1975- NOEL Trong Tù- Đào Hiếu Thảo

1975 – Noel trong tù

                                       Đào Hiếu Thảo

 

 

Hóc Môn, tháng 12 năm 1975 nằm trong trại tù Thành Ông Năm đã trên sáu tháng. Việt Cộng cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân”, “không đáng để làm phân bón cho cây cỏ”, hàng ngày chúng tôi phải đối diện với cái đói triền miên cộng với cái giá rét bất thường chưa bao giờ có ở miền Nam mà người tù nói với nhau có lẽ là do gió bấc thổi vào từ miền Bắc. Số tù nhân đau yếu, kiệt sức vì phù thủng và ghẻ lở ngày càng gia tăng, những “bộ xương biết đi” xuất hiện đều khắp trong trại giam.

Cái chính sách “khoan hồng, độ lượng” mà người cộng sản Miền Bắc rêu rao, khuyến dụ bằng “những bánh vẽ” không khác gì bó cỏ cột lơ lửng trên cái cần trước đầu con ngựa đói đang kéo cỗ xe, hai bên mắt bị bịt kín, chỉ nhìn thấy phía trước, ngựa cứ chạy hoài, chạy mãi mà vẫn không làm sao đụng được tới bó cỏ đến khi gục ngã.

Việt Cộng còn có chủ trương “bắt lầm hơn bỏ sót”, chúng tôi gặp những người đáng tuổi cha hay ông mình cũng bị bỏ tù dù các chú, các bác đó đã giải ngũ lâu năm, họ từng phục vụ trong quân đội Pháp trước khi đất nước mình bị chia đôi vào tháng 7 năm 1954. Có vài trường hợp cả ba thế hệ trong một gia đình bị nhốt cùng trại, ông Nội hay ông Ngoại ở lứa tuổi gần 70, cha trạc 45 tuổi và người con là thanh niên ngoài 20, vừa tốt nghiệp trường sĩ quan Dalat, Thủ Đức, Đồng Đế hay Long Thành. Chuyện cha con ruột hay cha vợ và con rể bị giam cầm cùng một nhà tù là cảnh mà chúng tôi thấy không ít qua nhiều trại tù lao động khổ sai khắp hai miền Nam-Bắc.

Họa hoằn, khi thoáng gặp các bạn bị giam trong những khu khác cũng tại Thành Ông Năm-Hóc Môn lúc đi lãnh lương thực, nhu yếu phẩm thì được biết nghĩa trang ngày một dày thêm những phần mộ mới mà trong đó có mộ của anh Bảo, nguyên là Trung sĩ Không Quân nhưng hàng ngày anh thường mặc “đồ bay” của phi công, mang lon Đại uý đi thăm người đẹp; sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Bảo không ra trình diện, bị dân phòng đến nhà vây bắt, giao nạp cho trại giam. Anh bị nhốt riêng, bị ghép tội trốn cải tạo, âm mưu phản nghịch, bị tra tấn tàn nhẫn, theo kiểu “không có tội, đánh cho lòi ra tội”. Uất ức, điên đảo, anh Bảo mắng chửi cộng sản thậm tệ nên bộ đội bỏ đói, đánh đập anh cho đến chết.

Chúng tôi cũng nghe một số bạn từng nằm điều trị ở trạm xá kể về Đại uý Vân, nữ quân nhân thuộc Tổng Y Viện Cộng Hoà, khi bà bịnh họ   chuyển bà lên trạm xá thì bà nhịn ăn, từ chối nhận thuốc men do cộng sản phát. Bọn y tá bộ đội có hành động xàm sở, thay phiên nhau sờ mó bà, thừa lúc không ai để ý Đại uý Vân đã tự kết liễu đời mình bằng cách  nuốt trọn những viên Chloroquine (thuốc ngừa sốt rét) mà bà mang theo bên mình để phòng thân. Năm ấy bà Vân được 43 tuổi, bà là bạn học với Dì ruột của tôi, hai gia đình quen nhau từ xa xưa ở Saigon, tôi biết là bà chưa bao giờ lập gia đình. Năm nay, nếu còn sống Dì Vân được đúng 88 tuổi.

