Vào Nam
Sao Khuê
Tôi ra đời ở một làng nhỏ, làng Trình Phố thuộc tỉnh Thái Bình. Tôi sinh ra và lớn lên theo chiến tranh giữa Việt Minh và quân Pháp. Dù còn nhỏ nhưng tôi sợ cả hai. Mỗi lần quân Pháp về làng là chúng đốt nhà, bắt gia súc và hãm hiếp đàn bà. Căn nhà nhỏ xíu của ba mẹ tôi ở làng Đồng Xâm bị chúng đốt cháy chỉ vì thích đốt, đốt vô tội vạ như trẻ con đốt một con thuyền gấp bằng giấy. Các cô tôi phải trốn dưới ao, trong chiếc chum lớn ủ mạ lúa, trong đống rơm ngoài chuồng bò khi quân Lê Dương, thường là Maroc, Algérie đi hành quân. Còn Việt Minh? Với bộ quần áo nâu, mã tấu sáng loáng, hàm răng vổ, họ về làng ban đêm, bắt người đem đi chặt đầu rồi ghim trên ngực một bản án. Ba tôi may mắn thoát chết chỉ vì tình cờ về thăm ông bà nội tôi vào đêm mà Việt Minh tìm bắt ông Lý trưởng và ba tôi để giết.
Tối đó, tôi đứng khép nép bên mẹ tôi nghe người ta quát tháo:
– Anh ấy đâu, bảo ra trình diện!
– Dạ thưa ba các cháu không có nhà.
– Chị đừng có nói láo – Tụi kia, lục soát!
– Anh ấy trốn đâu?
– Dạ thưa sáng nay, ba…
– Ba cái gì mà ba, bố thì gọi là bố, bầy đặt ba với me, đồ vong bản. Anh ấy đi đâu?
– Dạ, ba…dạ bố các cháu về thăm ông bà nội cháu.
– Bao giờ về?
– Dạ tôi không rõ, ông nội cháu ốm nên không biết bao giờ bố cháu mới về
– Khi nào về bảo ra trụ sở trình diện!-Thưa vâng.
Sau đó họ kéo nhau qua nhà ông Lý trưởng ở kế bên và sáng hôm sau người ta thấy xác ông Lý bị chém, thả trôi trên sông Trà Lý.
Họ còn giết nhiều người, có khi chỉ vì ghen ghét cá nhân từ hồi nảo hồi nào bằng cách vu cho người ta là Việt gian rồi chặt đầu, rồi thả xuống sông. Những con tôm rỉa xác người nên sinh nhiều lớn mạnh, con nào cũng to nhưng không ai dám ăn nữa cả.
Mẹ tôi nhắn tin về Trình Phố và từ đó ba tôi đi thẳng ra tỉnh, mẹ tôi cũng bỏ nhà, bỏ ruộng dẫn em gái tôi ra theo. Các cô tôi cũng từ từ trốn ra tỉnh dẫn theo ông tôi. Tôi ở lại làng với bà nội.
Dần dần Việt Minh kiểm soát được nhiều làng, nhiều xã. Dân chúng cũng từ từ rời làng ra tỉnh. Đại gia đình chúng tôi may mắn ra khỏi luỹ tre xanh của làng Trình Phố để ra tỉnh Thái Bình. Tôi và bà nội đi đợt cuối cùng nên khi ra đến nơi, lúc đó tôi được chín tuổi, thì mọi việc đã đâu vào đó. Người lớn có công ăn việc làm, trẻ con đã vào lớp học.
Ông nội tôi ở với cô Tư và hai cô Út, cô Lộc và cô Phúc. Bà nội tôi ở với bác Cả và tám anh chị trong căn phố đối diện, bên kia đường Lý Thừơng Kiệt. Bác tôi mua hay thuê một khỏang đất rộng trong hẻm cạnh nhà cô Tư, cất được ba ngôi nhà nhỏ cho cô Năm, bác Vựng em bác gái, nhà tôi và bác tôi dựng nên một ngôi trường có bốn gian gọi là trường trung học Trần Lãm cho bốn lớp học là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ.
