Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau- Hoàng Quân

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên 1&2

Ngày xưa, những ngày tháng của thế kỷ 20, giữa thập niên 70. Có tỉnh lỵ nơi cái eo của đất nước hình cong chữ S. Chốn ấy, trên quốc lộ 1 từ Trung vào Nam, giữa núi Thiên Ấn và núi Thiên Bút, có khu vườn là quán cà phê – Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên. Những thanh niên, thiếu nữ, những húi cua, kịp tóc, những chàng, nàng đã từng là “cư dân” của quán cà phê vườn thuở ấy, nay đang lẫm đẫm bước vào ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”. Nhắc lại ngày xưa, kể gì tuổi tác, ai mà chẳng đôi lúc muốn …tìm một thoáng hương xưa… muốn đôi phút về đường cũ nên thơ…

Thị Xã Quảng Ngãi bé tí. Cho nên, có người mượn câu hát, rằng, nơi đây, đi dăm phút đã về lại… Café Uyên. Trên đường Quang Trung, nếu đi từ cầu Trà Khúc về hướng sông Vệ, Café Uyên nằm phía bên trái. Trước khi thấy tiệm Café, người ta sẽ đi ngang qua nhà hàng Thế Giới Tửu Gia. Sau đó, có con hẻm đi vào khách sạn Bình Lai. Tiếp theo, tiệm tạp hóa nhỏ Phát Hưng, tiệm vải lớn Phạm Ngọc Anh. Tiệm tạp hóa lớn Mỹ Đông An nằm trên bực thềm cao. Bên cạnh dãy tiệm như khu vực thương mại, là vườn Café Uyên. Bên trái Café Uyên là Trụ Sở Baha’i Tôn Giáo Hoàn Cầu, tiệm tạp hóa Trung Tín, tiệm vẽ bảng hiệu Hồ Điệp, tiệm xe đạp Kim Anh, tiệm bánh mì Chí Thành, tạp hóa Long An, tiệm đồ sắt Kim Long Hưng đến ngã tư đường Ngô Quyền. Phía trước Café Uyên chỉ thấy giàn bông giấy và cánh cửa lưới. Nhìn xuyên qua cửa lưới thấy khu vườn với nhiều cây cảnh.

Thuở Ban Đầu                                     

Mùa hè đỏ lửa 1972, Mạ dẫn các con: Ngọc Thúy, Ngọc Hiền, Thạch, Duẩn, Uyên, Duật (Kanh, Kem) vào Sài Gòn. Chiến cuộc dịu bớt, Mạ dẫn bầy con trở về lại Quảng Ngãi. Nhà sách Kim Mai có chiều hướng đi xuống, do thiệt hại nặng sau trận lụt năm trước. Ngoài ra, số lượng đáng kể của các tiệm sách trong thị xã nhỏ bé Quảng Ngãi bắt đầu vượt trội nhà sách Kim Mai. Gia đình chú Thanh mở tiệm bán xe đạp, nên cũng lơ là với tiệm sách. Mạ bắt đầu nghĩ đến phương cách kinh doanh khác. Mạ cân nhắc, muốn mở tiệm cà phê ở vườn nhà.

Trước khi mở quán Café, Mạ nói chuyện với Ba về dự định này. Ba có ý phản đối, vì ngại quán cà phê có thể ảnh hưởng đến việc học của các con. Ngoài ra, quan niệm “sĩ nông công thương” của Ba thuở đó vẫn còn đậm rõ. Mạ thực tế hơn, rất linh động và nhiều sáng tạo trong mưu sinh, để lo cho bầy con 10 đứa. Anh Hải, con trai trưởng, đi du học ở Tây Đức. Chị Thanh Tâm vào đại học Văn Khoa ở Sài Gòn. Còn lại, đứa đang trung học, đứa tiểu học. Hai đứa trai út Kanh Kem, gần ba tuổi, sắp vào mẫu giáo. Mạ bàn với chị Thanh Tâm về việc mở quán cà phê. Chị Thanh Tâm tán đồng ngay trong tinh thần văn nghệ. Đã lâu, chị Thanh Tâm hằng ôm ấp ước mơ lập một hội quán tao đàn. Để cho các văn nhân thi sĩ có nơi ngâm nga lời thơ, tiếng văn của mình. Để cho những Bá Nha có cơ hội gặp gỡ Tử Kỳ. Tiếc thay, cơn lốc 1975 đã thổi tan tành giấc mộng văn nghệ của chị Thanh Tâm.

Café Uyên được khai trương nhằm mùng một tết năm 1973. Đây là quán cà phê vườn đầu tiên ở Quảng Ngãi. Quán tọa lạc ở trên đường Quang Trung, là quốc lộ số một nối liền miền Trung và miền Nam, giữa tiệm tạp hóa Mỹ Đông An và Phòng Baha’i Tôn Giáo Hoàn Cầu. Trước nhà có hai dàn bông giấy, một leo ngoài cổng, một uốn thành vòm. Ba thường chạy xe Jeep Wrangler màu trắng xanh vào đậu trong sân. Đường vào sân vườn dốc thoai thoải, cổng hẹp. Do đó, muốn chạy xe vào sân, tay lái phải thật nhuyễn nhừ. Anh Lam, thời đó, dù nhỏ tuổi, đã thuần thục kỹ thuật điều khiển tay lái xe Jeep. Nhiều khi, nhân lúc Ba ngủ trưa, anh lấy xe chạy một vòng “dựt le” với mấy “em”. Hoặc buổi chiều, anh đưa xe vào sân thay Ba. Bên tay phải, sát vách Mỹ Đông An là những chậu cây kiểng của Ba. Ba đặt thợ đúc những chậu lục giác bằng xi măng thật to. Ba trồng và trao đổi với bạn bè nhiều loại cây kiểng. Trong vườn có mai tứ quí, trà mi, tử kinh, hoa quỳnh, liễu trúc, trúc đào, ngọc lan xen lẫn với cây lựu, cây mận, cây ổi, cây sung, cây trứng cá.

Chị Thanh Tâm đã nghĩ ra chuyện dùng tựa đề một cuốn truyện của Hoàng Ngọc Tuấn để tạo ra “thương hiệu” cho quán cà phê. Mạ nhờ anh Lương bên cửa tiệm vẽ áp -phích quảng cáo, tiệm vẽ Hồ Điệp, kẻ bảng hiệu cho Café Uyên. Bảng hiệu thật đơn giản, nền vàng nhạt, chữ màu đen – Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên. Bảng hiệu treo trên cao, chỗ vòm bông giấy, có lẽ không bắt mắt lắm. Nhưng cái tên dài của quán cà phê có lẽ rất “bắt tai” và tên đã nhanh chóng thành câu nói thân thiết.

Để chuẩn bị cho việc mở quán cà phê, Mạ vào Sài Gòn cùng đi mua hàng với chị Thanh Tâm. Mạ và chị Thanh Tâm vào Chợ Lớn đặt mua bàn ghế. Ghế có sườn bằng sắt, chỗ ngồi và dựa lưng bằng nhựa, nhiều màu. Bàn có mặt mi-ca, chân bàn bằng sắt, có thể xếp gọn lại. Mạ và chị Thanh Tâm lựa những bộ tách có hoa hồng màu đen, trông rất thanh lịch. Các bình thủy ca-rô xanh, đỏ. Quán trong vườn, ly tách xem ra hơi sang, nhưng hợp với ý thích của thanh niên bấy giờ. Bởi vậy, có vài chàng uống cà phê xong, bèn “sưu tầm” một món nào đó đem về làm kỷ niệm. Sau này, khi nhà chúng tôi bị tịch thu, quán phải đóng cửa, có người hỉ hả kể lại, đã “góp nhặt” gần đủ một bộ gồm tách, phin cà phê, bình thủy, bình trà. Cậu Kháng tặng mấy bộ bình trà, có hình con rồng, vòi bình là miệng rồng. Loại bình trà này rất được chuộng. Nên chẳng bao lâu sau khi trình làng, những con rồng sứ đã bị tuyệt chủng.

