Tiểu sử:
– Tên là Võ Thị Ngọc Dung, sinh trưởng tại Biên Hòa.
– Cựu học sinh trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hòa.
– Cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
– Cựu sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Đồng Nai.
– Cựu GS Việt Văn trường Trung Học Long Thành.
– Đã cộng tác với các tạp chí: Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, các trang web: talachu.org, hopluu.net, nhohue.org, honque.com, ngo-quyen.org…và các diễn đàn VanchuongPN, ĐaiHocVanKhoaSG.
– Sang Mỹ năm 1981. Hiện cư ngụ và làm việc tại Los Angeles, California.
Vài hình ảnh của thi sĩ Tưởng Dung
Kính mời quý vị nhấn vào các tiêu đề sau để đọc các tác phẩm văn xuôi của văn thi sĩ Tưởng Dung
Trang thơ của thi sĩ Tưởng Dung
XUÂN CA
Mùa Xuân có phải
là những giọt sương
long lanh cuối mắt
khi ta nhìn nhau
ngọt ngào nỗi nhớ?
Mùa Xuân có phải
là những nụ hồng
trên cành lá biếc
như môi xinh tươi
chờ người hôn vội.
Mùa Xuân có phải
là những bình minh
ngồi nghe chim hót
lời ru bình yên
trên miền đất lạ.
Mùa Xuân có phải
là những hoàng hôn
cùng mây phiêu lãng
về thăm vườn xưa
làm mưa thấm đất.
Mùa Xuân có phải
là sóng dòng sông
quê nhà, xa lắc
đang vỗ dạt dào
trong lòng êm ả?
Mùa Xuân có phải
là bản tình ca
anh đàn em hát
về quê hương xa
mãi là… tất cả!
Tưởng Dung
Tháng 12, 2009
Chuyện Tình Ta
Những lá thư sẽ không bao giờ viết nữa,
nên có một địa chỉ sẽ không còn dùng,
một hộp thư sẽ đóng lại,
vĩnh viễn.
Tiếng phone sẽ không còn reo vang nữa,
trong những giờ đã hẹn,
nên sẽ không còn háo hức,
chờ mong,
và hy vọng!
Chúng ta đâu còn điều gì để nói,
nên em đã phải dặn lòng mình,
trăm lần, trăm lượt.
Tim ơi, đừng đập lại nhịp cũ.
Tình ơi, đã đi vào thiên thu!
Như chim trốn tuyết, ngủ vùi
em thu mình, thinh lặng.
Như mặt trời lên, thức giấc,
em sẽ quên,
quên những buổi hoàng hôn!
Bài thơ ơi,
Hãy dừng lại ở vần điệu cuối
Đừng viết tiếp lời tình yêu.
Những lời nghẹn ngào,
thổn thức,
ray rức,
đoạn trường…
Cho lòng dứt tơ vương!
Người xưa ơi,
Chẳng còn gì cho em nuối tiếc,
Vì thiên đường không có thật,
ở chốn trần gian.
Nên tái hợp,
ly tan,
phụ phàng,
dang dỡ,
là đời thường,
không có gì khó hiểu!
Vì thế,
Những giọt nước mắt đã rơi,
nhiều lần,
vào buổi sáng,
trong đêm khuya,
bây giờ
sẽ là những giọt cuối cùng
vắt từ trái tim em
đang nát tan,
cạn kiệt…
sẽ không bao giờ
nhỏ thêm giọt nào nữa
vì anh,
vết thương đau suốt kiếp,
trận bão giông khốc liệt
làm nghiêng ngã đời em!
TƯỞNG DUNG
Tháng Chín, 2008
KHOẢNH KHẮC MÙA THU
Có một người gõ cánh cửa thời gian*
Thấy tháng ngày qua bỗng nhiên dừng lại
Thấy nắng hè không còn trên đường cũ
Một chút mùa vàng đã bước vào thu.
Có một người mở cánh cửa thời gian
Thấy đóa hoa đã tàn trong chậu kín.
Giọt nến buồn héo dần trên tay lạnh
Thấy bóng mình trên tường trắng, lặng thinh.
Có một người xô cánh cửa thời gian
Mới biết hoàng hôn đã đầy trước ngỏ
Hương dã quỳ bay hay hương cỏ dại.
Ôm ngực tràn trề nỗi nhớ trên tay.
Có một người khép cánh cửa thời gian
Che khuất trời đêm, lặng chìm sóng biển
Mặc trái tim mưa, tình xưa chết cạn
Khép lại một đời giông bão, cuồng điên.
Tưởng Dung
(Tháng Chín, 2009)
(Cảm tác từ bài thơ “Sinh Nhật Xôn Xao” của TKB)
BÀI THƠ HẠNH NGỘ
Anh đã đến, trong bình minh rộn rã
Mang tình yêu giông bão… ngợp hồn em
Mang thần tiên đánh thức giấc ngủ quên
Em cuống quít, tim bừng vui hối hả.
Anh đã đến, những hoàng hôn óng ả,
Đưa em đi tìm lại thuở ban đầu,
Đưa em đi tìm quá khứ nhiệm mầu,
Vẫn lóng lánh trong lời anh rất khẽ.
Anh đã đến, xua bóng đêm quạnh quẻ
Ru đời nhau, muôn nghìn nụ hôn thầm
Ru đời nhau, lời hò hẹn trăm năm
Em say giấc trong vòng tay ấm lạ!
Anh đã đến, nghe lòng em tơi tả,
Như cuồng phong, ta gieo xuống đời nhau.
Quên phận người, quên mất cõi thương đau
Hương mật ngọt uống no nê chất ngất…
Anh đã đến, hãy ôm em thật chặt
Nụ hôn trao mãi là nụ hôn đầu
Dấu yêu xưa dẫu tàn úa, nhạt nhầu,
Xin hong lại cho tình thơm áo mới.
Anh đã đến, xin đừng quay bước vội,
Linh hồn em đã trót gửi cho người,
Giữ dùm em ánh mắt với môi cười
Nghe em hát bài ngợi ca tình ái!
Khi anh đến không còn chi nghi ngại,
Bởi thiên đàng, địa ngục… cũng gần nhau!
Tưởng Dung
Tháng 10, 2006
KHÚC MƯA QUA
Hạnh phúc mềm như bông*
Trong tận cùng chờ đợi.
Lòng rung khẽ cơn giông,
Ta nhớ ai thở dài?
Mưa rơi trên phố vắng,
Mưa rơi trên đường xưa
Ta, nỗi buồn sâu lắng,
Ngồi quạnh hiu, nghe mưa!
Tìm đâu thời áo bay?
Tiếng hát chiều thu phai,
Đưa chân người dong ruổi,
Tiễn tình ta, ngậm ngùi!
Như chưa từng quên nhau,
Để còn ươm nỗi nhớ,
Như chưa từng thương đau,
Để còn ru mộng hờ!
Đêm, ôi đêm khôn cùng!
Buồn, ta cây sầu đông
Chờ mùa sang, trút lá,
Chờ người qua, rũ lòng!
Ngủ ngoan giấc mộng đầu,
Đường mưa đã chìm sâu,
Cơn mê dài, mê mãi…
Nên tim đau, mệt nhoài!
Nên làm sao nguôi ngoai?
Một giòng sông quên lãng,
Một trời thơ mênh mang,
Chở đời nhau muộn màng!
Hạnh phúc buồn như trăng,
Trên lối về, thinh lặng.
