Previous
Next
Kính mời quý vị nhấn vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức các tác phẩm Văn Xuôi của nhà văn Đỗ Dung
Trang thơ của văn thi sĩ Đỗ Dung
TẾT TRÊN GÁC TRỌ
Tết đến buồn lòng người viễn xứ
Xuân về xót dạ kẻ xa nhà.
Thế mà,
Vừa hết Tết Tây, tới Tết ta
Nhớ thuở xưa kia ở quê nhà
Hăm lăm tháng Chạp, ngày tảo mộ
Tiễn Táo Quân vào tối hăm ba
Bánh chưng xanh, thịt kho, dưa giá
Chiều ba mươi cúng rước Ông Bà.
Nay sống lưu vong nơi đất khách
Mừng Xuân trong cảnh kẻ không nhà
Đầu Năm đón Tết trên gác trọ
Mua cơm hàng quán cúng Ông Bà
Lặng nhìn hương khói lòng thương nhớ
Thân nhân quá cố, nhớ Mẹ Cha
Con cháu đi làm không được nghỉ
Sở Mỹ không cho nghỉ Tết ta
Tối đêm mồng một, đầu Năm mới
Điện thoại, điện thư chúc thọ Cha.
Giữa đêm trừ tịch không tiếng pháo
Nâng cốc mừng Xuân, Ta với Ta.
Hoa Đô, Tết Tân Sủu 2021
Lão Mã Sơn
HÃY VUI LÊN ĐI
Mỗi buổi sáng thức dậy
Nắng sớm ùa qua khung cửa sổ
Chim chóc ríu rít khúc hoan ca
Mở tung lồng ngực ra
cho không khí trong lành
tràn đầy buồng phổi
đi khắp châu thân
Chào bình minh!
Ta còn đây để chứng kiến thời sự xoay vần
Chứng kiến những tiến bộ của khoa học
Hưởng thụ nếp sống văn minh
Còn thưởng thức những sáng tác của thế nhân
Còn dệt lên những vần thơ diễm tuyệt
Còn chuyện trò với những người bạn thân thiết
Liên lạc với những người còn lại ở quê nhà
Vui với bầy cháu con hiếu thảo gần xa
Good Morning!
Hỡi con Corona quái ác
Dù biến sang thể này hay thể khác
Chớ có lại gần ta
Hãy mau mau biến mất đi nha
Cho nhân loại thái hoà
Ta vẫn còn đây!
Trân quý từng phút từng giây ta đang có
Với tâm thanh thản
Nhìn tha nhân qua lăng kính lạc quan
Yêu vũ trụ, yêu thiên nhiên,
Vui với gió, đùa với mây
Ta thật yêu đời
Xin cảm tạ Ơn Trời!!
Em xin có bài thơ con cóc
Kính tặng anh Hai
Feb 1, 2021.
ĐD
Kính mời quý vị thưởng thức tác phẩm mới của
nhà văn Đỗ Dung
Xuân Xưa |
Tình già
Đỗ Dung
Năm nay trời đất lạ lùng, khí hậu thật kỳ quặc. Tuần lễ trước tết mưa gió liên miên, hai ngày đầu năm trời âm u, xám ngoét và sũng nước. Trời nóng lạnh, thay đổi bất thường nên gần như nhà nào cũng có người bịnh, không ốm nặng cũng cảm mạo, ho hắng.
Đêm Rằm Tháng Giêng, bà Phiên kéo màn cửa sổ tìm trăng. Thường những đêm trăng sáng bà có thú nhìn lên bầu trời cao để tâm hồn bềnh bồng, phiêu lãng vào những kỷ niệm êm đềm xa xưa. Đêm nay trăng bị khuất trong lớp mây mù dày đặc, trời tối đen như đêm ba mươi. Tiếng mưa rơi tí tách, không nhẹ nhàng lất phất như mưa xuân. Ông bà nằm cùng giường mà mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Bà bịnh gần hai tuần nay, bị cúm hành tả tơi, mặc dù hai ông bà đã cẩn thận năm nào cũng đi chích ngừa từ Tháng Mười Một. Hôm nay bà đã đỡ thì lại đến phiên ông.
Ông kêu lạnh, mặc bốn lớp áo, khăn len quấn cổ, đầu đội mũ mà vẫn kêu lạnh. Bà phải vặn cái lò sưởi nhỏ trong phòng, hướng về phía ông mà ông vẫn thấy lạnh và lên cơn ho như xé phổi.
Bà nhỏm dậy lục tủ đầu giường lấy lọ dầu Bảo Tâm An.