Trước ngày khai trương vài hôm, Mạ và mấy đứa con nhắn nhủ bạn bè, người quen đến ủng hộ. Đúng sáu giờ chiều mồng một, Café Uyên chính thức mở hàng. Bảy giờ, rồi tám giờ, quán mới thưa thớt vài khuôn mặt của người “nhà”. Mấy Mạ con lặng lẽ nhìn nhau, thầm lo, ngó bộ sẽ ăn chè… ế, thế cơm. Tám giờ rưỡi, tiếng nhạc nhè nhẹ dặt dìu, quán vẫn còn yên ắng. Lâu lâu có tiếng ngáp khe khẽ (vì ngồi không, buồn ngủ) và tiếng vỗ tay bồm bộp, không phải để cổ võ ai mà chính là đập… muỗi. Bỗng nhiên, ngoài cổng xuất hiện vài dáng người quen quen, vài bóng người là lạ. Rồi từng tốp, từng nhóm ào vào. Tiếng kéo ghế, tiếng chào hỏi, tiếng cười, tiếng nói, lao xao. Quán trở nên rộn ràng, sinh động hẳn. Mấy Mạ con chạy lui, chạy tới tất bật. Vậy là Café Uyên có được ngày khai trương thành công. Mở màn cho một sinh hoạt mới ở ngôi nhà số 55 đường Quang Trung. Ba vẫn “án binh bất động”, cố ý nằm trên giường đọc báo và nghe radio: Đây là đài BBC Luân Đôn, phát thanh trên làn sóng... Ít lâu sau, thấy vợ con bận rộn, Ba cảm thấy xót. Mặc dù chưa lộ ý tán đồng, nhưng đến giờ mở tiệm, Ba chạy xe Jeep đậu trong sân khách sạn Bình Lai. Dần dà, Ba cộng tác đắc lực trong lãnh vực kỹ thuật ánh sáng và âm thanh, trang bị đèn đóm cho quán, trông coi máy móc, loa khuếch đại âm thanh…

Những Cô Hàng Cà Phê Uyên

Mượn lời bài hát Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân, thì có thể ca rằng… Ở Quảng Ngãi, có hàng cà phê… Uyên, có… mấy cô nàng be bé xinh xinh. Nhiều người ngỡ Uyên là một trong bốn cô nàng này, chứ ít ai biết Uyên là cu Kanh, cậu nhóc ba tuổi đang đi vườn trẻ.

Bốn cô nương nhà Café Uyên là: Hoàng nhất nương Thanh Tâm ở tuổi 19, một trong những giai nhân ở xứ Quảng, là nàng thơ của bao nhiêu thi sĩ.

Có thi nhân nào đó đã ngâm nga:

Khi đứng bên em là cầm tay hạnh phúc

Dù quanh đời bão chướng vẫn vây quanh

Xin hơi thở em nồng nàn đắm đuối

Sẽ muôn đời nuôi nhịp đập tim anh.

Nhưng văn nhân ít dịp đứng bên em để cầm tay hạnh phúc, vì chị Thanh Tâm sau khi thi đậu tú tài, vào học ở Sài Gòn. Chị Thanh Tâm chỉ có mặt ở Quảng Ngãi vào mùa hè, mùa tết, khi chị về thăm nhà.

Tiếp đến là Hoàng nhị nương Cẩm Thành, đang tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu. Lá số tử vi của Cẩm Thành nhị nương chắc lấp lánh muôn sao hồng loan, đào hoa. Hình của Cẩm Thành nhị nương thường được ưu ái tô điểm cho các cửa kính của tiệm chụp hình Lệ Ảnh, Thiên Nga, Huy… Nói theo ngôn ngữ thời thượng của thế kỷ 21, Cẩm Thành nhị nương là “siêu” mẫu. Thời tiệm cà phê, Cẩm Thành nhị nương đang những năm cuối trung học, cho nên thân mẫu muốn nhị nương dành thời giờ chuẩn bị cho những mùa thi. Nhị nương không phải lo phụ quán café.

Tính ra, nhờ nhất nương Thanh Tâm và nhị nương Cẩm Thành… Cho hay cái sắc khuynh thành, Làm cho nhiều chàng chết mê mệt… Café Uyên đã trở thành một “danh lam thắng cảnh” của thị xã Quảng Ngãi của những năm 1973- 1976.

Hoàng tam nương Ngọc Thúy vào tuổi 13. Nhưng không phải hình ảnh “nàng” của thi sĩ Nguyên Sa. Nên chẳng chàng nào thổn thức trời hôm ấy mười lăm hay mười tám, tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba. Tam nương y chang một bà cụ non, mặt mày hay mang vẻ ưu tư, trầm ngâm. Thật ra, tam nương chẳng suy nghĩ chi cao xa, chỉ chăm bẳm quan sát mấy nông dân canh tác cây si, lo tìm phương cách đốn dẹp mấy thợ săn đang rấp ranh bắn sẻ nhất nương Thanh Tâm, nhị nương Cẩm Thành. Đến khi tam nương bước vào tuổi mười lăm, trăng sắp tròn, tam nương vẫn giống con nít nhiều hơn con gái. Tuy vậy, có chàng ngâm nga “tiên đoán”:

Biết tóc em có mượt,

Biết mắt em có nâu,

Bởi nào dám nhìn sâu,

Ta e em sớm sầu.

Phụ Mạ để lo tiệm cà phê, tam nương nhiều khi hơi “nghiêm khắc”, khi các chàng muốn làm… ký sĩ. Tức là sau khi “ngồi đồng” một hồi, chàng đến quày, thì thầm rằng:

-Anh ký sổ lần này, ghi thêm vào cái bằng tú tài, giấy miễn dịch, thẻ căn cước…

Nếu thấy mặt mày tam nương có nét “hình sự”, ngó bộ không ổn, chàng chạy thẳng vào nhà sau gặp Mạ, ấp úng:

-Dạ, bữa nay cháu… Dạ, mai mốt cháu…

Mạ đã vui vẻ:

-Không răng mô. Bữa khác cháu đến uống cà phê, tính luôn cũng được…

Hoàng Tứ Nương Ngọc Hiền 11 tuổi, vừa rời tiểu học. Tứ nương không quan tâm đến mấy cây si, chẳng để ý đến những văn nhân, thi sĩ.  Tứ nương mải bận rộn với mấy đứa bạn cùng lớp lo “bảo hộ” những cây ổi, cây mận trong vườn.