Soi dấu mưa nhạt nhòa,
Xóa vết chân người qua…
Tưởng Dung
(Tháng Hai, 2006)
* Cảm tác từ thơ Ngọc Yến
THÁNG GIÊNG
(Cho con gái Anh Thư và Anh Thy vào Đại Học ở Chicago)
Tháng Giêng đến phi trường O’Hare
Chỉ có bóng con và bóng mẹ
Sáng mùa Đông nên lòng trắng xóa?
Môi se khô, đôi mắt ướt nhạt nhòa…
Chưa bao giờ con đi thật xa
Như lần này về nơi xứ lạ
Tiễn con đi lòng đầy buốt giá
Lệ mừng rơi đưa con bước vào đời.
Chicago đón chân mẹ chơi vơi
Cũng như con lần đầu rời tổ ấm
Ngại từng tên phố, đường lạ lẫm
Nơi mai đây con ở lại một mình.
Trời sương mù, che khuất ánh bình minh
Nắng vẫn ngủ dưới hàng cây quạnh quẻ
Tìm đâu nữa những ngày bên gối mẹ
Cánh chim non giờ bay bổng biệt ngàn.
Tháng Giêng, mùa Đông đến nhẹ nhàng
Trên dấu tuyết, giữa sân trường im vắng
“Windy City”, niềm tin yêu, hy vọng
Là tương lai con ấp ủ, chờ mong.
Mai mẹ về, con nhắn nhủ gì không?
Nhớ Cali, chắc đầy trong giấc mộng?
Con sẽ quen những ngày mưa xứ lạnh
Sẽ luyến lưu “thành phố Gió” yên lành.
Đông sẽ tàn, Xuân về trời lại xanh.
Giọt sương mai tan nỗi nhớ long lanh.
Bước thênh thang, con say đời vẫy gọi
Mẹ sẽ cười thay giòng lệ mừng rơi!
Tưởng Dung
Tháng Giêng, 2010
Có Đôi Khi
Có đôi khi,
không còn gì
suy nghĩ.
Tôi muốn nằm
thảnh thơi,
thả hồn trôi
cuối trời,
như trẻ thơ
vào đời
hồn nhiên
giấc thần tiên.
Có đôi khi,
chán đời
như hôm nay,
không còn gì
trên tay.
Tôi muốn tìm
một nơi,
để chết,
không ai hay.
Như hạt bụi
lạc loài,
rơi trên vai.
Có đôi khi,
tôi nằm
nghe tiếng khóc
buồn rầu
như lời kinh
vực sâu
rót vào lòng,
thương đau!
Có đôi khi,
giận mình
không nhìn thấu
tim người
đang đầm máu,
tươi cười
cho cạn hết
ngọt bùi,
những ngày vui!
Có đôi khi,
nhìn đời
chợt sung sướng,
bật cười
chưa té sấp
ngược xuôi,
nên đâu phải
ngậm ngùi!
Tưởng Dung
(Tháng Ba, 2008)
Tâm Khúc
SÁNG
Thức giấc buồn thiu.
Mưa rơi hiu hắt
Người qua đìu hiu
Lòng vắng tiêu điều!
TRƯA
Buồn dâng nỗi nhớ.
Nắng chia đôi bờ.
Vàng sân lá úa,
Tình thôi xác xơ!
CHIỀU
Trông đôi mắt đỏ.
Chân ai qua thềm.
Lời chưa bày tỏ.
Ấm hơi tàn tro!
TỐI
Say men buốt giá.
Người đi chưa về.
Lòng sao rất lạ,
Tình gần như xa!
Tưởng Dung
(Tháng Chín, 2007)
THÁNG TƯ NẮNG
Đêm thật sâu
và nỗi buồn rất lạ
như buổi chiều
góc phố tình cờ qua
chỗ ngồi quen
Starbucks nắng nhạt nhòa
cà phê đắng
hay tình yêu hóa đắng?
Tháng Tư rớt
trên vai em hờ hững
gió mùa về
rời rạc tiếng phong linh
căn phòng xưa
em về soi bóng mình,
tim lạnh ngắt
hay tình xưa quay quắt?
Tháng Tư nắng
buồn như lòng giấy trắng
trải ngoài hiên
phơi trần trụi ưu phiền
chân qua thềm
không còn bước hồn nhiên
Ngày sắp tắt
có nghe đời héo hắt?
Tháng Tư hết
tháng Tư nào đã chết?
hạnh phúc tàn
sầu thắp nến đi hoang
không còn ai
đêm, bóng tối rất dài.
ngày, nắng rũ
xóa tình ta đã cũ?
Tưởng Dung
(Tháng 4-2009)
THE APRIL OF SUNSHINE
Deep into the night
sorrows intensified.
Earlier, in the afternoon,
I walked by the street corner,
The familiar table at Starbucks Café
was awash with fading sunlight.
Which one turned bitter?
Our romance or the coffee?
April hung heavy
on my fragile shoulders.
susurrous, scattered sounds
carried by trade winds.
My shadows flickered
in our room of yore.
My heart turned cold
or was our old love hot no more?
April with plenty of sunshine,
yet I was full of sorrows.
Outside in the patio
Lay naked my worries.
My steps lost their carefree way.
As the day drew to a close,
hardly did a sound a wilting life convey.
April ended,
which April has just died?
Happiness was gone,
sorrow lit a candle and went for a walk.
Nobody was at home.
Shadows are very long during the night.
Is the day erasing our onetime love with its sunshine?
Translated by Roberto Wissai/NKBá
(April 2, 2012)
BÀI HOAN CA VÔ TẬN
Tình như nắng xôn xao ngoài khung cửa,
Len lỏi vào từng khe hở đời nhau.
Và cứ thế người dịu dàng, êm ái
Tỏa trong ta nghìn sợi nắng ngọt ngào!
Tình như gió miên man đùa trên tóc
Tóc gió vờn đâu biết lúc nào ngơi?
Người đã đến nồng nàn như hơi thở
Thổi vào tim ta nỗi nhớ không rời!
Tình như tiếng suối reo bên ghềnh vắng.
Buổi trưa hè man mác ru tình ta,
Người đã đến cùng nhau chung cõi mộng,
Giấc thần tiên, tìm lại tuổi ngọc ngà.
Tình như những cơn mưa dầm tưới mát,
Khoảng đời rong rêu héo, úa, khô, tàn…
Người đã tắm cùng ta, ngày mưa cũ.
Có nghe miền cỏ nhớ dậy hân hoan?
Tình như sóng cuộn dâng ngoài biển lớn,
Sóng bạc đầu, sóng có biết vì đâu?
Ta dạt dào, trôi nỗi với tình sâu,
Vì sớm biết yêu suốt đời…không đủ.
Tình cứ đến, cứ như chồng vở cũ,
Mở từng trang là từng chữ… yêu người.
Cho ta viết bài hoan ca vô tận,
Cho người về nhớ mãi phút thanh xuân!
Tưởng Dung
Tháng 9, 2007
BIÊN HÒA,
NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI
Biên Hòa bây giờ còn như ngày cũ
Những ngả tư, xe cộ vẫn thành dòng?
Em ở bên này, lái xe xuống phố,
Xứ lạ quê người, nỗi nhớ mênh mông!
Biên Hòa giờ này còn nơi hẹn cũ.
Quán nước, công viên, ghế đá, bờ sông?
Em ở bên này, sáng trưa hiu hắt,
Chợt thấy lòng mình là những…quán không!
Biên Hòa giờ này trên con đường cũ.
Những chuyến xe lam vẫn chở đông người?
Em ở bên này, đưa con đến lớp.
Nhớ chuyến xe nào chở những buồn vui!
Biên Hòa giờ này còn đâu trường cũ.
