Có Phải Là Tình Đầu- Võ Hương Phố

Có Phải Là Tình Đầu

 

 

             Đêm chìm sâu trong bóng tối đen thẳm. Âm thanh trong đêm khuya chỉ còn lại tiếng động nhẹ và đều của chiếc đồng hồ treo tường. C tiếng thở dài và than nho nhỏ của mẹ tôi kẻo sợ con gái thức giấc: “Biết rứa! Mình không để cho con học đại học. Học xong thì cũng chỉ cầm cày cầm cuốc! “

             Nằm sát bên con, mẹ tôi lặng lẽ chảy từng giọt nước mắt trên chiếc gối cũ khi nhận biết những cử động mệt mỏi khi tôi trở mình, rồi nghe những tiếng rên đau nhức vì những vết bỏng đỏ rát trên hai bàn tay mịn màng của con mình.

           Sau mười ngày dưới cái nắng thiêu đốt của công trường thủy lợi Nam Sông Hương, từng nhóm đông của lớp thanh niên phường khóm như những đám kiến khập khểnh khiêng từng viên đá khổng lồ, thông đường cho giòng nước từ con song Hương lớn để đưa nước vào vùng đồng bằng. Một công trình mà kết quả chỉ là những vũng nước nhỏ đọng lại bên chân núi sau những cơn mưa mùa hạ. Tôi được gọi lên đài kiểm soát của công trình để nhận phép trở về lại nhà vì được lệnh gọi bổ nhiệm.   

              Giấy gọi bổ dụng được gửi về sau một năm chờ đợi. Cả một năm tôi quên mình để thành một người mới, để được xếp loại tốt cho một hồ sơ mới. Giấy bổ nhiệm nay chỉ là tờ giấy có in cái khuôn dấu mới. Lời chúc mừng của người cán bộ chủ nhiệm phòng nhân viên của sở Giáo dục Thành phố Huế như những luận điệu quen thuộc hàng ngày khi tôi sinh hoạt tại địa phương. Điều phủ dụ người sinh viên ngành sư phạm 4 năm vừa tốt nghiệp là phải lao động tốt, học tập tốt để cho chính mình mau được bổ nhiệm, cho gia đình được ở lại thành phố, và cho cha mình sớm được trở về từ những dãy nhà lộng gió núi, đó là dãy nhà lá thô sơ đã được vội vã dựng lên.

 

          Thế là tôi đã quăng mình vào những hoạt động, công tác phường phố. “Học tập tốt, lao động tốt.” Cái tốt không biết phải định nghĩa, xác định như thế nào. Dù tôi đã học xong và làm tốt lao động ở trường rồi. Còn danh từ tổ dân phố, khu phố… , thôi kệ, cứ lăn xả, lao vào. Mơ ước về thế giới lý tưởng cho người sinh viên đã bị bôi xoá trên trang giấy.

            Tà áo dài lụa láng sinh viên tôi thường hay mặc nay lại nhường ngôi cho những chiếc áo ngắn cụt bà ba. Chiếc quần dài satin đen, nay quấn tròn cao quá gối của đôi chân thon để nhúng vào bãi sình thuỷ lợi. Rồi lại trèo núi trồng cây xanh, đào hồ nuôi cá, ôm những hòn đá núi vỡ vụn để ngăn đập đưa nước về. Tuổi trẻ và hố bùn thuỷ lợi như gần nhau hơn. Ngày như dài thêm với bầu trời đầy nắng cháy hai vai. Đêm đến là những lời thở than cùng mẹ. Tôi chỉ nghĩ về những thiếu thốn cho cả nhà khi cố dè xẻn để bới xách cho ba mà chỉ một mình mẹ lo toan. Cái vốn chữ nghĩa đành phải chịu cho số phận cùn quặt. Trước mắt chỉ là một mớ rau xanh, nồi cơm nấu chung với ngô khoai để mưu sinh. Từ nay, đối mặt với tôi là cả một trường tranh đấu với cuộc sống mới.

