Đời Binh Nghiệp: Đơn Vị Không Quân Đầu Tiên của Đào Hiếu Thảo

Đời binh nghiệp:  Đơn vị Không Quân đầu tiên

Phòng Thông Tin Báo Chí/Văn Phòng Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị/ Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất/ KBC 3011
                                                Đào Hiếu Thảo/Đỗ Hiếu
 
Năm 1970, về nước sau khi tốt nghiệp khoá sĩ quan thông tin báo chí  Defense Information School/DINFOS, Fort Benjamin Harrison, Indiana, Hoa Kỳ, tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất, bổ sung cho ngành Chiến Tranh Chính Trị.  Nơi đây là phần sở tôi đã được đến tập sự sau khi hoàn tất khoá sĩ quan căn bản Bộ Binh ở Thủ Đức, đợi ngày ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang học thêm Anh Ngữ.
Theo hệ thống tổ chức và chỉ huy thì  trong Bộ Tư Lệnh Không Quân, trên hết có các vị Tư Lệnh, Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng, Phụ Tá Tư Lệnh, kế đó là các văn phòng chuyên môn như : Hành Quân, Tiếp Vận, Nhân Viên, Huấn Luyện, Tài Chánh Thống Kê, Quân Y, Quân Pháp, Truyền Tin Điện Tử, Phòng Không, An Phi và Chiến Tranh Chính Trị.
Tôi được tăng cường về làm việc cho  Phòng Thông Tin Báo Chí, là một trong các phần hành Tham Mưu của Chiến Tranh Chính Trị như Phòng Chính Huấn, Phòng Tâm Lý Chiến, Phòng Xã Hội, Phòng Quân Tiếp Vụ và các Phòng Tuyên Uý Công Giáo, Phật Giáo, Tin Lành.
Phòng Thông Tin Báo Chí Không Quân được thành lập năm 1969 là cơ quan phát ngôn cho Không Lực Việt Nam Cộng Hoà gồm các Ban: Thông Tin Nội Bộ, Thông Tin Quần Chúng và Giao Tế Báo Chí. Trưởng Phòng đầu tiên là Đại uý Đinh Sinh Long, năm 1971 anh thuyên chuyển đơn vị khác, thay anh Long là Trung Tá Đặng Trần Dưỡng. Cả hai anh Long và Dưỡng đều tốt nghiệp từ DINFOS.
Những công tác tổng quát Phòng Thông Tin Báo Chí Không Quân đảm trách hàng ngày gồm có: tổng kết và báo cáo hoạt động của Không Lực Việt Nam trong mỗi 24 giờ để phổ biến đến các cơ quan truyền thông quốc gia và các hãng thông tấn ngoại quốc; ấn hành bản tin nội bộ về hoạt động của các đơn vị Không Quân; buổi chiều tham dự và thuyết trình tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí; cử phóng viên đến tận nơi tường thuật, làm phóng sự về những buổi lễ của đơn vị; tiếp đón, giúp đỡ phương tiện hoặc hướng dẫn các phóng viên báo chí quốc tế đến thăm viếng các đơn vị Không Quân trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà  hay tháp tùng các phi vụ hành quân, huấn luyện,  trên các loại máy bay của Không Quân Việt Nam…
Trưởng Ban Thông Tin Nội Bộ lúc ấy là Thiếu uý Hà Minh Đức (Đức Hà), Trưởng Ban Thông Tin Quần Chúng là Chuẩn uý Chu Văn Hải, tôi phụ trách Ban Giao Tế Báo Chí. Ba anh em chúng tôi phân chia nhau công việc chung, luân phiên đảm trách mọi công tác trong ngoài, lúc ở văn phòng, khi ra đơn vị, theo sát các phi vụ hành quân khắp bốn quân khu trong cương vị sĩ quan thông tin báo chí và cũng là phóng viên chiến trường của Không Quân.
Chỉ số chuyên môn 72.54 dành cho sĩ quan thông tin báo chí.  Phóng viên chiến trường Không Quân là một ngành chuyên môn hoàn toàn mới, Phòng Thông Tin Báo Chí Không Quân là một phần sở tân lập, một thí điểm đầu tiên hầu triển khai kế hoạch phát triển ngành truyền thông đại chúng do Không Lực Hoa Kỳ huấn luyện, vì lý do đó mà Phòng Ban chúng tôi có các cố vấn sĩ quan, hạ sĩ quan Không Lực Hoa Kỳ, hàng ngày  cùng làm việc bên nhau. Cố vấn trưởng thường là một Trung tá có hai hạ sĩ quan cấp Thượng sĩ và Trung sĩ phụ giúp.