– Để tôi xoa dầu cho ông nhá!
– Bà xoa hai gan bàn chân cho tôi được rồi, khỏi phải xoa ngực, lưng. Tôi mặc đủ áo ấm.
– Xoa dầu để chà sát cho máu huyết lưu thông, người nóng lên từ bên trong mà.
Ông Phiên ngoan ngoãn để bà chà sát trước ngực và hai bên cánh phổi sau lưng rồi đến hai bàn chân. Tạm êm, không thấy ông ho nữa.
Bà nằm lim dim nghĩ đến mấy đứa cháu. Thằng Thiên Ý cũng đang ho, con Minh Uyên cũng đang cảm, hai đứa nước mũi chẩy ròng ròng. Hôm nay thấy mắt chúng nó đã hơi đỏ và kèm nhèm đổ ghèn, bà định mai phải bảo bố mẹ chúng nó đưa đi bác sĩ. Ở nhà bà chỉ xoa dầu rồi cho uống Tylenol, trẻ con phải cho đi khám bịnh ngay xem sao, không để ốm lâu mất sức.
Chợt cánh tay ông quàng qua người bà.
– Mình ơi…Anh thương mình quá!
– ???
– Anh đi trước không biết mình ra sao!
– Ơ hay, sao hôm nay ông lẩm cẩm thế! Mọi khi tôi đòi chết trước thì ông nhất định giành đi trước mà.
– Cuộc đời ngắn ngủi quá phải không mình!
Giọng ông Phiên như nghẹn lại, hai giọt nước mắt âm ấm cũng ứa ra khóe mắt bà. Nhớ khi bà vừa qua cơn bịnh nặng, các con đưa ông bà đi du thuyền chơi cho khuây khỏa. Một đêm đang nằm ngủ trên tàu, ông nằm mơ, kêu ú ớ:
– Đừng bỏ anh, đừng bỏ anh!
Bà lay ông dậy, quay qua thấy vợ đang nằm bên cạnh, ông ôm chặt lấy bà.
– Anh mới bị ác mộng. Em chạy đi, em bay đi, anh cố chạy đuổi theo em.
Sáng hôm sau bà còn trêu ông:
– Chắc lại nhớ cô nào rồi chứ gì? Lâu quá mình đâu có xưng hô anh em đâu nào.
Hai ông bà lấy nhau đã hơn bốn mươi năm. Ông nhớ hình ảnh cô nữ sinh bé bỏng ông theo đuổi, yêu thương ngày đó, những cảm động của đêm tân hôn, những ngọt ngào của tuần trăng mật rồi đến nỗi nhớ quắt quay của ông trong những năm tháng dài trong trại cải tạo. Bao nhiêu kỷ niệm, vui có, buồn có cứ ùn ùn kéo về.
Hai ông bà nhắc nhau, ôn lại những chuyện cũ rồi từ từ tiếng ông thở đều, rồi ông thản nhiên kéo gỗ. Bà khó ngủ hơn ông, nhất là khi có chuyện gì bận rộn trong đầu. Bà thao thức có khi thâu đêm.
Vợ chồng như đũa có đôi, từ ngày lấy nhau gần như hai ông bà không hề xa cách, trừ những năm ông phải đi tù cải tạo. Đến khi về hưu, sau sự mất mát những người thân trong gia đình, rồi đến sự ra đi của những người cùng trang lứa, ông bà biết lẽ vô thường, biết rằng sinh tử là chuyện phải đến nên cũng đã sửa soạn cho đời sống tâm linh, sửa soạn cho cuộc hành trình cuối cùng được thanh thản, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề còn chiếc đũa lẻ.