 

 

        Tờ giấy gọi bổ nhiệm như một tia nắng mong manh. Tôi bỗng thấy một số phận mới bắt đầu gắn liền với cuộc đời mình từ đây. Số bạn cùng khóa đều đã bị đưa đi xa, có đứa lên tận vùng cao, nhiều đứa lại ra tận vùng xa của cuối miền Trung giáp sát miền Bắc. Phần tôi, vì cái vận vẫn còn may mắn hay số điểm ra trường khá hơn các bạn nên được ở giữa miền Trung. Một vùng quê xa thành phố Huế khoảng ba tiếng đồng hồ bằng xe đạp. Đó là nơi tôi phải đến, không còn một chọn lựa nào hơn.

            Chiếc áo dài lụa tím than lại được khoác lên lại cái dáng mảnh mai dịu dàng. Những dấu vết nắng gió của công trường nhạt dần trên khuôn mặt . Đuôi tóc cột cao lại được thả dài đổ xuống đến ngang lưng quấn quýt theo hai tà áo. Ngày đến trình diện đầu tiên tại trường, tôi như lạc lỏng trong chiếc áo dài sinh viên. Chung quanh toàn những chiếc áo ngắn bạc màu, tay xắn cao, chiếc quần tây dày cộm che kín nét mềm phụ nữ. Những tia mắt xa lạ của người mới. Những làn sóng mắt gần gũi của đám thầy giáo cũ, những gì đã qua, nay nhớ, bỗng quen thuộc, bỗng gần gũi. Hiệu trưởng Thịnh, vẻ vui mừng sáng hẳn khuôn mặt nông dân chỉ trang bị với số vốn tri thức sư phạm 7 cọng 3, tuyên bố bằng một  giọng nặng địa phương với hội đồng giáo viên trong buổi họp:

            – Trường ta hôm nay có thêm một nữ giáo viên “bề” lắm!

             Một cú đập nhẹ nhàng vào buổi họp hội đồng giáo viên lần này. Mọi người như lạ lùng vì sự xuất hiện của một dáng dấp còn đậm dấu phố phường. Căn phòng họp phảng phất những vạt nắng vàng trên tà áo lụa của sân trường đại học. Không gian quạnh quẽ xa vắng của ngôi trường trung học nhà quê bỗng dưng dậy sáng. Trường chỉ có một lớp 10, tôi được nhận lớp. Còn lại là những lớp của cấp hai. Chiếc áo dài tím mong manh lại có sức tỏa mạnh, thu hút cả đội ngũ giáo viên ngay từ phút đầu.

         Vào nhận lớp mới, cô giáo mới rụt rè như học sinh mới. Lớp học cũ cùng bàn ghế cũ, cùng những khuôn mặt ngây thơ rám nắng của đám học trò có nam có nữ. Học trò con gái nhìn nhau, rồi mở to mắt lạ lẩm nhìn cô giáo mới toanh. Cô giáo mới ngại ngùng nhìn học trò để làm quen lớp. Tiếng ong nhao nhao:

            – Cô ơi, cô chủ nhiệm lớp tụi em đi cô.

            – Cô ơi, cô đừng chọn lớp khác nghe cô.

            – Cô ơi, cô mặc áo dài đẹp quá.

            – Cô dạy xong tụi em dẫn cô đi nhổ sắn.

            Cơn gió đầu thu lung lay ngọn lúa. Tia nắng vàng nhảy nhót đến tận chân trời mới thật xa lạ đối với cô gái về từ chốn thành thị. Hương mùi sửa lúa non theo những làn gió đồng nội mênh mang, thoảng qua sân trường trống trãi không một gốc bàng già hay hàng phượng xanh trong nắng. Đám học sinh nhà quê lếch thếch với chiếc khăn quàng đỏ, áo sơ mi trắng nhuốm màu đất đang xếp hàng chờ đợi vào lớp. Nhóm thầy cô mới từ phía bên kia giòng sông, ồn ào, nói cười như cơn lũ ào ạt cuốn trôi những phẳng lặng, bình yên của ngày nào. Còn tôi và nhóm thầy cô cũ, thuộc diện “lưu dung” cùng vẽ ưu tư nặng chĩu. Cúi đầu nhận chịu. Đầu hàng một vận mệnh. Và rồi tình yêu vẫn nở hoa trong một góc đời mới cuả một cô gái trẻ.

 

Mối tình thứ ba.