Một thuở hồn nhiên, ấp ủ tình đầu!
Em ở bên này, tìm trong ký ức,
Khung cửa, bậc thềm, góc lớp…chìm sâu!
Biên Hòa giờ này sông dâng triều cũ.
Con nước chiều lên, nhịp vỗ hiền hòa?
Em ở bên này, chỉ nghe sóng biển,
Nên nhớ thật nhiều tiếng sóng quê xa!
Biên Hòa bây giờ chắc không như cũ.
Đường phố đổi thay, ga vắng im lìm!
Em ở bên này, ngẩn ngơ tiếc nuối.
Những ngỏ thân quen, những chuyến tàu đêm!
Biên Hòa bây giờ còn trong nỗi nhớ,
Một khoảng trời xưa đã khép lại dần.
Một khoảng trời xanh bên đời em có
Gửi đến quê nhà, gọi chút quà Xuân!
Tưởng Dung
(2007)
Ở MỘT GÓC ĐỜI
(Gửi Ngô Quyền và một thời áo trắng)
Ở một góc đời em đã có,
Những ô cửa nhỏ, bậc thềm quen.
Sân nắng giờ chơi, trường lớp cũ.
Quay lưng, còn nhớ thuở êm đềm?
Ở một góc đời em đã có,
Thầy cô, bạn hữu sớt buồn vui.
Sáng sáng chờ chuông vang rộn rã.
Tung tăng sách vở hé môi cười.
Ở một góc đời em nhớ quá,
Những trưa biếng học, thả hồn rơi…
Theo chân mây trắng ngoài khung cửa
Bay giữa trời không dõi…bóng người!
Ở một góc đời em vẫn nhớ,
Chiều dâng mây tím, dạ bâng khuâng.
Tìm trong sân vắng, mong màu áo.
Áo trắng tình xanh, còn…ngại ngần!
Ở một góc đời em đã được
Mắt trao đằm thắm, mỗi lần qua .
Cho tim em rộn bao hoan khúc.
Cho gót em mềm bước kiêu sa!
Ở một góc đời em vẫn ước,
Một lần gặp lại dưới trường xưa.
Cho em cười với mưa trong mắt,
Vì nói năng chi, chắc cũng thừa!*
Ở một nơi nào ai có biết?
Tình em thuở ấy vẫn còn đây.
Là phương trời cũ khôn nguôi nhớ.
Là chút tình dâng với tháng ngày…
Tưởng Dung
Tháng 9, 2007
*Thơ Nguyễn Tất Nhiên
BÀI HOAN CA THỨ NHẤT
Anh làm sao hiểu được.
Những cánh buồm ký ức
có thể mang chở tình yêu của chúng ta
trở về,
nguyên vẹn,
tràn đầy.
như buổi ban đầu.
như những trang nhật ký
đã một thời thao thức cùng em!
Anh làm sao hiểu được.
Cõi trần gian có lắm điều trắc trở,
vẫn có lúc bình yên,
hạnh phúc.
vì có anh,
tha thiết, ân cần
hứa cùng em,
nắm tay đi trọn quãng đường trần thế.
Anh làm sao hiểu được.
Nước mắt long lanh,
sau những nụ hôn,
trên những thoáng môi cười,
là ân sủng,
trời dành cho chúng ta
trong những lần hạnh ngộ.
Anh làm sao hiểu được.
Thế giới có muôn màu, muôn mặt.
vẫn không thể nào có được.
một thế giới thứ hai,
rất riêng tư,
rất tuyệt vời,
như thế giới của chúng ta,
của anh và em.
không một ai,
có quyền xâm phạm!
Tưởng Dung
(2007)
CHỐN XƯA
Mưa xa nguồn, mưa rơi miên man
Có về qua chốn cũ biệt ngàn
Tôi đứng bên kia đời biển động
Nghe chập chùng nỗi nhớ mênh mông!
Mây xa trời, mây trôi bơ vơ
Gió hắt hiu, nên úa môi cười
Nắng có còn vàng sân năm đó
Soi bóng người, tôi, những giờ chơi?
Xa mất rồi, trên con đường xưa
Áo trắng bay, vành nón nghiêng đùa
Đường thay tên, nên đường xa lạ
Biết đâu tìm những tháng ngày qua!
Xa vắng rồi, tiếng chuông trường tan
Nhịp guốc khua, chân bước rộn ràng
Cánh thư trao, chùm hoa ngắt vội
Mai xa người, giữ chút tình tôi!
Tôi xa người, buồn như tiếng ve
Nỉ non vang trong gió trưa hè
Tóc thôi bay, bờ vai nắng gội
Nghiêng xuống đời, một bóng đơn côi!
Trăng xa mùa, cho đêm cô liêu
Tiếng đàn xưa đã tắt trong chiều
Chỗ ngồi quen còn ai ngóng đợi
Giấc mơ đời đã khép, người ơi!
Tưởng Dung
Tháng 6, 2011
TẠ TÌNH
Nghìn lời nói vẫn chưa đong đầy ý
Nên gặp nhau môi mắt ngại ngùng trông.
Người không đến mở vòng tay cao rộng,
Đón lòng ta tràn ngập bão giông về.
Đón dùm ta ngày cũ, ánh trăng thề
Có mắt biếc soi đời nhau êm ả.
Có hạnh phúc, đắng cay, đời nghiệt ngã,
trời đã dành, hạnh ngộ để chia xa!
Buồn đã đành, cho trọn nỗi xót xa,
Theo năm tháng tình chỉ là gian dối.
Sầu ủ rủ trên vai gầy, tóc rối.
Yêu người là nhung nhớ… đợi chiều trôi!
Mộng đã tàn sao lòng vẫn chưa nguôi.
Đau vật vã, như đòn roi thấm mệt!
Người quên hết hay tình xưa đã chết?
Cho ta về xây huyệt, giết đam mê.
Buồn cứ tràn, theo ngày tháng lê thê,
Ta khốn khổ, héo dần theo nỗi nhớ.
Người bình thản, mặc bài thơ dang dở,
Dứt cung đàn, ai họa nốt đường tơ?
Ta đứng bên ngày tháng, gắng thờ ơ.
Cười thay lệ đã đầy trong đáy mắt.
Bài học mới, người dạy ta… quay quắt.
Nên học hoài sao giờ vẫn chưa quen!
Người phải đâu là ngọn nến trời đêm?
Sao ta mãi chờ hoài trong bóng tối.
Người đã đến và chợt đi rất vội.
Lời tạ tình sao không nói người ơi!
Để buồn ta, thờ thẫn dạo sân chơi.
Ôm quá khứ, tìm quên cơn mê đắm.
Tình cứ mãi như sóng ghềnh xa thẳm,
Vỗ miệt mài, tha thiết một thanh âm!
Tưởng Dung
2007
NGHE MƯA
Mưa rơi! mưa rơi!
Đừng cho em khóc
Trong cơn muộn phiền
Đừng cho giông tố
Dâng cao triền miên!
Mưa rơi! mưa rơi!
Đừng cho em nhớ
Hương xưa nồng nàn
Tràn lan trên gối
Ôi hương thời gian!
Mưa rơi! mưa rơi!
Đường chưa quên lối
Sao nghe lạc loài
Nhịp chân bối rối
Theo mưa tìm ai?
Mưa rơi! mưa rơi!
Tiếng buồn vọng mãi
Như kinh chiều vang
Trong hầm mộ tối
Ru đời đa đoan.
Mưa rơi! mưa rơi!
Em ngồi trông ngóng
Bước ai còn qua
Tình như chiếc bóng
Đuổi hoài vẫn xa!
