Cảm Nghĩ của Lãm Thuý về tác phẩm Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng của Hồng Thuỷ

HỒNG THỦY,
CÁNH HOA DẠI MÀU VÀNG
 

  Trong văn giới vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Hồng Thủy là một khuôn mặt nổi bật. Chị góp mặt hầu hết những hội đoàn sinh hoạt về văn học nghệ thuật trong và ngoài vùng, nếu không là chủ biên ,ban chấp hành thì cũng là một thành viên tích cực. Chị hoạt động hăng say, tận tình với bạn bè, hết lòng với công việc.

Trong tuần tháng 10 vừa qua chị ra mắt đọc giả tuyển tập: “ Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng”  tại Jewish Community Center ở Annandale , Virginia .

Có thể nói đây là một buổi ra mắt sách thành công vượt bực, cả số lượng người đến tham dự ( Khoảng 500 người) và số sách tiêu thụ ( Gần 300 quyển), nhiều người cho rằng buổi ra mắt sách đã thành công ngoài sức tưởng tượng. ( Trong đó nhà văn Sơn Tùng, cựu chủ tịch văn bút VIỆT NAM HẢI NGOẠI)

Riêng Lãm Thúy, không đồng ý với nhận xét đó, cãi rằng ngay khi chưa tổ chức buổi ra mắt mọi người đều biết chắc là Hồng Thủy sẽ thành công rực rỡ. Nói thế có nghĩa là thành công trong dự đoán. Do đâu mà có sự xác tín đó? Chỉ vì Hồng Thủy luôn sốt sắng giúp đỡ các hội đoàn khi có những buổi họp mặt, gây quỹ, bán vé… thì chắc chắn năm trên năm rằng chị sẽ được bồi hoàn. Mặt khác, Hồng Thủy hoạt động trong nhiều hội đoàn. Chị là ái nữ của Trưng Vương, là con dâu của Chu Văn An, là thành viên của câu lạc bộ Văn học nghệ thuật , là phụ tá chủ bút nguyệt san Kỷ Nguyên Mới và là hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. (Điều này không thấy chị ghi trong phần tiểu sử).

Hơn hết, chị là một người có uy tín rộng rãi, được mọi người yêu mến, cộng thêm ảnh hưởng sâu rộng của phu quân chị : Anh Bùi Cửu Viên, một cựu đại tá tư lệnh vùng 3 duyên hải, cùng những quan hệ rộng rãi trong công việc làm ăn. Tất cả sự cộng hưởng ấy là một bảo đảm chắc chắn nhất cho sự thành công ắt có và đủ.

Khi chị Hồng Thủy cầm bút viết những truyện ngắn đầu tiên gửi in trên báo Tiếng Chuông, Lãm Thúy còn chưa bước vào ngưỡng cửa tiểu học, kẻ “ Hậu sinh khả…ố” này chẳng dám vô phép phê bình tác phẩm của bậc đàn chị như thế, nhất là bản thân Lãm Thúy chưa hề viết truyện ngắn, hồi ký, phiếm luận gì cả. Sở dĩ dám “ mạo phạm” là vì khi đọc xong “Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng”, cảm thấy xúc động bởi cái tình cảm dạt dào trang trãi trong đó mới cả gan nói lên vài cảm nghĩ đơn sơ, mong đọc giả và chị Hồng Thủy lượng thứ.

OK, màu mè, khách sáo thế đủ rồi, giờ thì mời quí đọc giả đi vào rừng hoa vàng khoe sắc của nhà văn Hồng Thủy .

Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng là một tuyển tập tổng hợp của nhiều thể loại văn học: Truyện ngắn (15), phiếm (6), hồi ký (8), tùy bút (10), thơ (10), nhạc (4). Mỗi thể loại mang một sắc thái riêng biệt và có sức hấp dẫn riêng.

Trước nhất, ta nói về truyện ngắn. Nhìn chung, truyện ngắn của Hồng Thủy mang tính cách lãng mạn, nhẹ nhàng, những nhân vật của chị yêu nhau bằng sự hoà hợp của tâm hồn nhưng thường gặp trắc trở hoặc yêu nhau trong hoàn cảnh trái ngang bởi vì họ có vợ hoặc chồng với cuộc sống không hoà hợp nhưng họ vẫn chịu đựng cảnh “ Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không muốn phá vỡ những trật tự xã hội, không dám dấn thân vào những cuộc phiêu lưu vô định. Những nhân vật ấy có nếp sống chừng mực, đạo đức, yêu nhưng dừng lại đúng lúc vì không muốn làm tan vỡ gia đình, không nỡ làm thương tổn người khác.

