Vợ Chồng Người Con Lai- Lê Mỹ Hoàn

 

                VỢ CHỒNG NGƯỜI CON LAI

            Gia đình bà Phan cũng không có gì gọi là khấm khá, bà có bốn người con, chồng bà

chỉ là một thượng sĩ, hạ sĩ quan trong chế độ cũ VNCH, cho nên khi cộng sản chiếm miền Nam, ông Phan  chỉ bị gọi lên thẩm vấn và bị giam một số ngày, không phải đi tù ròng rã như các sĩ quan, các sĩ quan cấp úy thì còn được ở trong những trại tù ở miền Nam, còn như các sĩ quan cấp tá trở lên thì phải đi tới tận miền Bắc xa xôi mà họ chưa đặt chân tới bao giờ, nghe nói những trại tù ở trong rừng núi thâm sơn lạnh lẽo, có những vị chỉ huy của ông có người không đủ sức chịu đựng được đã ngã gục, thật là thương tâm, mỗi lần ông nghe như  vậy, bà thấy trong lòng ông xót xa lắm.

            Tuy không phải đi tù nhưng ở trong một xã hội không được yên ổn và thiếu thốn, nghèo nàn, ai cũng nghèo vì không ai có được một việc gì làm để kiếm ra tiền, hai ông bà chạy ăn cho một gia đình sáu người như vậy thì không thể nào đủ được, lúc nào ăn cũng còn đói, một chế độ cộng sản bao cấp, mỗi tháng  phường khóm cũng chỉ bán cho gia đình ông được vài ký bo bo và mì sợi, gạo không có, hôm nào họ cho mọi người họp chợ bà còn mang về được mấy bó rau muống, hoặc một chai nước mắm, hoặc một chai nước tương đã được nhà nước sản xuất nhạt nhẽo, nhưng có như vậy cũng là quý. Ông đạp xe xích lô, đạp còng cả lưng suốt ngày  chỉ được một chút tiền mua thêm bo bo, ăn bo bo suốt năm tháng các con  bà không lớn lên được, cả tháng mới may đạp cuốc xe nào có tiền hai ông bà và các con mới có được một bữa cơm, mặc dù cơm gạo hẩm cũng cảm thấy ngon lắm.

            Ngày trước dù là thượng sĩ nhưng lương của ông cũng tạm đủ sống cho cả nhà, bà đi buôn bán thêm nên cuộc sống của gia đình hai ông bà cũng thoải mái, hai người nhờ miếng đất của cha mẹ cho nên cũng cất được một căn nhà khang trang một chút, đủ để cho gia đình ông bà sống yên vui mặc dù nhiều khi ông phải theo quân đội đi công tác nơi này nơi kia theo lệnh trên.

            Vậy mà thấm thoát đã bao nhiêu năm qua rồi, nhìn các con không được học hành đầy đủ và ông bà người nào cũng gầy còm ốm nhom, nhưng nghĩ lại bà vẫn còn được chồng ở nhà với mình, có nhiều bà vợ sĩ quan cấp lớn của ông, chồng đi tù không biết bao giờ về được còn khổ hơn bà nhiều. Bà Phan cố gắng lý luận rằng dù khổ sở vất vả nhưng còn hơn một số người khác, có người  mang cả gia đình đi kinh tế mới để rồi không sống được phải quay về thành phố không có chỗ ở sống lất lây lất lưởng.

            Cũng đã một thời gian rất lâu bà Phan nghe có nhiều người làm đơn đi ngoại quốc, có người xin đi Pháp, Mỹ hoặc Canada gì đó, người ta nói gia đình nào có thân nhân bảo lãnh bên ngoại quốc hoặc là diện sĩ quan đã ở tù của cộng sản hơn ba năm về sẽ được nộp đơn đi Mỹ, bà lại còn nghe nói người Mỹ cho những gia đình nào có con lai Mỹ được đi ngoại quốc, bà cũng nghe đã có người có con lai Mỹ được đi rồi. Bà nhìn lại gia đình mình, ông Phan chỉ là thượng sĩ chế độ cũ không phải đi tù, gia đình bà không  thuộc vào một diện nào có thể nộp đơn ra đi được, đi vượt biên thì gia đình bà không quen biết nhiều và cũng không có tiền để đi, bà cũng có để dành được một ít tiền và bà dấu đi kỹ lắm nhưng số tiền để lo vượt biên thì không đâu vào đâu cả, thôi bà lo yên phận mặc dù gia đình bà đông người và hai ông bà cố gắng đến độ như kiệt sức mà cũng không đủ ăn, bữa no bữa đói.