Đêm sâu, bên tiếng ngáy mệt nhọc của ông, bà trăn trở. Nghĩ đến hoàn cảnh những người trong hội già mà thỉnh thoảng bà đến họp. Bà cụ Tiến có cả đàn con mà cụ ông mất mấy năm rồi, cụ bà vẫn sống một mình vò võ. Các con cụ rất hiếu thảo, ngoan ngoãn. Cụ có bẩy người con, hai cậu con trai lấy vợ Mỹ nên dĩ nhiên cụ không hợp vì bất đồng ngôn ngữ, khác xa về phong tục, tập quán. Mẹ chồng con dâu gặp nhau chỉ “hi, hello” cho phải phép rồi thôi. Cả hai cặp đều chủ trương không sanh nở vì ngại trách nhiệm và sợ không lo nổi cho con cái. Thế mà một cặp thì nuôi cả bầy chó còn một cặp thì nuôi mấy con mèo để mà ẵm bồng, hôn hít. Năm cô con gái của cụ đều học hành thành đạt, gia đình êm ấm, hạnh phúc, cô nào cũng có một, hai đứa con. Khi cụ ông mới mất, cả năm cô đều mời mẹ về ở cùng, cụ nhất định không chịu, cụ yêu căn nhà kỷ niệm của cụ, nhà đã trả hết nợ và khu vườn hai cụ chăm bón mấy chục năm nay cụ không thể rời xa. Dạo này cụ bắt đầu yếu, đi đứng lọm khọm, các con họp nhau lại bàn là mỗi cô sẽ soạn một phòng riêng để cụ sẽ luân phiên ở với mỗi cô vài tháng, khi chán lại sang nhà con khác. Cụ cũng thử đi một vòng nhưng cụ nói nó thế nào ấy, ở đâu cũng lang thang như người ở trọ. Nhà cụ vẫn quen, chỗ để ống tăm, chỗ để lọ thuốc cụ biết rõ, vào bếp muốn lấy cái muỗng, đôi đũa biết ngay nó ở đâu, ở nhà các con mỗi đứa sắp một kiểu, muốn lấy cái gì thì mở hết ngăn này đến ngăn khác mới tìm thấy. Cụ còn than già rồi ăn ít nhưng hay ăn vặt, ở nhà con cứ xuống lục tủ lạnh hoài sợ rể nó cười, sợ cháu nói bà ăn vụng. Các bà bạn chỉ biết phì cười vì những chuyện cụ kể và nói cụ có phúc mà không biết hưởng hạnh phúc mình có. Có thể chỉ vì trong thâm tâm cụ vẫn nghĩ theo kiểu cổ xưa, con trai mới là người để nương cậy lúc tuổi già. Ở với con gái cụ vẫn có mặc cảm với con rể và mấy người thông gia. Chắc đến lúc cụ yếu đuối hẳn, khi lúc nào cũng cần phải có người ở gần bên, cụ mới thay đổi ý kiến, đổi quan niệm sống. Phần đông các ông bà khác thường than thở vì con, vì cháu, ở bên này mọi người bận rộn chả ai để ý đến ai, ở với con trai thì ngại con dâu, ở với con gái thì sợ phiền con rể.
Bà Quý thì mong cháu, gần bẩy mươi mà chưa có cháu để ẵm bồng, hủ hỉ. Hồi còn đủ cả hai ông bà thì bà thấy không cần thiết. Khi về hưu ông bà đi chơi khắp nơi, mỗi năm đi du lịch thế giới mấy phen, không kể những chuyến đi chơi gần với mấy người bạn thân. Bây giờ còn một mình, bà Quý mới thấy thèm tiếng nói cười ríu rít trẻ thơ. Bà ước ao hai con trai của bà sanh cho bà vài đứa cháu nội, bà sẽ biến căn nhà của bà thành nhà trẻ, bà sẽ thuê người phụ với bà chăm sóc các cháu, bà sẽ không thiết đi đâu nữa.
Còn một số ông bà khác lẻ bạn thì đi tìm người cũng cô đơn như mình để chia sẻ buồn vui. Các ông bà cho rằng cùng một lứa mới hiểu được nhau, tuổi trẻ không cảm thông được, đừng trông mong gì nhiều ở con cái thì sẽ không có những thất vọng đớn đau.
Như có tiếng sột soạt ở phòng khách, bà xích lại gần ông như tìm sự che chở. Eo ôi, nếu ở một mình bà sẽ sợ lắm. Từ khi lấy chồng, bà chưa bao giờ ngủ một mình, không có chồng thì có con, có cháu. Thôi thôi, không dám nghĩ tiếp nữa, bà cố dỗ giấc ngủ.
Buổi sáng ông dậy sớm, thấy bà đang ngủ ngon, hơi thở đều, tiếng ngáy nhè nhẹ. Qua khung cửa sổ, trời đã rạng sáng, quang đãng, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Ông vươn vai, cảm giác ốm đau như biến mất. Ông chịu khó tập thể dục đều đặn, đi bộ đều mỗi buổi sáng và ăn uống rất chừng mực nên ông vẫn giữ được thân hình rắn rỏi so với những người cùng tuổi với ông. Bước ra sân sau, ông thấy hơi đói bụng, làm những động tác thể thao thông thường rồi ngồi đọc sách, chờ bà dậy để cùng uống cà phê và ăn điểm tâm buổi sáng.