 

            Có một nhà thơ lớn đã từng định nghĩa tình yêu:

 

                         Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

                        Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

                        Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

                       Bằng hương nhè nhẹ gió hiu hiu.

                                                                   XD

 

             Tôi nhận ra được một điều gì đó như cơn gió hiu hiu thổi vào hồn đứa học trò lớp 10 của tôi chủ nhiệm.

            Một sáng cuối thu. Bầu trời trong xanh và cao. Tôi mặc chiếc áo lụa màu xanh của da trời. Nắng thu bám dịu dàng trên vạt áo dài lụa của tôi. Gió thu lãng mạn xôn xao trên tóc tôi. Món trang sức độc nhất của tôi là sợi dây chuyền bạc mảnh như sợi tóc xâu qua một viên đá trong veo như giọt nước có khắc hai chữ tắt tên tôi. Thật đẹp đối với tôi. Món quà này do ba tôi đẽo gọt trong những phút giải lao ngoài rừng vắng cùng nhóm bạn tù. Bầu trời xanh trong rơi trên vạt áo dài của cô giáo trẻ đang đến lớp dạy làm cho màu áo xanh hơn. Chút gì xôn xao trong tim tôi cùng trời và vạn vật. Nụ cười cùng đám học sinh nữ chưa nở tròn khi tôi vừa đặt chân lên bực thềm của lớp học, đám nữ sinh nhốn nháo nhìn tôi vẻ lo sợ như muốn báo cho tôi một điều gì lạ xảy ra trong lớp.

            Tôi bước vội vào căn phòng lớp. Nhìn quanh tất cả đều ngay ngắn sạch bóng, chiếc ghế của thầy cô vẫn im lìm bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Đập mạnh vào mắt tôi, trên tấm bảng đen vừa được chùi sạch đen bóng bằng lá rau khoai lang ngày hôm qua, hình vẽ bằng phấn trắng lớn choáng cả tấm bảng, nổi rõ lên một vóc dáng sau lưng của một cô gái. Mái tóc dài đến thắt lưng, hai tà áo dài tha thướt ẻo lả, bay chập chờn theo dáng đứng trên chiếc cầu gỗ, tay tỳ nhẹ vào thành cầu lơ lững. Nét vẽ bằng những đường phấn trắng thô sơ, nhưng đầy vẻ linh động của người con gái tóc dài mặc chiếc áo dài lụa mảnh mai trong gió. Cô gái đó là tôi! Là tôi đó hay sao! Chỉ mình tôi mới mặc áo lụa trong cõi vắng ngắt này! Mấy đứa con gái nhao nhao:

            – Thưa cô, trò Hậu vẽ cô đó.

            – Trò nớ đã đến sớm cả tiếng để vẽ đó cô.

            Tôi cố làm nghiêm mặt, lạnh lùng bảo đứa học sinh trực:

            – Em chùi sạch cho cô. Cuối buổi học sáng nay, em nào đã vẽ thì ở lại lớp thêm vài phút đợi cô.

            Hình vẽ được chùi sạch, tôi chợt thấy mình nhói đau cho một xoá tan. Xót xa tiếc thầm cho chính tôi vì hình ảnh của tôi chợt hiện rồi chợt biến. Tôi có còn vĩnh viễn trong lòng của một đứa học trò với những bùng vỡ khi đã bị bôi xoá? Tôi thừa biết tác giả của hình vẽ là Hậu. Hậu là con trai độc nhất của một xã trưởng vùng này, nhà khá giả, lại đóng góp nhiều cho chính quyền địa phương nên có uy thế trong làng. Hậu lại là thuộc loại học sinh giỏi, có khiếu vẽ dù trường không có lớp dạy vẽ. Vẽ chỉ là thiên phú của Hậu.

            Cuối buổi học, Hậu ở lại chờ tôi ngay tại cánh cửa lớp mở rộng.

            Tôi chỉ nói nhẹ nhàng với Hậu:

            – Khi nào em muốn vẽ ai thì chỉ nên vẽ vào giấy, sẽ giữ mãi được. Còn vẽ vào bảng đen thì sẽ bị chùi mất, uổng công của em.