            Bây giờ nghe người ta nói đến chuyện ra đi hoài, ai cũng chỉ mong ước được ra đi, xã hội người ta nghèo khổ quá bi thảm quá làm sao không nghĩ đến chuyện ra đi được mặc dù bằng bất cứ cách nào, Bà Phan lúc nào cũng ưu tư suy nghĩ nhưng thường bà gạt bỏ mọi vấn đề bằng một tiếng thở dài. Ngày xưa bà thấy có nhiều cô gái đi lấy người ngoại quốc, họ thường hay có con lai, sau này cũng có những người làm lại cuộc đời có gia đình nhưng phần lớn cũng như bao nhiêu người khác họ đều nghèo khổ.

Bây giờ họ được ra đi cả gia đình, họ thực là sung sướng. Nhưng hình như bà cũng nghe có người mua con lai, mua con lai để làm giấy tờ cho cả gia đình đi ngoại quốc, bà nghe lạ tai lắm, con của người ta làm sao lại mua được, bà suy nghĩ miên man, có người đã xin hoặc biếu tiền để có một người con lai vào trong gia đình mình một thời gian,  khi đứa con đã trở thành người trong gia đình hợp lệ thì sẽ tìm cách nộp giấy tờ xin đi Mỹ, làm sao qua mặt phái đoàn phỏng vấn được, ấy thế mà có gia đình đã đi được rồi đó, bà lại còn nghe nói nhà nào có người con da mặt trắng bóc khai làm con lai cũng được, miễn làm sao khai cho có tuần tự đúng lý.

            Con lai thì bà biết có mấy cô ngày xưa lấy người ngoại quốc,  ở trong xóm của bà cũng có, nhưng bà nhìn lại gia đình bà, ông bà để dành được một số tiền khoảng chừng hai cây vàng, ít như vậy làm sao bà dám nói chuyện xa vời. Bà biết trong xóm có con Huyền, nó có một thằng con lai khoảng 10 tuổi, bây giờ nó có chồng và có thêm hai đứa con gái nhưng bà nghe nói nó chỉ ở thôi không phải chồng thiệt , người chồng này thật nghèo nên hai đứa cũng chưa lo chuyện làm giấy tờ kết hôn, ba đứa con nó không biết giấy tờ khai thế nào.  Hay bà hỏi thử nó coi, nhưng  ít tiền quá hỏi nó có được hay không, mà cũng phải để lại một số tiền lo giấy tờ. Bà suy nghĩ lung lắm, có khi bà nhức đầu và tự nghĩ số phận của gia đình bà là ở đây không được đi tới một phương trời nào hết, mà khổ nỗi không nghĩ cũng không được, hàng ngày kiếm ăn quá cực khổ, đi khỏi đây, khỏi cái xã hội nghèo nàn cực khổ này thì được sung sướng, nghe nói sang Mỹ sướng lắm, người lớn có công ăn việc làm con cái được đi học, các con bà gầy còm, quần áo thì đã cũ mèm, lo ăn không đủ làm sao lo mặc.