Ông sẽ làm gì khi không còn bà ở cạnh? Bà sẽ ra sao nếu ông đi trước? Nghĩ đến bà, ông lại thương, dù gì bà cũng đã hơn sáu mươi, chắc chắn bà sẽ không đi bước nữa nhưng ông biết tính bà hay nghĩ ngợi, lại dễ tủi thân, không có ông, ai che chở, ai bênh vực bà? Con cái thương mẹ, dâu rể cũng ngoan ngoãn biết điều, nhưng tuổi trẻ hay vô ý, vô tứ dễ làm con người nhạy cảm như bà bị tổn thương.
– Ông dậy sớm thế? Khỏe hẳn chưa mà đã ra vườn?
Tiếng bà từ trong nhà nói vọng ra.
– Mấy ngày mưa gió, xám xì, hôm nay có nắng, bà ra ngồi hong nắng chút cho khỏe.
– Ông ăn gì nào? Cơm trứng hay bánh mì trứng?
– Cái gì cũng được!
– Ăn trong nhà hay ăn ngoài vườn?
– Ngoài này đi, lâu lắm mới có một ngày nắng ấm.
Một lúc sau bà khệ nệ bưng một khay với hai đĩa cơm trứng nóng hổi còn bốc khói và hai tách cà phê.
Một đàn bò đang thủng thỉnh nhai cỏ trên ngọn đồi sau nhà. Cảnh thật yên tĩnh, thanh bình.
Bà nhìn ông, mái tóc bạc phơ như những sợi tơ óng ánh trong nắng. Một tuần nữa là đến ngày Valentine, bà đã đặt một tấm hình hai người trong tuần trăng mật ở Đà Lạt in vào “canvas” để tặng ông, không biết ông có nhớ ngày này không và ông sẽ mua tặng bà cái gì. Hồi còn ở Việt Nam, hàng năm cứ vào đúng kỷ niệm ngày cưới là ông lại nhớ mua cho bà một bó hồng nhung. Sau bảy lăm, những xa hoa phù phiếm ấy bị loại bỏ. Khi ông đi tù cải tạo về, ngày kỷ niệm của vợ chồng, bà chỉ nấu nồi bún riêu hay làm bữa bún chả cho cả nhà ăn mà cũng chẳng nói lý do. Năm 1980, khi vượt biên sang đây, ngày lễ Valentine đầu tiên, ông đã ra vườn của cô em hái cho bà hai chùm hoa đuôi chồn màu đỏ. Những năm sau đó ông luôn nhớ nhưng chỉ đem về cho bà một đóa hoa hồng. Cho đến khi ông bà về ở với con cháu thì ông mua hộp chocolate to tướng để cả mấy bà cháu cùng ăn.
Nhớ lại chuyện đêm hôm qua, bà nắm lấy tay ông nói nhỏ:
– Ông đừng lo việc của Ông Trời. Chúng mình còn có nhau, bên nhau đến ngày hôm nay thì hãy vui những ngày còn lại. Đến đâu hay đến đó… hơi sức đâu mà lo… Quan trọng nhất là cái tâm thanh thản, an vui ngày hôm nay.
Ông siết tay bà, nhìn bà và trong lòng nhủ thầm, Valentine này phải mua tặng bà một bó hoa hồng thật đẹp.
Đỗ Dung
Chiếc Lá Vàng
Đỗ Dung
Chiều ba mươi tết, bầu trời thấp, mây xám vần vũ chỉ đợi trút cơn mưa. Bước vào “Nursing Home”, tôi nhìn ông cụ đang ngồi im lặng như một pho tượng trước màn ảnh TV nhỏ mà lòng thấy nghẹn ngào. Như mọi năm giờ này ông cụ đã sửa soạn nhà cửa xong xuôi để đón tổ tiên và sẵn sàng những phong bao đỏ để đợi con cháu. Đối với Bố tôi, ngày tết là ngày thiêng liêng, đêm giao thừa là lúc giao mùa, tống cựu nghinh tân. Nhà cửa phải sạch sẽ, tươm tất. Cành mai, cành đào, chậu quất, chậu cúc… đầy nhà. Trên bàn thờ đèn nhang thơm ngát, mâm ngũ quả tốt tươi, đỉnh đồng, chân nến sáng choang… Thế mà hôm nay ông cụ cô đơn ngồi đây, trước màn ảnh truyền hình, nhìn vào cõi xa vắng.
Tôi lặng lẽ đến gần, ôm ông cụ mà nuốt nước mắt.
– Bố, Bố có khoẻ không? Bố biết con là ai không?
Ông cụ ngước mắt nhìn rồi mấp máy môi:
– Dung!
