GÓP THÊM VÀI CHỮ
Thân tặng Lãm Thúy
Nếu có ai đó hỏi mình bản nhạc nào hay nhất đã được nghe , mình không ngần ngại trả lời , đó là bản Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân . Những từ bao la , tha thiết ở những câu đầu của bản nhạc đã nói lên hết sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ . Trong mỗi chúng ta ai mà không có Mẹ , cũng không ai trên đời này dám nói rằng tôi không yêu mẹ . Trong muôn triệu trái tim của những người con với những tình cảm thiêng liêng đó , nữ sĩ Lãm Thúy đã thay chúng ta nói về một con người vĩ đại : TỪ MẪU .
Mình nhận được tập thơ mang tựa đề như trên do tác giả viết lời tặng , với chân tình bè bạn mình trân quý tấm lòng , tự nhủ rồi sẽ viết một vài lời đến tác giả như một lời chia buồn sâu sắc nhất trong sự mất mát lớn lao mà bạn đã gánh chịu .
Những ngày gần đây khi làm quen với trang Facebook , mình rất cảm thông và tri ân những tâm tình của những người con hiếu thảo đã mượn những lời thơ nói lên tình yêu thương của họ dành cho các đấng sinh thành , họ viết thay cho những người không biết làm thơ như mình , trong đó có các bạn đồng hương như Phạm Hồng Ân , Lưu Xông Pha , BT áo Tím (Tiệm vải Bé Tư ). Đó là những chân tình cao trọng .Và nằm trong chủ đề này- đã lâu lắm rồi – , khi lang thang trên mạng , mình đọc được những dòng thơ nói về Mẹ của Trần Trung Đạo :
Nhấc chiếc phone lên bỗng rợn người
Tiếng ai như tiếng la thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ , mười năm lẽ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi …
Nó như tiếng kêu khóc đoạn trường của người con xa mẹ ,có lẽ khi tác giả viết lên những dòng như vậy biết bao kỷ niệm yêu thương của vòng tay mẹ đến với tác giả ,rồi những nức nở còn hơn lời tử biệt , nó có cái ngăn cách của một không gian vô hình đến đớn đau nhưng không thể đoàn viên được do vòng xoáy của cuộc đời , của những con người mang thân phận là người dân nhược tiểu
Nghe tiếng Mẹ ôi bỗng lanh người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví bằng con đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười
Thiên thu , đất trời , muôn vạn điều trên cõi đời này đối với tác giả chắc gì cao quý hơn tình Mẫu tử , và đó là một chút mở lòng của tác giả Trần trung Đạo khi nghe lại tiếng Mẹ, tiếng nói đã đi theo cuộc đời mình từ lúc nằm nôi cho đến lúc trưởng thành , nỗi mừng vui đó mang thứ âm vang lồng lồng “đổi cả thiên thu “ để nghe được tiếng Mẹ cười .Còn ở đây ,Lãm thúy khóc với một Từ Mẫu đã qua đời , tiếng lòng của thâm tình mẫu tử dữ dội hơn khi tác giả đã gần như trút hết “sinh lực” của mình cho con người vĩ đại đó .Mình cố gắng đọc hết tập thơ này của bạn với tất cả 87 bài , gôm nhiều thể thơ và cũng gồm nhiều vai trò : người con , người con mất mẹ , người mẹ và là người Mẹ mất con .