Mưa rơi! mưa rơi!
Người xưa đã khuất
Sao em vẫn chờ?
Mưa chiều hoang vắng
Sao em còn mơ?
Tưởng Dung
Cuối tháng Giêng, 2008
NGÀY ĐẦU NĂM
Ngày đầu một năm
giở tờ lịch mới
lòng như lá rơi
chờ cơn bão nổi.
Ngày qua nắng vội
đời qua mấy mùa
tình xanh mấy thuở
dạ còn ngẩn ngơ!
Rót đầy tim cạn
sớt tràn lòng vơi
đếm thời gian tới
nghe dòng đời trôi…
Chia nhau hơi thở
chung nhau men nồng
quên trần gian khó
nhớ thiên đường hồng.
Cho em buổi sáng
có anh bên mình
Cho em buổi tối
mãi là bình minh.
Ngày đầu một năm
xin qua thật chậm
như khi anh nắm
tay em. vào Xuân!
Tưởng Dung
Tháng Giêng, 2008
XUÂN CA
Mùa Xuân có phải
là những giọt sương
long lanh cuối mắt
khi ta nhìn nhau
ngọt ngào nỗi nhớ?
Mùa Xuân có phải
là những nụ hồng
trên cành lá biếc
như môi xinh tươi
chờ người hôn vội.
Mùa Xuân có phải
là những bình minh
ngồi nghe chim hót
lời ru bình yên
trên miền đất lạ.
Mùa Xuân có phải
là những hoàng hôn
cùng mây phiêu lãng
về thăm vườn xưa
làm mưa thấm đất.
Mùa Xuân có phải
là sóng dòng sông
quê nhà, xa lắc
đang vỗ dạt dào
trong lòng êm ả?
Mùa Xuân có phải
là bản tình ca
anh đàn em hát
về quê hương xa
mãi là… tất cả!
Tưởng Dung
BỖNG DƯNG SAO LẠI BUỒN TÊ TÁI LÒNG!
Đêm qua tàn cuộc vui về.
Bỗng dưng sao lai buồn tê tái lòng!
Em dần quên mối tình… không.
Xui chi gặp lại để đong nỗi sầu.
Đã không duyên, chẳng tìm nhau
Áo xưa giờ đã bạc màu thương yêu
Sao cho em thấy những điều
Làm tim em rạn với nhiều vết sâu!
Người vui, em cứ nghẹn ngào.
Lòng không ngăn được sóng trào,.. quặn đau!
Tình như những nhánh sông sao.
Nhánh soi rực rỡ, nhánh vào hư không.
Bao phen lòng đã nhủ lòng.
Xin làm kẻ lạ, gặp không ngoảnh nhìn
Đêm qua, nhớ lại… giật mình.
Gặp người, sao vẫn lặng nhìn, hỏi han?
Tình ơi, đá nát vàng tan.
Sao em còn mãi đa đoan nỗi niềm?
Tưởng Dung
NỖI BUỒN CHƯA QUEN
Làm sao quen được nỗi buồn,
Cho ta ngăn giữ những nguồn lệ rơi!
Nhớ trăm nỗi nhớ bời bời
Bỗng dâng thành sóng cuốn đời nhau đi.
Đã tan giấc mộng cuồng si,
Mà sao chén đắng biệt ly vẫn đầy!
Người ơi còn chút tình này.
Sao không gìn giữ lại bày chia xa?
Buồn sao không xóa dùm ta,
Những sâu đậm, những thiết tha, ân cần.
Những môi hôn ngọt rất gần,
Duyên xưa giờ chỉ có ngần ấy thôi!
Buồn ơi, sao chẳng nên lời.
Mà trong đáy mắt một trời thương đau!
Kiếp sau xin giữ đời nhau,
Thay ân tình đã đi vào thiên thu…
Buồn đưa người bước lãng du,
Buồn cho ta đứng nghìn thu, bẽ bàng.
Quay lưng, khép lối thiên đàng,
Ta về chôn khối tình tan dưới mồ.
Ta về tim cạn máu khô.
Buồn như một giải khăn sô liệm đời.
Cho ta quên mất nụ cười.
Cho người vui với muôn lời hoan ca.
Buồn ơi, sao mãi xót xa.
Sao không cất lấy hồn ta yếu mềm!
Yêu người sao vẫn chưa quen.
Nỗi buồn là những hờn ghen nát lòng!
Xin cho yêu mãi là…không.
Để trăm năm chỉ là giông giữa trời.
Cuốn đi nỗi nhớ không rời,
Mang ta về lại một thời mộng mơ.
Để ta ôm mối tình thơ.
Vỗ về ngày tháng dật dờ yêu thương.
Giờ đây khuất lối thiên đường.
Còn trong ta những nỗi buồn chưa quen!
Tưởng Dung (2007)
KHI TÔI KHÓC
Khi tôi khóc
Có những giọt nước mắt sẽ lang thang, chảy ra biển lớn.
hòa cùng đại dương trở thành cơn sóng dữ, thét gào,
vươn cao, rồi cuộn đổ vào bờ làm huyên náo dã tràng,
rác rưởi làm vỡ tung những tòa cát trắng những lâu đài đã xây từ ảo tưởng,
khát khao từ cơn mê hoảng loạn.
Khi tôi khóc
Có những giọt nước mắt sẽ thánh thót rơi vào hư không hòa cùng mưa gió,
đất trời đổ tuông những trận cuồng phong,
bão tố quét trôi những muộn phiền,
khốn khó những trôi nỗi,
dật dờ đã ám ảnh một đời tẻ lạnh…buồn hiu…ngơ ngác…
Khi tôi khóc
Có những giọt nước mắt sẽ âm thầm nhỏ xuống
thấm vào trái tim khô đã không còn máu đỏ
của một thời chảy đầm đìa những giòng tươi thắm
làm rung rẩy những nhịp đập hân hoan
để có thể phục sinh chút ân tình
đã nghẹn hơi, tức tưởi chết!
Tưởng Dung
(Tháng Ba, 2008)
RỒI SẼ CÓ MỘT NGÀY
Rồi sẽ có một ngày,
em về lại nơi đây,
nơi chúng ta vẫn thường hò hẹn.
một mình,
để tìm trên bờ cỏ
trên những lối đi,
bên bờ hồ mịn cát,
dấu chân quen của một thời
hạnh phúc,
thương yêu,
nồng nàn,
say đắm
đã tự lúc nào không còn vết tích!
Rồi những điều có thực,
sẽ trở thành những giấc mơ hoang,
rã rời, tan tác.
vì giờ em đã biết,
những gì chúng ta có
với nhau,
chỉ là khoảng trống,
hư không,
là giọt sương mai
rất mong manh,
nên dễ vỡ.
Rồi năm tháng sẽ qua
như ngày hôm nay đã hết,
em vẫn cứ hoang mang
về một nỗi buồn
không biết vì sao?
bắt đầu từ lúc nào?
bởi không ai giải thích.
Rồi sẽ có một ngày,
em sẽ thôi không còn ray rức nữa,
chúng ta sẽ không còn nhìn nhau nữa.
là ngày em đoạn tuyệt được
với ánh mắt, môi cười
vòng tay, lời êm ái…
của người đã trao,
đã đi vào quên lãng!
Ngày ấy,
bao giờ?
người ơi!
cho em chết ngọt ngào.
quên hết thương đau!
Tưởng Dung
(Tháng Giêng, 2008)
KHÔNG LÀ TRĂM NĂM
Xin được ngủ quên thêm dăm phút nữa,
Trên cuộc tình sắp sửa bặt tăm hơi.