Mái tóc Bố trắng như tuyết, khuôn mặt già nua mặc dù làn da vẫn hồng hào, trắng mịn. Tôi ngồi xuống bên, cầm tay Bố, nhắc chuyện ngày xưa.
– Bố có nhớ…? Bố có nhớ…???
***
Các bạn của Bố tôi thường gọi đùa Bố tôi là Ông Tam Tá vì Bố tôi là Trung Tá, tên Tá và có một Tá con. Không những có một tá con mà còn đặc biệt là có chín nàng con gái. Người ta thường nói có con gái trong nhà như chứa bom nổ chậm, ấy thế mà Bố Mẹ tôi có tới chín quả bom.
Bố Mẹ tôi lập gia đình năm cả hai đều mới mười tám. Để rồi năm sau đó anh em chúng tôi lần lượt ra đời, cứ đứa trên hơn đứa dưới hai tuổi. Người ta dễ nhận ra nhà chị em đông qua tên đặt, chẳng hạn như chị em Vân Loan, Vân Nga, Vân Bằng, chị em Phương Lan, Phương Nga, Phương Trà… hoặc qua dáng người như chị em Lệ Hằng, Mộng Thúy, chị em Lệ Hà, Lan Trân… Chị em chúng tôi chẳng đứa nào giống đứa nào, đứa cao, đứa thấp, đứa trắng, đứa đen… vì đứa giống Bố, đứa giống Mẹ, có đứa lại giống Bà Nội, Bà Ngoại. Thậm chí có hai đứa cùng giống Bố mà trông cũng chả giống nhau vì mỗi đứa chọn những nét riêng của Bố. Tên thì cũng chẳng vào bộ nào. Đầu lòng là ông anh cả Dũng, dây đầu ba nàng Đỗ Dung, Minh Thuận, Vân Hạnh. Sau chú Tuấn là ngũ long công chúa, Phương Nam, Quỳnh Mai, Anh Thư,Tuyết Minh,Thiên Hương. Tiếp đến là chú Minh Duy, chấm dứt bằng cô út Đoan Thùy. Bà nội tôi nói mẹ chúng mày thật khôn, có một tràng pháo lẹt tẹt, lâu lâu lại điểm một quả pháo đùng!
Ông cụ là nhà binh nên nhà cũng theo trật tự kiểu nhà binh. Nhà có bốn tầng thì tầng nhì dành riêng một phòng dài, rộng, một dãy giường và một dãy bàn học kê liền nhau. Chúng tôi gọi đó là “Trại nữ binh”. Riêng tôi, con gái lớn nhất được một phòng riêng trên sân thượng, trông ra mảnh vườn con.
Nhà con đàn, lo cái ăn, cái mặc cũng đủ mệt. Mẹ tôi thường đi chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối mua rau trái để vừa rẻ, vừa tươi. Mía mua cả bó, ốc mua cả thùng, nghêu mua cả bao, trái cây thì mua nguyên cần sé! Riêng cô con gái lớn học Dược đến mùa thi lúc nào cũng có một chục cam sành dưới gầm giường. Bố Mẹ tôi quan niệm nhà con đông như một chiếc xe lửa có nhiều toa, nếu toa đầu mà ngay ngắn thì cả một đoàn xe dài sẽ hùng dũng tiến lên. Ông anh cả đi Pháp ngay sau khi xong tú tài, ở nhà còn tôi lớn nhất, lại là con gái nên lãnh nhiệm vụ cái đầu tàu.
Bố Mẹ tôi cùng tuổi Dần còn chúng tôi là một bầy gia súc. Tôi sinh năm Hợi, theo lẽ thường thì khắc với tuổi Dần, nhưng ngược lại tôi là con được cưng. Bố tôi thường hay đùa rằng tôi là Lợn rừng. Lợn rừng nên mới nhờn với Hổ.
Mẹ dạy con theo kiểu của Mẹ. Tôi nhớ ngày đầu tiên khi thấy những vệt hồng trên chiếc quần trắng, tôi cuống quýt chạy đi tìm Mẹ. Sau khi chỉ dẫn cách thức chuẩn bị cho con gái thì ngay buổi tối hôm đó Mẹ đã chui vào giường con thủ thỉ: “Con lớn rồi, con biết không? Từ nay không được ngồi gần con trai, không được để đàn ông nắm tay, đi đường có đứa con trai nào theo không được trả lời, lúc nào cũng phải nhìn thẳng… v.v… v.v” Ôi thôi Mẹ dạy đủ thứ làm con bé mười ba tuổi hoảng hồn, lên xe buýt hay xe lam cũng ké né, không dám ngồi cạnh người khác phái.