Ngoài những lúc được họp chợ bà mua cái nọ bán cái kia để nếu có chút lời mua thêm mì hay mấy bó rau, lúc về nhà bà đi ra rồi lại đi vào suy nghĩ. Rồi có một hôm bà tự nhiên nghĩ ra bà có cái nhà này, hay bà thử tính toán xem, nếu được đi thì đi cả gia đình, căn nhà này bỏ lại cũng không cho ai được, nhà nước sẽ lấy, mà con Huyền thì vợ chồng nó không có nhà, phải ở cái trái nhà ai đó, bà sẽ nói với nó cho bà xin thằng con lai để bà lo cho gia đình đi Mỹ, bà chỉ có một cây vàng cho nó, tuy ít ỏi nhưng bà sẽ nhận nó làm em, cho nó vào tên hộ khẩu của gia đình bà, nếu đi được thì nó ở lại lấy cái nhà này, nhưng bà lại sợ nếu không đi được thì sao, tự dưng có một người lạ ở trong nhà, có chuyện gì sẽ khó giải quyết lắm. Nhưng nếu không  lo thì mọi chuyện vẫn như cũ, không lẽ thê thảm mãi như thế này, và cũng chưa chắc con Huyền nó lại dễ dàng đưa con nó cho mình, con người ta đẻ ra mà, bà suy nghĩ tính toán mãi và bà có lẽ cũng phải quyết định như vậy, bà sẽ đem vấn đề ra nói với ông Phan.

            Ăn cơm chiều xong bà để cho con gái thứ hai của bà dọn dẹp, bà pha một ly trà đá lớn để ông uống cho mát, nói với ông chuyện bình thường hàng ngày rồi từ từ bà kể với ông chuyện có một số người xin con lai và cả gia đình được đi Mỹ, bà biết ông ngồi nghe vậy và ông không có vẻ gì để ý mấy cho lắm, bà thu hết những gì bà đã từng suy nghĩ những ngày qua và nhẹ giọng nói:

  • Hay là mình cũng bắt chước họ đi ông Phan, tôi dự định như thế này không biết ông

có chịu không.

            Ông Phan hơi giựt mình, nhưng từ xưa tới giờ ông vẫn là người điềm đạm, vả lại những chuyện như thế này không nói lớn được, ông trả lời bà, không tin vào tai mình:

  • Bà vừa nói gì vậy, bà không nói giỡn chứ.

              Bà ngồi xích lại gần ông đủ để nói cho hai vợ chồng nghe, bà nói nhỏ nhẹ có lúc như thì thầm kể cho ông nghe những điều bà biết và suy nghĩ bấy lâu. Bà nói về chuyện con Huyền có thằng con lai cỡ 10 tuổi bà định hỏi xin, bà cho ông biết hai người chỉ có một số tiền như vậy, cho nó một nửa quá ít, lại còn phải để một phần để lo giấy tờ, nên bà định cho tên con Huyền vào sổ hộ khẩu để nếu cả gia đình nhờ con nó mà đi được thì nó có thể sở hữu căn nhà này cho gia đình nó ở, vả lại mà mình đi được rồi thì căn nhà, nhà nước cũng lấy mất, nhưng nếu không đi được thì phải làm sao khi có người lạ trong gia đình, còn nếu không tính thì không có cơ hội nào, mình đã nghèo đói và quá cực khổ rồi.

            Ông Phan ngồi lặng yên nghe bà nói, câu chuyện rớt từ trên trời xuống ông cũng đã hiểu ra dần dần, ông trầm ngâm suy nghĩ và vỡ lẽ ra từng đoạn bà phân tích, quả thật ông cũng không bao giờ có thể nghĩ ra được những điều phức tạp như vậy, vợ ông nói đúng quá đây là một dịp duy nhất may ra có thể cứu vợ chồng con cái ông thoát khỏi cảnh thảm khổ này,  ông đã đạp xích lô nhiều năm gần như kiệt sức và rồi sẽ phải ra sao, ông nói nhỏ với bà:

  • Bà tính như vậy là điều tôi không thể nào nghĩ ra được, thì mình có thêm một người con, còn việc cho con Huyền vào hộ khẩu, ngoài cách đó ra mình đâu có đủ thực lực mà lo chuyện gì khác, mình phải chịu thôi, vả lại nếu nó bằng lòng cho con nó tôi nghĩ rằng có nhiều người lo giấy tờ ra đi được, thì rồi mình cũng sẽ làm được. Bà thử hỏi nó xem sao, nó sẽ nghĩ đến chuyện tương lai gia đình nó, và biết đâu nó sẽ bằng lòng.

