Việt Nam Cộng Hòa: Từ phát thanh Saigon đến truyền hình- Đào Hiếu Thảo

                                           

Việt Nam Cộng Hòa:  Từ phát thanh Saigon đến truyền hình

                                            Đào Hiếu Thảo

                                               

(Tưởng nhớ Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền 1927-2005, người thầy, bậc đàn anh khả kính đã dẫn dắt tôi, từ phòng vi âm khép kín của radio Saigon, ra trước ống kính và màn ảnh truyền hình băng tầng số 9 của Việt Nam Cộng Hòa)

 

Năm 1966

Tạm yên ổn, hài lòng với việc làm xướng ngôn viên tin tức-thời sự đài phát thanh Saigon, tôi tiếp tục theo học Ban Pháp Văn ở đại học Văn Khoa và mỗi tối kèm trẻ em tại tư gia, lợi tức hàng tháng gấp đôi lương bổng những công chức chính ngạch cấp thấp thời đó.

Cuộc đời với những bất ngờ mà con người không thể đoán hay lường trước được, sự đổi thay có khi mang lại may mắn, niềm vui, có lúc đưa đến vận rủi, tuyệt mệnh như ngày 30 tháng 4 đen năm 1975, khiến hàng trăm ngàn người không lâm cảnh tù đày thì cũng bị VC gạt gẫm hay xua đuổi đi “Vùng Kinh Tế Mới” sống kiếp như “trâu ngựa”, trăm ngàn người khác phải đi tìm đường sống bằng cách vượt biên, vượt biển để rồi bỏ xác thân trong rừng sâu, nước độc hay biển cả mênh mông chỉ vì hai chữ “Tự Do”.

Năm 1967 chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà muốn đưa tiếng nói đến  thôn quê, vùng duyên hải và tận miền sơn cước hẻo lánh nên đã kiện toàn hệ thống truyền thanh quốc gia với đài phát thanh trung ương Saigon và các thành phố lớn như Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Đông Hà… đều có đài phát thanh địa phương được thành lập…Tuy nhiên, theo sau Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Hoa Lục Địa, một số quốc gia láng giềng trong khu vực Á Châu cũng bắt đầu có truyền hình như Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan … nên để đáp ứng nhu cầu thông tin và phương tiện tuyên truyền, Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa quyết định thiết lập đài TV Saigon/ Băng Tầng số 9, đặt trụ sở tại đường Hồng Thập Tự, quận Nhất, nằm sát với cơ sở truyền hình của quân đội Hoa Kỳ.  

Từ cuối năm 1967, mỗi tối có chương trình phát hình đen trắng do quân lực Hoa Kỳ thực hiện bằng tiếng Anh phục vụ các quân nhân Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Chương trình thường kéo dài vài giờ đồng hồ, phát từ phi cơ của không lực Hoa Kỳ, với phần tin tức, thời sự cùng các tiết mục ca nhạc, giải trí và phim ảnh.

 

 

Trong giai đoạn sơ khai TV Saigon (THVN 9) được các chuyên viên Hoa Kỳ yểm trợ về cơ sở, trang bị, đào tạo nhân viên chuyên môn và cố vấn kỹ thuật.

 

Ban Xướng Ngôn Viên của Đài Truyền Hình Saigon năm 1972

Thành phần xướng ngôn viên tin tức thời sự đa số do đài phát thanh Saigon tăng phái, một số ít tuyển từ bên ngoài. Các anh chị từ radio được cử sang TV có anh Hồng Phúc, Trần Nam và chị Mai Liên.

Thời đó, bên hệ thống A đài phát thanh Saigon, tôi phụ trách đọc tin tức thời sự live (trực tiếp) và mỗi khi trên hệ thống C – Sở Ngoại Ngữ cần người thay thế các đồng nghiệp, tạm thời đọc tin bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, tôi được giao phụ đọc các bản tin ấy.  Chương trình ngoại ngữ gồm các tiếng Hoa, Miên, Thái, Anh và Pháp, phát thanh trong vòng một tiếng đồng hồ hàng ngày mỗi buổi trưa và tối. Ngoài ra, cùng với các đồng nghiệp thâm niên công vụ tại đài phát thanh Saigon, mỗi trưa thứ ba hàng tuần, tôi được cử đến rạp Thống Nhất, đọc kết quả xổ số do Nha Xổ Số & Kiến Thiết Quốc Gia tổ chức, anh chị em  nhận được món thù lao “nặng tay” vào những dịp đó.

Khi còn sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử ở chùa Giác Minh, Quận 3 Saigon vào những chiều chủ nhật, tôi thường thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến thăm và hầu chuyện cùng quý Thầy, nhà ông cũng gần chùa, trên đường Phan Thanh Giản.   

