Tu, Tù Tụ Đào Hiếu Thảo

Tu Tù Tụ

                                                                   Đào Hiếu Thảo
Theo cổ nhân thì Tu, Tù, Tụ” là ba phương pháp giúp rèn luyện, hun đúc cá tính, nhân cách, bồi đắp khả năng, kinh nghiệm, vốn liếng trí thức của mỗi một con người.

 

Cá nhân tôi đã từng có cơ may trải qua ba giai đoạn ấy nên trước hết xin được nói về chữ Tu hay “Tu thân” mà theo suy nghĩ cá nhân chính là thời gian được cha mẹ cho ăn học, cắp sách đến trường, sau đó tới lúc tự lực cánh sinh, khi mới bước vào đời kiếm ăn năm 1965,  thì vừa đi làm, dạy kèm học sinh, dạy trường Cửu Long vừa đi học đại học Văn Khoa Saigon. Thời gian phục vụ trong Không Quân khi có thời giờ rảnh rỗi  cũng thích trở lại trường theo học bậc cử nhân báo chí và cao học quản trị vì tin rằng đây cũng là một phương thức tu thân rất hữu ích và thiết thực trong cuộc sống.
Sau này đến vương quốc Bỉ sinh sống năm 1982 theo diện đoàn tụ gia đình, được hưởng quy chế tỵ nạn cộng sản, ban ngày làm nghề thợ in, buổi tối từ công xưởng tôi đến thẳng trường huấn nghệ dành cho người lớn tuổi để học thêm môn điện toán và sinh ngữ Hoà Lan. Nhờ những lớp học ngoài giờ ấy,  luyện được thêm một ngoại ngữ thứ 3, ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp , đồng thời trang bị cho mình một số kiến thức căn bản qua lớp học nhập môn về computer. Kết quả học hỏi suốt trong ba năm, sau này đã giúp tôi được tuyển chọn vào làm công chức tại Viện Đại Học Bruxelles (ULB) năm 1988.
Tu cũng còn có nghĩa là “Tu hành” đối với các vị lãnh đạo tinh thần, tu sĩ, đạo sĩ, tu sinh, tăng lữ,  thuộc các tín ngưỡng khác nhau, quyết hy sinh trọn cuộc đời mình để phụng sự cho tôn giáo, đạo pháp, cho xã hội, chúng sinh, đồng loại, tín hữu. Xin được miễn bàn về chuyện xuất gia “Tu hành” vì mình chỉ là người phàm,  thế gian thì kính trọng và xem đó là những bậc cao tăng, chân tu, hàng giáo phẩm, chức sắc, dày công tu luyện, đều có diện mạo, tâm tính, phong cách hiền lành, lương thiện, đức độ, gương mẫu, nói một cách tương đối.
Với cá nhân tôi Tu còn có nghĩa là “Tu học” hay “Tu tập” là những sinh hoạt từng tham gia suốt 10 năm trong Phong Trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại chùa Giác Minh, Saigon, từ khi lên 10 đến tuổi đôi mươi, bước chân vào đời lính. Trong suốt thời gian đó, vào mỗi buổi trưa chủ nhật, tôi đến với đoàn tham gia các hoạt động thanh niên, học tập giáo lý, kinh sách Phật Giáo, đi cắm trại, chơi các trò chơi,  tổ chức triển lãm, tham gia các khoá huấn luyện, làm công tác cứu trợ, xã hội, từ thiện.
Mười năm hoạt động thanh niên trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam, được luyện tập về đức, trí và thể lực, làm quen với nếp sống tập thể,  dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi tình thế, nên khi vào quân đội hoặc cam chịu kiếp tù đày,  biết sống một cách linh động, uyển chuyển, biết xoay trở, không ngại khó, không sợ khổ, cố gắng chịu đựng khi gặp thử thách, hoạn nạn, nghịch cảnh.
