Áo Màu Lam
Đào Hiếu Thảo/Đỗ Hiếu
(Viết nhân ngày giỗ thứ 62 của Cha tôi, ông Đào Hữu Đức, 1957-2019)
“Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con lấm bùn”!
Mất cha từ thuở lên 10, trong tâm trí non nớt của tôi khi ấy là đã mất tất cả, không còn nhà cao cửa rộng, không được ba đưa đi học, phải đi xe bus hay đi bộ, có những đoạn đường như bên Khánh Hội, bến Vân Đồn, còn ngồi xe thổ mộ (do ngựa kéo). Đến khi lớn hơn chút nữa thì mẹ sắm cho chiếc xe đạp, hàng ngày đi học, tối dạy kèm trẻ tại tư gia.
Để chia sẻ phần nào gánh nặng cho mẹ tôi và vì là cháu đích tôn, bên Nội đón tôi về lo cho ăn học, bà Nội và các cô buôn bán trong Chợ Bến Thành, con gái thời đó, ít được cho đi học, chỉ con trai mới được đến trường, chú Tư tôi còn được Ba tôi gởi sang Pháp, học trường cao đẳng thương mại ở Montpellier, ông lên đường khi tôi vừa đầy tháng. Ông đỗ đạt, về nước năm 1956 được tuyển chọn làm tuỳ viên công cán cho ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn. Trước năm 1975 chú Tạt tôi là Khoa Trưởng Trường Quốc Gia Thương Mại, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.
Chú hứa với ba tôi trước khi ông nhắm mắt là chú sẽ bảo bọc cho anh em chúng tôi đến ngày khôn lớn.
Đường đời không êm xuôi như thế, chỉ một năm sau khi cha tôi mãn phần, ông Nội tôi lâm bạo bệnh do lao tâm, lao lực, vất vả kiếm sống bằng nghề thợ may cho quân đội Pháp, chứng đau phổi hoành hành và cướp đi mạng sống, ông hưởng dương 55 tuổi.
“Hoạ vô đơn chí”! Cô ba tôi, goá chồng khi cô chỉ mới lập gia đình chưa đầy năm, phải lo nuôi đứa con trai duy nhất, kém tôi 2 tháng tuổi. Trên bước đường lặn lội kiếm sống, Cô tôi bị bạo bệnh và qua đời tại một nhà thương ở quận Lấp Vò, Cao Lãnh, hưởng dương 33 tuổi, em Quan vừa lên 10.
Với bao khó khăn dồn dập, ngoài việc lo cho tôi ăn học, Nội tôi nay gánh thêm đứa em cô cậu trong khi hai người chú và cô út của tôi còn trong tuổi đến trường.
Năm Đinh Hợi, dòng họ tôi cho ra đời cùng lúc ba con heo: cô út, em gái của ba tôi, Quan, con trai duy nhất của cô Ba tôi và tôi. Đến hôm nay, chỉ một con Heo tôi, duy nhất sống còn. Em Quan, cố Trung uý Địa Phương Quân Phan Trọng Hiếu, hy sinh tại mặt trận Trà Vinh, năm 1973, sau hiệp định Paris, khi cộng quân càn quét đồn, “làm cỏ, bứng sạch” giết toàn bộ các chiến sĩ đồn trú, luôn cả vợ con họ. Sĩ quan chỉ huy là em tôi, bị mìn Claymore cướp đi mạng sống, thân thể không toàn vẹn, anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc, được truy thăng, truy tặng Bảo Quốc Quân Chương Đệ Ngũ Đẳng, lúc đó em vừa tròn 26 tuổi.
Cô út tôi, có chồng Thiết Giáp Binh, năm 1974 đang du học Fort Knox, Kentucky, Hoa Kỳ. Tháng 4 năm 1975, ông tìm đủ mọi cách để về nước, khi đến Lào, nghe ngóng tình hình Saigon không êm dưới chế độ cộng sản, ông xin qua Pháp tỵ nạn với hy vọng sẽ dễ dàng đoàn tụ với vợ con hơn.