Bố dạy theo kiểu của Bố. Con gái phải như con dao pha, làm cái gì cũng được, hoàn cảnh nào cũng sống được… Điều quan trọng nhất của Bố là các con phải tốt nghiệp đại học, phải tự lập về tài chánh dù sau khi lập gia đình.
Đến tuổi dậy thì cả Bố lẫn Mẹ đều chăm chút cho cô gái lớn, mặc dù ba chị em sàn sàn bằng nhau và đều cùng học Trưng Vương. Các em mặc áo dài “tetoron” thì được nhưng chị phải áo lụa toàn tơ. Các em phải ở trong “Trại nữ binh” còn chị được ở riêng một phòng. Bố còn đích thân dắt con lên tiệm đồ gỗ Vụ Bản để sắm cho con nguyên bộ giường, tủ, bàn phấn màu hồng nhạt. Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi như thế nhưng tôi bị kỷ luật nghiêm khắc và bị cấm đoán nhiều thứ. Cấm không được mặc áo đầm, cấm không được đi nhẩy, cấm không được có bạn trai khi chưa xong trung học… Khi đậu xong tú tài tôi muốn lên Đà Lạt học vì tôi yêu thành phố sương mù, yêu những đồi cỏ xanh mướt, những vườn hoa tươi thắm, những rặng thông già với tiếng reo vi vu. Tôi muốn thả hồn với mây, với gió, sống hoà ngợp với thiên nhiên. Bố phản đối ngay, nhất định không cho phép, mặc dù tôi bằng lòng ở nhà Bác, chị của Mẹ. Tôi làm reo, ghi tên hầu hết các phân khoa nhưng lang bang không theo học trường nào mà nộp đơn xin đi làm sở Mỹ. Ngày có giấy gọi tôi đi khám sức khoẻ để đi làm, Bố tôi xé ngay, mắng cho một trận nên thân rồi nắm cổ gửi vào lớp của bác T. T. Tuệ để luyện thi vào trường Dược. Ngày tôi thi đỗ Bố sắm cho tôi từng cái ống nghiệm, từng cái “becher”.
Hai Bố con tôi rất thân nhau vì con hay thủ thỉ với Bố, Bố cũng hay tâm sự với con. Bố đến đón con ở trường thì vào tận giảng đường tìm, khi thấy mặt con Bố giơ chùm chìa khoá lên lắc lắc ra hiệu rồi xuống xe ngồi đợi.
Hồi trẻ Bố tôi đẹp trai, nhanh nhẹn, nói năng rất có duyên vì thế nên có nhiều cô ngưỡng mộ. Những buổi chiều hè Bố đưa tôi lên làng đại học Thủ Đức để dạy lái xe, tôi khượi khượi, gợi chuyện, thế là Bố kể hết chuyện của Bố. Tương kế, tựu kế vì biết người biết ta trăm trận trăm thắng (!) . Tôi cứ khươi chuyện và làm như về phe với Bố, Bố đưa tôi đến gặp người ta. Rồi ba chị em bàn nhau đi dẹp giặc giúp Mẹ. Bố nói với chúng tôi:”Bố như kẻ lữ hành đi trên đường thiên lý, thấy bóng mát thì ngừng chân, nhưng Mẹ và các con vẫn là nơi nghỉ ngơi chính thức cuối cùng”. “Bố ngụy biện, Bố không được ngừng nghỉ ở đâu hết, phải đi thẳng về nhà”. Chúng tôi đã trả lời thế. Công nhận là Bố tôi rất thương vợ và các con, không hề sao lãng bổn phận với gia đình.
Mặc dù hãnh diện vì có ông Bố hào hoa nhưng tôi sợ. Tôi sợ những người nổi bật trong đám đông, những kẻ dễ quyến rũ người khác phái. Tôi đổi quan niệm về thần tượng. Thần tượng của tôi sẽ là người trung bình về mọi phương diện và điều quan trọng nhất là tấm lòng chung thủy. Thủy chung thì dù có gặp sức quyến rũ đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể ngã lòng. Hai cô em tôi đã chọn được ý trung nhân còn tôi cứ mãi lãng đãng. Mỗi lần đi phù dâu bạn hay các bà chị họ về lại có người nhờ mối mai, các bạn bè cũng cứ muốn – Mày làm chị của tao – Mẹ sốt ruột thúc giục – Con còn muốn gì? Như thế mà chưa chịu? Con còn muốn gì đây? -… Để rồi sau sinh nhật hai mươi bốn, tôi quyết bỏ những mơ màng, lãng đãng, lông bông và tôi đã gặp chàng, người tôi xe tơ, kết tóc.