Nhắc đến cô hàng cà phê xưa, anh Nguyễn Thế Thành liên tưởng đến truyện Hoàng Tử Bé. Nỗi băn khoăn của Hoàng Tử Bé, khi chàng từ giã tinh cầu của chàng để xuống địa cầu. Ở địa cầu cũng có rất nhiều hoa hồng. Nhiều nơi rực rỡ cả một vườn hồng. Tuy vậy, Hoàng Tử Bé chỉ đặc biệt nhớ mỗi đóa hồng ngày xưa. Bông hoa duy nhất trên cái tinh cầu bé tí tẹo, không có được tên trên bản đồ vũ trụ của mình. Bởi thế, bất kể thứ hạng nào của Ngọc Thúy trong bốn chị em, dù là út, hay áp út, hay giữa, hay trỏ… thì Hoàng Tử Bé của Quảng Ngãi vẫn nhớ đến con bé dưới bóng đèn màu, ngồi “két” của quán. Mắt con bé mở to. Con bé lấp ló canh chừng những “thành phần nguy hiểm” chuyên ký sổ, ngồi đồng…

Phụ tiệm cà phê ban đầu là chị Xuân. Chị Xuân trước đó làm bên nhà anh chị Quỳnh, tính tình lanh lẹ, đôi khi hơi… chanh chua. Sau đó, có chị Hạnh, mặt mày sáng sủa, hai má lúc nào cũng đỏ au. Chị Hạnh ít học, tính tình thật thà, đôi lúc hơi ngây ngô. Có thời kỳ chị Hạnh “mê” anh Tạ Thọ nhà ở chợ trời, thỉnh thoảng đến học chung với anh Lam. Chị thủ thỉ, nhờ Ngọc Thúy giúp chị, tỏ lộ lòng ngưỡng mộ đối với anh Thọ. Theo sự cố vấn của Ngọc Thúy, anh Thọ nhận được trái vú sữa có nắn nót bằng bút nguyên tử mấy chữ Secret Love T H. Anh Thọ sùng lắm, méc anh Lam. Anh Lam la hai đứa một trận tơi bời. Tiếp đến, chị Mến xuất hiện. Chị Mến là con riêng của chồng O Đội. Chị Mến hơi to con, nhưng có giọng Huế thiệt “dẹ dàng”, dễ thương. Chị có óc khôi hài, tính tình vui vẻ. Chị Mến rất nhanh nhẹn, tháo vát. Những dịp tết lễ, quán Café rất đông khách. Nhưng với tài “chạy bộ” của chị Mến, thì đâu vào đấy, chẳng hề bị trục trặc kỹ thuật. Tháng Tư năm 1975, chị Mến về quê, theo gia đình bác Diên rời Quảng Ngãi, ra Huế.

Sau 1975, Mạ phải “sa thải” tất cả người giúp viêc. Những người này xem gia đình chúng tôi như gia đình họ. Họ muốn ở lại, nhưng Mạ không dám giữ, vì sợ thêm tội bóc lột sức lao động của nhân dân. Mấy Mạ con sắp xếp làm tất cả mọi việc. Chị Thanh Tâm, chị Cẩm Thành đi học ở Sài Gòn. Anh Lam phải đi làm ở các công trường trên núi. Có lần đông khách quá, Mạ kêu Ngọc Hiền ra trước chạy bàn phụ. Ngọc Hiền vừa ló ra, anh nào đó muốn ghẹo, vờ hỏi:

-Ủa, bữa nay có lính mới hả?

Ngọc Hiền tức quá, nước mắt lưng tròng, chạy ra nhà sau. Nhất định chỉ đảm trách khâu rửa ly tách, dọn dẹp “hậu phương” thôi, chứ không chịu ra “tiền tuyến” nữa. Lắm lúc Ngọc Thúy hơi mủi lòng. Xong giờ học trên trường, tất tả về nhà, phụ giúp Mạ đãi đậu, nấu chè. Buổi chiều tối khi Minh Chiểu (hồi đó yêu sớm) vi vu đạp xe ra Trà Khúc… cưa cầu, thì Ngọc Thúy đang ba chân bốn cẳng chạy ma- ra-tông trong quán cà phê. Đêm nào cũng khuya lắc, khuya lơ, mấy Mạ con mới dọn dẹp xong. Ngọc Thúy đâu còn hơi sức nào học bài. Đã vậy, thiếu ngủ nên vào lớp hay ngủ gục, sau này gặp lại, Tuyết Dung còn nhắc. Có khi đi học không kịp ủi áo dài, Minh Kha khèo khèo… “Cái áo mày, sao “nhen” túm… ”

Thạch, lúc đó mới 10, 11 tuổi đầu, với Ngọc Thúy, cùng nhau lo vòng ngoài. Còn rất nhỏ, mà thấy ai chọc ghẹo mấy chị, Thạch che chở, bảo vệ cho chị. Hồi đó, có nhóm Nhân (tiệm vải) gọi đùa Thạch là Y Lôi, giống như vai gì đó trong phim xã hội chủ nghĩa. Ngọc Thúy rất bực, cự nự mấy cậu. Chắc là Ngọc Thúy “quạu” lắm, nên từ đó mấy cậu hết chọc Thạch nữa.

Hoàng Quân

 

 Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Địa Lý Vườn Uyên -3-

Ngày trước, sát dàn bông giấy, bên vách nhà Mỹ Đông An là chuồng gà. Ba nuôi gà Mỹ, hay trao đổi giống gà với bạn bè khác. Có lần, ông tỉnh trưởng Lê Bá Khiếu đến chơi, dắt theo con gái, chị Dung, ẵm con gà Mỹ thiệt to, tới biếu. Thỉnh thoảng Ngọc Thúy, Ngọc Hiền rủ con Nguyệt, con Ba nhà Phạm Ngọc Anh vô chuồng gà làm văn nghệ. Mấy đứa múa hát nhiều màn rất nghệ thuật. Vậy mà, bầy gà không biết thưởng thức. Rõ là đàn gảy tai… gà. Thế gian biến cải vũng nên đồi. Chuồng gà bị dẹp đi. Góc sân vườn đủ để mấy bàn, từ số một đến số bốn, mỗi bàn để được bốn ghế. Nếu bạn bè thích ngồi chung, có thể kèm thêm hai ghế. Bàn số bốn dưới cây ổi. Có lần, anh Đức đang uống cà phê, bị ổi rụng trúng đầu (biết đâu, chẳng hên như sung rụng, mà có người phải nằm há mỏ chờ). Anh ôm đầu với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ có dáng dấp của tổ… phượng hoàng, chạy vào bếp “kêu cứu” với Mạ. Tiếp theo đó là bậc thềm cao, để bàn số năm, sáu, bảy. Cây lựu, hoa tử kinh, mai tứ quý để xen kẽ giữa các bàn này. Bàn số năm được xem như bàn “tổ ấm”, băng ghế đá (loại giống ghế đá công viên) nằm thụt sâu vào vách. Bàn này hưởng ké sự ấm cúng của tàn lá cây ổi, cũng như thoang thoảng hương ngọc lan của bàn số mười. Những đôi uyên ương nào đến sớm, thích “xí” ngay bàn này. Dưới tàn lá cây mận là bàn số sáu với xích đu màu xanh lá cây sậm. Bàn này thường do các chàng trai trẻ người (và chắc cũng non dạ) chiếm đóng. Vị trí của bàn này thuộc loại chiến lược. Xích đu nằm bên phải xeo xéo của két cà phê. Thi sĩ ĐVT (thuở ấy hẵng còn là Trần Quang Đoàn), sau mấy chục năm vẫn còn nhớ khoảnh không gian này “…Mình nhớ, từng ngồi đong đưa trên đó, thơ mộng nhâm nhi cà phê và… quan sát Thúy… ”. Một lần, có chàng trai trẻ, đang thả hồn bay bổng theo nhịp xích đu, bất thần vội phóng xuống… tàng hình dưới bàn. Té ra, thân mẫu đi tìm anh. Thế là, anh phải từ từ chui lên khỏi… mặt đất và líu ríu theo hiền mẫu về nhà. Giữa bàn số sáu và số bảy có cây lựu nho nhỏ, chưa đậu trái bao giờ, mặc dầu thỉnh thoảng có điểm vài bông đỏ trên cành. Có lẽ Café Uyên là đất lành, nên có nhiều “nông dân” nhắm nhé để canh tác vườn… si. Lần khác, thân phụ của anh Lê Tuấn đến tận vườn, “kè” nông dân về, đặng còn đi học chữ. Có lẽ vì vậy mà chàng trai xứ Quảng đã chiêm nghiệm thêm phương châm sống, “Trai khôn tìm vợ ở chốn chợ Đông… Ba. Gái khôn tìm chồng ở…  quán cà phê…”