Bác Cả và ba tôi dạy học ở trường Trần Lãm. Trường cũ ở làng Trình Phố cũng do bác tôi dựng lên mang tên trung học Bùi Viện đã đóng cửa. Bác tôi chọn hai tên Bùi Viện và Trần Lãm vì Trình Phố là quê hương của cụ Bùi Viện, cụ làm quan và đã đi sứ sang Mỹ, còn sứ quân Trần Lãm tức Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu tức Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình, là chủ tướng của Đinh Bộ Lĩnh, người đã thống nhất 12 sứ quân rồi lên làm vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng mà nhà tôi thì họ Đinh.
Tiền dạy học không nhiều nên ông bà ngoại tôi gửi tiền bạc hoa xoè giữ được từ xưa ra tiếp tế thêm. Chị lớn của mẹ tôi thường đội một thúng gạo trong có dấu tiền đúc từ Pháp bằng bạc ra cho mẹ tôi bán. Sau 1954 bác tôi bị đấu tố, bị treo ngược đầu xuống đất để chúng khảo của vì ông ngoại tôi có tiếng giầu có trước kia.
Năm 1954
Hơn một năm trôi qua. Tôi đã học xong lớp nhì và đang nghỉ hè.
Rạng ngày 19 tháng 7 năm 1954, chúng tôi đang say ngủ thì có tiếng súng, tiếng bom đạn ầm ầm. Mẹ tôi giao cho tôi một tay nải có bộ quần áo và cô em nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Hai chị em lúp xúp chạy theo bố mẹ và cậu em hơn một tuổi ra bến xe. Nhà bác Cả đã ở đó cùng với bà nội. Ông nội đã theo các cô ra Hà Nội trước đó. Nhà cô Năm cũng đi trước cả tháng vì chú Năm đi theo sở làm. Mọi người trong tỉnh ùn ùn ra bến xe, tìm cách chạy sang Nam Định. Khi chúng tôi tới nơi, chỉ còn lại ba chiếc xe đò. Chúng tôi leo lên chiếc xe có tài xế ngồi nơi tay lái và có cả gia đình ông ấy, chắc mẩm là chạy thoát nhưng than ôi, một ông lính dơ trái lựu đạn ra ép tài xế phải sang lái chiếc xe có gia đình ông ta. Bác Cả và ba tôi chỉ kịp chạy theo chiếc xe đó, bỏ lại vợ con, bám vào tay vịn, đứng một chân trên càng xe mà tới được Nam Định, sau đó ra Hải Phòng, nơi chú Bẩy tôi sinh sống từ năm ngoái, 1953, khi chú thím rời chiến khu vào thành. Trước khi ra Hải Phòng chú thím có ghé chào ông bà nội, chú tôi rất đẹp trai như Tây lai. Cao lớn, trắng trẻo, mày rậm, mắt to, mũi cao, chú đẹp nhất nhà. Các cô chú tôi ai cũng cao lớn lại có vẻ như lai Tây, trừ chú Út .
Trở lại với hai gia đình lúc nào cũng chậm lụt là mẹ tôi với ba con, bác gái với tám anh chị và bà nội, chúng tôi rời xe và chia tay, tìm đường về bên ngoại. Mẹ tôi dẫn chúng tôi về Phụng Thượng. Xe đò chạy ngang một trại lính, chắc vừa giao tranh nên có nhiều người vừa chết, còn đang mặc quần áo tử tế, có lẽ sửa soạn chạy trốn thì bị giết. Có một bé trai chừng 6 ,7 tuổi trông khôi ngô, nằm chết tình cờ, nằm chết như mơ in vào đầu tôi đến bây giờ. Xe chạy đến bờ sông thì ngừng lại, không có cầu qua sông. Mẹ tôi phải thuê người ta cõng từng đứa lội qua. Ông ngoại tôi vừa mất ngày đưa ông Táo về trời, bà ngoại đã được các cậu dẫn ra Hà Nội và sau đó đưa vào Nam nên không bị đấu tố.