Bối cảnh gặp gỡ là những cuộc du lịch ( Dũng và Diễm Lệ trong “ Hoàng  hôn trên Grand Canyon”), những chuyến công tác, hội họp ( Hữu và Quyên trong “Đêm trăng ở San Francisco”), trong sở làm ( Nguyễn và Trinh trong “Những cánh hoa dại màu vàng”), trong lớp học ( Hoài và Uyên trong “Một chút nắng hồng”).

Nói chung, câu truyện được diễn ra một cách tự nhiên với những cấu trúc đơn giản mà gợi cảm, gần gũi với đọc giả, tưởng như chúng ta có thể bắt gặp những mối tình như thế ở khắp nơi trong cuộc sống.

Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, chị đưa người đọc vào những tình tiết nên thơ đầy cảm tính.

Đọc truyện Hồng Thủy, ta không tìm thấy sự cầu kỳ, cũng không dùng quá nhiều hư cấu. Có khi, chị gói ghém vào một nhân vật nào đó những triết lý sống, nhắc nhở ta nên quí yêu hiện tại, đừng để khi mất đi rồi mới nhớ tiếc, ân hận ( như tâm trạng của Quyên khi chồng bị tai nạn xe hơi, qua đời trong lúc hai vợ chồng đang giận nhau vì những điều không đáng và người vợ đã không nhận lời giảng hoà của chồng lúc anh ra đi) hoặc trong truyện “ Giá hạnh phúc”, chị tỏ ra là người rất sành tâm lý khi để cho nhân vật Diễm Thu khi đứng trước nguy cơ của căn bệnh hiểm nghèo, bổng hiểu được giá trị của hạnh phúc, hiểu được sự quí giá của cuộc sống bình thường với những người thân yêu. Điều này nghe ra chẳng có gì mới mẻ nhưng thực sự đã mấy ai hiểu được một cách tận tường, mấy ai đã thực thi nó trong đời sống? Nếu như tất cả mọi người đều sống như ngày mai là ngày cuối cùng thì thế giới sẽ đẹp biết bao, con người sẽ tốt biết bao, tình người sẽ thắm đượm biết bao, gia đình sẽ hoà thuận, nhường nhịn nhau biết bao !

Đi vào từng câu truyện ta bắt gặp những cuộc hôn nhân bất như ý. Trong “ Những cánh hoa dại màu vàng”, Nguyễn lấy vợ không vì yêu, cả Trâm, vợ anh cũng vì nghe lời cha mẹ mà chấp thuận cuộc hôn nhân. “ Sau tuần trăng mật cuộc sống của hai người chỉ là một mùa đông dài lạnh lẽo ! Họ có quá nhiều điểm khác biệt với nhau”

Trinh và Nguyễn gặp lại sau bao nhiêu năm dài xa cách. Họ còn yêu nhau, còn những rung động thiết tha nhưng Trinh phải bỏ đi vì Trâm giờ thì chỉ còn là người đàn bà tật nguyền. Trinh không nỡ cướp đi người chồng, người cha của vợ con chàng.

Mối tình của Lệ và Dũng trong “ Hoàng hôn trên Giand Canyon” cũng là sự gặp lại của hai người quen biết cũ.Chàng là ông anh của bạn, nàng là bạn của cô em. Chàng si tình nàng nhưng nàng đã có nơi hứa hôn dù nàng thật sự không muốn lấy chồng, cũng không yêu. Chàng bỏ đi, mang theo hình ảnh người con gái xinh đẹp đáng thương như mối tình tuyệt vọng trong thơ Khái Hưng.

“Lòng ta chôn một mối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thu”