Nôn nóng, năm 1976 cô Út bồng theo đứa con gái vừa được 2 tuổi lặn lội xuống Miền Tây, dấu mọi người thân sợ bại lộ ý định, quyết vượt biển tìm tự do, ước mong được sum họp với chồng bên trời Âu, nơi không còn phải xếp hàng cả ngày chờ mua cân gạo, chút thịt, gói đường…
Mấy tháng sau, những người đi cùng tàu, trở về từ trại tù Châu Đốc, đến báo tin là con tàu mong manh đã bị công an rượt đuổi trên đường ra cửa biển, họ bắn xối xả vào tầu, nhiều người bị trúng đạn, trong đó có cô tôi, con gái cô may mắn được bình yên trong vòng tay chở che của mẹ. Những người lành lặn bị lôi vào bờ và bỏ tù. Bị thương, họ cũng lôi vào, vất đó, không thuốc men, chữa trị, ra máu cho đến chết, xác người bị vùi nông, không áo quan, không mộ phần, không bia ghi lý lịch. Cô út tôi thoi thóp cho đến hơi thở cuối cùng, Cô mất năm 1976, chưa được 30 tuổi, lúc ấy tôi đang bị cầm tù lao động khổ sai ở Cẩm Nhân, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn với hàng trăm ngàn công chức và chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khác khắp hai miền Nam Bắc.
Em Hà, con cô Út Quí của tôi, cũng ở tù gần 6 tháng, khi gia đình đón về chỉ còn da bọc xương, em như kẻ mất hồn, ghẻ lở đầy mình. Sau, em được ba bảo lãnh sang sum họp, nay đã có gia đình, cùng chồng và ba con sinh sống an lành ở Paris, Pháp.
Trở lại với cuộc sống bên Nội, do hoàn cảnh xoay chiều, sinh hoạt cam go, ngày càng sa sút, mẹ tôi xin đón tôi về, cho dù rau mắm đạm bạc ngày hai buổi, cũng cố gói ghém để năm mẹ con cùng có nhau. Thời gian sống với Nội, dù được yêu thương hết mực, thằng bé côi cút vẫn hay âu lo, u buồn và luôn trông chờ được về nhà mình với mẹ và các em.
Biết chữ Nho, xem sách tướng, đọc dịch lý, đoán tử vi, ông Nội tôi thường mắng mỗi khi tôi tỏ ra cứng đầu, bướng bỉnh, ương ngạnh, “Cha tiên nhân mày, thằng ngang như cua”. Quả thật ông Nội tôi xét đoán tâm tướng, tánh tình tôi rất ư là chính xác…
Lo sợ tôi kết thân bè bạn xấu, mẹ tôi thường nói “giọt nước trước rớt đâu, giọt sau rớt y đấy”, làm anh cả mà hư hỏng, các em cũng theo gương xấu đó hư đốn theo, khó mà tránh khỏi.
Khi ấy, gia đình tôi ở trong khu lao động, xóm Bàn Cờ, vườn Bà Lớn, Quận 3 Saigon còn nhiều đầm sen, ao rau muống, và cũng có các Chùa Từ Quang, Chùa Giác Minh.
Nền đệ nhất Cộng Hoà bị các tướng lãnh lật đổ ngày 1 tháng 11 năm 1963. Cùng năm đó, Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập.
Mẹ tôi rất mừng khi nghe các anh chị huynh trưởng giải thích về tôn chỉ, sinh hoạt, phương pháp rèn luyện mà phong trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam chủ trương, nhằm tổ chức, giáo dục, uốn nắn thanh thiếu niên, nam nữ, theo tinh thần Phật Giáo đã được chính thức thành lập vào năm 1953 tại Miền Nam.
Bà bắt đầu cho bốn anh em chúng tôi sang lễ bên chùa Giác Minh đối diện với hẻm nhà tôi và thưa chuyện với Chư Tăng, hỏi han các anh chị Trưởng, rồi xin cho chúng tôi được tham gia sinh hoạt, đó là năm 1958, tôi được 11 tuổi.
Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử tại Saigon năm 1965
Theo những số liệu được cập nhật, thì phong trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam quy tụ trên 150 ngàn huynh trưởng và đoàn sinh, trên toàn quốc. Trước tháng 4 năm 1975, đã có những con số thống kê tương tự như vậy, 44 năm sau, Gia Đình Phật Tử không phát triển sao? Hay phong trào hoạt động thanh niên quy mô này đã bị chính quyền Hà Nội trù dập?
Qua câu chuyện với các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nơi quê nhà trong thời gian chúng tôi làm việc với đài Á Châu Tự Do (1997-2012), thì được nghe kể là mọi sinh hoạt đều bị giới hạn, bị cấm đoán, giải tán bằng bạo lực, vì có liên hệ mật thiết với Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức tôn giáo thuần túy bị Cộng Sản Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật.
Được biết, Gia Đình Phật Tử Việt Nam được thành lập dưới thời Pháp thuộc, ngoài miền Bắc từ năm 1938, ở miền Trung vào năm 1945, trong Nam khởi sự từ 1953, tiến đến thống nhất tổ chức năm 1964 dưới chính thể Cộng Hòa.
Tôn chỉ của Gia Đình Phật Tử là tu học theo: Phật, Pháp, Tăng
Châm ngôn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là: Bi-Trí-Dũng
Năm hạnh nguyện của Gia Đình Phật Tử là: Tinh Tấn, Từ Bi, Hỷ Xả, Trí Tuệ, Thanh Tịnh
Đồng phục là màu Áo Lam (khói hương) dùng chung cho nam, nữ đoàn sinh, tuỳ giới tính như áo sơ mi Lam, quần ngắn màu xanh dương đậm, cho nam, áo dài Lam, quần trắng cho nữ giới. Các em Đồng nữ dưới 12 tuổi, áo sơ mi Lam, jupe màu xanh dương đậm.
Phương pháp huấn luyện, chương trình tu học gồm có: Phật Pháp, hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội, trình diễn văn nghệ, luyện tập võ thuật (nếu có).
Đơn vị sinh hoạt của tôi là chùa Giác Minh, quận 3, Phan Thanh Giản, Saigon, trực thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam, sau này là Miền Vĩnh Nghiêm, không có vị trí địa dư, vì đất nước bị chia hai, Miền Bắc bị nhuộm đỏ và theo thể chế chính trị chuyên chính vô sản.
Quý vị cao tăng mà tôi được chỉ giáo sau này là cấp lãnh đạo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước và thế giới tự do : Hoà Thượng Thích Tâm Châu, Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Hoà Thượng Thích Hộ Giác, Hoà Thượng Thích Đức Nhuận, Hòa Thượng Thích Thanh Long, Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm, Hoà Thượng Thích Tâm Giác, Hòa Thượng Thích Thanh Cát, Thượng Tọa Thích Độ Lượng, Hoà Thượng Thích Thanh Đạm, Hoà Thượng Thích Huyền Minh, Pháp Sư Thích Giác Đức…
Các đơn vị Gia Đình Phật Tử Việt Nam đều tập họp, sinh hoạt, tu học tại chùa, từ thị thành đến thôn quê, thường hội họp vào mỗi chiều chủ nhật, từ một giờ trưa đến sáu giờ chiều. Chương trình gồm phần tụng niệm thời kinh, học Phật Pháp, học về hoạt động thanh niên, xã hội, tập dợt văn nghệ.
Hàng tháng đều có tổ chức các buổi cắm trại, tham gia các khoá huấn luyện ngoài trời, thỉnh thoảng lo trình diễn văn nghệ và triển lãm dành cho đại chúng tham gia. Bên cạnh đó còn những công tác uỷ lạo, cứu trợ nạn nhân thiên tai, bão lụt, hoả hoạn…
Hoạt động thanh niên, xã hội là những mục thu hút phần lớn thanh thiếu niên như: học về tín hiệu morse, semaphore, thực tập thắt gút, giây, xem phương hướng, dựng lều trại, bắc cầu giây, làm bếp, nấu ăn cho tập thể, học cứu thương, cứu hoả, tập cách mưu sinh thoát hiểm, theo phương pháp rèn luyện, thử thách, hy sinh, của phong trào Hướng Đạo Sinh thế giới, do Sir Baron Baden Powell sáng lập năm 1907.