Bên tay trái, sát vách văn phòng Baha’i, ngoài cùng là bàn số tám. Bàn này chỉ có hai ghế. Góc này anh DQH mua đứt rồi. Bởi, cứ hể chiều xuống, tới giờ mở cửa quán, y như rằng thấy bóng anh DQH lững thững bước vào. Nhà anh ở đối diện, mấy bước băng qua đường. Giờ sớm chưa có khách, tha hồ chọn lựa. Vậy mà, hiếm khi thấy anh ngồi góc khác. Anh có dáng vẻ như Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ Trẻ trên hình bìa của cuốn sách dịch A Portrait of the Artist as a Young Man của James Joyce. Ngoài anh DQH, khách chỉ ngồi bàn này, khi quán không còn chỗ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, còn nhiều bàn, nhưng khách vẫn chọn bàn số tám. Khách gọi trà Lipton, ly soda sữa hột gà và thêm gói thuốc con mèo. Thì y như là sau đó, sẽ có màn chạy làng rất ngoạn mục. Lần nọ, thấy khách có những dấu hiệu tiêu biểu của bàn số tám, Ngọc Thúy kể với Ba. Ba đem radio ra ngồi nghe tin tức ở bàn số chín bên cạnh. Vậy mà, uống xong, khách tuôn chạy, Ba đứng dậy đành ngó theo. Khách đã khuất dạng vào đường chỗ tiệm thuốc bắc Trần Quang. Trên đường còn chơ vơ đôi guốc đàn ông của khách.

Bàn số chín là bàn đầu tiên khi vào cổng, hai bên bàn có hai chậu kiểng lớn để tạo cho bàn một chút không khí riêng tư. Tiếp theo là bàn số 10, 11, 12, dẫn đến két, chỗ ngồi của cô hàng cà phê. Nơi đây ngày xưa có cây trứng cá xanh um. Sau, Ba quyết định đốn cây, đổ xi măng để làm chỗ đậu xe hơi. Bàn 12 đặc biệt có dùng cái ghế da hai chỗ ngồi của xe hơi. Ghế này có lẽ ngồi cũng thoải mái, cho nên dù quay lưng lại quày, tức là không “nghía” được cô hàng. Nhưng khi ngồi đồng, ghế xe hơi xem ra rất được chuộng. Các bàn này chỗ rộng, có thể để nhiều ghế, thường là gia đình anh chị em đi ăn chè, chứ không ngâm nga ngồi lâu nhâm nhi cà phê. Bên trái của bàn số 10 là bàn 11, chỉ hai chỗ, sát vách tường bên Baha’i vẫn còn hai tổ ong. Hai bàn này có cây che, “ít trăng nhiều gió”, nên cũng được đắt khách. Bên cạnh két là bàn 13, bàn này thường là những khách quen, đôi khi gần như con cháu trong nhà.

Két là cái “táp đờ nuy” nhỏ bằng gỗ. Ngày trước để cạnh giường Ba Mạ. Két thấp chủn. Trên cùng là hộc rất cạn, có tay nắm tròn, để đựng tiền. Ngăn giữa cao hơn, trống, để đựng những bảng thức uống. Dưới cùng là hộc cao hơn, có cánh cửa, đựng giấy viết, vài món lặt vặt khác.

Bên phía phải của két là tủ cao. Phía trên bằng kiếng, giống các xe sinh tố để chưng trái cây. Phía dưới bằng lưới. Trong tủ chứa các loại chai nước ngọt.

Hồi đó, ở tòa hành chánh, Ba và các ông tỉnh trưởng, ngồi cách nhau bức tường, nên nói chuyện qua đường dây giống như vi âm. Khi văn phòng có thiết bị khác, không dùng đường dây vi âm này nữa, thì bác Xuyến, đồng nghiệp của Ba có sáng kiến, đem “hệ thống liên lạc” này về xài ở quán cà phê. Bác Xuyến đảm trách việc lắp ráp. Ở ngoài chỗ gần két có microphone, có thể nói vào đó đặt cà phê, chè… Đường dây dẫn sẽ đưa tiếng đặt hàng xuống bếp. Tuy hệ thống chưa hoạt động trơn tru, đường dây dẫn không tốt, nói nghe không rõ. Nhưng thời ấy, thiết bị kỹ thuật như vậy thật tân tiến hiện đại, làm nhiều thanh niên thích thú, đứng gần két tò mò quan sát.

Quán hơi tối, nhiều cây, màn “xô xát” với muỗi chắc chắn xảy ra hằng đêm, mặc dù chiều tối có đốt nhang vòng chống muỗi. Nhưng may, chưa có vụ đụng độ nào với tổ ong. Ba nghiên cứu bắt những bóng đèn nhỏ màu xanh lá cây, núp sau những chậu kiểng, tạo một không khí ấm cúng và lãng mạn. Ba có sáng kiến độc đáo làm “công- tắc” của đèn: đó là ống tiêm chích thuốc loại lớn. Muốn bật đèn sẽ làm thao tác như y tá đang bơm thuốc.

Bấy giờ, tình hình an ninh ở Quảng Ngãi bất ổn. Đã có những vụ đặt chất nổ ở rạp hát, quán cà phê… Ba bắt một đèn neon dài dọc theo cổng, rọi sáng sân đậu xe cho khách. Như vậy, ngồi trong quán, mờ tối, nhìn ra chỗ đậu xe, khách vẫn có thể thấy được xe mình. Khách có thể kịp thời phát giác, nếu có dấu hiệu khả nghi. Lần kia, một chú đang nhâm nhi cà phê trong quán, chợt nhìn ra sân để xe. Chú hốt hoảng, vì thấy trên yên xe Honda của mình một túi xách lạ, nguy hiểm quá. Chú chạy vội tới quày, tính nói với chủ tiệm, thông báo cho mọi người lo chạy trốn. Đang lúc chộn rộn, chú thấy một thanh niên đang từ trong quán ra, xăm xăm đến thẳng chỗ túi xách khả nghi, tỉnh bơ ôm túi trở vô lại chỗ ngồi trong quán. Thì ra, anh này đạp xe đi mua hàng. Trên đường về, ghé lại Café Uyên. Lúc lúi húi khóa xe, anh để tạm túi hàng trên yên xe Honda bên cạnh. Khóa xe xong, nghe tiếng bạn bè kêu ơi ới, anh vui quá, lật đật chạy vô quán, quên bẵng túi hàng. Uống xong ly chanh rum mát cổ họng, anh mới sực nhớ túi hàng còn để bơ hơ ngoài chỗ đậu xe. Chà, để mất hàng, thể nào cũng bị mẹ la, không chừng cấm không cho đi chơi nữa. May quá! Túi hàng vẫn còn đó. Anh mừng rỡ, mà chẳng biết là ông chủ xe Honda một phen sợ thất kinh hồn vía.