Cán bộ cộng sản thường răn đe chúng tôi bằng những luận điệu tuyên truyền thổi phồng, huênh hoang, khoác lác, ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lê Nin, “tán dương” công lao “bác và đảng” đưa đất nước Việt Nam tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội văn minh, tiến bộ, công bằng, dân chủ, nhân đạo nhất loài người.

Tiến bộ sao lại phải dùng đến cuốc xẻng để canh tác, tại sao phải dùng sức người để đào giếng lấy nước, đun nấu bằng củi, tối thắp đèn dầu mù u, nhân đạo sao không biết sử dụng nhân lực có trình độ, có kiến thức hầu xây dựng đất nước mà lại toa rập với cộng sản Nga Tầu gây chiến tranh tàn phá quê hương mình rồi bây giờ nhốt hàng trăm ngàn công chức, cán bộ, quân nhân Việt Nam Cộng Hoà vào ngục thất, hành hạ tinh thần và thể xác họ đến chết dần, chết mòn?   

Tại sao biến Miền Nam Việt Nam thành những nhà tù khổng lồ? Nếu Miền Nam thắng trận chiến này, thì đồng bào Miền Bắc chắc không phải nếm những gì chúng tôi đang phải chịu đựng mà được ấm no, hạnh phúc, thanh bình thật sự !

Họ ấu trĩ nói cách mạng như trái thơm có 100 con mắt, việc gì anh em chúng tôi mưu toan, tạo phản nhằm phá hoại chế độ mới, không khác nào “cây kim trong túi”, lâu ngày cũng bị phanh phui nên hành động chống phá Cách Mạng mà chúng tôi theo đuổi chỉ là chuyện “đội đá vá trời” và sẽ bị họ trừng phạt nghiêm khắc.  Những trò ma giáo, lừa phỉnh, láo khoét của họ rồi lâu ngày cũng sẽ bị dân chúng Miền Nam lật tẩy như cái cây kim trong bọc mà họ ví von thôi.

Sau những “bài học chính trị” kéo dài lê thê nhiều tuần lễ, họ bắt anh em chúng tôi thảo luận ngày đêm, tóm lược nội dung viết tờ tường trình mà họ gọi là những bài thu hoạch, họ giải thích những bài thu hoạch đó được xem xét, chấm điểm, đánh giá mức độ tiến bộ của từng người để được đảng tha về với gia đình. Cho đến khi tù nhân chúng tôi phải làm tạp dịch, dọn dẹp, tu sửa doanh trại và nhà cửa nơi họ ở thì…ôi thôi, cả đống những bài thu hoạch đó nằm trong nhà vệ sinh, nhà bếp của cán bộ. Chúng tôi mới vỡ lẽ, thì ra mọi luận điệu đều là láo lếu, bịp bợm, xảo trá.  Ngoài ra, cộng sản ép buộc chúng tôi phải “tự giác” nhận những tội chúng tôi không hề phạm (như: ôm chân đế quốc Mỹ, bắn giết nhân dân…) để họ cầm tù chúng tôi lâu dài mà không đưa ra xét xử.

Một người tù bất khuất mà anh em từng bị cộng sản giam cầm thường nhắc tới là anh Kha Tư Giáo, sinh năm 1942, anh tốt nghiệp khoá I chính trị kinh doanh Dalat, xuất thân từ khoá 9/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, được biệt phái về Kỹ thương ngân hàng tức Ngân hàng quân đội. Sau 10 bài chính trị “tẩy não”, anh Giáo nhất quyết không nhận là mình có tội bằng cách viết duy nhất một câu trong tờ khai “TÔI KHÔNG CÓ TỘI” và nộp cho cán bộ, mười lần như một, không chỉ vậy mà anh còn nhiều phen lớn tiếng tố cáo kẻ có tội với tổ quốc và dân tộc chính là Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều cán bộ cao cấp cộng sản trong đó có Đại tá Võ Đông Giang từng là Đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham dự hoà đàm Paris, được phái tới biện luận cùng anh. Có lần một cán bộ cộng sản bị đuối lý, bắn liền hai phát súng nhưng may mắn không trúng anh. Anh Kha Tư Giáo bị cộng sản còng tay, cùm chân, bỏ đói. Anh chết thảm vào tháng 6, năm 1977 trong trại tù Long Giao vì kiệt sức, chín tháng sau cộng sản mới báo tin cho gia đình anh biết , họ lý giải rằng anh “nhịn ăn đến chết? ”