Mẹ tôi đã chọn cho tôi con đường đi, vào đoàn năm 1958, sinh hoạt trên 10 năm, đến năm 1968, Tết Mậu Thân, khi cộng quân mở đợt tổng tấn công trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, tôi tình nguyện gia nhập Không Quân Việt Nam, mặc dù có đủ điều kiện để được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, nghề nghiệp và học vấn.
Suốt 10 năm sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, trải qua nhiều khoá huấn luyện, từ một đoàn sinh Thiếu Niên trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ, tôi được đào tạo thành Đội trưởng với 12 đội sinh, rồi Đoàn trưởng có trên 60 đoàn sinh, uỷ viên ngành Thiếu với hơn 200 Đoàn sinh trong vùng thủ đô cũng như ngoại ô Saigon. Cứ người đi trước, tận tình hướng dẫn người đi sau, để nuôi dưỡng và phát triển phong trào vững mạnh.
Nhờ những năm đến với chùa, với đoàn, cùng học tập, rèn luyện, mình đã rút tỉa, chiêm nghiệm, nhiều bài học quý báu, thiết thực, hữu ích trong cuộc đời, để mang ra ứng dụng trong mọi hoàn cành. Khi bước vào lính, cũng như lúc bị tù đày, khi thất thế, chao đảo, lắm lúc tuyệt vọng, mình cố gượng dậy, không bị khuất phục, và mạnh dạn tiến bước. Màu Áo Lam bất diệt.
Theo các anh chị em, từng quen biết nhau trên 50, 55, 60 năm qua, quả thật là “Màu Áo Lam Bất Diệt”, vì nó không có màu sắc của quyền thế, lợi lộc, tài sản, chức vụ, vật chất. Gặp lại nhau sau bao thế sự thăng trầm, biến đổi, vinh nhục, sự gắn bó, thân tình, ân cần thời xa xưa vẫn không có gì thay đổi, lạt phai.
Trên bước đường đời xuôi ngược, dù trong hoàn cảnh, không gian, vị trí nào, mỗi khi gặp lại các anh chị em từng là huynh trưởng, đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, thì ngay lập tức cảm được sự gần gũi, cái tình thân và tin cậy lẫn nhau.
Còn nhớ rõ, khi Việt Cộng đổ tù cải tạo xuống vùng núi rừng Việt Bắc năm 1976, bộ đội Phòng Không của Miền Bắc phát lều, để dựng tạm làm nơi trú ẩn, chờ làm nhà tranh, vách đất. Mười hai người nhận một túi lều vải với cọc, giây, để căng lên che mưa nắng. Nếu không từng cắm trại suốt 10 năm sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Việt Nam thì như nhiều bạn đồng cảnh khác, tôi đã không biết cách nào để dựng lều, xây bếp, nấu ăn, làm hố vệ sinh, vét rãnh thoát nước… trong những ngày đầu của cuộc sống tù tội, lao động khổ sai trên đất Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, sau tháng 4 đen, 1975.
Cái luận điệu giả dối, tuyên truyền đi trình diện, mang theo tối đa 30 ngày lương thực “học tập cải tạo, để trở thành người dân lương thiện trong xã hội mới”. Với rất nhiều người, cái “30 ngày ấy” đã kéo dài đến 4380 ngày hay hơn nữa, chưa kể những chiến hữu, đồng đội mà cái lần phải từ biệt cha mẹ, vợ con để đi trình diện là lần cuối cùng nhìn thấy mặt nhau.
Xin thành kính tưởng niệm những bạn tù xấu số đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất lạnh và được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
Màu Áo Lam Bất Diệt
Phật Tử Tinh Tấn
Thiện Thuận/Diệu Hòa/Th2