Tôi cố nghiến nỗi buồn trong nỗi chết
Nên môi khô, mắt úa đã lâu rồi!
Đường vào tim nhau sao rất êm
Như khi ta không còn ngần ngại,
Rót say sưa những dòng mắt nồng nàn,
Trong nỗi chờ mong, trong lòng khao khát…
Trước lúc đối diện đã có lúc quay lưng
Nên chẳng lạ lùng phút giây gặp gỡ.
Níu hạnh phúc như níu hơi thở vội,
Tôi hay người không còn nữa thờ ơ!
Hãy nâng tay tôi bàn tay yếu đuối,
Chỉ từng lau lệ, chỉ từng đếm thương đau.
Sầu chưa xóa, ưu phiền còn gần gũi,
Đã đầy chưa, tình đang sắp hư hao!
Ngày tháng trở về, ngày tháng đổi thay,
Người đã đi qua, quên chưa hò hẹn.
Còn lại người ơi, còn chút hắt hiu…
Cuống quít đôi chân, lối xưa đã nghẽn!
Không là trăm năm, chưa là bến đỗ,
Người cứ cầm hồn thơ dại mà đi.
Tôi cứ ngẩn ngơ, một đời tưởng tiếc.
Duyên lỡ làng, nên tàn như mộng mị!
Tưởng Dung
(1973)
MƯA
Mưa rơi. giọt vắn. giọt dài.
Giọt dấu dưới mắt. Giọt cài trên mi.
Mưa làm ngại bước người đi.
Mưa cho thấm nỗi biệt ly người về!
Tưởng Dung
(2008)
Mưa Thu
Mưa rơi trên lá vàng thu
Tiếng mưa như tiếng mẹ ru thuở nào
Giọt thánh thót, giọt nghẹn ngào
Tràn dâng nỗi nhớ, lời ca dao buồn
Mưa chiều sũng ướt lệ tuôn
Mưa trôi cho hết vấn vương một thời
Còn trong ký ức mù khơi
Dấu chân nhẹ bước bên đời có nhau!
Mưa trên phố vắng mưa mau
Đường chưa quên lối người sao chẳng về?
Lòng trần sao vẫn u mê
Theo mưa tìm bóng trăng thề đã xa
Đêm tàn lạnh giấc mơ hoa
Tiếng mưa ngày cũ xót xa nỗi niềm
Hàng cây trút lá ưu phiền
Tiễn thu lặng lẽ, đầy thềm gió mưa….
Tưởng Dung
Tìm Em Giữa Phố Hạ Hồng
(Tặng chị Nguyên Nhung và Miên Thụy Cho lần…lỡ hẹn ở Amsterdam)
Hạ hồng hay đang chiều Đông?
một mình quanh trên phố lạ
ngẩn ngơ chiều ơi, về đâu
gió xoáy đầy lòng, buốt giá!
Chờ em, ngày qua thật lâu
tìm em, sầu dâng mắt đỏ
Amsterdam trời mây mù giăng
Hạ ơi, nắng ngủ sao đành!
Phố dài, người đi thật đông
không em chỉ là quạnh vắng
ngồi nghe thời gian dần trôi
nhớ em lòng đau rã rời!
Tàu ơi, sao không dừng chân
đưa người đến chốn đợi mong
buồn ta như sóng mịt mùng
vỗ hoài những âm vô vọng!
Đành thôi, vì duyên là không
chờ nhau tìm trong giấc mộng.
về thôi, chiều mưa còn rơi
lòng ai lệ đẫm tơi bời!
Amsterdam, tình dâng đầy vơi
Hẹn em ngày nắng bên đời!
Tưởng Dung
12/6/2010
LẼ RA…
Lẽ ra chúng ta chưa hề biết nhau,
để không có những ký ức mù sương
bỗng quay trở về,
làm em bối rối,
bâng khuâng,
thẫn thờ,
ngơ ngẩn,
như lúc tình cờ đọc thấy tên anh,
không dễ gì lẫn lộn,
giữa trăm nghìn tên khác,
trên thế gian này,
cái tên
thật lạ lùng,
mà gần gủi.
Lẽ ra chúng ta đừng hò hẹn với nhau,
để em đừng mơ màng, tơ tưởng
về hạnh phúc trăm năm,
thiên đường nơi trần thế
mà anh đã không ngừng
thì thầm bên tai,
hoặc kín đầy những trang thư,
viết cho em
nồng nàn,
tha thiết.
Lẽ ra chúng ta đừng nói lời yêu nhau,
để em còn thản nhiên,
như những ngày
trước khi có anh,
khi em vẫn là em,
để em yêu đời,
yêu người,
không khổ đau,
không hận sầu,
tan nát…
Lẽ ra chúng ta đừng gặp lại nhau.
để anh mãi là hình ảnh tuyệt vời trong em.
như thuở ban đầu.
để em đừng tuyệt vọng.
khi tận tường biết anh,
chỉ là cái bóng ảo
của một cánh chim bằng
… đã chết!
Tưởng Dung
Tháng Hai, 2008
NHỮNG KHOẢNG CÁCH
Mỗi ngày em liên tưởng
đến những chuyến tàu
sẽ mang anh đi,
sẽ trả em về,
và em khóc…
Bởi chúng ta
chưa hề nói với nhau lần nào
về những cuộc chia ly
và những giọt nước mắt.
cũng như, chúng ta chưa hề
nắm tay nhau, một lần
để xác nhận
rằng, cả hai đang bắt đầu hội ngộ.
nên em chỉ biết nhìn anh lặng lẽ
nên anh chỉ biết nói năng hững hờ
vì chưa từng, là tình nhân của nhau
nên những khi gặp gỡ
có dự toan lắm
vẫn không hơn…một phút tình cờ!
Rồi sẽ có một ngày,
những chuyến tàu thôi
không mang anh tới nữa
không trả em về nữa.
còn có ai, cho em trả lời
về những điều
mà chúng ta chưa hề, nói với nhau
lỡ một mai. em chết
lỡ anh cố tình, làm một cuộc… chia ly!
Tưởng Dung
(1973)
Sầu Tôi Đã Chín
Hỡi người đánh mất trái tim,
sáng nay thức giấc có tìm lại không?
những trang thư xót xa lòng
lời hò hẹn vẫn ươm nồng nhớ nhung.
Hỡi người đánh mất thủy chung,
trưa nay xuống phố có cùng nỗi đau?
người đi đến tận phương nào
thề xưa, ước cũ bay vào hư không.
Hỡi người đánh mất tình chân,
chữ trăm năm chỉ là thân phận buồn.
xa nhau chưa tỏ ngọn nguồn,
xa nhau đủ để… điên cuồng mà thôi!
Hỡi người đánh mất tình tôi,
tìm vui bên những ngọt bùi hư vinh
xin cho người được yên bình.
xin cho tôi tỉnh giấc tình u mê.
Hỡi người quên mất câu thề,
Chờ nhau, một cõi đi về đớn đau!
Áo phai, hồn đã nhạt nhầu.
Ngồi ôm huyệt lạnh, tình sầu tiễn đưa!
Hỡi người sớm nắng chiều mưa,
Sầu tôi đã chín, đã vừa rụng rơi!