Một người bạn tù cùng làm việc với anh Kha Tư Giáo tại Kỹ thương ngân hàng là anh Duy Thân kể lại trong bài viết “Người Không Nhận Tội” rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Giáo thều thào hai chữ “Huyền Trân”. Sau này khi tìm đến thăm gia đình anh Kha Tư Giáo, mới biết Huyền Trân là người yêu của anh.

Trước tình hình tinh thần, sức khoẻ của mấy ngàn trại viên sa sút, mất tin tưởng sau khi anh Ch, nguyên Đại Úy Pháo Binh treo cổ tự tử.  Ban Chỉ Huy trại lúc đó mới hiểu thế nào là “tức nước vỡ bờ” nên họ cho anh em chúng tôi được chút ít thoải mái hơn, không lao động quá sức nặng nhọc như trước, bớt hội họp Tổ, Đội, học tập sáng, trưa, chiều tối. Anh em được sinh hoạt đánh cờ tướng, cờ domino (do tự tay mình đẽo gọt), dạy nhau tướng số, dịch lý, tử vi, phong thuỷ, đông y, ngồi thiền, nấu ăn… Nhiều bạn khéo tay làm ra đồ vật kỷ niệm, từ cọc lều bằng nhôm, đập cho thẳng, mài nhẵn nhụi, khắc tượng Chúa, tượng Phật, làm thành lược, vòng đeo tay, muỗng ăn cơm …

Một số anh em khác thích cuốc đất, trồng khoai lang, rau cải, hành ớt, làm dưa chua, để có thêm gia vị và chất rau tăng cường cho bữa ăn hàng ngày quá ít ỏi với gạo mốc, cá mối ươn làm chuẩn. Theo các bạn tù là bác sĩ quân y thì ăn thịt chuột cống, cóc, ếch, nhái nếu làm sạch, nấu chín sẽ vô hại trái lại cho người ta thêm chất proteine.  Khi bắt được các loài vật vừa kể là cho vào đĩa nhôm, đặt lên lớp than hồng lúc ghế chảo cơm, sau đó trở bề thì sẽ cháy vàng, thơm ngon như gà vịt quay bán ở Chợ Cũ/Saigon, nhờ vậy mà chúng tôi được thêm một chút gì gọi là bổ dưỡng tạm thời.

Trại tù cộng sản là nơi tập họp cả xã hội Miền Nam thu gọn, không thiếu bất cứ ngành nghề nào từ ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, quân đội các cấp cho đến các nghề nghiệp tự do.

Tại trại tù Thành Ông Năm, Hóc Môn, anh em chúng tôi gần 200 người bị nhốt trong khu chuồng nuôi bò của đơn vị Công Binh VNCH trước đây. “Khu Chuồng Bò” của chúng tôi có anh Nguyễn Cao Thăng, là một nhạc sĩ tài ba, nguyên là sĩ quan thuộc Nha Tuyên Uý Công Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thay vì cuốc đất, trồng khoai, làm vật kỷ niệm, đánh cờ tướng, bắn chim, bắt chuột thì anh thích ngồi soạn nhạc. Giờ rảnh rỗi anh Thăng đi săn nhặt những đinh, ốc, bù lon, mảnh vụn kim khí, vòng sắt thép, nhôm lớn nhỏ, giây đồng, thanh tre …

Anh dựng lên một dàn nhạc với những món đồ phế thải mà anh thu lượm được quanh trại, nhờ có năng khiếu về nhạc lý, anh biết tận dụng tiếng vang, tiếng rung của những vòng kim khí, đinh ốc treo lên giàn với nhiều khoảng cách khác nhau mà phát ra âm thanh réo rắc, trầm bổng, ngân vang.