Chúng tôi ở nhà bác được vài ngày thì chính phủ Việt Minh ra lệnh
ai về nhà nấy vì nước nhà đã được độc lập. Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève Thuỵ Sĩ, một ngày sau khi Việt Cộng đánh và chiếm được tỉnh Thái Bình, đã chia Việt Nam ra làm hai phần bằng vĩ tuyến thứ 17, phía Bắc theo chế độ Cộng Sản do Việt Minh kiểm soát và miền Nam, do quốc trưởng Bảo Đại trách nhiệm
Chúng tôi trở về nhà, may mắn còn nguyên. Bố tôi có nuôi hai chị là chị Nụ và em là chị Bằng. Chị Nụ đã được cho về nhà lấy chồng, chị Bằng trong lúc lộn xộn chạy về quê chị nhưng sau đó trở lại xin ở tiếp.
Từ đó chị Bằng trông coi ba đứa chúng tôi mới 10, 6,và 2 tuổi khi mẹ tôi cùng bác Cả đi buôn. Bác Cả gái và mẹ tôi xin được giấy phép đi lại Thái Bình-Hà Nội để mua vải, thuốc Tây về bán. Bà nội tôi dựng cái sạp bán nón lá ngoài chợ. Hàng mua về thường bán lại ngay cho người bán lẻ nên mẹ tôi ít khi có nhà.
Lũ trẻ chúng tôi được lệnh phải tham gia đội thiếu nhi bác Hồ, tối tối phải tập trung nghe giảng, nắm tay nhau ca hát, nhẩy sol đố mì. Những bài ca thường chỉ là nốt nhạc, không lời mà đến giờ, 65 năm tôi vẫn còn nhớ:
Rề rề sỉ rề son rê sí, sí sí xòn
Sí sí sòn sòn đố mí la, rê sí xòn sí đồ..đồ mi pha son.
Lần đầu phải nắm tay con trai, con bác tuỳ phái của trường Trần Lãm, tôi rất là ngượng ngùng xấu hổ. Các anh chị em tôi chơi với nhau nhưng trai gái cũng không nắm tay nhau.
Cái trò trai gái gần nhau, nắm tay múa hát rất được thanh thiếu niên ủng hộ. Hồi nào đến giờ bị cha mẹ cấm đoán nay được bắt buộc chung chạ nên các anh chị sốt sắng đi hội họp. Dân chúng còn truyền nhau có thanh niên nọ mê nhảy mì sol, nên lúc leo trên bờ tường cũng nhảy rồi ngã xuống đất bể đầu và bà mẹ khóc con:
Người ta thì chết vì nước vì non
Con tôi thì chết vì sol đố mì…
Trước khi rút đi, quân Pháp đã thả bom, làm sập cầu Bo, chiếc cầu dẫn vào tỉnh, mục đích cản trở sự tiến quân của quân Việt Minh nhưng công binh của Việt Minh đã nhanh chóng dùng dây kẽm gai chăng từ đầu nọ sang đầu kia của cầu, rồi đặt những tấm ván lên cho người đi bộ qua lại. Cầu Bo biến thành chiếc võng lớn đung đưa theo cơn gió. Để đi lại trên đó nhiều người hoặc phải chạy nhanh hoặc bò. Nghe người lớn kháo nhau, tôi cũng tò mò leo lên cầu; kết quả là ngã lăn cù, lổm ngổm bò dậy, bò thêm một đoạn thì bò về, vì bò vẫn ngã mà còn chóng mặt quay cuồng …
Trường không mở, không có thầy, chẳng có trò nhưng toàn là bộ đội. Chính quyền lấy trường học Trần Lãm cho bộ đội trú quân. Họ nói tiếng gì trọ trẹ rất khó nghe, muốn hiểu tôi phải đoán hay hỏi lại, sau này tôi biết họ người Quảng, được chở thẳng từ chiến trường về đây. Họ không được về thăm nhà nên rất buồn và không biết gì mấy về hiệp định Genève cả. Họ mơ tưởng hòa bình thì được về quê sinh sống với cha mẹ vợ con. Họ thường hỏi tôi mượn cây chủi tức cái chổi quét nhà…
Các anh chị học trò không được đi học và cũng bị tụ tập như lũ trẻ chúng tôi.
Có một lần các anh chị kéo đến nhà tôi với cái xe ba bánh, chất nhiều sách:
– Thầy cô có nhà không ?
– Dạ không ạ, mẹ em đi buôn rồi, chỉ có ba đứa em ở nhà thôi chị ạ.