Tưởng Dung
Tháng 11, 2007
Sương Thu
Mẹ về ẩn lớp sương thu
Thì thầm trong gió lời ru đêm nào
Mùi hương áo cũ ngạt ngào
Vẳng theo sáo trúc điệu ca khơi buồn
Nhạt nhòa nước mắt con tuôn
Âm vang vọng mãi tình vương vấn thời
Mẹ là biển cả trùng khơi
Dắt dìu con bước vào đời cùng nhau
Sương tan mẹ vội đi mau
Chơ vơ con trẻ mong sao mẹ về
Bàng hoàng chợt tỉnh giấc mê
Mẹ cùng ba hẹn ước thề rời xa
Thế là đời úa sắc hoa
Ngậm ngùi tiễn mẹ cách xa chạnh niềm
Lòng đau canh cánh nỗi phiền
Sầu riêng lặng lẽ bên thềm đẫm mưa
Kim Oanh
NIỀM NHỚ
(Mến họa bài Mưa Thu của nhà thơ Tưởng Dung)
Mưa phùn vướng chút hơi thu
Lòng mênh mang nhớ điệu ru ngày nào
Trong đêm tiếng Mẹ ngọt ngao
Gợi hồn ly xứ xôn xao nỗi buồn
Trời thu khóc rải mưa tuôn
Chờ nhau đăng đẵng tình vương ngược thời
Bởi vì người đã xa khơi
Đâu lời hò hẹn trọn đời gần nhau
Hạ tàn thu trưởng thật mau
Ngăn sông cách núi làm sao đi về
Bao năm ấp ủ cơn mê
Giật mình nhìn lại lời thề bay xa
Tàn thu cúc trổ đơn hoa
Nhờ mây gió gửi người xa bao niềm
Tâm tư man mác buồn phiền
Nhớ ai lệ đổ bên thềm ước mưa
Phương Hoa – NOV 15th 2020
Thơ phổ nhạc của thi sĩ Tưởng Dung
Chốn Xưa
Thơ Tưởng Dung
Nhạc Nguyên Phan
Hoà âm: Đỗ Hải
Ca sĩ : Quốc Duy
Thág Tư Nắng
Thơ Tưởng Dung
Nhạc : Phạm Chinh Đông
Hoà âm: Đỗ Hải
Ca sĩ : Thuý An
Không là Trăm Năm
Thơ Tưởng Dung
Nhạc : Phạm Chinh Đông
Hoà âm: Đỗ Hải
Ca sĩ : Thanh Hoa
Không là Trăm Năm
Thơ Tưởng Dung
Nhạc : Phạm Chinh Đông
Hoà âm: Đỗ Hải
Ca sĩ : Thanh Duyên
Những Muộn Phiền rồi Cũng Sẽ Phôi Pha
Thơ Tưởng Dung
Phổ thơ: Đào Lê Văn
Ca sĩ : Tịnh Uyên
Xuân Ca
Thơ: Tưởng Dung
Nhạc: Nguyên Phan
Ca Sĩ: Thùy An Trình bày
Xuân Ca
Thơ Tưởng Dung
Nhạc: Nguyễn Phan
Hòa âm: Cao Ngọc Dung
Ca sĩ: Thuỳ An
Thu Về Đâu
Thơ: Tưởng Dung
Nhạc: Phạm Trung
Trình bày: KaNa Ngọc Thúy
LỐI XƯA BỖNG LẠI VỀ.
Tưởng Dung
“Anh có hỏi khi cung đàn im lắng
Tình hôm qua sao nay chẳng còn hương.
Em có hỏi trong màn sương bóng nắng
Tình đã lâu sao nay vẫn còn vương?”
(Nguyễn Thị Minh Thủy)
Đêm đã xuống tự bao giờ, tôi ùa vào nhà như một cơn lốc, trời tháng bảy nóng hực người không kể sáng hay tối. Tôi cười nhẹ nhỏm khi mấy đứa con chạy ra ríu rít: “Chào mẹ!”. Một đứa báo: “Mẹ ơi, có quà của mẹ”. Tôi không ngạc nhiên mấy khi nhìn thấy tên người gửi trên gói thư dầy cộm, dù lòng cũng nghe xúc động dạt dào. Ơi bạn hiền! chỉ có mi chứ không còn ai vào đây nữa. Từ khi rời Việt Nam, sinh nhật của tôi thường luôn được nhắc nhở đến bởi những tấm thiệp hoặc món quà nho nhỏ từ đứa bạn thân là hắn, và sau này là ông xã tôi và mấy đứa con. Cứ mỗi lần nhận quà sinh nhật, tôi lại mĩm cười, nhủ thầm: “Ôi, nhìn lại mình đời đã xanh rêu mất rồi!” Mân mê gói quà trên tay, tôi chưa mở vội, sinh nhật này là thứ bao nhiêu rồi đây, mình đang cố tình lãng quên đấy mà! Tôi đã có bao nhiêu buổi sinh nhật với những lời chúc tụng và bạn bè chung quanh? Đếm mãi cũng chưa đủ… năm đầu ngón tay!
Dạo còn đi học ở trường Ngô Quyền, tôi nhớ lần đầu tiên, tôi tự tổ chức sinh nhật cho mình vào năm 15 tuổi ở nhà của Ngọc Yến, căn phố lầu thật đẹp ở ngay đầu dốc gần tòa án, con đường Lê văn Duyệt dẫn xuống bờ sông, nơi có ngôi nhà của chị Duyên, người đã được thơ của Nguyễn Tất Nhiên đưa vào văn học sử, với dăm ba đứa bạn thân và hai người khách đặc biệt: Chị Hạnh – con Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo -, Chị Duyên – người tình trong bài “Thà như giọt mưa” của Nguyễn Tất Nhiên -. Lần đó, tôi chỉ là con bé lớp đệ tứ, mới vừa cùng Yến tự biên, tự diễn cho ra tập thơ đầu tay với tên gọi thật sặc mùi… chiến đấu “Tuyên ngôn 15”. Nhịn quà, dành tiền tiêu, tự tay viết stencil để in ronéo, chạy đi năn nỉ anh Nhiên xin phụ bản của tập thơ Thiên Tai để làm bìa cho tập thơ này, và rồi sau đó mang đi… biếu không cho bạn bè, thầy cô trong trường. Chắc chắn, lúc đó động cơ mạnh mẽ nhất đã thúc đẩy hai đứa tôi cùng… liều mạng làm được chuyện này là việc nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã vào lớp tôi để phổ biến tập thơ “Thiên Tai” của anh (với hy vọng sau này mình sẽ khá hơn và làm được như anh chăng?). Và dĩ nhiên ngày sinh nhật thứ mười lăm của tôi hôm đó còn là để ăn mừng sự chào đời của những cánh chim non vừa nứt vỏ, rời ràng của mình trước khi tập tành vẫy cánh tung bay trên vùng trời cao rộng. Tôi không nhớ mình còn cảm giác gì đặc biệt hơn vào ngày sinh nhật này, ngoài niềm vui háo hức của một đứa bé biết rằng mình đã bắt đầu là người lớn, bắt đầu từ giã Tuổi Thần Tiên để bước vào Tuổi Biết Buồn. Rồi những năm 16, 17 tuổi, sinh nhật của tôi chỉ là những ngọn nến âm thầm tự thắp lên trong thinh lặng, một mình, không ai nhắc nhở, dù lúc đó, tôi cùng với Minh Thủy đã cho “chào đời” thêm 2 nàng thơ mới: “Thơ 16” và “Tình khúc” (Tôi nhớ khi mang tặng những tập “Tình Khúc” cho bạn bè, thầy cô, không biết Minh Thủy thì sao chứ riêng tôi, vừa hạnh phúc lại vừa… lo lắng. Liệu rồi có ai “xem thơ lòng sẽ hỏi lòng, người đâu tả ở mấy dòng thơ đây!” chăng?) Thơ của tôi lúc bấy giờ không còn là thơ của những giấc mộng suông, của trí tưởng tượng nữa, mà là tâm linh, là cả nỗi lòng trăn trở khôn nguôi, khổ đau, chờ đợi… Tôi đã chờ và sống trong cái “thú đau thương” ấy cả hai năm trời với niềm hạnh phúc, mê say theo từng bước chân, ánh mắt, nụ cười của Lĩnh mỗi ngày, trên dãy hành lang dài dẫn qua từng lớp học. Mãi cho đến năm 18 tuổi, tôi mới có một buổi tiệc sinh nhật lần thứ hai, thật đúng nghĩa, thật linh đình do ba má tôi tổ chức tại nhà, vì đó cũng là lúc tôi thi đậu Tú Tài II. Tôi nhớ lúc ấy, rất đông bạn bè, có cả Thầy Phùng Thái Toàn, giáo sư dạy môn Vật lý và là chủ nhiệm lớp 12A1 của chúng tôi cùng đến dự. (Thầy Toàn đã mất vào khoảng cuối năm 1995, ở San Jose vì bệnh tim! Xin gửi một nén hương lòng đến Thầy, người Thầy rất vui tính, dễ dãi, lại hướng dẫn một lớp toàn là con gái… mới lớn, nên thường hay bị học trò… bắt nạt). Chúng tôi đã có một ngày thật vui, thật đẹp vì hầu như ai cũng nhẹ nhàng, hoan hỉ sau khi đã trả xong nợ sách đèn và cầm chắc mảnh bằng trên tay. Riêng tôi, trong nhật ký hôm đó tôi nhớ là đã ghi: “Ngày sinh nhật buồn, khởi điểm rõ ràng và hứa hẹn nhiều… mật đắng!”