Đêm Giáng sinh năm 1975, anh Thăng đánh lên những bài “Jingle Bell”, “Silent Night”, “Hang Bê-Lem”, “Bài Thánh Ca Buồn”, “Tiếng Chuông Giáo Đường”… cùng rất nhiều bản nhạc quen thuộc khác làm mọi người xúc động, bồi hồi đến lặng người.  Ai nấy  nhắm mắt thả hồn về kỷ niệm của những đêm Noel trước trên khắp mọi miền đất nước tự do, sống yên vui với gia đình hay dự tiệc ở đơn vị. Không phân biệt tôn giáo, anh em tù chúng tôi người thì lẩm nhẩm hát theo, người thì âm thầm cầu nguyện cho đất nước mình bớt lầm than, khốn khó, được cởi trói và thân phận tù đày của mình sớm thấy được “ánh sáng ở cuối đường hầm.” Không hiểu sao bọn cán bộ cai ngục không có phản ứng gì với những giai điệu thánh nhạc trong đêm trừ tịch đón Chúa Hài Đồng!  Hay những người vô thần vừa từ rừng rú về thành không biết “mô tê, ất giáp” gì về ngày lễ truyền thống từ ngàn xưa này?!

Trong dư âm ngày lễ, ai ai cũng tự hỏi mình còn phải trải qua bao nhiêu mùa Noel nữa mới được tự do theo cái gọi là chính sách “khoan hồng, nhân đạo của bác và đảng” đây!?

Cũng đúng vào đêm Noel năm ấy, một trường hợp được cứu chữa trong “đường tơ kẽ tóc” do bàn tay như phép lạ của một lương y, một sự mầu nhiệm mà tôi chứng kiến từng giây phút. Hôm ấy, trại được cấp phát cá ngừ, một loại cá biển tương tự như cá thu nhưng thịt màu đỏ sẫm. Sau khi vừa ăn xong cơm với mấy miếng cá ngừ (xơi dùm luôn cả phần của tôi tặng, do không biết ăn cá), anh Trí bỗng ú ớ, không nói thành tiếng, mắt anh đỏ lừ, cả người giựt mạnh như bị kinh phong, sờ trán anh thấy sốt nặng, không thở được, tình trạng khá nguy kịch. Tôi tri hô lên và báo là cần gấp một bác sĩ đến giúp anh Trí, tức khắc bác sĩ Thìn, (nguyên Y sĩ Sư Đoàn Dù) chạy nhanh đến, khám bệnh và cho biết anh bị ngộ độc, bác sĩ Thìn bấm khai thông huyệt đạo, châm cứu giải độc cho anh Trí và xin anh em quậy cho người bệnh một ly nước đường. Mỗi người góp chút ít, tôi lo pha ly nước đường đút cho anh Trí uống.

Chừng nửa giờ sau, anh Trí đã qua cơn nguy hiểm, hết sốt, nhịp thở bình thường trở lại, đã cười được và cám ơn bác sĩ Thìn cùng mọi người lo lắng cho anh. Nếu chờ bộ đội đến cứu chữa  hay chuyển đi trạm xá, có lẽ anh Trí đã vĩnh viễn nằm xuống trong trại tù Thành Ông 5 ở Hóc Môn.

Năm 1999, trong một chuyến công tác cho Radio Free Asia ở New Orleans, tôi đã may mắn và thật là mừng vui được gặp lại người bạn tù, nhạc sĩ Thăng với những âm thanh Giáng Sinh trên giàn nhạc tự chế năm nào, nay Anh phục vụ trong ca đoàn Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam ở tiểu bang Louisiana.

                                                Đào Hiếu Thảo/ Th2

December 28, 2020