Theo lịch phân công, mỗi ngày đều có toán phóng viên, nhiếp ảnh viên, chuyên viên thu hình Việt-Mỹ bay đến công tác tại các Sư đoàn Không Quân như Sư Đoàn 1 ở Đà Nẵng, Sư Đoàn 2  ở Nha Trang, Sư Đoàn 3  ở Biên Hoà, Sư Đoàn 4 ở Cần Thơ, Sư Đoàn 5 tại Tân Sơn Nhất, Sư Đoàn 6 trên Pleiku.  Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận ở Biên Hoà là công xưởng đảm trách bảo toàn, tân trang và chế tạo phi động cơ.
Ngoài các đại đơn vị, phóng viên Không Quân cũng có mặt tại những căn cứ chiến thuật, không đoàn tác chiến, đơn vị yểm cứ như căn cứ Không Quân Phù Cát, Bình Định, căn cứ  Không Quân Phan Rang, Sóc Trăng, Đài Kiểm Báo Sơn Chà, Đà Nẵng…
Để đáp ứng nhu cầu công tác, anh em chúng tôi thường xuyên được gởi theo học các lớp tu nghiệp ngắn hạn tại Bộ Tư Lệnh Đệ Thất Không Lực Mỹ (7Th Air Force Headquarter) đặt trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Dịp này các huấn luyện viên Hoa Kỳ truyền đạt những kỹ thuật mới ứng dụng cho ngành báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh.
Mỗi khi cùng đi công tác chung với các cố vấn Mỹ, chúng tôi thường đáp máy bay của không quân Hoa Kỳ như vận tại cơ C 54, có thể bay thẳng từ Tân Sơn Nhất đến Hawaii, hay CH 47 là loại trực trăng Chinook, có 36 chỗ ngồi, tức là một trung đội tác chiến với đầy đủ trang bị và võ khí.
Vừa thụ huấn chuyên môn từ Mỹ về, nay lại có cơ hội công tác, học hỏi thêm kinh nghiệm với các bạn Không Quân Hoa Kỳ dày dặn gió sương, dịp may một lần nữa đến với tôi. Có lần tháp tùng phái đoàn cố vấn trưởng Không Quân Hoa Kỳ thăm một số đại đơn vị Không Quân Việt Nam bằng vận tải cơ C 54. Hôm ấy, chúng tôi ăn sáng ở Tân Sơn Nhất, trưa họp ở Cần Thơ, bay ra Pleiku dùng cơm chiều tại Đà Nẵng và trở về Saigon trong đêm. Có lần bất ngờ được bay cùng các cố vấn Mỹ sang thăm các căn cứ Không Quân Hoàng Gia Thái Lan ở Utapao và Na Khom Phanom, những đơn vị này có nhiệm vụ canh chừng hoạt động của các máy bay Trung Cộng.
Một lần công tác khác đến thăm vùng hoả tuyến sát khu vực Đông Hà, Bến Hải, đáp các căn cứ hoả lực của pháo binh Mỹ ở A Shau, A Lưới, Bastogne… Những vị trí chiến đấu mà đối phương thường xuyên rót hàng tràng đạn pháo kích cũng như hoả tiễn.  Binh lính đồn trú những nơi này, ngày đêm sinh hoạt dưới địa đạo, giao thông hào, ở lại đêm, sáng ra chúng tôi đều súc miệng bằng Johny Walker do cố vấn Mỹ đem theo và khi ngưng tiếng pháo kích thì phóng vào một thùng phuya gỗ gần đó, ngâm mình trong nước lạnh, gọi cho sang là một phút  “tắm hơi”, cái lạnh của nước cộng với hơi sương sớm của núi rừng, anh nào anh nấy cũng “teo hết”!
Ra chiến trận với các quân nhân Mỹ mới thấy rõ là họ được chăm lo đầy đủ về tinh thần lẫn vật chất. Ngoài trận địa nhưng hàng ngày đều có thức ăn, thay đổi thực đơn mỗi bữa, máy bay tiếp tế thường xuyên rau tươi, trái cây, coca, nước sạch. Chưa nhận được thực phẩm tươi, người lính  Mỹ dùng tạm lương khô Ration C, với đồ hộp đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamine.
Trường hợp phi cơ lâm nạn hoặc bị trúng đạn đối phương trong khi thi hành nhiệm vụ, phi công phải sử dụng ghế bung và dù tự động, để  thoát thân, rơi xuống biển hoặc trong rừng sâu, các đơn vị Mỹ trong khu vực tức khắc được báo động và tìm đủ mọi cách để cứu người phi công  lâm nguy, cho dù phải huy động đến hàng trăm binh lính và nhiều chiếc máy bay đủ loại mà không phải lần nào cũng thành công và trở về an toàn.
Người lính Việt Nam mình thì sao? Họ phải xoay trở mọi cách, tự lực cánh sinh, nằm gai nếm mật, đồng lương không đủ sống, khi hành quân thì ăn uống kham khổ, vợ con ở nhà thiếu thốn, cơ cực, quân trang, quân dụng hạn hẹp, võ khí thua sút đối phương, mạng sống mong manh và cam chịu số phận đắng cay làm con dân của một quốc gia non kém, chậm tiến mà còn thường xuyên bị chiến tranh tàn phá bởi những “người anh em nón cối, dép râu” hiếu chiến từ miền Bắc!