Tôi vừa thong thả mở gói quà vừa liên tưởng: À, chắc là tập thơ mình mới hỏi hắn hôm nọ, hoặc tác phẩm nào mới của hai vợ chồng hắn đây. Thế nhưng, khi thấy tấm thiệp rơi ra từ hai quyển báo phát hành từ một nơi xa xôi, tôi lại nghĩ khác đi: thế nào cũng tìm ra bài của chàng và nàng trong này. Không vội xem tờ thiệp, tôi mở trước một quyển nhìn ngay phần mục lục, lướt vội trên các tên tác giả, thấy ngay tên anh chàng ở giòng cuối, tôi nhủ thầm: thấy chưa, biết ngay mà! Trở lại một lần nữa trong phần mục lục, tôi từ tốn chậm rãi hơn để tìm xem có tên cô nàng chăng? Bỗng tôi chớp mắt thật nhanh, nhìn lại thật kỹ cái tên vừa thoáng qua trong mắt. Đầu choáng váng, mắt hoa lên và tim bỗng dưng đổi nhịp dồn dập! Tôi cố trấn tỉnh mình một cách thật gượng gạo. Lĩnh đó sao? Tôi nhìn lại một lần nữa tên anh để xác định rằng mình không đang mơ. Giở ngay trang có bài của Lĩnh, tôi đọc vội một đoạn và biết rõ đúng là anh. Lặng người một giây, tôi giở tiếp quyễn thứ hai, lại một bài khác của Lĩnh. Tôi ngập ngừng đóng sách lại. Một tờ giấy nhỏ kèm trong tấm thiệp sinh nhật vô tình rơi ra, những giòng chữ của nhỏ bạn thân khiến tôi chùng lòng, quay quắt: “Gửi mi hai cuốn báo làm quà sinh nhật. Hãy đọc qua -ít nhất là mục mục lục- để biết tại sao tao chọn gửi chúng”. Lạ thật, tôi đã làm đúng những điều mà hắn dặn dò, mặc dù chưa hề đọc qua lời nhắn này trước. Và cũng không ngờ mình vẫn còn những xúc động thật đáng buồn cười, tựa như có người vừa khơi lại đống tro tàn, mặc dù đã vô cùng cũ, lạnh! Trong khoảnh khắc ấy, tôi tưởng như mình đang sống lại những khổ đau, hạnh phúc, nước mắt, nụ cười của “thuở học trò không sách vở cầm tay”, những giòng nhật ký của năm 18 tuổi bỗng trở về nguyên vẹn, như mới hôm qua.
“Hôm qua, tôi đã bắt đầu trang nhật ký mới với một giòng duy nhất: Hôm nay, tôi mười tám tuổi! Nét bút cứng ngắc và lạnh lùng khiến tôi bàng hoàng ngơ ngẩn. Mười tám tuổi! Đôi vai đang đầy thêm một chút, mớ tóc thêm vài sợi muộn phiền, còn những thứ gì thay đổi khác để cho tôi xa lạ hơn nữa? Bỗng dưng tôi bật khóc, 18 ngọn nến của buổi chiều mười bảy đã tàn, tiếng cười ròn tan của bạn bè mất hút, bây giờ, chỉ còn tôi một mình ở đây, chung quanh là bóng đêm và hiu quạnh. Thật ra, tôi vẫn chưa trưởng thành nổi với những điều mà lẽ ra tôi đã phải từ giã chúng trước giờ ánh nến cuối cùng phụt tắt cũng như sự yếu đuối của tôi khi đôi tay run rẩy viết không xong tên Lĩnh trên cánh thiệp. Vì thế, Lĩnh vô tình làm người vắng mặt, vì thế, tôi cố tình làm kẻ lãng quên. Hai tháng dài dai dẳng, chịu quay lưng về quá khứ, gom cho xong một chút tương lai, tôi còn gì để chờ mong ngoài phút giây hạnh ngộ. Nhưng hạnh phúc vốn là cái khốn cùng, nên tôi chưa giữ được trong tay, dù chỉ là những ảo hình mong manh nhất.
Lĩnh! Anh có còn nhớ gì tới em và những ngày trong quá khứ? Sân trường cũ em đã giã từ, bờ thềm xưa em vừa quay gót, chúng ta đang bắt đầu ở trên vị trí của một cuộc chia ly mà cả hai không ai là người đưa tiễn. Rồi những ngày tháng mới, cô học trò tỉnh lẻ này trở thành người xa lạ, liệu có ai dung dưỡng bước chân em khi trở lại trường xưa, nơi bảy năm dài em làm thân học trò ngoan ngoãn, nơi hai năm em khép kín tình riêng, hay lúc trở về em lạc loài giữa mọi thứ quen thuộc và lạ lùng ngay trong đôi mắt của anh?
Tôi lầm lẫn hay tôi đang hối hận? Ngày sinh nhật này Lĩnh không tới, mặc dù tôi không muốn, mặc dù tôi đợi chờ. Mười tám tuổi! rồi sẽ trống vắng hay thế nào nếu tôi vĩnh viễn không mong gặp lại Lĩnh. Làm một cuộc lựa chọn, tôi đành chịu thật nhiều mất mát. Ngày vui ơi ngắn ngủi! Muộn phiền sao dài lâu! Tôi muốn quên bẵng đi cái tên Lĩnh, nên cố tình lơ đễnh với giấc ngủ lẫn chiêm bao, thế mà, bây giờ, âm thanh quen thuộc ấy vẫn còn nồng nàn khi nghe nhắc nhở.