Khi có trình diễn văn nghệ trước công chúng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền thường hướng dẫn chúng tôi tận tình từng chi tiết để chương trình được hoàn hảo như ý, vào dịp Đức Phật Thích Ca Đản Sinh, có khi các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Giác Minh được mời lên TV đóng góp tiết mục ca nhạc kịch thì ông lại lo đạo diễn và sắp đặt cho chúng tôi từng bước một. Trong các buổi xuất hiện trên TV Saigon, tôi thường được phân công là người MC và cùng với các anh chị Huynh Trưởng khác hướng dẫn các tiết mục văn nghệ: hợp ca, đơn ca, hoà tấu nhạc, thoại kịch, ảo thuật, biểu diễn võ thuật…

Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh hoạt văn nghệ rất sớm từ khi còn sinh sống ở Hà Nội, năm 1950, mới 23 tuổi ông là nhạc trưởng ban nhạc “Hotel de Paris”. Di cư vào Nam năm 1954, ông đã phục vụ Ngành Chiến Tranh Tâm Lý, các Bộ Thông Tin, Dân Vận & Chiêu Hồi rồi Xây Dựng Nông Thôn. Tại Đài Phát Thanh Saigon ông giữ chức Chánh Sở Chương Trình kiêm Quản Đốc chương trình phát thanh Thương mại. Năm 1968, ông được cử sang TV Saigon làm Phụ tá Giám đốc cho ông Trần Văn Bửu, một chuyên gia truyền thông từng được đào tạo ở Pháp.

Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền để lại cho đời được ưa chuộng là: Anh Cho Em Mùa Xuân, Hoa Bướm Ngày Xưa, Nghìn Năm Mây Bay, Tìm Đâu (1961, tặng ca sĩ Lệ Thu) Về Đây Nghe Anh (soạn chung với Nhật Bằng), Bước Chân Dĩ Vãng, Tiếng Hát Học Trò, Thầm Ước, Ân Tình Lên Ngôi, Buồn Ga Nhỏ

Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền

Ngay sau khi nhận lãnh trách vụ mới, ông xúc tiến kế hoạch kiện toàn, cải tiến nội dung chương trình THVN để thu hút sự theo dõi của khán giả trên toàn quốc, trong kế hoạch chánh phủ quốc gia đang đẩy mạnh chiến dịch “đấu tranh chính trị” với cộng sản miền Bắc.  

Bộ mặt chính của TV Saigon cũng cần được tăng cường kịp thời mà ưu tiên là tuyển dụng thêm xướng ngôn viên tin tức thời sự, bình luận thời cuộc, đặc biệt nam giới và nói giọng Miền Nam là cần thiết trước khi TV Saigon tăng giờ phát hình từ 6 giờ chiều đến 11 giờ 30 hằng đêm.  Nhân viên tân tuyển lúc bấy giờ có quý chị Phan Tuỳ, Hoàng Lê Hợp, Lệ Hoa, Oanh Oanh, Nguyễn Trịnh Thị Thứ và các anh Nguyễn Đình Khánh, Trần Công Việt.

May mắn cho tôi, theo đánh giá của “Anh Hiền” tức Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền thì tôi là một ứng viên có đầy đủ điều kiện, nhưng ông không nói rõ vì sao.  “Anh Hiền” và “em” là cách xưng hô thân mật giữa ông và tôi từ khi biết ông ở radio Saigon và tại chùa Giác Minh đến mãi về sau, dù ông đáng tuổi cha, chú của mình.

Với tôi, khi được biệt phái sang TV mùa Xuân 1968 ngay sau cuộc tổng công kích của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân, là một thay đổi hoàn toàn bất ngờ, một dịp may bằng vàng, vô cùng hiếm có cho một xướng ngôn viên phát thanh trẻ yêu nghề, hăng hái với công việc, nhưng âm thầm không tên tuổi.  Lúc ấy, chuyện giới thiệu tên họ người trình bày tin tức, phóng sự vào mỗi đầu giờ, qua các chương trình radio là không cần thiết.

Thủ tục tuyển dụng rất đơn giản, tôi được anh Hiền đưa từ đài phát thanh qua truyền hình, tuy chỉ cách nhau trên một km, nhưng đoạn đường ngắn ngủi đó đã thay đổi cả đời tôi và cái duyên, cái nghiệp trong ngành truyền thông đã đưa tôi vào một ngã rẽ mà có nằm mơ tôi cũng chả dám kỳ vọng đến.

Sau này vào những năm 1972, 1973 đã từng có cả ngàn thí sinh dự thi những cuộc thi tuyển xướng ngôn viên tin tức, thời sự cho đài truyền hình Saigon, trong số đó chỉ có vài đồng nghiệp được chọn. Tính đến 30 tháng 4 năm 1975, ngày miền Nam tự do bị xoá tên, Hệ Thống Truyền Hình Saigon/ Băng Tầng 9 chỉ có tổng cộng 16 nam nữ xướng ngôn viên, do anh Trần Nam làm Trưởng Ban.

Công việc chính của tôi ở đài phát thanh và truyền hình Saigon là đọc tin tức-thời sự live, nội dung các bản tin quốc nội-quốc ngoại, bài bình luận, xã luận, nhận định, phóng sự do các biên tập viên, phóng viên biên soạn và chuyển về từ bốn Vùng Chiến Thuật. Bản tin thông thường được đánh máy trừ khi gấp rút, bất thình lình thì mới viết bằng tay. Mặc dù những bản tin chính rất dài, từ 30 đến 45 phút, nhưng do thói quen, sự may mắn, chuyện đọc sai sót, vấp váp hầu như không hề xảy ra, có thể vì  nhanh mắt mà cũng có thể vì tôi được “Ông Tổ” đãi ngộ.