Các anh chị biết rõ nhà tôi vì nhà tôi sát trường, nên bỏ đi.
Tôi lật chiếu giường lấy ra quyển truyện thiếu nhi mượn được của bạn để đọc tiếp. Chị Diệm quay phứt lại, giằng lấy quyển truyện:
– Không được đọc sách Nguỵ. Tất cả đều là sách vở đồi truỵ phải đem nộp và đem đốt.
Tôi ngớ người, tiếc và lo không viết làm sao trả sách cho bạn tôi.
– Chị ơi, quyển này em mượn của bạn em, chị cho em xin lại để trả bạn em.
– Không được, tất cả đều phải đốt hết. Em cứ nói với bạn em như thế.
Tôi ghét chị thậm tệ, chị ra sau cùng mà còn ngoái lại, giựt quyển sách khỏi tay tôi. Đúng là cướp giựt…
Chúng tôi đang ăn cơm, mẹ tôi chia cho hai chị em tôi một quả trứng luộc. Chú bộ đội ngoài hiên, mẹ tôi vội vàng ấn hai nửa trứng xuống dưới bát cơm
– Nhà đang ăn cơm hả, ăn gì vậy?
Tôi nhanh trí dơ chén cơm không ra:
– Dạ, với muối ạ
– Ăn gạo trắng cơ à, nhà ta còn tiền mua gạo trắng hả, bóc lột ghê nhỉ.
– Dạ, không phải, hôm nay giỗ ông ngoại các cháu nên nhà mới cúng cơm trắng, mọi ngày ăn gạo hẩm với khoai …
Họ rình mò thế đấy, đến và đi bất chợt nên mình phải luôn luôn đề phòng. Tôi khôn hẳn ra nhưng là khôn vặt để đối phó với những rình mò chung quanh.
Theo tinh thần hiệp định Genève thì dân chúng, cán bộ, sinh viên…tức tất cả mọi người trong nước, dù miền Nam hay miền Bắc có 300 ngày để chọn lựa đi đâu, ở đâu, Nam hay Bắc của vĩ tuyến 17 tức hai bên dòng sông Bến Hải. Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến có đại biểu của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada sẽ nhận đơn, giải quyết, giúp đỡ cho việc dời chỗ ở. Dân từ Bắc vào Nam gọi là đi di cư, và ngược lại từ Nam ra Bắc là đi tập kết, với cái hẹn hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử, lấy ý toàn dân để đi đến thống nhất nước bất kể ý kiến của Việt Nam Cộng Hòa. Uỷ hội quốc tế đến Thái Bình. Có nhiều con đường bị rào dây kẽm gai, không cho dân vào, đó chính là nơi có bàn giấy thu đơn của Ủy Hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Họ rào và cấm dân tiếp xúc với Ủy Hội và chỉ dân đến địa điểm không có Ủy Hội nhưng ít người dám đến vì sợ bị điểm mặt ghi tên. Những người muốn di cư vào Nam phải tìm cách trốn ra Hà Nội hay Hải Phòng, từ đó sẽ có phương tiện như máy bay, tầu thuỷ do nhiều nước tự do trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp giúp đỡ để vào Nam, hoàn thành một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, hơn một triệu người đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ của cải ruộng vườn, bỏ cả cha mẹ anh chị em hay cả chồng vợ, con cái để về miền Nam tự do. Đó là một cái tát đau điếng cho chính quyền Việt Minh dù trước đó Việt Minh đã cho người đến nhiều nhà có máu mặt, nhiều gia sản ở Hà Nội hay Hải Phòng để khuyên can, hứa hẹn ưu đãi. Nhiều nhà mắc lừa đã ở lại vì tiếc của, nhưng đa số đã bán tống bán tháo để chạy, phải chạy Cộng Sản thôi.