Tối hôm trước ngày đám cưới, Mẹ dặn đủ điều. Mẹ dạy con chữ Nhẫn, Mẹ muốn con nhớ chữ Nhịn vì đối với Mẹ đàn bà Nhẫn Nhịn bao giờ cũng thắng ở trận cuối cùng. Bố khóc, Bố là người đa sầu, đa cảm và mau nước mắt hơn Mẹ. Bố thương con, Bố nhớ con và Bố buông câu nói sau cùng: “Tử tế thì ở mà không tử tế thì về với Bố!” Đám cưới là ngày vui mà bố con sụt sùi, chị em bịn rịn. Mẹ cũng thương con nhưng chắc Mẹ thở phào vì đầu đi đuôi lọt, con chị nó đi cho con dì nó lớn, Mẹ còn phải lo tiếp cho tám nàng con gái nữa.
Tôi lập gia đình xong. Biết là cái đầu tàu đã ngay ngắn, Bố Mẹ tôi dễ dãi hơn với các con còn lại. Vân Hạnh muốn đi Đà Lạt học Bố cho phép liền. Tiếp đến Thuận đi lấy chồng. Nghĩ lại tôi thấy cũng thật bất công cho các em tôi vì khi tôi thi Trung Học và Tú Tài, chỉ đậu bình thứ mà bố mẹ rất là hãnh diện, dắt cả nhà đi ăn cơm tây để khao, còn các em tôi đậu ưu, đậu bình thì Bố nói con của Bố đương nhiên phải học giỏi! Mỗi lần tôi đi thi Bố sửa soạn cho từ cái quần, cái áo, tự tay Bố là ủi phẳng phiu, bảo Vân Hạnh đưa chị đi và trước khi đi Bố ra cổng đứng đợi sẵn để chắc chắn con không ra ngõ gặp gái.
Ngày tôi sanh con bé đầu lòng, cả nhà đứng đợi trước phòng sanh. Sau khi con bé chào đời bà ngoại bồng cháu đi trước, các dì, các cậu theo sau như một đám rước. Sáng sớm hôm sau Bố vào thăm đem một chai rượu sâm banh để Bố cùng con gái uống mừng cháu ngoại đầu tiên. Kỷ niệm với Bố tôi còn nhiều. Bố tiếp tục lo lắng, săn sóc cho những đứa con của Bố. Sau khi ba đứa lớn yên bề thì Phương Nam lại là đầu tàu của dây sau. Bố lại o bế, chiều chuộng con búp bê Nhật Bổn của Bố. Lịch sử tái diễn.
Biến cố 1975 cả gia đình tôi đều bị kẹt lại ngoại trừ ba người con đi du học từ trước và Thuận di tản theo nhà chồng. Cha và chồng tôi đều phải vào trại cải tạo. Mọi việc trong nhà oằn trên vai Mẹ. Mẹ tôi thật xốc vác, đảm đang. Mẹ công bình hơn Bố, Mẹ thương yêu tất cả các con của Mẹ, đối với Mẹ đứa nào cũng là con vàng, con ngọc, là kim cương, hột xoàn của Mẹ. Mẹ chắt chiu, dành dụm để cứ gom đủ tiền lại kiếm chỗ gửi một đứa con ra đi. Cứ như thế Mẹ tung các con của Mẹ ra đại dương để đi tìm tương lai, còn Mẹ và bé út ở lại để thăm nuôi và chờ Bố. Nhà toàn con gái thế mà đi trót lọt và đoàn tụ lại hết không bị sứt mẻ gì. Hàng đêm Mẹ thắp nhang cầu nguyện và cảm tạ Phật Trời, Tổ Tiên đã phù hộ cho gia đình, cho con cháu của Mẹ.
Bố tôi trải hơn mười năm trong ngục tù, từ trại Long Giao trong Nam đến Hà Sơn Bình ngoài Bắc, điêu đứng, đắng cay, đói ăn, rét mặc. Bị đau đớn từ tinh thần đến thể xác. Bố được thả về với hình hài yếu đuối, tâm trạng rã rời. Cuối cùng các con cũng bảo lãnh được cha mẹ và em út. Đại gia đình, bố mẹ với mười hai người con đoàn tụ lại hết. Nhân số gia tăng đều đều. Bây giờ bố mẹ tôi đã có hai mươi bốn đứa cháu và bốn đứa chắt. Hàng năm vào dịp Thanksgiving chúng tôi đều tụ họp ở Lake Tahoe, dâu rể, con cháu hơn năm chục người. Bố mẹ chúng tôi sống chan hoà Hạnh Phúc mặc dù đôi khi cũng có những chuyện lợn cợn của cuộc đời.