Từ Phủ Tổng Thống, Phủ Thủ Tướng và Bộ Thông Tin (sau này là Bộ Dân Vận & Chiêu Hồi) có những phần hành luôn theo dõi nội dung các bản tin, các chương trình radio & TV một cách sát sao, mỗi khi có sai sót là bị khiển trách theo hệ thống từ trên xuống dưới, tái phạm có thể bị cho thôi việc.

Năm ấy, với tuổi đời mới hơn 20, tôi làm nhiều công việc cùng một lúc, bây giờ tôi vẫn không thể hiểu sao mà mình có thể cáng đáng nổi, vừa học ở Văn Khoa, đọc tin đài phát thanh Saigon, đài truyền hình Băng Tần số 9 và còn đi dạy kèm trẻ ở tư gia.  Cứ luân phiên, ở đài phát thanh, tôi làm ca đêm từ 7 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau.  TV thì từ 6 giờ chiều đến 11 giờ 30 đêm và làm một đêm, thì được nghỉ hai đêm kế đó.

Nội dung chương trình TV Saigon thời ấy gồm có: thông báo, tin ngắn, tin thời tiết,  tin quốc nội, quốc ngoại, tin chiến sự, bình luận, phóng sự, điểm báo, ca nhạc tân cổ, cải lương, hát bộ, các chương trình văn học, nghệ thuật, xã hội, tìm hiểu về cuộc sống “muôn màu và quanh ta”… Phần lớn thời lượng được dành để phổ biến đường lối, chính sách quốc gia, hoạt động của vị nguyên thủ, cấp lãnh đạo hành pháp, lập pháp và chỉ huy quân lực.

Cái duyên, cái nghiệp với truyền thông phải gián đoạn vì khi đợt Tổng Công Kích Tết Mậu Thân đầu xuân 1968 bất thành, ít tháng sau, cộng sản Bắc Việt lại mở những đợt tấn công dồn dập khác, gây tổn thất nặng cho quân dân Miền Nam, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh tổng động viên, gia tăng khả năng quốc phòng, cải tiến quân đội, hầu đẩy lui làn sóng xâm nhập và lấn chiếm của đối phương phía Bắc.  

Dù hội đủ điều kiện được miễn dịch vì lý do nghề nghiệp và gia cảnh, nhưng vì muốn một nếp sống mới, muốn xa Saigon, muốn cơ hội du học Hoa Kỳ, tôi quyết định xin gia nhập Không Quân vào tháng 9, năm Mậu Thân 1968,  theo lời kêu gọi “Tòng Quân, Giúp Nước, Diệt Cộng” của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa.

1974

Song song với điểm đậu cao của những môn học khác, nhờ được trực tiếp tham gia vào việc truyền tải tin tức hàng ngày, tôi đã nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và trình bày trọn vẹn về “Phần tin tức, thời sự” trên Hệ Thống Truyền Hình & Điện Ảnh Việt Nam trong đề tài cho luận văn tốt nghiệp cử nhân báo chí tại đại học Vạn Hạnh (niên khóa 1973-1974).  Luận án này một phần nào đã giúp cho tôi được chấm đậu thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp.

Năm 2002, gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Hiền tại vùng thủ đô Washington  khi ông về đây, ở lại nhà tôi để tham dự một buổi trình diễn văn nghệ, mục đích vinh danh ông. Trong câu chuyện thầy trò tâm tình nhạc sĩ Nguyễn Hiền cho tôi biết: cái quyết định “năm xưa đó là chỉ thị của Phủ Đầu Rồng” cần có một nam xướng ngôn viên tin tức thời sự, với giọng miền Nam, nên “anh đã chọn Thảo và được Trên chấp thuận ngay”.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời tri ân chân thành đến Hương Linh Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Anh đã gầy dựng cho tôi một chỗ đứng trong ngành truyền thông suốt mấy chục năm từ Saigon qua Bruxelles đến Washington, mà cho tới hôm nay tôi vẫn còn được đóng góp tiếng nói phục vụ cộng đồng Việt Nam khi cần đến.

Lần chia tay với quý thính gỉa RFA để nghỉ hưu, kết thúc buổi phát thanh sáng thứ 7, 26 tháng 5, 2012, vì nhớ người Thầy, người Anh, tôi đã mời bà con nghe sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ  Nguyễn Hiền “ Anh Cho Em Mùa Xuân” qua tiếng hát Hồ Hoàng Yến.

Một lần nữa, xin chân thành biết ơn và tưởng nhớ Huynh Trưởng, Nhạc Sĩ  Nguyễn Hiền kính mến và cũng cảm tạ quý đọc giả đã đến với chúng tôi qua những lời tâm tình này.

                                      Đào Hiếu Thảo/Th2

 

January 28, 2021