Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Thơ Quốc Hưng của Lãm Thuý

Vài cảm nghĩ khi đọc thơ Quốc Hưng

 
Như ta đã biết ,  thi sĩ Quốc Hưng sinh ở Thừa Thiên ( Huế ) và lớn lên sống ở Đà Nẵng. Cả hai nơi – Một Thần Kinh, một địa linh nhân kiệt – đã hun đúc nên tâm hồn một nhà thơ mẫn cảm bằng khí thiêng sông núi.
Thật khó có một cái nhìn tổng thể về thơ Quốc Hưng mà không khỏi thiếu sót, bởi thơ ông mang nhiều sắc thái trái ngược, khi hùng hồn khí phách, khi lơi lả đa tình , khi ngậm ngùi chua xót , lúc say đắm nồng nàn.
Tuy nhiên, có một điều ta dễ dàng nhìn thấy , cảm thấy là thơ ông trãi dài theo cuộc sống từ tình yêu cá nhân đến tình gia đình, tổ quốc và nhân loại.
Trong tình yêu nam nữ , thi nhân tôn thờ cái đẹp nhưng lại muốn chiếm lĩnh và sở hữu nhan sắc.
Thơ ông thật tình tứ:
“ Nhớ ngón tay em mát lạnh người
Mơn man trên sống , nhột anh cười
Giận hờn em rút tay mình lại
Xin lỗi , anh xoay ẳm lấy người”
( Nhớ ngón tay em )
Cũng có khi thơ nồng nàn ân ái và hơi … quá sexy:
“ Nhè nhẹ làm em rợn cả người
Lần đầu ngất lịm chiếm hồn  tôi
Dù cho sóng vỗ , cuồng phong vũ
Em vẫn cùng anh đến rã rời…”
Hoặc:
“ Xiêm áo em đâu ? Gió cuốn rồi !”
Hay                                                      “ Cho đến tàn đêm cuộc mới thôi
Bởi yêu cái đẹp nên có khi câu thơ êm đềm bóng bẩy mà ẩn chứa những đam mê nồng thắm. Đó là khi tác giả miêu tả nhan sắc người mình yêu dấu:
“ Làn môi em mọng như hoa nở
Mái tóc buông lơi gợn sóng hành”
Vẻ đẹp ấy từ nét người đến âm sắc, làm tâm hồn thi nhân chơi vơi như gặp Hằng Nga trên Nguyệt điện, vô cùng đắm đuối say mê.
“ Diễm nét đoan trang giọng yến oanh
Em đang tắm suối mộng xuân tình
Anh đà xếp gọn hành trang nhỏ
Cho chuyến du hành đến nguyệt tinh”
( Bức tranh )
Nhiều hình ảnh gợi cảm ,  màu sắc nổi bật trong thơ ông , như hình ảnh cô tưới ớt:
“ Vườn ớt nhà ai xanh mượt mà
Lòng thòng trái đỏ , trắng đơm hoa
Ơi cô gánh nước , chèn trong luống
Quần ống xăn cao , nước sáng lòa”
Cái hay của nhà thơ là để ta tưởng tượng ra chẳng biết cô gái dội nước cho ớt, nước sáng lòa tung toé , hay là đôi chân nõn nà xăn cao đã làm sáng thêm cho nước: “ Sáng lòa
Trong một bài thơ khác :“ Quê anh và quê em” ta tìm thấy cả một trời tình lãng mạn. Cái lãng mạn của quê anh không những là cảnh đẹp , nên thơ .
“ Hoa lá xanh tươi khắp bốn mùa”
Mà cả muông chim , muông thú cũng kêu hú bạn tình , chíu chít reo vui.
“ Có thú muông loài kêu hú bạn
Có chim chíu chít lúc chiều tan”
Cái cảnh chiều tàn , muông thú kêu hú bạn về đàn , chim kêu chim về tổ sao không khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng.