            Bà Phan cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm khi thấy ông tỏ vẻ nhìn rõ mọi chuyện và lắng nghe bà nói. Huyền hay đi qua nhà bà, hôm sau bà đợi lúc Huyền đi qua  bà kêu Huyền vào hỏi thăm rồi gợi chuyện nói lên ý của mình, Huyền chăm chú nghe rồi nói:

  • Chị Phan cho em suy nghĩ rồi em trả lời chị sau, em thương thằng Hải con của em lắm, em cũng nghe chuyện có con lai làm đơn xin đi Mỹ được nhưng hoàn cảnh em còn hai đứa con gái nữa và tụi em tuy là vợ chồng nhưng chưa làm giấy tờ chi cả.

Bà Phan gật đầu:

  • Em về suy nghĩ đi, chị tuy không có nhiều tiền nhưng từ bây giờ em vào hộ khẩu của chị, nếu gia đình chị và con em may mắn đi được thì em có chỗ cho gia đình em ở, và chị hứa sẽ coi con em như con ruột chăm nom cho nó.

Huyền nói:

  • Em hiểu và em biết gia đình chị tử tế, em thực cũng không nuôi nổi các con của em.

Huyền đi về, bà biết Huyền phải suy nghĩ rất nhiều vì có ai cho con đi mà lòng mẹ không đứt ruột. Khoảng chừng mấy ngày sau Huyền quay lại muốn gặp cả hai ông bà và đồng ý với lời bà Phan đề nghị, Huyền nói:

  • Có người đề nghị em nhiều tiền hơn anh chị, nhưng em muốn nếu được thì được cả

hai bên, sau này em được căn nhà cho cả gia đình sinh sống, em cũng muốn anh chị hứa nuôi thằng Hải nên người và thương yêu nó, sau này nếu có dịp chị cho nó nhìn lại em.

Ông bà Phan gật đầu nhận lời xem thằng Hải như con, và nếu trời cho có dịp sẽ tìm cách cho hai mẹ con gặp nhau. Huyền chỉ mong được như vậy.

Từ hôm đó trở đi thỉnh thoảng Huyền đi đâu làm bộ ghé lại nhà ông bà Phan chơi,  cô nói chuyện về thằng Hải nhiều để ông bà có thể làm giấy tờ khai sinh cho nó làm con, và đồng thời đưa giấy tờ của cô để ông bà cho tên cô vào hộ khẩu. Chuyện này chỉ có hai bên biết với nhau, Huyền cũng có vẻ kín đáo lắm.

Thỉnh thoảng ông Phan lại nghỉ đạp xích lô một bữa để lo giấy tờ, ông rành việc này hơn bà nhiều, ông bà có bốn người con, thằng con trai lớn đã 16 tuổi, hai đứa con gái kế một đứa 14 và một đứa 12, ông bà làm khai sinh để thằng Hải vào giữa trên đứa con trai út 9 tuổi, kể như  thằng Hải 10 tuổi, rồi đến đứa con út . Họ âm thầm làm mọi việc, Huyền hay ra chơi và mang theo thằng Hải, nó chưa biết gì nhưng nó chơi với thằng út thân lắm. Đôi khi Huyền ra chơi cũng lâu lắm để cho người ta nghĩ rằng hai người như chị em, rồi có lúc để cho thằng Hải ở lại với ông bà Phan.

Họ không có tiền nhiều nhưng ông Phan khéo giao thiệp nên mọi chuyện cũng ổn, mọi giấy tờ lo xong hơn một năm và đã được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận cho đi Mỹ, mặc dù chuyến bay hơi bị trễ vì vào dịp Giáng Sinh và năm mới phái đoàn người Mỹ ngưng không làm việc. Mọi chuyện cũng không đến nỗi khó khăn lắm vì người Mỹ họ rất dễ chấp thuận cho những gia đình nào ở diện con lai.