 

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Hương Vị Vườn Uyên – 4-

Ban đầu, chị Thanh Tâm viết mẫu bảng thức uống. Về sau, Ngọc Thúy cứ vậy mà chép nhiều bảng. Đôi khi phải viết lại bảng mới, vì có thêm món hoặc các bảng bị ướt, dơ. Bắt đầu là cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa, trà Lipton… rồi đến các món nước ngọt như sprite xí muội, soda chanh rum… Chè nằm ở phần hai. Ngoài các món chè thường trực như chè 3 màu, chè đậu đỏ, chè kê bánh đa, còn có những loại chè theo mùa như chè đậu ngự, chè khoai tía… Trong phần chè có thêm yaourt và kem flan.

Cuối bảng thức uống Ngọc Thúy cũng bắt chước chị Thanh Tâm, lả lướt hàng chữ: Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên. Viết xong, Ngọc Thúy dùng nylon trong, bọc lại. Rất thường, chỗ bọc ngay chữ Quen hay bị lủng trước. Các chàng thay thế chữ Quen bằng chữ Quên, Kênh, Yêu, Kê… tùy theo tình hình giữa các văn nhân thi sĩ và mấy cô hàng cà phê. Có người lại nói rằng nếu sửa là “Ở một nơi ai cũng ráng quên nhau: Café Uyên” thì chắc sẽ có nhiều cố nhân nhớ hơn.

Trước khi mở tiệm, chị Thanh Tâm đưa Mạ vào chợ Bến Thành để ăn thử các món chè, rồi đi mua cà phê (rang tại chỗ) trên đường Hai Bà Trưng. Lúc nào cũng mua hai loại, một mocca đậm mùi thơm, một arabica đậm vị cà phê. Về sau, chị Thanh Tâm đều đặn đến tiệm quen, mua cà phê gởi về Quảng Ngãi. Mạ có công thức pha chế cà phê rất đặc biệt. Mạ mua một ít cà phê ở Quảng Ngãi, trộn với cà phê chị Thanh Tâm mua ở Sài Gòn. Có khi, chú Sơn Râu đem quà cà phê từ Ban Mê Thuột về. Mạ tẩm vào cà phê chút nước hạt cau khô, một chút bột va-ni và một chút bơ bretel. Cà phê Uyên ngon thành huyền thoại. Trà Lipton là món uống thuộc loại “sang”, giá đắt hơn cà phê. Món trà không tiêu thụ nhiều. Nhưng vẫn là món bắt buộc phải có trên bảng thức uống. Mạ đặt mua loại Lipton gói, nhãn vàng. Trong tách trà có để vài miếng cam thảo, hột xí muội, vài trái nho khô.

Trên dĩa có thêm miếng chanh nhỏ. Ngoài ra, có những món uống không mấy thanh cảnh, mà đắt nhất trong bảng thức uống như sô-đa sữa hột gà. Mạ hỏi thăm đây kia, học làm yaourt và kem flanYaourt làm trong những hũ thủy tinh nhỏ. Mỗi lần xong, phải giữ lại một hũ để làm “cái”. Kem flan khi hấp phải đúng lửa, kem không bị rỗ, để khi lật ngược lại, thấy lớp đường thắng nâu lợt, rồi đến lớp kem trứng gà vàng ươm thật ngon mắt. Về sau, Mạ dạy cho Ngọc Thúy và Ngọc Hiền làm được những món này. Thời đó, đường cát trắng rất mắc. Bởi vậy, Mạ chế biến đường mía thành đường trắng với một công thức độc đáo. Ở Quảng Ngãi, đường mía được đựng trong những cái muỗng (thuỗng) bằng đất gạch nung, hình phểu. Đường phía trên màu tương đối sáng. Càng xuống dưới, màu trở nên sẫm hơn vì mật đường, đồng thời có nhiều tạp chất như xác vụn của mía. Mạ chọn những tảng đường gần khúc dưới, để giá tiền nhẹ nhàng hơn. Nhưng Mạ không dùng những miếng đường dưới cùng của muỗng, vì mùi mật mía đậm gắt. Những tảng đường nấu trong nước, để sôi lăn tăn cho tan hoàn toàn. Sau đó, Mạ lấy tròng trắng trứng gà đánh cho nổi bông, xong đổ từ từ vô nồi nước đường đang sôi. Bọt trứng sẽ “níu” mùi mật và màu mật của đường. Vớt lớp bọt trứng, nước đường ngọt thanh và có sắc trong. Đường mía sau quá trình pha chế của Mạ, trở thành ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Dùng để pha nước chanh tươi, nấu chè đậu ngự, chè kê, chè đậu xanh đánh, thơm ngon tới trời.

Cô Thanh Sương, chị Sáo nhà Lệ Ảnh giới thiệu món chè ba màu: ở dưới là đông sương, đến một lớp chè đậu xanh đánh, trên cùng là lớp cà phê đậm. Có lần, anh Lam và Ngọc Thúy theo Ba ra Đà Nẵng. Mạ dặn, hai anh em đi ăn thử chè thạch cúc có ngon hay không, để về thêm vào bảng thức uống của Café Uyên. Ly chè thạch cúc trông hay hay, sang sang. Đông sương trắng trong nước đường cát thắng, bỏ vào 2 bông cúc xòe. Nhìn, mát mắt. Nhưng ăn vào, khó có thể gọi món đó là chè được. Anh Lam lo ngại, lỡ chè không ngon, thực khách đổi chữ u của cúc thành chữ ư thì phiền. Chè đậu đỏ nấu sẵn vào buổi sáng, để nguội, bỏ vào tủ lạnh. Trưa đi học về, xin Mạ cho ăn một ly. Ăn xong rồi, nghĩ là mình đã múc ly hơi lưng, lại khoắng vá làm thêm ly nữa. Hột đậu mềm múp, thơm bùi, ngậm mát rượi trong miệng. Phải cố gắng lấy lý trí mà ngưng, chứ không, chiều không có chè để bán.

Mấy chục năm sau, nhắc lại Café Uyên, anh Nguyễn Thế Thành kể, “Cái quán không biết là quán café hay quán chè. Mà ăn hay uống cái quái gì, cũng thấy ngon. Hay tại mấy bé dễ thương quá nên mình đâm ra… lú. Nhớ nhất là món chè kê. Hạt kê hồi đó mua về từ mấy huyện miền núi do người dân tộc thiểu số trồng. Người Huế nấu món nầy tuyệt chiêu. Thật ra, ai cũng có thể nấu được món nầy. Nhưng quan trọng nhất là cái ngọt của đường. Café Uyên làm cái đường ngọt thanh. Cái bùi của kê. Biết ăn phải ngậm thật lâu. Ngậm cho đến khi nào kê tan ra thành… nước. Kê thấm vào kẽ chân răng. Kê đánh thức con tì, con vị. Có ngu mà nuốt vội, chẳng khác nào Bát Giới xực nhân sâm. Sành điệu, ăn chè kê với bánh tráng, chứ không bằng cái muỗng. Thời tuổi mười bảy (bẻ gãy sừng trâu), so với chén chè tí ti, chả bõ dính răng. Cho tới bây giờ cũng không biết là tại chè ngon. Tại mình háu đói. Hay là mình… lú. Mà lúc nào cũng quét sạch sành sanh…”

 