Được vài năm thì Bố tôi bị “stroke”, đôi chân yếu dần, yếu dần. Bây giờ Bố tôi không tự đứng được nữa, nói khó khăn, ăn bằng ống tiếp thẳng vào bụng. Hàng ngày Mẹ tôi phải vào thăm, Bố Mẹ tôi bằng tuổi nhau nên Bố già thì Mẹ cũng còm cõi. Mẹ không bịnh nhưng rất yếu, yếu vì tuổi già, yếu vì đã sanh đẻ mười hai lần, yếu vì suốt đời phải nhọc nhằn, lo lắng. Mẹ tôi có tất cả các đặc tính của người đàn bà Việt Nam xưa, chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con, nhịn ăn nhường mặc, chẳng nghĩ đến thân mình. Đi chợ thì mua con cá rõ to, chọn con gà thật béo, chục xoài phải nhất chợ cho chồng, cho con. Mỗi khi có hàng quà đi ngang, chúng tôi khều khều Mẹ là Mẹ lại móc túi cho tiền. Những lúc chúng tôi nằm dài sát nhau coi TV thì Mẹ nhìn ngắm say sưa rồi nói “Không chịu khó đẻ thì làm sao có những đứa trẻ này!” Người Mẹ thật thơm, mùi thơm dịu mát mà đứa con nào cũng thích rúc Mẹ mặc dù đã lớn tướng.
Mẹ vào thăm Bố, Mẹ đem những phim ảnh ngày xưa, thời các con còn bé tí, hình đám cưới của từng đứa con, hình ra đời của từng đứa cháu, hình những kỷ niệm của gia đình, ngày lễ bạc, lễ vàng của Bố Mẹ. Có chứng kiến tận mắt mới thấy thế nào là tình nghĩa Phu Thê, thế nào là vợ cái, con cột. Thời trẻ Bố có đi hoang Mẹ vẫn nhẫn nhịn, đợi chờ. Bây giờ hai vợ chồng già chăm chút cho nhau. Hai người như hai chiếc lá vàng đang run rẩy trước gió. Như hai ngọn đèn leo lét, dầu cạn từ từ. Vẫn biết rồi cũng phải chia ly, vẫn biết không ai sống hoài nhưng nhìn hai hình bóng thân yêu không khỏi ngậm ngùi. Mặc dù con đàn cháu đống, gia đình lúc nào cũng đông vui, nói cười rộn rã, đi đâu cũng có một lũ con cháu vây quanh… nhưng cuộc hành trình cuối cùng thì Đơn Độc
Đỗ Dung – 2007
Kính gửi quý vị nghe đọc truyện ngắn
của văn thi sĩ Đỗ Dung
XÓT XA LÁ VÀNG
Tết còn cha mẹ thật thiên đàng
Đoàn viên lòng ấm sương tuyết tan
Vui đậu buồn bay bao kỷ niệm
Hiếu tâm đau xót xa lá vàng…
MD.02/06/21
LuânTâm
Thân cảm tặng “CHIẾC LÁ VÀNG”& TG.VTS.ĐỖ DUNG
BÊN THỀM SINH TỬ
Bên thềm sinh tử tiên dung hoa
Mây trôi gió thoảng khói nhạc hòa
Chim khôn gọi bạn vui se sẻ
Hồn thơ tình mẹ lòng thiền cha…
MD.10/29/20
LuânTâm
Thân cảm tặng “BÊN BỜ TỬ SINH”
& TG.VTS.Đỗ Dung
CÁNH HOA TRƯỚC GIÓ
Bên hiếu bên tình quá thương đau
Hao gầy tóc rụng huyết lệ trào
Cánh hoa trước gió thời ly loạn
Bến đục bến trong sóng gió gào…
MD.08/03/20
LuânTâm
Thân cảm tặng ” SAU CUỘC VUI “& tác giả Đỗ Dung
Kính mời quý vị vào thăm các sinh hoạt
của văn thi sĩ Đỗ Dung
Việt Nam Minh Châu Trời Đông
Nhạc và lời Hùng Lân
Nhóm Minh Châu Trời Đông trình diễn
tại Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa
Ra Mắt sách
Như Một Thoáng Mây Bay
Phần 1
của nhà văn Đỗ Dung
Ra Mắt sách
Như Một Thoáng Mây Bay
Phần 2
của nhà văn Đỗ Dung
Ra Mắt sách
Như Một Thoáng Mây Bay
Phần 3
của nhà văn Đỗ Dung