Hai mươi mấy năm xa cách . Dũng và Diễm Lệ  gặp lại nhau khi người đàn bà đang ngao ngán vì sự khác biệt với chồng ngày càng lộ rõ, càng trầm trọng. Lệ thì “ mơ mộng, thích thiên nhiên, dễ xúc động”; Toàn , chồng  nàng , thì  “Thực tế tới độ trở thành khô khan và hơi ích kỷ”. Gặp lại Dũng ,biết anh ta còn yêu mình, khám phá ra sự hoà hợp tuyệt vời giữa hai tâm hồn trong chuyến đi dã ngoại (Hiking) ,bắt gặp sự rung động mới mẻ đầy bối rối khi Dũng nắm tay nàng “ Bàn tay chàng hình như có điện, làm cho nàng bối rối lạ lùng”. Rồi thì họ cũng chia tay nhau, để nàng “ Yên phận đi nốt con đường em đã lỡ đi” Còn chàng thì đem bức ảnh kỷ niệm của nàng ( bức ảnh chỉ lấy dáng người đứng ngắm hoàng hôn không rõ mặt) đi dự thi nhiếp ảnh toàn quốc và đã đoạt giải nhất. Trong tờ báo in bức ảnh ấy, người được phỏng vấn đã trả lời rằng đấy là bức ảnh “Đắc ý và quí giá nhất” của ông vì ông đã chụp nó bằng “ Tất cả rung động của trái tim” và người mẫu đó chính là “Người đàn bà độc nhất mà ông đã yêu bằng cả tâm hồn”

Một mối tình thật đẹp, thật lãng mạn và cuối cùng thì Lệ cũng tiếp tục sống với người chồng thích nhậu nhẹt cùng bạn bè  ,thích bài bạc vui chơi hơn là tìm hiểu trái tim nhạy cảm của người vợ cô đơn.

Trong một truyện ngắn khác: “Đêm trăng ở San Francisco” bối cảnh là cuộc họp của một ngân hàng lớn của NewYork mà Hữu là nhân viên cao cấp đến San Francisco để thuyết trình, Quyên là một người địa phương, làm việc trong chi nhánh của ngân hàng, một goá phụ trẻ, duyên dáng. Trường hợp này Hữu lại là người đàn ông “Dễ xúc động và mềm lòng” còn vợ chàng thì “Cứng cỏi”, “ Can đảm” Linh là một bác sĩ giỏi, bận rộn, không có thì giờ nhiều cho chồng con.

Hữu và Quyên cùng tần số, yêu nhau dễ dàng, tự nhiên khi cùng đi ngắm trăng ở San Francisco, nhưng rồi Hữu cũng phải trở về cùng vợ con vì Quyên không muốn phá vỡ gia đình của chàng.

Ngoài những mối tình nửa vời, nhẹ nhàng , lãng mạn, Hồng Thủy còn có những truyện ngắn êm thắm, tròn trịa như “ Xuân lan”, “Đẹp” hoặc êm ái , ấm áp như “ Một chút nắng hồng”, “Mùa xuân ở vùng Hoa Thịnh Đốn”.

Trong “Xuân lan” tấm lòng yêu thương chung thủy của Thành đã khôi phục cuộc sống cho Quyên- người chàng yêu tha thiết nhưng nghịch cảnh đã đẩy cả hai vào một tình huống bi thương: Quyên vượt biên bị hải tặc làm hại cuộc đời, trốn tránh Thành vì mặc cảm tội lỗi, vì xấu hỗ.

Tình yêu nồng nàn, chân thành của Thành đã dần dần giúp vợ trở về cuộc sống bình thường, đặc biệt là khi nàng có mang đứa con đầu lòng. Họ vun bồi hạnh phúc, xóa bỏ dĩ vãng đau thương, chung vai xây đắp một tương lai tươi sáng.

Trong truyện “Đẹp” Hồng Thủy bày tỏ một quan niệm dứt khoát về cái đẹp của người phụ nữ, một quan niệm minh bạch từ ngàn xưa “ Cái nết đánh chết cái đẹp”. ( Chứ không phải “ Cái đẹp đánh bẹp cái nết” đâu nghe quí vị đọc giả!)

Chính vì thế , Thành đã yêu Trinh vì tìm thấy cái đẹp trong  tâm hồn nàng như chàng bày tỏ “Cái đẹp bề ngoài không quan trọng… chỉ có cái đẹp của tâm hồn mới bền vững với thời gian”

Trong “Mùa xuân ở vùng Hoa Thịnh Đốn”, câu truyện kết thúc có hậu khi cặp tình nhân cũ – Hoài và Tuyết Anh vừa là suôi gia, vừa là vợ chồng khi được tái hợp sau bao năm xa cách, lỡ làng.

Những truyện “ Sinh nhật của Cu Tí”, “ Giọt lệ cuối năm” “ Mùa xuân vĩnh biệt” là những mẫu chuyện buồn, những kết thúc bi thảm.