Có ra trận mạc mới thấy rõ được người lính sinh sống ra sao. Hàng ngày họ và gia đình vợ con chỉ có hai bữa cơm rau mắm, người phụ nữ phải bương chải, tự canh tác, chăn nuôi hay ra chợ mua bán để phụ với chồng  nuôi đàn con. Trên bước đường hành quân, người lính vừa di chuyển vừa nấu cơm, nhờ hai bạn đồng đội gánh bếp lò than để lúc dừng quân là có bữa ăn vội vã, rồi lo đào hố cá nhân, dựng ụ đại liên, tăng cường vị trí phòng thủ, chờ giặc.   
Vào thời điểm của năm 1972, nhiều đại đơn vị Không Lực Hoa Kỳ dần dần triệt thoái khỏi Việt Nam theo chính sách “Việt Nam Hoá Chiến Tranh” của Tổng thống Richard Nixon. Nhiều căn cứ được Không Quân Hoa Kỳ chuyển giao cho Không Quân Việt Nam, đa số doanh trại bị bỏ phế, cơ sở điêu tàn, việc tiếp nhận, quản lý, tu bổ là một vấn đề rất khó thực hiện vì thiếu hụt ngân khoản nên bắt buộc phải ngưng mọi hoạt động.
Cùng lúc, Không Quân Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách viện trợ dành để huấn luyện các phi công và chuyên viên.  Khóa sinh Không Quân Việt Nam đang học dở dang tại các quân trường bên Mỹ phải tức tốc lên đường quay về và bắt đầu học tập tại các đơn vị Không Quân trong nước, điều này gây nhiều bất ngờ và lúng túng cho chúng ta trước sự thay đổi đột ngột từ phía Chú Sam, sau này mới vỡ lẽ là lúc đó họ đã ngầm toan tính bắt tay với Bắc Kinh.
Năm 1972, với chiêu bài “vừa đánh, vừa đàm” là thời gian cao điểm mà Bắc Việt chọn để gia tăng xâm nhập Miền Nam với những mưu mô, xếp đặt trước, như mở rộng Đường Mòn Hồ Chí Minh để chiến xa của họ có thể vượt qua Quảng Trị, tiến sâu xuống phía Nam, đặt hệ thống ống dẫn dầu từ Bắc chí Nam hầu cung ứng nhiên liệu cho các loại xe tăng và vận tải Molotova của chúng.
Chiến trận ác liệt bùng nổ khắp nơi vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, ở Kontum, Pleiku, Đức Cơ, Trị Thiện, Bình Long, An Lộc, Cửu Long…Nhìn trên bản đồ hành quân, cứ một sư đoàn bộ binh Việt Nam Cộng Hoà là có hai sư đoàn quân chính quy của Bắc Việt kèm theo, bám sát.
Nhờ tinh thần quật khởi với những đợt phản công như vũ bảo, thần tốc, các mặt trận được lần lượt giải toả trên cả bốn Quân Khu, quân dân Miền Nam đã đẩy lui được kế hoạch của Hà Nội muốn xâm chiếm trọn Việt Nam Cộng Hoà lúc đó.
Được học hỏi và đào tạo chuyên môn ở Hoa Kỳ, nhưng khi quay về phục vụ đất nước, như bao chiến hữu khác, chúng tôi thấy rất khó áp dụng những gì đã học mà cần phải  ứng dụng vào hoàn cảnh thực tế của xứ nghèo mà “người ta gọi là nhược tiểu”.
Tháp tùng các phi vụ hành quân nội địa hay ngoại biên, hàng ngày chúng tôi phải bọc theo mấy nắm xôi, cơm vắt, trưa trải chiếu, nằm nghỉ dưới lườn trực thăng. Đêm quay về căn cứ, sáng sớm mai đi “cày tiếp” nói theo lời các bạn bay trực thăng và… biết đâu ngày nào đó, đi luôn vào… lòng đất mẹ như bao bạn đồng khóa đã hy sinh đền Nợ Nước.

Trực thăng của Không Quân Việt Nam yểm trợ đơn vị bạn
Đối với tôi thì không có sự lựa chọn nào khác, mình có cái duyên, cái nghiệp, phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị, làm nghề phóng viên chiến trường, sĩ quan thông tin báo chí, nên lòng luôn nhủ lòng hãy yêu thích nghề nghiệp này, phải luôn cố gắng vì mọi việc trên đời “Không Tiến Ắt Phải Lùi.”
                                                                                                        
Kỷ niệm 52 năm ngày gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (1968-2020)
 
                                                          Th2
April 22, 2020