Rồi cũng đã tới được Mỹ, không bõ công bà Phan lúc nào cũng cầu Trời khẩn Phật cho mọi chuyện được suông sẻ, đi được cả gia đình này là nhờ thằng Hải nên bà cưng nó lắm, vả lại nó rất ngoan, và hình như đối với nó làm như nó mang ơn ông bà thì phải, nó cũng đã lớn lên một chút nên có vẻ hiểu biết hơn, hôm ra đi mẹ nó đã ra ngoài nhà ông bà Phan ngủ với nó mấy ngày và căn dặn nó phải ngoan ngoãn nghe lời ông bà và các anh chị, ông bà Phan phân phối thứ tự trong gia đình, vì là người trong Nam nên thằng lớn là anh Hai, rồi đến chị Ba và chị Tư, nó là thằng Năm và nó còn được ở trên thằng Sáu út. Nó hay theo anh Hai để nghe anh kể chuyện và nghe lời anh Hai lắm, nhất là ông Phan làm việc gì nó cũng chạy lại làm cho Ba.

Sau một thời gian ngắn được hưởng trợ cấp, người ta giúp ông bà kiếm được việc làm trong hãng xưởng, vài năm sau họ mua được một căn nhà nhỏ trả góp, tất cả các con đi học ở những trường học gần nhà, thằng Hai đã lớn được học ở Highschool ba năm nhưng nó không học lên đại học vì anh văn còn rất yếu,  sau đó xin vào quân đội Mỹ, người con gái thứ Ba sau highschool cũng lập gia đình, chỉ còn ba đứa nhỏ học xong highschool là lên đại học, chị Tư nó theo ngành dược, chỉ còn Hải và thằng Sáu út là còn ở Highschool, năm nay thì nó tốt nghiệp. Thấy anh Hai đi lính, chị Ba đi lấy chồng và chị Tư thì đi học xa, Hải tuy học giỏi và được nhận một vào trường đại học lớn, nhưng nó chọn một trường đại học ngay trong tiểu bang, tuy không phải là trường nổi tiếng, nhưng  gần nhà nó được ở cạnh ba má của nó. Ông bà Phan khuyên nó đi một đại học nào mà nó thích nhưng  nó muốn học tại tiểu bang để được về nhà với ông bà, nó không muốn xa ông bà là cha mẹ của nó và nó muốn giúp ông cắt cỏ săn sóc nhà cửa những việc nặng nhọc, nó nói:

  • Con thương ba má lắm, ba má cho con một tình thương mà những đứa trẻ như con không có được, mẹ con thì ở xa biết bao giờ con gặp lại, còn ở lại VN thì đời sống nghèo nàn con đâu thể có một tương lai sáng sủa như vầy, con muốn bao giờ cũng ở cạnh để trả hiếu cho ba má, mẹ con nói bây giờ lớn con mới hiểu.

            Ông bà nghe nó nói trong lòng thấy thương thằng bé vô cùng, nó là người biết ơn biết nghĩa, nhưng gia đình ông bà cũng phải là người nhớ ơn mẹ con nó thì đúng hơn, còn nếu sống cực khổ mãi ở VN đến lúc già biết phải làm sao, các con ông bà cũng trở thành những người không được học hành. Tất cả những cái ông bà có bây giờ là nhờ nó, bà nhớ ơn con Huyền mẹ nó mà bà thành thật coi như em mình. Lúc mới qua Mỹ có dịp liên lạc thư từ bà biết Huyền đã lấy được căn nhà cho chồng con ở, thỉnh thoảng bà viết thư cho Huyền và gửi cho nó ít tiền, bà cũng chụp hình thằng Hải cho nó xem con nó lớn bộn làm sao. Bây giờ thằng Hải muốn như vậy ông bà khuyên nó không được thì cũng phải chịu.