Nhờ những năm tu học dưới mái chùa Giác Minh và Vĩnh Nghiêm, nên trong thời gian đầu được huấn luyện ở quân trường Quang Trung,  biết khép mình vào khuôn khổ kỷ luật sắt thép, nhanh chóng làm quen với đời sống tập thể, tạm thời đòi hỏi nhiều hạn chế đối với quyền tự do cá nhân. Sau này, lúc mới bị giam cầm trong ngục tù cộng sản, ngày đầu tiên tôi đã biết cùng các bạn cải tạo dựng bếp, xây lò, nấu chín cơm, luộc rau, kho cá mối ươn,  nuôi ăn cả trăm bạn tù tại trại Thành Ông Năm, Hóc Môn, vào tháng 6 năm 1975.  Mấy “ông Quan” khác, từ trước tới giờ lúc nào cũng có thuộc cấp phục dịch thường xuyên, kể cả chuyện buộc giây giày botte-de-saut, vì bụng của họ quá bự, không cúi rạp mình xuống thấp được; bây giờ mình cũng bụng quá bự, nên rất thông cảm với các chiến hữu nặng cân, eo lớn hết cỡ.
Một khi đã vào tù cộng sản, đứng trước mấy tạ gạo, đống củi, xoong chảo ngổn ngang,  mấy ông bạn mình chỉ biết đứng nhìn, bàn bạc, loay hoay mãi, chứ không biết cách nào để có được bát cơm, tô canh cầm hơi, những ngày đầu bị VC bắt đi “ trình diện, học tập, cải tạo”.
Đến Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa bằng tàu Sông Hương, hồi giữa năm 1976, bị thả xuống vùng đất hoang vắng, bộ đội cộng sản cung cấp lều trại, các ông bạn tù cũng không biết dựng lều làm nơi trú ẩn tạm, tránh nắng mưa,  trong những ngày đầu tiên đặt chân tới đất Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Biết cách dựng lều, tôi nhờ mọi người tiếp tay nhau, xúm lại dương lều vải, lập kế hoạch lo đào rãnh thoát nước, kê bếp, đào hố vệ sinh, dẫn nước sinh hoạt, từ suối vào trại…Lại thầm cám ơn kinh nghiệm của những trại hè trong Gia Đình Phật Tử sống gần thiên nhiên từ thời niên thiếu.
Tôi vẫn luôn tin rằng “Tu” có nghĩa là tu thân, tu học, tu tập hay nói một cách đơn giản là học tập, học hành, học thêm, học hoài, tự học là chuyện rất hiệu quả, hữu ích, thiết thực trong đời này. Bất cứ có lớp tu nghiệp, huấn nghệ, hay có khoá hội thảo, buổi thuyết trình nào, tôi đều tình nguyện tham gia. Mẹ tôi thường khuyên tôi từ thuở còn thơ ấu là nên đọc sách, vì sách là một bạn tốt, đây là một cách tự học hỏi, trau dồi kiến thức, cầu tiến, tăng cường sự hiểu biết cho bản thân mình.
Ứng dụng câu nói của người xưa cho rằng “Tù” (hay tù đày, tù tội, tù ngục) là môi trường có thể làm thay đổi tâm tính và phong cách của một cá nhân, vì cổ nhân đã dạy “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”.
Trở lại với chữ “Tụ”, có nghĩa là tụ họp, tụ tập, đoàn tụ, qua những kinh nghiệm bản thân, nên tin rằng Tụ là sinh sống, hoạt động tập thể,  một cơ hội có thể làm cho một con người thay đổi toàn diện. Đối với tôi Tu và Tụ có ảnh hưởng qua lại và tác động lẫn nhau, trong suốt 10 năm tham gia các hoạt động thanh niên, là cơ hội để được tu học đồng thời cũng là một môi trường tạo cho mình những dịp gặp gỡ, hội họp, kết đoàn, sống tập thể, quây quần bên nhau, nói tóm lại đó chính là sự tụ họp hay tụ tập.