            Hậu đưa hai tay xoa nhẹ lên hai vành tai đang đỏ ửng, mặt vụt hồng lên cùng những hạt mụn cám nho nhỏ trên làn da nâu sáng. Những dấu vết của tuổi thanh niên nông thôn đến sớm trên những vòng bắp thịt cuộn cứng làm chật bó đôi tay áo ngắn. Hậu nói nhỏ, tiếng lí nhí trong ngượng ngùng:

            – Em xin lỗi cô. Nhưng…tại vì ngày hôm qua lên lớp cô mặc đồ tây.

            Tôi cố thản nhiên:

            – À, ngày hôm qua, mấy cái áo dài lụa cô không kịp ủi nên đành mặc tạm đồ tây vậy.

            Hậu có vẻ lúng túng trong một điều gì, mặc đỏ lên rồi mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt tôi nói vội:

            – Hậu vẽ cô vì giận cô. Hậu chỉ thích cô mặc áo dài mãi mà thôi.

            Rồi Hậu quay mình phóng thẳng xuống bực thềm lớp, chạy vội ra phía cổng trường.

            Tôi ngơ ngẫn trông theo, chợt biết mình đã đánh mất một điều gì khó xác định, nhưng lại cảm thấy một niềm vui rất lạ lùng vừa chợt đến với tôi. Mùa xuân trong tôi bỗng dưng bật dậy, và tôi nhìn quanh, nơi đây không còn là một căn lớp học nghèo nàn nhếch nhác chốn thôn quê, mà là một vùng trời đầy nắng mai chan hoà màu sắc cùng tiếng chim kêu.

           Tôi trở về phòng trọ tập thể. Nỗi vui bất chợt làm tôi quýnh quáng, như rối hẳn lên. Những chiếc áo lụa màu yêu thương của tôi đã được Hậu chiêm ngưỡng đến giận dỗi khi tôi không mặc chúng nó. Tôi vội lục lấy cái bàn ủi than dưới góc giường, chạy xuống nhà bếp xin mấy cục than đỏ, quạt hồng những viên than đen đủi xấu xí như thổi bùng niềm vui của tôi. Và tôi vội ủi ngay lại mấy chiếc áo dài lụa màu cho láng thêm. Tôi cố hình dung lại những ánh mắt si mê của đứa học trò nam mỗi lần tôi đứng trên chiếc bục giảng bằng gỗ. Những chiếc áo dài tôi đã mặc, trong mắt Hậu chắc đã là một quyến rũ đầu đời cho nó.

            Buổi cơm trưa tập thể tôi đã quên lấy phần mình, chị cấp dưỡng nhà bếp ngạc nhiên :

            – Cô Hương có điều chi vui mà quên cả ăn. Lại còn buổi trưa nóng như ri mà đi ủi áo quần?

            – Em đang có chuyện vui đó chị ạ!

             Nhưng tôi lại cố không để lộ ra nỗi ray rức, lo lắng trong tôi. Hậu đã vắng học trong suốt cả tuần qua. Thêm vài ngày nữa, cha Hậu đến trường báo tin Hậu đã trúng tuyển vào trường Mỹ thuật Hà Nội và chuẩn bị vào trường mới.

 

             Tôi thường nhủ lòng: “Tình yêu là một loài ngọc trân quý, mình hãy cất giữ, như một gia sản riêng cho đời mình.”  Với đứa học trò này, tuổi trẻ của nó có bầu máu nóng thịnh vượng, sôi sục. Cái đốt cháy rồi bùng nổ sẽ mau tàn rụi. Hậu đã mạnh dạn thổ lộ, như thú thật vào mắt tôi để tôi nhìn thấy được gì trong trái tim chớm yêu của đứa học sinh. Và tôi đã cất giữ. Mai này, Hậu sẽ gặp đúng đối tượng của nó, Hậu sẽ hiểu được tình yêu có nghĩa là gì khi một cơn gió hiu hiu đã đi qua đời mình.

            Tôi lại lật qua trang giấy khác, sau khi viết đậm nét hàng chữ: “Tình đầu trên những tà áo lụa là tình không biên giới.”

 

Võ Hương Phố

Trích trong tập Bút ký, Áo Lụa Bên Đường và Những Mối Tình của Tôi ”

January 28, 2021