Buổi tối hôm qua, trước giờ đi ngủ, tôi mang phần bánh dành cho Lĩnh đặt trên bàn học cạnh quyển vở… nhìn thẫn thờ, buồn tủi và khóc một mình. Tôi không thể nào để đừng nhắc về Lĩnh, bởi tôi chưa bao giờ có dịp để quên anh. Kỷ niệm còn quá nồng hơi nên nỗi ngậm ngùi càng trở nên dai dẳng. Ánh nến và những lời chúc tụng của buổi chiều còn vương víu chung quanh như khơi động thêm cơn đau đang òa vỡ. Tôi cố chờ mong một huyền nhiệm, nhưng Lĩnh không là trăng sao nên tôi không tìm được anh trong bóng đêm. Lĩnh không là gió thoảng nên tôi đành im tiếng gọi. Ngồi lại chỗ này, nơi hằng đêm tôi nguyện cầu lặng lẽ, cảm giác mỗi lúc một hư hao. Rốt cuộc, cũng đành phải mất
nhau mà thôi! Một khoảng tình thơ dại—18 tuổi muộn phiền, tôi còn gì ngoài dư vị dở dang sẽ mỗi ngày một nhạt.—Ngày tháng tàn tình rồi cũng héo tàn—Tôi sắp sửa làm kẻ xa xăm, Lĩnh chắc có vời trông ngày tôi quay gót? Đã lâu rồi, không gặp lại Lĩnh, tôi làm thế nào để lường được sự thiết tha hay hờ hững của anh. Hôm nay lỡ, ngày mai lại lỡ, có lẽ tôi đành làm người đưa tiễn chính tôi chăng?
Lĩnh! Hãy cho em một tí can đảm cuối cùng để em rời thành phố mà không nghe ray rức, dù chỉ là nhắn nhủ, dù chỉ là tình cờ. Ôi! Tại sao tôi vẫn còn nhiều thứ để thèm tơ tưởng như thế, khi trong thâm tâm tôi đã rời rã, mỏi mòn. Ngày sinh nhật buồn, khởi điểm rõ ràng và hứa hẹn nhiều…mật đắng! Nếu chúng ta chẳng nợ gì nhau thì hãy nên hẹn lại, Lĩnh ạ!—Nơi em đi chắc vẫn còn lệ ứa, vì tình sâu giờ người đã buông mau!”
Tôi không ngờ mình đã thức suốt đêm, đọc hết hai bài viết của Lĩnh, nhớ lại những lần gặp anh sau ngày sinh nhật 18, những chuyến tàu nối liền Biên Hòa-Sài Gòn, nơi đã đưa anh đi, đã đón tôi về, đã mang chở biết bao lời nhắn gửi ân cần, êm ái! Đến những lần gặp gỡ cuối cùng rất tình cờ, hờ hững trước khi Lĩnh và tôi hoàn toàn mất tin nhau.
Cám ơn mi vô cùng bạn hiền ạ! món quà sinh nhật của năm này quả thật quá… nặng ký, nặng tình khiến tôi cảm thấy bàng hoàng, chới với. Ít ra, tôi cũng còn được… một chút gì để nhớ để quên trong cái cõi trần gian ô trọc này đấy chứ! Bỗng dưng, tôi lại nhớ đến câu mà chúng tôi thường nói với nhau ngày xưa, trong những khi ưu phiền, trắc trở: “Tuổi mười bảy có buồn cũng không buồn bằng ngày tóc đã ngã màu”. Dù rằng tóc của chúng ta đâu phải chỉ mới ngã màu từ hôm nay. Phải không bạn hiền?
Giờ đây, quá khứ như một cuốn phim cũ, rất trân quí, đã lạc mất từ lâu, mới vừa tìm lại được, nên hình ảnh dù đã nhạt nhòa, nhưng đoạn nào xem lại cũng vẫn còn làm rưng nước mắt, làm ấm môi cười.
Chẳng phải là chúng ta đã quên bẳng nhau đi rồi sao, hở Lĩnh? Bao năm dài xa cách, tôi chưa hề một lần nào có dịp nhắc nhở đến tên anh. Đời sống như giòng cuồng lũ xô đẩy chúng ta qua những bờ bến lạ, những thác ghềnh xa, dù êm đềm hay khốn khó, chúng ta cũng đã không còn tìm đâu được lối quay về. Thế nên, những rung động, thao thức hôm nay, có chăng cũng chỉ là “những tia nắng qua mái hiên làm tôi nhớ”, những viên đá cuội vụt rơi làm khuấy động mặt hồ. Đó không còn là những khoắc khoải-xót xa, đớn đau-chờ đợi của những sinh nhật ở tuổi học trò mười bảy, mười tám nữa.
Ở nơi xa xôi nào đó trên nữa vòng địa cầu hay gần gũi đâu đây trong một vài khoảnh khắc, tôi mong anh đã và đang được như tôi bây giờ, có một cuộc sống an vui, hạnh phúc và tràn đầy ân sủng. Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!
Lĩnh! Cám ơn anh đã làm cho những ngày tháng học trò của em trở thành huyền thoại, tuyệt vời với đầy đủ những âm hưởng ngọt ngào, đắng cay hòa lẫn xót xa, hạnh phúc. Thế nên, dù vẫn còn được cất giữ hoặc đã đi vào lãng quên trong ký ức của anh, cũng xin nhận lấy lời tri ân, dẫu rất muộn màng của em. Chúc anh mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, mỗi ngày là một nỗi hân hoan!
Viết cho một ngày của tháng Bảy, 2005
Tưởng Dung
XIN HÃY ĐỢI CON
Lời tác giả: Bài thơ cảm tác sau khi đọc “Những câu chuyện thương tâm sau trận động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật”.
“Hình ảnh cậu bé 9 tuổi cầm hai tấm biển ghi tên cha mẹ và người thân đi dọc hành lang các khu tạm trú sau thảm họa kép ở Nhật Bản đã lay động tâm can hàng triệu người dân thế giới. Cậu bé đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau mà người dân Nhật đang phải hứng chịu sau thảm họa động đất kèm sóng thần kinh hoàng xảy ra hôm 11/3.
Ngày qua ngày, cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, đi hết từ khu tạm trú này đến khu tạm trú khác để tìm kiếm gia đình của mình.
Cầm chặt hai tấm biển ghi tên cha mẹ và người thân, cậu bé Aisawa suốt tuần qua đã mãi miết đi dọc khắp các hành lang ở những khu trú tạm trong thành phố quê hương Ishinomaki để tìm kiếm những người thân yêu của mình. Cậu bé dường như không biết mệt mỏi và không bao giờ hết hy vọng.
Lần cuối cùng, Aisawa nhìn thấy bố, mẹ, bà và anh họ của mình là khi cả nhà lèn vào một chiếc xe hơi và tìm cách chạy trốn những con sóng thần đen nghịt hung dữ. Nhưng chiếc xe của họ cuối cùng cũng chẳng thoát nổi. Những con sóng thần cao ngất đã nuốt chửng chiếc xe hơi trong vòng xoáy nước điên cuồng.
Aisawa đã thoát chết nhờ vào việc đập vỡ cửa sổ của xe và được các nhân viên cứu hộ lôi lên từ dòng nước trong tình trạng bất tỉnh.
Ngay sau khi tỉnh dậy, Aisawa đã đi tìm bố mẹ và những người thân của mình. Mỗi ngày cậu bé đều để lại lời nhắn trên giấy: “Con sẽ đến vào 11h ngày mai, xin hãy đợi con… Con sẽ đến vào ngày mai”. Những dòng chữ nhắn nhủ của cậu bé này đã khiến cho bất kỳ ai dù là cứng rắn nhất cũng phải rơi lệ.
Xin tặng cậu bé Aisawa bài thơ với lòng cảm xúc sâu xa sau khi đọc câu truyện và lời nhắn nhủ thiết tha của cậu.