Tôi có được đọc một hồi ký của chị N, chị là bạn thân của AK, bạn của tôi. Theo tôi, hồi ký vượt tuyến này rất có giá trị, tiếc là không được in ra phổ biến rộng rãi. Chị N kể rằng, gia đình chị sinh sống tại Hà Nội. Khi còn là học sinh chị đã từng tham gia biểu tình, hội kín của Việt Minh để chống Pháp. Gia đình chị giàu có, có máu mặt nên khi hiệp định Genève ký xong, Việt Minh cho người tiếp xúc với gia đình chị, kêu gọi ở lại xây dựng đất nước. Bỏ ngoài tai lời khuyến cáo, gia đình chị vô Nam; riêng chị, chị cương quyết ở lại với căn nhà lớn và chiếc xe hơi. Chỉ sau thời gian ngắn, chị N nhìn ra bộ mặt thật, độc tài đảng trị, lừa dối, gian xảo của Vẹm nên chị âm thầm tìm cách vượt tuyến. Bán nhà, bán xe làm vốn chị nhờ người dẫn sang Lào, xuống Miên để tới hòn ngọc Viễn đông. Trải qua bao gian khổ hiểm nguy, có khi tưởng chết, có lúc như bị bắt lại, cuối cùng chị N cũng thoát cái ách độc tài vừa quàng lên cổ.
Chú Vy, chồng của cô tôi cũng sống tại Hà Nội, cũng ở lại và sau cùng cũng trốn đi, đi bộ có, đi xe có, cũng con đường qua Lào, qua Miên để đến Sài Gòn. Chú Vy mê sách nên có một nhà sách. Chú dấu được và bán tất cả, mua từng sợi dây chuyền vàng, đeo vào cánh tay, thuê người dẫn đường, ăn bờ ngủ bụi để vào tới Sài gòn tìm gặp lại cô tôi, người con gái mỹ miều chú chỉ mới gặp một lần khi chạy tản cư. Cảm động mối tình si chung thuỷ nên cô tôi nhận lời lấy chú…
Chúng tôi cũng thế, chúng tôi phải lần lượt trốn đi vài tháng sau hiệp định thay vì theo đúng tinh thần hiệp định chúng tôi có quyền đi công khai tới Hải Phòng mà vào Nam. Nếu được đi công khai theo đúng tinh thần hiệp định, tôi nghĩ không phải 1 triệu mà có lẽ nửa số dân miền Bắc và nhất là những người đã từng sống thôn quê hay tỉnh thành, những vùng đã bị Việt Minh chiếm đóng, sẽ vào Nam.
Cuối năm trời se lạnh. Một sáng tinh mơ, mẹ đánh thức tôi dậy, đưa bộ quần áo và dẫn tôi đến nhà bà Tham. Tôi theo bà Tham và chú Đức đi bộ, rồi đi xe đò, rồi đi bộ, rồi đi thuyền qua sông rồi đi bộ… Bà Tham dẫn tôi trốn ra Hải Phòng. Chúng tôi phải đi vòng vo từ làng nọ sang làng kia để không tiết lộ mục tiêu cuối cùng: Hải Phòng, nên giữa trưa nắng chang chang, cổ khô, chân rũ rượi, chúng tôi vẫn phải nỗ lực đi tới, đi tới trong đói khát nhất là mỏi chân. Chúng tôi đến cảng Hải Phòng lúc đã tối mịt, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ. Hỏi thăm mãi chú Đức cũng tìm ra đường Cát Dài và ngõ Hải Hồng, có điều không biết là nhà nào mà vào nên vừa đi chú Đức vừa gọi to tên chú Bẩy
– Anh Bẩy ơi, anh Bẩy ơi….
Trong nhà chú Bẩy nghe tiếng gọi chạy vội ra. Bà Tham và chú Đức giao tôi cho chú Bẩy rồi vội bỏ đi tìm nhà bà con vì màn đêm đang buông xuống.
Một tháng sau, mẹ tôi nối gót ra Phòng với em trai. Họ không biết là tôi đã trốn đi và em gái tôi cùng bà nội còn ở lại nhà nên ủy ban ký giấy cho mẹ tôi đưa em trai đi thăm bố. Nhà cô Năm đối diện với nhà tôi được mẹ tôi nhường cho chị họ là bác Thái ở và bác Thái đã trông nhà khi mẹ tôi dẫn em gái đi.
