghe nói, hơi lạnh so với những năm trước. Cho nên, nghe tin chúng tôi đến Na Uy vào mùa này, ai cũng nhắc nhở nai nịt kỹ càng.
Đời sống Na Uy khá đắt đỏ so với Đức. Nhưng vẫn “dễ chịu”, vì mức thu nhập cao và hệ thống an sinh xã hội rất tốt. Nhiều năm, Na Uy là một quốc gia có phẩm chất cuộc sống cao nhất thế giới.
Sóng Nước Biếc
Chỉ mỗi ngày thứ bảy cho Oslo, chúng tôi có thể “liếc” sơ một hai danh lam thắng cảnh của thủ đô. Chúng tôi trực chỉ Vigelandsanlegget. Người Việt ở Na Uy gọi nôm na là công viên “xếch-xy”, vì toàn bộ tượng hình ở công viên đều ở trong trang phục chào đời.
.
Công viên với hơn hai trăm bức tượng đá hoặc đồng của điêu khắc gia người Na Uy Gustav Vigeland. Những bức tượng này là biểu tượng chu kỳ của kiếp người. Từ lúc là một bào thai trong bụng mẹ, lớn lên, già đi. Sinh, lão, bệnh, tử. Bức tượng đồng tạc cậu bé con giận dữ dậm chân có lẽ rất được ưa chuộng nên thỉnh thoảng lại bị “đạo chích” xén đi bàn tay.