Nếu trong ca dao Việt Nam có :
“ Rượu nằm trong nhạo chờ nem
Anh nằm phòng vắng chờ em một mình”
đã lãng mạn và gợi tình , thì tác giả càng lãng mạn hơn khi:
“ Anh nằm nghe tiếng bước em sang”
và gối chăn hạnh phúc là:
“ Nệm ấm đan bằng hoa lá rụng
Nằm lên, em là một thiên thần”
Rồi chàng đốt lửa hồng lên , nhìn cho rõ dung nhan ngà ngọc:
“ Anh đốt lửa hồng soi nét ngọc
Bên ngoài đang thể một mùa đông.”
Ôi ! Còn gì ấm cúng hơn khi bên ngoài là giá rét , bên trong là bếp lửa hồng và trái tim nồng cháy yêu đương.
Cũng có nhiều khi câu thơ trở nên ngây thơ , nũng nịu như trong bài “ Thu Vàng
“ Cây cỏ vờn nhau kêu vói bạn
Thu về em thấy lá vàng chưa ?
chị ơi , em khóc như mưa ấy
Một lá cưu mang lại , chẳng chừa.”
Rồi tình yêu có khi mang lại niềm nhớ nhung đau xót khi xa cách làm cho thi nhân phải thốt lên :
“ Em đi để lại niềm thương nhớ
Rượu đã đôi bình ta chẳng say”
Tình yêu , không phải lúc nào cũng nên thơ , cũng đẹp. Có khi , nó chỉ là niềm nhớ tiếc muôn đời.
“ Chẳng phải duyên mình bội bạc nhau
Trời cao chẳng muốn bắc ngang cầu
Em như sao lạc vào đêm tối
Anh đội trời xanh đến bạc đầu.”
( Nhớ Thảo Cầm Viên )
Câu thơ nghe vừa thiết tha , vừa bùi nguì , xa cách mà  thủy chung.
Một khía cạnh khác trong thơ Quốc Hưng là lòng lạc quan yêu đời , dù trong cảnh trái ngang , cay đắng , ông luôn có lòng tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.
Dù:
“ Hoa rơi nhầm sa mạc
Bị dập vùi bởi gió cát thời gian”
Vẫn thấy:
“ Bờ đại dương chuyển dần từng nhịp thở
Cây trên rừng đã kết trái đơm hoa
Và muôn chim reo hót tiếng hoan ca
                                      Ta ngây ngất trước bình minh rạng rỡ”   ( Mạch Thời gian )
Cũng thế , cũng trái tim nồng nàn yêu đời, “ Xuân Canh Ngọ 90” là những hình ảnh tươi vui, xinh đẹp:
“ Trầm hương nghi ngút trên bàn tổ
Mấy nụ hồng Xuân chớm nở rồi”
Và đẹp nhất vẫn là những nàng Xuân xinh thắm:
“ Hoa biến Nàng Xuân đẹp tuyệt vời
Áo xanh , áo đỏ má hồng tươi
Ngoài hiên lũ lượt bao nàng đến
Như ánh hào quang toả sáng ngời”
Hình ảnh trong “Hành Xuân 90” cũng đầy niềm lạc quan.
“Đôi én từ đâu lượn giữa trời
Hai làn khói bạc , lững lờ trôi
Ngoài kia biên giới hoa thầm nở
Trên bến Hàn giang ánh nguyệt cười”
Câu thờ sống động, lạc quan và hình ảnh thật đẹp , thật nên thơ.
Trong bài khác “ Xuân Kỷ Tỵ” cũng thế:
“ Có một cành hoa Xuân thật tươi
Trong hoa lại thấy mắt em cười
Sương sa vài hạt trên cành thắm
Mỗi độ Xuân về hoa mãi tươi”
Ngần ấy câu thơ , đủ để ta kết luận về tâm hồn tác giả , một tâm hồn rộng mở , luôn yêu đời dù trong cảnh đắng cay và thơ Xuân rất là …Xuân, rất tràn ngập Xuân tình.