Gia đình bác Cả tôi bằng cách nào không rõ cũng đã ra được cả Hải Phòng. Ở lại Thái Bình chỉ còn hai bà cháu ngày nào cũng ra chợ bán nón. Hà Nội lúc đó còn cho đi lại tự do dù đã giao cho chính quyền Việt Minh. Hà Nội đang rầm rộ tổ chức Liên hoan ăn mừng độc lập. Cô Út xin phép về Thái Bình rồi xin phép đưa bà và em tôi ra Hà Nội để xem liên hoan. Giao em tôi cho bố mẹ xong thì các cô và ông bà lên máy bay vào Nam.
Ở Hải Phòng, ba tôi thuê căn phòng nhỏ, gần nhà chú tôi. Nhà ở giữa, bên trái không xa hồ nước và bên phải gần đường rầy xe lửa Hà Nội-Hải Phòng. Hồ nước rất rộng và mẹ tôi thường sai tôi ra hồ giặt chiếu. Giặt chiếu trên hồ rất dễ, tôi ngồi kẹp hai chân trên ván cầu cho khỏi lăn tòm xuống nước, nằm rạp người sát mặt ván cầu, trải cả cái chiếu xuống nước, dùng bàn chải chà từng khúc, gấp lại, cứ thế mà tiếp tục đến khi hết cái chiếu, nhúng xuống nước rồi vác về phơi. Quần áo ướt nhẹp thì về nhà thay.
Chiều mát tôi thường theo anh họ ra đường rầy xe lửa xem các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, áo nâu nhẩy tầu. Họ không phải là thôn nữ mà là những giao liên Việt Minh. Họ mang chỉ thị đến cho những người hoạt động nội thành như chú Bẩy. Trước khi vào ga chót, để tránh khám xét, họ quăng cái thúng chứa tài liệu xuống trước rồi nhẩy vèo xuống sau. Khi chân chạm đất, họ chạy theo hướng tầu một khúc để lấy lại thăng bằng, sau đó vội vàng biến mất với cái thúng tài liệu…và tối đó chú tôi tiếp chuyện với những người khách khác thường này để nhận công tác nội thành. Gia đình chú ở lại. Gia đình bác Cả và gia đình tôi ghi danh vào Nam. Sau lần chia tay, hai mươi năm sau tôi mới gặp lại ông chú cao lớn đã từng đẹp trai như Tây lai mà bây giờ hom hem, xanh xao, quần áo cũn cỡn. Tôi không thể giữ lại trong đầu ý nghĩ chán chường này nên buột miệng nói ra:
– Chú ạ, đáng lẽ cháu không nên gặp chú thì cháu còn giữ mãi được hình ảnh ông chú cao lớn như Tây ngày xưa…
Không biết chú Bẩy có động viên bác hay cha tôi ở lại miền Bắc hay không, nhưng mẹ tôi kể đã nhìn thấy chú Sáu trong đoàn quân về tiếp thu Thái Bình. Chú Sáu đã rời hàng quân gặp mẹ tôi và nói nhỏ “Chị bảo mọi người thu xếp vào Nam hết đi kẻo bị đấu tố”. Tôi thương chú vô cùng và chưa biết mặt chú, chú tử trận trên đường Trường Sơn…
Vào Nam, chỉ những người đã trốn ra tỉnh được mới tìm cách trốn tiếp ra Hà Nội hay Hải Phòng mà vào Nam. Các em của ông tôi, tiếc của, nấn ná ở lại quê, đều bị đấu tố dã man. Dì ruột tôi, nhà chồng giầu có, vườn ruộng mênh mông nên cả nhà sau khi bị đấu tố, tịch thu nhà cửa ruộng vườn rồi bị đuổi đi vùng kinh tế mới ở Thanh Hoá. Con trai dì, bị bắt đi bộ đội vào Nam, chả hiểu bằng cách nào mà vài tháng sau ngày 30 tháng tư khi cũng tìm đến thăm bố mẹ tôi.
– Chúng cháu trồng ngô, hái măng, hái nấm mà sống. Trên giường lăn xuống đất chỉ thấy ngô, bao nhiêu năm không biết hột cơm là gì, chỉ ngô, sắn, măng với rau rừng…
Tuy vất vả nhưng các em gái đều đẹp, trắng nõn nà và biết đọc biết viết cả…
Vào Nam