Cha Cu Tí chết ngày sinh nhật bé ( 11- 9). Giọt lệ cuối năm- Ông già nghèo bán cây thông đêm Noel đã không kịp nhận máy game cho cháu từ người đàn bà tốt bụng, đã bị xe cứu thương chở đi trước khi nhân vật “Tôi” kịp đến, trao món quà mà con chị có nhã ý trao tặng để làm mẹ vui lòng.

“Bốn mươi năm ấy”, “Tan mơ”, “Ngày hội ngộ” cũng là những mẫu truyện đáng thưởng thức.

Lãm Thúy e rằng nếu mình nói hết những điều hay đẹp trong tất cả những truyện ngắn thì qúi vị đọc gỉả sẽ thấy đủ rồi và không nôn nóng muốn tìm đọc tác phẩm nữa , nên xin phép dừng lại  ở đây cho phần truyện ngắn. Chỉ xin ghi thêm một nhận xét nhỏ nữa thôi :

Nhìn chung,truyện ngắn của Hồng Thủy được viết dưới một bút pháp  tự nhiên , trong  sáng , có chút lãng mạn nhưng không bức phá , không đạp đổ những thành trì đạo đức có tự ngàn xưa .

  Nhưng thật lòng mà nói , Lãm Thúy xúc động vì những hồi ký của chị hơn và đó là lý do chính để Lãm Thúy viết bài này .

  Hồng Thủy viết hồi ký bằng một giọng văn đầy cảm xúc , chân thành và có sức hấp dẫn lạ lùng . Mỗi đoạn đời là mỗi xót xa , nhớ tiếc , ngậm ngùi .

      Trong  “Ý thầm “ HT làm LT rơi nước mắt khi diễn đạt tâm lý cuả người mẹ lúc đứa con gái út yêu quý lấy chồng. Từ sự trống vắng của gian phòng nhỏ đến những con gấu nằm lặng lẽ ở góc giường , những cánh hoa Hồng khô trên đầu tủ đến những cuốn Album mang đầy hình ảnh dấu yêu qua bao tháng ngày chung cùng . Tất cả làm nên nỗi nhớ tiếc , sự đau buồn một cách tự nhiên , dù người mẹ nào cũng  muốn con mình có được cuộc sống riêng tư , hạnh phúc.

 Mỗi bức hình không phải  là một tờ giấy chết mà là từng kỷ niệm sống động trong lòng người  mẹ .

   Chị Hồng Thủy  ơi ! Con chị chỉ đi lấy chồng thôi , vẫn còn gần gũi chị mà chị còn xót xa , buồn bã vậy , chị có biết Lãm Thúy khi nhìn những kỷ niệm của đứa con gái ba mươi tuổi  đã qua đời , lòng đau đớn đến ngần nào không ?

  Từng khúc phim , từng bức hình , từng dấu tích yêu thương ,ngay cả những vật dụng tầm thường dùng trong bệnh viện những ngày sau cuối Lãm Thúy đều giữ lại  , giữ để xót đau thêm , ngậm ngùi hơn mỗi khi nhìn thấy !

     Đó là những nỗi đau xé lòng và cũng là cảm xúc chân thực của hàng trăm bài thơ đẫm lệ .

   Trái tim Lãm Thúy dường như thắt lại , lòng xót xa đến ứa lệ , nghe mũi mình nồng lên khi đọc đến đoạn chị thuật lại cảnh những người lính Hải Quân thất trận bồng bế thê nhi xuống tàu di tản .. Qua đến Phi Luật Tân , tại Subic Bay , trước khi trả tàu lại cho Hải Quân Mỹ , toàn thể Sĩ Quan , Binh Sĩ  Hải Quân làm lễ chào Quốc Kỳ VNCH lần cuối cùng .Hình ảnh lá Quốc Kỳ đang bay phất phới trên đài chỉ huy của tàu bị hạ xuống là hình ảnh một thời đại đã cáo chung ,một hình ảnh bi tráng , thương đau dễ khiến người rơi lệ !

  Cũng thật xúc động khi Hồng Thủy tả lại cảnh cựu Đại tá Bùi Cửu Viên buồn bã cởi bộ đồ Sĩ Quan Hải Quân tác chiến buông xuống sàn tàu cùng chiếc mũ , những thứ mà Anh đã gắn bó biết bao năm trong đời binh nghiệp .

  Bất chợt , LT nhớ lại một câu trong quyển tiểu thuyết nào đó của Từ Kế Tường : “ Khi tôi bắt đầu biết yêu màu lá thì hơi Thu đã bàng bạc thổi về ! “ . Có lẽ những Quân nhân của Chính Phủ VNCH nói chung , các chiến sĩ Hải quân nói riêng , và đặc biệt là Anh Bùi Cửu Viên , phút hạ kỳ , cởi bỏ Quân Phục  .là lúc các Anh biết hơn bao giờ hết thế nào là yêu quý sắc áo màu cờ .