Có lẽ chè kê đã để lại trong ký ức của anh Nguyễn Thế Thành những nét rất đậm. Bởi vậy, anh còn nhớ tỉ mà, tỉ mỉ như vậy. Thật ra, ngày đó Mạ nấu chè bằng hột kê đem từ Huế vào. Những món chè đậu xanh, đậu đỏ, Mạ có thể nhờ người khác giúp. Nhưng chè kê, Mạ tự tay nấu. Kê phải đãi thật kỹ, nếu không sẽ bị lẫn cát, bụi. Đậu xanh nấu riêng, đánh nhuyễn. Bỏ đường lúc nào, nấu bao lâu, phải đúng. Nếu không, chè kê sẽ bị vữa, mau chóng bị “mồ hôi” quanh chén. Mạ múc chè kê vào những chén nhỏ, có hoa li ti, trông rất thanh cảnh. Bánh đa đi kèm với chè là một phần tư của bánh tráng gạo. Đám con của Mạ rất mê vét nồi chè kê. Chờ Mạ múc chè, hai ba kỵ sĩ tay lăm le muỗng hoặc đũa bếp, sẵn sàng xông trận. Vét xong, nồi sạch bách, tưởng như khỏi cần rửa, nồi cũng sáng choang. Năm nọ, gặp anh Nguyễn Ngọc Ánh, anh kể, anh cũng “kết” món chè kê của Café Uyên. Anh Lê Tuấn nghe vậy, bảo, nhớ tới Café Uyên, mà chỉ nhớ tới chè kê thì rất rất ngây thơ, vô tội và… phí quá. Thời ấy công nghiệp thực phẩm chưa tiến bộ. Nấu chè đậu xanh phải qua công đoạn đãi đậu. Mua đậu xanh cà (bể làm đôi) về, ngâm vài tiếng đồng hồ cho vỏ mềm, tróc khỏi hột, lúc đó mới dùng rổ rá đãi đậu. Phải nhặt thật kỹ, nhất thiết không được sót một vỏ đậu nào. Đậu ngự phải lột vỏ từng hột. Phải khéo tay, lột xong, hột không bị tách rời ra. Món chè đậu ngự của Mạ rất công phu. Nhiều khi, muốn chỉ dạy cho con cháu, Mạ hay nói:

-Nấu dễ không, chơ có chi mô nà.

Đậu phải luộc sơ cho bớt mùi hăng rồi mới hấp. Hấp như thế nào để hột đậu chín tới, nhưng không bị nát. Ngậm hột đậu ngự trong miệng, vị ngọt và thanh của hột đậu thấm đẫm nước đường, trộn lẫn hương thơm khó tả của mùi đậu ngự, ôi chao, ngon không thể tả.

Café Uyên chỉ mở từ sáu giờ chiều đến tối khuya. Khuya, dọn các bàn xếp lại, ghế chồng lên nhau để một góc. Sáng sớm, Ba đi làm, các con đi học. Mạ, trưa trưa mới ra tiệm sách. Thỉnh thoảng có người bấm chuông, xin uống cà phê. Gặp khách quen, Mạ thoải mái cho mở cửa cho vào “kéo ghế”. Đôi lần, khách lại hỏi món điểm tâm. Nên Mạ chào món bánh mì với “ốp-la”. Nhưng đấy chỉ là ngoại lệ, chứ không phải món thường trực.

Hoàng Quân

 

Hòang Quân: Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Khách Dạo Vườn Uyên – 5

 

Trước ngày khai trương, Mạ thông báo cho các bạn bè thân hữu, mời đến “mở hàng”. Các gia đình bác Lệ Ảnh, cô Thanh Sương, cô Thanh Thanh đều góp mặt vào ngày khai sinh Café Uyên. Về sau, quán có nhiều giới, nhóm, khách khác nhau. Đa số là học sinh, sinh viên (vào mùa tết hoặc nghỉ hè về thăm nhà). Những gia đình anh chị em đi chung với nhau. Thỉnh thoảng, những người lính trẻ, đến quán trong áo quần dân sự. Tối khuya, quán tiếp cả “chính khách”- ông chánh án tỉnh đến uống cà phê.

XH mơ màng, “Năm lớp 9, mình đã được hai lần cùng anh chị đến Café Uyên. Phong cách của quán đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong trí nhớ của mình. Những chậu cây kiểng, ánh đèn mờ mờ và đặc biệt nhất là tiếng nhạc PD, TCP, TCS… Nhạc mở nhỏ để không khuấy động không gian lãng đãng, mộng mơ. Mình năn nỉ anh chị, lần sau cho em đi theo nữa nhe…” Nhưng biến cố 1975 đã khiến gia đình XH ly tán. Từ đó, không còn lần sau nào nữa.

Quang “quắn”, vừa rời tiểu học, cũng tập tễnh dạo vườn Uyên. Bây giờ, Quang còn “hậm hực”, “Ở một nơi ai cũng có thể ghi sổ, trừ tui! Cái quán Café Uyên này làm tan nát những mộng mơ lấp bể vá trời của những thằng con trai mới lớn (như tui)”. Nhắc lại chuyện xưa, Quang đòi nợ ngược lại. Đòi bổn tiệm trả lại Quang cây bút Pilot, có khắc dòng chữ “Nguyễn Thanh Quang, Phần Thưởng lớp Nhất – Nam Tiểu Học”. Nghe đâu Quang tính đâm đơn thưa kiện lên tối cao pháp viện xứ Cờ Hoa. Nhưng có lẽ Quang phải hỏi Café Song Lan hay Café Hồng Diệp, xem thử hồi đó Quang nộp bửu bối của mình ở tiệm nào. Chứ với Café Uyên, Quang như con cháu trong nhà. Làm gì có chuyện thế chân, thế cẳng.

Thật ra, Café Uyên vẫn thoải mái để khách hàng ký khống. Khách ký sổ, khách đâm ra lưu luyến quán, đôi khi thành ra khách thường trực. Còn chuyện “thế chấp”, thường do khách tự ý đề nghị, cho đỡ ngại khi lần đầu ký sổ. “Kho” giữ hàng ký sổ là một hộp hình ly rượu, màu tím nho, nằm trong tủ “búp phê” trong phòng khách. Những mặt hàng “thế chấp” phổ thông là đồng hồ, quẹt ga zippo, các loại giấy tờ như bằng tú tài, thẻ căn cước. Sổ ký nợ chi chít những dòng chữ phong sương lãng tử, những nét bút đa tình lả lơi. Có anh, oai phong lẫm liệt, trước khi rời quán, đến quầy, cất giọng sang sảng, “Bé ơi, cho anh mượn cuốn sổ ký nợ, để anh tự tay viết vô sổ làm… kỷ niệm”. Con bé dùng dằng, chưa biết tính sao. Anh hạ giọng, “Bé yên tâm, mấy món nợ tiền, thủng thẳng anh trả. Chỉ ngại món nợ tình với mấy chị của bé, anh không sao dứt được.” Con bé lẩm nhẩm, ảnh nói, đầy vẻ triết học, tâm lý học, luận lý học… mình nghe hỏng hiểu gì hết trơn.

Chàng nọ, đưa bằng tú tài cho quán cà phê để làm tin. Lần sau, chàng đến uống cà phê, thì thầm với cô hàng, “Cộng thêm nợ vào cái bằng tú tài của anh luôn nhé.” Lần sau nữa, lại cộng thêm, vân vân và vân vân. Tính ra, Café Uyên đi trước trào lưu giáo dục xuống-hố-cả-nút của Việt Nam mấy chục năm. Lúc Café Uyên bị tịch thu, còn một số giấy tờ, bằng cấp quan trọng vẫn đang “ở trọ” trong “kho” giữ hàng. Mãi nhiều năm sau này, người ta báo động thực trạng mua bán bằng cấp ở Việt Nam. Đâu ai biết, nhiều năm trước đó, Café Uyên đã “được” mua các loại bằng cấp (bảo đảm hàng thiệt, chính gốc) theo cách trả góp bằng những tách cà phê.

Bạn bè anh Lam, tự xem như người nhà, đến quán, làm tạc-dzăng “hú”, Lam ơi, Lam hỡi.