Đặc biệt, có một người phụ nữ mà bất cứ trong hoàn cảnh nào, say đắm với ai, lòng thi nhân cũng không nguôi tha thiết . Đó là Mẹ. Tình yêu ông dành cho người sinh thành ra mình thật thắm đượm, thiết tha:
“ Ngàn năm nhớ mãi dáng mẹ cười
Xuân này chúc mẹ mãi vui tươi
Hoa râm đã điểm trên gùi tóc
Da dẻ nhăn nheo với tuổi người”
Có lẽ chúng ta sẽ không sai , khi nói rằng thi nhân là một đứa con hiếu thảo , thử nghe ông nói với mẹ bằng lời lẽ êm ái thương yêu:
“ Xuân này con chẳng có gì đâu
Ngoài một tình thương mẹ gối đầu
Vài cánh hoa hồng con kính tặng
Mẹ cười , sao mắt lại rơi châu ?
Có phải chăng đó là nước mắt tao phùng , nước mắt hạnh phúc ?
Tình yêu sâu đậm thi nhân dành cho mẹ được thể hiện qua rất nhiều bài thơ khác nữa. Hình ảnh người mẹ quê mùa , tất tả, tảo tần cực khổ , một đời hy sinh tận  tụy cho con được tô rõ bằng những câu thơ ngọt ngào ,trong đó nổi rõ cái nhìn thông minh , sáng suốt của người mẹ , luôn hướng con mình tới cảnh sống cao đẹp hơn ,  lương thiện hơn ,  thoát cảnh cơ hàn vất vả chốn thôn làng.
“ Con lớn bằng miếng cơm nhai nhuyễn nhẹ
Mẹ mớm vào bằng tất cả thương yêu
Mẹ nương con như nương sợi dây diều
Sợ át gió hay nắng chiều rẽ lối.”
( Tạ Mẹ )
Người mẹ cao đẹp ấy , như hầu hết những người mẹ Việt Nam . Một lòng cúc cung tận tụy , hiến cả đời mình cho những đứa con yêu, để rồi :
“ Con lớn dần mắt mẹ mờ , da cỗi
Suốt đời người cán thép để thành cơm”
Câu thơ đủ nói lên tất cả sự khó khăn , gian khổ của người mẹ .Còn khó nào hơn cán thép cứng để mềm ra thành hạt gạo nuôi con. Cách diễn đạt mạnh , sắc và cụ thể vô cùng !
Cái ước vọng:
“ Mong con mình noi theo gương Phù Đổng
Muốn nên người hãy cưỡi ngựa , cầm cương”
Ước vọng tha thiết đó, tấm lòng tận tụy đó của người mẹ đã nâng tác giả lên thành người hữu dụng giữa cuộc đời.
Và câu thơ “ Trong ảo giác con hoài thương mẹ lắm” là một tỏ bày thắm thiết , chân thành . Tình thương ấy thấm đậm vào tâm hồn nhà thơ , cả trong ảo giác cũng luôn nồng nàn, ấm cúng.
Lớn rộng hơn là nỗi quan hoài thế sự.
“ Nguyên sơ vạn cổ hài nhiên sự
Lắm kẻ vô tâm lại muốn dìm!”
 
Tâm hồn thi sĩ là một tâm hồn nhạy cảm ,  yêu cái đẹp, ghét đao binh , ghét bạo tàn. Điều đó thể hiện khắp nơi trong các bài thơ, đặc biệt là bài “ Cánh đồng hoang
“ Những cánh đồng hoang lại trổ bông
Xương khô thành cát, máu thành sông
Đường gươm vô loại, dừng tay nhé
Hãy cắm lên đây những đoá hồng”
Niềm quan tâm cho nhân loại còn tìm thấy qua bài thơ: “ Quả tim và tình nhân loại
“ Bảo vệ làm sao được chúng sinh
Khi chưa chấm dứt cảnh đao binh
Hãy đem nhân loại ngồi chung lại
Và kết cho nhau một mối tình”
Chính bởi lòng nhân hậu, yêu thương cả chúng sinh , tác giả đã bày tỏ một quan niệm sống rất minh bạch, công bằng:
“ Bất phân thượng hạ , sang giàu
Trọng nhau vì nghĩa , quý nhau vì tình”
Tuy như trên đã nói, tác giả rất lạc quan yêu đời, nhưng có khi thơ ông cũng u hoài thế sự. Đó là khi nhìn cảnh nước mất nhà tan, quan quân bế  tắc.