  Buông bỏ mảnh tàn y là buông bỏ mọi vinh quang , là chấm dứt một cách tức tưởi cuộc đời binh nghiệp . Còn lá cờ vàng ba sọc đỏ đang hạ xuống kia , không  phải chỉ là những mảnh vải vô tri , vô giác mà là hồn nước non dân tộc đang bị vùi dập đến oằn oại trong đau thương !

     Hành động chạy ngược lại để gỡ bộ lon của chồng   nhét vội vào túi hành lý của chị là hành động đầy ý thức . Cái ý thức nuối tiếc xót xa  một thời đại đã tiêu vong ,một vinh quang đã lụi tàn  ,một níu kéo tuyệt vọng.

    Cũng trong phần hồi ký  “ Mùa Xuân không trở lại “ là phần nói về tuổi thơ của tác gỉả và người Mẹ goá bụa đã hy sinh cả cuộc đời xuân sắc thắm tươi để nuôi dưỡng hai đứa con  thơ dại mồ côi .  Hình ảnh Mẹ chị  cùng Bác T…ngồi trên tảng đá lớn để nói chuyện và đôi mắt đỏ hoe của Mẹ  chị khi Bác T. giã từ đủ nói lên tình cảm thiết tha của người goá phụ trẻ , nhưng vì lễ giáo , vì những định lệ khắt khe , vì thương con nhỏ dại , Mẹ chị đã bóp nát những ước mơ riêng tư , thầm kín để tiếp tục thủ tiết thờ chồng , kéo dài cuộc đời đơn lẻ cô quạnh cho đến ngày nay , gần bảy chục năm trời .

  Hồng Thủy hối hận là phải, nhưng bù lại chị đã yêu thương Mẹ bằng cả tấm lòng hiếu thảo ,vậy cũng xứng đáng với sự hy sinh to lớn của người Mẹ đáng thương , đáng kính .

  Nếu nói Văn tức là người thì  Hồng Thủy đã gửi  vào tác phẩm chị những tình thương đậm đà với người thân yêu . Từ Mẹ đến Anh , rồi chồng con , bè bạn ,…. Ai chị cũng dành cho những lời đẹp đẽ ngọt ngào. Nếu hồi ký thật xúc động thì Phiếm chị viết thật duyên dáng , hài hước ,…

Còn tùy bút lại khéo léo khôn ngoan, viết về  người nào chị cũng tìm được những nét đặc sắc của người đó, ghi lại một cách linh động. Ngòi bút chị như chiếc đủa thần, tô điểm cho những  “nhân vật sống” ấy bao nhiêu  màu sắc , đường nét hấp dẫn. Từ Du Tử Lê đạo mạo hiền hoà chân thành với trái tim mềm như bún  đến Nhật Bằng đẹp trai , thủy chung ; Từ Ngô Thụy Miên sáng tác nhạc thật hay  , viết lời ca thật tuyệt đến Từ Công Phụng, một nhạc sĩ tài hoa,một giọng hát ngọt ngào, truyền cảm ; Từ Nguyễn Ánh 9 với tiếng dương cầm dìu dặt, với cá tính khiêm tốn, bình dị đến Lam Phương tài hoa mà sóng gíó ,cô đơn và đọa đày ,…

    Dù là thơ hay truyện , dù  là phiếm hay tuỳ bút , dù là  hồi ký hay sáng tác , Hồng Thủy cũng chọn cho mình một thế đứng vững vàng , tự nhiên và tự tin . Khi dí dỏm , khi  gợi cảm ; khi khiến người bật cười , lúc xui người rơi lệ . Vậy là đạt rồi chứ gi , phải không quý đọc giả ?

  Đọc một tác phẩm phong phú như vậy , đưa ra vài nhận xét , giống như “” Cưởi ngựa xem hoa “, thật còn nhiều thiếu sót , chỉ là” Sức người có hạn ,” viết có bao nhiêu đó mà phải nhờ người bạn giúp gõ chữ  phần lớn, còn Lãm Thúy thi vừa viết phần nhỏ, vừa ngủ gục , đã gần 4giờ sáng rồi . Xin lượng thứ.

Lãm Thúy

April 17, 2020