            Nó đã học hết bốn năm đại học về Science, nó xin việc làm và vẫn ở với ông bà, con Tư ra trường và đang đi thực tập, thằng Sáu còn trong đại học. Một hôm thằng Hải về nói với ông bà rằng nó xin phép ông bà cho nó lấy vợ, bà hơi ngạc nhiên vì bà có thấy nó có bồ bao giờ đâu, cái thằng thật là kín đáo, tuy nhiên bà cũng phải hỏi cho rành mạch là nó lấy ai gia đình thế nào cho ông bà biết. Nó kể:

  • Con biết nhỏ Lệ này từ dưới highschool, một hôm con gặp nó đứng buồn bã chỗ hành lang nhà trường, con không để ý lắm, nhưng nó gọi con, nó nói:” Anh ơi, anh có phải là con lai không”, con trả lời:”sao em biết,” nó nói nó nhìn con nó biết rồi nó hỏi tiếp:

  • Anh có được sung sướng không, em là con lai đây, ba má em mua em mang cả gia đình sang đây, nhưng đến Mỹ một thời gian họ trở mặt với em, họ coi em như không xứng đáng ở chung trong gia đình họ, họ đối xử với em nhạt nhẽo lắm lơ em đi và nói con họ không chuyện trò gì với em cả, em cô đơn và khổ lắm. Em nói chuyện với một người quen, họ dẫn em ra xã hội trình bày, xã hội bây giờ họ lo cho em ở nhà bà kia có phòng trống cùng với một chị như em không có gia đình, bây giờ em tạm ổn nhưng em thật buồn, em thấy anh giống con lai em mới hỏi thăm xem hoàn cảnh anh thế nào, anh có khổ như em không?

Thằng Hải tiếp, con trả lời không và nói:

  • Ba má nuôi anh thương anh lắm, anh được sắp xếp đứng thứ Năm trong nhà, và có được một người em thứ Sáu.

Nó lại nói tiếp:

  • Con nói năm nay anh ra trường rồi, anh chỉ có một lời khuyên bây giờ em tạm ổn rồi thì em vui lên, ráng lo học cho giỏi thì không ai khinh mình được hết.

Con chia tay nó, con cảm thấy con may mắn lắm có ba má và anh chị em thương yêu con, má có biết không, con rất nhớ ơn ba má. Thằng Hải lại nói tiếp:

Lâu nay con gặp lại Lệ, con thấy nó lớn lên và đẹp dịu dàng, nó gặp con mừng lắm, nó nói người đàn bà nó ở trọ tử tế với nó nên nó vẫn ở tới bây giờ, nó ra trường và ghi danh học Nurse được hai năm rồi, con đến thăm và dần dần thấy thương nó, con nói về mình cho nó nghe, nó ngưỡng mộ ba má và gia đình mình lắm. Ba má bằng lòng con dẫn nó về ra mắt.

            Hôm nó dẫn con Lệ về ra mắt ông bà Phan, con bé đẹp người và có vẻ hiểu biết ngoan ngoãn, bà Phan ưng lắm, bà nói với thằng Hải khi nào muốn làm đám cưới ông bà sẽ đứng ra lo sắp xếp bàn thờ cho đúng nghi lễ, thằng Hải là con trai đầu trong nhà đi lấy vợ, anh Hai nó bây giờ còn ở trong quân đội Mỹ trú đóng xa xôi lắm. Bà cũng nói nó gửi thư cho Huyền, báo tin vui và gửi hình ảnh về cho mẹ nó. Huyền gửi thư lại cảm ơn ông bà, nói với bà là cô ấy vui lắm, mang hình đi khoe cùng xóm, ai cũng nói cô có phước.

            Có gia đình rồi thằng Hải mua một căn nhà gần với nhà cũ, nó chỉ thích ở gần ba má của nó để vợ chồng nó chạy qua chạy lại, nó không bao giờ để ông Phan phải làm bất cứ một cái gì nặng nề vất vả, Lệ rất ngoan, các con gái của bà Phan ở xa nên bà thương Lệ như con, nó hay mua những món quà nho nhỏ cho bà và học bà cách nấu ăn, khi nào các chị em về nó đều có mặt giúp bà nấu món nọ món kia, cả nhà lúc nào cũng vui vẻ. Ông bà Phan cảm thấy hạnh phúc rất nhiều, bà nói với ông lúc ở Việt Nam bà không bao giờ tưởng tượng ra được có ngày sung sướng như hôm nay, con Tư ra trường dược đi làm được một thời gian rồi, sang năm sẽ lấy chồng và thằng Sáu cũng sắp ra đại học.

 

                        Lê Mỹ Hoàn

May 26, 2020