“Đột biến quân quan hết vẫy vùng
Canh bạc chiến lược xáo lung tung
Trường sơn một dãy trong vây hãm
Chiến sự lây lan khắp bốn vùng”
Đoàn quân bị vây hãm, chiến sự lây lan , để rồi kết quả thảm hại đã xảy ra : Tan hàng . Ông đã tiên đoán được điều đó trong  xao xác của đám tàn binh.
“Đừng nói cùng ai những nỗi đau
Tang thương chở nặng lắm con tàu
Những tâm hồn loạn đi trong gió
Biết đến bao giờ mới gặp nhau!”
Một cách nhẹ nhàng mà thấm thía, ông đã bày tỏ nỗi đau xót của mình trong cuộc biển dâu:
“ Có một mùa hoa chết dưới Xuân
Con tôi mất hết nghĩa kinh luân
Vườn hoa chưa thắm sao đã héo ?
Mùa Xuân là mùa của tươi thắm , ngàn hoa khoe sắc ,  vậy mà hoa chết dưới Xuân. Hoa chưa thắm đã héo tàn, tuổi trẻ bị thui chột trong cuộc đời. Cách so sánh khéo léo, đầy ẩn dụ, minh định một thái độ chính trị rõ rệt, một nhân sinh quan đúng đắn.
Ngay từ đầu tập thơ, ta đã thấy ngay tính cách khiêm cung của tác giả.
“ Mê thơ mà chẳng biết làm thơ”
Theo thiển ý của người viết bài này: Chỉ cần yêu thơ, thế là đủ, mà mê thơ thì còn say đắm hơn yêu.
Biết làm thơ, biết gieo vần, giữ nhịp, biết chọn lọc từ ngữ , biết cách làm đẹp ngôn ngữ nhưng không yêu thơ, không say đắm với  thơ thì hẵn thơ cũng vô hồn, không lôi cuốn được ai, thiếu phần hấp dẫn, độc đáo.
Nói chung là vậy, còn nói riêng, thơ Quốc Hưng, dù khi bóng bẩy, nên thơ, đầy màu sắc như:
“ Trước ngõ trăng cài hoa cỏ biếc
Bên bờ liễu rũ cánh bèo dâng”
( Thế giới của mẹ tôi )
Hay chất phác, bình dân như:
“ Ra vào ý mẹ muốn hăm he”
Hay                                                       “ Chiều về hoa bướm rợp hàng me
Sóng sánh đôi vai tay cặp kè”
( Nhớ một lối về )
Vẫn cho người đọc cái cảm tưởng chân thành về tác giả.
Tóm lại, tập thơ trãi dài cả đời người, có vui buồn thế sự, có yêu đương say đắm, có cay đắng ngậm ngùi, khi ca ngợi cảnh đẹp quê hương ( Cầu Thăng Long, Vịnh Hạ Long, quê anh, quê em, thế giới của mẹ , …) Khi ngưỡng mộ những văn minh , tiện nghi xứ người, nhưng bao giờ cũng toát lên sự chân thành của một tâm hồn bộc trực và nổi bật nhất là tấm lòng lạc quan của tác giả yêu người, yêu đời, yêu tổ quốc, nhân loại.
Hãy đi vào thế giới thơ của Quốc Hưng – muôn màu muôn vẻ.
21-02-2012

Lãm Thúy

 

 
April 17, 2020