Thật lòng mà nói , mình vốn vụng về trong bình phẩm trong văn viết cũng như ở ngoài đời , sợ làm “hư ‘ thơ của người tặng , ngẫm nghĩ cho cùng , cũng vì nghĩa cũ mà tận lực vậy , nếu có dở ( và chắc là dở )thì cũng là chút tình bạn mà thôi
Nếu cứ nghĩ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau /trông về quê mẹ ruột đau chín chiều “ mà cảm thông cho nỗi niềm xa xứ của thân gái “áo mặc sao qua khỏi đầu’ hay thân phận người phụ nữ ở nhiều bến đổ đục trong thì Lãm Thúy lại tự trách mình :
Con chim đầu đàn bay nẽo lạc
Nhớ về tổ ấm .Nhớ khôn nguôi
Ngùi trông tuyết đổ , lòng hiu hắt
Thèm tiếng thân yêu Mẹ nói, cười …
Cha mẹ tuổi già như trái chín
Mà bóng thời gian tựa gió giông
Theo mình ,có lẽ người con gái trong gia đình thường gần gũi và chu đáo với mẹ cha hơn bọn con trai tụi mình và khi lớn lên làm vợ , làm mẹ , tiếp tục quảng đời mà tạo hóa đã giao cho họ cái thiên chức cao cả : Nuôi con .Người ta hay quý và nhớ thương những gì mà mình đã xa rời nó ;mái ấm thân yêu và tình cảm gia đình , và điều đó ở đây Lãm Thúy dành hết cho Mẹ :
Thương Mẹ quê xa mòn mắt đợi
Đếm ngày , đếm tháng , ngóng tin về
Có ai đó ví von rằng , nhà thơ như một phù thủy biến hóa chữ nghĩa , theo mình sự ví von đó cũng chẳng là cường điệu , có những khung cảnh đơn sơ mà trong đời ai cũng có lại được nhà thơ sắp xếp đưa vào vần điệu rồi bỏ thêm vào chút trắc bằng như âm ba của tiếng mưa đều gợi nhớ :
Nhớ bửa cơm nghèo đạm bạc
Thuở còn đông đủ quay quần
Nhớ hiên nhà xưa , gió tạt
Đói no, ấm lạnh , chung cùng
Bây giờ : người xa , người khuất
Đau lòng Mẹ .Nghĩ mà thương
Con biết : chiều quê tịch mịch
Mẹ ơi ! Mưa nắng cũng buồn
Tha hương , chiều mưa nhớ Mẹ
Nhớ mưa trắng xóa sông dài
Mẹ ơi ! Mưa nguồn , chớp bể
Lòng riêng ,một hướng ,trông hoài
Còn nhiều lắm những lời tạ lỗi cho ân dày của người Mẹ mà trải suốt trong tập thơ Từ Mẫu của tác giả , trong đó khi Mẹ còn sống , tác giả luôn khoắc khoải nỗi nhớ mong , sợ một cái gì đó của quy luật đến sớm , cho đến những bai thơ khi Mẹ mất, Lãm Thúy đã thấy như Mẹ vẫn còn đó một dáng hình :thấy áo mẹ phơi /Thấy khăn Mẹ vắt , dáng ngồi mẹ quen hay là Mẹ ngồi ăn chén cơm lưng /Tô canh chua nguội , lòng rưng rung buồn hay là : Mẹ ngồi đầu thấp ,vai cao , nói lên đủ cái nỗi khổ sầu chịu đừng của một người Mẹ tảo tần , nhẫn nhịn .
Bàng bạc trong niềm nhớ thương nhân ảnh mỗi khi trở về chốn cũ :
Nhớ đêm xưa chỗ Mẹ nằm
Chiếc di văn cũ nhiều năm ấm tình .
.Nhớ mùi tay Mẹ rau om
Dắp lên vầng trán khi con ấm đầu
…Nhớ ngày áo Mẹ còn treo
Quẩn quanh còn đượm ít nhiều mùi quen
..Nghe chừng tiếng Mẹ ầu ơi
Còn ngân trong gió vọng lời ru xưa …
Thật ra ít có ai qua thơ mà viết lên hết những tình thương của Mẹ dành cho con và những nỗi nhớ nhung của con dành cho Mẹ như Lãm Thúy , đành rằng quy luật sinh lão , bệnh tử không chừa cho riêng ai , nhưng khi đọc hết những bài thơ về Mẹ của tác giả mình tự hỏi mình có thiếu xót điều gì đối với bậc sinh thành của mình không ? Tác giả lại tự trách mình , Lãm Thúy ơi ,không ai toàn vẹn được , nhưng theo mình , tình thương của Thúy dành cho đấng sinh thành như thế là trân quý , tiếng than vản , nỗi nhớ thương từ vóc dáng , từng lời ru như vậy , từ chỗ ngồi , dáng đứng , phải gần gũi và tâm tình chia sẻ nhiều lắm , mẹ như con , con như Mẹ , phải thấm đậm từng lời ru , phải cầm tay nắn nót , phải thủ thỉ từ chữ , từ lời khi vào đời và phải làm Mẹ , làm vợ thì mới cảm thương , bi lụy đến thế .
Tập thơ này Lãm Thúy đã ra mắt ở hải ngoại và cũng đã nhận được nhiều lời tán dương chúc tụng của giới thi văn nước ngoài , những lòi lẽ ngô nghê của mình hôm nay coi như là một nhánh lá khô rơi của một ngày không gió , nó khô cằn , mộc mạc và chắc cũng không vang lên-dù rất nhỏ – một âm thanh nào nhưng có lẽ với mình nó là một tâm tình bằng hữu, vậy thôi nhe Lãm Thúy
Huỳnh Thanh Long