Anh Lam phóng ra, lùa đám bạn vào “phòng VIP” (phòng khách của nhà). Các anh chễm chệ chia nhau bộ xa-lông mây có nệm bọc da. Thật ra, chỗ ngồi chỉ là chuyện bên lề. Cà phê, chè cũng là chuyện phụ. Nhóm bạn anh Lam nhắm nhé những tổ ong mật của Ba. Anh Lam khéo xoay xở, bê nguyên khung mật ong có đầy đủ sáp ong, mật ong và cả nhộng ong để chiêu đãi các anh. Các anh xúm lại, nhâm nhi bánh mật ong, xuýt xoa, ngon bá cháy, ngon đoản hậu xe thồ. Ngon đến độ, sau này, nhắc Café Uyên, mấy anh chẳng hề nhớ đến mấy chị, mấy em gái của “thèng” Lam, mà chỉ nhớ mỗi bầy ong mật của Ba.

Một thân hữu khác, Nguyễn Đức Tuấn Đạt, có vài kỷ niệm “êm đềm” với Café Uyên. Đương sự thuật đại khái thế này này. Một đêm hè của một năm một ngàn chín trăm lâu lắm, một nhóm học trò lưng dài tốn vải 5, 6 cậu gì đó (NVH, VKT, LQL, PL, NM, NĐTD…) lau chau xông vào quán. Biết chắc nơi đó ai cũng quen nhau, nên các cậu rất tự tin. Chỗ lạ, hổng chừng bị rượt chạy có cờ. Trong túi các cậu rủng rỉnh mấy đồng bạc mẹ dằn túi để ăn quà. Sáng, ngang hàng bánh mì, các cậu nhất định nhắm mắt làm ngơ, nuốt nước miếng ừng ực, mặc cho bụng đang kêu réo đòi quyền… no. Các cậu để dành tiền, tối đi quán cà phê. Vào quán, các cậu nghênh ngang kéo ghế, ta đây ra vẻ khách sộp. Món chè kê thiệt vừa miệng, ngọt bùi, quét lên miếng bánh tráng thơm dòn. Cuộc vui tưng bừng, rôm rả. Miệng nhai bánh tráng lách cách, lốp rốp, vui như pháo tết, các cậu tranh nhau nói. Đố ai nhớ được họ đã nói những gì. Trai trẻ mà, nói hay không bằng hay nói mà lỵ. Lúc đầu, các cậu ý tứ ngó xung quanh. Sau, vui quá, hăng quá, cứ gọi thêm chè kê. Chén ông, chén tui, chén mày, chén tao. Nào cùng nâng chén. Chồng chén nho nhỏ xinh xinh cứ cao dần, cao dần…

Một hồi, đề tài bắt đầu cạn, câu chuyện hết nóng bỏng. Ban đầu, khi mấy chén chè được dọn ra, các cậu thảo luận sôi nổi không thua chi các cuộc họp ở quốc hội Anh, Mỹ. Giờ đây, bánh tráng, chè kê vào hết trong bụng, các cậu bỗng dưng thành triết gia, mặt mày đăm chiêu. Đến giờ các cậu phải về nhà trình diện. Nghĩ đến món bánh tét nhân mây ăn khuya, chẳng hấp dẫn tí nào. Đoạn kết rồi phải tới, tờ “biêu” được trình làng. Các cậu nhìn miếng giấy chi chít mấy con số, rồi thẫn thờ nhìn nhau. Mấy tay toán học của lớp, thường ngày, hình học, đại số chi cũng cừ khôi. Mà giờ đây, cộng tới, trừ lui, không tìm ra đáp số. Cậu có vài đồng. Cậu chỉ có túi rỗng. Kỳ quá ta, con số trên “biêu” và tổng số tiềm gom hết của tất cả túi quần sao khác nhau quá vầy trời. May quá, đèn của quán mờ mờ, nên không ai thấy được thần sắc nhợt nhạt của mấy cậu.

Cô chủ nhỏ cùng lớp, cùng khóa. Sự quen biết ban đầu, ngỡ là thuận lợi, giờ thành thảm họa… Mới sáng nay, gặp cô bạn ở sân trường, còn đầy vẻ thân ái cùng nhau sớm hôm lo sách đèn. Mà giờ đây, ánh mắt ấy sao xa xăm, hay lờ đờ vì quá buồn ngủ. Sau một hồi bàn bạc thảo luận, một khuôn mặt ngầu nhất – LĐ –  can đảm đứng mũi chịu sào, gồng mình ở lại… ngồi đồng. Đấy là trang công tử lưng ngang tám thước, dáng cao mười trượng. LĐ công tử ăn nói rất có khẩu khí. Tương truyền rằng, khi LĐ công tử ngồi kháo chuyện ở Café Uyên, mấy công tử khác, dẫu đang ngồi hóng gió ở sông Vệ, vẫn nghe rõ mồn một. Ngoài ra, LĐ công tử đi trước thời trang bấy giờ rất xa. LĐ công tử thường dùng dây thừng (hay dây dừa), loại dây cối, làm nịt. Sang thế kỷ 21, các siêu mẫu cũng mê phét-sừng này, ưa xài xăng -tuya như LĐ công tử. Người anh hùng LĐ ở lại thế chân, các cậu “em hùng” (tức là thua xa anh hùng) tản về, lo xoay sở bù vào chỗ trống. Trời hè về khuya mát mẻ. Nhưng người ở lại, như đứng trên lửa, như ngồi trên than. Ruột gan LĐ công tử càng cháy rát, khi chủ quán lục tục dọn dẹp ly chén, bàn ghế. Tiếng chổi quét nghe như xát muối trong lòng. Anh hùng LĐ thấm thía câu hát làm người ở lại có bao giờ vui… LĐ công tử vẫn kiên nhẫn chờ. Tựa như Dương Quá, mười mấy năm ròng rã bên miệng cốc chờ Tiểu Long Nữ. Thật vô vọng… Ôi, đám lâu la này đã đem con bỏ chợ, ý quên, đem bạn… bỏ… quán cà phê. Đến khi hết hy vọng, “người hùng” bèn dùng hết khả năng ngoại giao đến “đàm phán” với bà chủ. Cậu dạ dạ thưa thưa với thân mẫu của cô chủ nhỏ… biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ, ôi biết nói gì, dùng lời quá khó… ôi biết nói gì… May cho cậu, bà chủ thật tốt bụng, lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi với mọi người. Chứ rơi vào tay cô chủ nhỏ, khó toàn mạng. Sau mấy ngày chạy vạy vất vả, vay nóng, mượn nguội lung tung, các cậu phái sứ giả đến quán cà phê thanh toán cái bill dài như sớ táo quân.

Lần khác, Tuấn Đạt đi với vài bạn đến uống cà phê. Như để thanh minh cho “chương trình hoạt động” của mình, TĐ chép “vần thơ sầu rụng” gởi cho cô chủ quán kiêm bạn học cùng lớp. Cái học ngày nay đã hỏng rồi, mười thằng đi học chín thằng chơi, phụ huynh đến hỏi con tui nó, từ sáng đến giờ có đến đây… Lang thang vào quán chịu ngồi đồng…
Nghe đâu có cậu thư sinh tên DPL. Thư sinh đã đủ tuổi đi dạo vườn Uyên. Khổ nỗi, cà phê của quán Uyên đậm quá. Uống lưng lưng tách cà phê bé tẹo, mà mắt mũi thư sinh cứ thao láo cả đêm. Thế này, mai vào lớp học, chắc ngủ gục, quên cả giờ ra chơi. Thư sinh nghĩ lung lắm. Rõ ràng, mình chưa biết yêu. Trằn trọc miết, thư sinh chẳng thể ca rằng em ơi suốt đêm thao thức vì em. Tại, thư sinh có hề biết mình nhớ em nào đâu. Ô, thế này thì oan uổng cho cái sự mất ngủ quá. Bởi thế, thư sinh nghiệm ra rằng, đến quán cà phê Uyên, chỉ nhâm nhi chè kê để… bảo toàn tính mạng.