Tu và Tụ được thể hiện rõ nét trong thời gian tôi nhập ngũ, thụ huấn, tu nghiệp tại các quân trường như Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, hai quân trường tại Hoa Kỳ, Defense Language Institute, Texas và Defense Information School, Indiana. Hai năm trải qua các trường quân sự và chuyên môn đó là thời gian được học tập, sinh hoạt, mỗi ngày cận kề với hàng trăm, hàng ngàn khoá sinh, đồng môn khác, những điều hay của mỗi cá nhân, mình nên học hỏi, những cái xấu thì cần phải tránh.
Ngoài ra “Tu và Tụ” cũng là những cơ hội đến với tôi trong binh nghiệp vào giai đoạn từ 1970 đến 1975 trong khi  phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, trong các vị trí phóng viên chiến trường, Trưởng Ban Biên Tập, Phát Thanh, Truyền Hình, Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Không Quân. Ngoài giờ công vụ tôi cũng được phép làm việc thêm ban đêm, đọc tin tức, thời sự ở đài Phát Thanh và Truyền Hình Saigon. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi cũng tham gia hoạt động với Tổng Cục Túc Cầu Việt Nam để biết thêm về môn thể thao bình dân được cả triệu người trong nước nhiệt liệt hưởng ứng.
Trong khoảng thời gian phục vụ trong quân chủng Không Quân gần 5 năm ấy, thường xuyên có dịp bay khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà cũng như chiến trận ngoại biên, bên Xứ Kampuchia. Trong bất cứ tình huống nào, tôi cũng được cơ hội học hỏi từ những kinh nghiệm, cách ứng xử của tha nhân.
Mặt khác, trong suốt sáu năm tù lao động khổ sai qua các hoả ngục cộng sản ở hai Miền Nam-Bắc, cả nguyên lý “Tu, Tù, Tụ” đã ít nhiều giúp tôi giữ vững niềm tin vào “ngày mai trời lại sáng” vì trong chốn lao tù, cộng sản giam cầm mình trong cảnh đói rét triền miên, không chút vệ sinh nên tật bệnh lan tràn, rất nhiều bạn đồng cảnh gục ngã, con người theo đó mà biến chất, xuống tinh thần, lạc phương hướng và có người còn mất cả chính mình, trong tình huống vô vọng như vậy, điều duy nhất  tồn tại được nơi mỗi người tù chính là vốn liếng văn hoá, kiến thức và giáo dục gia đình.
Từ những bài học về Tu (học) và Tụ (họp) thu thập được nên sau khi được định cự tại vương quốc Bỉ năm 1982, tôi tham gia việc thành lập Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Bruxelles và Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hoà tại Châu Âu để kết hợp và thống nhất hành động của các chiến hữu Hải, Lục, Không Quân, Cảnh Sát Quốc Gia.
Đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ từ năm 1997, trong suốt 22 năm qua, tôi cũng phụ giúp vào những sinh hoạt đa dạng trong Cộng Đồng tại Washington DC, Maryland và Virginia cũng như Liên Hội cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Vùng Hoa Thịnh Đốn.
Người Việt chúng ta có câu nói: “Học mười, hiểu một, hiểu mười làm được một, làm mười để đạt được một”, từ lời dạy chí lý đó, luôn tin tưởng vào phương châm của cổ nhân nói rằng có ba phương cách đúng đắn để học tập, rèn luyện, tiến thân, cải số, vươn lên trong xã hội đó là Tu, Tù và Tụ”.
Đối với bản thân thì thấy rằng nhờ ý chí không ngừng học hỏi, thích hoạt động, thường giao tiếp với tập thể, từ khi vào đời, lúc làm lính, cộng với những năm tù cộng sản, con người tôi đã thay đổi trên nhiều phương diện. Cá tính cứng rắn hơn, sống thực tế, yêu chuộng lẽ phải, bênh vực sự công bằng, không chấp nhận sự chèn ép, hà khắc hay phân biệt đối xử, “Thượng đội, hạ đạp” vì luôn tin rằng “Trời cao có mắt”, gieo gì thì gặt nấy, quả báo nhãn tiền.
                                                          Đào Hiếu Thảo  
April 22, 2020