Cô láng giềng tí hon, nhờ Café Uyên cô có đoạn phim dĩ vãng hồi hộp, gay cấn. Thuở ấy, anh chị lớn của cô tí hon đã có bồ. Các anh chị dễ ngươi, hẹn hò với người yêu ở quán cà phê sát rạt nhà mình. Mấy anh chị không dè con em nhỏ xí có máu phóng viên. Tối tối, cô phóng viên chiến trường bắt ghế đẩu ngồi trước nhà, theo dõi đường đi, nước bước mấy anh chị. Thoáng thấy ông anh lớn đang bên cạnh bóng hồng vào Café Uyên, phóng viên chạy như bay vào quán, mua một chén chè kê đem về. Đi xuyên qua quán, phóng viên rảo mắt tìm tọa độ, xem ông anh đang rù rì với bồ góc nào. Về nhà, phóng viên nộp bài tường thuật cho “chính quyền”. Tối đó, gia đình họp bàn tròn. Anh lớn bị cha mẹ rầy la, gần thi tú tài, tại sao xao nhãng chuyện học hành… Anh chị của cô tí hon dạ dạ đúng nhịp. Nhưng vài ba bữa sau, đào, kép đủ cặp, lại dung dăng dung dẻ trên con đường tình ta đi đến quán Café Uyên. Phóng viên tí hon siêng năng vào quán mua chè kê để dễ dàng săn tin. Mấy anh chị của tí hon mải mê dệt mộng yêu đương, coi mấy màn tường thuật của phóng viên nhẹ như tơ. Chỉ tội phóng viên tí hon, do đều đặn nhâm nhi chè kê, phóng viên ngày càng nặng ký, tròn quay, giống… thùng tô-nô. Phóng viên tí hon đành bỏ cuộc, thôi không mua chè kê nữa, mà để tiền mua xí mụi viên (lũ trẻ con lén gọi là… kít mũi ông ba tàu) hay kẹo đậu phụng đường đen, vừa nhâm nhi, vừa chơi búng giây cao su với mấy đứa bạn, vui hơn làm phóng viên.

Tính sổ, số lượng khách dạo vườn Uyên vì chè kê thật đáng kể. Có anh nam sinh trường Trần Quốc Tuấn tỉ tê rằng, lớp của anh có hơn bốn chục đứa con trai. Trừ mỗi “thằng” lỡ đội lốt thầy chùa để trốn lính, cả lớp cùng ngắm nghé cô hàng vườn Uyên. Vậy mà, hỏi kỹ ra, đâu có đứa nào thương thầm, trộm nhớ con bé cà phê. Các cậu chỉ mơ lọt mắt xanh con nhỏ, để được chuột sa chĩnh gạo, được ăn chè kê mê tơi, ăn thả dàn. Nói theo cách đậm đà bản sắc địa phương Quảng Ngãi là ăn cho… lòi bản họng.

Trước 1975, ngoài những văn nhân thi sĩ đến quán, còn có cả… gián điệp xuất hiện. Số là, anh Minh, ông anh họ, có người bạn cùng lớp tên Th. Anh Th. thường rủ anh Minh đi quán cà phê. Tuổi thanh niên, đi uống cà phê là sinh hoạt cần thiết. Anh Minh rất vui được bạn mời đi cà phê. Nhưng lạ, anh Th. chỉ đi Café Uyên. Mặc dầu anh Minh muốn thử các quán khác như Café Diễm Xưa, Cẩm Phú… cũng có nhiều cô hàng cà phê kháu khỉnh. Chứ Café Uyên là họ hàng, mấy cô chỉ là em gái, đâu có rục rịch gì được. Đến quán, anh Th. không ngó ngàng chi mấy cô. Anh Th. chọn bàn gần quày. Lúc lúc, anh nhìn vào trong nhà, hoặc thỉnh thoảng bảo cần ra sau nhà vệ sinh. Anh Minh đùa, hỏi anh Th. thích cô nào, anh Minh là người nhà, sẽ “nói vào” cho. Anh Th. bảo, chỉ thích uống cà phê. Sau 1975, anh Minh thấy anh Th. ngồi chủ trì các địa điểm trình diện học tập cải tạo. Lúc đó, anh Minh mới vỡ lẽ. Anh Th. đến Café Uyên, chẳng vì cà phê, chẳng vì cô hàng. Mà chỉ vì biết thân sinh các cô làm việc trong chính phủ, nên âm thầm theo dõi đó thôi.

Sau 1975, Café Uyên có lúc thêm khách, nhờ công an phường “quảng cáo”. Có phường trên Nghĩa Hành, ngã năm đi lên, trong buổi họp, khuyên thanh niên tiên tiến không nên đến Café Uyên. Như vậy, bổn tiệm khỏi cần tìm người lo mạc-kết-tình, bỗng nhiên lại có thêm khách. Thanh niên nọ, nghe vậy, đâm ra tò mò, đến thử cho biết Café Uyên. Anh đến uống cà phê. Anh thấy chẳng những không có gì đáng ngại, mà lại có cảm giác thoải mái khi ngồi Café Uyên. Nghĩ rằng, lời khuyên dành cho thanh niên tiên tiến, nghĩa là, không phải cho anh. Từ đó, khi có vài đồng dằn túi, anh làm người chậm tiến, thơ thới đạp xe xuống Café Uyên.

Có một khách từ phương xa lắc, nghe lời đồn, tìm đến Café Uyên. Khách gọi cà phê sữa. Quán dọn ra tách cà phê với cái phin đặt trên cái tách. Thường, các văn nhân, thi sĩ nhẩn nha đợi những giọt cà phê đen tí tách rơi xuống. Tuy không thấy… mộng tình trăm năm chìm trong đáy ly gương. Nhưng khi những giọt cà phê đậm đặc, nhuộm từ từ mặt trên của lớp sữa đặc, hương cà phê thoang thoảng, cũng đủ cho tao nhân mặc khách dệt vài vần thơ tình. Khách trầm trồ:

-Ôi, “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Trông yêu quá!

Nhưng rồi khách lúng túng, không biết “xử lý” cái nồi thế nào. Khách nhìn qua bàn bên cạnh. Định bụng, ai làm sao, mình làm vậy. Nhưng bàn bên cạnh, đôi uyên ương đang uống chanh đường. Nhìn xa hơn, khách chẳng thấy gì, vì giữa các bàn có chậu hoa, và đèn trong quán không sáng choang như ban ngày. Đến khi quán dọn phin, phin sạch trơn không có xác cà phê. Nhòm vào tách, thấy xác cà phê đang lẫn trong sữa. Biết đâu khách rủa thầm. Gớm, dân miền Nam uống cái món gì mà hãi thế. Họ không uống cà phê, hình như họ nhai cà phê thì phải.

Xem ra, có đầy đủ, từ sĩ nông công thương, cho đến ngư tiều canh mục dạo chơi trong vườn Uyên. Mỗi người, mỗi vẻ góp vào bức tranh quán Café Uyên muôn màu thật thú vị.

 

Hoàng Quân

Tháng Mười 2018

 

 

December 18, 2020